CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 4 MÙA CHAY A

Written by xbvn on Tháng Ba 26th, 2014. Posted in Mai Tá

“Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối,”

Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Đường chia hai ngã biết tới phương nào?”

(Lê Mộng Nguyễn – Trăng Mờ Bên Suối)

(1Th 4: 3-12)

            Hẹn đâu không hẹn, sao anh chị lại cứ hẹn nhau bên bờ suối, rất ướt át? Gặp đâu không gặp, sao các cụ lại cứ gặp trên các nẻo đường cứ là “chia hai ngã, biết tới phương nào?” thế vậy?

Vâng. Có thể là như thế. Người thường ở đời, lại cứ hẹn và cứ hò cho lắm, để rồi sau đó trăng sẽ mờ, ý thơ và khúc nhạc lòng sẽ vắng ngắt như câu ca mà nghệ sĩ nhà vẫn cứ hát?

            Vâng. Có thể và có lẽ buổi hò hẹn lại “hò hét” qua loa, để rồi nghe câu hát rất nản, rằng:

  Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng

Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng

Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy?

Ngàn đời vang ngắt bên suối trăng tà…”

(Lê Mộng Nguyễn – bđd)

 Vâng. Cuộc đời nơi xã hội, nhiều người lại vẫn gặp những chuyện rất “tréo cẳng ngỗng, giống như thế! Giống như thế, là giống như thể bà con ở đời thường gặp nhiều trắc trở khi hẹn hò, thề hứa những trăm điều, mà chẳng thấy điều nào thành hiện thực, hết. Hệt như chuyện ở trời Tây, có những tin cùng…tức, rất như sau:

 “Có khảo sát mới đây cho thấy: đối với 1000 người Mỹ nhận lời khảo sát những hỏi rằng: điều gì giúp cho hôn nhân nên phúc hạnh, sướng vui nhiều? thì: kết quả khiến mọi người ngạc nhiên không ít. Một số cặp phối-ngẫu đã trả lời bằng câu tóm rất nhiều chuyện: một là, nếu họ chịu khó bỏ giờ ra mà gần gũi nhau, cả vào lúc có niềm vui bộc phát hoặc những khi phải cảm-nghiệm nỗi sầu buồn đến độ da diết. Hai nữa, có ít nhất là ba sở thích giống nhau khiến hai người phối-ngẫu cùng nhau sẻ san, và đặc biệt hơn,cố làm sao đi nghỉ phép chung với nhau mỗi năm ít là hai lần, ắt cũng đủ để biến cuộc sống của hai người thành thứ keo sơn đính kết nhau suốt đời.

 Một số cặp phối ngẫu khác, lại cũng cho biết: thỉnh thoảng cũng nên ôm hôn âu yếm và nói lời “yêu thương” nhau một tuần ít nhất 10 lần, sẽ thấy rằng đó là thứ keo dán làm hai dính chặt vào nhau cho dài lâu. Có cặp còn cho biết: họ quyết tâm thề nguyền phải nghĩ chuyện chăn gối thực tế với nhau ít là 3 lần một tuần mới là điều ắt và đủ của tình vợ chồng khắng khít.

 Dù chỉ là chuyện hãn hữu/ít thấy, nhưng hầu hết các công cuộc nghiên-cứu khảo-sát đều cho thấy: hôn nhân tốt đẹp nhất trên đời không tùy thuộc chuyện chia chác cho đồng đều công việc nội trợ, ai đi làm kiếm kế sinh nhai, ai ở nhà dạy con để mai kia mốt nọ chúng còn làm nở mày nở mặt bậc cha mẹ, hoặc chỉ nên đẻ bao nhiêu đứa là tối đa để còn có giờ mà du hí vui chơi đến cuối đời không còn dịp… Nhưng, ý-tưởng mà các cặp vợ chồng hầu hết đều nhắc nhiều nhất, vẫn là kiểu cũ của các cụ, tức: biết nghĩ đến nhau nhiều hơn là chỉ nghĩ mỗi mình thôi và yếu điểm mà nhiều cặp phối-ngẫu đề cập đến, đó là: tính “rộng lượng” với người phối ngẫu.

 Hai chuyên gia về lãnh vực này là William Bradford Wilcox thuộc đại học Virginia và Jeffrey Dew thuộc đại học Utah đều đã nhất mực chĩa thẳng vào yếu tố “rộng-lượng” như điều-kiện không thể thiếu cho niềm phúc-hạnh của hôn nhân. Hai tác-giả nói trên, đều tập trung nghiên-cứu động-thái biết tặng-trao cho nhau những gì tốt đẹp nhất mà người phối-ngẫu nào cũng chờ đợi ở vợ hoặc chồng mình như động-thái hiền-từ/tử tế, biết tỏ lộ lòng yêu thương/mến mộ cũng như “tương kính như tân” và nhất là thứ tha nhau những sai lầm, sơ hở khó lòng tránh khỏi trong quá-trình sống gần gũi đến nhàm chán khiến một trong hai cứ “thèm của lạ”, vv… Cuối cùng, thì: nhị vị chuyên gia này cho rằng: “lòng đại-lượng” có lẽ là một trong các hành-xử để duy trì quan-hệ mật-thiết đối với nhau, vẫn là hình-thức tương-giao trong hôn-nhân ở xã-hội thiện thời.”

 Tắt một lời, nhị vị ở trên đi đến kết luận, bảo rằng: theo kinh-nghiệm khảo-sát của họ, thì: cặp phối-ngẫu nào sống kinh-nghiệm phẩm-chất cao trong hôn-nhân qua việc “cho đi” và “nhận lĩnh” tính độ-lượng càng nhiều sẽ càng gắn bó với nhau hơn, trong cuộc sống.” (xem Nicole M. Kinh, Simple things make a happy marriage, MercatorNet 17/02/2014)   

             Nói như thế, tức: nói theo kiểu có nghiên-cứu/suy-nghĩ có bài bản, có chứng cớ rành-rẽ, ở đời người. Nói như thế, là còn nói theo kiểu bàn-luận về người đời từng sống với phối-ngẫu có ăn có chịu, vẫn chấp-nhận cuộc sống dù xấu đẹp. Nói như thế, còn là nói theo kiểu văn-hoa thi-tứ với nhạc điệu, theo cung cách có vần có điệu, có âm-thanh lành mạnh, nhiều thích-thú như:

 “Suối mơ… lời hẹn ước ven bờ suối xưa

Nhớ chăng… người phương xa trong khói điêu tàn?

Suối ơi… vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh,

Nào những lúc trên thuyền say sưa

Nhìn trăng vừa lên, ai hay chia lìa

Sương khói biên thùy hiu hắt người đi xa trường sa.”

(Lê Mộng Nguyễn – bđd)

 Nói theo kiểu người đời, ngoài xã hội, là có nói nhưng không khó. Nói theo kiểu nhà Đạo, có lẽ sẽ khó hơn, bởi không ngọt ngào, thi-vị như thế. Và, phần đông người nhà Đạo khi nói về hôn-nhân hoặc sống đời phối-ngẫu, thường hay nói có luật lệ, qui chế và qui-định với lời khuyên miên man, nhiều thập-kỷ. Nói theo nhà Đạo, chừng như chỉ muốn nói đến luân-lý giáo-điều, với đủ loại-hình mô phạm, cũng khô khan/cằn cỗi như người tình chăn gối thời xưa/cổ.

Sống đời phối-ngẫu cho đúng nghĩa, đúng luật Đạo, là sống có lý-tưởng một vợ một chồng đến bạc đầu, răng long suốt nguyên kiếp. Sống đời phối-ngẫu Công-giáo lại có nghĩa: không chấp-nhận hôn-nhân cùng phái-tính, cũng chẳng đồng-thuận hoặc cho phép con cháu mình sống thử cuộc sống phóng-túng gối chăn cả tháng ngày dài trước khi cưới. Sống đời đi Đạo, rất hôn-phối là còn sống đủ mười điều răn nhà Đức Chúa Trời với 6 điều răn Hội thánh, không thiếu một nét chữ nào hết.

Sống sao thì sống. Có theo giáo-huấn/lời dạy của Giáo hội Công giáo hay không cũng còn tuỳ. Tuỳ người. Tuỳ hoàn-cảnh của mỗi người trong cuộc sống. Tuỳ các cặp phối-ngẫu có hay không có hôn-nhân. Nhưng, quan-trọng hơn cả, là: sống thế nào để khi mình đang sống, vẫn nghĩ đến những ngày sau đó, chốn miên trường, như lời nhận-định của đấng bậc mô-phạm ở đâu đây, như sau:

 Tuy trong rừng có nhiều cây đại thọ cả ngàn năm, nhưng người sống thọ đến 100 tuổi không nhiều. Bạn thọ lắm cũng chỉ sống đến 100 tuổi (tỉ lệ 1 trên 100.000 người).

Nếu bạn sống đến 70 tuổi, bạn sẽ còn 30 năm. Nếu bạn thọ 80 tuổi, bạn chỉ còn 20 năm. Vì lẽ bạn không còn bao nhiêu năm để sống và bạn không thể mang theo các đồ vật bạn có, bạn đừng có tiết kiệm quá mức. (trên 50t mừng từng năm, qua 60t mong hàng tháng, tới 70t đếm mỗi tuần, đến 80t đợi vài ngày, được 90t …ngơ ngác một mình với giờ phút dài thăm thẳm !)

 Bạn nên tiêu những món cần tiêu, thưởng thức những gì nên thưởng thức, tặng cho thiên hạ những gì bạn có thể cho, nhưng đừng để lại tất cả cho con cháu. Bạn chẳng hề muốn chúng trở nên những kẻ ăn bám.

 Đừng lo lắng về những gì sẽ xảy ra sau khi bạn ra đi, vì khi bạn đã trở về với cát bụi, bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng bởi lời khen hay tiếng chê bai nữa đâu.

 Đừng lo lg nhiều q về con cái vì con cái có phần số của chúng và chúng sẽ tự tìm cách sống riêng. Đừng trở thành kẻ nô lệ của chúng.

 Đừng mong chờ nhiều ở con cái. Con biết lo cho cha mẹ, dù có lòng vẫn quá bận rộn vì công ăn việc làm và các ràng buộc khác nên không thể giúp gì bạn.

 Các con vô tình thì có thể sẽ tranh dành của cải của bạn ngay khi bạn còn sống, và còn muốn bạn chóng chết để chúng có thể thừa hưởng các bất động sản của bạn.

 Các con của bạn cho rằng chuyện chúng thừa hưởng tài sản của bạn là chuyện dĩ nhiên nhưng bạn không thể đòi dự phần vào tiền bạc của chúng.

 Với những người thuộc lứa tuổi 60 như bạn, đừng đánh đổi sức khoẻ với tài lực nữa. Bởi vì tiền bạc có thể không mua được sức khoẻ. Khi nào thì bạn thôi làm tiền? và có bao nhiêu tiền là đủ (tiền muôn, tiền triệu hay mấy chục triệu)?

 Dù bạn có cả ngàn mẫu ruộng tốt, bạn cũng chỉ ăn khoảng 3 lon gạo mỗi ngày; dù bạn có cả ngàn dinh thự, bạn cũng chỉ cần một chỗ rộng 8 mét vuông để ngủ nghỉ ban đêm.

Vậy chừng nào bạn có đủ thức ăn và có đủ tiền tiêu là tốt rồi.

 Nên bạn hãy sống cho vui vẻ. Mỗi gia đình đều có chuyện buồn phiền riêng.

 Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội và con ai thành đạt hơn, nhưng bạn hãy so sánh về hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ… Đừng lo nghĩ về những chuyện mà bạn không thể thay đổi vì chẳng được gì, mà lại còn làm hại cho sức khỏe bạn…

 Bạn phải tạo ra sự an lạc và tìm được niềm hạnh phúc của chính mình. Miễn là bạn phấn chấn, nghĩ toàn chuyện vui và làm những việc bạn muốn mỗi ngày một cách thích thú thì bạn thật đã sống hạnh phúc từng ngày.

 Một ngày qua là một ngày bạn mất đi, nhưng một ngày trôi qua trong hạnh phúc là một ngày bạn “được”. 

 Khi bạn vui thì bệnh tật sẽ lành; khi bạn hạnh phúc thì bệnh sẽ chóng hết. Khi bạn vui và hạnh phúc thì bệnh sẽ chẳng đến bao giờ.

 Với tính khí vui vẻ, với thể thao thể dục thích đáng, thường xuyên ra ánh sáng mặt trời, thay đổi thực phẩm đa dạng, uống một thuốc bổ vừa phải, hy vọng rằng bạn sẽ sống thêm 20 hay 30 năm tràn trề sức khỏe.

 Và nhất là biết trân qúy những điều tốt đẹp quanh mình và còn BẠN BÈ nữa.. họ đều làm cho bạn cảm thấy trẻ trung và có người cần đến mình… không có họ chắc chắn bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ.!!! Vợ biết chiều chồng, chồng giúp đỡ vợ trong mọi việc nhà và đừng bắt bẻ nhau những khi lỡ lời ……

            Sống sao thì sống. Sống có chất lượng, dù trong hôn-phối hay ngoài xã-hội cũng là sống như người nghệ sĩ, từng hát những câu có “Suối mơ” như sau:

 “Suối mơ… lời hẹn ước ven bờ suối xưa
Nhớ chăng… người phương xa trong khói điêu tàn?
Suối ơi… vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh,
Nào những lúc trên thuyền say sưa
Nhìn trăng vừa lên, ai hay chia lìa
Sương khói biên thùy hiu hắt người đi xa trường sa.
Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo?
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ?
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ….”

(Lê Mộng Nguyễn – bđd)

Sống sao thì sống, nhưng vẫn phải sống cho đúng nghĩa nhân-sinh đời người có trước có sau, trong ngoài đời đạo-hạnh. Sống đúng Đạo, còn là sống không bạo nhưng đúng nghĩa, đúng lương tâm, chức-năng của hữu-thể người.

Sống đời đạo-hạnh trong hôn-nhân là sống có tình không chỉ với nhau mà còn cảm thông và hỗ trợ cả những người có hôn-nhân gãy đổ hoặc sơ hở, cùng lỗi phạm bị hắt hủi, rời bỏ Hội thánh vì nhiều lý lẽ.. Bởi lẽ Hội thánh là hội của các thánh đang sống trong trần gian, không chịu rút vào vỏ sò của bất cứ mọi chủ nghĩa tân tạo, nhưng vẫn làm chứng tá công khai cho thánh hội ở trần-gian đang chiến đấu và song hành với xã hội ngoài đời, đúng lương tâm.

Sống cùng và sống với Hội thánh đang phấn-dấu còn là sống trong nguyện cầu cho thánh Hội đang chứng-kiến những đổi thay của xã-hội về cuộc sống, nhưng vẫn vui vẻ và trung thành, vẫn yêu-thương giùm giúp chứ không bỏ rơi những người con đang rã rời vì nhiều chuyện.

Cuối cùng thì, sống đúng chức năng của con dân thánh hội còn là sống hiên ngang, phấn đấu, không mặc cảm tự tôn lẫn tự ti. Cũng không tự cảm thấy như mình mắc phạm nhiều lỗi tội. Sống như thế, là sống trong yêu thương hết mọi người,và sống có Chúa đồng hành vào mọi lúc.

Thế đó là ước mơ của người con trong thánh hội, rất bây giờ, tức vẫn còn thời gian để hò hẹn và cất lên những tiếng hát rất hẹn hò như sau:

 “Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối,”

Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu

Một đêm thiết tha rồi đây xa cách

Đường chia hai ngã biết tới phương nào?”

(Lê Mộng Nguyễn – Trăng Mờ Bên Suối)

 Hát rồi, cũng nên nhớ lại lời dặn dò khi xưa của thánh-nhân hiền lành, từng nhắc nhở:

 “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh,

tức là xa lánh gian dâm,

mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ

để sống cách thánh thiện và trong danh dự,

chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại,

là những người không biết Thiên Chúa.

Về điểm này,

đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình,

vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó,

như chúng tôi đã từng báo trước

và cảnh cáo anh em.

Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế,

nhưng sống thánh thiện.

Vậy ai khinh thường những lời dạy trên,

thì không phải khinh thường một người phàm,

nhưng khinh thường Thiên Chúa;

Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người.

(1 Th 4: 3-10)

Nghe lời dặn dò, hò hẹn thế rồi hỡi bạn và và tôi, ta cứ hiên ngang cất bước đi vào đời mà sống đạo. Sống, cái Đạo nhân hiền của Chúa và của con người, rất phục thiện.

Trần Ngọc Mười Hai

Chẳng dám hẹn hò cùng ai

Hoặc cùng Chúa nơi con người.

mà chỉ mạnh dạn phấn đấu

với đời mình,

Có thế thôi.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30