CHỦNG VIỆN HUẾ TĨNH TÂM NĂM: BÀI GIẢNG 4: BƯỚC THỨ BA: CAM KẾT THEO CHÍNH CHÚA KITÔ TOÀN THỂ

Written by xbvn on Tháng Mười 30th, 2013. Posted in Huế, Lm. Trần Minh Huy, Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

BÀI 4

(Sáng 30/10/2013)

 BƯỚC THỨ BA: CAM KẾT THEO CHÍNH CHÚA KITÔ TOÀN THỂ

 Chính Chúa Giêsu đã nói: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và sai các con ra đi, để các con sinh hoa trái và hoa trái các con tồn tại, hầu tất cả những gì các con xin Cha nhân danh Thầy thì Người ban cho các con”[1]. Như thế, mỗi người phải khẳng định rằng mình theo chính Chúa Kitô chứ không phải ai khác, và đặt Chúa Kitô ở trung tâm của tất cả mọi sự. Được hiểu hay không được hiểu, được ủng hộ hay bị chống đối, vui hay buồn, sướng hay khổ, thành công hay thất bại, mặc! Cứ bám chặt vào Chúa, chúng ta sẽ nhận được một sức mạnh kỳ diệu nâng đỡ mà Thánh Phaolô xác quyết là “chính Chúa Kitô sống trong tôi[2].

 Quả vậy, chúng ta cam kết đi theo chính Chúa Kitô, và là Chúa Kitô toàn thể, nghĩa là Chúa Kitô vinh hiển của núi Taborê cũng như Chúa Kitô khổ nạn của đồi Golgotha, dù gặp hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa. Nếu gặp được Bề Trên, các cha giáo và anh em cảm thông nâng đỡ thì con đường vác thập giá đi theo Chúa được nhẹ nhàng hơn, còn nếu gặp phải người thiếu thông cảm hay quá khó thì con đường thập giá theo Chúa có nặng nề hơn, nhưng vẫn quyết tâm đi tới, không hề bỏ cuộc, “biết rằng đời hiểu hay không, uống cho bằng cạn chén hồng Chúa giao, thương ai Chúa mới gọi vào, kèm trong thử thách dạt dào đỡ nâng”, bởi vì nếu cố tìm Chúa Giêsu mà không có thánh giá thì sẽ có nguy cơ gặp phải thánh giá mà không có Chúa Giêsu.

 Để hiểu được tính cách và tầm quan trọng của cam kết này, chúng ta phải xét đến các động lực ơn gọi. Đúng vậy, đàng sau mọi quyết định và hành động đều có một hay nhiều động lực ẩn khuất tác động. Chúng ta cần một không gian và thời gian để xem xét, làm sáng tỏ và thanh luyện các động lực của mình. Có thế thì việc đáp trả lời mời gọi và cam kết theo Chúa mới bền vững trong tin yêu và quảng đại. Công cuộc đào tạo ở Chủng viện, đặc biệt việc đồng hành thiêng liêng và linh hướng sẽ đóng góp vào việc nhận diện và thanh lọc các động lực ấy.

 Có những động lực ý thức, như lòng khao khát phục vụ Chúa và các linh hồn, làm việc tông đồ, có nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, v.v… Có những động lực vô thức tìm kiếm thỏa mãn các nhu cầu đã không được thỏa mãn trong thời niên thiếu, hoặc do ảnh hưởng của người khác can thiệp vào, khao khát cuộc sống được bảo đảm, khao khát được nhận biết, được chú ý, được chấp nhận; khao khát được kiện toàn, để chu toàn một lời hứa khi nhỏ, để thoát khỏi nghèo khổ, thoát ly khỏi đời sống gia đình bất hạnh, tìm kiếm đặc ân, thoả mãn tham vọng của cha mẹ, v.v… Các động lực ấy chẳng phải là tội, nhưng chúng bộc lộ những thiếu sót trong con đường ơn gọi.

 Để tăng cường sự phát triển trưởng thành nhân bản và thiêng liêng, ta cần trung thực loại bỏ hay biến đổi uốn nắn các động lực không thích hợp. Đừng coi thường sự quí mến bản thân với các nhu cầu của nó. Sự quí mến bản thân giúp ta ý thức về sự dâng hiến bản thân. Nếu không có qúi mến bản thân thì dâng hiến cái gì? Do đó phải đối mặt gọi tên và giải quyết tốt các nhu cầu ấy để sự dâng hiến bản thân được ý nghĩa trọn vẹn và bền bĩ. Chỉ trong ánh sáng tình yêu vô điều kiện và bất biến của Chúa, ước muốn dâng hiến bản thân mới ngày một hiện rõ và tự do trao dâng cho Chúa và tha nhân, theo sự thúc đẩy của ơn Chúa Thánh Thần. Xem xét các loại động lực thúc đẩy ý hướng này giúp chúng ta nắm rõ nội dung và sức năng động trong ý hướng muốn tiến vào đời sống dâng hiến:

 Ý hướng cam kết cung ứng khả năng đáp lại tiếng Chúa gọi, nhờ hoa quả của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mình. Đây là ý hướng lý tưởng của người tương đối trưởng thành và hướng tới tự hiến, tự do đáp lại lời mời gọi của Chúa.

 Ý hướng phận vụ thường bị giằng co giữa việc tìm kiện toàn chính mình và sự sẵn sàng dâng hiến bản thân mình. Tính lưỡng diện này tỏ lộ lãnh vực không có tự do trong cái tôi còn thiếu trưởng thành, nên cần một sự phân định cẩn thận.

 Ý hướng địa vị tìm thăng tiến bản thân để che lấp sự bất ổn căn bản trong đời sống của mình, hay vì ước muốn và tham vọng của người khác coi đời tu là một thăng tiến xã hội, như hoài bảo của cha mẹ họ hàng chẳng hạn: linh mục là người luôn được kính trọng và có vị thế trong xã hội.

 Ý hướng trốn thoát nhằm tìm kiếm sự che chở từ cuộc sống tu trì, muốn tránh những phiền toái rắc rối của đời sống hôn nhân gia đình, dù rằng vẫn chịu sự lôi cuốn. Tính nhập nhằng này có thể được quan sát thấy cách dễ dàng trong thái độ lẫn cách ứng xử.

 Ứng sinh có ý hướng địa vị và trốn thoát thường không có ơn gọi đích thực, bởi vì họ thiếu trưởng thành nhân cách và sẽ dễ dàng từ bỏ hoặc phản bội sứ vụ căn bản của mình. Một nhà phân định bén nhạy có thể trực giác ngay được ý muốn phục vụ tha nhân của ứng sinh như thế nào.

Ứng sinh cần phải ý thức về nhiều nhân tố trong động lực ơn gọi của mình và phân tích những đường lối dấn thân phục vụ tha nhân, bao gồm cả việc trung thành với lời cam kết của mình. Nhiệm vụ của vị hướng dẫn ơn gọi thật là quan trọng. Người hướng dẫn cần giúp ứng sinh ý thức rõ nhiều động lực đang có mặt nơi anh, đồng thời giúp anh thấy được sự xung khắc giữa các động lực ấy và giải quyết chúng. Động lực nào phù hợp với đời tu sẽ được sử dụng để thăng tiến. Động lực nào không phù hợp với đời tu thì phải loại bỏ hay biến đổi. Nếu không thể nào thay đổi được, nên khéo léo khuyên anh tìm một cuộc sống ở nơi nào khác thì tốt hơn là theo đuổi đời sống hướng tới chức linh mục.

 Để sống cao độ sự cam kết này, ứng sinh cần phải tự biết mình. Ở cửa đền Alphê, Socrate cho khắc chữ “Hãy tự biết mình.” Còn Thánh Augustinô thì cầu nguyện mỗi ngày “xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Tự biết mình là yếu tố rất quan trọng để ứng sinh đạt được mức độ trưởng thành. Phải cố gắng hiểu được mình là ai, với tất cả những điểm mạnh và những điểm yếu. Nếu không có nhận thức rõ ràng về mình, ứng sinh dễ có khuynh hướng tự tôn bằng sự phòng vệ coi mình là trung tâm điểm hoặc tự ti và quá lệ thuộc vào người khác. Sự kiện rất nhiều ứng sinh ngày nay không thể trực diện với chính mình để biết mình là ai giải thích tại sao có nhiều sự thiếu trưởng thành hay tự đánh giá thấp nơi nhiều chủng sinh, ngay cả nơi một số linh mục trẻ mới ra trường nữa. Ứng sinh phải tự biết mình là ai, và đang ở đâu trong tiến trình tu luyện. Nhà đào tạo cũng phải biết ứng sinh đang ở giai đoạn nào trong tiến trình ấy, để nhẫn nại dẫn dắt, không đốt giai đoạn, kẻo đốt giai đoạn là đốt cháy cả một đời người.

 Để được kiên vững trong cam kết theo chính Chúa Kitô toàn thể này, không chỉ trong giai đoạn chủng viện mà cả về sau này nữa, chúng ta phải luôn luôn đặt Chúa làm trung tâm chứ không phải mình, và tìm Chúa hơn là công việc của Chúa. Quả vậy, sứ vụ tông đồ là cái chung nhất của những ai muốn dấn thân phục vụ tha nhân, muốn đi truyền giáo, muốn xả thân cho người nghèo, nghĩa là nhắm đến phục vụ, tức CÔNG VIỆC CỦA CHÚA. Các cơ cấu Giáo Hội được nhắm tới và được đón nhận như điểm tựa mục vụ, vì chúng giúp ta dấn thân cho sứ vụ tông đồ. Việc hoàn thiện các đức tính nhân bản, thăng tiến các tài năng, nghiệp vụ là những yếu tố giúp việc tông đồ hiệu năng hơn. Độc thân khiết tịnh cũng được nhìn theo viễn ảnh phục vụ: sẵn sàng khi thuyên chuyển (người bị dính bén tình cảm phái tính gây nhiều khó khăn khi cần thuyên chuyển!).

 Việc đánh giá cao thành tích tông đồ, địa vị, quyền lực, tiền của và coi thường người thiếu khả năng khiến một số người bỏ bê đời sống thiêng liêng để chạy theo tính hiệu quả của công việc, học hành, thi cử: có khi gian lận để đặt cho được bằng mọi giá, thậm chí lừa thầy phản bạn, đội trên đạp dưới! Nếu coi hoạt động tông đồ là động lực tối hậu thì khi không còn hoạt động tông đồ được nữa (do hoàn cảnh, bệnh tật, tuổi tác), các vấn đề tiêu cực sẽ nổi lên, vì sự quá lý tưởng vào việc tông đồ sẽ gặp chán nản và không còn hứng khởi kiên trì theo đuổi ơn gọi. Lúc đó việc rời bỏ đời tu là kết quả đương nhiên của cơn khủng hoảng.

 Sự xung đột thường xảy ra giữa các cơ cấu tông đồ nặng tính truyền thống của thế hệ lớn tuổi và lối sống tông đồ sáng tạo của thế hệ mới. Nếu không điều chỉnh hài hoà được thì gánh nặng cơ cấu truyền thống sẽ bị kết thúc bởi khủng hoảng và những cuộc ra đi. Có những người ở lại chỉ vì đối với họ, việc rời bỏ đời tu là một sự sụp đổ hoàn toàn. Trong hoàn cảnh ấy, đức khiết tịnh cũng chỉ được duy trì bởi sự khổ hạnh, một khổ hạnh gắn liền với kỷ luật hơn là tình yêu tự nguyện và hạnh phúc trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Có người chọn giải pháp tiêu cực: đã quá muộn để rời bỏ đời tu, phải cố chịu đựng cuộc sống như định mệnh đã an bài, luôn đau khổ vì tiếc nuối những hoạt động thật ý nghĩa trong quá khứ mà bây giờ không còn nữa. Người khác ở lại vì đời tu mang lại cho họ một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, an toàn, dù rất tầm thường và chấp nhận một số công việc tông đồ ít ỏi mà họ có thể làm. Nếu sứ vụ tông đồ là động lực đời tu mà còn như thế thì người mang động lực có tính cách trần thế khác sẽ thế nào khi gặp khó khăn thử thách? Họ sẽ bỏ cuộc hoặc sẽ sống một đời tu miễn cưỡng, đã không triển nở hạnh phúc, mà còn sẽ có những tiêu cực nguy hại cho bản thân, cho tha nhân, cho Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội, vốn là công trình của Thiên Chúa.

 Trái lại, việc dấn thân vì CHÍNH CHÚA giúp ta nhận biết Chúa là tuyệt đối và có qui chiếu tối hậu nơi Ngài, đến đỗi ngay cả giữa những cơn thử thách lớn lao và ngờ vực của đêm tối đức tin, chúng ta cũng cảm nhận được Chúa Là Tất Cả. Xác tín này cổ vũ dấn thân sống bền đỗ đời sống và sứ vụ ơn gọi trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Nó đem lại bình an, vui tươi và kích hoạt sức mạnh cần thiết để chúng ta sống vui tươi cuộc đời ơn gọi của mình.

 Kinh nghiệm này là một ân ban được tăng trưởng nhờ kiên trì cầu nguyện, chiêm niệm và đời sống nội tâm sâu xa. Nó là đá tảng vững chắc trong những thời khắc khó khăn, chán nản, lầm lạc và cả tội lỗi nữa. Nó mời gọi ta sám hối trở về với lòng nhiệt thành ban đầu. Trong những cơn khủng hoảng tình cảm hay tính dục, kinh nghiệm này là sức vượt lên, vì tin chắc rằng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho đến tận cùng, bất chấp tất cả yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.

 Kinh nghiệm Chúa là Tất Cả là hàn thử biểu cho đời sống và sứ vụ ơn gọi. Nó không được đo lường bởi tính hiệu quả và thành công. Nó soi sáng và kích hoạt mọi hoàn cảnh sống, và là nguồn đặc sủng năng động tông đồ. Cảm nhận kinh nghiệm này giúp chúng ta không bao giờ phải đi tới ngõ cụt là lìa bỏ ơn gọi vì một sự thay đổi công việc hay nhiệm sở, tuổi tác hay bệnh hoạn làm cản trở công việc tông đồ. Chính kinh nghiệm này giải thích thái độ của những người ngày đêm âm thầm phục vụ trong những công việc tầm thường, khuất ẩn, chẳng ai để ý tới, hoặc thái độ của những người đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ đang thành công bất ngờ bị bứng đi, và phải lặng lẽ ra đi như tới một nơi lưu đày.

 Kinh nghiệm Chúa là Tất Cả được nuôi dưỡng bởi các lời khuyên Phúc Âm: – Đức khó nghèo giúp lệ thuộc tuyệt đối vào Chúa: Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo không được mang theo gì để họ tín thác vào Ngài[3]; – Đức vâng lời dạy qui phục ý Chúa qua Bề Trên, là người có kinh nghiệm tìm ý Chúa cho mình cũng như cho bề dưới, và cùng bề dưới tìm Ý Chúa; – Đức khiết tịnh diễn tả một tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho ai hay cái gì khác[4]. Kinh nghiệm về sự tuyệt đối của Thiên Chúa giúp từ bỏ ý riêng: nhượng bộ ý muốn và kế hoạch riêng cho Chúa, như Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin đã qui phục ý muốn và kế hoạch đời mình cho ý muốn và kế hoạch cứu độ của Chúa cho mình và cho cả nhân loại.

 Kinh nghiện nền tảng Chúa là Tất Cả phải vừa là điểm khởi đầu vừa là điểm phải đến: Mọi sự đều qua đi, nhưng Thiên Chúa không hề thay đổi. Ai có được Thiên Chúa thì chẳng thiếu gì hết: Một mình Thiên Chúa là đủ. Do đó, phải ưu tiên tìm chính Chúa trong các công việc của Chúa và qui hướng về chính Chúa. Chỉ khi nào vượt lên được chính mình và những thứ kéo ghì mình xuống để vươn lên chính Chúa hơn là công việc của Chúa thì chúng ta mới thực sự có được một đời tu bình an, thành công và hạnh phúc.

 Cần có một sự điều hợp giữa chính Chúa và công việc của Chúa trong đời sống ơn gọi. Nếu chính Chúa là động lực ơn gọi, ta có được bảo đảm cho tính trung thực của đời tu. Nếu công việc tông đồ là động lực, thì phải xem nó có kiên vững và tiến triển hướng về chính Chúa không? Nếu chỉ tìm công việc của Chúa mà quên chính Chúa thì sẽ có nguy cơ đi tới tình huống thiếu động lực đích thực. Như vậy kinh nghiệm Chúa là Tất Cả đã có mặt ngay từ đầu, hoặc đã trỗi lên qua dòng đời dâng hiến với việc thực thi các sứ vụ tông đồ. Việc dấn thân trong sứ vụ, sự nhiệt tình tông đồ, lòng tận tụy truyền giáo có thể là những trung gian quí báu dẫn tới kinh nghiệm “Chỉ một mình Chúa là đủ.” Trái lại, kinh nghiệm Chúa là Tất Cả cho ta ánh sáng, sức mạnh, và nhiệt huyết tông đồ.

 Có hai cách thức để đạt tới: hoặc ngay từ đầu đã có kinh nghiệm về chính Chúa, hoặc dần dần tiến lại với chính Chúa qua trung gian sứ vụ tông đồ, tức các công việc của Chúa. Công cuộc đào tạo và tự đào tạo phải đưa mỗi người đến trung tâm của ơn gọi là chính Chúa. Do đó, không được ham công việc của Chúa mà không ở với chính Chúa. Phải luôn tìm Chúa trong mọi công việc của Chúa và qui hướng mọi việc tông đồ về chính Chúa, để khi không thể làm việc của Chúa thì vẫn luôn còn có chính Chúa, và như thế là đủ. Có thể nói đó là đường hướng và nội dung căn bản của đời sống cầu nguyện liên lỉ.

 Thường ta không đạt được kinh nghiệm Chúa là tất cả ngay từ bước đầu tiên của ơn gọi, nhưng trong suốt hành trình được đào tạo và tự đào tạo, cũng như trong cuộc sống và sứ vụ tông đồ, nó phải được tôi luyện qua các khủng hoảng hay những thách đố lớn. Ta phải nhanh chóng thanh tẩy các động lực ơn gọi và đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, “Đấng vẫn là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi”[5]. ĐTC Phanxicô nói: “sự bất tuân phục và sự hoài nghi của chúng ta là những gút mắc chồng chéo trong linh hồn của mỗi người. Những gút mắc này lấy đi sự bình an và thanh thản của chúng ta. Chúng thật nguy hiểm, vì nhiều gút mắc có thể hình thành một mớ càng lúc càng đau đớn và khó tháo gỡ hơn. Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là dâng hiến cho Chúa trọn thân xác chúng ta với lòng khiêm nhu và can đảm của Mẹ Maria, để Chúa có thể tiếp tục ngự trong tâm hồn chúng ta[6].

 Sự qui chiếu về Chúa Giêsu phải là tuyệt đối. Dostoievski xác tín: “Tôi tin rằng không có gì đẹp hơn, không có gì sâu xa hơn, không có gì thiện cảm hơn, không có gì hữu lý hơn, không có gì mạnh mẽ hơn, và không có gì hoàn hảo hơn Chúa Kitô”. Thánh Patrice nói: “Chúa Kitô ở với tôi, Chúa Kitô ở trong tôi, Chúa Kitô ở sau lưng tôi, Chúa Kitô ở trước mặt tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi, Chúa Kitô đến nắm tay tôi, Chúa Kitô đến an ủi tôi, Chúa Kitô đến bổ sức cho tôi, Chúa Kitô ở dưới chân tôi, Chúa Kitô ở trên đầu tôi, Chúa Kitô ở trong sự bình tâm, Chúa Kitô ở trong hiểm nguy, Chúa Kitô ở trong trái tim của những người yêu mến tôi. Chúa Kitô ở nơi môi miệng của bạn hữu cũng như của người xa lạ.”

 Thánh Vinh sơn đệ Phaolô khuyên: “Bạn hãy nhớ rằng chúng ta sống trong Chúa Kitô nhờ cái chết của Chúa Kitô, và chúng ta phải chết trong Chúa Kitô để được sự sống của Chúa Kitô, đời sống chúng ta phải được giấu ẩn trong Chúa Kitô và tràn đầy Chúa Kitô, và để rồi nếu muốn được chết như Chúa Kitô thì phải sống như Chúa Kitô.”

 Thánh Gioan Tiền Hô ước muốn “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải bé đi”, còn thánh Phaolô xác tín: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi.” – “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi thì nay vì Đức Kitô tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi[7].

 Tóm lại, chúng ta có thể có cả một chuỗi các động lực ơn gọi, nhưng phải được thanh lọc và đặt trên một bậc thang giá trị với những hệ quả và phó phẩm đi kèm theo của chúng, mà trên hết là đáp lại tiếng Chúa gọi, kiên bền cam kết theo chính Chúa Kitô toàn thể vốn là động lực ơn gọi đích thực của chúng ta. Cầu mong cho mỗi người chúng ta ngày càng cam kết đi theo chính Chúa Kitô toàn thể, và có thể nói được cùng với thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta[8]

 Tuy nhiên chúng ta vẫn phải luôn cảnh giác, vì trong thực tế, rất lắm lần chúng ta đã để một ai đó hay một cái gì đó tách biệt Chúa Giêsu ra khỏi tình yêu và cuộc đời của chúng ta, cho dù không hề có cái gì tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Giêsu: chúng ta có thế nào đi nữa thì Ngài vẫn hằng thương yêu chúng ta, và thương yêu chúng ta cho đến cùng. Xin Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta được như vậy. Xin mời anh em cùng nghe và hội nhập vào bài hát “Hiện hữu trong Đức Kitô” để kết thúc buổi suy niệm sáng nay.

 


[1] Ga 15,16-17.

[2] Gal 2,20.

[3] x. G 1,21; 2,10b.

[4] x. 1 Cr 7, 32-35.

[5] Dt 13,8.

[6] Trích lời ĐTC Phanxicô nói trong Đêm cánh thức Thánh mẫu tại quảng trường thánh Phêrô ngày 12/10/2013.

[7] x. Pl 3,7-14.

[8] Rm 8, 35 – 39.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30