CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN IV MÙA VỌNG
“Đường vào tình yêu có trăm lần vui”,
Có vạn lần buồn.
Đôi khi nhầm lỡ, đánh mất ân tình cũ
Có đâu chỉ thế, tiếc thương chỉ thế,
Khi hai mơ ước, không chung cùng vui lối về.”
(Trúc Phương – Buồn Trong Kỷ-niệm)
(1Tim 2: 1-4)
Có thật thế không, mà sao anh lại cứ hát mãi những lời buồn như vậy? Hát mãi những lời như thế ấy, chỉ khiến cho người nghe bỗng thấy buồn. Đường vào tình yêu, đâu như thế! Nào mấy ai lại để anh hát tiếp những lời lẽ, rất như sau:
“Mình vào đời nhau, lúc môi còn non, tuổi mộng vừa tròn.
Hương thơm làn tóc, nước mắt chưa lần khóc,
đến nay thì đã đắng cay nhiều quá.
Thơ ngây đi mất trong bước buồn,
giờ mới hay.”
(Trúc Phương – bđd)
“Giờ mới hay”, “thơ ngây đi mất trong bước buồn”, thế đó là tình đời và đời người. Một đời, không chỉ có những ngày buồn nhiều hơn vui. Một đời, còn có cả những truyện kể ngăn ngắn gọn nhẹ ở bên dưới, đọc cho vui:
“Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát trong bếp, bố và con trai ngồi xem Tivi. Bỗng nhiên, có tiếng gì đó như vỡ đổ ở dưới bếp. Sau đó bỗng im bặt. Đứa con trai thấy thế bèn nói:
-Con biết chắc chắn là mẹ vừa làm bể chén bát, đó bố!
Người bố hỏi:
-Sao con lại chắc mẫm đến như thế?
Người con trả lời:
-Vì con không nghe tiếng mẹ la mắng ai như mọi ngày!…”
Chẩn đoán ý-nghĩa của vỡ/đổ, đôi khi không hẳn chỉ như thế. Như thế, tức chỉ muốn nói: không hẳn “vì không nghe tiếng mẹ la mắng ai như mọi ngày”, mà thôi. Đôi khi, cũng vì nhiều lý do này/khác không mấy “khách quan”, khiến nhiều người vẫn kể thêm nhiều điều như bên dưới:
“Vừa qua, Viện nghiên cứu xã hội Mỹ vừa đưa ra một nghiên cứu, trong đó đưa ra 10 đặc điểm của người Việt mình. Các đặc điểm này có mặt mạnh, đi liền với mặt yếu của mỗi đặc điểm. Có người cho rằng đó là chuyện “đáng buồn”, nhưng có người lại cũng cho rằng đó là “tiềm năng” cần phát triển.
Chúng tôi xin đăng lại ở đây để quý vị tùy nghi định-liệu.
1. Cần cù lao động, song có tâm lý huởng thụ.
2. Thông minh, sáng tạo, nhưng thường mang tính chất đối phó.
3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng, ít quan tâm đến sự hoàn hảo.
4. Vừa thực tế vừa mơ mộng, nhưng lại nhút nhát.
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thụ nhanh, song ít khi học ‘từ đầu cho đến cuối’ nên kiến thức không hoàn hảo, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không là mục tiêu tạo thân của mỗi người VN (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện và để có công ăn việc làm, ít khi học vì chí khí hay đam mê).
6. Vui vẻ cởi mở với mọi người, song không bền.
7. Có tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những việc vô bổ.
8. Có tinh thần đòan kết, tương thân/tương ái, song hầu như chỉ trong hoàn cảnh khó khăn, bần hàn. Còn ở vào điều kiện sống tốt hơn hoặc giàu có hơn thì tinh thần này ít thấy xuất hiện.
9. Yêu hòa bình nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến/háo thắng vì tự ái, đành để mất đại cuộc.
10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính đoàn-kết để tạo sức mạnh (ví dụ: cùng một việc, 1 người làm thì tốt, mà 3 người làm thì kém, và 7 người làm thì hỏng). (x. Luân Nguyên Võ trích từ những sự-kiện theo Viện nghiên cứu xã hội Mỹ, mới đây thôi).
Ấy kià! Nói xấu người Việt mình như thế, e rằng người kể và nói cũng phải chạy đến toà cáo-giải mà xưng-thú những “tội khiên”, mà thôi! Thế nhưng, hễ nói đến những lỗi và tội, có lẽ cũng nên nói đến “lương tâm” con nhà có Đạo, thế mới phải!
Ấy đấy! Nói về người nhà Đạo, đôi khi lại cũng nên nói đến những sự-kiện mang ý-nghĩa không khác những chuyện cần nhờ đến lương-tâm giúp mình định-đoạt, nghĩ cũng nên. Cũng nên, hệt như nhận-định của đấng bậc thày dạy ngày hôm ấy, nhân nói về ý-nghĩa Ơn Cứu Chuộc được Chúa mặc-khải cho người phàm, cho rõ nghĩa.
Nhưng, trước khi để tâm theo-dõi lời giảng-giải của đấng-bậc về “lương-tâm”, dân con Đạo mình cũng nên trải-nghiệm đôi điều về truyện kể ở báo/đài với lời dạy như sau:
“Tối nay, ngay tại ngã ba Nguyễn Thông – Hồ Xuân Hương, tôi đang đứng nhìn ánh sáng công-trình sắp hoàn-thành của mình, chợt nghe có tiếng la hét và tiếng rú ga vọt lẹ. Chắc, lại là vụ cướp giật nữa rồi! Người phụ nữ và đứa bé gái khoảng 5, 6 tuổi ngã lăn ra đường. Thấy thế, người đàn ông đỡ cô bé, còn tôi đỡ vợ anh ta. Tay chân họ xây xát rất nhiều, máu chảy cũng khá. Đứa bé ôm chặt lấy ba nó, khóc la inh ỏi. Hai vợ chồng người bị nạn đều thất thần, mặt cắt không còn giọt máu.
Đó là gia đình một người Hàn Quốc. Tôi mời họ vào chỗ mình đang đứng, kéo ghế bảo họ ngồi đợi một lát, rồi chạy qua nhà thuốc kế bên, mua ít đồ sơ cứu. Rửa vết thương cho họ xong, ôi lạy Trời cũng may đó chỉ là những vết rách sơ sài ngoài da thôi. Chắc, chỉ cần băng sơ lại là ổn thoả và chỉ một vài bữa sẽ lành lặn.
Gia đình người Hàn quốc vẫn run lẩy bẩy, kể lại là: họ mới qua Việt Nam du lịch vào sáng nay, vì nghe nói cảnh ở đây đẹp tuyệt, thức ăn lại ngon và mọi người ở nơi này đều thân thiện… Tôi càng nghe càng thấy lúng túng, đành thoái thác nói: “Chuyện này không xảy ra thường xuyên đâu, chắc gia đình anh chị gặp lúc không may nên mới thế, và tôi chắc hai người tệ nạn đó cũng đang túng tiền, nên mới làm liều”. Họ xua tay bảo với tôi là không sao, vì chiếc túi sách họ mang theo cũng không có gì giá trị, và họ cũng hiểu, là: xã hội nào cũng có vấn đề tệ nạn cả. Trời! Tôi nghe họ nói mà thấy nhẹ người, thiếu điều muốn nhảy lên cây ngồi cho yên.
Ngồi uống nước với nhau cho qua cơn lạc hồn, tôi gọi cho họ chiếc taxi để đi về. Trước khi lên xe, cả nhà người Hàn Quốc cúi rạp mình cám ơn tôi. Tôi cũng cúi người thật thấp, để xin lỗi họ thay cho hai tội phạm đồng bào mình…
Người đàn ông bắt tay tôi, rồi nói thêm:
-Ba tôi đã từng là người lính tham chiến tại Việt Nam, đã từng làm những điều không hay trên mảnh đất này. Có lẽ tôi đang phải trả cái giá cho việc ông làm khi trước, chăng?
-Không đâu, anh đừng nói vậy, chuyện ấy xảy ra đã lâu rồi, ta phải quên đi.
-Ồ không đâu. Tôi chỉ muốn nói rằng: nếu việc vừa rồi là một sự trả giá cho ba tôi, thì tôi rất vui lòng để chịu như thế. Nếu ba tôi còn sống mà biết cái túi đó có thể giúp cho hai người kia bớt khổ sở một chút, chắc ông cũng vui. Tôi cúi đầu tạ tội với anh, lần nữa.” (trích truyện kể lấy từ “facebook” của Chris Le)
Truyện kể rồi, nay ta đi thẳng vào ý/lời của đấng bậc thày dạy nọ ở Úc, từng giảng và dạy nhiều về Tình yêu như sau:
“Chúa sẵn-sàng để những kẻ mỏng-dòn/dễ-vỡ như ta được đồng-hành với Ngài bằng sáng-kiến đi bước truớc. Chúa biết rõ tính mỏng dòn/dễ vỡ của ta. Và, ta cũng biết rõ cử-chỉ lịch-duyệt của Ngài. Đó là căn-bản sự sống và là hoạt-động theo tinh-thần đồng-đội, tức: tinh-thần hợp-tác hỗ-tương trong mọi lúc. Ta là thọ-tạo có giới-hạn, còn Ngài là Đấng quyền-uy cao-cả vẫn làm được hết mọi sự. Nhưng giữa ta và Ngài, mọi khác-biệt vẫn được quên đi, là nhờ vào ân-huệ và nhờ ta và Chúa vẫn tin-tưởng lẫn nhau. Cả hai bên, Thiên-Chúa và con người đều sống những gì mình có khả-năng thực-hiện, trên thực-tế. Chúa biết rõ việc Ngài làm. Đó, là sự thực mà những người bình-thường ở đời hoặc những người không tự đứng-vững vẫn sống theo cách khác, rất kinh-nghiệm. Quả thật tuyệt-vời, bởi sau những khó-khăn chắc-chắn sẽ có những kinh-nghiệm đạo-đức để nói về ta và về Chúa, thì: ta và Ngài đều cùng làm công việc ấy, chung cùng nhau.
Đó, là ý-nghĩa đích-thực của lương-tâm. Lương-tâm, là từ-vựng có gốc-nguồn xuất tự tiếng La-tinh, trong đó gồm hai thứ chữ “Con” và “Scientia”, mà tiếng Anh và tiếng Pháp vẫn gọi là: “Conscience”.
Lương-tâm còn là: hiểu biết lẫn nhau hoặc cùng thông-hiểu mọi sự. Thiên-Chúa chấp-nhận quyết-định của ta theo tiếng lương-tâm. Chúa và ta, có trách-nhiệm đồng-đều về những quyết-định như thế. Kết-quả là, ân-huệ từ đó sẽ đến với ta. Thứ ân-huệ của sự tự-trọng về đạo-đức. Đó, cũng là phúc-lành Chúa phú-ban lên trên những gì là khả-thi, bình-dị và thông-thường, theo tính khôn-ngoan của những người con chân-phương, bé nhỏ.
Lương-tâm, đích-thị là “lẽ thường” rất phải, vẫn đặt-định những gì là thường-tình rất phải lẽ đến cho ta và với Chúa, Đấng hiểu biết mọi sự và thông-hiểu hết mọi người.
Một lần nọ, khi tôi đang giải-thích điều này cho các học-viên một Đại-học nọ, thì có một học-viên đưa ngay một phản-hồi rồi hỏi tôi: “Thày nói thế, tức là em cũng…OK, phải không?” “Đúng. Đúng là như thế!” Ngay sau đó, cũng học-viên ấy lại hỏi tiếp: “Nói như thế, tức là Chúa cũng OK với em chứ?” “Đúng thực như vậy! Thật thế, Thiên-Chúa vẫn muốn vậy. Và, Ngài vẫn vui lòng đồng-hành với ta, bởi ta có tự-do làm thế. Và, Chúa vẫn cùng ta sử-dụng tự-do-tuy-có-giới-hạn nơi ta, nhưng ta vẫn sử-dụng nó một cách có trách-nhiệm. Chúa sẽ rất vui, bao lâu ta và Ngài vẫn tiếp-tục quan-hệ hỗ-tương mãi muôn đời. Theo tôi thì, Chúa thấy rất vui khi trở-thành diễn-viên trong câu truyện ta kể. Đồng thời, Ngài vẫn để tai nghe ta thuật truyện cho Ngài. Ngài vẫn nghe hoài và nghe mãi, đến bất tận.
Nhiều người lại có những thứ, mà tôi gọi là kinh-nghiệm đạo-đức cũng rất thực, cả khi họ khám-phá ra Chúa, trong tình-cảnh như thế. Nhưng tiếc thay, những người như thế lại cũng giống ta, ở chỗ: không tìm ra ngôn-ngữ nào thích-hợp, để nói lên sự việc này. Thành thử, ta và mọi người vẫn thận-trọng nhiều khi có yêu-cầu, mà theo tôi, họ rất có lý để yêu-cầu và thường thì: yêu-cầu của họ cũng luôn có tính hào-hùng, phải lẽ. Tuy thế, nỗi khổ-đau và niềm ưu-tư/khắc-khoải mà họ và ta đã cảm-nghiệm, đều đưa ra chứng-cứ cho thấy: ta và họ cũng đều yêu Chúa vẫn rất mực. Vì thế mà, nhiều lúc, họ và ta cũng đánh liều tìm cách làm những điều Chúa dạy bảo, cho phải đạo. Riêng tôi, vẫn nghĩ rằng: Chúa thấy mọi sự theo cung-cách tựa hồ như thế.
Thánh An-Phong đệ Ligôri, đấng sáng-lập Dòng Chúa Cứu-Thế, có lần bị một số vị đưa ra vấn-nạn, hỏi rằng: “Giả như ai đó đến xưng-tội với cha nhưng lại kể toàn những truyện đại-để như thế, chứ không nói gì đến tội hoặc lỗi nào khác, thì cha và/hoặc các linh-mục-ngồi-toà có xá-giải lỗi-tội cho người ấy không?” Thánh An-Phong trả lời ngay lập tức là: Không! Trừ phi người xưng những “tội thực” của họ, đó mới là điều. Nói thế, thánh An-Phong muốn bảo: với những người như thế, ta không cần xá-giải những lỗi hoặc tội mà họ chẳng bao giờ mắc-phạm, họ chỉ cần vị linh-mục-ngồi-toà lên tiếng chúc-mừng họ cũng đủ, bởi: những người như thế quả nhiên đã sống cuộc sống đích-thực và rất mực yêu Chúa cũng không ít…
Thêm nữa, thánh An-Phong có lần lại cũng nói: ta có bổn-phận để cho những người như thế ra đi trong an-bình. Thiên-Chúa thật sự vẫn làm thế, suốt ngày này qua tháng nọ, mãi thiên thu. Giáo-hội cũng từng dạy các linh-mục-ngồi-toà, là: ta đừng nên dính mũi vào địa-hạt lương-tâm thánh-thiêng của những người-con-bé-nhỏ, mà nơi họ, đã có nhiệm-tích của sự việc họ và Chúa vẫn cùng sánh vai đồng-hành, cách tư-riêng. Đến cuối đời, khi thánh An-Phong ở vào độ tuổi 90, cụ cũng tỏ cho anh em trong Dòng và mọi người biết, là: suốt đời cụ, cụ chưa hề từ-khước việc xá-giải cho ai, bao giờ.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, Ơn Cứu-chuộc: Lương-tâm trưởng-thành trong đạo-đức, www.giadinhanphong.blogspot.com)
Nghe đấng bậc thày dạy nói thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta hát tiếp bài ca có ý/lời ngụ ý bảo rằng:
“Bao năm qua rồi còn gối chiếc, nghe lòng nhiều nối tiếc
Thương nhau rồi, xa nhau rồi, một lần dang dở ấy.ong Kỷ Niệm lyrics on ChiaSeNhac.com
Đêm lạnh vui với ai?
Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi, héo mòn nụ cười
Đi thêm một bước trót nhớ thêm một bước.
Nếu ta còn nhớ, mắt môi người cũ.
Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em.”
(Trúc Phương – bđd)
Vâng. Xin mang theo tiếng “yêu”, mỗi khi ta “gọi Anh với em” ở ngoài đời. Còn ở trong Đạo, tiếng “yêu” ấy, đâu chỉ mỗi thấy nơi tiếng “Cha-con” giữa đức thày linh mục và giáo dân. Gọi Cha/xưng con nghe sao được, khi người giáo-dân đã trọng tuổi và nhiều kinh nghiệm lại có đến “một bồ chữ” đầy những thần-học và triết-học ở trường lớp, rất khi xưa? Đức thày hôm nay, có còn mang theo tiếng “gọi Anh với em” vào mọi lúc hoặc vẫn coi nhau như cha và con hay không? Đó là vấn-đề.
Trả lời cho vấn-nạn này, cũng nên tạt qua khu vườn nhà, gồm những bài chia sẻ của đấng bậc “trên cao tít” rất giáo-hoàng, khi ngài nói với các chuyên-gia nhà đạo, rằng:
“Trong bài giáo lý hôm trước, chúng ta đã xác định rằng: chính Thiên Chúa tiếp tục chăn dắt đoàn chiên Ngài qua chức thừa-tác của các giám mục và trợ tá cho giám-mục là các linh-mục và phó tế. Chính nơi các vị, mà Chúa Giêsu hiện diện trong quyền-năng của Thần Khí Ngài, và tiếp-tục phục-vụ Giáo-Hội bằng việc dưỡng-nuôi đức tin, đức cậy, đức mến trong Giáo Hội. Như thế, chức thừa-tác này là một ơn lớn Chúa ban cho mỗi cộng đoàn Kitô-hữu và cho toàn-thể Giáo Hội, theo nghĩa nó là dấu chỉ sống cho sự hiện-diện và tình yêu của Ngài.
Hôm nay, chúng ta có thể tự-vấn điều này: Điều gì đòi buộc nơi các vị thừa-tác của Giáo-Hội, để họ có thể sống thực việc phục-vụ của mình cách đích thật và phong phú?
Trong các ”Thư mục vụ” gửi môn đệ Timôtê và Titô, thánh Phaolô đã cẩn thận nhắm đến gương mặt của các giám-mục, linh-mục và phó tế- cũng như của các tín hữu, già cũng như trẻ. Ngài phác-họa ra ơn gọi của các vị và đức-tính cần được nhận ra nơi những người được chọn và trao phó cho họ chức thừa-tác này.
Ngày nay, những điều được thánh Phaolô phác-họa là biểu-hiệu, cùng với các ơn gắn liền với đức-tin và cuộc sống linh-đạo -mà không thể bỏ qua nơi mục tử- có vài đức-tính rất nhân-bản được liệt-kê ra, là: sự hiếu-khách, tính điều độ, đức kiên nhẫn, hiền dịu, đáng tin cậy, có tấm lòng quảng-đại. Đó là mẫu tự, là văn-phạm nền-tảng của sứ-vụ. Nó phải là văn phạm nền-tảng của mỗi giám-mục, linh-mục và phó tế. Phải, vì nếu không có phẩm-chất xinh đẹp và thật sự này để gặp-gỡ, hiểu-biết, đối-thoại, trân qúy và liên-lạc với anh em khác cách chân-thành và tôn-kính, thì không thể cống-hiến phục-vụ và làm chứng-tá đích-thực cách tươi vui và đáng tin cậy, được…
Thật thế, mục-tử ý-thức được rằng chức thừa-tác của mình chỉ nảy-sinh từ lòng thương xót và từ con tim của Thiên Chúa, sẽ không bao giờ có thái độ hống-hách/uy-quyền, như thể mọi người phải qùy dưới chân mình và cộng đoàn là của riêng mình và vương quốc của mình.
Ý thức rằng tất cả là quà tặng và ân sủng, cũng giúp các mục-tử không bị rơi vào chước cám-dỗ đặt mình làm trọng-tâm của mọi chú ý và chỉ tin tưởng vào chính mình. Như thế họ đang ở trong cơn cám dỗ của háo danh, tự phụ, tự mãn, kiêu ngạo. Thật nguy hại nếu một giám mục, linh mục hay phó tế lại nghĩ rằng mình biết hết mọi sự, và luôn có câu trả lời thoả-đáng về mọi chuyện và không cần tới ai hết. Trái lại, ý thức mình là đối tượng đầu tiên của lòng thương xót và cảm thương của Thiên Chúa dẫn đưa vị thừa tác tới chỗ luôn khiêm tốn và cảm thông với mọi người. Cũng vậy, bằng vào nhận-thức này, họ được kêu gọi can đảm giữ gìn kho tàng đức tin (1 Tm 6: 20), người ấy sẽ lắng nghe dân chúng. Thật vậy, họ ý thức rằng mình luôn luôn học hỏi được điều gì đó, cả từ những người còn xa đức tin và xa Giáo Hội. Với anh em mình, tất cả phải đưa tới chỗ có một cung cách hành xử mới, mang dấu-ấn của sự chia sẻ, tinh thần đồng trách nhiệm và sự hiệp thông.” (x. Linh Tiến Khải dịch bài nói chuyện của Đức Phanxicô ở Vatican: Chủ chăn không được độc-đoán, nhưng phải khiêm tốn và biết lắng nghe, www.chuacuuthe.com, các mục chính, 12/11/2014)
Xem thế thì, từ nhiều năm trước nhà thơ/soạn nhạc cũng đã đoán trước được nhiều chuyện trong đời, nên mới hát. Hát những điều tương-tự sự-thể xảy đến ở nhà Đạo, nên mới có câu hát rằng:
“Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn.
Đôi khi nhầm lỡ, đánh mất ân tình cũ
Có đâu chỉ thế, tiếc thương chỉ thế,
Khi hai mơ ước, không chung cùng vui lối về.”
(Trúc Phương – bđd)
Buồn đến vạn lần, là khi đấng bậc ở trên được huấn dục là thế, nhưng lại vẫn cứ coi thường các vị thừa-tác rất giáo-dân ở dưới trướng. Coi thường đến độ, cứ tưởng rằng: một khi đã có chức thánh hơi cao cao, là có thể nắm vững cho riêng mình quyền-bính, ơn lành thánh và sự thật.
Như lời huấn-dụ của bậc thày dạy ở trên, thì: ơn lành cứu-chuộc không dành cho riêng ai, nhưng cho hết mọi người, ở đời bằng giòng chảy sau đây:
“Thật sự, cũng nên hỏi xem: Ơn Cứu-Chuộc có nghĩa gì đích-thực?
Nói chung, có thể bảo: đây là việc bao gộp hết mọi người vào sự sống và tình thương-yêu của Chúa, ngang qua Con Người và Cuộc Sống của Đức Giêsu Kitô, để coi đó như vấn-đề công-bằng/chính-trực, tức: thứ mà ta vẫn gọi là sự Công-chính của Thiên-Chúa.
Đồng thời, đây còn là đường-lối do Ngài tự trói-buộc Ngài vào hành-xử đầy hào-phóng tặng ban cho ta. Theo cách này, Thiên-Chúa không những chuyển-đổi ta từ loại ác-thần/sự dữ thường khiến ta lo-lắng, nhưng Ngài còn lôi kéo ta vào với Ngài, nữa. Xem thế thì, Ơn Cứu Chuộc có ý-nghĩa dồi-dào và đầy-tràn hơn là chỉ xin được thứ-tha các lỗi lầm ta vướng mắc.
Phần đông nhiều người lại không nhận ra rằng: làm sao mình hết bận-tâm/lo lắng về những gì Chúa muốn mình sống theo ý-định của Ngài từ ngàn xưa. Mà thật ra, là người, ta luôn được Chúa cứu-chuộc và Ngài vẫn luôn lôi kéo ta về với Ngài.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, Ơn Cứu-Chuộc trải rộng nơi sự việc con người làm, nxb Hồng Đức cuối năm 2014)
Xưa nay, mỗi lần nói đến quyền-hành, quyền-uy hay quyền-lợi, mọi người người đều nói đến bổn-phận nhiều hơn ơn mưa móc. Mà, bổn-phận của người nhà Đạo chừng như không chỉ tập-trung vào các đấng-bậc có chức thánh thôi, thì phải? Bởi, dù có chức hay không chức, có là thánh hay không, người nhà Đạo vẫn nhớ tự nhủ lòng mình về Lời dạy từ Kinh Thánh có những lời như sau:
“Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin,
khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người,
cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền,
để chúng ta được an cư lạc nghiệp
mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.
Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa,
Đấng cứu chuộc chúng ta,
Đấng muốn cho mọi người được cứu chuộc
và nhận biết chân lý.”
(1Tim 2: 1-4)
Nghe lời vàng nhắn nhủ như thế rồi, hẳn mọi người trong Đạo/ngoài đời lại càng quyết-tâm đi vào công-cuộc thừa-tác có Chúa ở cùng và tháp-tùng. Để rồi, hết mọi người không trừ ai, sẽ ở trong và ở cùng cộng-đoàn lành thánh có Chúa trải rộng Ơn Cứu-Chuộc của Ngài với mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn hiểu Ơn Cứu Chuộc đơn giản như thế,
nên sẽ quyết-tâm nhiều hơn thế.
Trong công việc hằng ngày.
Tags: Tản-mạn-suy-tư
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT PHỤC SINH B
- CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN III MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 1 MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN IV MÙA VỌNG
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN A
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN A