CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Written by xbvn on Tháng Mười Một 5th, 2014. Posted in Mai Tá

Một hôm bước chân về giữa chợ,
Chợt thấy vui như trẻ thơ. Đời ta có khi là đóm lửa,
Một hôm nhóm trong vườn khuya.
Vườn khuya đóa hoa nào mới nở, đời ta có ai vừa qua.”

(Trịnh Công Sơn – Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ)

 (2Cor 1: 12 )

             Kìa, này bạn gần/xa. Bạn hát, sao nhiều thế? Nhiều thế, tức: cứ về đêm, là thấy thác đổ sao? Cứ về phố chợ, là thấy vui đời trẻ thơ sao? Lời bạn hát, có lẽ chưa thuyết phục mọi người, nhiều cho lắm. Nay đề nghị, bạn hãy hát thêm câu tiếp để xem sự việc ra sao, dẫu có thế nào! Câu ấy như sau:

 “Một đêm bước chân về gác nhỏ,

chợt nhớ đóa hoa Tường Vi.

Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ,

giờ đây đã quên vườn xưa.

Một hôm bước qua thành phố lạ,

thành phố đã đi ngủ trưa.

Đời ta có khi tựa lá cỏ,

Ngồi hát ca rất tự do.

Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà,

Từ những phố xưa tôi về.

Ngày xuân bước chân người rất nhẹ,

Mùa xuân đã qua bao giờ”.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

 Thơ/nhạc bạn hát, cũng thơ mộng thật không ít. Tuy nhiên, dù bạn hát nhiều như thế nhưng nói năng lại rất ít. Thôi thì, chi bằng ta cứ ngồi đó nghe bầy tôi đây kể chuyện nhà Đạo, sẽ vui hơn. Vui, vì biết chuyện vừa xảy ra ở Thượng Hội Đồng Giám Mục Rôma, cũng từa tựa như chuyện trong làng/ngoài xã, ta đoán kết-cuộc ngay trước đó, rồi. Bởi, nhà Đạo của có tên tục gọi là “Vũ như Cẩn” (tức Vẫn Như Cũ) hoặc Nguyễn Y Vân (tức Vẫn Y Nguyên) mà.

Nhưng, trước khi xem sự thể ra sao ở nhà Đạo, bầy tôi chợt có ý-định đề-nghị bạn là: ta cứ nghe thử bọn trẻ kể chuyện tiếu lâm nhạt/chay, cũng hay hay:

 “Truyện rằng:

Có hai bé em, xem chương-trình hỏi/đáp trên truyền-hình, lại cứ bảo:

-Khó quá mày nhỉ! Năm ngoái, chị tao biết trước đề thi cả 30 phút, thế mà vẫn rớt đấy!

-Vậy sao? Như thế, vẫn chưa bằng bà cô tao từng biết trước đề thi cả hai tháng, mà vẫn ra rìa, ngoài hạng!

-Ủa! Cô mày thi gì mà khó đậu thế?

-Thi Hoa Hậu ấy mà.

-Thi Hoa hậu mà khó thế sao?

-Đúng. Thường thì không, nhưng đằng này lại thi Hoa Hậu Phu Nhân, mới chết chứ!”

(Trích tiếu-lâm trên mạng, đọc cho qua).

 Vâng. Truyện tiếu-lâm mà đọc trên mạng, thì đương nhiên chỉ cho qua dăm ba phút phù-du, chứ nào có là sự thật đâu mà để ý! Đằng này, chuyện nhà Đạo tuy nghiêm-trang/nghiêm-túc thấy vui. Vui, là bởi: nhà Đạo thường hay kể lể về các buổi họp-hành/bàn-luận rất cao-siêu nhiệm mầu nhà thờ, nhà thánh cũng nghiêm-trang như sau:

 Tại Thượng Hội Đồng  vừa qua, cặp vợ chồng người Úc là ông Ron và bà Marvis Pirola nói rằng: “gia đình phải đối mặt với sự căng-thẳng trong việc bảo-tồn chân-lý đức tin trong khi vẫn phải thể-hiện lòng từ-bi và thương xót”. Họ kể lại việc bạn bè họ phải làm thế nào khi người con đồng tính của mình muốn đem bạn tình về nhà, dịp Giáng sinh: “Nó là con của con mà!”…

 Vợ chồng này giải thích: “Dần dần chúng con nghiệm thấy có mối liên-hệ đặc-biệt giữa bí-tích hôn-nhân của chúng con là do Đức Kitô thiết-lập có liên-hệ trong đời sống tính-dục. Hôn-nhân là bí-tích diễn-tả trọn vẹn trong quan hệ tính dục.” “Chúng con tin rằng chỉ khi nào vợ chồng kính-trọng việc hợp-nhất trong tính-dục như phần quan-yếu của đời sống tâm-linh, thì họ mới hiểu rõ được giá-trị cao đẹp của giáo-lý hôn-nhân vốn được trình-bày trong Tông Huấn Humanae Vitae. Chúng con cần các phương-pháp mới và ngôn-ngữ dễ hiểu để chạm tới trái tim của mọi người…” 

 …Về điều này, ông Ron và bà Marvis đã giải thích thêm: “Mô-hình truyền-giáo cho các giáo xứ phải có khả-năng trả-lời các tình-huống tương-tự!” “Nhiệm-vụ và mục-đích chính của Giáo-huấn có từ Giáo-Hội là cho thế giới biết về tình-yêu của Thiên-Chúa.” 

 Cặp vợ chồng người Úc này còn kể lại kinh-nghiệm thực-tế khác: “Một người bạn của chúng con đã ly-dị, có nói rằng: đôi khi cô ấy cảm thấy mình không hoàn-toàn được đón-nhận trong giáo xứ mình ở. Tuy vậy, cô vẫn tham-dự thánh-lễ thường-xuyên và vẫn giáo-dục con cái rất tốt. Đối lại, giáo-xứ lại không có thiện cảm gì với cô và việc cô ly dị là một chướng tai/gai mắt đối với họ. Từ những người như cô, chúng con ngộ ra rằng: tất cả chúng con vẫn còn nhiều khiếm-khuyết trong cuộc sống. Nhận ra được khiếm khuyết, chúng con sẽ bớt đi việc phán-xét người khác. Bởi, phán xét làm cản-trở việc loan-báo Tin Mừng.” (Hoàng Minh tường trình về Thượng Hội Đồng Giám Mục Rôma tháng 10/2014 trên www.chuacuuthe.com 07/10/2014)

 Kể ra, thì cũng tội. Đường đường là vợ chồng, thì ông bà Ron và Marvis Piola vẫn là cặp phối-ngẫu lý-tưởng sống đạo-hạnh, đại-diện cho Giáo-hội ở Úc “đem chuông đi đánh xứ người”. Kết cuộc, cũng  không có quyền “bỏ” phiếu, tức: chỉ gióng tiếng chuông lạ, nghe đã khó.

Kể ra, lại cũng vui. Đường đường, là nhà Đạo Công giáo, lâu lâu tổ-chức một “Thượng Hội Đồng” tốn kém khá nhiều để bàn “chuyện” của các gia-đình Công-giáo khắp nơi, có cả chuyện nghe được và được nghe, giống như chuyện của ông Vũ Như Cẫn, cũng công phu nhưng khó thành.

Kể ra, thì những chuyện xảy đến trước/sau ngày “Thượng Hội Đồng” kết thúc, có nhà báo/nhà văn và cũng là nhà đạo kia/nọ lại nhấn-mạnh đôi điều qua giòng trích-dẫn rất như sau:

 Kết thúc Thượng Hội Đồng ngoại-thường về những thách đố mục-vụ gia-đình, mà không che giấu gì những khó khăn được trải qua trong suốt hai tuần tranh-luận vừa qua, Đức Phanxicô đã rút ra một bản tổng-kết tích-cực về kinh-nghiệm Thượng Hội Đồng này, được sống trong tự do phát-biểu thực-sự.

 “Bằng tinh-thần đoàn-thể-tính và hội-đồng-tính, ta đã thực sự sống kinh nghiệm Thượng Hội Đồng, thực-sự hành-trình liên-đới cùng một con đường với nhau. Cũng như: trên mỗi con đường, đã có những thời-điểm chạy nhanh, hầu như muốn chinh-phục thời-gian và đạt tới đích một cách nhanh hết sức có thể, và những thời-điểm mỏi-mệt (…), những thời điểm nhiệt thành và hăng say khác…” (xem Tý Linh, Đức Phanxicô Kết Thúc Thượng Hội Đồng Bằng Một Bài Phát Biểu Đanh Thép, www.xuanbichvietnam.net 19/10/2014)

 Bằng tinh-thần đoàn-thể-tính và Hội-đồng-tính”, có lẽ là “ý chính” trải rộng trong ngày các đấng bậc lu-bù họp hành để xem xét mọi sự, cho “rõ chuyện”. Bằng “hành-trình liên-đới và cùng một con đường với nhau”, có thể là “bài bản” hoặc “đường-đi-nước-bước” mà Giáo hội thời hiện-tại đang bước dần vào đời thường, của người thường.

Bằng bài bản của “tinh-thần tập-thể” hiểu theo đường-lối chính-mạch trong Đạo, thì: có thể là như thế. Thế nhưng, hiểu theo tầm-kích của báo đạo và/hoặc báo đời, ở ngoài đời thì có lẽ sẽ như sau:

 “Thật ra, cũng không là chuyện thường tình xảy đến, khi người Công-giáo khắp nơi tụ-tập tại Rôma để xem Giáo hội mình đưa quyết định này khác, có theo cách-thế trong sáng/minh-bạch hay không? Các báo-cáo/tường-trình từ Thượng Hội Đồng về “chuyện” gia-đình, khiến ai có thói quen coi việc bàn-luận và cãi vã trong phòng kín, đều là “Sự đã rồi”, hết. Các đề-tài được Giáo hội gần như đồng-loạt biểu-quyết, ít ra cũng cho thấy: nay nhen-nhúm trong lòng Giáo-hội mức độ nào đó về tính đa-dạng, khác kiểu ít thấy kể từ ngày Công Đồng Vaticăng II kết thúc…” (X. Neil Ormerod, Catholic Church returns to Pluriformity of Vatican II, www.eurekastreet.com.au/article.aspx?aeid=42160 19/10/2014)

Thế đó, lại có thêm đôi nhận-định của đấng bậc khác ở đâu đó Úc-Châu, Âu-Châu hay Mỹ-Châu, mà người người nên để mắt hoặc tai xem thế nào. Trước nhất, là ý-kiến của một vị thày dạy ở Melbourne, Úc như sau:

“Phần đông dân chúng trông mong nhiều vào Thượng Hội Đồng Giám Mục hồi tháng 10/2014 khi phác-thảo được chuẩn-bị, rất kỹ…

 Cuối cùng thì, với nhiều người, Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ này, là một thất-bại không nhỏ với vị Giáo-hoàng năng-nổ là Đức Phanxicô đương-đại. Thất-bại, để rồi mọi chuyện lại rơi vào bàn tay sắt đá của nhóm Giám-mục bảo-thủ. Là người đau khổ nhiều vì thất-bại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem ra thấy cũng hiện rõ trên nét mặt.

 Độc-giả ở đây, hẳn biết rõ Đức Phanxicô lâu nay thường tỏ-bày rằng: ngài chẳng bao giờ muốn hoặc có ý-định thay-đổi giáo-huấn của Hội-thánh, thế nên động-thái thư-thả, trầm-tĩnh của ngài cũng không có gì lạ. Đức đương kim Giáo-hoàng đây đơn-giản chỉ muốn tìm khả-năng mới để Giáo-hội Công-giáo có thể đến với người sống ngoài lề, hoặc xa cách. Điều, mà ngài quả-quyết cũng không có trọng-lượng là bao, đối với người vẫn cứ trông mong Giáo-hội có được đổi thay, cả những người chống đối mọi thay-đổi, cũng đều thế. Cả hai phía đều tin rằng: cung-cách thừa-tác mục-vụ, tự căn-bản, không thể thay-đổi nếu ta không đổi-thay về học-thuyết, lẫn tín-điều.

 Thế nhưng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn cho điều ngài nói mang ý-nghĩa rất nhiều. Ý-nghĩa, có thể là ngài vẫn từng coi Thượng Hội Đồng kỳ này là một chiến-thắng đối với tầm-nhìn của ngài về sự quản-cai Giáo-hội, tức: cho phép người tham-gia cầm quyền được dự phần vào cuộc bàn cãi có mở rộng, mà trong đó không có rào cản nào, ở xung quanh.

 Tính cởi mở trong trao-đổi được nhấn mạnh bằng thái-độ thẳng-thắn, bộc trực và sự khác-biệt trong say mê phát-biểu giữa các giám-mục khác nhau về trường-phái hoặc ngoài Thượng Hội Đồng. Tính trong-sáng cũng được tỏ-lộ qua thương-lượng để phác-thảo một văn-kiện “nháp” hầu đề-bạt và lấy phiếu bầu cho văn-kiện chung-cuộc.

 Có thể nói, thách-thức lớn mà Thượng Hội Đồng đặt ra cho các Giám-mục tham-dự họp khi các ngài quay trở về địa-phận mình, là: làm sao tháp-nhập được tính cởi mở, trong-sáng trong quản-trị, lại là những điều lộ rõ nơi động-thái của quan-chức có mặt ở Thượng Hội Đồng. Đức Phanxicô đã chứng-tỏ rằng: cung-cách quản-cai giáo-hội xưa nay được xây dựng trên việc kềm-chế/kiểm-soát và bảo mật, có lẽ cũng nên thay thế cách nào đó cho tốt đẹp hơn; thay thế, nhưng trong đó vẫn có sự tham-gia của người dân bên dưới bằng các khuyến-khích đối-thoại cùng cởi mở và bằng sự trong-sáng/minh-bạch. Có giám mục coi đó là chuyện nên cổ võ; có vị, lại cứ coi như mình đang bị áp-lực từ gương lành của Đức Giáo hoàng hầu khai-phá thêm khả-năng khác có lợi cho giáo-hội địa phương mình…” (xem Lm Andrew Hamilton, Synod Affirms Francis’ vision of Church Governance, www.eurekastreet.net 21/10/14) 

 Với người ngoài, như nghệ-sĩ ở trên vẫn hát có câu ca khá lạc-điệu như:

 Nhiều đêm thấy ta là thác đổ,
Tỉnh ra có khi còn nghe.
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ,
Tôi nghĩ quanh đây hồ như.
Đời ta hết mang điều mới lạ,
Tôi đã sống rất ơ hờ.
Lòng tôi có đôi lần khép cửa,
Rồi bên vết thương tôi quì.
Vì em đã mang lời khấn nhỏ,
Bỏ tôi đứng bên đời kia”.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

 Với đấng bậc nhân-hiền lành thánh, lại có ý/lời vẫn từng dẫn dụ như sau:

 Điều khiến chúng tôi tự hào là

lương tâm chúng tôi làm chứng rằng:

chúng tôi lấy sự thánh thiện

và chân thành Thiên Chúa ban

mà cư xử với người ta ở đời,

đặc biệt là với anh em.

Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời,

nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa.

(2Cor 1: 12)

 “Không cư xử theo lẽ khôn-ngoan người đời”, là lối cư-xử theo tính tập-thể rất hiệp-nhất, đúng như nhận-định của đấng bậc thày dạy từng đứng bục ở trường lớp rất Công-giáo, như sau:

 “Nơi Giáo hội, ta nói nhiều về Tập-đoàn Giám mục, Hồng Y và đôi khi cả đến đoàn-ngũ linh-mục nữa, theo cung-cách mà các ngài vẫn thực-thi công-việc theo đội-ngũ. “Tôi rất lấy làm cảm-kích khi thấy ngài thực-thi hoạt-động theo tập-thể-tính biết dường nào” (Hồng Y Sean O’Malley nói về Giáo hoàng Phanxicô).

 Loại hình tập-thể-tính như thế, vẫn còn thấy bên ngoài Giáo-hội đôi lúc nhiều hơn ở bên trong, hoặc giữa các đấng với nhau. 

 Lý do để ta có thể gọi được như thế, là vì: Giáo hội mình đích-thực là sự hiệp-thông hoặc như ai đó vẫn cứ gọi là: Tính tập-thể. Tính tập-thể vừa là ‘tiến-trình’ vốn dĩ cho phép Giáo-hội trổi bật lên trên và còn là sự diễn-tả về những gì khiến Giáo-hội phải trở-thành. Đáng tiếc thay, điều này thường không mấy hiện rõ, cho đủ. Giáo-hội mà lại không ‘hiệp-thông’ thì không phải là Giáo-hội. Và Hiệp-thông không thể xảy đến nếu không có tập-thể-tính.

 Nay, ta sẽ cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đi vào hiểu-biết ngọn-ngành về Giáo-hội như một hiệp-thông (mà tiếng Hy-Lạp gọi đó là: koinonia). Với Giáo-hội hôm nay, thì vấn-đề “tập-thể-tính” đơn-giản lại chỉ được coi như một từ-vựng khác nữa về ‘hiệp-thông’ mà thôi, chứ chưa mang đúng ý-nghĩa, của từ-vựng.

 Tập-thể-tính, hoặc hiệp-thông hoặc tính-cách được thấy ở Thượng Hội Đồng, vv.. còn mang ý-nghĩa của cung-cách mới được nhấn mạnh lần nữa về đường-lối suy-tư và sống-thực của Giáo hội. Điều này, làm nổi bật sự việc ta đến với nhau đi vào động-thái kết-hợp thành-viên Giáo-hội qua tư-cách là nhóm/hội vốn dĩ tự mình và do mình chọn theo cách tự-nhiên và theo đúng luật-lệ vẫn tản mác, khác nhau. Tập-thể-tính hoặc gọi đó là tính gì đi nữa, vẫn yêu-cầu để cho quyền cá-nhân riêng-lẻ cứ thế ra đi. Yêu-cầu ấy, do bởi các cá-thể và bè/cánh trong nhóm/hội ra như thế để dễ được sự đồng-tâm nhất-trí trong nhóm/hội đoàn-thể đang trào dậy. Điều này không làm cho nhóm/hội này khác trở thành bất-lực. Thật ra, thì sự đồng-tâm nhất-trí vượt khỏi lựa-chọn thông-phần sẻ-san để rồi sẽ không sử-dụng bất cứ quyền-bính nào mà cá-nhân hoặc phân-bộ nào đó có thể có, hầu để cho nhóm/hội được tốt-lành. Có thể nói, đây là khí-cụ tạo lợi-ích chung.

 Ngoài ra, nói về tính tập-thể tức: không có ý nói phải làm sao tạo được đa số phiếu tuyệt-đối với thành-viên tham-dự; hoặc ít ra cũng phải 2/3 phiếu hoặc đa số tuyệt đối các phiếu bầu. Đây là vấn-đề thuộc về não-trạng. Nhưng, không là não-trạng của việc thắng/thua.

 Điều này, không có nghĩa là mình cảm thấy vui lòng/thoải mái trước khi, trong lúc hoặc sau khi xảy đến sự việc. Điều này, cũng không là câu trả lời cho vấn-nạn nào ta không đồng-thuận với nó.

 Tính tập-thể không là đòi hỏi phải hoàn-toàn đồng-thuận, nhưng đòi tất cả mọi người ở đó, phải tôn-trọng lẫn nhau. Và điều đó, còn quan-trọng hơn cả trách-nhiệm trở thành dân-con vào mọi lúc. Điều đó, đòi hỏi phải hủy bỏ/tách rời bất cứ và toàn-bộ quan-điểm nào mang tính cứng-ngắc hoặc cố-định.

 Tính tập-thể, không có nghĩa là: lắng tai nghe những vị cứ cho rằng điều mình kể là những điều mà Đức Giáo Hoàng vẫn thích nghe.

 Hiệp-thông lại cũng không mang ý-nghĩa của sự việc hoàn-toàn thống-nhất ý-kiến. Mà là cung-cách để ta khai-thác sự khác-biệt trong khi ta sống với những thứ ấy. Đó còn là cung-cách cứ để họ sống với ta. Đó là bối-cảnh để làm sáng tỏ bất cứ bất-đồng nào có thể.

 Đây cũng không là đấu-trường trong đó ta có thể chống-đối sự bất khoan-nhượng với bất nhượng-bộ. Đó cũng không là cung-cách để ta củng cố những gì được đưa ra như quan-điểm triệt-để, hoặc đường-lối để người người đào sâu rẽ chia.

 Tập-thể-tính bao gồm việc xem người khác bất-đồng với mình về chuyện gì, là địch-thủ chứ không là địch-thù của mình. Tính-chất này đòi phải có sự đồng-hàng với mọi người, không vì điều họ nói hoặc do họ bỏ phiếu bầu thuận hoặc nghịch, mà vì họ đang có mặt ở đó.

 “Đang có mặt ở đó”, đấy mới là vấn-đề, chứ vấn-đề tuyệt-nhiên không do mức-độ thông-minh hoặc trọng-lực của luận-cứ khi tranh-cãi. Tiến bước thêm về phía trước, là cốt để dời chỗ đi từ sự bất-đồng chính-kiến về giải-pháp đưa ra cho đến bất-đồng về những điều được coi như vấn-nạn muôn thuở. Và cứ thế, ta tiến dần về với vấn-nạn nào thực-sự là vấn-đề hoặc cả việc tự xem mình có thế không hoặc có còn như thế không. Đó, mới thành chuyện!

 Nói tóm lại, đây là cách-thức ta thể-hiện sự khác-biệt trong hiệp-nhất; và cứ tạo hiệp-nhất mới-mẻ hơn…” (Xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Spelling Out The Issues of Collegiality, Strathfield ACU Workshop 23/8/2014, tr. 1 & 2 …)              

Đi vào đời, đã thấy ngay đám trẻ bé đối-xử với nhau theo tính tập-thể, không uẩn-khúc. Nhưng, đã quan-niệm thoải mái qua các đoạn tả cảnh/tả tình về tình đời, như sau:

Để tả cảnh hoặc tả tình ông nội mình, có em nhỏ từng mô-tả như sau:

“Nhà em có nuôi một ông nội. Ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả, chỉ trùm chăn ngủ. Đến bữa ăn, ông tỏ dấu vẫn cứ hỏi: Cơm chín chưa bay?

Để tả dụng cụ lao-động, em lại thích viết những điều như:

“Chiếc xẻng nhà em có rất nhiều công-dụng, và dùng nó để xúc phân của con chó nữa!”

Mô-tả về ông bố, có đoạn văn bất hủ của một học-trò khác như sau:

“Bố em có một hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải.”

Và, để miêu-tả mùa Xuân, có em lại viết rằng:

“Mùa xuân ở quê em mở rất nhiều hội. Vào những ngày ấy, trên đường có rất nhiều các ông các bà tay cầm ô đen ô đỏ, có vị còn mặc áo dài áo ngắn đứng ngồi lố nhố. Các cụ nói chuyện râm ran, như bầy chim líu lo gọi mẹ, mà em chẳng hiểu gì hết…”

Tả cây chuối, có em nọ lại viết những câu như:

“Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối, để thấy rõ hết mọi người ở bên dưới. Ngồi trên cành chuối rung rinh, em rất thích.”

Trả lời câu “Hãy tả con vật mà em yêu thích nhất”, có em nọ lại đã viết:

“Nhà em có nuôi một con gà trống rất đẹp. Em rất yêu nó. Vì hằng ngày nó tỏ ra hiên-ngang với các con gà mái yếu ớt. Hàng ngày, em cho nó ăn nên chiều chiều nó gáy những tiếng như con gà trống lớn coi thường mọi gà con dưới nó.”

Tả cái cặp đi học, có em khác lại cũng viết:

“Bố em mua cho em cái cặp rất to và đẹp, hàng ngày em đeo nó đến trường, cái cặp đựng được nhiều sách vở, nó to như cái bình thuốc sâu của mẹ.”

Tả cô giáo mà em yêu quí, em kia tả rất lẹ:

“Cô giáo em rất đẹp. Cô có vầng trán cao thể-hiện sự thông minh. Mái tóc cô dài thướt tha như giòng nước. Nhưng cái mà em thích nhất, vẫn là cái răng nanh của cô. Nó làm cho nụ cười của cô thêm phần quyến rũ. Cô hay đọc tập làm văn cho tụi em chép, nên em viết văn cũng giống cô…”

Tả người thày em yêu quí nhất, có em tả thế này:

“Thấm thoát đã 3 mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo thầy đến khi thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản.”

Tả anh lính chiến, có em tả như sau:

“Lính chiến làng em cao một thước hai, cây súng anh mang dài thước rưỡi. Thế mới oai…”   

(Trích: “Các bài văn bất hủ của học trò” ở lên mạng, đọc cho biết).

Ở quê nhà, các em cũng đã học cách viết văn để miêu-tả những điều mình nhận-xét, như mọi người. Nhưng, người nhà Đạo lại suy-nghĩ hoặc viết-lách vẫn “cao siêu” hơn thế, rất nhiều. Cao và siêu, đến độ nhiều vị có chức-tước hoặc ngạch-trật cứ cãi nhau suốt, tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.

Chấm và dứt sao được, khi người trong cuộc lại cứ nói và cứ cãi, những điều mình chẳng khi nào trải-nghiệm. Chấm và dứt làm sao, khi nhiều người những muốn nói điều mình trải-nghiệm, nhưng vì không ở cùng mạch chính, nên không có quyền quyết-định bằng lá phiếu.

Tóm lại, vấn-đề gì cũng thế, dù diễn ra ở trong hay ngoài cuộc, càng thấy khó bàn-cãi, nói chi đến “cuộc chơi”, ở đời. Thế đó, một vài ý mọn ở đâu đó, có bạn đạo nọ gom góp, nhặt nhạnh để lưu-giữ hầu biến nó thành kinh-nghiệm đời, cho mai sau. Kinh và nghiệm, là những gì bạn và tôi, ta cần cảm và nghiệm nhưng lại không hề “kinh nhi viễn chi”.

Trần Ngọc Mười Hai

Tuy chưa có kinh nghiệm

Quản cai ai cả

Nhưng vẫn muốn nghiệm và kinh

Hết mọi người mọi vị

ở trong đời.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31