CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI CHÚA NHẬT LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Written by xbvn on Tháng Sáu 26th, 2014. Posted in Mai Tá

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi,”
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.”

(Trịnh Công Sơn – Một cõi đi về)

             (Lc 9: 6tt)

            Đặt đầu đề cho bài hát nghe quen như thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đâu có tả tình/tả cảnh cái cõi nào đâu mà gọi là “một cõi đi về”.  Có đi và về như thế, mới hát “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Cũng có thể, nghệ-sĩ nhà mình quá mệt mỏi nên cứ ngồi ở nhà mà nhìn mưa rơi, rồi lại hát:

  “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa.

Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ.

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ.

Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.

Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy.

Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa.

Từng lời tả dương là lời mộ địa.

Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

 Thế đó, là ý-kiến của nhà thơ khi viết nhạc ở đời thường, có nhiều cõi cứ đi và cứ về. Thêm vào đây, là tư-tưởng của nhà Đạo ở chốn trên cao bên trời Tây xứ ấy, rất như sau:

 “Trong thánh-lễ tại nhà nguyện Santa Maria sáng thứ Năm ngày 8 tháng 5, Đức Phanxicô đã trình-bày những suy tư của ngài trên bài trích sách Tông Đồ Công Vụ thuật chuyện ông Philípphê rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho một viên thái giám.

 Đức Thánh Cha giải thích rằng bất cứ Kitô-hữu nào muốn rao giảng Tin Mừng nên vâng phục ý chí và ân sủng của Thiên Chúa, cũng như mở cửa cho đối thoại.

 Đức Giáo Hoàng lấy làm tiếc rằng đôi khi Bộ máy quan liêu trong Giáo hội là một trở ngại  cho những người muốn được gần gũi hơn với ân-sủng của Thiên Chúa.

 Đức Thánh Cha nói: “Ông Phillípphê vâng phục, ông ngoan ngoãn và chấp nhận lời mời gọi của Chúa. Chắc chắn ông phải bỏ ngang nhiều thứ đang thực hiện dở dang, bởi vì các Tông Đồ trong khoảng thời gian đó đang rao giảng Tin Mừng rất bận rộn. Ông bỏ lại tất cả mọi thứ và lên đường. Và điều này làm cho chúng ta thấy rằng nếu không có sự vâng phục/hiền lành trước tiếng nói của Thiên Chúa không ai có thể rao giảng Tin Mừng, không ai có thể loan báo Chúa Giêsu Kitô: cùng lắm là chỉ loan báo về chính mình. Chính là Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta, chính là Thiên Chúa Đấng kêu gọi Phillípphê trên con đường đó. Và Phillípphê đã ra đi. Phillípphê ngoan ngoãn vâng lời.”

 “Anh chị em không thể nào rao giảng Tin Mừng mà không đối thoại. Đó là điều không thể. Bởi vì chúng ta phải bắt đầu với xuất xứ của người đuợc Phúc Âm hoá. Điều này rất là quan trọng.” (x. www.tamlinhvaodoi.net, Tình trạng quan liêu của Giáo hội 15/5/2014)   

 Tư-tưởng và lập-trường của đấng-bậc ở trên cao nơi nhà Đạo thì như thế. Như thế, tức đã diễn tả những khía cạnh hân-hoan/vui mừng của sự việc Phúc-Âm-hoá, tức Tin Mừng. Tin Mừng với người nhà Đạo, là phổ-biến tin nói rằng “Thiên-Chúa-là-Tình-yêu” nay đang trải rộng khắp chốn miền có rao và có giảng. Đồng thời có cả đối-thoại với cả những người không ở trong Đạo.

Tin vui về Tình Thương-yêu, còn trải rộng bên ngoài nhà Đạo, tức nơi cuộc đời gồm đầy những thương-yêu đằm thắm rất thi-ca. Thế đó, là tình yêu-thương đôi lứa rất chí tình được diễn tả bằng lời thơ, nét nhạc đời như tâm-tình của người viết cũng rất thơ, như ở trang thư gửi người tình của mình:

“Đêm đã xuống dày và sương cũng đã bay vào cửa sổ. Lạnh lắm Ánh. Anh cố gắng buộc đời mình vào nỗi đơn độc này để còn Ánh. Trong cuộc sống với số – phần – vực – thẳm này vẫn còn hình – phạt – huyền – nhiệm đó để ru mình vào bình an. Anh không mong gì hơn, Ánh ơi. Ánh ơi.

Bình hoa hồng trước mặt anh có những cánh hoa đều đặn thật đẹp. Anh vẫn thường nghĩ đến hình ảnh một người con gái cầm nhánh hoa hồng buổi chiều đi trên hè phố một mình. Hè phố thì vắng. Hè phố dẫn về một giáo đường. Buổi chiều người con gái tay cầm nhánh hoa hồng, đầu cúi gặp trên hàng ghế gỗ nhà thờ, áo lụa trắng trải dài trên thân thể như một linh – thiêng. Anh ca tụng hình ảnh đó trong anh. Đôi lúc hình ảnh đó mang khuôn mặt của Ánh. Của Ánh. Của Ánh.” (Xem Trịnh Công Sơn, Thư Tình Gửi Một Người, nxb Trẻ 2013 tr. 40)

 Ý thơ và giòng nhạc tình là như thế, cứ triển-nở nơi ca-từ anh viết vào hôm trước, ý-tứ vẫn  bảo rằng:

 “Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ.
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua.
Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ.
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa.
Mây che trên đầu và nắng trên vai.
Đôi chân ta đi sông còn ở lại.
Con tim yêu thương vô tình chợt mỏi.
Lại thấy trong ta hiện bóng con người.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Mỏi lắm không, con tim yêu thương ấy? Mệt rồi ư, nhưng sao vẫn viết và hát, như sau:

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi.
Đi lên non cao đi về biển rộng.
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng.
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì.
Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn.
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì.”

            (Trịnh Công Sơn – bđd)

À thì ra: “trong khi ta về lại nhớ ta đi…”, nhớ cả vào lúc “ôm đời ngủ muộn” để rồi “sớm mai đây lại tiếc xuân thì!” Tiếc hay không, nhà thơ vẫn biết đó là tiếc và thương một cõi đi về? Quan liêu hay cường điệu, phải chăng là trạng-huống của ai đó vẫn cứ sống và cứ giảng rao, nhưng chừng như đã nghe thấy ở đâu đó có ca từ của nghệ sĩ vẫn cứ hát: “đi đâu loanh quanh, cho đời mỏi mệt.”

Mỏi mệt ư? Thế thì, một đời giảng rao/rao giảng “Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu” cho muôn người có mệt và có mỏi không? Câu trả lời chắc chắn không thể nào có ngay ở đây bây giờ, được. Thế nên, bần đạo bày tôi đề-nghị ta cứ “loanh quanh” đây đó để tìm gặp các lập-trường ý-tưởng và tâm-thức của bà con anh em bầu bạn ở đâu đó, cũng rất lạ.

Trước hết là ý chính của Lời Vàng đấng thánh-hiền khi trước vẫn diễn tả:

 “Sau khi thấy thị kiến đó,

lập tức chúng tôi tìm cách đi Makêđônia,

vì hiểu ra rằng

Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi

loan báo Tin Mừng cho họ.”

(Cv 16: 10)

 Và, ở một đoạn khác, bậc thánh-hiền lại cũng ghi:

 “Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại,

ban cho các ông năng lực và quyền phép

để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.2

Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa

và chữa lành bệnh nhân…

Các ông ra đi,

rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng

và chữa bệnh khắp nơi.”

(Lc 9: 6tt)

                Thế đó là hiệu lệnh. Thế đấy, lại là thực-tế với thực-tại ở nhiều nơi vẫn như thế. Nhiều nơi, trên thế-giới, vẫn thấy vấn-đề là: thực-tế và thực-tại mà bạn và tôi, ta thấy có gì đáng ngại, và sự thể thực-tế nay ra sao?

Đây là vấn-đề không nhỏ, để tìm-hiểu. Nhưng, cứ từ từ rồi bạn và tôi, ta cũng sẽ tìm ra cung-cách để nắm bắt mối gút từng thắt chặt rồi lần ra được sự thể rất thực-tiễn khá thực-tình và cũng rất thực. Nói thực như thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào chốn rất thực ở ngay dưới.

 Nhưng, trước khi đi vào chính-đề, tưởng cũng nên ngang qua một vài truyện kể khá lai rai đại loại cũng lễ-mễ để trích và dẫn. Thực ra, truyện kể ở bên dưới không phải để ta diễn tả lý-chứng của sự giận-dữ hay giận-hờn nào khác; nhưng, lại gián-tiếp nói về Tình-Yêu viết Hoa, chứ không chỉ tình đôi lứa, mà thôi. Thôi thì, ta cứ mời nhau nghe truyện kể vẫn nhủ rằng:

“Có vị hiền-triết nọ, một hôm lên tiếng hỏi các đệ-tử của ông, như sau:

-Tại sao trong cuộc đời, nhiều người cứ phải hét cho thật to vào mặt nhau?

 Sau một hồi suy-nghĩ, một trong các đệ-tử của ông bèn trả lời:

-Thưa, là bởi vì người ta mất bình tĩnh,mất tự-chủ!

Nghe thế, vị hiền-triết không đồng ý lắm với câu trả lời như thế, nên lại hỏi:

-Nhưng, tại sao lại phải hét lên như vậy trong khi cả hai người đang ở cạnh nhau. Tại sao hai người không thể nói bằng âm-thanh vừa đủ cho nhau nghe, thôi?   

Các đệ-tử lại ngẫm-nghĩ thêm phút chốc hầu trả lời thày mình, nhưng không ai có được lời giải-thích nào khả dĩ khiến vị thày của họ hài lòng hết. Cuối cùng, ông mới bảo:

-Khi hai người giận nhau, thì trái tim của họ không còn ở gần nhau nữa. Tự thâm-tâm, họ thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên nếu muốn nói cho nhau nghe, họ phải dùng hết sức bình sinh để hét lên cho thật to. Giận dữ càng lớn, thì khoảng cách càng xa và họ lại càng nói to hơn, để tiếng nói của họ bao trùm lên khoảng cách ấy.

Ngưng một lúc, rồi vị hiền-triết lại hỏi:

-Thế, còn khi hai người hai người yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói rất nhỏ nhẹ thế nghĩa là làm sao? Nhỏ nhẹ, là bởi vì trái tim họ nay cận kề bên nhau. Khoảng cách giữa hai người, giờ rất nhỏ…

 Nói thế rồi, vị hiền-triết lại tiếp tục:

-Khi hai người yêu nhau thật đậm sâu, thì cả hai không nói nữa mà chỉ thì thầm, vì đã ở gần bên nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng, ngay cả tiếng thì thầm cũng không cần-thiết nữa, cả hai chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, cũng đã đủ. Vì, ngang qua ánh mắt, họ đều đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì rồi… Khi các con bàn cãi với nhau về vấn đề gì đó như tình thân thương chẳng hạn, hãy giữ sao cho trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau nữa… Nếu không thì, một ngày nào đó khoảng cách ấy càn lúc càng nới rộng, càng xa cách và khi ấy các con sẽ không tìm ra con đường nào để quay trở về được nữa rồi…”

 Truyện kể về tình thân thương/yêu mến rất ở trên, có thể áp-dụng vào nhiều trường-hợp. Cả những trường-hợp có quyết-tâm trải rộng tin vui mừng về “Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu” mà mọi người đều biết. Nhưng, vì một lý-do nào đó, lại đã không tiếp tay dàn trải cho người bị quên sót hoặc “mỏi mệt” vì cứ phải “đi loanh quanh” mãi bên lề cuộc đời.

Chẳng thế mà, nghệ-sĩ ngoài đời lại cứ hát mãi câu ca, trước, rằng:

 Trong khi ta về lại nhớ ta đi. 
Đi lên non cao đi về biển rộng.
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng.
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì.
Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn.
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì.”
     

(Trịnh Công Sơn – bđd)

 Còn nhớ, có lần truyền-thông báo chí ở Úc lại đã thông-truyền về chuyện đấng bậc vị vọng nó có tên là Bob Maguire từng bảo: “Bạn sẽ không thể nào rao truyền Tin Mừng của Chúa được, nếu không đi ra bên ngoài mà làm cho đôi tay mình lấm bẩn một đôi chút…” Để diễn rộng ý của Lm Bob Maguire, cây viên có tên là Ray Cassin từng viết như thế này:

“Trong tông thư đầy khích-lệ mang tựa-đề là “Niềm Vui Rao Giảng Tin Mừng” Đức Phanxicô có nói: Tôi thích có một Giáo hội bị bầm-dập, đau mình mẩy và lấm bẩn vì từng có mặt ngoài phố chợ hơn là Giáo hội lành mạnh vì cứ giới hạn và bám riết vào chính sự an-toàn của mình…”

Lời của Đức Phanxicô có ý muốn đỡ nâng hàng giáo sĩ cũng như giáo-dân từng để thì giờ ra mà ở giữa những kẻ bị bầm-dập, xúc phạm và lam lũ bẩn thỉu vẫn lớn lên trong giới lao-động thợ thuyền hơn là cứ ngồi ở nơi chốn ổn-định rồi hướng-dẫn/khuyến-khích người khác như giới chức ở giáo-triều. Trong số các đấng bậc hoạt động rất nhiệt-tình ở Úc, có linh mục được biết đến rất nhiều là Lm Bob Maguire.

Lm Bob Maguire không còn là mục-tử dẫn dắt họ đạo thánh Phêrô và Phaolô ở Melbourne nữa, mà chỉ là linh mục đi đứng nhiều hơn là ngồi một chỗ, trong giáo xứ. Ngang qua tổ-chức có tên gọi là “Father Bob Maguire Foundation”, vị linh mục đầy nhiệt-huyết này vẫn tiếp-tục hoạt-động tông-đồ chung đụng với người nghèo khó, vô gia-cư và giới xì-ke ma-tuý đã biến ông trở-thành người nổi tiếng trong giới truyền-thông đại-chúng. Và mới đây, ông còn xuất hiện với tư-cách là ngôi sao điện-ảnh trong bộ phim tài-liệu của Lynn Maree Milburn được ca-tụng rất nhiều là phim “In Bob We Trust”…

Có lần, người thưởng lãm từng tìm-hiểu xem: sau khi không còn là linh mục chánh-xứ nữa, ông sống ra sao? Ông có suy-nghĩ gì khác lạ về Giáo hội và nhất là loại-hình mục-vụ theo kiểu ông đeo đuổi không? Thì được ông cho biết: “Quí vị biết đấy. Đã có lúc tôi giống như đám trẻ mồ-côi bị người khác lấy đi căn-tính/lý-lịch của mình ngay từ nơi mà tôi coi như thánh-địa của mình. Gọi như thế, là vì đó là nơi tôi từng đổ mồ hôi sôi nước mắt do không chỉ mình tôi mà cả các giáo-dân ở nơi đó đã đầu-tư tạo dựng nên. Quả thực, nó là như thế đó.  Nếu nói bằng ngôn ngữ của Công Đồng Vaticăng thứ 2 thì điều đó có thể gọi là “văn-hoá nhập-nội” . Và, thực sự thì: ta không thể nào rao truyền Tin Mừng của Chúa được, nếu không có thứ văn-hoá nhập-nội ấy.”

Bằng vào sự đổi thay văn hoá của pháo-đài trung-ương, thì một khi đã đi vào nền văn-hoá nhập-nội như thế rồi, ta sẽ được coi như đang áp-dụng thứ văn-hoá của Đức Phanxicô Bergoglio. Và khi đó, ta sẽ biến nhà xứ không chỉ thành mỗi chốn miền để nuôi dưỡng người nghèo mà thôi, nhưng còn trở-thành mái ấm tình-thương giống như kiểu của Dorothy Day đang thực-hiện ở bên Mỹ.

Ý của Lm Bob Maguire là: chủ-trương của Công Đồng Vaticăng 2 kéo dài bằng việc mở rộng lòng ra với nhân-loại mà ông coi có là thành-quả của Công đồng này. Ông tin rằng thành-quả ấy đã bị những vị chủ-trương “xét lại” đánh phá dữ dội nên đã để luột mất, nhưng nay lại được Đức Phanxicô đang tìm cách tái-tạo tinh-thần của một Vatican thứ 2 đấy thôi.” (xem Ray Cassin, The Do-It-Yourself Catholic, Australian Catholics số Summer edition năm 2014, tr. 22-23)

Nói đi thì lại nói lại, chuyện phiếm Đạo/đời mà lại nói chuyện Đạo nhiều hơn đời e cũng khó. Khó nuốt trôi, khi những người quan-tâm đến chuyện đạo hay chuyện của Giáo-hội vẫn là những vị còn nằm trong guồng máy của Giáo-hội vì nhiều thứ. Có một thứ nên làm nếu muốn nói đến và nói về “Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu” là cứ nói nhiều về tình-yêu nhưng không theo lối biện-luận hoặc cãi cọ, mà theo cung-cách của truyện kể rất dân gian.

Nếu thế thì, mời bạn và mời tôi, ta cứ thế mà “tự-nhiên như người Hà-Nội” của cha ông tôi, đừng khách sáo. Nay, hãy đi vào vườn truyện kể mà kể cho nhau nghe những chuyện rằng:

“Hôm ấy, trong buổi học, cô giáo dặn các em học sinh là: ngày mai, mỗi người hãy mang theo một dụng-cụ bảo-vệ sức-khoẻ. Hôm sau, cô gọi một em có tên là Cu Tý, mà hỏi:

-Tí à, hôm nay em đem gì vậy?

-Dạ, em đem băng gạt để băng bó vết thương, khi bị nạn.

-Giỏi! Thế còn Tèo thì sao?

-Dạ, em đem Oxy già để rửa vết thương, nếu có bị.

-Tốt! Còn bé Tũn đem gì?

-Dạ thưa cô, em đem bình Oxy!

-Em lấy của ai vậy?

-Dạ, em lấy của Bà em đấy cô!

-Thế lúc em đem đi Bà của em có nói gì không?

-Dạ không! Bà chỉ thở dài rồi phều-phào bảo: Không…được…đem…nó..đi…

-Thế thì em làm sao?

-Dạ, thì cô bảo em đem đi rồi sẽ đem về cũng được.

-Không được! Lập tức em phải đem về cho Bà thở chứ!!!

Còn bé Lan đem gì thế?

-Dạ, em đem theo nụ cười!

-Sao lại thế? Nụ cười thì ai chả có, đem đến đây làm gì?

-Thưa cô, em nghĩ: chỉ có nụ cười mới giải quyết được mọi sự, cả yêu thương lẫn sức khoẻ”.

(truyện kể như của người lớn chế, nhưng đâu sao)

Vâng. Truyện kể, do ai kể mà chả được. Miễn, nó đáp-ứng được nhu-cầu của người nghe, và cả người kể nữa. Vâng. Đúng là như thế. Bởi lẽ, trong quá-trình kể lể những chuyện khá “phiếm” như thế này, thì: truyện kể vẫn cần hơn chuyện biện-luận này khác, dù về Đạo.

Nghĩ thế nên, bần đạo bầy tôi đây hẹn sẽ còn kể lai rai dài dài, nhiều chuyện phiếm, cũng rất “phiếm”, chỉ để vui trong sống Đạo giữa cuộc đời có quá nhiều thứ thiếu vui, như con người. Chí ít, là người đi Đạo và giữ Đạo, nhưng không sống thực một đời người rất có Đạo. Đạo làm người và sống với mọi người trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Có viết nhiều viết ít

Những chuyện phiếm Đạo đời,

Cũng chỉ để cho vui.

Mà thôi. 

     

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31