CHỦNG VIỆN HUẾ TĨNH TÂM NĂM: BÀI GIẢNG 2: TIẾN TRÌNH ƠN GỌI NĂM BƯỚC
BÀI 2
(Sáng 29/10/2013)
TIẾN TRÌNH ƠN GỌI NĂM BƯỚC
Thưa anh em,
Tất cả mọi sự đều có tiến trình của nó, và phải tiệm tiến đi như thế trong trật tự, đi sai nhịp là sẽ bị đảo lộn, rối tung lên và có nguy cơ thất bại. Ơn gọi cũng thế, không thể đòi hỏi anh em năm Tu Đức phải giống được như anh em sắp ra trường, cũng như không thể chấp nhận anh em Thần Tư mà cũng dẫm chân tại chỗ như khi mới vào Chủng viện. Vì thế, việc nói về tiến trình sống ơn gọi này hữu ích không phải chỉ riêng cho các anh em mới bắt đầu, mà cả những anh em lớp lớn, và thậm chí cả những người đã chịu chức linh mục vẫn còn cần thiết để sống tốt và thành công trong đời sống và sứ vụ ơn gọi của mình cho đến cùng.
Tôi xin giới thiệu khái quát cả tiến trình Năm Bước để anh em dễ nắm bắt, rồi sau đó chúng ta sẽ trở lại từng bước chi tiết hơn:
Bước thứ nhất: CHÚA GỌI. Chúa gọi trực tiếp từ trong sâu thẳm cõi lòng hay gián tiếp qua người nọ kẻ kia, hoặc Chúa phối hợp cả hai cách để nói lên kế hoạch yêu thương quan phòng của Chúa cho mỗi người. Ứng sinh trong giai đoạn quan trọng này cần có người đồng hành cùng tìm kiếm và phân định ý Chúa, như Thầy Cả Hêli đã dặn cậu bé Samuel: “Nếu con còn nghe Người gọi, con hãy nói ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sm 3,9).
Bước thứ hai: TA ĐÁP LẠI. Ứng sinh quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa, với cả hai yếu tố Thích và Hợp: THÍCH là yếu tố chủ quan và tình cảm có thể theo phong trào, nhất thời và hay thay đổi, HỢP là yếu tố khách quan kiên định đòi hỏi khả năng và phẩm chất để được bền lâu cho đến cùng. Tự mình đánh giá mình, ứng sinh có thế bị ảo tưởng và sai lầm, nên cần có người đào tạo kinh nghiệm hướng dẫn để khỏi chọn lựa sai kế hoạch của Chúa. Thích làm linh mục mà không hợp là không được; được mọi người đánh giá là hợp mà đương sự không thích thì cũng chịu thua.
Bước thứ ba: CAM KẾT THEO CHÍNH CHÚA KITÔ TOÀN THỂ. Ứng sinh cam kết đi theo chính Chúa Kitô, và là Chúa Kitô toàn thể, nghĩa là Chúa Kitô vinh hiển của núi Taborê cũng như Chúa Kitô khổ nạn của đồi Golgotha, chứ không phải theo ai hay gì khác, dù gặp vui hay buồn, sướng hay khổ. Nếu gặp được Bề Trên và anh em thông cảm nâng đỡ thì con đường vác thập giá đi theo Chúa được nhẹ nhàng hơn, còn nếu gặp phải người thiếu thông cảm hay không thấu hiểu, thậm chí hiểu lầm, thì con đường thập giá theo Chúa có nặng nề hơn, nhưng vẫn quyết tâm đi tới, không hề bỏ cuộc, bởi vì nếu cố tìm Chúa Giêsu mà không có thánh giá thì sẽ có nguy cơ gặp phải thánh giá mà không có Chúa Giêsu.
Bước thứ tư: DẦN DẦN BIẾN ĐỔI VÀ ĐIỀU CHỈNH CUỘC SỐNG ĐÚNG VỚI LÝ TƯỞNG. Ứng sinh phải dần dần biến đổi và điều chỉnh cuộc sống mình cho phù hợp với đời sống tu trì nói chung, và nhất là phù hợp với đặc sủng và linh đạo riêng biệt mình muốn dấn thân vào. Ở đây là linh đạo linh mục giáo phận mà tôi đã cố gắng trình bày trong cuốn sách Linh Mục Giáo Phận Như Lòng Mong Ước mà Chủng viện đã biếu tặng mỗi anh em. Ứng sinh cần ý thức rõ nhiều động lực đang có mặt nơi mình, đồng thời cũng thấy được sự xung khắc giữa các động lực ấy và giải quyết chúng. Động lực nào phù hợp với đời tu sẽ được vun trồng thăng tiến. Động lực nào không phù hợp với đời tu thì phải loại bỏ hay biến đổi. Đây cũng là một bước rất quan trọng cần phải xét đến ý ngay lành và các động lực thúc đẩy ý hướng.
Bước thứ năm: KIÊN TRÌ TRUNG THÀNH CHU TOÀN BỔN PHẬN ĐẤNG BẬC. Ứng sinh kiên trì chu toàn bổn phận tự nhiên cũng như thiêng liêng của mình, không những trong thời gian đào tạo khởi đầu ở Chủng viện, mà cả trong suốt cuộc đời thi hành sứ vụ sau này sẽ được giao phó, cho dù hoàn cảnh cuộc sống có thế nào đi nữa. Những người không kiên trì trong bổn phận thường dễ vấp ngã và bỏ cuộc.
Sống tiến trình ơn gọi năm bước này là một công trình hợp tác của mọi thành phần Giáo Hội với ơn Chúa. Nhưng việc đầu tiên phải làm là cầu nguyện, vì việc theo đuổi ơn gọi là điều Chúa muốn chứ không phải con người muốn mà thành. Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm cùng Chúa Cha trước khi chọn 12 tông đồ từ giữa các môn đệ: “Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”[1]. Và cũng chính Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện cho có thêm thợ gặt, như thánh Luca viết: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”[2]; còn thánh Matthêu thì nói chi tiết hơn: “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”[3]. Giáo Hội cầu nguyện, Giáo phận cầu nguyện, giáo xứ cầu nguyện, gia đình cầu nguyện, những người thân quen cầu nguyện, nhất là chính ứng sinh cầu nguyện để mình được Chúa thương chọn gọi: “Dạ, con đây, xin sai con đi”[4].
Việc thứ hai là phải vun trồng và bảo vệ ơn gọi: phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ơn gọi được triển nở, phải cất đi hay tránh xa những môi trường, những mối quan hệ gây hại cho ơn gọi, nhất là các tương quan với người khác phái trong thế giới tục hóa và hưởng thụ hôm nay.
Giờ chúng ta đi vào chi tiết
1. BƯỚC THỨ NHẤT: CHÚA GỌI
Chúa gọi trực tiếp từ trong sâu thẳm cõi lòng hay gián tiếp qua người nọ kẻ kia, hoặc Chúa phối hợp cả hai cách để nói lên kế hoạch yêu thương quan phòng của Chúa cho mỗi người, với từng bối cảnh cụ thể của cuộc sống mỗi người. Ứng sinh trong giai đoạn quan trọng này cần có người đồng hành cùng tìm kiếm và phân định ý Chúa.
Chúng ta thử ngắm nhìn một số ơn gọi điển hình trong Thánh Kinh. Trước hết là câu chuyện Ơn gọi của cậu bé Samuel. Chắc anh em đã nhiều lần đọc đoạn sách này: “Cậu bé Sa-mu-en phụng sự Đức Chúa, có ông Ê-li trông nom. Thời ấy, lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” Rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en! Sa-mu-en!” Sa-mu-en thưa: “Xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”[5]. Ai đã giúp anh em nhận ra lời mời gọi của Chúa?
Câu chuyện thứ hai là Tiến trình ơn gọi của Đức Mẹ[6]: Thiên Chúa đi bước trước sai sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Thoạt đầu Đức Mẹ băn khoăn: Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì. Sứ thần liền giải thích: “Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Đức Mẹ phản bác lại vì trái với quyết ý và kế hoạch của Mẹ cho cuộc đời mình, cũng như Mẹ nghĩ theo cách tự nhiên của con người: “Việc ấy làm sao xảy ra được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần lại giải thích: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Sứ thần còn nêu bằng chứng thuyết phục: “Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ Đức Mẹ từ bỏ ý muốn và kế hoạch riêng của Mẹ để chấp nhận ý muốn và kế hoạch của Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Chúng ta thấy Thiên Chúa không hành động nghịch lại tự do của con người, mà Ngài cần đến sự ưng thuận tự do của tạo vật của Ngài: Cả trời và đất, cả thiên đàng và trần thế, cả chính Thiên Chúa đều chờ đợi lời đáp trả của Mẹ Maria. Mẹ trở nên mẫu gương cho chúng ta trước lời mời gọi của Chúa. Mẹ có ý muốn và kế hoạch cho cuộc đời của Mẹ. Nhưng một khi thiên sứ giải thích và thuyết phục, Mẹ nhận ra ý muốn và kế hoạch của Chúa trên cuộc đời Mẹ thì Mẹ liền mau mắn lụy phục ý muốn và kế hoạch của Mẹ cho ý muốn và kế hoạch của Chúa. Ai trong chúng ta cũng có ý muốn và kế hoạch riêng cho đời mình, liệu ý muốn và kế hoạch đó có phù hợp với ý muốn và kế hoạch của Chúa cho mình không; và nếu không thì chúng ta có dám luỵ phục ý muốn và kế hoạch của mình cho ý muốn và kế hoạch của Chúa không, vì chúng ta chỉ thực sự triển nở và hạnh phúc trong ý muốn và kế hoạch của Chúa cho mình?
Câu chuyện thứ ba là Ơn gọi của bốn Tông đồ đầu tiên: “Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp:“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Si-môn sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người”[7].
Là những người đánh cá chuyên nghiệp mà suốt cả đêm các ông không bắt được con cá nào, dù là thời gian thuận tiện cho việc đánh bắt, vì ban đêm các phiêu sinh vật nổi lên mặt nước và cá theo đó mà tìm thức ăn. Ấy thế mà khi có Chúa Giêsu ở cùng trên thuyền và vâng lời Ngài, dù Ngài không từng trải nghề cá, các ông được một mẻ cá lạ lùng. Và chính mẻ cá lạ lùng này đã thúc đẩy các tông đồ mau mắn theo Chúa. ĐTC Phanxicô khuyến khích giới trẻ: “Hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu. Chúa luôn luôn ở với chúng ta. Người ở bên bờ của cuộc đởi, Người đến gần những thất bại của chúng ta, những yếu đuối của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, để biến đổi chúng”[8].
Lời mời gọi của Chúa thật đa dạng và phong phú, đến như bất ngờ và dường như không thể. Chúng ta có thể kể đến lời mời gọi Matthêu bên bàn thu thuế[9], Mai-đệ-liên gái điếm[10] hay Phaolô bắt đạo[11] và bao nhiêu kỳ tích ơn gọi của các thánh, cùng những người mà chúng ta có thể biết được… Nhìn vào câu chuyện đời với những biến cố nổi bật của chính mỗi người chúng ta, thành công hoặc thất bại, thánh thiện hoặc tội lỗi, các nhà đào tạo, nhất là vị linh hướng, có thể giúp chúng ta đọc được dấu chỉ lời mời gọi của Chúa, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp bởi ai đó gợi ý thúc đẩy. Có thể là cha mẹ, cha xứ, thầy xứ, bạn bè… giống như Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ mình, hoặc như Anrê dẫn em mình là Simon, Philipphê dẫn Nathanael đến với Chúa Giêsu… Hôm nay, Chúa vẫn luôn tiếp tục gọi và đổi mới lời mời gọi của Ngài qua từng biến cố cuộc đời của chúng ta.
Những ngày tĩnh tâm năm này là cơ hội thuận tiện để mỗi người chúng ta đọc lại lịch sử ơn gọi của mình, và nghiêm túc bắt đầu việc lượng sức mình để quyết định dứt khoát ơn gọi của mình, càng sớm càng tốt, ích lợi vừa cho bản thân vừa cho Giáo Hội. Dù đã ở trong Chủng viện một thời gian, lâu mau tuỳ người, chúng ta cũng vẫn đang tìm hiểu ơn gọi mỗi ngày cho chín chắn hơn, bằng việc kiểm tra chính mình và các ân ban của mình xem có phù hợp với đời sống và sứ vụ linh mục giáo phận không. Chúng ta phải phân định và đánh giá các ân huệ ấy xem có ăn khớp với kế hoạch chung và nhu cầu của Giáo Hội hay không. Dĩ nhiên phải có hòa điệu trong việc sống các ân ban đa dạng ấy mới sống ơn gọi một cách vui tươi hạnh phúc được.
Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm đào tạo cũng tìm hiểu và đánh giá để đón nhận và thăng tiến chúng ta, như Chúa Giêsu đã thẩm định ông Nathanael là “người đích thực, lòng dạ không có gì gian dối” và đã tiếp nhận ông vào hàng ngũ tông đồ của Chúa[12]. Các ngài cũng xem tính tình, khả năng, lòng đạo đức, ý hướng và động lực của chúng ta có phù hợp với ơn gọi linh mục không. Trong thư gửi người công giáo Á Nhĩ Lan về những tổn thương đau đớn do nạn lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, ĐTC Biển Đức XVI qui kết là “do các thủ tục thiếu sót trong việc ấn định ra tư cách xứng đáng của các ứng viên chức linh mục và cuộc sống tu trì; thiếu sót trong việc đào tạo nhân bản, luân lý, tri thức và thiêng liêng trong các chủng viện và tập viện.”[13] Tuy nhiên, cơ hội vẫn chưa đóng lại và họ được mời gọi khẩn trương hơn trong việc học hỏi, trao đổi và linh hướng để quyết định thật sự lật sang trang đời mới trước khi quá muộn, vì tội thì tha lỗi thì sửa, mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. Người chưa phạm lỗi gì chưa chắc đã “bảo đảm” hơn người có lỗi mà đã sửa được và dứt khoát không tái phạm: tiên cũng có khi đọa, thánh cũng có khi lầm, huống chi là con người mỏng dòn hèn yếu như chúng ta!
Việc phân định ơn gọi này không thể thiếu, dù bước đầu có thể rất may mắn như cậu bé Ba Tây dịp ĐTC Phanxicô đến chủ sự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28, sau khi vượt qua rào cản nhảy lên xe ĐGH, thì thầm với ngài: “Tâu Đức Thánh Cha, con muốn trở thành một linh mục của Chúa Kitô”. Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Cha sẽ cầu nguyện cho con, nhưng cha xin con cũng cầu nguyện cho cha”, Ngài cảm động rơi nước mắt và ôm cậu: “Từ hôm nay, ơn gọi của con được thiết lập”[14]. “Được thiết lập” hôm nay không có nghĩa là được bảo đảm mãi về sau, nhưng phải gìn giữ và phát triển tích cực hơn lên mỗi ngày mới được. Nhà danh họa bức vẻ Tiệc ly chọn được một chàng trai hoàn hảo làm mẫu để vẽ nên thánh Gioan, đến lúc vẽ Giuđa thì rất khó khăn mới tìm được một tên vô lại làm mẫu. Trong quá trình làm việc, tên vô lại làm mẫu để vẽ Giuđa cho biết chính anh đã được chọn làm mẫu vẽ chân dung thánh Gioan trước đó. Một người có thể trở thành tốt hơn hoặc xấu hơn là như vậy đó.
Trong những giờ suy niệm cá nhân trước Thánh Thể, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã kêu gọi chúng ta, đồng thời xin cho chúng ta được kiên trì cộng tác với ơn Chúa, dù chúng ta không tốt hơn và nhiều khả năng hơn nhiều anh em đồng tuổi khác, để tỏ rõ tình thương vô điều kiện và quyền tự do chọn gọi của Chúa, như Ngài đã nói: “Không phải các con chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. ĐTC Biển Đức XVI khích lệ hơn 6.000 chủng sinh, những người ao ước trở nên linh mục của Chúa Kitô để phục vụ Giáo Hội và con người, đến từ khắp nơi trên thế giới trong thánh lễ ngày 20/8/2011: “Các con đã nghe theo tiếng gọi của Chúa Kitô, và được cái nhìn đầy yêu thương của Ngài lôi cuốn. Các con hãy hướng mắt lên Ngài: qua việc Nhập thể, Ngài mang lại cho thế giới mạc khải sau cùng về Thiên Chúa, và nhờ sự Phục sinh, Ngài đã trung thành thực thi lời hứa. Hãy tạ ơn Chúa vì dấu chỉ yêu mến đánh dấu mỗi người trong các con”[15]. Còn ĐTC Phanxicô trong cuộc gặp các chủng sinh và tập sinh hôm 6/7/2013 nhắc nhở: “Trở thành linh mục, tu sĩ hay nữ tu, không phải là một lựa chọn chúng ta thực hiện hoàn toàn bằng bản thân mình. Tôi không tin tưởng một chủng sinh, hay một tập sinh nói với tôi ‘Con đã chọn con đường này’. Tôi không thích nói như vậy! Điều đó không đúng. Câu trả lời của chúng ta được kích hoạt bởi một lời mời gọi tình yêu. Đó là một cái gì bạn cảm thấy bên trong. Cái gì đó làm chúng ta không yên. Và bạn đáp trả lại ‘Vâng.’ Xin Mẹ Maria luôn đồng hành nâng đỡ chúng ta. Và xin mời anh em lắng nghe cùng hội nhập vào bài hát “Tình Chúa Chọn Con” để kết thúc.
[1] Lc 6, 12-13.
[2] Lc 10, 2.
[3] Mt 9,36-38.
[4] Is 6, 8.
[5] 1 Sm 3, 1-10.
[6] Lc 1, 26-38.
[7] Lc 5,1-11.
[8] Trích bài giảng trong chuyến Viếng Thăm Mục Vụ Cagliari Chủ Nhật 22/9/2013.
[9] Mt 9,9.
[10] Ga 8, 2-11.
[11] Cv 9, 1-18.
[12] Ga 1,35-50.
[13] Thư ĐTC Biển Đức XVI gửi Người Công giáo Ái Nhĩ Lan, Vatican ngày 20/3/2010.
[14] Đó là cậu Nathan de Brito ở Rio de Janeiro trong bộ áo của đội bóng quốc gia Brazil, được Phóng viên CNA thuật lại.
[15] Xem bài dịch của Cha Tiến in trong website Xuân Bích http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/08/20/duc-thanh-cha-voi-chung-sinh/
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ MỪNG BỔN MẠNG LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- NHỮNG TÂM TÌNH NGÀY LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ TẠ ƠN TÂN LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ GIỖ ĐẦU TIÊN ĐỨC CHA PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH
- VIDEO THÁNH LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ – BỔN MẠNG ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ NGÀY 22.11.2024
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024
- THIỆP MỜI BỔN MẠNG ĐCV HUẾ VÀ NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: TALKSHOW “CÂU CHUYỆN HUYNH TRƯỞNG”
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- ĐCV HUẾ: HÌNH ẢNH KHAI MẠC GIẢI BÓNG CHUYỀN CUP XUÂN BÍCH 2024
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI