CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 24 TN C
“Bằng lòng đi em
không lẻ loi đom đóm lập loè,”
Bằng lòng đi em
miền Tây quen khói lam chiều.”
(Vinh Sử – Bằng Lòng Đi Em)
(2Cr 8: 1-2/8: 9)
Còn nhớ, có lần vị linh mục trẻ nọ ở Sydney từng dự lễ cưới của bạn bè/người thân cũng rất gần, cứ nghe thực khách xúi bẩy bèn lên bục nhạc, hát mấy câu như vầy:
“Bằng lòng đi em, anh về quê mang lễ cau trầu
Mẹ cha lên hỏi kết hoa bằng thuyền đưa dâu đó nghe
Áo cưới hình đôi bồ câu khăn vấn nhiều vàng mượt đâu đó
Bằng lòng đi em quê miền Tây trái cây xanh màu.”
(Vinh Sử – bđd)
Thôi thì, đôi trẻ nghe thế chắc cũng thấy vui. Vui hơn nữa, là người hát hôm ấy, lại là ca sĩ “không chuyên” nhưng vẫn đạt, khiến quan-viên-hai-họ và mọi thực khách rất “bằng lòng”.
Thế đó, một tình huống có anh/có em có cả hai họ, rõ rành rành. Còn, ở nhà đạo có đủ mặt bá-quan-văn-võ rất nhiều họ, sao không thấy ai hát những lời hay như thế? Hay, là hay ở những câu như thế này:
“Hỏi mãi sao im re
Sao mà lặng thinh không dám nói
Anh trắng đêm muỗi kêu vo ve
Anh biết chưa đông chưa về
Nghe gió đưa bụi chuối sau hè.”
(Vinh Sử – bđd)
Kể cũng lạ, người nhà đạo nói thì nói nhiều, nhưng hát lại vẫn thiếu những câu nghe lạ tai, vẫn rất vui. Tai người nhà Đạo, có nghe hoài và nghe mãi, mà sao ít thấy ai “bằng lòng” hoặc “bằng dạ” lại ra thế? “Bằng lòng” hay không, hẳn người nhà Đạo vẫn nghe “ông-cha-giảng” nói nhiều và nói không thiếu những điều về luật phép “nhà Đức Chúa Trời” chẳng mảy may mất đi một chữ một từ, năm này qua tháng nọ. Sao chẳng thấy ai phản đối, hoặc vẫn “bằng lòng đi em”? Dù, phản đối đây, có là phản chống/đối đầu với cách giảng và giải chứ không đối kháng lời giảng dạy, hay sao đó mà vẫn sợ!
À thì ra, nhà Đạo mình, còn giữ cung cách khá ư “thụ động” của con dân ở “dưới trướng”. Dưới trướng hay thụ động, phải chăng là “căn tính’ thấy cũng quen trong nhà Đạo, từ trước giờ? Trước khi đi vào chuyện phiếm những lan man nhiều ý/lời ở đôi nơi, tưởng cũng nên ngang qua một chút truyện kể cũng nhè nhẹ, rất như sau:
“Truyện, là thế này:
Hôm ấy, có đấng bậc mẹ cha thấy con trai trưởng nhà mình, rày đã đứng tuổi, mà sao con nhà mình vẫn cứ “dậm chân tại chỗ”, bèn khuyên nhủ:
-Con ạ! Nay con cũng xấp xỉ 40 rồi đấy. Liệu mà “bằng lòng” đại đứa nào đi cho rồi, kẻo sau này cơm nước xong có muốn xỉa răng, cũng chẳng “ma” nào nó chịu lấy tăm cho mà xỉa, đâu đấy nhé!
40 năm sau, chàng trai ngày ấy, nay thành ông cụ tám muơi tuổi đầu nằm ôm đầu, nhét bông gòn vào tai để khỏi nghe lũ cháu nội/cháu ngoại hát mãi câu “Bằng lòng đi em”, rồi quát lớn:
-Bằng lòng với chả bằng mặt! Cũng chỉ vì khi xưa ông mày đây cứ nghe hát mãi câu ca “bằng lòng” giống như thế, nên mới chịu để sau này có người lấy tăm cho mà xỉa, nên mới khốn khổ thế này đây!…”
Ấy chết! “Bằng lòng đi em” đâu có thế. Bằng lòng đây, là bằng lòng thật đấy, chứ đâu chỉ “bằng mặt” thôi đâu nào. Nay, ta cứ vểnh tai nghe cho kỹ câu hát có ý/lời, rõ mồn một:
“Bằng lòng đi em, không lẻ loi đom đóm lập loè!
Bằng lòng đi em, miền Tây quen khói lam chiều.
Cầu tre lắc lẻo bướm ong, phượng hồng ve kêu.
Giếng nước cầu xưa,
Tình yêu chim líu lo chuyền cành điều kia kìa.”
(Vinh Sử – bđd)
Nơi nhà Đạo, thập niên ‘80 hồi ấy, có đến 80% người đứng tuổi đã “bằng lòng” lòng vòng bằng cả dạ, lại đã đi vào chốn phối ngẫu, có vợ/có chồng chứ không “ở vậy” mãi ngoài phố chợ, như hôm nay.
Còn nhớ, có lần người người theo dõi thấy có bài phân tích thống kê ở Hoa Kỳ vào năm 2009, cho thấy chỉ mỗi 52% người Mỹ đứng tuổi, nghe hát câu “bằng lòng đi em” là chịu đi vào chốn “luyện hình” trần thế rất vợ chồng. Thế đó, là khảo sát mới mẻ cho thấy trong vòng có trăm năm, Sở Thống Kê Hoa Kỳ lại đã thu thập dữ kiện đáng ngại là như thế.
Có vị nói rõ lý do là bởi nền văn hoá của ta khá thảm khốc. Vị khác, nói: đó là do sĩ số khá cao về ly dị, xảy ra ở đời người mọi người đều biết, nên bắt chước. Có vị, lại cho đó là do xã hội đổi thay về động-thái của người đời, nay đòi sống thử, yêu thử trước khi quyết đi vào kiếp số bằng mặt chứ không “bằng lòng”. Vị khác, lại bảo, thật ra không phải như thế, sở dĩ có chuyện tréo cẳng ngỗng trong thống kê, là vì: bà con ta cứ tà tà học cho xong, đỗ đạt bằng cấp cho họ hàng nở mày nở mặt, đến khi xong, lại thấy mình đã “lỡ thời”, lỡ trớn, thì “bằng lòng đi em” gì nữa cho …khổ!
Nói cho cùng, “bằng lòng đi em” không chỉ là lời nhắn gửi đến đôi trẻ đang trên đường tìm hiểu, dẫn đến hôn nhân hoặc “nhân hôn”, mọi tình huống. “Bằng lòng đi em”, đối với các bậc thánh-nhân hiền-lành trong Đạo còn có thể là bà con mình hãy vui mà chấp nhận tình cảnh mà người thời nay vẫn dùng tiếng lóng/tiếng lái để bảo “Vũ Như Cẫn/Vẫn như cũ” rất như thế. “Bằng lòng đi em”, theo ý đấng bậc hiển thánh, còn là: bằng lòng/ bằng cả dạ chấp nhận tình trạng “nghèo mà vui” với thánh hội, với mọi người ở chốn gian trần này. Chẳng thế mà, thánh Phaolô lại cứ bảo ban người của Chúa, bằng những lời y như bài hát “bằng lòng đi em”, rất như sau:
“Thưa anh chị em,
chúng tôi xin báo cho anh chị em biết
ân huệ Thiên Chúa đã ban cho các Hội Thánh ở Makêđônia.
Trải qua bao nỗi gian truân,
họ vẫn được chan chứa niềm vui;
giữa cảnh khó nghèo cùng cực,
họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại.”
(2 Cr 8: 1-2)
Hoặc sau đó, thánh-nhân lại còn thêm:
“Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta,
đã có lòng quảng đại như thế nào:
Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em,
để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.
Về điều này,
tôi xin đưa ra một ý kiến.
Ý kiến đó thích hợp với anh em, vì anh em
là những người đầu tiên, chẳng những đã thực hiện công cuộc đó,
mà còn đã quyết định làm ngay từ năm ngoái.
Vậy nay anh em hãy hoàn thành công cuộc đó,
để như anh em đã hăng hái quyết định thế nào,
thì cũng tuỳ khả năng mà hoàn thành như vậy.”
(2Cr 8: 9-10)
Thật ra thì, khi viết cho cộng đoàn tín-hữu Côrinthô thời xưa đó, thánh-nhân không cố ý nói đến 4 chữ “bằng lòng đi em” theo nghĩa của người viết nhạc thời nay, trong phối ngẫu. Nhưng theo ý khác. Ý khác hay ý gì, thì: ở nhiều chương đoạn, thánh-nhân hiền-lành vẫn cổ vũ tâm trạng và tình-trạng rất bằng lòng đủ mọi thứ, kể cả: nghèo túng, bức bách, đói khổ hoặc tệ như trường hợp được kể ở câu truyện bên trên.
Thật ra thì, nếu thánh-nhân này khác sống ở thời buổi này, rày cũng nghĩ như “chúng tôi ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà”, như kinh cầu cùng Mẹ Maria lâu nay vẫn nghe thấy.
“Bằng lòng đi em!” theo tinh thần nhà Đạo mình, còn có nghĩa: hãy cứ vui lòng chấp-nhận thay đổi tình huống có lối sống đổi thay. Đổi từ tình trạng khá giả, ăn sung mặc sướng như khi trước, để rồi người người sẽ cùng ta trở về chung sống với người nghèo khó, như người khó nghèo, nếu muốn dấn bước theo Đức Kitô, là Đấng Khó Nghèo tự bản chất. Tức: Đệ Nhất Khó Nghèo, nhưng vẫn “rất bằng lòng”.
“Bằng lòng đi em”, còn có nghĩa chấp nhận mất mát, chịu tỉa bỏ khỏi con người mình, những gì là dư thừa, đầy đủ, để nắm chắc một tương lai mai ngày, hầu đứng vững. Vững, như bàn thạch chẳng ai lay chuyển hoặc lấy mất đi “của dư/của để” do mình tích lũy.
“Bằng lòng đi em” ở Đạo Chúa, còn là khuyến khích người, khuyến khích mình cắt bớt hoặc giảm thiểu nguồn lợi vật chất dù chính đáng, cho trái đất này dễ sống hơn. Cho môi trường thích hợp với mọi người, chí ít là người nghèo không đủ khả năng để làm cho chính mình được ấm áp, đủ nước uống, quyết không phung phí một thứ gì.
“Bằng lòng đi em”, là chấp nhận không gia tăng lợi nhuận, bằng cách ăn trên ngồi chốc đủ thứ mọi người. Nói theo ngôn ngữ thời đại, là bảo rằng: đừng mong muốn trở thành “đại gia”, “chân dài/chân ngắn hoặc gì gì đi nữa. Nhưng, vẫn cứ “thắt lưng buộc bụng” lam lũ, cần cù phục vụ người khác, chí ít là người có nhu cầu nhiều hơn mình, chứ không chỉ những người có mức sống dưới trung bình.
Và cuối cùng, thì: “Bằng lòng đi em” lại có nghĩa: chẳng còn muốn trở thành “cái rốn của vũ trụ” để mọi người cứ thế nhìn vào mà chiêm ngưỡng. Nhưng trái lại, vẫn chấp nhận thuộc vào những người “ở dưới trướng” để mọi người sai bảo. Rồi dần dà, hoán cải những người đi lầm đường lạc lối; để rồi, cùng với họ, ta đi vào chốn Nước Trời, vẫn cứ vui.
“Bằng lòng đi em” theo cách thế đó, là sẽ bằng lòng hát với mọi người cả những câu nghe qua tuy có hơi “vớ vẩn” hoặc sao đó, vẫn cứ “bằng lòng” và “bằng lòng”, như câu cuối:
“Bằng lòng đi em, dâu làng anh không thiếu bạc tiền
Cườm xanh tay nhẫn rất sang bằng vòng ximen
Đám cưới bà con ngợi khen, dây pháo tả dài nổ rền hén
Bằng lòng đi em qua mùa trăng ta cưới nhau liền.”
(Vinh Sử – bđd)
Bằng lòng với câu hát, giản dị như thế, cũng là bằng lòng cả với câu truyện kể chẳng dễ nể và cũng chẳng nổi cộm, vỏn vẹn bằng những ý/lời rất “bằng lòng”, như sau:
“Toà án gia đình/hình sự hỏi bị cáo:
-Tại sao ông lại giết vợ mình một cách tàn nhẫn như thế?
-Dạ thưa quan toà! Nếu quan mà ở địa vị tôi, tôi chắc quan hay vua cũng làm thế!
-Anh nói làm thế là làm sao? Đó đâu phải là lý do chính đáng.
-Thưa Toà, không chính đáng sao được, tối ngày sáng đêm lúc nào bà ấy cũng hát hoài hát mãi có mỗi một câu “bằng lòng đi” bằng lòng cho rồi, thế mà mỗi lần tôi có nhu cầu này/nọ thì bà ấy cứ để mặc tôi khốn khổ đến tội nghiệp, chẳng còn thương
-Câu ấy hát như thế nào mà ghê dữ thế?
Chỉ là bài hát đi hát mãi có mỗi chữ “bằng lòng đi em, bằng lòng đi anh…”
-Hát thế có gì đâu mà ông nỡ lòng nào lại giết bã?
-Có đấy thưa quan toà. Khốn khổ thế mà cứ nghe mãi câu “Bằng lòng đi em…
-Thế rồi sao nữa?
-Bà ấy còn bảo tôi một lần cuối: Nếu như anh không bằng lòng tôi, thì anh cứ giết tôi đi… Như thế là bà ấy “bằng lòng đi em” rồi chứ còn gì nữa.
Thật ra thì: truyện kể ở trên, chỉ mang tinh chất rất hư cấu, khó đúng thật. Đúng thật hơn, phải là lời khuyên của thánh-nhân hồi thời trước vẫn cứ bảo:
“Vợ chồng đừng từ chối nhau,
trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian,
để chuyên lo cầu nguyện;
rồi hai người lại ăn ở với nhau,
kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xatan lợi dụng để cám dỗ.
Điều tôi nói đó là một sự nhân nhượng
chứ không phải là một mệnh lệnh.”
(1 Cor 7: 5)
Thật ra thì, dù có “bằng lòng đi em” theo nghĩa của đấng thánh hiền-lành vẫn cứ khuyên như trên, thì hỡi bạn và hỡi tôi, ta cũng đừng dại dột nói và làm như ông chồng ở trên, rồi hối hận. Mà, hãy bằng lòng với ân-huệ Trên ban cho ta, và bằng lòng với hiện tại, để rồi còn sẻ san thương yêu hết mọi người, không chỉ “em” hoặc “anh” trong đời thường, ở huyện.
Nghĩ thế rồi, ta lại cùng vị “hát sĩ” nọ, cứ hát tiếp những câu làm đoạn kết:
“Bằng lòng đi em không lẻ loi đo đóm lập loè
Bằng lòng đi em quê miền Tây quen khói lam chiều
Cầu tre lắt lẻo bướm ong, phượng hồng ve kêu
Giếng nước cầu xưa
tình yêu chim líu lo chuyền cành điều kìa
Bằng lòng đi em anh về quê mang lễ cau trầu
Bằng lòng đi em qua mùa trăng
Ta cưới nhau liền.”
(Vinh Sử – bđd)
Bằng lòng ư? Không dám đâu!
Trần Ngọc Mười Hai
Chả dám hát thế
Cũng chẳng dám khuyên ai
Nhưng chỉ mỗi “bằng lòng” sống đời thực tại
Dù rất khó.
Tags: Tản-mạn-suy-tư
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT PHỤC SINH B
- CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN III MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 1 MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN IV MÙA VỌNG
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN A
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN A