CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN CHÚA NHẬT LỄ LÁ A

Written by xbvn on Tháng Tư 9th, 2014. Posted in Mai Tá

“Tôi đứng đây chờ em đã từ lâu,”

Sân vắng thưa người đêm cũng buồn theo.
một con đường sắt trăm con tàu,

Mưa nắng sớm khuya trưa chiều,

Người nhớ người thương người yêu.”

(Y Vân – Đêm Tái Ngộ)

(Mt 5: 23)

            Chợt hát câu ca có chữ “người” những 3 lần, như thể: người nhớ, người thương người yêu” bần đạo lại nhớ đến bậc thày khi xưa ở Đà Lạt cũng nói thế. Bậc thày xưa, là linh mục người Canada mang tên rất Việt là “Nhân”, do phiên âm từ chữ Gérard Gagnon, CSsR cũng rất “người”.

Cha Nhân là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Đà-Lạt biết nói, đọc và hiểu tiếng Việt mình rất giỏi và rất thích truyện Kiều. Đặc-biệt hơn, cha Nhân thường nói về truyện Kiều với nhiều người trong Đạo. Như có lần, ngài còn bảo: truyện Kiều từng xác chứng Đức Chúa Trời có 3 Ngôi, khi thi sĩ Nguyễn Du lặp đi lặp lại chữ “mình” đến 3 lần, ở câu thơ:

             “Nghĩ mình, mình lại nên thương nỗi mình.”

            (Nguyễn Du – Truyện Kiều)

          Giả như, thi sĩ Nguyễn Du còn sống đến hôm nay, thì chắc ông cũng phải lắc đầu “nguầy nguậy” trước ý-tưởng lạ kỳ của ông “cố” tên Nhân. Nhưng, chữ “người” (hoặc “Nhân”) ở bài ca trên rất ý-nghĩa, chẳng vì tác giả đã xác-chứng được Đức Chúa Trời có 3 Ngôi, mà chỉ khẳng định rằng: là người với nhau, ta không thể không nhớ, không thương hoặc không yêu nhau được. Mà, đã nhớ đã thương và đã yêu nhau rồi, hẳn người người vẫn chờ nhau, như câu hát tiếp ở bên dưới:

   “Em đứng đây chờ anh trước thềm ga,

 Hiu hắt cây đèn đêm giã từ xưa

Ngày xưa vội vã trong mưa nhoà

Nay lúc đón anh quay về

Thì sao thời gian chậm qua.”

            (Y Vân – bđd)

          Nói những lời rất “nhớ”, rất “thương” và cũng “yêu” như ở trên, là: nói bằng từ ngữ bình thường ở đời, mà thôi. Nhưng, nếu hát: “Em đứng đây chờ anh trước thềm ga”, thì thật là …”không dám đâu!” Bởi, thời buổi này, người được gọi là “Em” mà còn đứng chờ “Anh” ở sân ga, dù để làm gì đi nữa, cũng rất hiếm. Chí ít, là chờ người anh rất “lờ mờ” một đấng bậc linh (hồn) mục hay cụ sáu vĩnh viễn đặt chân đến viếng ngõ hầu đem Lời Chúa đến với những người vừa yêu, vừa thương lại vừa nhớ, chắc cũng hiếm?

            Hiếm ghê lắm, tựa hồ ý-tưởng của tác giả Michael McVeigh ở Úc, cũng từng viết:

 “Nhiều người Công giáo thường không mấy thích thú với cụm từ “Rao giảng Lời Chúa”. Bởi, ngữ-từ này làm người nghe liên tưởng đến hiện-tượng nhiều vị cứ là múa may quay cuồng, vừa hát vừa nhún nhảy, rồi còn bảo: làm như thế, mới đúng nghĩa chúc-tụng Chúa, để rồi các ‘cụ’ lại cứ diễn-giải về tình Chúa rất “nhớ”, rất “thương” và cũng rất “yêu” loài người, đều rất lạ. Điều này, càng làm nản lòng người đang cảm nghiệm một cách chắc-chắn, rằng: Chúa Thánh Thần quả là đang họat-động nơi mỗi người, mà người đời không biết, đấy thôi.

 Do bởi không biết, nên nhiều người vẫn cứ ‘tha-hóa’ bản thân rồi còn chuyển đến người không được Chúa chúc-lành, những lời những lẽ rất vững-chắc về sức mạnh của Chúa đang họat-động ở với và ở trong con người, rất dài dài…

 Nói chung, thì: phần đông người Công giáo thường hay đặt vấn đề với Giáo hội để xem Giáo Hội của ta nay có còn chất-vấn xã hội về công bằng, trật-tự nữa hay không. Và nhất là: Giáo-hội có còn biết tự-kiểm để xem mình có xa rời chúng-dân nghèo như xưa nữa không? Hoặc: nay có quyết định ra khỏi “vỏ-sò-khép-kín” ở chốn trên cao vời vợi mà sống đích thực Lời Chúa dạy, hầu hoà mình với dân con ngoài Đạo, hay không?” (xem Michael McVeigh, Keeping it real, Australian Catholics số Summer 2014 tr. 5)

             Thật ra thì, chuyện “thoát khỏi “vỏ-sò-cục-bộ”, mà ra ngoài sống đích thực Lời Chúa, có hay không, đó vẫn là vấn đề muôn thuở, của nhà Đạo. Muôn thuở, không phải vì nó khó thực hiện, cho bằng đôi lúc cũng thấy rằng mình lâu nay hiểu hơi khác, Lời Chúa dạy. Nhiều lúc Hội thánh (hiểu theo nghĩa phẩm-trật ở trên cao) chỉ muốn hiểu rằng: Lời Chúa là Lời áp dụng cho dân con ở bên dưới mà thôi, chứ nào đâu dành để cho chính mình. Chả thế mà, các đấng chủ quản giáo phận, khi phong chức linh-mục tư-tế cho đấng-bậc phó-tế ở đây đó, vẫn căn dặn “con cháu trong nhà” rằng: “Con hãy sống điều mình giảng và dạy, chứ đừng dạy và giảng điều mình đang sống…”

            Nói thế cũng hơi khó hiểu. Khó là bởi, giả như đấng bậc ngày nay sống đúng chức-năng của các ngài, thì đâu thành chuyện. Nếu sống đúng Lời Chúa dạy, thì làm gì có chuyện bê-bối với bê-tha xảy ra với hàng giáo-sĩ ở Âu Mỹ, và Úc nữa. Còn đâu ngày đẹp trời hôm trước, khi cha và con ta cứ sống hài hoà; dù có “nhớ”, có “thương” và có “yêu” da diết lắm, rồi cũng thôi không còn dám hát những lời kế tiếp ở nhạc bản, trích-dẫn hồi hôm trước, như sau:

 “Vọng từ chốn xa, xa xăm
Hồi còi tàu rúc lên, trong đêm
Xe lăn trên đường, nhịp nhàngTái Ngộ

Từ từ về, trước sân.
Anh bước xuống tàu ngơ ngác vài giây.
Khi thấy em cười sau ánh đèn soi.
Nhìn nhau mà nói không nên lời,
Nơi cũ lúc xưa tay rời,
Thì nay lại tay cầm tay.”

(Y Vân – bđd)

 Vâng. Quả có thế. Khi xưa, rất nhiều anh/nhiều chị cứ còn đứng đó, chờ nhau khi “sân ga chỉ có 2 người” hoặc “khi thấy em cười, sau ánh đèn soi”, chứ bây giờ sân ga hoặc sân bay toàn những cảnh chúng-dân cứ là hì-hục bưng bưng/vác vác rồi tháo chạy cho nhanh, kẻo con tàu sắt nó chẳng chờ mình, để làm gì.

Vâng. Quả có thế. Ngày nay, ở nhà Đạo cũng như ngoài đời, làm gì còn cái cảnh da-diết quá trời ơi, người hỡi cứ là “người chờ người” ở sân nhà ga hay nhà thờ, để đi lễ? Có chăng, chỉ chờ và đợi anh/đợi em mau chóng thức giấc cho kịp giờ lễ sau nhiều ngày lễ mễ thức trắng con mắt xanh cứ là “chat” với “chit”, rộn cả bầu trời đen kịt ít có ánh trăng, mà chỉ lờ tờ mờ mỗi ánh đèn “leo lét” những là ánh sáng L.E.D. từ màn ảnh nhỏ, có “web cam” !?!…

Vâng. Nhà Đạo và nhà của người đời thời hôm nay thấy rất nhiều cảnh và tình có Anh có em cứ chờ nhau mãi, hằng thế kỷ, mà chẳng thấy ma nào đến với nhau mà giúp đỡ. Vâng. Ở ngoài đời và ở cả nhà Đạo nữa, vẫn có cảnh “vô cảm” cứ là “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Mạnh ông, ông sống; mạnh bà, bà chịu, chứ có chết thằng Tây đen Tây trắng, nào đâu chứ!

Vâng. Ở ngoài đời cũng như trong nhà Đạo, đâu còn các màn khuyến-khích/ngợi khen nhau từ các bậc thức-giả nhiều kinh-nghiệm dạy đám học-trò “vô cảm” hoặc “vô tư” chỉ thích những thứ gì khác ngoài tình yêu thương, như lời đấng bậc mô-phạm nhiều kinh-nghiệm nọ lại đã viết cho cô giáo “đầy tưởng-tượng” tên là Pat, vì cô đã dám đi vào cuộc chơi, ở cuộc đời nhiều “vô cảm”, như sau:

 “Thân mến thăm Cô Pat rất trân quí,

 Xin thành thật chúc mừng cô đã chấp-nhận vai trò rất “bậc thày” mà cô vừa đạt.

 Tôi biết chắc, rằng: lâu nay, cô từng ưu-tư rất mực, về buổi gặp gỡ giống hôm nay như biết bao nhà giáo rất mới khác của thời đại, dám ký hợp-đồng ngắn hạn cho đến khi trở thành thày cô, về lâu về dài.

 Là người có không ít kinh nghiệm trong giảng-dạy, tôi thấy đây là công việc lạ kỳ, cốt để khích-lệ mọi người đầu tư con tim và hồn mình, vào với cộng-đoàn. Tôi đoan chắc rằng: lý-tưởng và ý-nghĩa của cuộc sống đã thúc đẩy cô tiến bước đi vào phỏng-vấn.

 Học trò của cô, đôi lúc, cũng sẽ nói nhiều và nghịch ngợm không thiếu, khiến cô thấy đinh tai nhức óc. Nhưng xin cô cũng hãy nhớ cho rằng chúng cũng được Ơn Trên chúc phúc và ban cho chúng có được một đấng bậc thày/cô như cô trong đời chúng. Cô cũng sẽ được chúc lành hệt như chúng từng được như thế. Sẽ xảy đến những ngày khiến cô có thể nghi ngờ về chuyện này, nhưng tôi thiết nghĩ: do kế-hoạch của Thiên-Chúa từng bày biện cho cô, để rồi cô sẽ quay lại mà thầm cảm ơn Bề Trên đã khiến cô phải trải qua những tháng ngày khủng khiếp, đến độ thế.

 Là đám học trò nhỏ, rất thường tình, chúng vẫn xử sự gây khó cho cô. Chúng làm thế, là bởi vào thời nhỏ tuổi, con trẻ vẫn phải phấn đấu hết mình, để tìm ra: đâu là lai lịch của  chúng. Và, đây chính là cuộc phấn đấu diễn ra như một hỗn loạn. Nhưng sự thật không phải thế. Cô cứ coi thời tuổi nhỏ như mùa xuân, cứ chợt đến rồi đi, như mây trôi/gió thoảng chẳng tiễn đưa, hẹn hò cũng chẳng cần ai níu kéo, bao giờ hết. Nó cứ quay tròn vào tám hướng/bốn phương, dù chỉ một ngày, cũng thấy bốn mùa biền biệt nắng mưa, lưa thưa cơn sốt lạnh. Đây mới là thời điểm của cuộc đời, có hạt giống gieo vãi khắp nơi; gieo lên vùng trời đầy bão táp, mưa sa, có gió đông lạnh. Công việc của cô sẽ là cung cấp cho đám trẻ nhỏ, lớp đất mịn/lành để hạt giống mọc lên được tươi tốt.

 Xin cho tôi được phép ngưỡng mộ cô hết mình, bởi lẽ: cô đã dám một mình xung-phong vào chốn miền đầy gai-góc, sau những chuỗi ngày buồn chán với nghề kế toán. Mặc dù nghề đó cũng có thể sẽ biến cô trở thành “tỷ phú” chẳng mấy chốc. Chỉ mỗi điều, là cứ phải đánh vật suốt ngày với con số, nên rất chán. Điều khiến tôi thán phục cô đây hết mình, là: bởi cô đã liều-lĩnh chấp-nhận dạy giáo-lý cho bọn trẻ ở tuổi “teen”, là tuổi từng chiếm-đoạt ngày giờ và công sức của bậc thày cũng không ít.

 Thân mẫu của cô, có lẽ khi trước, cũng là nhà giáo hay sao đó, từng thấy khó mà bỏ giờ ra để dạy-dỗ đám cứng đầu/cứng cổ với bộ môn mà chẳng em nào thích thú được hết. Chí ít, là vào thập niên ‘70, tức: một thời điểm đầy những cãi-tranh, đặt nhiều vấn-đề về niềm-tin, khiến bậc thày hết hứng-thú để dạy lẽ Đạo. Đó, cũng là thời-điểm mà nhà giáo như chúng tôi không thể nào quên-lãng khi đàn trẻ nhỏ, các em đều đã hứng chịu hậu-quả của sự tranh-cãi thần-học, đến độ bọn tôi là nhà giáo lâu năm, cũng đã vất-vả nhiều phen đến độ phải câm nín. Cứ câm và nín, cho qua ngày đoạn tháng, chí ít là thấy bọn nhỏ lại cứ dửng dưng, không chịu học.

 Tôi hiểu rằng: cô cũng từng có quan-điểm mạnh đến độ khiến cho các đấng bề trên của cô, chụp cho cái mũ “bảo thủ” hay sao đó, để rồi cô không nản chí, vẫn cương quyết tiến bước, vì thương yêu bọn con trẻ. Bọn chúng tôi, cũng từng trải-nghiệm giống như thế, nên rất trân-trọng khí-thế của cô, khi cô quyết-định chọn công việc khó-khăn này làm lẽ sống, cho đời mình.

 Mặc dù thế, tôi nghĩ cô cũng có đôi chút sai lầm khi tỏ-bày lập-trường khác hẳn bậc mẹ cha, nhất thứ là: về chuyện công-bằng xã-hội mà nhiều vị cứ coi đó như “chuyện vặt-vãnh” ngoài tầm ảnh-hưởng của Phúc Âm. Cô còn có lúc cũng sai lầm ngộ-nhận, khi bảo rằng: nền phụng-vụ của Hội-thánh hơi cứng ngắc, và buồn tẻ. Tôi lại càng trân-trọng lập-trường cố-hữu của bất kỳ ai đã từng trải qua những tháng ngày khám-phá ra rằng: Tin Mừng, hoặc người xưa còn gọi là Phúc-Âm, chỉ gồm tóm những luật và luật và/hoặc những điều lệ về luân-lý/đạo-đức không mấy thích-thú với người trẻ thời hôm nay. Và, Đạo-giáo của ta, chỉ là bức tường-thành kiên-cố những giam-hãm hoặc phân-cách người trẻ khỏi thế giới bên ngoài, đang vội sống.

 Tôi lại cũng hiểu rằng: từ ngày đấng bậc mẹ/cha của cô, từng quyết-định “chia tay” một-lần-là-mãi-mãi, chẳng kể gì đến người con gái trẻ cứ hụt-hẫng/chới-với cần có cái gì đó thật an-toàn để bám-víu. Cũng vào lúc đó, Đạo Chúa của ta lại chỉ là hình-thái của một tôn-giáo dẫy đầy những bấp-bênh/thương-tổn, vì nội bộ. Tâm-thân của Đạo mình, khi ấy, vẫn trần-trụi như hồi nào trên thập-tự. Và, người trong Đạo vẫn cứ bước những bước dài tìm-kiếm tương-quan mật-thiết, thay cho lời đáp-trả của cuộc tranh cãi. Kiếm tìm, như thế kéo theo nhiều hiểm-nguy, khó tránh khỏi. Rồi ra, học trò nhỏ của cô- cũng sẽ đặt ra nhiều câu hỏi tựa hồ như thế. Những câu hỏi gồm nhiều thể-loại, cả bằng lời nói cũng như lề-lối hành-xử rất đặc-trưng, khác hẳn những gì cô từng suy-nghĩ. Thế nhưng, những vấn-nạn mà chúng đưa ra, cũng sẽ bị khoả-lấp bởi những câu hỏi sâu-lắng không được bộc-lộ ra bên ngoài, vì hãi sợ. Hỏi, là hỏi về tình thương-yêu và chuyện tùy-thuộc. Và, đây là những gì khiến cô không bao giờ cảm thấy ngán-ngẫm hoặc bỏ cuộc.

  Thưa cô giáo Pat,

Thật sự, tôi cũng cảm thấy rất hứng khởi khi được biết, là: cô cũng có những ước-vọng được tiến-bước mãi lên bậc thang đầy giá-trị của hệ-cấp lãnh-đạo. Thấy cô phấn khởi nạp đơn để trở thành bậc thày ở cấp cao hơn. Đó là điều hay, mà giới già chúng tôi không dám nghĩ tới. Bởi lẽ, theo tôi thì: một trong các thách-thức lớn đối với nền giáo-dục của anh chị em Công-giáo chúng mình, là: làm sao đào-tạo được thế-hệ trẻ đầy tươi-mát gồm các nhà lãnh-đạo không hề biết mệt, về nhiều thứ. Và, tôi vẫn nghĩ rằng: Đạo mình cần những người như cô, là những người không thiếu bầu nhiệt-huyết, để rồi sẽ “đầu-cao-mắt-sáng” hiên-ngang tiến về phía trước không hãi sợ bất cứ thứ gì.

 Có thể, cô cũng sẽ cần học thêm, để có bằng-cấp như họ đòi hỏi. Đây, cũng là một trong các điều làm tôi quan-ngại không ít. Bởi, mới vừa đây, một người bạn thân-thiết của tôi đã dám nạp đơn xin làm chức vụ Phó Chủ-Nhiệm một trường Công-giáo khá nổi tiếng. Anh có đến 30 năm kinh-nghiệm trong ngành/nghề khiến có thể tạo hứng cho giới trẻ trong ngành, có được sức-sống hăng-say như anh. Tuy thế, anh lại nhận được một đáp-trả rất ư là tiêu-cực với lý do đơn-giản chỉ vì anh không có văn bằng Cao-Học/Thạc-sĩ, như người khác. Dĩ nhiên, đây chỉ là câu đáp-trả khá lừa-bịp và cũng nguy hại. Bởi, một người như anh từng đầu-tư đời mình vào với cuộc sống của nhiều người khác, lại bị khước-từ bởi lý-do duy-nhất là có người khác đã làm khác anh, tức là: chỉ đầu-tư cuộc sống của mình vào bằng-cấp/khoa-bảng để vinh-danh tên tuổi của mình hoặc cho chức-vụ cao mà thôi.

 Tôi xin lỗi, nếu phải gửi đến cô lời khuyên nhủ dặn dò rằng: hãy chuẩn-bị trước, cho thật kỹ để có thể lướt-vượt một trong các rào cản vô nghĩa, đến độ thế. Bởi, theo tôi, tài lãnh-đạo vẫn tuỳ-thuộc con tim, chứ không vào nghề-nghiệp của chính mình. Đó, chính là niềm-vui cho mọi người, chứ không phải cái “tôi” đầy mâu-thuẫn/rắc-rối, chỉ cốt lo cho chính mình, mà thôi.

 Tôi hy vọng rằng: cô cũng có được một đời dạy học đầy vui-tươi, phúc-hạnh như tôi từng trải-qua vào những tháng ngày đen tối nhất, cuộc đời mình. Tiếp-xúc với bọn trẻ bé, tôi nghĩ rằng: cô cũng sẽ nhận được nhiều năng-lượng vốn dĩ tạo được niềm vui-tươi, phấn-khởi từ đám trẻ có tấm lòng rất cởi mở. Tôi tin chắc, là: cô sẽ được đồng-nghiệp hỗ-trợ hết mình, vì họ cũng đã được thế.

 Xin hãy nhớ cho rằng: danh-xưng thông-thường mà mọi người đều có được, khi liên-tưởng đến Đức Chúa của ta, khi ta gọi Ngài là “Thày dạy”. Chính vì thế, mà tôi nghĩ: cô cũng sẽ thuộc vào lớp người được thừa-kế tính sáng-tạo, mà khi xưa các “bậc thày” của ta từng minh-định trong cái-gọi-là “Bài-Giảng-Trên-Núi”, mà theo tôi, đó cũng là Hiến-chương của Nhà Giáo, tức: các bậc thày dạy, Chúa gửi đến với muôn người.

 Xin trân-trọng gửi đến cô lời chúc mừng đầy tình-thương của một một người đồng-nghiệp đang đi vào dĩ-vãng, vì tuổi tác.

 Michael McGirr

(x. Michael McGirr, A letter to a New teacher, Australian Catholics, số Summer 2014 t. 8)                       

 Vâng. Quả có thế. Khi các bậc trưởng-thượng trong nghề dạy, hay nghề khác, nay cứ lục-tục ra về “vui thú điền viên”, “đuổi gà cho vợ” hoặc ngồi buồn viết hồi ký, cho đỡ nhớ và đỡ thương lũ trẻ nhỏ, nay lớn người lớn xác, nhưng vẫn chưa lớn tâm tính, rất đáng thương.

Vâng. Quả là thực tế rất giống thế, khi văn-hoá của sự chết nay tràn lan ở nhiều nơi. Chí ít, là những nơi/những thời mà con người không còn bám-víu vào giá-trị vĩnh-cửu, nữa. Làm sao và làm gì, để bám víu khi không còn gì ngoài một xã hội, tức nhóm người chỉ để tâm đến chuyện kiếm cho thật nhiều tiền. Và, khi có được tiền rồi, sẽ lại tìm kiếm danh-lợi để mọi người biết đến hoặc thụ-hưởng cho qua ngày/đoạn tháng.

Vâng. Thực tế hôm nay, nảy sinh nhiều sự-kiện đáng “gờm” khiến bậc thức-giả ở quê nhà, hoặc ngoại-quốc vẫn cứ ưu-tư lo-lắng cho lớp trẻ đang ngủ vùi trên nếp sống “vô cảm”, vô văn hoá, hoặc rặt toàn thứ văn-hoá của sự chết.

Vâng. Thực-tế thời-đại hôm nay cũng đáng buồn, nên tác-giả của nhạc-bản ở trên, lại cứ hát mãi câu chờ/mong như sau:

“Tôi đứng đây chờ em đã từ lâu,”

Sân vắng thưa người đêm cũng buồn theo.

một con đường sắt trăm con tàu,

Mưa nắng sớm khuya trưa chiều,

Người nhớ người thương người yêu.”

(Y Vân – bđd)      

Vâng. Thực tế hôm nay, vẫn còn nhiều người những là nhận định rằng: làm gì thì làm, sống sao thì sống, vẫn phải sống sao cho có niềm-tin vững-chắc trong đời, có như thế mới tìm được niềm phúc-hạnh của sự sống.

Vâng. Làm gì thì làm, bạn và tôi, ta cũng sẽ gặp nhiều người, ở đời, có lập-trường nhẹ-nhàng/thông-thoáng như quan-niệm của đấng-bậc hạnh-đạo ở tôn-giáo bạn, có tâm-hồn và lập-trường sống vẫn cứ coi mọi sự như thường-tình, không đặt nặng chuyện đúng/sai, phải/quấy đầy cãi-vã, vẫn có cái nhìn cởi-mở như ở dưới, về nỗi hạnh-phúc sống niềm tin-yêu với đời, rằng:

 “Tôi tin rằng:

mọi khổ đau trong đời, đều sinh ra từ sự ngu muội. Người ta thường gây đau đớn cho người khác, khi ích-kỷ theo đuổi hạnh-phúc hay thỏa-mãn riêng mình. Tuy nhiên, hạnh-phúc thật sự đến từ cảm giác an-bình và hài lòng, nó được tạo từ sự nuôi-dưỡng lòng vị-tha, tình-yêu và lòng từ tâm xoá bỏ sự ngu muội, ích-kỷ và sự ham muốn thái quá..

 “Càng quan-tâm đến hạnh-phúc của người khác, ta càng thấy an-lạc. Nuôi-dưỡng cảm-giác thân-thiết ấm-áp đối với người khác tự nhiên làm ta thoải mái trong tâm hồn. Đó là nguồn gốc tối-hậu của mọi thành-công trong đời.

 “Chỉ có phát-triển từ-tâm và thấu-hiểu người khác mới có thể mang lại cho ta sự tĩnh-lặng và hạnh-phúc mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm.

 “Nếu tình-yêu trong tâm-hồn bạn bị mất đi, và bạn thấy mọi người đều là kẻ thù của mình, thì dù bạn có kiến-thức, có giáo-dục hoặc tiện-nghi vật-chất nhiều cách mấy, bạn cũng chỉ thấy có khổ đau và rối mù.

 “Bản-chất của con người không chỉ cần có vật-chất mà cần đến cả đời sống tâm-linh, rất khó để đạt an-bình và giữ được an-bình trong tâm-hồn.

 “Bạn cũ mất đi, bạn mới cứ đến, nó cũng giống như những tháng ngày cuộc đời mình. Ngày cũ qua đi, ngày mới vẫn cứ tới. Điều quan-trọng, là: làm mọi sự trở nên có ý-nghĩa: ý-nghĩa của tình bạn- hay của một ngày đầy ý-lực.

 “Khi bạn bất-đồng với người thân-thiết của mình, hãy chỉ nói về hiện-tại mà thôi. Đừng nhắc gì đến chuyện cũ.

 “Bầu khí yêu-thương trong nhà bạn, là nền-tảng cho đời sống của bạn.

 “Hãy sống cuộc đời tử-tế và phẩm-hạnh; để rồi khi về già hồi-tưởng lại, bạn có thể thưởng-thức cuộc đời bạn thêm lần nữa.

 “Đừng để tranh-chấp nhỏ làm tổn-thương thâm-tình lớn.

 “Hãy cứ theo luật định về 3 chữ T, là: Tự trọng, Tôn-trọng người khác và có trách-nhiệm về mọi hành-động của chính mình.” (x. His Holiness the Dalai Lama and Howard C. Cutler, M.D., The Art od Happiness, a Handbook for Living, Hodder Headline Australia Pty Limited, 1998)

 Vâng. Làm gì thì làm, sống sao thì sống, cũng đừng quên sống đúng như lời dặn-dò của Thày Chí Ái từng nói với đồ-đệ của Ngài khi xưa, rằng:

 “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ,

mà sực nhớ có người anh em

đang có chuyện bất bình với anh,

thì hãy để của lễ lại đó

trước bàn thờ,

mà đi làm hoà với người anh em ấy đã,

rồi trở lại dâng lễ vật của mình. ”

(Mt 5: 23)

 Vâng. Nhìn quanh quất, người người cũng thấy khó mà sống sao cho mọi người chung quanh được phúc-hạnh, hoà-hoãn với mình. Bởi lẽ, hiện vẫn thấy nảy-sinh nhiều cảnh-tình có quá nhiều người “vô cảm”, thì hoà-hoãn được với ai?

Thêm vào đó, có một sự-kiện còn hay thấy nữa, đó là: ngày nay người người có đi nhà thờ “dâng của lễ” cho Chúa, cũng chỉ dâng/chỉ cúng một cách “vô cảm” vì vẫn còn đó sự ganh-tương hoặc ích-kỷ, thì nói làm gì đến chuyện “làm hoà” với người-làm-mình-phật-ý hoặc những người mà mình từng làm mất lòng, nữa chứ!.

Tóm lại, tại sân ga chiều hôm đó, vẫn có người đứng chờ kẻ “vô cảm” rơi vào vòng tay ôm của Đức-Chúa-đang-hiện-diện-trong-lòng-người và đang chờ đợi mọi người, để nhớ và thương suốt một đời.

Đấng ấy, người ấy, có là nhà Đạo ở đâu đó, rất đáng thương hay không? Câu trả lời, xin dành để cho bạn, cho tôi và cho chúng ta, là những kẻ đang hát bài:

 “Tôi đứng đây chờ Em đã từ lâu”.

Sân vắng thưa người đêm cũng buồn theo.

một con đường sắt trăm con tàu,

Mưa nắng sớm khuya trưa chiều,

Người nhớ người thương người yêu.”

(Y Vân – Đêm Tái Ngộ)

 Vâng, cũng thế. Ở bên này, rày vẫn thấy:

 Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc cũng sợ mình

Trở thành người “vô cảm” rất đáng sợ.

Chẳng đợi chẳng chờ,

Dù một ai.

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31