CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A: CHIÊM NGẮM DUNG NHAN CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ TRONG CUỘC THƯƠNG KHÓ
[Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14 – 27,66]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nếu 4 Sách Phúc Âm đều có Bài Tường Thuật về cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su thì Bài Tường Thuật về cuộc Thương Khó trong Tin Mừng Mát-thêu (26,14 – 27,66) là Bài Tường Thuật đầy đủ và gây xúc cảm nhất. Vì thế mà Giáo Hội cho chúng ta đọc Bài Tường Thuật ấy ngay đầu Tuần Thánh. Với tâm tình kính tôn, yêu mến và cảm tạ chúng ta hãy chiêm ngắm dung nhan tuyệt đẹp của Con Thiên Chúa làm người và chịu đau khổ để cứu chuộc chúng ta và toàn thể nhân loại.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Is 50, 4-7): Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
4 Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. 5 Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7 Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Pl 2, 6-11): Đức Ki-tô đã tự khiêm tự hạ, nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người.
6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; 11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 26,14 – 27,66): Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta (Xin đọc trong Sách Thánh Kinh).
III. KHÁM PHÁ DUNG NHAN CỦA CHÚA GIÊ-SU VÀ SỨ ĐIỆP CỦA BÀI THƯƠNG KHÓ TRONG TIN MỪNG MÁT-THÊU.
3.1 Dung Nhan Chúa Giê-su trong Bài Thương Khó Mt 26,14 – 27,66 có những nét đáng chúng ta ghi nhận trong tâm trí, như sau:
– Một là Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a bị bán rẻ cho kẻ thù, bởi một trong mười hai môn đệ là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Tại sao Giu-đa lại bán Thày mình lấy một số tiền còm như thế? Có người cho rằng vì hắn tham tiền! Có người cho rằng không phải là vì Giu-đa tham tiền mà vì ý đồ chính trị. Có người cho rằng vì Giu-đa vừa tham tiền vừa có ý đồ chính trị. Ý đồ chính trị làm động cơ cho việc Giu-đa bán Thày là: Giu-đa đã chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu và tin rằng Thày mình đúng là Đấng phải đến để thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa. Nhưng Giu-đa không đủ kiên nhẫn chờ đợi ngày Thiên Chúa ra tay và nhất là không chấp nhận con đường cứu thế của Đức Giê-su là con đường đau khổ. Con đường mà Giu-đa muốn Đức Giê-su theo là con đường vinh quang tức chiến thắng bằng bạo lực. Thấy Đức Giê-su cứ “dùng dằng” và “vô tư” trước âm mưu của kẻ thù, Giu-đa tìm cách đẩy Đức Giê-su vào chân tường để cưỡng ép Người dùng quyền năng và vũ lực mà làm cho thiên hạ phải bái phục. Giu-đa bị cám dỗ y như chính Đức Giê-su đã từng bị Xa-tan cám dỗ trong hoang địa. Nhưng Đức Giê-su đã chiến thắng Xa-tan và cám dỗ của nó, còn Giu-đa thì đã thất bại và nghe theo nó. Đức Giê-su chọn là Mê-si-a tự hạ, tự hủy, khiêm cung và tự hiến, còn Giu-đa thì đã không chấp nhận điều ấy.
– Hai là trong bữa ăn cuối cùng của Thày trước lễ Vượt Qua năm 33, Chúa Giê-su là Đấng hết mực yêu thương chăm sóc các môn đệ bằng viêc lập Bí Tích Thánh Thể là Hiến Tế Tình Yêu và các Thừa Tác Viên có chức thánh để các ngài lặp lại Hiến Tế ấy : “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thày; Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thày…Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”
– Ba là trong vườn Cây Dầu Chúa Giê-su đã phải chịu nỗi cô đơn tột cùng trước viễn cảnh cuộc Thương Khó. Kể cả ba môn đệ thân tín nhất là Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê, cũng không chia sẻ được những gì chứa chất trong tâm hồn Người và những gì đang chờ đợi Người ở phía trước. Nhưng Chúa Giê-su đã tỏ ra rất dũng cảm và tuyệt đối vâng phục Thánh Ý của Cha: ”Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi,, thì xin vâng ý Cha”. Tại đây chúng ta còn khám phá Chúa Giê-su là Đấng bị rình bắt, như một tên bất lương; đồng thời bị phản bội bằng một cái hôn gỉa hình mang tính “chỉ điểm” của Giu-đa! Cũng tại đây chúng ta còn khám phá Chúa Giê-su có tấm lòng hiền lành, dịu dàng, ưa chuộng hòa bình và chủ trương bất bạo động: “Hãy xỏ gươm vào vỏ…”
– Bốn là Chúa Giê-su là Đấng đã bị chối bỏ bởi một trong bốn môn đệ đầu tiên và hết sức thân cận là Phê-rô, Tông đồ Trưởng của Nhóm Mười Hai. Phê-rô đã được Đức Giê-su ưu ái cách đặc biệt khi được chứng kiến những giây phút rất riêng tư và bí mật của Thày (trên Núi Ta-bo, trong Vườn Cây Dầu). Tại sao Phê-rô lại chối bỏ Thày mình một cách quá dễ dàng như thế? Chỉ có một lý do: Phê-rô là một kẻ nhát gan! Mới trước đó không lâu, chính Phê-rô còn khăng khăng quả quyết với Thày: “Dầu tất cả có vấp ngã đi chăng nữa, thì con cũng nhất định là không?” Nhưng chỉ mấy giờ sau thì Phê-rô đã chối phăng mối liên hệ của mình với Thày khi bị hai đứa tớ gái và gia nhân nhà thượng tế hạch hỏi. Ba lần bị hỏi là ba lần chối thẳng thừng: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì! Tôi thề là không có biết người mà các ông nói đó!”
– Năm là sau khi bị Phê-rô chối, Chúa Giê-su còn bị các môn đệ khác bỏ rơi. Giu-đa đã bán Chúa. Phê-rô đã chối Chúa. Còn các môn đệ khác thì cũng chẳng hơn gì. Trừ Gio-an có mặt dưới chân thập giá (theo Tin Mừng Gio-an) thì tất cả các môn đệ khác đều đã cao chạy xa bay và trốn biệt tăm biệt tích vì sợ hãi. Họ cũng nhát sợ như Phê-rô! Thế mà trước đó họ cũng thề thốt với Thầy như Phê-rô vậy.
– Sáu là tại dinh thượng tế Cai-pha, Chúa Giê-su là nạn nhân của những âm mưu đen tối và hèn hạ của giới hữu trách Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và Do-thái giáo của người Ít-ra-en: Họ là các thượng tế, kinh sư và kỳ mục của dân, tức là giới lãnh đạo cao cấp của Đền Thờ. Họ tìm mọi cách (kể cả vu oan, chứng dối) để loại trừ Người, chỉ vì Người không đi theo họ, không phục vụ quyền lợi của họ và làm giảm uy tín của họ. Tại dinh tổng trấn Phi-la-tô là đại diện của chính quyền đế quốc Ro-ma đô hộ, Chúa Giê-su là nạn nhân của viên tổng trấn vừa nhát gan vừa tham quyền cố vị, khi ông ta nhắm mắt làm ngơ trước người vô tội bị oan và đồng lõa với giới lãnh đạo Do-thái giáo, để khử trừ vị thiên sai và ngôn sứ vô tội.
– Bầy là Chúa Giê-su là Đấng bị đóng đinh và treo trên cây Thập giá trên ngọn đồi Gol-go-tha, nơi hành quyết những tên tội phạm hình sự. Ở đây trước khi nhắm mắt lìa đời Chúa Giê-su còn bị nhạo báng, sỉ vả và thách thức! Nhưng chính ở trên Cây Gỗ này mà Tình Yêu Cứu Chuộc của Thiên Chúa đã được thể hiện một cách mãnh liệt và huy hoàng nhất!
3.2 Bài Thương Khó Mt 26,14 -27,66 gồm những sứ điệp như sau:
– Sứ điệp đầu tiên là chúng ta hãy đón nhận và tôn vinh Tình Yêu vô bờ bến của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa làm người, đã chịu nạn chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Vì yêu thương và cứu độ loài người theo ý định của Chúa Cha, nên Chúa Giê-su đã chấp nhận mọi cực hình trong tinh thần và thể xác.
– Sứ điệp thứ hai là chúng ta hãy suy gẫm và tìm hiểu tính bí nhiệm của chương trình hay kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa toàn năng toàn trí có thể cứu chuộc loài người bằng trăm triệu cách mà lại chọn con đường Thập giá. Thiên Chúa cực thánh đã trở thành một kẻ tội phạm đáng khinh bỉ, bị phản bội, bị đầy đọa một cách bất công….
– Sứ điệp thứ ba là chúng ta hãy cảnh giác với sự tráo trở của lòng dạ con người nơi chính bản thân chúng ta. Chúa Giê-su đã là nạn nhân của sự nhát gan của các tông đồ và tổng trấn Phi-la-tô. Người cũng đã là nạn nhân của sự xảo trá, ghen tỵ nhỏ nhen của giới lãnh đạo tôn giáo. Người còn là nạn nhân của sự tàn ác, vũ phu của bọn lính và sự vô ơn của đám đông quần chúng, thì chúng ta đừng quá ngây thơ mà cho rằng không ai có thể phản bội chúng ta!
IV. PHẦN ĐÁP TRẢ CỦA CHÚNG TA
Đọc/Nghe bài Thương Khó của Tin Mừng Mát-thêu (26,14 – 27,66) chúng ta không thể không đặt cho mình ba câu hỏi sau:
– Một là tôi có suy nghĩ và hành động giống Giu-đa không? Có bao giờ tôi muốn Đức Giê-su làm theo ý mình không? Có bao giờ tôi đã cam tâm bán rẻ Đức Giê-su và Đạo Thánh của Người để lấy một chút vinh hoa, phú quí, quyền chức, tiền bạc hay thú vui không?
– Haì là tôi có suy nghĩ và hành động giống Phê-rô không? Phê-rô yêu Thày thật sự và với tất cả tâm hồn và bầu nhiệt huyết. Nhưng Phê-rô ỷ vào sức riêng mình và sợ chết. Còn tôi, tôi có ỷ sức mình, có tự cao, tự đại, kiêu căng mà coi thường sự giòn mỏng của bản thân mình không? Tôi có sợ bị liên lụy với Đức Giê-su không?
– Ba là tôi có suy nghĩ và hành động giống như các môn đệ khác của Đức Giê- su không? Tôi có nhát đảm, có sợ bị thiệt thòi, sợ bị sa thải, sợ mất việc làm, sợ bị trù dập, sợ bị mang tiếng là người duy tâm lạc hậu khi người ta biết tôi là người Công giáo, là Ki-tô hữu không?
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giê-su là Ngôi Lời Nhập Thể, là Bánh Hằng Sống, là Hy Lễ dâng lên Chúa Cha vì tội lỗi thế gian và tội lỗi của con.
Xin ban cho con
ơn nhận biết và can đảm tuyên xưng Chúa là Ngôi Lời,
ơn biết rao giảng, loan truyền Chúa là Sự Thật,
ơn biết đi theo con đưòng của Chúa vì chỉ có Chúa là Đường,
ơn biết thắp lên Ánh Sáng Tin Mừng vì Chúa là Ánh Sáng,
ơn biết chết cho mình và sống cho Chúa vì Chúa là Sự Sống,
ơn biết yêu Chúa và yêu thương tha nhân vì Chúa là Tình Yêu,
ơn biết chia sẻ niềm vui với mọi người vì Chúa là Niềm Vui,
ơn biết tận hiến đời con cho Chúa vì Chúa là Của Lễ,
ơn biết trở nên khí cụ trao ban bình an của Chúa vì Chúa là Bình An,
ơn biết khao khát và ơn năng rước Thánh Thể vì Chúa là Bánh Hằng Sống.
(Phỏng theo tư tưởng của Thánh Tê-rê-xa Cal-cut-ta).
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Tags: Mùa-Chay
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA NĂM A : CUỘC PHÁN XÉT CUỐI CÙNG SẼ DỰA TRÊN TÌNH YÊU
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM A : NGHÈO ĐÓI LÀ MỘT TAI TIẾNG, HÃY BIẾN CUỘC ĐỜI CỦA CHÚNG TA THÀNH MỘT LỄ VẬT TÌNH YÊU
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM A : SỰ KHÔN NGOAN CỦA CUỘC SỐNG LÀ CHĂM SÓC TÂM HỒN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM A : TRỞ THÀNH NHỮNG CHỨNG NHÂN ĐÁNG TIN CẬY
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 2023 : SỰ THÁNH THIỆN LÀ MỘT MÓN QUÀ VÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM A: TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐƯỢC THỂ HIỆN NƠI TÌNH YÊU THA NHÂN
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC ĐẠI HỘI THÔNG THƯỜNG LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC: TRỞ THÀNH MỘT GIÁO HỘI TÔN THỜ THIÊN CHÚA VÀ PHỤC VỤ THA NHÂN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN NĂM A : CHÚNG TA KHÔNG THUỘC VỀ BẤT KỲ “XÊDA” NÀO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A : NÓI KHÔNG VỚI THIÊN CHÚA LÀ BI KỊCH ĐỐI VỚI CUỘC SỐNG CON NGƯỜI
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM A: BIẾT ƠN ÁNH SÁNG CHIẾU RỌI HẰNG NGÀY TRONG TÂM HỒN CHÚNG TA
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM A: TỘI NHÂN, VÂNG, HƯ HỎNG, KHÔNG!
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM A: THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG CHÚNG TA BẰNG MỘT TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN VÀ NHƯNG KHÔNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM A : THA THỨ LÀ ĐIỀU KIỆN CĂN BẢN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A : SỬA LỖI HUYNH ĐỆ LÀ MỘT CÁCH DIỄN TẢ CAO NHẤT CỦA TÌNH YÊU
- THÁNH LỄ Ở OULAN BATOR : CHÚA KHÔNG ĐỂ CHO CHÚNG TA THIẾU NƯỚC CỦA LỜI NGÀI
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN NĂM A : CHÚA GIÊSU LÀ AI ĐỐI VỚI TÔI?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN NĂM A: THIÊN CHÚA KHÔNG KHÁNG CỰ KHI NGƯỜI ĐƯỢC KÊU XIN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN NĂM A : RA KHƠI KHÔNG SỢ KHÓ KHĂN
- JMJ 2023 : ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC : « ĐỪNG SỢ ! »
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM A: TÌM KIẾM, TÌM THẤY VÀ TIÊU HAO CHÍNH MÌNH VÌ CHÚA KITÔ