CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II PHỤC SINH

Written by xbvn on Tháng Tư 8th, 2015. Posted in Mai Tá

“Đi với tôi đến chân trời xa”,
Trăng nước êm, một trời đầy hoa,
Bạn của Hằng Nga và vô cùng thanh thú,
Lắng tai nghe nhạc reo lững lờ.
 (Canh Thân – Đi với tôi)


(2Côrintô 9: 6-8)

 “Đến chân trời xa”, “có chi đẹp bằng đời ta.” Vâng. Đó, vẫn là những lời trần tình, vẫn  tình-tứ và rất “trần” như nhóm tứ ca nọ từng vang tiếng cười trong buổi “Hát Cho Nhau” ở Sydney ngày 7/3/2015, hôm ấy.

“Cầm tay ta hát”, “khúc ca yêu đời cho người vui” đồng thời lại có “tình ta chan chứa bao la”, “trong bước đi trên đường đời…” Ôi thôi, rồi cũng đúng và rất thật như sự việc ở đời, với mọi người. Nhưng, đời người lại có ý/lời được người nghệ-sĩ diễn-tả rất lạ như sau:

 “Có ai đâu vui như tôi, tuy không có dài hơi.
Người nào chán ta buồn tình đời, đều cùng yêu tôi.
Cầm tay ta hát, hát khúc ca yêu đời cho người vui.
Với tình ta chan chứa bao la trong bước đi trên đường đời.
Ớ kìa chàng thi sĩ đang miên man đi tìm bao vần thơ.
Ớ kìa nàng ca sĩ đang say sưa cung đàn cho đời mơ.
(Canh Thân – bđd)

 Thi-ca và âm-nhạc, có thể vẫn có lời lẽ rất gần với người Việt khá chân-phương/bình-dị, như người đời. Này nhé, chỉ cần căn-cứ vào lời ca, những là: “Cầm tay ta hát”, hết “hát khúc ca yêu đời cho người vui…”  rồi lại nói: “tình ta chan chứa bao la trong bước đi trên đường đời”.

Vâng. Điều này cũng đúng thật như sự thật được đưa lên mái nhà của ai đó, trong đời người.

Vâng. Điều này lại cũng đúng thôi. Đúng trăm phần trăm, như người đời thường gọi đó là: “Nói thật như đếm”, tức: có đếm cỡ nào đi nữa, người đếm lại cũng thấy trăm phần trăm hoặc ngàn phần ngàn điều mình đếm, thật rất đúng.

Tuy nhiên, vấn-đề đặt ra hôm nay, là: nhà Đạo nghĩ thế nào khi nhìn vào thế giới đầy những chuyện thờ-kính không còn tính chất tôn-giáo, hay bao gồm các tín-điều Đạo mình vẫn có, bấy lâu nay?

Nghĩ cho cùng, ta cũng thấy: các Đạo xuất từ “Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu” vẫn cổ-vũ những điều mà mọi người đều rõ, nên vẫn bảo: Tình Chúa thương-yêu con người đã vào đời, từ thuở nào rồi.

Thế mà, thực-tế có như thế thật không? Câu hỏi này, lúc đầu thấy khó nghe, nhưng nay đã thành sự-thật ở đời với người mộ-đạo ở các đạo-giáo có cùng nguồn gốc nhưng nay khác hẳn.

Nói xa nói gần, chi bằng ta đi thẳng vào vấn-đề đặt ra hôm nay, là: chuyện hành-xử giữa những người trong Đạo cùng thờ một Chúa, Đấng Allah rất thánh, nay thấy khó lòng giải-quyết cho êm-thắm.

Nói nôm-na chẳng qua nói thật, cốt để bảo: ngày nay, những người phụng-thờ Thiên-Chúa hoặc Đấng Allah rất thánh, nên có làm thân, yêu thương nhau như luật Đạo vẫn dạy, chứ?

Và đây, một trường-hợp cụ thể, cũng đáng nể. Nể, là do bởi câu chuyện về tâm-tình của người trong hai Đạo đã bày tỏ cho nhau, những điều như sau:

 “Mùa Chay năm nay, 2015 này, nhiều người Hồi-giáo trên thế-giới đã thực hiện việc hy sinh như một dấu chỉ tình đoàn-kết giữa các Kitô-hữu. Mục-tiêu là để gửi đi thông điệp an bình, sau những bi kịch hiện có rất nhiều Kitô-hữu trên khắp hành tinh, đang là nạn nhân…. lẫn nhau”. (xem thêm www.tonggiaophanhue.net ngày 01/3/2015)

 Không cần biết, chuyện trên có là chuyện dài ở huyện, hay không! Chỉ cần xem, việc hiệp-thông đại-kết giữa hai Đạo cùng thờ Thiên-Chúa, Đấng Allah đã xích lại gần nhau đến cỡ nào để mọi người, từ đó có thể hát lên ca-từ đầy ý-nghĩa, như nghệ-sĩ trên từng viết:

 “Cầm tay ta hát, hát khúc ca yêu đời cho người vui.

Với tình ta chan chứa bao la trong bước đi trên đường đời.

Ớ kìa chàng thi sĩ đang miên man đi tìm bao vần thơ.

Ớ kìa nàng ca sĩ đang say sưa cung đàn cho đời mơ.

Đi với tôi đến chân trời xa.

Đâu có chi đẹp bằng đời ta.

Mộc đầy cành hoa, nào vang ngàn câu hát.

Dắt tay nhau về chốn bồng lai.

Còn chi vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta.

Còn gì vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta hát lên cho đời vui.”

(Canh Thân – bđd)

 Nói cho cùng, thì: con người ngày nay lại đã quên tuốt chuyện căn-bản của đời người, nên mới có động-thái/tư-duy “lạ kỳ” như thế. Giả như, người người đều nhớ về truyện kể bình-dị và ngắn gọn ở dưới, sẽ thấy cuộc sống ở đời thực-hư ra sao.

Truyện kể ở dưới cốt để minh-hoạ một đổi thay ở thời-đại này mà thôi.

 “Truyện rằng:

 Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi luôn nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, Mẹ tôi rất vui lòng.

 Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với Mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: “Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa”. (trích truyện kể do bạn gửi để suy nghĩ).    

 Suy cho cùng, thì truyện kể ở trên có thể được dùng làm bức ảnh minh-hoạ cho sự việc đang xảy ra giữa hai Đạo trước đây vẫn tin vào Thiên Chúa, Đấng Allah rất thánh. Thánh đến độ, người người gọi họ là đồng Đạo hay cùng nhà Đạo, là những người vẫn cần nhớ học những bài học để đời, của người xưa.

Học như thế, mới thấy đời người đi Đạo có có ý-nghĩa. Dù, đạo đó có là Đạo Chúa đối với con người ở trần thế, hay không. Hoặc, chỉ là đạo làm người, thì cũng thế.

Nghĩ thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta hát tiếp câu ca đầy phấn chấn, những bảo rằng:

 “Đi với tôi đến chân trời xa.

Đâu có chi đẹp bằng đời ta.

Mộc đầy cành hoa, nào vang ngàn câu hát.

Dắt tay nhau về chốn bồng lai.

Còn chi vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta.

Còn gì vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta hát lên cho đời vui.”

(Canh Thân – bđd)

 Việc hoà-đồng quan-trọng và cần-thiết giữa Công giáo và Hồi giáo là chuyện đã có từ ngàn xưa. Tuy là thế, xưa nay, cả hai Đạo đều đã nỗ-lực tạo hoà-giải hoà-hợp, như hồi nào. Ngày nay, lại vẫn thấy nhiều người đã và đang nỗ-lực biến ước-mơ hoà-giải giữa hai Đạo thành hiện-thực, như vị linh-mục người Ba-Lan có quốc tịch Inđônêsia, đã nhận định như sau:

 “Linh mục Magnis-Suseno, sj sinh ở Silesia (Ba Lan) vào năm 1936, đã sống ở Indonesia từ năm 1961 và đã nhập quốc tịch Indonesia vào năm 1977.

Trả lời cuộc phỏng vấn gần đây với CAN, Cha cho biết: “Tại Indonesia đạo Hồi thay đổi đáng kể về cường-độ và định-hướng. Có những hình-thức cực-đoan, nhưng Hồi-giáo chính-thống có xu-hướng ôn-hòa và đa-nguyên, nói cách khác, việc đó công nhận rằng các tôn giáo khác nhau cùng tồn-tại trong một đất nước “.

Lm Magnis-Suseno cho rằng việc tạo nỗ lực liên tục để duy trì mối quan hệ tốt với người Hồi giáo ôn hòa thật sự cần thiết cho 25 triệu Kitô-hữu ở Indonesia.

Theo đánh giá của linh mục này, thì người Công giáo có quan-hệ với người Hồi giáo tốt hơn Kitô-hữu thuộc nhiều giáo phái khác, vì chúng ta đa dạng hơn về dân tộc và đã bắt nguồn từ địa phương.

“Làm việc tích cực nhằm thiết lập mối quan hệ tốt với người Hồi giáo là điều cần thiết. Tôi luôn luôn nói với các vị mục tử rằng: “Hãy dành ít nhất 10 phần trăm thời gian của bạn để nói chuyện với láng giềng Hồi giáo mình.” (xem Tin Nổi Bật trên www.chuacuuthe.com 04/3/15 Công Giáo gặp gỡ Hồi giáo ở Indonesia và những điều tốt đẹp xảy ra).

 Thật ra thì, “những điều tốt đẹp” vốn có trong tương-quan giữa Công-giáo và Hồi-giáo vẫn là chuyện nên làm và phải làm. Nhưng, cái “nên” và “phải” cấp bách hơn cả vẫn là sự tin-tưởng lẫn nhau trong mọi hoàn-cảnh.

Tin và tưởng, như sự thật diễn-tiến rất tốt đẹp. Tin và tưởng, như mình và người vẫn luôn tin vào sự thật. Điều này phản-ánh những gì được Đức Giáo Hoàng Phanxicô minh-định vào hôm trước, rất như sau:

 “Tôi nghĩ cũng là điều hay cho ta hôm nay để nghĩ không chỉ về chuyện linh-hồn ta có thanh sạch hay ô uế, mà tự hỏi rằng “Có gì trong tâm can tôi? Tôi đang giữ những gì trong lòng mà chỉ mình tôi chứ không phải ai cũng biết? Giáp mặt với sự thật về chính mình không là chuyện dễ.

 Ta phải luôn tự hỏi: trong tâm can của ta đang có những gì, bởi những gì ta lưu giữ ở bên trong sẽ phát-tiết ra ngoài khiến gây nguy hại, chí ít đó là ác thần/sự dữ; và giả như điều ấy tốt đẹp, thì nó cũng sẽ phát ra bên ngoài khiến mọi sự nên tốt đẹp. Nên, tốt hơn cả, là: ta hãy tự nói với mình mọi sự thật và cảm thấy xấu hổ khi thấy mình đang ở hoàn-cảnh không làm Chúa hài lòng.

 Vậy nên, những ai lăng-nhục người anh em của mình, thì sẽ giết hại họ ở trong tim của chính mình; còn ai ghét bỏ anh em mình cũng sẽ giết hại họ ở trong tim. Và, cả những ai nói xấu người anh em của mình, lại sẽ giết chết họ ngay trong tim mình nữa.” (x. Cindy Wooden, Facing the truth is step towards holiness: pope, The Catholic Weekly 02/3/2014 tr. 25)

 Thế đó là lời nhắn nhủ/bảo ban của đấng bậc ở chóp bu nhà Đạo. Dĩ nhiên, hôm ấy Đức ngài không ám-chỉ việc đại-kết, khi nói thế. Nhưng, là người nghe hoặc con dân trong hai Đạo-giáo, cũng nên áp-dụng điều đó cả vào trường-hợp cần tôn-trọng sự thật của nhau, về lời dặn “Hãy yêu thương nhau” từ Đức Chúa, Đấng thánh Allah, nữa.

Thế đấy, là lời lẽ của đấng bậc trong Đạo mình. Còn đây, là ý-từ của lời ca ngoài đời, người lại hát:

 “Cầm tay ta hát,

hát khúc ca yêu đời cho người vui.

Với tình ta chan chứa bao la

trong bước đi trên đường đời.”

(Canh Thân – bđd)

 Hát như nghệ-sĩ và nói như đấng bậc trong Đạo, cũng giống như những lời từ bậc thánh hiền thời xưa cũ, cũng từng nói như thể tiếng hát phát từ tâm can, như sau:

 “Tôi xin nói điều này:

ai gieo ít thì gặt ít;

ai gieo nhiều thì gặt nhiều.

Mỗi người hãy cho đi tuỳ theo quyết định của lòng mình,

không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng,

vì ai vui vẻ dâng hiến,

thì được Thiên Chúa yêu thương.

Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em

mọi thứ ân huệ,

để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt,

vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện.”

(2 Corintô 9: 6-8)

 Cứ diễn dài và hiểu rộng lời lẽ của đấng thánh nhân hiền hoặc của nghệ-sĩ tài ba luôn thi-ca hoá mọi việc, thì đây cũng là điều để bạn và tôi, ta suy-nghĩ cho kỹ mọi việc mình và người đang làm. Dù, với mục đích nào đi nữa, hoặc cho việc sống, đại-kết giữa các Đạo hoặc người đời.

Cứ ca hát ý-từ của nghệ-sĩ hoặc thánh-nhân hiền từ hôm nay và mai ngày, bạn và tôi sẽ có những giòng chảy đầy khích-lệ như sau:

 “Đi với tôi đến chân trời xa.

Đâu có chi đẹp bằng đời ta.

Mộc đầy cành hoa, nào vang ngàn câu hát.

Dắt tay nhau về chốn bồng lai.

Còn chi vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta.

Còn gì vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta hát lên cho đời vui.”

(Canh Thân – bđd)

  “Còn gì vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta hát lên cho đời vui…” Vui, không chỉ khi hát nhạc hoặc đọc lời nhận-định đầy khích-lệ của đấng bậc hiền lành, cũng rất thánh. Vui và tươi, khi đã và vẫn cho đi rất nhiều, cả tình thân thương vui vầy của chính mình. Vui và tươi,  như truyện kể rất đáng vui đáng cười để minh-hoạ chuyện đời thường ít vui, như sau:

 “Một chị nọ cảm thấy buồn nên quyết định lái xe đi Las Vegas thử thời vận với trò chơi quay số ăn tiền. Chị chơi hoài chơi mãi mà chẳng trúng được ván nào, đến độ chỉ còn có tờ giấy $50 đô cuối cùng mà thôi.

 Quá mệt mỏi lại buồn bã, chị bèn ta thán khá lớn tiếng:

-Sao hôm nay, tôi xui quá vậy cà? Có lẽ trên thế giới này, chưa có ai lại xui xẻo như tôi hết. Vậy, làm gì cho hết số thời-gian còn lại và cũng phải gỡ gạc đôi chút để đổ xăng chạy về nhà chứ?”

 Có bạn cờ bạc nghe thấy thế, bèn nói nhỏ:

-Tôi nghĩ cô nên đặt tiền vào con số trùng-hợp với tuổi của cô, chắc chắn thế nào cũng thắng lớn!

 Nói xong, người thanh-niên rời bàn quay số đi nơi khác, đánh tiếp. Ít lâu sau, anh thấy mọi người nhốn nháo ở bàn quay số, bèn đến gần hỏi:

-Chuyện gì thế? Cô ta có sao không?

-Cũng chẳng biết nữa. Tôi thấy cô này vừa đặt số tiền còn lại vào ô số 29, và hòn bi lại chui tọt vào số 36. Thế rồi tự dưng cô ngất xỉu. Chỉ có thế!…” (trích truyện kể do bạn bè gửi từ lâu ở trên mạng)

 Chân thật trong cờ bạc, hay thành-thật khi giao-tiếp cũng như giữ đạo và/hoặc đại-kết, vẫn là chuyện thường ngày ở huyện. Chí ít, là huyện Đạo rất Công giáo hoặc Bà-La-Môn, Hồi giáo, cũng đều thế. Đều như thế, có nghĩa là mọi chuyện ở đời và trong đời vẫn ra như thế, từ ngàn đời đến hôm nay.

Cuối cùng chỉ còn lại, mỗi sự thật rất khách quan rất dễ hiểu mà mọi người từng nói với nhau ở cuộc vui chè chén hoặc trà dư tửu hậu, hát hò hoặc vui chơi quanh năm suốt tháng, rằng thì là “Miễn vui là chính, mà thôi!”            

Vâng. Đúng thế. Vui là chính. Nhưng, hẳn bạn và tôi đều cảm-nghiệm một sự thật trong đời, rằng: niềm vui ấy phải chân-phương, đúng thật như sự thật chẳng phiền ai, mới được.

Cảm nghiệm như thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ hiên ngang ngẩng đầu lên mà vui hát những lời vui ở trên rằng:

 “Có ai đâu vui như tôi, tuy không có dài hơi.

Người nào chán ta buồn tình đời, đều cùng yêu tôi.

Cầm tay ta hát, hát khúc ca yêu đời cho người vui.

Với tình ta chan chứa bao la trong bước đi trên đường đời.

Ớ kìa chàng thi sĩ đang miên man đi tìm bao vần thơ.

Ớ kìa nàng ca sĩ đang say sưa cung đàn cho đời mơ.”

(Canh Thân – bđd)

 Vâng. Có ai đâu vui như tôi, như anh chị, như mọi người ở đời, rất cần vui và tươi như mọi người.

 Trần Ngọc Mười Hai

Cũng đã nghiệm được

sự thật ấy

Chỉ sau 70 năm cuộc đời

Mà thôi.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30