CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Written by xbvn on Tháng Tám 30th, 2014. Posted in Mai Tá

“Chiều trên phá Tam Giang,”

anh chợt nhớ em”.
Nhớ ôi niềm nhớ, ôi niềm nhớ,
đến bất tận em ơi! Em ơi!”

(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – Chiều Trên Phá Tam Giang)

(Ga 13: 33)

             “Niềm nhớ” nói ở đây, có thể anh đang nói về người nghệ sĩ mà anh chợt nghĩ đến vào chiều hôm đó, ở Tam Giang? Tuy, anh nhớ nhiều đến như thế, cũng chỉ là nỗi niềm nhung nhớ của tuổi trẻ đương yêu về chuyện yêu đương khi còn ở nhà, mà anh giữ mãi như sau:

             “Giờ này, thương xá sắp đóng cửa,

người lao công quét dọn hành lang.

Giờ này, thành phố chợt bùng lên,

để rồi tắt nghỉ sớm.

 Ôi Sàigòn, Sàigòn giờ giới nghiêm!

Ôi Sàigòn, Sàigòn mười một giờ vắng yên!

Ôi em tôi, Sàigòn không buổi tối!”

(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – bđd)

 Ôi thôi là nỗi nhớ! Nỗi niềm thương nhớ ở tuổi vẫn còn yêu chỉ mỗi thế thôi, sao? Hay, anh còn nhớ rất nhiều thứ mà người em của anh từng diễn-tả hôm trước, cũng rất thơ:

 “Giờ này, có thể trời đang nắng,

em rời thư viện đi rong chơi.

Hàng cây, viền ngọc thạch len trôi,

nghĩ đến ngày thi tương-lai thúc-hối.

Căn phòng nhỏ, cao ốc vô-danh

rồi nghĩ tới anh, rồi nghĩ tới anh,

nghĩ tới anh.”

(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – bđd)

 Nỗi nhớ đến là thế, mà sao anh cứ hát điệu bi-ai, tiếc nuối đến bồi-hồi, như thế? Người đời nay rày cũng nhớ, nhưng chỉ nhớ những gì xảy ra vào thời cũ/xưa, khi đời người lại đổi thay cũng rất chóng, như nguời viết còn ghi mãi, những điều sau đây:

 “Chủ đề tôi đặt ra ở đây, đi thẳng vào chuyện dạy dỗ con cái, như vẫn thấy ở ngoài đời. Tất cả chúng ta đều biết, nó như một chiến-trường, ở đó có bậc làm mẹ nọ quyết chiến-đấu chống vị chủ-trường để bảo-vệ con em mình. Điều đáng nói ở đây, là cung-cách giảng-dạy về sinh-lý/tính-dục và giáo-án này lại đính kèm dụng-cụ giáo-dục buộc phải đưa vào nơi giảng dạy bằng tiếng Anh, đã gây “sốc” cho nhiều người, trong đó có tôi.

 Ngay đến sách giáo-khoa về khoa-học viết cho con trai tôi học, đã được chuẩn-thuận dùng ở các trường tư-thục giỏi vào bậc nhất tỉnh-lỵ, lại cũng thấy một số chương đoạn đã sai-sót khi nói về chuyện sinh-đẻ của người mình.

 Phản-ứng đầu-tiên của các bậc cha mẹ biết đề-cao cảnh-giác với cách dạy sinh-lý ở học-đường, quyết phản-chống lối giảng-dạy do trường đề ra, rồi quyết-định tự đưa con mình ra khỏi môi-truờng ấy đem chúng về dạy tại nhà hoặc ở đâu đó, tương-tự thế. Rõ ràng là, các bậc cha mẹ có ý-thức vẫn là nhà giáo có thiên-chức tự-nhiên biết dạy những điều cần dạy, cho con em mình về các đề-tài khá tế-nhị. Ngay đến chính-quyền có tư-cách, như ở Anh quốc, cùng đều thấy như thế, mới là chuyện phải làm.

 Thật ra thì, đường lối chính-đáng dẫn-đưa ta, mang tính phản-chống hơn là dễ bảo, vẫn dạy rằng: làm cha/làm mẹ tức mới là nhà giáo chính-đáng, chứ nhà trường chỉ có trọng-trách thứ-yếu đứng ở hậu-trường, giúp họ thêm thắt đôi chút mà thôi”. (xem thêm Louise Kirk, Teaching children the facts of life, MercatorNet 24/6/2014)

 Kể cũng lạ. Vai-trò của nhà trường và thày/cô nay khác thời cha ông ta khi xưa vẫn có quan-niệm rằng nhà trường cà thày cô có trọng-trách dạy dỗ con mình nên người. Thành thử, nhà trường và thày cô, được học trò và gia-đình kính nể, nên vẫn nói: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”, tức: một chữ cũng là thày, nửa chữ cũng là thày.

Kể cũng lạ. Đây không là nhận-định tư-riêng của ai đó, mà điều lạ bắt gặp được lại là ý-tưởng phản-bác/đối-kháng đường-hướng giáo-dục ở đâu đó, bên Tây/Tầu. Có điều lạ nữa là: ở trời Tây, hôm nay, mọi nguời sống ở đây có quyền nói lên ý-nghĩ riêng của mình, dù ý-nghĩ ấy không cùng khuôn-phép với chính-phủ, tôn-giáo hoặc cơ-quan giáo-dục nào đó ở các nơi khiến người sống vào mọi thời nhớ mãi đường-hướng/ý-tưởng được đưa ra, ở thời trước.

Trong chiều-hướng nhớ về “thời buổi trước” khác hẳn bây giờ, có tác-giả lại đưa ra ý-kiến về việc giáo-dục giới trẻ thời hôm nay vốn chịu nhiều thiệt-thòi từ nhiều phía, như sau:

 “Ngày nay, tại xứ sở mang tên Úc Đại Lợi này, vẫn thấy thứ “im lặng dễ sợ” xuất từ các nhà lãnh-đạo của ta, cả về chính-trị, xã-hội, tôn giáo lẫn pháp-luật. Đó là thứ im-lặng đang gia tăng về cung cách tạm-bợ có liên-quan đến các quan-hệ nam-nữ có con cái dính-dự.

 Nếu có dịp nói chuyện với các vị phụ-trách trông nom những người bị thiệt thòi về nhiều thứ, ta sẽ biết nhiều câu chuyện khác nhau, như chuyện họ từng chứng-kiến các hệ-quả đem đến cho con trẻ được nuôi dưỡng từ bậc mẹ cha có quan-hệ bất thường hoặc bất ổn. Các hệ-quả như thế đều ghi chú bằng các nhu-liệu đích đáng, ở Úc này…

 Một số các nhà nghiên-cứu kháo-sát ở Úc như Lixia Qu và Ruth Weston thuộc Cơ-quan có tên là The Australian Institute of Family Studies đã nhận ra rằng: các gia-đình trẻ có cha mẹ chung sống không hôn thú xem ra có khả-năng tăng gấp ba về gẫy đổ so với các gia đình có cưới hỏi đàng hoàng. Các nhà nghiên-cứu nói trên cũng đề-cập đến trường-hợp con trẻ ở với bậc mẹ cha chung sống không hôn thú đã bị lọt lại đằng sau, so với những đứa sống với cha mẹ có hôn thú đàng hoàng. Tụt lại phiá sau, cả về cảm-xúc xã-hội lẫn phát-triển chung chung, như: trình-độ học-vấn nghèo nàn, chậm lụt; có vấn-đề về hạnh-kiểm cũng như kinh-nghiệm được dạy dỗ, kém hơn các em khác…

 Tóm lại, qua báo-cáo của các nhà nghiên-cứu nói trên, thì: hiện nay, đang có sự chia-cách rõ nét giữa người được giáo-dục tốt có khuynh-hướng chịu lập gia-đình chịu sinh con sau đó; trong khi đó những người thuộc tầng-lớp xã hội có kinh-tế thấp hơn, dường như xuất-thân từ quan-hệ vợ-chồng chung sống không hôn-thú….” (xem thêm Bettina Arndt, The Unspoken Truth About Marriage and Kids, The Majellan Family July-September 2014, tr. 15-17)

 Nói về sự-kiện xã-hội có liên-quan đến giáo-dục con trẻ, như trên, chỉ cốt để nói rằng: nhiều lúc bậc cha mẹ ngoài đời lại đã quên mất chức-năng nuôi-dưỡng/giáo dục con em mình. Về niềm nhớ như thế, là nhớ và nói khác kiểu của người nghệ-sĩ chỉ muốn hát câu tình tứ rất ư tình-tự như:

 “Giờ này có thể trời đang mưa,

Em đi dưới hàng cây sướt mướt

nhìn bong bóng nước chạy trên hè

như đóa hoa nở vội.

Giờ này em vào quán nước quen,

nơi chúng ta thường hẹn

rồi bập bềnh buông tâm trí

trên từng đợt tiếng lao xao.

Giờ này thành phố chợt bùng lên

Em giòng lệ bất giác chảy tuôn

nghĩ đến một điều em không rõ,

nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ

đến một người đi giữa chiến tranh

lại nghĩ tới anh,

lại nghĩ tới anh,

nghĩ tới anh…”

(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – bđd)

 Chừng như nghệ sĩ ở đời, thường nghĩ nhiều và nhớ nhiều những điều như thế. Như thế, tức nhớ về người anh và người em mà mình đang yêu da diết, rất khó quên.

Chừng như nhà Đạo mình lại đã không như thế. Nhà Đạo mình, vẫn nhớ nhiều và suy nhiều về những điều được ghi trong Kinh Sách, rất như sau:

 “Hỡi anh em là

những người con bé nhỏ của Thầy.

Anh em đừng xao xuyến.

Hãy tin vào Thiên Chúa

Và tin vào Thày.”

(Ga 13: 33)

 Điều quan yếu, được đấng bậc thánh-hiền trong Đạo ghi chú để mọi người nhớ, là như thế. “Tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”, mỗi khi làm việc gì, đều phải thế. Và những điều, mà tín-hữu Đức Kitô “tin vào Thiên-Chúa” và “tin vào Thày” là phải sống đời giản-đơn như con trẻ. Sống thế rồi, để rồi sẽ học được cung-cách sống thích-hợp với đời đi Đạo.

Sống giản-đơn đời đi Đạo, là dám dấn thân vào chốn nguy-nan, để gặp người/gặp mình, trong tình-huống gian-nan khốn khó như vẫn gặp. Sống giản-đơn/chân-phương, còn là sống trong thinh-lặng có nguyện cầu, qua nền văn-hoá sống-động, không sợ hãi.

Sống giản-đơn/chân phương, còn là và nhất là sống như con trẻ, không hãi sợ, nhưng vẫn tươi vui, dù các hiểm-nguy/đe doạ đang trờ đến, ở trước mắt.

Sống giản-đơn/chân phương là sống vui vẻ với người yếu thế, thấp kém, nghèo hèn, nhưng vẫn vui. Vui, vì biết rằng có Đấng Nhân Lành ở trên cao, hằng nhớ đến mình và mọi người, trong mọi trường hợp.

Sống giản-đơn/chân phương là sống như mọi người ở mọi hoàn-cảnh, dù gặp khó khăn, khốn khó. Khó khăn và khốn khó, cả trong việc hoà hợp, hội-nhập vào với nền văn-hoá, đạo giáo, rất khác mình.

Sống giản-đơn/chân phương cả vào khi mình khám-phá ra tính-chất rất “Đạo” cũng hài-hoà, nhẹ nhõm như Tin Mừng hiền hoà mình gặp ở Lời Chúa.

Và, sống giản-đơn/chân phương như mọi người vẫn sống theo cách thương yêu hoà hoãn ta bắt gặp, như truyện kể để minh hoạ, như bên dưới:

 “Truyện rằng:

Một cậu bé xuất hiện trước cửa hàng bán chó và hỏi người chủ cửa hàng: “Giá mỗi con chó là bao nhiêu vậy bác?

Người chủ tiệm trả lời:

-Khoảng từ 30 tới 50 đô la một con!”

Cậu bé rụt rè nói:

-Cháu có thể xem chúng được không ạ?”

 Người chủ tiệm mỉm cười rồi huýt sáo ra hiệu. Từ trong chiếc cũi, năm chú chó con bé xíu như năm cuộn len chạy ra, duy có một chú bị tụt lại sau khá xa. Ngay lập tức, cậu bé chú ý tới chú chó chậm chạp, hơi khập khiễng đó. Cậu liền hỏi:

-Con chó này bị sao vậy bác?

 Ông chủ tiệm giải thích rằng nó bị tật ở khớp hông và nó sẽ bị khập khiễng suốt đời. Nghe thế, cậu bé tỏ ra xúc động:

-Đó chính là con chó cháu muốn mua.

Chủ tiệm nói:

-Nếu cháu thực sự thích con chó đó, ta sẽ tặng cho cháu. Nhưng ta biết cháu sẽ không muốn mua nó đâu.

Gương mặt cậu bé thoáng buồn, cậu nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng và nói:

-Cháu không muốn bác tặng nó cho cháu đâu. Con chó đó cũng có giá trị như những con chó khác mà. Cháu sẽ trả bác đúng giá. Thực ra, ngay bây giờ cháu chỉ có thể trả bác 2 đôla 37 xu thôi. Sau đó, mỗi tháng cháu sẽ trả dần 50 xu được không ạ?

-Bác bảo thật nhé, cháu không nên mua con chó đó”, người chủ cửa hàng khuyên. “Nó không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi đùa như những con chó khác được đâu.

 Ông vừa dứt lời, cậu bé liền cúi xuống vén ống quần lên, để lộ ra cái chân trái tật nguyền, cong vẹo được đỡ bằng một thanh kim loại. Cậu ngước nhìn ông chủ cửa hàng và khẽ bảo:

-Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà, và chú chó con này sẽ cần một ai đó hiểu và chơi với nó.

Cậu bé, với chiếc chân trái phải mang khung thép trong suốt bốn tháng qua, về đến nhà, trên tay ôm một chú cún con. Chú cún này bị tật ở xương hông, nên chỉ có thể đi được những bước khập khiễng.

 Việc cậu bé chọn mua một chú cún bị tật khiến bố mẹ cậu vừa ngạc nhiên, vừa xót xa vì thương cảm. Nhưng điều khiến họ ngạc nhiên hơn nữa, đó là từ ngày có người bạn mới, cậu bé như trở thành một con người khác, lúc nào cũng tươi vui, tràn đầy hy vọng.

 Ngay từ ngày đầu tiên đón chú cún về nhà, cậu bé đã cùng mẹ đến gặp bác sĩ thú y để tìm ra cách chữa trị tốt nhất cho cún con. Bác sĩ khuyên rằng, nếu cậu bé chịu khó xoa bóp, kéo căng chân cún đều đặn mỗi sáng và dắt chú đi dạo ít nhất một dặm mỗi ngày thì các cơ xung quanh chiếc hông bị vẹo của cún con sẽ dần trở nên mạnh khỏe. Cơ may trở lại bình thường của cún con là hoàn toàn có thể và tùy thuộc rất nhiều ở cậu bé.

 Mặc dù chú cún cứ rên rỉ khó chịu mỗi lần cậu bé xoa bóp chân cho chú, và dù cậu luôn cảm thấy chân trái đau nhức mỗi khi dẫn cún đi dạo, nhưng trong suốt hai tháng trời, cả hai đã nghiêm túc tập luyện theo chế độ phục hồi dành riêng cho họ. Vào tháng thứ ba, cả hai đã có thể đi được ba dặm mỗi sáng trước khi cậu bé đến trường mà không hề cảm thấy đau chân tí nào.

 Vào một sáng thứ bảy, khi cả hai đang trên đường trở về sau buổi tập như thường lệ, thì bất thình lình, một chú mèo nhảy ra khỏi bụi cây bên đường khiến cún con hết sức hoảng hốt, chú nhảy chồm lên, giật tung dây xích ra khỏi cổ rồi phóng như tên bắn ra giữa dòng xe cộ. Cún con va phải một chiếc ô tô, bị hất tung lên vệ đường. May mắn thay, chú chó vẫn còn thoi thóp thở. Ghì chặt người bạn nhỏ yêu thương vào lòng, cậu bé đi nhanh về nhà, không để ý thấy khung thép bên chân trái của mình đã bong ra tự lúc nào.

 Mẹ cậu tất tả đưa chú chó đến viện thú y. Trong khi cậu bé đang lo lắng chờ đợi bên ngoài, mẹ cậu ôm cậu vào lòng, nghẹn ngào nói trong nước mắt:

-Con không để ý thấy điều gì ư? Con đã có thể đi lại bình thường được rồi đấy!

-Sao lại như vậy được hả mẹ? Cậu bé ngạc nhiên.

-Con trai của mẹ, con bị viêm tủy xương. Người mẹ giải thích.

-Căn bệnh này khiến chân con ngày càng yếu, nhưng nó không thực sự là một căn bệnh nan y nếu con quyết tâm vượt qua nỗi đau đớn và tích cực tập luyện hàng ngày. Con biết điều ấy, nhưng con lại không tin vào chính mình. Con luôn chống cự không để bố mẹ giúp con điều trị, cả bố và mẹ cũng thực sự không biết mình nên làm gì nữa. Nhưng chú cún con đã làm thay đổi mọi thứ. Kỳ diệu thay, khi con giúp chú chó, con cũng đang tự giúp chính mình để trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

 Ngay lúc đó, cánh cửa phòng mổ hé mở. Bác sĩ thú y bước ra tươi cười thông báo:

– Cháu có thể yên tâm, chú chó của cháu sẽ sớm khỏe lại thôi!

(trích từ http://hon-viet.co.uk/CauBeVaConChoNho.htm)

 Quả đúng như lời kể nhẹ ở trong truyện, có những sự thật vẫn còn đó trong đời người, như câu nói: Kỳ diệu thay, khi con giúp chú chó, con cũng đang tự giúp chính mình để trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn”.

Kỳ-diệu hơn nữa, còn là ý-tứ và ý/từ cứ bảo rằng: Khi mình giúp người khác, là mình đang tự giúp mình, cũng rất nhiều.

Bởi thế nên, khi hát những ca từ mang ý-nghĩa về nỗi niềm nhung nhớ chợt loé sáng ở bài “Chiều trên phá Tam Giang”, là người nghe hát lại cũng nhớ nhung/nhung nhớ về ề một nỗi niềm nào đó rất tư-riêng.

Bởi thế nên, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ hát lên điệu hát của bài này, để rồi tự khắc sẽ nhớ da diết như người nghệ-sĩ đã từng hát câu:

 Chiều trên phá Tam Giang,

anh chợt nhớ em.
Nhớ ôi niềm nhớ,

ôi niềm nhớ,

đến bất tận em ơi!

Em ơi!”

(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – bđd)

 Bởi thế nên, khi chợt nhớ người em nhỏ ở nhà vẫn cứ bận rộn với “thương xá” với “thành phố đã giới nghiêm”  là nhớ rất nhiều thứ. Nhưng có một thứ, một điều mà người hát cũng như người nghe ít nhớ đến hơn cả, là những điều được bạn bè thu thập từ nhiều nguồn, nay ghi lại để bạn nhớ mà giữ, mà thương cho nỗi nhớ chóng quên của mình. Điều đó, vẫn có những điểm giản-đơn, chân-phương mà người ghi gọi là “Toa thuốc tuyệt vời” cho mọi người, cứ kể rằng:

 “Có một toa thuốc rất hay cả về tinh thần lẫn thể xác. Chúng ta cùng nhau tập dùng thử:

 I. Sức khỏe

Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) định nghĩa: “Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất và hoàn cảnh, chứ không phải là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật”.

 II. Bí quyết trường thọ
1. Chấp nhận với những gì mình đang có
2. Thích nghi với hoàn cảnh của mình
3. Điều chỉnh để đạt được điều mong muốn.

 III. Phòng ngừa bệnh tật
1. Không vui quá hại tim
2. Không buồn quá hại phổi
3. Không tức quá hại gan
4. Không sợ quá hại thần kinh
5. Không suy nghĩ quá hại tỳ
6. Xua tan hoài niệm cay đắng bằng tha thứ và lãng quên
7. Với người cao tuổi tránh tranh luận hơn thua.

 IV. Thức ăn & uống trong ngày:
Một củ hành: chống ung thư
Một quả cà chua: chống tăng huyết áp
Một lát gừng: chống viêm nhiễm
Một củ khoai tây: chống sơ vữa động mạch
Một trái chuối: làm phấn chấn thần kinh, bớt lo âu, chống táo bón, giảm được béo
Một quả trứng hay ít thịt nạc: chống suy dinh dưỡng
Uống 1 đến 2 lít nước mỗi ngày: giải độc cơ thể.

 V. Triết lý của người Trung Hoa hiện đại:
1. Một Trung Tâm là sức khỏe
2. Hai Tí: Một tí thoải mái – Một tí nhiệt tình
3. Ba Quên: Quên tuổi tác – Quên bệnh tật – Quên hận thù
4. Bốn Có: Có nhà ở – Có bạn đời – Có bạn tri âm – Có lòng vị tha.
5. Năm Phải: Phải vận động Phải biết cười Phải lịch sự hòa nhã Phải biết nói chuyện và Phải coi mình là người bình thường.

 VI. Bảo Sinh Thái Ất Chân Nhân
1. Ít nói năng để dưỡng Nội Khí
2. Kiêng sắc dục để dưỡng Tinh Khí
3. Bớt ăn hăng mạnh để dưỡng Huyết Khí
4. Đừng nhổ nước bọt để dưỡng Tạng Khí
5. Chớ giận hờn để dưỡng Can Khí
6. Chớ ăn quá độ để dưỡng Vị Khí
7. Ít lo lắng để dưỡng Tâm Khí
8. Tránh tà tâm để dưỡng Thần Khí.

 VII. Hãy Dành Thì Giờ
Những lời khuyên từ Mẹ Thêrêsa Calcutta:
Hãy dành thì giờ để suy nghĩ. Đó là nguồn sức mạnh.
Hãy dành thì giờ để cầu nguyện. Đó là sức mạnh toàn năng.
Hãy dành thì giờ cất tiếng cười. Đó là tiếng nhạc của tâm hồn.
Hãy dành thì giờ chơi đùa. Đó là bí mật trẻ mãi không già.
Hãy dành thì giờ để yêu và được yêu. Ưu tiên Thiên Chúa ban.
Hãy dành thì giờ để cho đi. Một ngày quá ngắn để sống ích kỷ.
Hãy dành thì giờ đọc sách. Đó là nguồn mạch minh triết.
Hãy dành thì giờ để thân thiện. Đó là đường dẫn tới hạnh phúc.
Hãy dành thì giờ để làm việc. Đó là giá của thành công.
Hãy dành thì giờ cho bác ái. Đó là chìa khóa cửa thiên đàng.”
(trích điện thư trên mạng)

 Nghĩ thế rồi, hỡi tôi và hỡi bạn, ta cứ quyết gì thì quyết, miễn sao đời mình sẽ vui và sẽ tươi suốt chuỗi ngày còn lại của đời mình. Cho đáng sống. Với mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Rất tạ ơn Người,

tạ ơn đời

vì có được quyết-tâm mới

Rất như thế.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31