CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 27 TN A

Written by xbvn on Tháng Mười 2nd, 2014. Posted in Mai Tá

“Khi em nhìn anh,”
Từ đôi mắt đen dịu dàng.
Như trăng hồ thu,
Đợi thuyền tình anh ghé thăm”.

(Y Vân – Khi Anh Nhìn Em)

(Lc 9: 62)

            Nhìn Em bằng đôi mắt nào đi nữa, cũng vẫn là nhìn, là ngó hay ngắm nghía và ngưỡng mộ, rất chân tình. Câu này cũng nghe quen từ hồi đó. Thời, mà các bậc chân-tu như thánh-nữ Têrêxa Hài Đồng thành Lisieux từng ngắm nhìn Chúa qua Thánh Thể hoặc qua người mẹ, người chị cùng một Dòng.

Câu hỏi hôm nay được gửi đến bạn và đến tôi, không chỉ là câu vẫn hỏi: anh/chị có còn nhìn thế nữa không, mà là câu hát rất thân-tình, còn hát tiếp:

Ánh mắt em u buồn,

mái tóc anh ươm sầu
Đã thấy trong thiên hạ
Ai buồn, ai buồn bằng…
Đôi lứa.. chúng ta ?!
(Y Vân – bđd)

Thế mới biết: người đời nhìn nhau vẫn thấy buồn, giống như thế những chuyện buồn trăm năm. Một thứ buồn rười rượi, u hoài về chuyện “đôi lứa chúng ta”.

Thế mới lạ. Bởi cũng lạ nên cứ hỏi: chuyện nhà Đạo mình có chăng những tình-tự thế?

Thế nhưng, trước khi trả lời cho câu hỏi hơi kho khó này, hỡi bạn và tôi, ta lại xin nghe tiếp một câu khác, để xem sao. Câu hát ấy, như thế này:

“Em là chim yến nhỏ,

anh khoác áo vân du
Đường xa em có ngại,

áo mây anh ấp ủ
Ta tìm lên núi tình,

ta đến suối yêu đương
Rồi đi thăm bến Mộng,

sẽ qua đồi ái ân.

Khi em nhìn anh
Sầu đong mấy Đông cho vừa
Như trăng vừa lên
Đầu ghềnh mờ pha tuyết sương.”
(Y Vân – bđd)

            Nhìn em hay nhìn anh, thì ai cũng đều nhìn/đều ngắm ít là một lần trong đời. Thế nhưng, trong đời người hỏi rằng: có chăng một lần nhìn nào đó vẫn cứ hỏi: “Có phải em đó không em, hay ai khác?” hệt như truyện kể để cười vui trước khi ta đi vào chuyện đứng-đắn rất thần-học sau này. Truyện kể về cái nhìn của người chồng, sau khi “nhìn em” mãi một hồi, rồi thì chuyện xảy ra mà bần đạo đoán là ở xứ Hàn, như sau:

            “Vừa nhìn thấy vợ hiền đang từ từ bước vào nhà, ông bố bèn hét bảo với đứa con còn nhỏ:

            -Này con, chạy ra mà xích con chó nhà mình lại.

Cậu con rất đỗi ngạc-nhiên bèn hỏi lại:

-Bộ, nhà mình có khách từ xa tới hay sao, hả bố?

Không chần chừ, người bố đáp ngay:

-Không đâu! Mẹ mày đang từ mỹ-viện đi về kià…”

(trích truyện kể lền khên, không ký tên!)

             Thế đó, một cái nhìn, rất chưa quen, từ bố con. Thế còn, cái nhìn từ nhà Đạo có gì khác không thế? Câu trả lời, cũng khó đoán. Bởi lẽ, nhà Đạo mình có người nhìn, có người không, nhất thứ là khi đi lễ về, nhiều người chẳng còn muốn nhìn nhau, dù vừa mới chào bình an cho nhau.

            Thêm nữa, nhà Đạo mình, lại cũng thấy rất nhiều người cũng đã nhìn và còn nhìn mãi, rất khôn nguôi. Nhưng, có khi là nhìn ai, nhìn cái gì cũng không chắc lắm. Bởi cứ chừng chừng nhìn mãi, làm sao biết. Cũng lắm khi, bạn đạo mình cứ mải nhìn chính mình hoặc nhìn người khác, rồi lại hỏi: “Tôi đây là người Công giáo, đấy chứ nhỉ?”

Hỏi như thế, tức có nhìn cho lắm cũng khó mà biết người biết mình, trăm phần trăm. Chi bằng, ta cứ nhờ bạn/nhờ tôi, nhờ mọi người xem thử ra sao, việc khó nói ấy. Khó hay không, bần đạo đây cũng chẳng biết. Chỉ biết có lần nọ, Đức Giáo Tông Phanxicô cũng từng có lời phán bảo rất gay go/gay cấn, và cũng lấn cấn như sau:

 “Những ai cứ muốn người khác nguyện cầu và tin chắc là mình có thể đưa ra những điều thay thế cho giáo-huấn của Hội-thánh và những ân-nhân từng sử-dụng hội-thánh như tấm phủ bọc nối-kết cho thương-vụ của họ cũng có thể tự gọi mình là Công-giáo, nhưng những người như thế vẫn chỉ là người chân trong chân ngoài ngưỡng cửa mà thôi. Với những người như thế, Hội-thánh không là mái-ấm cơ-ngơi của họ, mà chỉ là chốn được họ dùng như tài-sản thuê mướn để tá-túc mà thôi!” Lời Đức Phanxicô giảng ở nhà nguyện nơi ngài trú ngụ phản-ánh Tin Mừng theo thánh Gioan đoạn 17 câu 20-28.

 Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn giảng tiếp: Có ba nhóm người vẫn tự gọi là Công giáo, nhưng thật ra không phải thế. Đó là: những người chủ-trương thuần-nhất rất đồng dạng, thứ đến là những người thích sống khác lạ và những người chỉ biết đến doanh thương mà thôi.

 Và Đức Phanxicô đã giải-thích về ba nhóm người ấy như sau: “Nhóm người thứ nhất tin rằng mọi người trong Hội-thánh phải giống như họ. Họ là những người cứng-ngắc, không có được sự tư-do mà Thánh Thần Chúa phú ban cho họ. Những người này lẫn lộn những gì Đức Giêsu rao giảng với chủ-thuyết đồng-dạng riêng của họ. Thật sự thì Đức Giêsu chẳng bao giờ muốn Hội-thánh của Ngài trở nên cứng-ngắc hết. Những người thuộc nhóm này vẫn tự gọi mình là Công giáo, nhưng thái-độ cứng-ngắc của họ làm họ xa cách Hội-thánh Chúa.   

 Nhóm thứ hai, là những người cho rằng có thể thay thế cho giáo-huấn và tín-lý của Hội-thánh, nên họ chỉ tùy thuộc một phần vào Hội-thánh mà thôi. Những người này nữa, lại cũng chân trong chân ngoài đối với Hội-thánh. Họ thuê mướn Hội-thánh và không công-nhận giáo huấn của Hội-thánh mình được dựa căn-bản trên lời rao giảng của Đức Giêsu và truyền-thống của các tông-đồ.

 Nhóm người thứ ba cũng tự gọi mình là Công-giáo nhưng họ không đi vào tâm-can của Hội-thánh. Họ sử-dụng Hội-thánh vì lợi-ích riêng-tư của họ, thôi. Ta vẫn gặp những người này trong cộng-đoàn giáo-xứ, giáo-phận hoặc các dòng tu. Một số người trong nhóm họ là ân-nhân của Hội-thánh nên nhiều lúc cứ nghênh-ngang tự-cao tự-đại và tự-hào vì là ân-nhân, nhưng cuối cùng vẫn móc ngoặc/đi đêm tìm lợi nhuận cho riêng mình, thôi.

 Hội-thánh gồm dân con mọi người có khác-biệt về nhiều thứ và nhiều quà tặng, nên những ai muốn thuộc về Hội-thánh, đều phải có động-lực là tình-yêu thúc đẩy và phải đi vào lòng Hội-thánh bằng tất cả tấm lòng mến thương của mình. Hãy mở lòng mình với Thánh Thần Chúa là Đấng bảo-dưỡng tính hài-hoà trong khác-biệt, Ngài sẽ đem đến tính hiền-hoà dễ dạy chính là đặc-tính cứu vớt ta ra khỏi cảnh-huống “chân trong chân ngoài với Hội-thánh” (x. Cindy Wooden, Pope: Half-hearted Catholics aren’t really Catholics at all, Catholic News Service 05/6/2014)

 Về những ngó và nhìn cũng có nhiều nhận-định và/hoặc câu nói rất để đời, đã nghĩ tới. Chẳng hạn như, câu nói mà thánh-sử Luca từng đặt nơi miệng Đức Giêsu như sau:

            “Đức Giê-su bảo:

Ai đã tra tay cầm cày

mà còn ngoái lại đàng sau,

thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

(Lc 9: 62)

Như Chúa nói, đã ra đi làm gì đi nữa, cũng đừng “ngoái” lại đằng sau mà nhìn mà ngó, cũng không nên. Trong đời người đi Đạo, cũng có nhiều sự-kiện qua đó nhiều người vẫn cứ ngó, cứ nhìn vào nhiều thứ. Ngó và nhìn, cả những sự và những việc không liên-quan đến việc sống Đạo và giữ Đạo, cho phải phép.

Ngó và nhìn, ở ngoài đời, còn được thi-ca/văn-học diễn tả bằng nhiều cách. Có những lúc, ngó và nhìn cho kỹ để còn thấy được tình-hình rất đích-thực mà người bàng-quan chỉ nhìn loáng thoáng không thể thấy. Tự như ý/lời của truyện kể ở bên dưới.

“Truyện ở đây, có khi chỉ là “CHUYỆN ĐỜI…” như người kể, từng muốn nói, như sau:               

Con tàu du lịch nọ gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cấp cứu, trên thuyền  chỉ còn… thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cấp cứu.

Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu…………..

Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”

Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã lấy nhầm người rồi.”

Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé.

Cậu học sinh nói:

-Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!”
Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:

-Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?”

Học sinh lắc đầu:

-Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.

Thầy giáo xúc động:

-Trả lời rất đúng.”

Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã dành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình. Trong nhật ký viết rằng: “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”

Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.

 Nghe kể truyện, người kể bèn có lời bàn như sau:

* Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.

* Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa trách nhiệm.

* Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai, mà là người ta hiểu được trân trọng người bên cạnh mình.

* Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem người đó là bạn. (Một bạn vừa sưu tầm trên mạng, thấy có truyện này bèn kể cho nhau nghe).

             Nghe kể xong, người nghe lại sẽ hát theo giọng người nghệ sĩ những câu rằng:

   “Ánh mắt bao la tình

Với ý thơ thưa rằng:

Chí lớn trong thiên hạ

Không đầy, không đựng đầy…

Đôi mắt.. mỹ nhân!!”

(Y Vân – bđd)

 Thế mới hay. Khi nhìn em với “ánh mắt bao la tình”, lại mới thấy em là tất cả. Tất cả, không chỉ mỗi ánh mắt, làn môi đẹp nhất mà thôi, nhưng còn cả tấm lòng, đẹp đến như thế.

“Nhìn em với anh mắt bao la tình” có khi chỉ là nhìn mà không thấy. Chẳng thấy được thứ “tình mình bây giờ” như bài hát nọ để diễn-tả chuỗi ngày hai người ở bên nhau, vẫn quen biết nhau, thương nhau như hồi nào.

Có những “Ánh mắt nhìn nhau” như hồi nào, nhưng lại không thấy được những ý, những tình của nhau trong nhiều lúc. “Ánh mắt nhìn nhau” như hồi nào hay mọi hồi/mọi lúc vẫn cứ nhìn, mà chỉ thấy được những cái hay/cái đẹp ở người và vật được nhìn, cả trong đời đi Đạo và sống Đạo, cho phải lẽ.

Lại cũng có những “Ánh mắt nhìn nhau” rất “bao la tình” lại vẫn không thấy “Chí lớn trong thiên hạ, không đong đầy trong đôi mắt”, tựa như ca-từ mà nghệ-sĩ vừa mới hát. Kể cũng lạ, nhìn nhau thì cũng nhìn, nhưng làm sao thấy được “chí lớn” trong thiên-hạ đựng đầy trong cặp mắt? Có chăng, đôi lúc chỉ thấy cái  “chí nhỏ nhoi” của nhiều người, không đáng thấy.

Kể cũng lạ một điều, là người đời cứ nhìn và chỉ nhìn thấy “cái chí nhỏ nhặt” nơi người khác, không bằng mình. Thế mới thành chuyện. Thế mới là chuyện lạ ở đời. Chí ít, là trong Đạo. Có lẽ, cũng nên nhắn nhủ cả những người trong Đạo hay ngoài đời rằng: hãy cứ nhìn nhau cho lâu, rồi cũng sẽ hát những câu như người nghệ sĩ vẫn còn hát như sau:

 “Ta tìm lên núi Tình,

ta đến suối yêu đương
Rồi đi thăm bến Mộng,

sẽ qua đồi ái ân.

Khi em nhìn anh
Sầu đong mấy Đông cho vừa
Như trăng vừa lên
Đầu ghềnh mờ pha tuyết sương.”
(Y Vân – bđd)

 Nói chung và nói cho cùng, thì: có nhìn nhau thật nhiều, cũng nên như người viết nhạc, những bảo rằng: “Sầu đong mấy Đông cho vừa”. Nhìn như thế, tức: nhìn rất nên thơ . Thế nên, đừng nhìn, đừng ngó và ngoái lại về cõi trời Đông những sầu muộn, như đấng thánh hiền-lành từng cảnh-giác.

Cuối cùng thì: có nhìn anh/nhìn em cách nào đi nữa, xin bạn và xin tôi ta hãy nhìn theo kiểu nhà Đạo hoặc người đời từng có lời nhắn nhủ ở Kinh Sách rất như sau:

 “Sao anh nhìn thấy cái rác trong con mắt của người anh em,

mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không thấy?

Sao anh lại nói với người anh em:

Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn,

trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?

Hỡi kẻ đạo đức giả!

Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã,

rồi anh sẽ thấy rõ,

để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”

(Mt 7: 3-5)

 Và ở đoạn khác, thánh-sử nhân hiền còn ghi rõ về “tầm nhìn” mà con người đừng nên có:

 “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã,

thì hãy móc mà ném đi;

thà chột mắt mà được vào cõi sống,

còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục.”

(Mt 18: 9)

Và nhất là câu nói đần dặn dò như sau:

 “Anh em hãy coi chừng,

chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này;

quả thật, Thầy nói cho anh em biết:

các thiên thần của họ ở trên trời

không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy,

Đấng ngự trên trời.

Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất.

(Mt 18: 10-11)

Xem thế thì, bạn và tôi hay ai khác, ta vẫn cứ hiên ngang ngước mắt lên mà nhìn. Nhìn lên chứ đừng nhìn xuống, kẻo lại coi thường người khác, chí ít là những kẻ bé mọn ở Hội thánh hay ngoài đời, rất con người.

Trần Ngọc Mười Hai

Xưa rày có mắt thật đấy

Nhưng vẫn chưa biết nhìn đời

Cho đúng cách

Của người đi Đạo

Sống ở đời. 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30