CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM A: CÓ ĐÚNG LÀ “CÓ MỚI NỚI CŨ” KHÔNG?

Written by xbvn on Tháng Hai 12th, 2014. Posted in Năm A, Nguyễn Văn Nội

 

[Hc 15, 15-20; 1 Cr 2,6-10; Mt 5,17-37]  

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Trong đời thường, người ta thường nêu lên nhận xét sau đây: “Có mới nới cũ” để nói lên việc lòng người dễ thay đổi. Thật vậy thường thì khi có cái mới là người ta bỏ đi cái cũ. Nhựng nếu suy nghĩ kỹ một chút, chúng ta thấy trong nhiều lãnh vực người ta chẳng những không bỏ đi cái cũ mà trái lại còn bám chặt vào cái cũ mà từ chối cái mới. Ví dụ: giữa tự do dân chủ và độc tài chuyên chế thì rõ ràng tự do dân chủ là cái mới và độc tài chuyên chế là cái cũ. Giữa tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người và chà đạp nhân quyền và phẩm giá con người, thì tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người, thì tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người là cái mới. Thế mà ngày nay nhiều chính quyền vẫn bám lấy cái cũ là độc tài chuyên chế mà không chấp nhận tự do dân chủ là cái mới, vẫn chà đạp nhân quyền và phẩm giá con người là cái mới. Trong Giáo hội công giáo cũng xẩy ra những điều tương tự:  rõ ràng tính quan liêu, cha chú, giáo sĩ trị là cái cũ và tính trọng dân, đồng trách nhiệm, lãnh đạo hợp tác là cái mới. Thế mà nhiều chức sắc và giáo dân vẫn bám lấy cái cũ mà không theo cái mới.

Hội Thánh Công giáo luôn chủ trương và không ngừng mời gọi các thành phần dân Chúa canh tân đổi mới, nhưng các Ki-tô hữu, giáo dân cũng như giáo sĩ, gặp muôn vàn khó khăn trong việc thay đổi não trạng và cách sống. Lý do là vì người ta thường bám víu vào quá khứ với những tập quán quen thuộc đã thành nếp nghĩ, nếp sống cố định mà không dám dấn mình vào cuộc phiêu lưu của Thần Khí Thiên Chúa. “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3,8), Chúa Giê-su đã nói như thế với ông Ni-cô-đê-mô, một bậc thày của người Do-thái. Và trong Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Chúa Giê-su đặt những người đồng hương của Người vào tư thế phài chọn lựa giữa cái cũ và cái mới. Ý của Chúa Giê-su hiển nhiên là người ta nên/phải chọn cái mới vì cái cũ đã qua, cái mới đã tới và cái mới thì trổi vượt và hoàn hảo hơn cái cũ.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Hc 15,15-20): Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức

15  Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn

mà trung tín làm điều đẹp ý Người.

16 Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước,

con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy.

17 Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử,

ai thích gì, sẽ được cái đó.

18Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao,

Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả.

19 Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người,

và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện.

20 Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội.

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Cr 2,6-10): Lẽ khôn ngoan Thiên Chúa đã tiển định từ trước muốn đời, cho chúng ta được vinh hiển

6 Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. 7 Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.   8 Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. 9 Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.

10 Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 5,17-37): Anh em đã nghe luật dậy người xưa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết

17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,  24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

27 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. 28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. 29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. 30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

31 “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. 32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

33 “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. 34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. 35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.  36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được.   37 Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

 III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)

Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

– là Đấng đã cho Ít-ra-en đã đặt Ít-ra-en trước “lửa và nước”, trước  “cửa sinh cửa tử” để Ít-ra-en chọn lựa và bước tới.

– là Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian để mạc khải cho loài người biết Kế Hoạch của Chúa Cha và sự trổi vượt của Luật Mới so với  Luật Cũ mà dân Ít-ra-en đã tuân giữ trong thời Cựu Ước.

 – là Chúa Thánh Thần, Đấng mở rộng tâm hồn con người, để họ đón nhận sự giáo huấn của Chúa Giê-su Ki-tô.

 3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)

Sứ điệp hay Giáo huấn của Lời Chúa hôm nay là các môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô phải “ăn ở công chính hơn các Kinh Sư và người Pha-ri-sêu.”

Các Kinh Sư và Pha-ri-sêu giữ luật theo chữ đen mà bỏ quên tinh thần, giữa luật hình thức bề ngoài mà không đi sâu vào nội dung và ý nghĩa đích thực của luật, giữ luật để được người đời khen ngợi chứ không phải để làm đẹp lòng Thiên Chúa.

“Ăn ở công chính hơn các Kinh Sư và Pha-ri-sêu” là ăn ở theo tinh thần của Phúc Âm để xứng đáng làm con cái hiếu thảo của Thiên Chúa.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Chúa Cha là Đấng đã mạc khải lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Người cho nhân loại và mời gọi mọi người chọn con đường sống (cửa sinh).

Sống với Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã giáo dục các môn đệ về Luật Mới của Phúc Âm trổi vượt và hoàn hảo hơn Luật cũ.

Sống với Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần là Đấng luôn hiện diện và hành động nơi các Ki-tô hữu, để giúp họ cảm nghiệm được lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa và biết đi vào con đường sống (cửa sinh) mà Thiên Chúa đã mời gọi và mở ra cho chúng ta.

4.2 Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa

là “ăn ở công chính hơn các Kinh Sư và Pha-ri-sêu” tức ăn ở theo tinh thần của Phúc Âm để xứng đáng làm con cái hiếu thảo của Thiên Chúa. Cũng có nghĩa là thấm nhuần lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa và chọn con đường sống (cửa sinh) mà Thiên Chúa đã mời gọi và mở ra cho chúng ta.

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một thành phần Dân Chúa hay một thành phần xã hội]

5.1 “Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới, nhất là cho dân tộc phải sống trong cảnh bất công áp bức để họ biết nghe theo tiếng lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa, dậy ăn ngay ở lành và làm phúc cho những người khốn khổ.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 “Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy không chỉ giảng dậy lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa mà còn là những người nêu gương cho mọi người sống theo lẽ khôn ngoan nhiệm mầu ấy.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu thuộc cộng đồng giáo xứ chúng ta, để mọi người tăng cường và phát triển đời sống đức tin, đức cậy và đức mến của các Ki-tô hữu trưởng thành.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.4 “Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các cấp chính quyền, cho các người làm báo, cho các bậc làm cha làm mẹ và cho các thầy cô giáo, để họ biết cư xử và truyền thông một cách trung thực với dân chúng, độc/thính giả, con cái và học trò của mình.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.    

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31