CHỦNG VIỆN HUẾ TĨNH TÂM NĂM: BÀI GIẢNG 5: BƯỚC THỨ TƯ: DẦN DẦN BIẾN ĐỔI VÀ ĐIỀU CHỈNH CUỘC SỐNG

Written by xbvn on Tháng Mười 30th, 2013. Posted in Huế, Linh mục, Lm. Trần Minh Huy, Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

BÀI 5

(Chiều 30/10/2013)

 BƯỚC THỨ TƯ: DẦN DẦN BIẾN ĐỔI VÀ ĐIỀU CHỈNH CUỘC SỐNG

 Cái gì cũng có thời gian của nó, không dễ gì mà một sớm một chiều đã đạt được. Vì thế trong tiến trình tu – sửa phải được khởi sự ngay, không chậm trễ, nhưng cần dần dần biến đổi và điều chỉnh cuộc sống mình cho phù hợp với đời sống tu trì nói chung, và nhất là phù hợp với đặc sủng và linh đạo riêng biệt mình muốn dấn thân vào. Ở đây là linh đạo linh mục giáo phận mà tôi đã cố gắng trình bày trong cuốn sách Linh Mục Giáo Phận Như Lòng Mong Ước mà Chủng viện đã biếu tặng anh em. Mỗi người cần ý thức rõ nhiều động lực đang có mặt nơi mình, đồng thời cũng thấy được sự xung khắc giữa các động lực ấy và giải quyết chúng. Động lực nào phù hợp với đời tu sẽ được vun trồng thăng tiến. Động lực nào không phù hợp với đời tu thì phải loại bỏ hay biến đổi.

 Chúng ta đọc thấy: “Ông Anrê dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” nghĩa là Phêrô.”[1] Đổi tên là đổi con người, đổi cách sống, cách làm việc, cách suy nghĩ, cách đối xử và yêu thương. Cuộc sống của chúng ta sẽ phải từ từ được biến đổi: từ từ sống khác đi, không còn như cuộc sống như đã từng sống trước đây nữa. Con người trần tục sẽ dần dần chết đi, để con người thiêng liêng không ngừng được triển nở và lớn lên trong chúng ta, như Gioan Tẩy Giả tuyên bố: “Ngài phải lới lên còn tôi phải nhỏ lại”. Ngày 4/10/2013 vừa qua, tại căn phòng Thánh Phanxicô Khó Khăn, khoảng 800 năm trước đây, đã cởi bỏ y phục của mình và đặt dưới chân thân phụ, từ bỏ đời sống sang giàu và gia tài của mình để hiến thân cho Thiên Chúa, ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần Hội Thánh trút bỏ tinh thần thế tục đang làm hại chúng ta, đang tiêu diệt Hội Thánh.[2] Nói như thánh Phaolô là phải cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới, ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, đến độ “tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Biến đổi là chia cắt với cái đi trước, nghĩa là chúng ta từ bỏ một cách sống, một cách hiểu biết đối với Thiên Chúa, với vũ trụ, với chính mình và tha nhân, tức là con người trần thế bấy lâu nay của mình. Thánh Phaolô khuyên “quên hẳn đàng sau, nhắm phía trước mà chạy tới.” Mở ra với những gì đang đến, nghĩa là một hiện hữu mới, một ý nghĩa độc đáo và bất ngờ đối với cái đi trước. Như thế, sự trở thành ứng sinh linh mục mở đường vào cuộc sống mới là một sự xé rách, một thứ cái chết, nhưng rách để lành, chết để sống; đó là một thứ biến đổi căn để, một mất một còn trong ý nghĩa một cuộc tái sinh.

 Dường như có một đổ vỡ giữa cuộc sống người thanh niên bình thường và cuộc sống ứng sinh linh mục. Thật thế, khi chúng ta bước vào đời ứng sinh linh mục, chúng ta dường như không còn sống như một thanh niên bình thường nữa, mà sống như một con người thiêng liêng thuộc về Thiên Chúa, dù vẫn còn có con người trần tục trong chính mình. Tính lưỡng diện này vẫn tồn tại lâu dài, có khi suốt cả cuộc đời nữa, trải qua những chiến đấu, dòn mỏng… với thành công và thất bại như Nguyễn Bá Học nói: “Ai từng chiến thắng mà không hề chiến bại? Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần? Nhưng đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu!” Vì thế ngưới ta thường nói “thất bại là mẹ thành công.” Quả thế, chính từ khi thú nhận thất bại trong việc đánh cá suốt đêm không bắt được con nào, nhưng rồi vâng lời Chúa Giêsu mà thả lưới, Phêrô bắt được mẻ cá lạ lùng khiến ông tin tưởng theo Chúa, trở nên vị tông đồ cả của Chúa.

 Ta có thể nhìn kinh nghiệm đổ vỡ nầy qua hình ảnh Abraham vâng lời Thiên Chúa ra đi, cắt đứt mọi mối quan hệ cộng đồng và yêu thương với gia đình, với đồng bào và thiên nhiên, rời bỏ quê hương để đi đến một quê hương mới Thiên Chúa sẽ chỉ cho, hầu được triển nở thành thủ lãnh và cha một dân tộc đông đảo như sao trên trời, như cát ngoài bải biển của những kẻ tin. Như thế, hành trình theo ơn gọi bẻ gãy tính thuần nhất của những gì đã nhận lãnh trong cuộc đời, ghi khắc một đổ vỡ và thay đổi các giá trị vốn có. Thánh Phaolô chia sẻ: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay vì Đức Ki-tô tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người[3].

 Chúng ta không sợ nói lên kinh nghiệm bản thân, nhất là với vị linh hướng, để mô tả thứ thanh tẩy cần thiết hầu đi vào hành trình thiêng liêng, hướng tới chức linh mục. Muốn thế, cần có tín nhiệm lẫn nhau thực sự trong việc linh hướng, một tương quan tay ba khép kín giữa Chúa Thánh Thần, người thụ hướng và vị linh hướng. Cái quan trọng là có nơi mỗi người một biến cố lịch sử đánh dấu thời khắc trở thành ứng sinh linh mục, và thời khắc đó được sống thường xuyên trong tất cả công cuộc tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa, như Biến cố ngã ngựa của Saolô chẳng hạn.

            Sự kiện người đi tu xem ra hiện hữu tách biệt với người đời khiến người ta than phiền đi tu là cắt khỏi cuộc sống (xuất thế, vào sống trong Chủng viện). Nhưng một cách nào đó đời tu sẽ đòi lại sự chia tách nầy (nhập thế, đi làm mục vụ trong thế gian) và khoảng cách giữa tu và không tu là một dữ kiện có một ý nghĩa hữu lý, là sống một cách khác hợp với chọn lựa của đời mình: “Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục[4]. Đổ vỡ nầy đánh dấu sự khởi đầu của tất cả mọi cuộc đời. Và phải chăng tu và không tu có mâu thuẫn và loại trừ lẫn nhau, và mối tương quan được định nghĩa bằng cái chết? Có thể nói đây là một bạo lực ngọt ngào: giết chết cái chất trần tục trong con người mình, để cuối cùng được sinh ra trong con người tu: “Anh em hãy mặc lấy con người mới đã được Chúa Kitô Phục Sinh biến đổi.” “Phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua đi và cái mới đã có đây rồi[5]. Thánh Basiliô Cả Giám Mục cũng đã biện giải: “Trước khi bắt đầu đời sống mới, bạn phải chấm dứt đời sống cũ. Cũng như những người đã chạy hết quảng đường mà muốn quay trở lại phải dừng chân và nghỉ ngơi cách nào đó trước khi chuyển hướng ngược lại, thì trong việc đổi đời cũng vậy, xem ra cần phải chết cách nào đó giữa đời sống trước và đời sống sau, vừa chấm dứt những gì thuộc về trước vừa bắt đầu những gì thuộc về sau.[6]

 Trong sự thay đổi đó, tinh thần theo Chúa Kitô là chủ đạo: thay đổi con tim, tâm thức, lối sống và cuộc sống. Luật của sự sống và sinh trưởng là thay đổi, và mỗi chặng đường sinh trưởng của con người đều được ghi dấu bằng những thay đổi quyết định. Đó là tiến trình lâu dài của một công cuộc hợp tác đào tạo và tự đào tạo, vừa thần linh vừa nhân loại, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Và ai cũng nhận thấy rằng tự thay đổi bản thân thì dễ hơn là thay đổi người khác, đồng thời nên thay đổi trước khi bị bó buộc phải thay đổi, kẻo không còn kịp nữa mà muộn mất rồi: một khi đã bị người ta, nhất là bề trên, định kiến in trí thì thật vô phương cứu chữa! Vậy phải xin ơn cương quyết thay đổi cái có thể thay đổi, can đảm chấp nhận cái không thể thay đổi và ơn khôn ngoan để biết phân biệt cái có thể thay đổi và cái không thể thay đổi. Muốn cho việc hướng tới đời sống mới này thành công, ứng sinh phải đặt mình trong tay Chúa, như cây viết chì tron tay nghệ sĩ, vì “không có Thầy các con chẳng làm được gì hết” và “với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể.”

 ĐTC Phanxicô nói đến cái nhìn của Chúa Giêsu làm biến đổi cuộc đời của ông thu thuế Lêvi, và của chúng ta nữa, nếu chúng ta chịu để cho Ngài nhìn chúng ta và được tự do làm công việc của Ngài. Ngài nói: “Khi Chúa Giêsu nhìn Matthêu, cái nhìn đó đã chiếm lấy ông hoàn toàn và đã thay đổi cuộc sống của ông. Cái nhìn của Chúa Giêsu luôn luôn làm cho ta trở nên xứng đáng, trao ban cho ta phẩm giá. Đó là một cái nhìn rộng lượng”. Ngài giải thích rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cho ta lòng can đảm để theo Ngài. Cái nhìn của Chúa Giêsu luôn  nâng ta lên. Đó là một cái nhìn luôn luôn nâng dậy, không bao giờ để ta lại tại chỗ của mình, không bao giờ hạ ta xuống, không bao giờ làm nhục. Nó mời gọi ta đứng dậy, một cái nhìn làm ta lớn lên, tiến về phía trước, một cái nhìn khích lệ ta. Cái nhìn của Chúa Giêsu mạnh mẽ không thể tưởng được, nhưng không phải là “ma thuật”. Và Ngài hóm hỉnh: Chúa Giêsu không phải là một chuyên gia thôi miên. Đúng hơn, cái nhìn của Chúa Kitô làm cho ta cảm thấy rằng Ngài yêu ta. Đó là tình yêu Thiên Chúa mà “những người thu thuế và tội lỗi” như Matthêu đã trải nghiệm. “Họ cảm thấy rằng Chúa Giêsu đã nhìn họ và cái nhìn của Chúa Giêsu trên họ giống như một hơi thở trên than hồng, và họ cảm thấy như có lửa trong bụng, và một lần nữa rằng Chúa Giêsu làm cho họ đứng lên, trả lại cho họ phẩm giá. Mặc dù một số kẻ chế nhạo Chúa Giêsu ăn uống với những người bị xã hội chối bỏ, Ngài biết lòng của họ. Bên dưới bùn đất đó có than hồng khao khát Thiên Chúa, than hồng của hình ảnh Thiên Chúa muốn một ai đó có thể giúp họ được cháy nóng trở lại. Đó là những gì cái nhìn của Chúa Giêsu thực hiện. Chúng ta tiến lên phía trước trong cuộc sống, trong niềm xác tín rằng Ngài nhìn chúng ta. Tuy nhiên, Ngài cũng chờ đợi chúng ta, để nhìn chúng ta cách dứt khoát – và cái nhìn cuối cùng của Chúa Giêsu trên cuộc đời chúng ta sẽ là mãi mãi, sẽ là đời đời[7]. Chớ gì tất cả chúng ta đều được cái nhìn biến đổi đó của Chúa Giêsu. Và xin anh em cùng lắng nghe bài hát “Ánh Mắt Giêsu”.

 Thưa anh em,

Mỗi người sống cuộc đời mình như thể viết một bài luận văn. Điều khó nhất và cần thiết nhất trong phần mở đầu là nêu cho được chủ đề và các ý tưởng căn bản. Phần thân bài gồm nhiều đoạn khai triển các ý tưởng liên quan để trình bày và củng cố chủ đề. Phần kết luận nói lại chủ đề nhưng mở ra một viễn tượng mới. Cách chung ai cũng có khả năng để viết đầy đủ và hoàn tất các phần của bài luận văn ấy. Nhưng thực tế có người mới chào đời đã đột ngột chết đi, chưa viết được chủ đề đời mình. Có người khi tới tuổi thành niên, đáng lẽ phải viết được chủ đề đời mình, nhưng lại loay hoay mãi vẫn không viết ra được chủ đề, thậm chí đến già đời vẫn không tìm thấy chủ đề hay mục đích của đời mình. Sống cuộc đời không có lý tưởng và mục đích rõ ràng là bài luận văn không có chủ đề, viết lung tung. Có người viết được chủ đề rất sớm, nhưng không khai triển được, ôm mộng mà chết, bài luận văn đành dang dở. Có  người viết một lúc hai, ba chủ đề nên khai triển theo nhiều hướng khác nhau, chẳng có thể đi tới phần kết luận được, bị lạc đề. Có người viết được chủ đề rất tốt và rõ ràng, nhưng khi khai triển gặp phải khó khăn thử thách nghịch cảnh nên chán nản quay lại xoá bỏ chủ đề ấy đi và loay hoay tìm một chủ đề khác, song thời gian không còn đủ cho họ, viết chưa xong đã phải nộp, chưa có phần kết. Có người viết được chủ đề, nhưng phần khai triển không ăn khớp, các ý tưởng lộn xộn không phù hợp với chủ đề, không logic.

 Chúng ta sống ơn gọi của mình cũng giống như viết một bài luận văn. Lý tưởng và đời sống linh mục có thực sự là chủ đề cuộc đời chúng ta chưa? Chúng ta đang viết nghiêm túc hay đang viết lung tung, sống qua ngày đoạn tháng, tới đâu hay đó? Có người theo ơn gọi rất sớm, nhưng ơn gọi đó không lớn lên theo năm tháng, mà lại nhạt nhoà dần dần vì những sức hấp dẫn và tiếng gọi mời khác. Chúng ta có thực sự dốc toàn tâm toàn lực theo ơn gọi, hoàn toàn phó thác cho Chúa, hay đang do dự suy tính tìm cách chuẩn bị phương án II cho đời mình, để nếu không được chịu chức linh mục thì ra đời được chủ động, sợ giữa đường đứt gánh hai bàn tay trắng, nên vừa học ở Chủng viện vừa trăn trở tìm học thêm một cái gì đó hoặc tìm nguồn bảo đảm kinh tế cho tương lai? Đó là bài luận văn lạc đề đấy. Làm thế là chân trong chân ngoài, bắt cá hai tay, đi hai chân, không thể nào đi vững tới đích được ! Làm như thế, cuộc đời sẽ thêm xáo trộn, bất an… Chúa không muốn, và cuối cùng sẽ mất cả chì lẫn chài! Hãy xin Chúa giúp chúng ta viết bài luận văm cuộc đời ơn gọi chúng ta. Trong bài giảng lễ ngày 7/10/2013 tại Nhà Matta, ĐTC Phanxicô nói: “Tôi tự hỏi bản thân mình, và tôi muốn hỏi tất cả anh chị em: Chúng ta có để cho Thiên Chúa viết lên cuộc sống của chúng ta không? Hay chúng ta muốn tự viết lấy? Điều này liên hệ đến tâm tình hiếu thảo với Thiên Chúa. Chúng ta có ngoan ngoãn lắng nghe Lời Ngài? Có sẵn sàng để lắng nghe và cảm nhận ra tiếng nói của Ngài không? Anh chị em có sẵn sàng tìm kiếm Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày không, hay chỉ có những ý tưởng của riêng của anh chị em mới có quyền quy định tất cả mọi thứ, không để cho Chúa nói gì với anh chị em?

 Chúng ta đã theo ơn gọi đến giờ này, các suy nghĩ, hành động, cách sống và cuộc sống của chúng ta có được biến đổi và điều chỉnh phù hợp với đời sống ơn gọi không? Thích làm linh mục là một chuyện, nhưng có phù hợp với đời sống linh mục hay không lại là một chuyện khác. Những điều kiện bên ngoài (nhất là các mối tương quan khác phái), những điều kiện tự nhiên (sức khoẻ, tính tình, trí khôn, khả năng) và những điều kiện tinh thần và thiêng liêng (tinh thần tự hiến, tinh thần trách nhiệm, tinh thần và đời sống thiêng liêng, tinh thần đức tin, tinh thần cộng tác, tinh thần vâng phục, tinh thần nghèo khó, tinh thần và khả năng sống độc thân thanh khiết, tinh thần phụng vụ, tinh thần mục vụ, tinh thần lao động chân tay) của chúng ta có phù hợp với đời sống linh mục không?

 Mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các vị hữu trách đang xem xét tính thích hợp đó của chúng ta, chúng ta liệu biến đổi và điều chỉnh sao cho phù hợp, kẻo thời gian có hạn, sợ viết chưa xong bài luận văn mà đã phải nộp, không có phần kết, không đạt tới chức linh mục được chăng?! Tĩnh Tâm Năm là thời gian thuận lợi cho chúng ta bắt đầu lại đời sống ơn gọi của mình với một chủ đề, một động lực thật tốt, thật dứt khoát, để mạnh mẽ triển khai, thời gian và tiến trình đào tạo không cho phép chúng ta dễ dàng xoá chủ đề và viết lại chủ đề khác đâu. Chúng ta hãy kiên nhẫn và cẩn thận hoàn tất từng giai đoạn, đừng vội vàng đốt giai đoạn, mà cũng đừng dẫm chân tại chỗ hay nản chí bỏ cuộc tháo lui. Hãy nỗ lực vận dụng tất cả để phục vụ lý tưởng ơn gọi của chúng ta bằng mọi giá, trong tin tưởng cầu nguyện. Cầu chúc mỗi người chúng ta viết thật tốt bài luận văn cuộc đời ơn gọi của mình và đạt tới kết luận mong mỏi là chức linh mục.

 Anh Em thân mến,

Hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa và hãy lạc quan. Đừng quá chú trọng vào lầm lỗi, nhưng hãy chú trọng đến bài học từ lầm lỗi đó để rút kinh nghiệm mà không lầm lỗi nữa. Chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Tội con đã được tha, hãy về bằng an và từ nay đừng phạm tội nữa.” Đừng thất vọng về lỗi lầm quá khứ của mình và của anh em. Hãy xem cách xử sự của Chúa Giêsu đối với thánh Phêrô và thánh Mađalêna. Ngài tha thứ, tin tưởng vào sự biến đổi tốt đẹp trong tương lai, và vẫn tín nhiệm trao cho Phêrô trách nhiệm làm đầu Giáo Hội và cho Mađalêna làm sứ giả Tin Mừng Phục Sinh. Quả thật “Tội thì tha, lỗi thì sửa; mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai.

 ĐTC Phanxicô, khi suy niệm Tin Mừng Ga 21,15-19, mô tả thánh Phêrô là một tội nhân, có nhiều khuyết điểm, nhưng tự hạ mình để được Chúa Kitô dẫn dắt tiến lên phía trước. Ngài mời gọi chúng ta noi gương Thánh Phêrô, bằng cách nhận ra lỗi lầm và mở lòng ra cho Chúa, để Chúa dẫn dắt theo con đường ngay chính: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mẫu gương của Thánh Phêrô, một người gặp Chúa thường xuyên và cũng là người được Chúa làm cho thanh sạch và trưởng thành hơn về mặt tâm linh, có thể giúp chúng ta hướng về phía trước. Xin cho điều đó làm cho chúng ta tìm kiếm Chúa và tìm gặp được Chúa, để Chúa tìm thấy chính chúng ta. Chúa luôn luôn ở đó, gần gũi chúng ta, tìm kiếm chúng ta. Nhưng đôi khi chúng ta nhìn theo hướng khác vì chúng ta không muốn nói chuyện với Chúa hoặc không muốn để cho Chúa tìm thấy chúng ta[8].

 Mới đây, khi cha Antonio Sparado, chủ bút tạp chí La Civiltà Cattolica của Dòng Tên, hỏi “Jorge Mario Bergoglio là ai?” ĐTC Phanxicô im lặng nhìn thẳng cha. Cha Sparado hỏi có thể hỏi câu hỏi đó không. Ngài gật đầu và trả lời: “Tôi không biết đâu mới là câu mô tả xứng hợp nhất… Tôi là kẻ có tội. Đây là định nghĩa chính xác nhất, không văn vẻ hoa mỹ, văn chương. Tôi là kẻ tội lỗi”. Ngài tiếp tục tập trung suy nghĩ, như thể câu hỏi bất ngờ và ngài buộc phải suy nghĩ thêm. “Đúng, có lẽ tôi có thể nói thế này tôi có khéo léo một chút, có thể thích ứng với hoàn cảnh, nhưng cũng đúng là tôi có hơi ngây thơ. Đúng, nhưng điều tóm tắt hay hơn cả, điều phát xuất từ bên trong hơn cả, và là điều tôi cảm thấy đúng hơn cả là: tôi là kẻ tội lỗi mà Chúa đã đoái nhìn”. Rồi ngài nhắc lại: “Tôi là kẻ được Chúa đoái nhìn. Tôi luôn cảm nhận khẩu hiệu của tôi Miserando atque Eligendo [được xót thương và tuyển chọn], thật chân thực đối với tôi”.

ĐGH. Phanxicô như thế đó, huống gì là chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần, là Thần Chân Lý, tiếp tục cho đến kiện toàn những gì Ngài đã thương khởi sự cho chúng ta và với chúng ta. Tôi xin mời anh em nghe và hội nhập bản thân với ý lời bài hát “Thập giá ơn biến đổi” để kết thúc bài suy niệm này.


[1] Ga 1, 40-42.

[2] Vatican Radio ngày 4/10/2013.

[3] Pl 3, 7-9.

[4] Cl 3, 7-8.

[5] 2 Cr 5,17.

[6] Trích Bài đọc 2 Kinh Sách ngày thứ ba Tuần Thánh.

[7] Bài giảng của ĐTC Phanxicô ngày 21/9/2013 tại Nhà Martha, CNA / EWTN News.

[8] Xem bài giảng lễ ngày 17/5/2013 tại Nhà trọ thánh Matta.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31