CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A

Written by xbvn on Tháng Năm 20th, 2014. Posted in Mai Tá

 “Vi vu đồi thông reo xao xác lá chiều nay thu về,

Em ơi, cánh buồm xưa còn vương bao lời thề…”

(Nhạc ngoại quốc: La Paloma của Tenco

Lời Việt: Cánh Buồm Xa Xưa của Từ Vũ)

(Rm 14: 1-3)

 Phối hợp chủ đề để phiếm có cả chuyện đời với Lời Chúa, như thế có hợp lý lắm không?

Trả lời câu hỏi này, bần đạo vẫn thường tự đặt ra cho mình những câu hỏi như thế mỗi khi viết. Mục tiêu thông-thường lôi kéo bần đạo gõ máy là để viết những chủ-đề nào ăn khớp với chuyện của người người, ở đời. Và, chuyện của người đời cũng tựa như chuyện đời người, lại vẫn có những câu hát ví-von đượm ý/lời, tựa hồ như câu tiếp:

 “Xa xa đàn chim mừng dang cánh biếc, trời mây tung hoành,

Sương lan lắng trong hoàng hôn chim, khi tâm tư ta gầy.

Thuyền ai đang lênh đênh vượt sóng biếc, cho tan vơi cơn sầu.

Ai đang đắm đuối trên lưng muôn con sóng, xanh bạc đầu.”

(La Paloma – bđd)

“Chim mừng dang cánh biếc” được phối-hợp với “cánh buồm xưa” lại vương-vấn “bao lời thề” như thế vẫn là và sẽ là lập-trường của nhiều người có ý/có lời rất đáng nể, như đấng thánh-hiền daọ nọ từng khẳng-định với thánh-hội ở Rôma, như sau:

“Anh em hãy đón nhận người yếu đức tin

và đừng tranh luận với họ.

Có người tin mình ăn được mọi thứ,

có người vì yếu chỉ ăn rau.

Người ăn đừng khinh rẻ kẻ không ăn,

còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người có ăn,

vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy.”

(Rm 14: 1-3)

 Người đời xưa, hễ có vấn-đề gì loanh quanh những chuyện đại-để, như: “đón nhận người yếu đức tin” “đừng tranh-luận với họ”, không chỉ nội chuyện “ăn uống” mà thôi, nhưng cũng “đừng xét đoán người có ăn”, hoặc: “Thiên Chúa đã đón-nhận họ”, lại là những chuyện căn-bản hệ-trọng, trong cuộc đời.

Cũng tựa như thế, đời người vẫn có những kẻ và những người rất “yếu đức tin” đang cần được “đón nhận” chứ không cần gì “tranh-luận”, về nhiều thứ. Cả những thứ và những sự, không thuộc thẩm-quyền của một ai, để “khinh rẻ”, “xét đoán” dù mình hay họ “yếu đức tin”.

Cuộc đời thường, lại không thiếu những người và những sự mà ý/lời của nhạc bản ở bên trên, vẫn diễn tả qua câu hát tiếp theo sau. Rằng:

 “Biệt ly sao chua cay làm mắt ướt, tóc xanh nay phai màu.

Nhớ mãi, nhớ mãi môi em cười khi bến xa con tàu.

Yêu em qua chuỗi ngày thơ.

Mà giờ lòng còn vương thương nhớ. 

Nhớ người xưa chiều nay mình ta bao ước mơ.

Niềm riêng se sắt bên lòng!”

(La Paloma – bđd)

Quả thật cũng đúng! Sống ở đời, mà chỉ nghĩ đến những gì đáng “khinh rẻ” để rồi lại sẽ “xét đoán” hoặc chỉ để “tranh-luận” mà thôi, cũng sẽ không thuyết-phục đủ để ta sống cho ra người, như mọi người. Chí ít, là chú-tâm đến chuyện dạy dỗ/giáo-dục đám trẻ nhỏ những điều mà nhà giáo đồng thời là nhà báo từng hỏi những người đọc tin tức, rằng: Phải chăng, bạn chỉ thích có mỗi tin vui hoặc bạn cũng không ngại nghe/đọc các tin buồn rười rượi chứ, và thứ nào bạn thích hơn cả?

Hỏi thế, cũng không dễ để mọi người cứ đưa ra câu trả-lời nào cho thoả đáng, dễ dàng. Hỏi thế, cũng chỉ để hỏi mà thôi để rồi sau đó, tác-giả lại đưa ra một loạt những tin-tức/ý-tưởng, khá ý-nhị, như sau:

“Bạn ưa-thích tin vui ư? Thì, hôm nay đây, bạn sẽ được đọc chỉ mỗi tin như thế này: con số các thiếu-niên ở tuổi “teen” lâu nay vẫn ham bia/rượu, nay không còn ra như thế nữa. Thực tế cho thấy: con số những người này, nay thay-đổi. Các nhà khảo-sát/nghiên-cứu vừa cho biết: con số tiêu-biểu/tỷ-lệ về các thiếu-niên đang ở lứa tuổi từ 14 đến 17 cho thấy: năm vừa qua, các em thuộc lứa tuổi “teen” đã thôi, không còn tha thiết chỉ nếm náp bia/rượu hoặc rượu/chè hay gì gì nữa. Và, tỷ-lệ những người này, đang từ mức độ 32.9% vào năm 2001, nay vọt lên đến 50.2% cho năm 2010, mà thôi.”

 

Thế còn, tin buồn thì sao? Tin buồn ư?

Tin buồn, thì: đây chung qui là lý-do khiến giới tuổi “teen”, nay không còn ưa-thích rượu/bia nữa, là bởi vì các em nay đã khá bận với chuyện “internet”, điện-thư “email” hoặc đã biết “chit chat” nhiều hơn trước.

 Báo Daily Telegraph vừa đăng-tải một bài viết, trong đó tác-giả nghĩ rằng: đây là khuynh-hướng cũng khá tốt. Tuy nhiên, đọc bài này, chắc có độc-giả sẽ hành-xử giống như tôi, tức: cũng không mấy vui vẻ về chuyện này, nên cứ thắc-mắc hoài nhiều thứ bèn cứ hỏi và hỏi mãi, hỏi rằng: nghiện-ngập thứ nào, thì hay nhất? Hoặc, tối tối ngồi nhâm-nhi dăm ba ly rượu, hoặc thùng bia mà chẳng cần biết trời trăng mây nước gì hết, hoặc suốt ngày cứ chúi mũi vào màn hình vi-tính hay di-động hoặc ipad với ipod, thì thế nào?” (xem Tamara Rajakariar, Teens prefer internet to drinking, MercatorNet 16/4/2014)

Hỏi, mà lại hỏi như nhà mô-phạm hoặc thày/cô là chỉ hỏi để mà hỏi hoặc để rồi sẽ viết lách in thành sách/báo, thì lại khác. Khác hẳn, câu  trả lời của bày tôi, cốt để trả một lời cho vấn-nạn đặt ra ở đây, hầu thấy rằng: sự đời không chỉ thế. Nhưng, còn hơn thế, rất như sau:     

 “Là bậc mẹ cha, ai cũng muốn ban-truyền cái hay/cái đẹp tuyệt-vời ở đời, cho con mình. Làm thế, vô tình ta đặt con cái của mình vào tình-huống nguy-hiểm cứ gia-tăng niềm lo-lắng, những là xáo-trộn về thần-trí, chỉ cốt vừa lòng bậc mẹ cha, qua ép-buộc con mình  lợi-dụng các cơ-hội ngàn năm đưa đẩy, hầu đạt kết-quả rất tối-đa, mà thôi. Đây, cũng là giòng-chảy tư-tưởng của nhà giáo người Úc nọ có tên là Margie Ulbrick từng đặt vấn-đề như sau:

Hôm ấy, một buổi sáng Chúa nhật khá đẹp trời. Mới 7 giờ sáng tinh mơ, tôi đã dẫn chú “pékinois” nhỏ thó của mình ra quán cà-phê nằm trong khu hẻm mình ở, hy vọng sẽ được thưởng-thức tách cà-phê nóng, rồi còn được đảo mắt liếc nhanh tờ nhật-trình miễn phí, có chú Bambino cứ chờ lệnh nằm dài im-ắng, nhẫn-nại. Chung quanh tôi, vẫn xẩy đến những chuyện thường-nhật, như: chiếc du-lịch nọ chẳng giữ luật, cứ đâụ sánh đôi  bên hông một chiếc xe khác. Và rồi, là: cảnh thằng bé con từ trong xe lon ton chạy đi chạy về, mở cửa xe, lên xuống chiếc xe có nệm cao gần bằng đầu cháu và có ông bố đang đậu ở đó, rồi nói: con quên hỏi là: Bố thích uống cà-phê đen hay cà-phê sữa, để còn mua?” Tôi không nghe kịp câu trả đáp của ông bố vốn đang lo ngại bị chụp hình, nhưng cũng đã hài-lòng vì cậu con bé bỏng là thế mà cũng biết giao hẹn, với trả giá rằng: “Bố đừng có mà quên mở chương-trình chơi “games” ra cho con, trên ipad nhé!

Cũng có thể, trong chuyện này, ai cũng đoán rằng: hai bố con hôm ấy có được ngày nghỉ xả hơi, bèn lái xe về quê, thưởng-ngoạn cảnh đẹp miền quê, rất dân-dã, thanh-thoát. Nhưng, dù hai bố con nhà đó có đi đâu chăng nữa, vẫn có một điều mà bọn trẻ ngày nay rất ưa thích nên cứ đòi bố mẹ chiều lòng, đó là: chơi “games” trên vi-tính gọn là “ipad”.

Con của tôi nay cũng khôn và lớn cả rồi, nên những tháng ngày miệt mài với trò chơi “games” trên vi-tính đối với chúng, không còn là chuyện hấp-dẫn nữa. Tuy rằng, phần đông ta đều bỏ giờ ra mà chơi đủ trò chơi trên màn hình nhỏ; nhưng, tôi thì vẫn mong cho con mình làm thứ gì khác, ngoài chuyện chơi “games”, vô bổ ấy. Nói thì nói thế, chứ thật ra tôi cũng chẳng có nhiều thì-giờ mà chơi mấy trò như bọn nhỏ ngày nay. Nhưng, vấn-đề tôi đặt ra vẫn là thế này: phần tôi đây, tối ngày cứ bận rộn với bốn đứa con sàn sàn đồng lứa tuổi, thì nội chuyện đó thôi cũng khá bận rồi còn giờ đâu ra mà ghiền chơi “ghêm” với “ghiếc” gì nữa, cho cam. Chí ít, là vào thời của tôi, ai cũng muốn né-tránh không làm gì nhiều vào những giờ mình đã xong ở trường lớp, để về nhà. Nên, vẫn thường chơi các món quần vợt, hoặc học nhạc này/khác, chứ đâu có như bây giờ, tối ngày cứ “ghêm” là “ghêm” từ lớn đến nhỏ, không sao cho vừa!”

Đến đây, để thay đổi bầu không khí, lại cũng xin mạn phép cắt ngang câu chuyện giáo-dục đàn trẻ nhỏ, để mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm câu nhạc ướt-át, có lời than, như:

“Thu ơi gieo mấy lần tang,

Mà lòng người tàn theo năm tháng. 

Ý thu vương trách sao lòng người mau lãng quên.

Chiều nay thu vẫn mơ màng.”

(Nhạc ngoại-quốc La Paloma – bđd)

Khi xưa, nghệ-sĩ hoặc giới nghe nhạc thường hay chạy về với “Thu ơi!”, “Đông hỡi!”, chứ nào mấy ai đặt vẫn-đề cho ngọn-ngành, vanh vách, như nhà giáo ở trên lại kể tiếp:

“Mới đây, tôi có được đọc một tờ báo khá ăn khách cốt để tìm-hiểu xem ảnh-hưởng về tâm-lý nơi đám trẻ, nay ra sao, đã thấy có những ý-tưởng hỏi rằng: “Con cái quý vị có là những đứa trẻ có năng-khiếu này khác không? Quý vị sẽ làm gì để thăng-hoa tài-năng của chúng?

Hỏi như thế, thật ra không phải là tôi không muốn đánh giá cao hoặc lưu-ý về con trẻ hoặc về kỹ-năng của chúng để còn thăng-tiến việc các cháu phát-triển như thế nào. Thế nhưng, cụm-từ “năng-khiếu” và đường-lối thăng-tiến các tài-năng đáng đề-cao của chúng cũng là “qui-cách” mới mẻ khiến tôi cứ phải ưu-tư, lo lắng rất nhiều.

 Tôi cũng nuôi dạy con cái trong đia-hạt âm-nhạc đến độ cứ thúc-ép chơi cho thật nhiều bài của nhạc sĩ Mozart ngay khi các em còn trong bụng mẹ và đọc cho chúng nghe truyện cổ-tích cả vào lúc trước khi các cháu chào đời nữa. Cho nên, nếu sau này các cháu có chơi được một nhạc-cụ nào đó, thì chúng tôi nắm chắc rằng các cháu sẽ giỏi toán-học. Và, nếu ngay từ nhỏ các cháu biểu-diễn thể-dục thẩm-mỹ thì bộ não của các cháu cũng sớm có khả-năng cảm-nhận và thông-chuyển được mọi thông-điệp. Đồ chơi mang tính giáo-dục là chuyện cần có và các loại lắp hình hoặc trò chơi này khác sẽ không chỉ là “trò chơi” không hơn không kém, nhưng còn mang nhiều ý-nghĩa giáo-dục hơn. Vậy nên, thông-điệp ở đây là thế này: chơi giỡn với các đồ chơi như thế và các trò chơi mang tính giáo-dục đều có thể gia-tăng lối diễn-bày nói chung của con trẻ trong cuộc sống.

 Chơi giỡn này khác sẽ không phải chỉ để chơi mà là có thể tạo kết-quả như lòng mình mong ước. Nói cách khác, thì: khi cha mẹ nhận được thông-điệp cho thấy các vị cố-gắng kiến-tạo sao cho bọn trẻ được thành-công trên đường đời. Quả thật, bổn-phận làm cha mẹ, là như thế. Dù có thể hỏi ngược lại là: kết-quả cho ai? Và của ai? …

 Nói cho cùng, bọn trẻ ngày nay lệ-thuộc vào một thời-khoá-biểu quá ư là chặt chẽ đến độ chúng có quá ít thời-gian để sống như con trẻ, là trẻ con. Ngày nay, ta đang đi vào một thế-giới trong đó có quá nhiều giới trẻ tìm kết-liễu cuộc sống của chính chúng nó, vì nhiều lý-do. Và, một sự-kiện rõ hơn nữa, là: thời ấu-thơ của trẻ con hôm nay lại thấy quá nhiều ưu-tư lo-lắng cứ thế gia-tăng. Từ những ý-tưởng đó, tôi đã bắt đầu suy-tư về những thứ như: thật rất dễ để trở thành cha mẹ, thế mà ta cứ như đám không-tặc, chuyên bắt cóc hoặc bắt buộc con cái mình phải tuân theo chỉ-thị của mình để sống theo, sống giống và sống bằng người lớn chứ không là: sống như con trẻ, theo tuổi trẻ của chúng.

Nói cho cùng, phải nói rằng: giá-trị đích-thực của chúng ta không nằm ở việc ta có cân đo đong đếm theo mẫu mực quyết thành-toại và đạt kết quả cho bằng được như lòng mình là người lớn những mong muốn. Mà thật ra, điều cần là: ta có thể giúp đưa con trẻ tiến bước với ý-nghĩa của cuộc sống. Điều đó, có khi còn quan-trọng hơn cả việc thành-đạt/toại-nguyện theo mẫu mã của chính mình, là xã hội của người lớn, chứ không phải xã hội của trẻ con, như trẻ con. Thật ra thì, không phải chỉ có năng-khiếu hoặc thứ gì tựa hồ như thế mới là cần-thiết, cho bằng cảm-kích được quà-tặng của sự sống dành cho cả con trẻ lẫn mẹ cha của chúng, cũng đều thế. Vấn đề còn lại, là: hãy cứ vui-hưởng và trân-trọng quà-tặng đã ban cho ta và cho trẻ, tự bao giờ, nhờ qua Chúa” (xem Margie Ulbrick, Children Under Pressure, The Mejellan Family, số tháng Sáu 2014, tr. 9-14).

 Nói thế, là nói theo bài bản của nhà tâm-lý, rất mô-phạm có nhiều kinh-nghiệm sống qua dạy dỗ con em ở trường-lớp cũng như ở nhà. Nói về trường-hợp của nhiều người như bần-đạo, được Chúa thương ban cho có con có cháu rất dễ-thương, vui vẻ như nhiều con trẻ khác. Tức: các cháu cũng vui chơi, hiền-lành, lễ-phép và luôn làm theo lệnh của người lớn, dù các vị không là mẹ cha của chúng.

Tuy nhiên, bàn về thú tiêu-khiển của con trẻ, để ngang qua những giây phút buồn chán, rất trống-trải, thì con trẻ vẫn có riêng thế-giới của chúng. Nghĩa là: chúng cũng chơi các trò chơi trên “iphone”, “ipad” hoặc gì đó chứ đâu lầm-lừ, tư-lự như người lớn tuổi giống bầy tôi đây.

Nói tóm lại, mỗi thế-hệ đều có không-gian và thời-gian riêng-rẽ, khác biệt dành cho mình. Và tự do, là thứ gì đó dành để cho mỗi người ngõ hầu giúp mỗi người và mọi người trở-thành “týp” người sống đúng thời/đúng buổi ở đời mình, có giới-hạn.

Thời hôm nay, nếu ta cứ khuyên cứ bảo lũ trẻ: đừng chơi “games” gì hết, thay vào đó, hãy có thì giờ rảnh-rỗi mà đọc kinh, lần chuỗi hoặc đi lễ để thế vào thời gian trống trải/rảnh rỗi, thì tương lai tự khắc các cháu sẽ trở-thành “Giáo-hoàng tự-phát” mất. Tức: trở-thành đấng bậc vị-vọng lập ra nhiều luật-lệ mới mẻ để người khác sống sao giống như mình sống. Và, sống theo kiểu cách cũng như hiệu-lệnh của mình, mà thôi.

Có mỗi điều quan-trọng trong đời người đi Đạo, là: sống sao cho giống với lời khuyên dạy của Đức Chúa ở Tin Mừng, chứ không chỉ lo thực hành 10 điều giáo-lệnh, 6 điều răn rất thánh-hội do đấng bậc ở trên cao, lụ khụ như các cụ, từng bảo-ban, sai khiến thôi.

Nói như thế, không để chạy tội hay “chạy làng” gì sốt; mà chỉ muốn phân-trần với bà con cô bác đôi lời khẳng-định của đấng bậc ở hệ-cấp giáo-quyền rất Vaticăng, từng bảo rằng:

“Ngày nay, rất nhiều người/nhiều vị đang có khuynh-hướng muốn có vài đổi-thay, biến-cải như Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng từng muốn…” (xem phóng-viên báo Commonweal phỏng-vấn Đức Hồng-y Walter Kaspar, qua bài Merciful God, Merciful Church,  Commonweal 7/5/2014)

Ở đây, bần đạo bầy tôi đây không cố ý lấy ý-tưởng của đấng bậc ở trên cao làm hàng rào chống đỡ cho tư-tưởng của mình về “đổi thay” hay “thức thời” với cách-mạng vi-tính này/khác. Nhưng, nói thế chỉ có ý tạt ngang, xẹt lùi về phía trước với tư-tưởng vẫn từng có từ đấng bậc, thôi.  

Thôi thì, để “chuyện phiếm” hôm nay được nhẹ nhõm có chút “dí-dỏm”, cũng xin kể ra đây đôi câu đối-thoại về văn-hoá thời-thượng ở đâu đó, có giòng chảy cũng hay hay như sau:

“Có ông bố nọ đang ngồi khoe con mình học giỏi với khách bạn đến chơi nhà, thì thằng con từ đâu chạy sồng sộc về, thấy thế ông bố hỏi ngay đứa con để còn khoe:

-Con à, hôm nay học toán con được mấy điểm?

-Được có 2 trên 10 thôi bố hỏi làm gì cho thêm bực!

-Tại sao lại chỉ có 2 điểm, mọi khi con được nhiều lắm cơ mà?

-Vì cô hỏi 2 + 2 bằng mấy? Con trả lời ngay là bằng 4; thế là cô hỏi tiếp: 2 x 2 bằng mấy?

-Thế con trả lời bằng mấy?

-Con trả lời: có khác cái đếch gì đâu mà cô cứ hỏi, nên cô chỉ cho có 2 điểm thôi.

-Thế môn thể-dục thể-thao con được mấy điểm, chắc phải khá hơn toán chứ?

-Được 2 điểm, mà thôi sao bố hỏi gì mà hỏi lắm thế?

-Sao lại cũng chỉ 2 điểm thôi? Cô này chắc kỳ-thị gì đây, chứ không sai.

-Bố coi, học đi một hai mà cô dạy là: Giơ chân phải lên đồng thời giơ chân trái lên trước.

-Thế thì đứng bằng cái đếch gì được chứ?

-Con cũng nói hệt như bố, thế là cô cho con có 2 điểm thôi.

-Thế còn môn văn, con được mấy điểm?

Cũng chỉ được 2 điểm thôi.

-Sao lại cứ 2 điểm, 2 điểm mãi thế vậy?

-Cô giáo bắt tụi con đặt một câu văn có chữ “Cô giáo” ở trong đó.

-Thế con đặt câu gì, nói cho tao nghe coi!

-Con đặt một câu rất ngắn nhưng trọn nghĩa: “Cô giáo của tôi là cô gái rất quậy!”

-Trời đất! Nghe thế thì cô bảo sao?

-Cô cũng cho con có 2 điểm, còn bắt con lên gặp thày Hiệu-trưởng.

-Thế, thày Hiệu-trưởng nói với con làm sao?

-Thày Hiệu-trưởng cho con 20 nghìn đồng và hỏi nhà cô giáo ở đâu?

-Thôi, tao cũng chịu cái văn-hoá của trường mày rồi, con ạ. Thật hết biết!”

 Vâng. Hết biết ở đây, không chỉ là thấy buồn và lo cho nền giáo-dục của ta thời nay, mà phải nói là “hãi sợ” về cung-cách trả lời rất “thiếu lễ phép” của con trẻ ngày nay. Hy vọng đây chỉ là “cường điệu”, mà thôi. Hết biết về lề-lối phản-ứng của con trẻ trước lối giáo-dục từ người lớn bày đầu mà ra. “Hết biết” ở đây, còn là hết hiểu và hết biết về lề lối có đổi thay quá nhanh và quá chóng, đến độ con trẻ theo không kịp nền văn-hoá của sự chết. Mà vì, bọn con trẻ nay bén nhạy nhiều về lề lối văn-hoá rất “dẫy chết”, đang dần-dà hiện ra, ở nhiều chốn. Chửa biết chừng cả ở chốn thiêng nhà Đạo, rất mai ngày.

Nói thế không để chỉ-trích hoặc châm-biếm cuộc cách-mạng thời-đại trong tin-tưởng, mà chỉ “trần-tình” hoặc để trần một tâm-tình lộ-liễu rất đáng sợ. Sợ về phẩm chất, lẫn nét tinh-tế của nhiều thứ. Chí ít, là văn-hoá, văn-minh và văn-học của thời đại, ở nhiều nơi rất đạo-mạo, cả trong Đạo.

Nói, thì nói thế, chứ tưởng cũng nên bình-tĩnh và hy-vọng. Hy-vọng rằng: Chúa thánh Thần vẫn có mặt “trên từng cây số”, với muôn dân, ở trong đời. Rất nhà Đạo.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ nguyện cầu cho người

Và cho mình

Sẽ khá hơn.

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31