CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN A

Written by xbvn on Tháng Mười 18th, 2014. Posted in Mai Tá

“Chiều nay ngồi viết riêng cho em,”
Cho em bài hát êm đềm, trôi theo từng tiếng tơ mềm
Nhờ mây gửi đến riêng cho em
Cho em ngàn lời yêu thương, trôi trên nụ cười phong kín.”

(Từ Công Phụng – Bài Cho Em)

(1Cor 15: 1-2)

            Viết riêng cho em hay cho anh/cho chị lẫn mọi người, về một kinh-nghiệm để đời, thì ai ai cũng muốn viết. Bần đạo đây nhiều lúc cũng thế, nghĩa là rất muốn viết những điều như sau:

            Hôm ấy, một ngày đẹp trời ở Úc, bần đạo “đến hẹn lại lên”, cứ lên và lên mãi đến tận Đại Học Công giáo ở Strathfield, Sydney để nghe cha giáo Kevin O’shea dạy tiếp về đề-tài “Đức Kitô lịch-sử ở Phúc Âm”. Trong lúc đợi giờ, bần đạo bèn đánh bạo đến hỏi thày thêm về chủ-đề “Tái Phúc-Âm-hoá Đời Sống” mà Đức Phanxicô đưa ra là có ý gì, thì được thày chỉ dạy bằng trao-đổi ngắn như sau:

Tái Phúc-Âm-hoá đời sống ư? Thì, cũng giống công việc lâu nay anh đang làm, đây thôi.

-Dạ, lâu nay con có làm được việc gì cho nên chuyện đâu, thưa cha!

-Đúng! Việc anh đang làm tuy chưa nên chuyện và thành chuyện thực sự, nhưng cũng là những cố-gắng dịch và viết về Phúc Âm/Tin Mừng theo ý-định của người viết, đó cũng là “Tái Phúc-Âm-hoá” một số người, đấy chứ!…

-Dạ, cho đến hôm nay con chỉ mới dịch một số đề-tài do cha đưa ra, mà thôi…

-À ra thế. Tôi có nghe anh em đây nói là: anh làm được khối việc cho nhiều người. Hãy tiếp tục làm những điều mình thấy là cần thiết, bởi lẽ công việc anh đang làm tuy chưa nhiều nhưng rồi ra, cũng sẽ giúp anh hiểu được ý-nghĩa và mục-đích do Đức Giáo-Hoàng Phanxicô chủ-xướng”.

Thú thật với bầu bạn và với tôi, đôi điều là: nghe bậc thày dạy giảng-giải, bần đạo đây thấy đầu óc mình càng mù tối thêm. Thành thử, suy đi nghĩ lại, cũng thấy ngại. Ngại, như ý/lời người nghệ sĩ khi xưa hàm-ẩn một tình-huống cũng tương-tự:   

 “Chiều nay ngồi viết riêng cho em,

Cho em bài hát êm đềm,

trôi theo từng tiếng tơ mềm.

Nhờ mây gửi đến riêng cho em,

Cho em ngàn lời yêu thương,

trôi trên nụ cười phong kín.”

(Từ Công Phụng – bđd)

 Lại cũng thú thật thêm nữa, là: mỗi lần đưa ra vấn-đề thần-học nào về Kinh thánh, bần đạo đây vẫn có thói quen hơi bị kém là cứ tìm đến với thi-ca/âm nhạc để thêm hứng-thú. Nhưng âm-nhạc và thơ văn vẫn cứ chuyển-tải những ý-tứ cũng rất buồn như chuồn-chuồn-gẫy-cánh mùa thu lá rụng, nên mới cảm-thông câu ca tiếng hát của nghệ-sĩ:

  “Mùa Thu chợt đến trong cô đơn,

Buồn bay lên mờ lấp khung trời chiều lạnh lùng.

Trời còn gọi tiếng mưa đêm nay,

Mưa ơi! Đừng làm buồn mắt em thơ ngây.

(Từ Công Phụng – bđd)

 Buồn như “mưa đêm nay”, “buồn bay lên mờ lấp khung trời chiều lạnh lùng”, nên hôm nay lại xin trần-tình rất chân-tình cùng bạn đọc và bạn đạo, rằng: đôi lúc ngồi cắn bút nghĩ chuyện mình làm bấy lâu nay, lại cứ tưởng đó là chuyện “ruồi bu”, vô bổ, chẳng bõ biền gì, nên cũng ngại. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, thấy dự-án này/khác cứ trào tuôn, muốn thực-hiện ngay tức thời, nhưng nghĩ lại thấy khá ngại, đành thôi.

Nay, ngoài chất kích-tác từ bậc thày ban phát, bần đạo đây lại thấy có người khác cũng cảm-kích cho đó là chuyện nên làm, và cần làm. Chẳng hạn như, vừa qua, bần đạo lại đã nhận được điện-thư của một bạn đồng-môn lớp dưới viết những giòng thân thương ngắn gọn, nhưng nhiều ủi an, như sau:

 “Anh Tá ơi,

Cám ơn những bài viết của anh.

Em đọc mãi mà không hết.

Em thích nhất đoạn tóm tắt câu chuyện “Mười điều Chúa không hỏi, khi gặp ta…”

là đã thấm rồi.

Chắc có lẽ, em sẽ đọc đi đọc lại ít nhất thêm 2 lần nữa,

mới hiểu kỹ những gì anh viết.

Chúc anh cứ thế mà cứu thế bằng ngòi viết nhé.

            -eLam”

(trích thư điện nhiều phấn-kích của cựu đệ-tử Cứu Thế Nguyễn Duy Lâm gửi hôm 07/9/14)

 Đọc thư người em đồng-môn gửi, thấy mình như đang ngâm nga lời ca, lại những hát:

 “Ô hay! Mùa Thu đến bao giờ?

Mưa bay buồn giăng mắc khung trời.

Người về từ trên đó để nhìn làn môi thắm.

Cớ sao em còn buồn, để mùa Thu đến rồi đi.”

(Từ Công Phụng ­- bđd)

 Vâng. Vấn-đề đặt ra hôm nay, không phải để ngâm nga thấm thía các lời thơ hoặc lời thư, từ đâu đó hay nhạc-bản hoặc điện-thư mà là ý-từ của đấng bậc trên cao tít đã chủ-xướng đề-tài  để ta học-hỏi, nghiên cứu. Nghiên cứu Lời Chúa, có những ý chủ chứ không chỉ những lời lẽ trong trình-thuật truyện kể đầy nghĩa đen tuyền, vật vờ, khúc-mắc.

Nghĩ thế rồi, bần đạo bèn mạnh-dạn tiến vào nguồn thơ cũng là nguồn của những thư và thơ từ một bậc thày khác đã đề-nghị học trò và độc-giả của ông nghiên cứu Phúc-Âm cách bài-bản như sau:

 “Buổi hội thảo mùa Xuân USCC hôm ấy ở New Orleans chừng độ tháng 6/2014 Tổng Giám Mục Joseph Tobin, CSsR chủ-quản bang Indianapolis Hoa Kỳ, có nói về đường-lối mà Đức Phanxicô đang theo đuổi, cho thấy một cung-cách cũng rất khác về tác-vụ thừa-sai rao-giảng Tin Mừng. Và từ đó, thách thức ta đừng làm nản lòng mọi người về hình-ảnh riêng-biệt của các vị lãnh-đạo mục-vụ thiết-lập ở Hoa Kỳ…” (Lm Kevin O’Shea CSsR, Giáo án giảng-dạy thần-học “A Colloqyu on Collegiality”, tổ-chức ở Sydney hôm 23/8/2014 tr. 46)

 Được kích-thích bằng một cảm-hứng cũng khá lạ, bần đạo lại tìm đến một bậc thày khác cũng có nhiều kinh-nghiệm từng-trải ở bục giảng tại một số đại-học Công giáo ở Hoa Kỳ, lại có nhiều nhận-định rất nền-tảng, mà ông dùng làm lời tựa cho cuốn sách nổi tiếng của ông, có liên-quan đến công-trình nghiên-cứu về diện-mạo đa-dạng của Đức Giêsu.

Nhưng, để làm nhẹ bầu khí khô-khan, rất căng-dãn cũng nên chạy về với truyện kể để thư giãn, như sau:

 “Truyện rằng:

Trong một vụ cướp ngân-hàng ở xứ miền đặc sệt tính-chất toàn-trị, tên cướp nọ hét lên:

-Tất cả hãy đứng im. Nên nhớ rằng, tiền bạc đây thuộc về Nhà Nước, còn mạng sống thuộc bọn người.

Mọi người nghe xong bèn lẳng lặng nằm ụp xuống nghĩ ngợi: Điều này được gọi là “Cách thức Khai-tâm để thay đổi lề-lối suy nghĩ cũng đã mòn”. Lúc ấy, có cô nhân-viên nằm trên bàn theo tư-thế gợi cảm để làm lạc hướng ý-đồ của các tay cướp. Tên cướp khác, thấy thế bèn hét lên:     

-Cô kia làm ơn cư xử cho văn-minh một chút, bọn tôi là các tay cướp chứ không phải là những kẻ hiếp dâm, đâu!

Điều này, được các vị điều-nghiên đặt thành văn-vẻ, gọi là: Hành xử chuyên nghiệp – Tập-trung vào công việc mà mọi người được huấn-nghiệp!

 Khi tên cướp quay lại, có tên cướp trẻ khác từng tốt-nghiệp với bằng chuyên-nghiệp Cao-học Quản-trị Kinh-doanh nói với tay cướp trọng tuổi hơn mới chỉ tốt-nghiệp trường phổ-thông, rằng:

-Đại ca à. Có cần đếm xem ta cướp được bao nhiêu không? Tên cướp già kia gằn giọng:

-Mày ngu lắm. Tiền nhiều thế, đếm thế chó nào được! Đợi đấy, tối nay báo/đài sẽ cho biết ta cướp được bao nhiêu, rồi sẽ rõ!

 Điều này, cũng lại được gọi là: “Thực-chất của Kinh-nghiệm – Ngày nay kinh-nghiệm quan-trọng hơn giấy tờ, sách vở.

 Khi băng cướp rời khỏi hiệntrường xảy ra, viên giám-đốc chi-nhánh ngân-hàng định gọi điện-thoại báo cho cảnh-sát biết, thì viên Kế-toán-trưởng đã vội vã chạy đến thì thầm vào tai ông  mà bảo rằng:

-Đợi đã sếp. Hãy bỏ 5 triệu hôm trước ta rút ra làm chuyện khác, coi như tổng-số bị băng đảng cướp mất.

 Điều này được gọi là: Phương-sách Bơi theo Giòng nước – Chuyển đổi Tình-huống Bất-lợi Trở-thành Thuận-lợi.

Viên Giám-đốc tự nhủ:

-Tuyệt! Nếu mỗi tháng ta lại có một vụ cướp thì hay biết mấy!

 Điều này gọi là: Loại bỏ những điều khó chịu – Hạnh-phúc là chuyện quan-trọng nhất!

 Hôm sau, báo/đài truyền hình loan tin: bọn cướp đã lấy đi 100 triệu đô khỏi ngân-hàng. Các tay cướp nghe tin bèn thực-tế đếm chỉ thấy mỗi 20 triệu, bèn giận dữ nói:

-Chúng ta mạo-hiểm mạng sống mình chỉ để lấy 20 triệu, bọn lãnh-đạo kia chúng ngồi chơi xơi nước thế mà cũng cướp được của công đến 80 triệu. Đúng là học-hành có bằng-cấp, chúng mới được ngồi ghế ấy, chúng cướp tiền một cách siêu-đẳng hơn ta.

 Điều này, theo sách vở được gọi là: Kiến-thức có giá-trị như vàng ròng…”

(truyện kể trích từ mạng toàn-cầu tuy mang tính hư-cấu, nhưng nhiều ý-nghĩa để ta suy)

 Vâng. Theo người kể, thì: mỗi sự việc con người làm đều có ý-nghĩa sao đó. Ý-nghĩa tùy vào nghiên-cứu lẫn nhận-định của mỗi nhóm, mỗi người, cũng khác nhau.

Vâng. Đúng thế. Áp-dụng vào việc nghiên-cứu/học hỏi đứng-đắn có chất-lượng, lại cũng thấy nhiều đấng bậc, nhiều vị từng nghiên-cứu/học-hỏi có bài-bản, rất vững chắc. Trong công-cuộc điều-nghiên/học hỏi về sự việc gọi là “Tái Phúc-Âm-hoá đời sống gia-đình”, lại cũng thấy có vị, từng đề-nghị một phương-án cũng bài-bản.

Nhưng, do bởi tính-cách bài-bản của việc nghiên-cứu, đề nghị bạn và tôi ta lại hát:

 “Giòng sông nào vắng xa chưa em

Ru lên hồn tuổi thơ này, thêm một lần chuốc u buồn

Hồn lên ngàn phím tơ vương êm

Ru em bằng lời ca đêm, ru lên tuổi buồn em mang.

Giòng sông rồi vắng xa thôi em

Đời trôi theo ngày tháng, mang nhiều kỷ niệm buồn

Tuổi thơ còn có mơ không em

Hay trôi miệt mài ngày tháng trong cô liêu.”

(Từ Công Phụng – bđd)

 Những mong rằng, bạn và tôi, ta có nghiên-cứu/học-hỏi nhiều về “Tái Phúc-âm-hoá đời sống” cũng đừng “miệt mài ngày tháng trong cô-liêu”. Đừng “ru em bằng lời ca đêm”, “ru lên tuổi buồn em mang”. Có như thế, ta mới hăng-say nghiên-cứu, học-hỏi những điều khá khó, như sau:

  “Học hỏi/nghiên cứu về Đức Giêsu qua Phúc-Âm, tôi đề-nghị ta nên xem xét Tân-Ước không chỉ như văn-bản riêng-biệt/độc-lập xuất-hiện ở bên ngoài thế-giới Do-thái, nhưng nên nhìn đó bằng lăng-kính của văn-minh Do-thái cùng thời, tức: cội-nguồn của Giáo-Hội thời nguyên-thủy.

 Dĩ nhiên, ý-nghĩ sử-dụng các văn-bản của Do-thái vốn có đi từ Kinh thánh (tức niên biểu khoảng từ 1000 đến 200 năm trước Công Nguyên) ngang qua văn-chương liên-ước (vốn có niên-biểu từ 200 đến 100 năm trước Công nguyên) tức là: từ thời Mishna cho đến thời-kỳ ra sách luật Talmud của các rabbi (tức: niên-đại 200 sau Công-nguyên). Khi ấy, việc diễn-giảng Phúc Âm cũng không là công-tác mới mẻ gì, nhưng vào thời ấy cũng đã thấy nhiều vị thức-giả đã sử-dụng Tân-Ước như công-cụ học-hỏi tính uyên-bác, độc-đáo của Kinh thánh suốt 3 thế-kỷ đầu, và đặc biệt hơn nữa, là các thế kỷ mới về sau.

 Tuy nhiên, phần lớn các học-giả đều đã tiếp-cận chủ-đề xảy ra với hầu hết các đấng bậc của Giáo-Hội, thì: một cách minh-nhiên hay mặc-nhiên đi nữa, các vị ấy đã đưa dẫn vào việc phân-biệt phẩm-chất có khác biệt giữa Tân-Ước và các văn-bản ngoài Kinh-thánh ở người Do thái. Đối với các vị ấy, văn-chương Do-thái đã tạo được nền-tảng, qua đó các học-giả uyên-bác ở thời trước đã lập ra Tân-Ước lại vượt lên trên nhiều văn-bản khác nhờ tính cao-siêu của Bản-văn Kinh-thánh này. Nói cách khác, các học-giả thời ấy vẫn coi Phúc Âm như bậc cha ông, còn các sách hoặc văn bản “ngoài luồng” khác của người Do thái không phải là Tân-Ước, chỉ được coi như bậc tôi đòi, phụ-lệ nếu có nhắc đến, thì cũng chỉ là khi được Truyền-thống cho phép, thôi.          

 Ngày nay, có nghiên-cứu học-hỏi, ta cũng nên sử-dụng phương-án nào dân-chủ hơn, tức: hãy để mỗi bên có quyền ăn nói đồng-đều. Tôi đây vốn là sử-gia, nên vẫn coi Đức Giêsu, coi Giáo-Hội tiên-khởi và Tân-Ước như thành-phần và một phần của Do-thái-giáo ở thế-kỷ đầu đời, hầu tìm cách đọc văn-bản ấy theo tư-thế “tự-thân”, hơn là qua cặp mắt của một thần-học-gia vẫn luôn đặt-để trong điều-kiện nào đó; rồi từ đó, lại sẽ bị ảnh-hưởng nhiều suốt hai thiên-niên kỷ vừa rồi, với niềm tin Kitô-giáo có sự chỉ-đạo của Giáo-hội.

 Nói khác đi, khi ta đạt được cung-cách khám-phá ra ý-nghĩa của ý và lời trong ngôn-ngữ gốc mà người thời đó vẫn nói, tức là: để xem người nghe vào thời đó hiểu/biết sự việc như thế nào, thôi. Ngôn-ngữ do Đức Giêsu và đồ-đệ Ngài vốn là người Galilê sử-dụng thời ấy, lại là tiếng Aram, một ngôn-ngữ của người Do-thái na ná giống như tiếng Hip-ri, vốn được phần đông người Do-thái gốc Palestin vẫn sử-dụng cách rộng-rãi. Trên thực-tế, Đức Giêsu huấn-dụ mọi người và biện-bạch với bạn bè hoặc những người kình-chống Ngài, lại chỉ là tiếng Aram thôi. Và, hình-thức đích-thực về nguyên-ngữ nơi giáo-huấn của Đức Giêsu, ngoại trừ độ hơn chục lời Ngài nói bằng tiếng Aram, là được giữ lại trong Phúc-Âm thôi, còn lại đều đã nhanh chóng biến mất.

 Giả như ai đó có được bản-văn Phúc Âm viết bằng tiếng Aram, thì việc ấy cũng không tồn-tại lâu dài, và chắc chắn ngày nay ta không còn giữ được thế. Cùng vào thời ấy, Giáo hội tiên-khởi đã thành-công trong việc giao-dịch với thế-giới ngoài đạo (tức: không phải là người Do-thái) bằng tiếng Hy-Lạp, thế nên toàn-bộ thông-điệp do các tông-đồ chuyển tải, như Phúc-Âm hoặc các thư luân-lưu và tài-liệu nào khác được ghi bằng tiếng Hy-Lạp, tức là hình-thức sớm-sủa nhất của Tân-Ước ta vốn có.

 Nhưng, Tân Uớc viết bằng tiếng Hy-Lạp lại chỉ là “bản dịch” tư-tưởng chân-phương cũng như ý-kiến của Đức Giêsu và đồ-đệ Ngài suy-nghĩ hoặc nói ra bằng tiếng Aram, tức: bản dịch không là toàn-bộ ngôn-ngữ cũng rất khác, mà là bản tháp-ghép hệ tư-tưởng của Phúc Âm được đưa vào môi-trường văn-hoá và đạo-giáo rất xa lạ với thế-giới La-Hy bên ngoài Đạo. Thành thử ra, công việc của nhà nghiên-cứu, diễn-giải trước nhất, là: phải kiếm-tìm cung-cách trở về với Đức Giêsu-Do thái đã từng nói cho những người Do-thái dõi theo chân Ngài qua tương-quan/trao-đổi bằng tiếng nói quen-thuộc với người Do-thái. Từ đó, người học-hỏi nghiên cứu còn phải biết xem xét lời lẽ nào được gán cho là do Đức Giêsu nói ra, và giáo-huấn về Đức Giêsu trong Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp ngõ hầu xem có gì đổi-thay hoặc triển-khai ý-nghĩa hoặc ngay cả hiện-tượng ngầm bóp méo từng nổi lên từ động-thái đề ra tư-tưởng bằng mạch văn mang tính văn-hoá Hy-Lạp…” (xem Geza Vermes, The Changing Faces of Jesus, Penguin Compass 2002, tr. 2-3)                      

 Chỉ bấy nhiêu lập-trường đề ra cho người nghiên-cứu việc Phúc-Âm-hoá đời sống thôi, thì bần đạo đây thấy cũng khá ngại. Ngại, không vì thấy đó là chuyện rắc-rối đòi nhiều thời-gian và công-sức hơn nữa. Nhưng, ngại ở chỗ: ý-thức về sự cần-thiết của động-thái “Phúc-Âm-hoá đời sống” theo cách nào đó, cho nhẹ nhàng/dễ chịu, thôi.

  Như thường lệ, mỗi khi làm thế, bần-đạo vẫn có thói quen không được tốt cho lắm, là: hay chạy về với thơ văn/âm-nhạc hoặc truyện kể để lấy hứng, rồi học tiếp. Thi-ca và âm-nhạc hôm nay vốn được trích-dẫn, chỉ quanh-quẩn những ý/tình cũng hơi bị “chênh” hoặc “trệch” khỏi chủ-đề mình bàn. Thôi thì, để gợi hứng, nên ta cũng nên hài lòng với những gì mình có thể hoặc không thể làm được, mà thôi.

            Có thể và không thể, là chuyện hôm nay bần-đạo tìm ra được nguồn hứng có những câu ca, đã vừa hát lại vừa để coi xem có ai phản-đối, hay không. Không thấy gì, nên lại đề nghị bà con ta trở về với ca-từ nhè nhẹ, sau đây:

 Chiều nay ngồi viết riêng cho em,

Cho em bài hát êm đềm,

trôi theo từng tiếng tơ mềm.

Nhờ mây gửi đến riêng cho em,

Cho em ngàn lời yêu thương,

trôi trên nụ cười phong kín.”

(Từ Công Phụng – bđd)

   Cũng có thể, là: bạn bè/người thân của bần đạo không mấy hài lòng về giải-pháp bất chợt và tạm thời cho qua ngày. Thế nên, bần đạo lại nhớ đến lời thánh-nhân hiền lành, từng nói nhiều lời khích-lệ cũng dễ nể, để bạn và tôi, ta theo đó mà sống và hành-động cho đúng phép. Như thế, phải chăng gọi đó là: “tái Phúc Âm-hoá cuộc sống” của riêng ta? Phúc-Âm-hoá đời sống của chính mình, là: về mà nghe lại những lời-lẽ mình từng nghe/từng biết vào thời trước, rất như sau:

 “Thưa anh em,

 tôi xin nhắc lại cho anh em

Tin Mừng tôi đã loan báo

và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững.

Nhờ Tin Mừng đó,

anh em được cứu độ,

nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo,

bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.”

(1Cor 15: 1-2)

 Nhắc nhớ và nhắc nhở thế rồi, lại sẽ hy-vọng rằng: bậc thày dạy sẽ không đòi-hỏi nhiều hơn nữa, để ta sống. Bởi, nhắc nhớ và nhắc nhở, là: nhắc mãi rằng: “Nhờ Tin Mừng” ta được cứu-độ, ta mới “giữ đúng (lời thánh hiền) loan báo”; bằng không thì, ta “có tin cũng vô ích”, thôi.

Vâng. Rất đúng. Nhắc nhớ và nhắc nhở bằng lời nói hay truyện kể vẫn là cung-cách của dân con trong Đạo sống ở đời có quá nhiều việc và chuyện làm ta sao lãng hoặc quên đi việc “Phúc-Âm-hoá đời sống” của riêng ta. Nhắc nhớ và nhắc nhở, còn nhắc bằng lời khuyên-răn của bậc thày khác, từng có nhận-định về tình-hình nghiên-cứu về Đức Giêsu lịch-sử như sau:

 “Rất có thể, là: các vấn-nạn khúc-mắc được đề cập rất nhiều, lại đã tìm ra cơ-ngơi nơi thế-giới của đại-học-đường, bỏ rời thế-giới chính-thức của Giáo-hội bằng thứ ngôn-ngữ tư-riêng và khác-biệt như một sưu-tập đầy những vấn-nạn. Cái khó của sứ-vụ thừa sai nay cho thấy là: càng ngày càng có nhiều người học-thức hơn xưa và cũng có rất nhiều người nay suy-tư theo ngôn-ngữ và/hoặc cung-cách “đại-học” cả khi họ phân-tách câu nói hoặc tạo tiết-tấu một cách khác mọi người.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, Focus on Historical Jesus Studies with Special Reference to ‘Jesus of Nazareth’ by Joseph Ratzinger/Pope Benedict XVI, August 2007, tr. 65)   

 Trên thực tế, rất có thể là như thế. Càng có thể hơn, lại cũng nhắc nhở và nhắc nhớ chính mình và mọi người về công-tác “Tái Phúc-Âm-hoá đời sống”, nghĩa là sống địch-thực cuộc sống luôn thực-thi lời dạy từ Tin Mừng trong nguyện cầu.

Vào với ví-dụ cụ-thể thì: khi lần chuỗi Mân Côi, cũng nên suy về lời nguyện/chúc như: “Nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể-hiện dưới đất, cũng như trên trời”. Và, ở kinh Kính Mừng, ta lại có lời nguyện/chúc khác, như câu: “Đức Chúa Trời ở cùng Bà”, tức: ở cùng chúng ta, để rồi lại cũng kết thúc bằng một lời tụng/chúc, như sau: Sáng Danh Đức Chúa Cha, và Đừc Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần…” và lời xưng cuối là tiếng “Amen” tức: những ước và mong cho mọi sự xảy ra, sẽ tốt đẹp như vậy.

Cụ thể của mong ước, là ước mong sao tinh thần và quyết tâm “tái Phúc-Âm-hoá đời sống” của mình và của người, sẽ thành hiện-thực. Thêm nữa, nhắc nhở và nhắc nhớ chính ta và mọi người về chủ trương “Tái Phúc-Âm-hoá đời sống” chính mình và mọi người, vào mọi lúc. Chứ không chỉ trong vòng một năm thánh, mà thôi.

Nhắc nhớ và nhắc nhở, như thể vào lần tấn-phong linh-mục cho các phó-tế, Giám mục chủ-quản hoặc chủ-trì buổi lễ vẫn nhắc nhớ và nhắc nhở các tân-chức cách riêng, và mọi người nói chung, là: “Hãy nhớ mà sống điều mình giảng rao, chứ đừng rao giảng những điều mình từng sống!” Nếu dân con nhà Chúa, ở đây và bây giờ đều làm thế, thì công cuộc “tái Phúc-Âm-hoá đời sống” Kitô-hữu, cũng sẽ đạt.

Để minh hoạ cho quyết-tâm “tái Phúc-Âm-hoá đời sống” của mình, theo đề-nghị của thánh-hội năm 2014 này, dưới đây là truyện-kể có thể coi đó như lời khuyên khi ai đó quyết-tâm “tái Phúc-Âm-hoá cuộc sống”. Truyện kể, cũng nhè nhẹ như vẫn diễn ra ở nhiều nơi/nhiều chốn, nhất là ở khung trời nào đó bên phương Đông, phương Đoài như sau:

 Trước nhất là lời khuyên-răn:

“Nếu bạn muốn buông xuôi một vài thứ, không còn quyết-tâm đeo đuổi như lúc đầu còn hăng-say, thì bạn nên đọc 2 câu chuyện dưới đây. Hy vọng, nó sẽ giúp ích được cho bạn điều gì đó.

 Sau đến là truyện kể, nối tiếp những hai lần, rằng:

 Có cô gái nọ tìm đến một nhà sư, để rồi hỏi:

– Thưa thầy, con muốn buông một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.

Nhà sư đưa cho cô gái 1 cốc nước và bảo cô cầm lấy, đoạn ông liên tục rót nước sôi nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay, làm cô bị phỏng, cô buông tay làm vỡ cốc.

Lúc này nhà sư từ-tốn nói:

– Đau rồi tự khắc sẽ buông!

 Và tiếp theo đó, là lời bàn của người kể, rất như sau:  “Vấn đề là, tại sao phải đợi cho tổn thương thật sâu, rồi mới buông?” Câu truyện tiếp theo cũng kể về việc nắm và buông, như sau:

“Có một chàng trai đến tìm nhà sư, và anh hỏi:

-Thưa thầy con muốn buông xuôi vài thứ nhưng con do-dự quá, con mệt-mỏi vô cùng.
Nhà sư đưa anh ta 1 cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong.
Chàng trai cảm thấy nóng quá nhưng vẫn không buông tay, mà chuyển từ tay này sang tay kia, cho đến khi nó nguội đi rồi uống và nhận thấy rất ngon. Lúc này nhà sư mới từ-tốn nói:

– Nếu cứ đau là buông, thì con đã bỏ lỡ những thứ tốt đẹp sau đó rồi!

 Và, người kể lại cũng có lời sau đây: “Vấn đề là tại sao cứ đau là phải buông trong khi còn có thể làm cho nó tốt đẹp lên.

Và rồi, người nghe cũng có thêm lời bàn khác theo kiểu “Mao Tôn Cương” như sau: “Bài học rút ra là thế này: Trong cuộc đời vốn dĩ phức tạp này, chỉ ta mới biết lúc nào nên cầm lên và lúc nào thì bỏ xuống các sự việc của chính mình.”  (Truyện kể sưu tầm trên mạng, mới đây thôi).

 Sưu tầm truyện kể, cũng chỉ để minh-hoạ những gì mà bạn và tôi, ta muốn nói và muốn nghe, khi quyết-tâm. Như, quyết-định để tâm thực-hiện chủ-trương do Đức Giáo Hoàng đề xướng và coi đó như tôn-chỉ để dân con trong Đạo thực-hiện vào năm 2014 này.

Kể thế rồi, nay ta lại cứ hiên ngang đầu cao mắt sáng hát lên lời ca tuy hơi buồn, nhưng trong đó vẫn có chút gì vui vui, nếu người người vẫn cứ quyết tâm “viết riêng cho em” những điều sau đây:

 Chiều nay ngồi viết riêng cho em,

Cho em bài hát êm đềm,

trôi theo từng tiếng tơ mềm.

Nhờ mây gửi đến riêng cho em,

Cho em ngàn lời yêu thương,

trôi trên nụ cười phong kín.”

(Từ Công Phụng – bđd)

 Viết riêng cho em hay cho ai đó, cũng cứ nên viết “ngàn lời yêu thương”. Để rồi lời ấy sẽ cứ gọi là “trôi trên nụ cười phong kín”, rất thực-thà.

Thế đó là ý-nghĩa của lời ca và cũng là đôi điều tâm niệm xin mạn phép gửi đến bạn và đến tôi, trong ngày này. Và, những ngày sắp tới, suốt cõi đời.

 Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn gửi đến tất cả

Những lời viết riêng

Rất yêu thương

Trong cõi đời này. 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31