CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Written by xbvn on Tháng Mười 24th, 2014. Posted in Mai Tá

“Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.”
Về đây với mầu gió ngày lang thang
Về đây xác hiu hắt lạnh lùng.
Ôi lãng du quay về điêu tàn.

Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa?
Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa?
Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.”

(Nhạc: Come back to Sorrento – Lời Phạm Duy: Trở Về Mái Nhà Xưa)

(Rm 9: 1-5)

Về đây là về đâu thế? Chốn nào đây? Về Sorrento ư? Nơi “khỉ ho cò gáy” nào mà xa thế? Về để làm gì mà sao nghệ-sĩ nhà mình cứ gọi mãi bằng những lời “buồn như chấu cắn”, thế này đây:

 “Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.

Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.

Về đây nhé ! Cắm xong chiếc thuyền hồn

Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.”

(Lời Việt: Phạm Duy – bđd)

 Ôi thôi! Đó là chuyện của nghệ sĩ đời, sống ở đời. Với nhà Đạo, lại có những lời mời mọc như muốn bảo người đọc hãy cứ trở về với vấn-đề gai góc hôm xưa, nay ê hề, mà không là chuyện cũ.

Vừa qua, bần đạo được một người bạn thảy cho đọc bài viết nọ nói về những chuyện lạ kỳ ở nhà đạo, đại để cũng hơi giống lời ca ta vẫn hát:

 “Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.
Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.
Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.
Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn…

Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.
Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.
Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về
Đang khóc than trên đường não nề”.

(Lời Việt: Phạm Duy – bđd)

 Chao ôi, lời hát với ca từ nào những là: “đèn in bóng vào rêu xanh”, rồi “sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh”. Và đêm ấy, thấy nhiều người vẫn cứ lần giở trước đèn trang báo Đạo ghi bài viết khá lạ về tác-vụ giảng rao Tin Mừng mà người đi Đạo nay thực hiện.

Nói chung thì, sự việc như lời kể của người viết trẻ ở Úc tên là Ann Rennie như sau:

 “Rao truyền Tin Mừng đâu chỉ mỗi giảng-giải hoặc rao báo Lời của Chúa mà thôi đâu. Đó vẫn là: quyết sống Lời Ngài trong quan-hệ với mọi người, ở đời. Qua tương-quan với mọi người trong đời, tôi lại cứ luôn nói về cuộc sống của thánh Phanxicô thành Assisi là đấng thánh hiền-lành từng khuyên nhủ mọi người: ‘Hãy truyền-bá Tin Mừng của Chúa, nếu cần, hãy dùng lời lẽ bình thường mà làm thế”. Riêng tôi, lại vẫn nghĩ: rao truyền Lời Chúa, đích-thị là quảng bá lối sống phù-hợp với Tin Vui An Bình mỗi ngày trong đời mình được nghe biết một cách rất chi tiết.

 Có thể nói, việc này biểu-hiện sự tử-tế, là thứ ân-huệ keo sơn để ta cảm thông mà san sẻ với những người đang cùng sống với ta. Việc này, còn là thời-gian ta bỏ ra để lắng nghe bậc cao niên ở đâu đó cứ ngồi hằng giờ để kể về những chuyện tồn-đọng nơi “bộ nhớ” của các cụ. Làm như thế, còn có nghĩa: ta sẽ bỏ hết công sức của mình ra mà tranh-đấu cho các sự việc tốt-lành/hạnh-đạo được thành sự. Những việc như để biểu-lộ mức ngạc nhiên, vui mừng khi ta hành-xử theo đúng lương-tâm của ta…” (xem Ann Rennie, How will they know if we really love them? The Australian Catholics số mùa Hè năm 2014, tr. 16)

 Vâng. Đặt vấn-đề thì bao giờ chả đặt ra như thế. Như thế, còn để thêm mắm muối dưa hành cho ca-từ nghệ-sĩ ở trên hát đã khá hơn, như sau:

 “Thôi nhé đừng hoài âm xưa
Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
Người ngồi im bóng
Lắng nghe tháng ngày qua”.

(Lời Việt: Phạm Duy)

 Vâng. Đúng là như thế. Có “hoài âm xưa”, thì cũng cứ “ngồi im bóng” “lắng nghe tháng ngày qua” thiên hạ/mọi người ở nhà Đạo vẫn cứ đề-cập đến những chuyện thương-yêu, lương-tâm/trách-nhiệm, như bậc thày ở Úc có lần từng xác-quyết như sau:

 “Thiên-Chúa, Ngài cũng có cử-chỉ đẹp hoặc bí-kíp lịch-duyệt Ngài vẫn dành riêng cho ta. Ngài là Đấng có kinh-nghiệm hơn ai hết, về mọi thứ. Còn ta, chỉ là tay mơ luôn lần mò/chập-chững trong hành-trình sống, nhiều khiếm-khuyết.

 Thiên-Chúa, là Đấng không chỉ ban cho ta mỗi cử-chỉ đẹp mà thôi; nhưng, Ngài còn ban cho ta cung-cách lịch-duyệt đầy yêu-thương, nữa. Ngài vẫn tôn-trọng ta, nên mới để ta thử sức mình trước mắt Ngài. Và, Ngài có mặt ở đây đó, để hỗ-trợ cho ta cả vào lúc luật-lệ hoặc bí-kíp thực-hiện cuộc sống tốt-lành/hạnh-đạo chưa phổ biến rõ ràng.

 Thiên-Chúa, còn là Đấng sẵn-sàng để những kẻ mỏng-dòn/dễ-vỡ như ta được đồng-hành với Ngài bằng sáng-kiến đi bước truớc. Chúa biết rõ tính mỏng dòn/dễ vỡ của ta. Và, ta cũng biết rõ cử-chỉ lịch-duyệt của Ngài. Đó là căn-bản sự sống và là hoạt-động theo tinh-thần đồng-đội, tức: tinh-thần hợp-tác có hỗ-tương, trong mọi lúc. Ta là tạo-vật có giới-hạn, còn Ngài là Đấng Quyền-uy Cao-cả làm hết mọi sự. Nhưng giữa ta và Ngài, mọi khác-biệt vẫn quên đi, nhờ vào ân-huệ và nhờ ta cùng Chúa tin-tưởng lẫn nhau. Cả hai bên, Thiên-Chúa và con người đều sống thực những gì mình có khả-năng thể-hiện, trên thực-tế. Chúa biết rõ việc Ngài làm. Đó, là sự thực mà người bình-thường ở đời và/hoặc người không tự đứng-vững vẫn sống cách khác, có kinh-nghiệm.

 Quả là chuyện tuyệt-vời. Bởi sau những khó-khăn ta gặp phải, chắc-chắn sẽ có những kinh-nghiệm đạo-đức nói về ta và về Chúa, thì: ta và Ngài đều làm công việc ấy, chung với nhau.

 Đó, là ý-nghĩa thực của lương-tâm.

 Lương-tâm, là từ-vựng có gốc-nguồn từ tiếng La-tinh, trong đó gồm hai chữ “Con” và “Scientia”, mà tiếng Anh và tiếng Pháp thường gọi là: “Conscience”.

 Lương-tâm, là: hiểu-biết nhau hoặc thông-cảm lẫn nhau, trong mọi sự. Thiên-Chúa chấp-nhận quyết-định của ta theo tiếng lương-tâm. Chúa và ta, có trách-nhiệm đồng-đều về những quyết-định như thế. Kết-quả là, ân-huệ từ đó đến với ta. Thứ ân-huệ của sự tự-trọng về đạo-đức. Và, đó cũng là phúc-lành Chúa ban lên những gì khả-thi, bình-dị và thông-thường, theo tính khôn-ngoan của những người con chân-phương, bé nhỏ.

 Lương-tâm, đích-thị là “lẽ thường” rất phải, vẫn đặt-định những gì thường-tình rất phải lẽ đến cho ta và với Chúa, Đấng hiểu biết mọi sự và cảm-thông với hết mọi người.                    

 Một lần nọ, khi tôi đang giải-nghĩa điều này cho các học-viên thuộc Đại-học nọ, thì có một học-viên đưa ngay một phản-hồi, rồi hỏi: “Thày nói thế, tức là em cũng…OK, phải không?” “Đúng. Đúng là như thế!” Ngay sau đó, học-viên ấy lại hỏi tiếp: “Nói như thế, tức là Chúa cũng OK với em chứ?” “Đúng thực như vậy!”

 Thật thế, Thiên-Chúa vẫn muốn như vậy. Và, Ngài rất vui lòng đồng-hành với ta, bởi ta có tự-do để làm thế. Và, Chúa vẫn cùng ta sử-dụng tự-do-tuy-có-giới-hạn ở nơi ta, nhưng ta sử-dụng nó một cách có trách-nhiệm. Chúa rất vui, bao lâu ta và Ngài tiếp-tục có quan-hệ hỗ-tương, muôn đời. Theo tôi, thì: Chúa rất vui khi trở-thành diễn-viên trong câu truyện ta kể lại. Đồng thời, Ngài để tai ra mà lắng nghe ta thuật truyện cho Ngài. Ngài vẫn nghe hoài và nghe mãi, đến bất tận.

Nhiều người lại có những thứ, mà tôi gọi là kinh-nghiệm đạo-đức rất thực, cả khi họ khám-phá ra Chúa, trong các tình-huống như thế. Nhưng tiếc thay, những người như thế lại cũng giống như ta, ở chỗ: họ không tìm ra ngôn-từ nào thích-hợp, để nói lên sự việc này.

Thành thử, ta và mọi người vẫn thận-trọng khi có yêu-cầu, mà theo tôi, họ rất có lý để yêu-cầu. Và thường thì: yêu-cầu của họ luôn có tính hào-hùng, phải lẽ. Tuy thế, nỗi khổ-đau và niềm ưu-tư/khắc-khoải mà họ và ta cảm-nghiệm, đều đưa ra chứng-cứ cho thấy: ta và họ đều yêu Chúa vẫn rất mực. Vì thế nên, nhiều lúc, họ và ta cũng đánh liều tìm cách làm những điều Chúa dạy bảo, cho phải đạo. Và, riêng tôi lại vẫn nghĩ: Chúa thấy mọi sự theo cung-cách tựa hồ như thế.” (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Lương tâm trưởng thành trong đạo đức, www.giadinhanphong.blogspot.com ngày 20/9/2014)

Đấng bậc thày dạy mà còn nghĩ như thế, huống hồ là đàn em bé nhỏ, rất học trò. Về lương tâm, đáng thánh hiền-từ ở Kinh/Sách, lại cũng có những lời khuyên nhủ, rất như sau:

 “Có Đức Kitô chứng giám,

tôi xin nói sự thật,

tôi không nói dối và lương tâm tôi,

được Thánh Thần hướng dẫn,

cũng làm chứng cho tôi rằng:

lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.

Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống,

mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng

Họ là người Israel, đã được Thiên Chúa nhận làm con,

được Ngài cho thấy vinh quang,

ban tặng các giao ước, lề luật,

một nền phụng tự và các lời hứa;

họ là con cháu các tổ phụ;

và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống,

cũng cùng một nòi giống với họ.

Ngài là Thiên Chúa,

Đấng vượt trên mọi sự.

Chúc tụng Ngài đến muôn thuở muôn đời.”

(Rm 9: 1-5)

Xem như thế, thì: với lương-tâm không bao giờ nói dối, con người vẫn luôn được Thánh Thần Chúa hướng-dẫn để sống lướt vượt mọi sự, mà chúc tụng Ngài đến muôn thuở muôn đời. Chúc-tụng Chúa, không chỉ bằng môi miệng qua kinh-kệ hoặc bằng việc hành hạ thân xác với hãm mình, nhưng bằng vào cả những lời ca, hoặc hành-xử rất nên làm.

Chúc tụng Chúa, không chỉ bằng những hát vang những ca từ rất buồn và cũng rất phiền theo kiểu đọc những kinh như “Từ Vực Sâu u tối”, hoặc những bài hát uỷ-mị rất “luyện tội” như “Từ Chốn Luyện Hình” của ai đó. Trái lại, vẫn hiên ngang hát lên lời lẽ tuy cũng buồn như “chuồn chuồn bay trong mưa”, mà là những ca từ được dịch như trên, những hát rằng:

“Thôi nhé đừng hoài âm xưa
Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
Người ngồi im bóng
Lắng nghe tháng ngày qua”.

(Lời Việt: Phạm Duy)

Chúc tụng Chúa, còn là động-thái sáng giá nhất trong nguyện cầu. Bởi nguyện cầu tuy có chữ “cầu” ở trong đó, vẫn không là động-thái những “xin xỏ”, khẩn nài”, lạy van chút nào hết. Nguyện và cầu trong yêu-thương có trách-nhiệm của một lương-tâm trong trắng, vẫn là động-thái của người đời và tín-hữu đi Đạo, ở mọi nơi, mọi đạo.

Chúc-tụng Chúa, còn là chúc và tụng những công việc Ngài làm cho ta, ngang qua hết mọi người, mọi đạo ở đời. Chúc-tụng Chúa, cả vào khi ta nhận-lĩnh quà tặng “Cứu-chuộc” Ngài ban cho ta và cho mọi người, qua đó ta sống yêu-thương hài-hoà cả với người cùng Đạo hay khác tôn-giáo, như lời của bậc thày giảng-dạy từng có lần đoan-quyết, như sau:

Đạo Chúa coi Ơn Cứu-chuộc như tiến-trình không bị triệt-tiêu, nhưng tháp-nhập và hội-nhập vào bản-thể con người. Bản-thể của ta hiện-hữu mà không bị tắt ngúm hoặc hủy-diệt, nhưng vẫn vĩnh-cửu trong Chúa. Kitô-hữu sinh ra, là để thương-yêu người đồng-loại như yêu-thương chính mình; còn, người nhà Phật lại vẫn nghĩ: không “ngã” nào trên đời khiến con người biết yêu-thương người khác, hết.     

 Với nhà Phật, sống là truy-tầm cái “Ngã” đích-thực, vượt mọi thể-hình hoặc thể-loại nào vốn có. “Ngã” đích-thực, là lối nói một chiều về “vô ngã/vô thường” đã lạc mất; nên con người cứ luyến nhớ điều đó, cách khôn nguôi.

 Ta để lạc mất nó, là do thế-giới có thiếu-hụt căn-bản. Thế-giới ta sống, là sống hữu-hạn, không miên-trường, lại đem cái “Dục” vào thân; đồng thời, lại dính-liền với cái “Dục” ấy. Các yếu-tố này, là căn-nguyên/cội-nguồn hi-hữu tạo nên Khổ đau, âu sầu, dị-biệt.

Bằng vào Tông-thư “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy-Vọng”, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã mô-tả Phật-giáo như thứ tôn-giáo tiêu-cực trong đó người nhà Phật tin rằng thế-giới là ác-quỉ, bắt nguồn từ sự-dữ mà ra. Trong khi đó, Đức Bênêđíchtô 16, khi còn là Hồng Y Ratzinger, lại viết một câu như thể bảo: Đạo Phật tự tạo cho mình thứ “Dục Tự-tại”.

Thật ra thì, ngôn-từ do các đấng bậc trên cao sử-dụng là cốt để so với Ơn Cứu-chuộc Kitô-giáo, cũng hơi quá đáng và không thích-hợp cho công-cuộc Đại-kết. Theo nhà Phật, thế-giới ta sống, không là thế-giới đích-thực mà chỉ là Khát vọng. Là, “Lòng Dục”, tức: nguồn-gốc của sự dữ. Nó còn có nghĩa như thứ gì đó dính-liền một cách không thích-đáng vào bản-thể con người.” (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Cứu-chuộc Thế-Gian Qua Các Đạo Nơi Trần Thế, www.giadinhanphong.blogspot.com ngày 08/10/2014)

Nói như đấng bậc thày dạy trường lớp như trên, còn là nói có kinh-nghiệm bản thân và những trải-nghiệm về công cuộc Đại-kết hết mọi người thuộc các tôn giáo khác nhau, ở trên đời.

Nói như người bé nhỏ ở đời, là nói bằng ca từ hoặc truyện kể, không dễ nể nhưng vẫn để ta nhớ mà thực-hiện cho mình, trong đời mình. Thực-hiện cuộc sống có yêu thương rộng khắp, hết mọi người. Không cần biết họ là ai. Con trai hay con gái. Có tin vào thuyết này/Kinh nọ không. Chỉ cần biết một điều, là: họ cũng như ta, cũng là con cùng Cha trên trời. Ở đời. Bởi, Cha đang hiện hữu với thế-trần ở nơi họ và ngang qua họ.

Nhận-định rồi, tưởng cũng nên kiếm tìm “Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu” qua các chuyện ở đời và trong đời, như sau:

 “Truyện rằng:

Ở vùng quê nọ bên nước Anh, có gia đình nọ chuyên nghề làm vườn, gồm hai vợ chồng và đứa con trai duy nhất. Vì hoàn cảnh quá nghèo nên cậu con chưa học hết tiểu học đã phải ở nhà giúp đỡ cha mẹ việc trồng tiả, hoặc đôi khi lên rừng lấy củi, kể cả việc câu cá ở một cái hồ lớn rất đẹp gần nhà để thêm lương thực cho bữa ăn. Trong các việc làm phụ giúp cha mẹ, cậu bé thích nhất là đi câu, bởi vì mỗi buổi đi câu là mỗi lần được tắm, bơi thỏa thích. Cậu bơi tuyệt giỏi, đến mức bạn bè trong xóm gọi cậu là “thằng Rái Cá” (Otter boy).

Một hôm, khi “thằng Rái Cá” cắm xong mớ cần câu ở góc hồ, đang tính cởi áo nhào xuống nước bơi một tăng cho đã đời, thì nó thấy 3 chiếc xe limousine sang trọng trờ tới đậu ngay gần đó nên nó khớp không tắm nữa, leo lên cây đại lăng ở cạnh hồ, núp mình trong tàng lá để canh chừng cần câu và cũng để ngắm nhìn toán du khách sang trọng.

Toán du khách đó chính là một gia đình giầu có, quyền qúy, vào hàng đệ nhất qúy tộc của vương  quốc Anh. Họ từ thủ đô Luân Đôn đi du ngoạn miền quê, thăm dân cho biết sự tình. Dưới trời nắng đẹp ấm áp, một cái tăng lớn được căng lên lộng lẫy.  Bàn ghế picnic bầy ra và thức ăn, cao lương mỹ vị dọn tràn đầy. Tiếng nhạc êm đềm réo rắt tỏa vang rồi đoàn du khách nhập tiệc. Kẻ ăn, người uống, kẻ khiêu vũ, người chụp hình …

Một lát sau, “thằng Rái cá” ngồi thu mình trên cành cây đại lăng, nhìn thấy một đứa trẻ trong đám du khách, chắc cũng 11, 12 tuổi, cỡ tuổi nó, thay đồ tắm và lội xuống hồ bơi qua bơi lại.   Dường như những người lớn chăm chú vào việc ăn uống chuyện trò, không mấy ai để ý đến đứa trẻ ở dưới hồ. Riêng “thằng Rái Cá” nó tò mò quan sát đứa trẻ…

Ồ, coi kìa, thằng này bơi gì dở ẹc! Rõ ràng là nó không biết bơi ếch, bơi sải, bơi bướm gì cả, đến bơi ngửa chắc cu cậu cũng chẳng làm được! Nó chỉ đập loạn tay chân lên thôi, cái điệu bơi chó như thế là không khá được!

 Chợt “thằng Rái Cá” nhoài mình ra chăm chú nhìn. Nó thấy 2 con thiên nga từ xa bơi tới phía đứa trẻ và đứa trẻ chắc là thích con thiên nga nên bơi theo … Chết chưa ! Nó bơi tuốt ra xa quá rồi, chỗ đó rất sâu, nguy hiểm lắm! Đúng lúc đó, có tiếng thét cấp cứu của đứa trẻ “Help me! Help…Help! !!” Toán du khách khi ấy kịp nghe và nhìn thấy, nhưng thay vì phải nhào ra cứu đứa trẻ thì họ ồn ào, nhốn nháo cả lên. Hai ba người xuống hồ với cả áo quần, nhưng chỉ lội ra nước đến cổ thì đứng lại.

Trời đất! Hóa ra chẳng ai biết bơi cả mà ngoài xa đứa trẻ đuối sức có vẻ muốn chìm rồi!
Không đợi lâu hơn được nữa, từ trên cành cây cao, “thằng Rái cá” phóng xuống chạy bay ra hồ trước con mắt ngạc nhiên của tất cả đoàn du khách. Tới bờ cao, nó nhún mình lao xuống nước trong tư thế plunge tuyệt đẹp và chỉ loáng mắt đã sải tay bơi tới chỗ đứa trẻ bị nạn. Nó hụp lặn xuống xốc nách đứa trẻ và như một chuyên viên rescue lành nghề, nó nghiêng người bơi sải từ từ vào bờ trước sự chứng kiến xúc động và tràng pháo tay reo mừng của mọi người. Khi tới bờ, đứa trẻ bị nạn được nhiều người xúm lại khiêng lên đưa vào giữa tăng và tại đó có sẵn một vị bác sĩ (trong toán du khách) lo việc cấp cứu hồi sinh cho đứa trẻ.

 Chừng một tiếng đồng hồ sau, không khí an toàn tươi vui trở lại với mọi người trong toán du khách. Đứa trẻ qua tai nạn hiểm nguy, bây giờ quấn mình trong chiếc mền len và đang được uống mấy muỗng soup. Lúc ấy người ta mới chợt nhớ tới vị ân nhân vừa cứu sống nó.  

–  Ô hay, cái thằng bé con bơi giỏi hồi nãy đâu rồi nhỉ ?
Mọi người đổ xô đi tìm. Lát sau phát giác ra chỗ ẩn của nó. “Thằng Rái Cá” trèo lên ngồi yên chỗ cũ, trên cành cây đại lăng. Nó được gọi xuống và trịnh trọng đưa tới trình diện trước một vị quý tộc, ông này chính là cha của đứa trẻ vừa bị nạn.

– Hỡi con, (vị quý tộc nói với “thằng Rái Cá”) con vừa làm một chuyện vĩ đại mà tất cả chúng ta đây không ai làm được. Ta xin thay mặt toàn thể cám ơn con.

– Bẩm ông, (“thằng Rái Cá” lễ phép thưa) con có làm gì vĩ đại đâu! Bơi lội là nghề của con mà! Con cứu em là chuyện nhỏ, chuyện phải làm và cũng là chuyện thường đâu có gì khó khăn vĩ đại. Xin ông đừng bận tâm!

– Không đâu con ơi! con đã cứu mạng con trai ta. Gia đình ta và hội đồng quý tộc mãi mãi mang ơn con. Nay ta muốn đền ơn con, vậy con muốn điều gì hãy nói cho ta biết.

“Thằng Rái Cá” nghe hỏi vậy, ngập ngừng giây lát rồi ngỏ ý muốn xin vài ổ mì dư thừa đem về cho cha mẹ. Lòng hiếu thảo của nó đã khiến cho vị quý tộc và nhiều du khách cảm động rơi lệ. Vị quý tộc ôm nó vào lòng và nói:

– Hỡi con, điều con vừa xin là chuyện nhỏ, và đó chính là bổn phận của ta, ta biết ta sẽ phải làm gì cho con và gia đình con. Nhưng câu hỏi của ta là sau này lớn lên con ước mơ sẽ làm gì?

            “Thằng Rái Cá” chỉ tay vào vị bác sĩ khi nãy cấp cứu hồi sinh cho đứa trẻ bị nạn, trả lời:
– Lớn lên, con muốn làm việc cứu người như ông kia.

            – Ồ, con muốn làm bác sĩ, tốt lắm! Với ta đó cũng là chuyện nhỏ thôi, ta sẽ giúp con.

Câu chuyện nhỏ trên đây có phần kết luân thật là vĩ đại, bởi vì đứa trẻ bị chết đuối hụt có tên là Winston Churchill, sau này là vị Thủ Tướng đã làm rạng danh nước Anh, một vĩ nhân cực kỳ tài giỏi lỗi lạc của thế giới vào thời Đệ Nhị Thế Chiến.
– Còn “thằng Rái Cá”, cậu bé đã cứu mạng Churchill tên là Fleming, sau này trở thành vị bác sĩ tài ba lừng danh hoàn cầu. Fleming, chính là nhà bác bọc đã tìm ra thuốc trụ sinh Penicilin, cứu mạng biết bao nhiêu người trên thế giới. Ông đích thực là vị ân nhân vĩ đại của cả nhân loại.

Từ khởi đầu, chuyện chỉ là một chuyện nhỏ, sự hy sinh, vị tha, sự cho đi rất nhỏ nhoi! Nhưng nhờ đó, thành quả sau này đem đến cho cả nhân loại đã vô cùng lớn lao kỳ vỹ.
Câu chuyện còn thêm cho phần kết luận điều lý thú nữa, là một ngày nọ, thủ tướng Churchill bị lâm trọng bịnh đến nỗi đã hôn mê, nhiều bác sĩ phải lắc đầu. Tính mạng ông ở vào lúc nguy kịch nhất, thì Fleming xuất hiện như một tiền duyên định mệnh và vị  bác sĩ tài ba này, đã lại một lần nữa cứu sống người bạn cố tri của mình. Khi tỉnh dậy sau cơn mê, mở mắt ra nhìn thấy Fleming, Churchill ngạc nhiên xúc động và nói rằng:

– Fleming!  Có phải cứ mỗi lần tôi sắp chìm, Chúa lại cho bạn tới vớt tôi lên?
– Churchill, chúng ta hãy cám ơn Chúa ! Nhưng không hẳn là tôi, (Fleming giơ ra một viên thuốc nhỏ tí xíu) bởi cái này đây, chính cái này đã cứu bạn đó … Chuyện nhỏ mà!
(Chuyện do một người ký tên là Sưu tầm dịch từ truyện tích, rất ngoại quốc)

Chuyện Phiếm Đạo Đời hôm nay, kể lại “Chuyện nhỏ” này không chỉ để ca tụng vị y-sĩ chuyên-khoa chuyên giúp người và cứu đời mà thôi. Nhưng, còn nói lên rằng: ở đời những chuyện được gọi là “Chuyện nhỏ” ở đời, đôi khi và rất nhiều khi, đó lại là chuyện rất lớn. Lớn, vì nó nói lên được tình thương-yêu của nhiều người ở đời. Chẳng cần biết, người ấy có đi Đạo và/hoặc giữ Đạo hay không, miễn ai rao truyền Tình Thương Yêu ở đời, đều là người cùng với Chúa đồng-hành trong đời, rất yêu đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Rất đồng ý với bạn và với tôi

Rằng nhiều chuyện đời

đâu là “Chuyện Nhỏ”

của trẻ nhỏ bao giờ.

Nhưng rất lớn

cả với người lớn,

trong đời.

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31