CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN III MÙA CHAY
“Trăng đã lên! Trăng đã lên!”
Hương ngát thơm bao u huyền vườn thu thiết tha.
Trăng sáng soi. Trên lá hoa
Dâng nhớ bao câu mong chờ nhạc xưa đã qua.
Xa xôi rồi nhớ thương, ai mong chờ vấn vương.
Riêng có ta tim xót xa, luyến thương bao khúc ca xưa, đã phai nhòa.”
(Nhạc: Louis Ferrari Domino – Lời: Hương Huyền Trinh Khúc Nhạc Muôn Đời)
(Galát 5: 22-24)
“Khúc Nhạc muôn đời”, ư? thử hỏi: bạn và tôi, ta có nên đưa Nhạc này vào Mùa Chay, chứ? Đó là câu hỏi từ nhà báo Robert Hiini ở Úc, khi phỏng vấn người viết nhạc Tracey Combes ở Úc, như sau:
“Mùa Chay năm nay tại Giáo phận Wollongong Sydney, Úc, có chương trình gọi là “Arise” đã và đang chứa-đựng một khí-cụ thầm-lặng nhưng sắc-bén trong âm-nhạc. Và, đây còn là khí-cụ không-có-gì-bí-mật, cả. Chương-trình này kéo dài khoảng 90 phút, xoay quanh loạt bài chiêm-niệm của sơ Hilda Scott dòng OSB rút từ phim nổi tiếng “The Abbey”; và của sơ Hoya Henlen, OLSH cùng Lm Michael Fallon, MSC và nhà nghệ-thuật Nelson Colo Matona đặt địa-bàn hoạt-động tại Sydney, chuyên sản-xuất các dĩa nhạc và sách trầm lắng, sống động.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tờ The Catholic Weekly, Tracey Cobes nói: “Tôi coi âm-nhạc như thứ “thuốc trị bệnh” linh-hồn rất tốt. Và có lẽ, Thiên Chúa cũng sử-dụng âm-nhạc để nói lên điều Ngài muốn nói, hầu đi vào tâm-can con người theo cách-thức của Ngài. Âm-nhạc, là quyền-lực thiêng-liêng đích-thực ta ủy-thác cho Chúa. Và, bà con ta cũng nên xin Chúa chúc-lành cho âm-nhạc để nó xuyên-thấu tâm-can con người bằng giòng chảy nhẹ lâng, thanh-thoát. Tôi tin chắc chắn Ngài sẽ chúc lành cho chuyện này…” (x. Robert Hiini, Secret Weapon in Lenten Music, The Catholic Weekly, 15-02-2015, tr. 10)
Nghe thế thì biết thế. Vấn-đề: bạn và tôi, ta có đồng ý với tác-giả người Úc này hay không, là chuyện khác. Thế nhưng, “đồng-ý hay không?” còn tùy mỗi người và nơi chốn ta diễn-đạt loại nhạc ấy, mỗi thế thôi. Nhưng, để bà con ta có thêm chất-liệu mà góp ý, nay xin bạn và xin tôi, ta hãy nghe thêm đoạn nữa tiếp-tục ở bên dưới:
“Bạn lòng ơi! đã bao đêm thức trông trăng sáng long lanh.
Nhìn giòng sông nước trong xanh
cuốn trôi nhanh, giữa đêm thanh.
Sông mong chờ nhớ, bao khúc nhạc thắm,
Nay đâu còn nữa, đã quá xa.
Và từ đây, mỗi khi nghe khúc ca xưa giữa gió mưa.
Thì lòng ta thấy xót xa, nhớ thiết tha, phút đã qua.
Ðã phai nhòa hết. Hoa xưa tàn hết.
Nhưng, ngàn thu mãi trong tim ta.”
(Domino – bđd)
“Ngàn thu mãi trong tim ta”, phải chăng là tình-tự của thương-yêu không chỉ ở mỗi âm-nhạc?
“Lòng ta thấy xót xa, nhớ thiết tha, phút đã qua”, cả vào mùa Chay kiêng như học-giả kinh-điển nọ vốn từng bảo: “Phục Sinh, vốn dĩ có mặt cả vào mùa Chay nữa”.
Nói thế, khác nào bạn và tôi, ta lại cứ ngâm nga câu tiếp vẫn hát rằng:
“Thu đã qua! Bao lá hoa!
Theo gió bay, bay quay quần rụng theo gió đưa.
Mây vẫn xanh! Trăng vẫn thanh!
Nhưng thấy đâu, khúc ca đẹp, nhạc êm thắm tươi
Ai xa vời, có hay bao nhiêu ngày gió bay?
Bao lá khô! Theo gió thu!
Rớt trên đôi mắt, đôi môi, khắp mong chờ.”
(Domino – bđd)
Hôm nay, hát lại nhạc-bản này, ý bần đạo không phải để bình-luận thi-ca/âm-nhạc này khác, cho bằng chỉ muốn dẫn-nhập vào chuyện thần-học/tu-đức để bạn và tôi, ta có hứng mà bàn chuyện khô-cứng, cũng rất nên. Chuyện nên bàn ở đây, là chuyện từng gây tranh-cãi về tín-lý/giáo-điều được học-giả ở đây đó, vẫn tâm-tình như sau:
“Những năm còn sống trong Dòng thánh sinh-hoạt theo kiểu Trung cổ, tôi lại đã tạo được cho mình ít nhất 3 món quà của người xưa. Thứ nhất, là tên gọi do cha mẹ đặt, tức: đơn-giản chỉ mỗi chữ “Gioan”. Thứ đến, là tên đệm do Dòng thánh của tôi trao tặng, khi có vị nào đó trong Dòng tuyên-khấn sống hy-sinh tận-tụy. Và, thêm điều nữa, là điều tôi vẫn xác-tín bảo rằng: niềm tin và sự việc này khác vẫn xảy đến, như: vấn-đề mặc-khải và lý-luận mình có, không tương-phản hoặc kình-chống nhau bao giờ hết, trừ phi đầu óc mình bị lệch sai một bên; hoặc mình cứ lẫn lộn cả hai phía. Món quà thứ ba tôi có được, là: tình yêu dành cho Thanh-Nhạc, tức thứ âm-nhạc Grêgôriên thanh-thoát, cho dù mình từng hát dở đến độ phá tan ban hợp-xướng nổi tiếng của Dòng, nên thoạt lúc tôi ra đi, các đấng-bậc ở lại đều mở cờ trong bụng,do bởi các vị sẽ có cơ-hội phục-vụ Thanh-nhạc đúng mức hơn.” (x. John D. Crossan, Who is Jesus, Answers to your questions about the historical Jesus, Westminster John Knox Press, Louisville, Kentucky 1996 tr. X)
Thế đó, lập-trường của vị học-giả vốn dĩ là linh-mục nổi cộm dạy trường thần-học De Paul ở Chicago, Hoa Kỳ. Ở đây, lại cũng thấy các quan-niệm sống riêng-tư, hoặc lập-trường chính-qui/chính-mạch của nhà Đạo chỉ muốn mọi người sống theo truyền-thống cũng rất chung của Giáo-hội, từ trước đến nay.
Thế đây có là khuynh-hướng nói chung của nhiều người không? Đây là câu hỏi, rất khó trả lời, bởi lẽ bần đạo đây không có đủ số-liệu thống-kê để giải-mã cho phải lẽ.
Khó thật đấy, nhưng cũng xin đưa ra một it ý-kiến ở đây đó, để mỗi người và mọi người có cơ-hội nhận-định hoặc tuân-giữ. Trước nhất là ý-kiến riêng lẻ của một số nhân-vật như sau:
“Âm-nhạc lâu nay từng đổi thay cuộc sống của con trẻ, ở khu phố nghèo khổ xứ miền Châu Mỹ La-tinh. Cateura, là thị-trấn ngoại ô thủ-đô Asuncion của Paraguay, chỉ gồm mỗi 25 ngàn dân sống chen chúc mãi tận khu đổ rác, chất đống. Nhưng, có thể gọi nơi đây là một trong các khu “ổ chuột” lớn nhất ở Nam Mỹ…
Tuy là thế, nơi này còn được coi như chốn miền cũng khá kỳ lạ cho sự lạ về âm-nhạc. Bởi, tại chốn miền bị quên lãng rất ô-nhiễm của thế-giới, lại thấy xảy ra một thứ phiêu-lưu/mạo-hiểm đầy gợi hứng cho nhiều người. Tôi muốn nói đến “Dàn nhạc Cateura” gồm các nhạc-cụ được tái-chế…” (xem thêm Pedro Dutour, Recycling Mozart, MercatorNet 19/6/2013)
Nói đến nhạc Nam Mỹ, có lẽ không thể không nhắc đến điệu Tango nổi tiếng được người trẻ ở Sydney từng nhận-định như sau:
“Tango” với người dân Argentina cũng dễ thương như người em ‘má đỏ môi hồng’ và thiêng liêng như núi Fuji đối với người Nhật Bản vậy. Người nước ngoài khó có thể tưởng tượng nổi tâm hồn người dân Argentina chao đảo đến thế nào khi vũ điệu “Tango” được cất lên. Đặc điểm của “Tango” là nó kết hợp giữa những lời ca mộc mạc của đồng quê châu Âu, ai oán thở than cho kiếp nghèo luôn phải vật lộn với cuộc sống ‘trôi sông, lạc chợ’. Từng ấy giai điệu lời ca đan-xen nhau thành một thứ nhịp điệu Phi châu dập-dìu mạnh-mẽ, nửa như lả lơi mời gọi đôi tình nhân hãy mau dìu bước trên sàn nhảy.
Trong truyền thống “Tango”, là nhạc cụ tiêu biểu nhất vẫn là đàn Bandonéon, một loại phong-cầm như accordéon xuất xứ từ nước Đức, phát ra những thanh-âm nỉ-non gợi tình, cực kỳ lôi cuốn. Thoáng nghe, tôi cứ tưởng như tiếng “phèng la” mà đồng bào Thượng ở nước ta thường hay thổi trong những dịp hội hè, đình đám. Đàn Bandonéon có tất cả 71 nút bấm, và có thể chơi được cả hai nốt nhạc cùng một nút, tùy thuộc nút mở hay đóng. Đây là một nhạc-cụ rất khó sử-dụng, nhưng âm-thanh bi-thảm của nó lại hết sức hòa-hợp với xúc cảm Tango. Vì vậy, nó được xem là biểu-tượng cho “Tango”, ‘bà chúa của vũ trường’.
Trước khi biến-thành một điệu hát bình-dân, Tango đã xuất-hiện ở quận La Boca thuộc thủ-đô Buenos Aires vào cuối thế kỷ 19 như một phong trào khiêu-vũ. Lúc đầu, vũ-điệu tango chỉ là thể-loại nhạc-khí đơn-thuần chứ chưa có ca từ, gồm có một cây guitar, sáo tây (flute) và vĩ cầm (violin), là những nhạc-cụ duy-nhất được sử-dụng để diễn-đạt thể-điệu này. Sau đó, mới thêm đàn Bandonéon vừa được chế tạo xong, và nhập từ Đức sang. Nhưng vẫn còn thiếu phần nhạc cụ tối thiểu để giữ nhịp và làm nền cho bản nhạc. Phải đợi đến khi có sự hội nhập của hai loại đàn đắt tiền là dương cầm (piano) và đại hồ cầm (double bass) chơi nhịp chõi làm nền thì “tango” mới có được cái tên đích thực của mình như hiện nay.
Mấy chục năm sau, lời ca mới được viết theo ngôn-ngữ giang-hồ của đám dân thường ở phố chợ, lời lẽ thô-tục và sử-dụng khá nhiều tiếng “lóng” địa-phương. Trong màn đêm u tối của các xóm nghèo tạm-bợ, vũ điệu Tango đã được nhảy ngoài hè đường, trong quán rượu, cà-phê, sòng bạc và các hồng lâu, nhà thổ, nhậu nhẹt say sưa suốt canh-thâu. Tại đây thường tụ-tập nhiều dân tứ chiếng đến từ khắp các nước châu Âu nhập lậu vào Argentina, trong đó chủ-yếu là nam-giới đến từ các nước như: Đức, Ý, Tây Ban Nha, sống chui rúc với đám da đen Phi châu trong những khu ổ chuột ngoại thành. Ban ngày họ thường đi làm thuê gánh mướn, nhiều nhất là đi chăn bò tại các nông-trại xa thành phố. Mấy anh chăn bò nhà quê này, người dân thành-thị hay gọi chế-diễu là gauchos. Làm quần quật suốt ngày, chỉ khi màn đêm buông xuống, họ mới được nghỉ ngơi, ăn uống hội hè.
Và họ tự sáng-tạo nên điệu vũ mới mang tên Tango để tìm quên trong giây lát nỗi sầu viễn-xứ, thân phận bị bạc đãi, cũng như bộc-lộ tâm-trạng thất-tình qua giai-điệu não-nùng của giòng nhạc Tango qua âm-thanh khổ-đau, lãng mạn, tuyệt vọng. Bởi, hầu hết họ là những gã đàn ông cô-độc, thiếu đàn bà, ra đi bỏ lại đằng sau tất cả mà mục đích chỉ để tìm kiếm sự thành-đạt nhỏ nhoi nơi quê người. Họ gặp nhiều trở-ngại trong việc diễn-đạt ngôn ngữ, vất vả trong cuộc sống, đồng thời tiếc-nuối hạnh-phúc đã vụt-thoáng mà họ để lại trên quê-hương trong bước đường bỏ nước ra đi. Chỉ âm-nhạc và khiêu-vũ mới có đủ khả-năng lôi kéo người người lại gần với nhau, bất kể thân-phận thấp hèn, màu da hay ngôn-ngữ. Thế là điệu nhảy Tango ra đời giữa đàn ông nhảy với nhau, và thường diễn ra trong các động chứa hay hộp đêm, quán rượu. Chính ở nơi đây, bọn họ tụ tập nhau lại để tìm quên lãng qua những ván bài, tìm hơi ấm qua các chầu nhậu say túy lúy, hay rơi vào vòng tay của các ả làng chơi nghiện ngập. Từ khoảng giữa hai thập niên 1860 và 1880 trở đi, lịch sử của Tango đã ra đời từ các khu ổ chuột bẩn thỉu nói ở trên mà dân thường ít dám bén mảng tới.
Ít ai ngờ rằng một vũ-điệu táo-bạo và hấp-dẫn từng chinh phục thế giới như thế, lại có một quá khứ trụy-lạc đến như vậy. Nhất là khi ngắm đôi nam nữ cọ xát vào nhau, phóng mình theo từng nhịp thở, ai cũng thấy bước nhảy của họ thật thú vị nhờ hai động-tác căn-bản đặc-trưng của “Tango”. Một được gọi là Quebrada, tức: cô đào phải gập đầu gối ngả người xuống phía sau. Động tác thứ hai được gọi là Corte, tức: là lúc đôi trai/gái đang nhảy ngon trớn bỗng phải chững lại một hồi, nhạc cũng ngưng hẳn một đoạn trước khi quay vòng chơi tiếp. Quí vị biết tại sao lại thế không? Vì “Tango” bắt đầu bằng sinh-hoạt của các anh chăn bò Argentina. Họ lười tắm, trên người còn đẫm mồ hôi ngựa, nhưng lại thích bước vào các hộp đêm đông nghẹt mời các cô gái nhảy. Người họ hôi quá, nên các cô chỉ móc tay trái vào khuỷu tay phải của gã chăn bò, chứ không dám ôm sát để nhảy; và đầu ngửa về phía sau cho đỡ nặng mùi. Còn tay phải thì buông thõng xuống dưới hông gã, chỗ gần túi quần như để móc túi lấy tiền công nhảy.
Từ điệu nhảy lò cò nhà quê của các gã chăn bò nghèo hèn, “Tango” được sàng lọc qua thời-gian trở nên đại-chúng-hoá, thành vũ-điệu xã-giao phổ-biến khắp mọi nơi trên thế-giới hiện nay. Trong giai-đoạn phát-triển tột bực 1880-1930, phong trào “Tango” cuốn hút giới trẻ và đặc-biệt là tầng lớp nghèo sống ở kinh-thành đến mức mà các góc phố ngoại-ô thuộc khu-vực La Boca, nam-giới công-khai nhảy với nhau giữa ban ngày chứ không sinh- hoạt về đêm như trước nữa. Nó phần nào giống đám thanh-niên ngày nay quay-quần tụ-tập để trình-diễn nhạc “rap” vậy. Lối khiêu-vũ ngoạn mục và hình tượng của “Tango” rất ăn khách trong các khu đông dân, giới khuân vác tại bến cảng thủ-đô, đã lập tức bị nhà cầm quyền quy-kết là sinh-hoạt đồi-trụy khiêu-dâm, nên tìm cách dập tắt phong-trào này nhưng không thể ngăn cấm họ được. Đến khi đó thì phong-trào đã lan rộng ra khắp thủ-đô, con em giới trung-lưu/trưởng-giả cũng bắt chước nhảy theo.
Nhờ vào đóng góp của giới phong-lưu/trí-thức mà những phần thô-tục của lời ca dần-dà bị loại-bỏ bằng nét bay bướm, thể hiện qua lời ca chứa-chan tình-cảm, xót-thương da-diết. Thế rồi, từ thủ đô Buenos Aires, Tango truyền qua Âu châu du-nhập hồi thập niên 1910s. Đầu tiên, được hoan-nghênh nhiệt-liệt ở Paris và sau đó đã lan rộng. Các hội-quán “Tango” nảy sinh khắp nơi. Từ Paris, London, Berlin, cho chí các tỉnh lẻ tại Hòa Lan, Phần Lan, người ta có thể nhảy “Tango” suốt đêm. Ở Nhật và Trung Quốc, “Tango” biến thể theo hình-thức riêng. Riêng Việt Nam chúng ta, dù trong nước hay hải ngoại, mỗi khi nghe thấy điệu “Tango” trổi lên là bà con kéo nhau ra sàn nhảy đông chật cứng! Các ca-khúc Tango Việt Nam được sáng-tác nhiều khủng-khiếp. Không mấy ai là không biết điệu Tango, cho dù là không biết nhảy. Và dĩ nhiên, phải biết đến các ‘giọng buồn chơi vơi’ bên ‘khúc Tango đắm say’ của các nữ-hoàng chuyên trị “Tango” như Lệ Thu với “Bài tình ca mùa đông” của Trầm Tử Thiêng. Hoặc, Khánh Ly với bản “Kiếp Nghèo” của Lam Phương.
Cuối cùng thì, mấy ông nhà giàu ở thủ đô Argentina đành bó tay xuôi theo thời thế mà lao vào cuộc vui khiêu vũ. Lúc đó, dân giàu ở Buenos Aires rất ưa xuống thuyền đi Âu-châu du-lịch, ít nhất là mỗi năm một lần. Họ đều có biệt-thự nghỉ mát ở Paris hoặc London. Dạ tiệc của họ thường quy tụ giới quý tộc nổi tiếng. Người Pháp bấy giờ thường rỉ tai nhau qua câu nói: ‘nó giàu giống như người Argentina để chỉ sự giàu có đến cực kỳ của họ. Con cái xuất dương du học, mang theo điệu Tango Argentina vào giới thượng-lưu Paris, rồi từ đó tạo nên làn sóng điên-cuồng với “Tango”. Mọi người mở dạ-tiệc khiêu-vũ với dàn nhạc Argentina và nhảy Tango. Y phục phụ nữ cũng thay đổi, những váy thụng và xòe của loại nhạc Luân vũ (Waltz) cao sang nay được thay bằng bộ váy đầm gọn gàng, buông thả hơn. Với sự ủng hộ nhiệt tình của dân Âu châu, “Tango” tái ‘nhập cảng’ ngược về thủ đô Buenos Aires. Và lần này, được cả nước hoan nghênh.
Cho nên muốn đi tìm vũ điệu Tango truyền thống không lai tạp thì chỉ có thể tìm thấy ở chính tại quê hương phát sinh ra nói mà thôi. Nếu bạn là người đam mê lịch sử hay văn hóa cổ truyền như tôi, thì bạn sẽ không thể bỏ qua một địa chỉ thật đặc biệt của thủ đô Buenos Aires. Đó là quận La Boca, nơi điệu Tango ra đời. Nơi đây từng là bến tàu chính của thành phố, nhưng do vì nước thải quá ô nhiễm nên tàu bè đã bị chính phủ bắt phải dời sang chỗ khác. Hiện nay, khu phố sống nhờ vào du lịch và vẫn cố giữ lại những nét đặc thù của ngày xưa. Tôi đã bỏ ra cả buổi để đi tìm hiểu về quá trình hình thành “tango” tại nơi đây, đến tối lại đi xem show ca vũ nhạc Tango có kèm ăn uống tại hý viện Carlos Gardel nữa, nên cũng biết được chút đỉnh gọi là….” (trích du ký Nam Mỹ- Anthony Trần)
Không cần biết em là ai, ca-sĩ hay nhạc-sĩ có sáng-chế ra nhạc-cụ hay tiết-điệu lạ-kỳ như “Tango” Argentina không. Chẳng cần hỏi, em có sử-dụng âm-nhạc làm công-cụ như Giáo-hội và xã-hội từng làm không. Chỉ cần cảm-thông với em, người em đang hát đôi giòng chảy của người viết nhạc như sau:
“Trăng sáng soi! Trên lá hoa!
Dâng nhớ bao câu mong chờ nhạc xưa đã qua.
Xa xôi rồi, nhớ thương, ai mong chờ vấn vương.
Riêng có ta tim xót xa, luyến thương bao khúc ca xưa, đã phai nhòa.”
(Domino – bđd)
Nếu bảo rằng: “không cần biết em là ai”, kể thì hơi quá đáng. Nhưng nếu nói: bạn và tôi ta vẫn quan-tâm đến những điều và những ý chuyển-tải khi rao-truyền lời Chúa, như nhận-định của người ở Úc, từng viết như sau:
“Rao-báo Tin Mừng tuyệt nhiên không chỉ là giảng giải Lời Chúa thôi, nhưng lại là và chính là sống thực Lời Ngài trong mỗi động-tác tương-giao với mọi người.
Tôi đồng ý với thánh Phanxicô thành Átxizi khi thánh-nhân từng tuyên-bố: “Hãy rao giảng Tin Mừng của Chúa và nếu được, hãy sử-dụng lời-lẽ cho chính-đáng…” Theo tôi thì, rao giảng Tin Mừng là tìm cách sống thực Tin Vui An Bình từng chi-tiết, trong cuộc sống giữa đời. Sống như thế, là sống tử tế, có ân-huệ keo sơn vẫn đan xen với sự cảm-thông/hiểu biết của người khác, với thời-gian mình bỏ ra để lắng nghe bậc cao-niên đang nhớ lại thời vàng son của Giáo-hội, cứ hăng say diễn-tả không ngừng nghỉ. Sống Tin Mừng, còn là sống và làm việc cật lực cho sự việc chính-đáng, phải lẽ. Là, bộc-lộ nỗi ngạc-nhiên đầy hứng-thú, có niềm vui khi ta hành-xử theo cung-cách Đức Kitô từng làm, vào thời trước. Sống rao giảng Lời Chúa, còn có nghĩa sống vui-tươi, quyết làm chứng-tá cho Tin Vui An Bình mỗi khi ta quyết sử-dụng thời-gian để trở-thành người tốt cho chính mình, tức: thứ quyết-tâm nào đó mà ta không thể lúc nào cũng hoàn-thành cách tốt đẹp nhất thứ là khi ta cảm thấy như điên-cuồng, mê sảng khi mở hộp-thư ra thấy nhiều điều vui/buồn, ở trong đời.” (xem thêm Ann Rennie, How wil they know if we really love them, Australian Catholics, Summer 2014, tr.16)
Sống thực điều mình rao-truyền Tin Vui An Bình và/hoặc làm chứng-tá cho Đạo, còn là và phải là: sống như con trẻ, tức: các bé em từng có “giòng chảy” tư-tưởng be bé, ngắn gọn từ điện-thư gửi Chúa, được thày cô gom góp ở đâu đó, rất trường lớp như sau:
“-Jane: “Lạy Chúa con, thay vì Chúa cứ để cho con người chết, rồi Chúa lại sinh ra người khác, sao Chúa không giữ lại những người mà Chúa đang có bây giờ được không? Ký tên, Jane người con nhỏ của Chúa.”
-Neil: “Lạy Chúa, hôm qua con đi nhà thờ dự lễ cưới của chị con, nghe mọi người hát rất hay, thấy mọi người mặc áo rất đẹp, nhưng có một chuyện mà con không thích, đó là: anh chị con chưa xong đám cưới mà đã hôn nhau trước mặt mọi người, coi kỳ quá phải không Chúa? Chúa phải khuyên họ chấm dứt chuyện ấy mới được.”
-Jennifer: “Chúa ơi, vào thời Chúa viết Sách Thánh, người ta có hát loại nhạc lạ kỳ như con vẫn nghe ở nhà thờ không?”
-Elliot: “Lạy Chúa, đôi lúc con cũng nghĩ về Chúa. Nhất là vào lúc con đọc kinh và đi hát lễ với mọi người.”
-Robert: “Chúa à, con là người Mỹ, thế Chúa là người gì? Có kỳ-cục như tụi con không?”
-Joyce: “Con cảm ơn Chúa đã cho mẹ con sinh ra em bé, nhưng con đây từng cầu Chúa cho mẹ sinh chú Tôtô chứ đâu phải thằng bé kia đâu!”
-Nan:“Thưa Chúa, Con chắc là Chúa thương yêu hết mọi người trên thế-giới. Trong nhà của con có mỗi 4 mạng người thôi mà chẳng ai làm được thế hết.”
-Ginny: “Chúa dấu yêu, có thể nào Chúa ban thêm cho bọn con một ngày nghỉ khác giữa Giáng Sinh và Phục Sinh được không? Có như thế, con mới hát nhiều hơn ở nhà thờ.”
-Chris: “Chúa thân yêu, Con cũng muốn được sống đến 90 năm như ông kia ở Sách Thánh, nhưng biết làm sao bây giờ, hả Chúa?”…
-Raphael: “Nếu Chúa ban cho con cây đèn thần như Alladin, con quyết sẽ cho Chúa tất cả những gì con có, ngoại trừ số tiền ở trong bóp hoặc bàn cờ tướng mẹ mới mua cho con.”
-Donna: “Chúa ơi, Con đọc truyện tranh thấy người ta nói ông Tôma Êđison chế ra ánh-sáng, nhưng đi nhà thờ lại thấy cha xứ bảo là: Chúa làm hết mọi chuyện. Vậy, con dám chắc là ông kia đã cóp nhặt ý của Chúa, phải không?” (trích điện-thư thày cô chuyển đến mọi người)
Không cần biết em là ai, con trai hay con gái, mà lại có ý-tưởng lạ đời như thế. Chỉ cần biết, em có trung-thành tin vào điều em học được ở trường lớp hay không, thôi.
Vâng. Đúng thế. Không cần biết bạn là con trai hay con gái, ở nhà Đạo, mà chỉ cần hỏi là bạn có trung-thành tin vào những điều nhà Đạo dạy bạn từ nhỏ không thôi. Và, chỉ cần biết: nhà Đạo nay có còn dạy những điều “không ăn-khớp” những gì mà em và tôi đã và đang học vào thời này, thôi.
Đó, là tư-tưởng của người viết những giòng chảy ở sách vở, như sau:
“Như tôi đã đề-nghị cung-cách trở-thành người Công-giáo thời nay, ở đây rồi. Bây giờ, tôi sẽ chuyển câu “Thế nào là người Công giáo” sang thể hỏi “Tại sao làm người Công-giáo?” như vẫn được dạy từ hồi nhỏ. Từ đó đến nay, tôi thấy được lý-do rất rõ và cũng thuyết-phục được mọi người, đó là: con đường duy-nhất dẫn đến Ơn Cứu-Chuộc mà thôi. Nói thẳng ra, thì: xưa giờ ta được dạy rằng: con người dễ có mối nguy phải rơi vào chốn hoả-ngục đầy lửa bỏng, nếu không trở thành người Công-giáo. Nguy-hiểm này rất cao, lại khó lòng tưởng-tượng ra cung-cách đe-nẹt/doạ-nạt mạnh-bạo nhiều thuyết phục hơn thế, vào thời ấy.
Thế nhưng, nay tôi không còn tin như thế nữa. Và đa số người Công-giáo ở miền Bắc Hoa Kỳ, cũng không còn tin những chuyện như thế nữa. Không tin như thế, là bởi hiện thời, mọi người ở nhiều nơi, còn tìm ra nhiều lý-do mạnh hơn thế. Một trong các lý-do thấy rõ nhất vẫn xuất hiện mỗi khi ta đặt vấn-đề tương-tự, đó là: Hiện nay mọi người đều nhận ra được chiều-hướng của chủ-thuyết đa tôn-giáo. Thời nay, con người biết nhiều về đạo-giáo khác theo phương-cách khác biệt, như: từ trường lớp, báo-chí, truyền thanh hoặc truyền-hình, vi-tính và/hoặc qua các tiếp-xúc ngày càng nhiều với đủ mọi người theo đủ mọi tôn-giáo rất khác nhau. Dĩ nhiên, chuyện này dễ thấy nhất là ở Châu Âu và các nơi khác trên thế-giới, thế nhưng chỉ tập-trung xem xét những gì xảy ra ở miền Bắc Hoa-Kỳ thôi cũng đã đủ. Và, câu hỏi đặt ra cho mọi người là: tại sao phải là người Công-giáo mới có được Cứu rỗi?
Thật sự mà nói: ta chỉ hiểu được Đạo Chúa khi nhìn về Đạo trong bối-cảnh của chủ-thuyết đa tôn-giáo mà thôi. Thuyết đa tôn-giáo là yếu tố dân-gian ở thời-đại ta đang sống bởi nó cung cấp cho ta thấy được các đạo-giáo –trong đó có cả Kitô-giáo- rất mới mẻ. Một khi ta nhận ra Kitô-giáo trong khuôn-khổ các đạo-giáo như một tổng-thể, thì khi ấy ta sẽ thấy Kitô-giáo -với bản-chất và mục-tiêu của mình – cách rõ ràng hơn và hiểu Đạo Chúa hơn. Vậy thì, câu hỏi: “Tại sao phải là người Công-giáo?” Thì, câu trả lời trước nhất rất ngắn gọn của tôi lại có khác nhiều điều mang tính xây dựng: thực-tại dân-gian của thuyết đa tôn-giáo, một cách-thức nhìn đạo-giáo từ khi có Thời đại Khai sáng; sự thông-hiểu về sự khác-biệt và giống nhau giữa các đạo, và: vai-trò của Đạo-giáo trong cuộc sống của ta với Chúa…” (x. Marcus J. Borg, Heart and Home Being Christian in an Age of Pluralism, The Heart of Christianity How We Can Be Passionate Believers Today, HarperOne 2003, tr.207-208)
Nói cho cùng, có sống đúng vai-trò hoặc thế-đừng của người con Chúa không, đó là vấn-đề. Và vấn đề sẽ mãi mãi đặt ra như bậc thánh-hiền từng nhắc nhở mọi người ở Kinh sách rằng:
“Hoa quả của Thần Khí là:
bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu,
từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.
Không có luật nào chống lại những điều như thế.
Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt
vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.
Nếu ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.
Ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau.”
(Thư Galata 5: 22-24)
Hiểu thế rồi, nay ta hãy cùng nhau tiến bước với lời ca hôm nào mình từng nghe hát, như:
“Mây vẫn xanh! Trăng vẫn thanh!
Nhưng thấy đâu, khúc ca đẹp, nhạc êm thắm tươi
Ai xa vời, có hay bao nhiêu ngày gió bay?
Bao lá khô! Theo gió thu!
Rớt trên đôi mắt, đôi môi, khắp mong chờ.”
(Domino – bđd)
Vâng. Đúng thế. Mây vẫn xanh. Trăng vẫn thanh. Dù bạn dù tôi, ta có hát hoặc quyết-tâm thế nào đi nữa, trời/trăng vẫn như vậy. Suốt đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng từng hát những bài như trên,
Nhưng quyết-tâm lại rất khác. Làm sao biết.
Tags: Tản-mạn-suy-tư
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT PHỤC SINH B
- CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN III MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 1 MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN IV MÙA VỌNG
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN A
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN A