CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN IV PHỤC SINH

Written by xbvn on Tháng Năm 9th, 2014. Posted in Mai Tá

“Đêm qua say tiếng đàn,”

Đôi chim uyên đến giường 
Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng.

(Phạm Duy – Đêm Xuân)

(Mt 19: 4-7)

            Thú thật với bạn và với tôi rằng, khi nghe xong bài “Đêm Xuân” của Phạm Duy, bần đạo bầy tôi đây không biết là mình có nghe nhầm/nghe lẫn gì không nữa. Thường vào đêm xuân, ta và người chỉ mê say tiếng pháo hay tiếng nhộn nhạo từ buổi nhậu nhẹt có bia/có rượu, chứ ai lại say tiếng hát hoặc “tiếng đôi chim đến giường” đầy tính lãng mạn như lời dẫn nhập của chàng trai họ Trần trong đêm nhạc “Hát Cho Nhau Nghe” hôm 18/3/14 về bài hát này do Phạm Duy tặng người vợ mới cưới của ông là ca sĩ Thái-Hằng.

            Thôi thì, say gì thì say, nay ta thử nghe câu tiếp xem người nghệ sĩ có say gì nữa không:

  “Em yêu câu hát buồn, 

Lả lướt trong màn trăng, 

Yêu trời thanh vắng, 

Đón đưa em tới chàng. 

Hồn em chùng đêm tối, 

Tình em còn chơi vơi, 

Lòng em chưa tàn, 

Xin đừng nhạt phai. 

Đừng nhạt phai.”

(Phạm Duy – bđd)

 Vâng. Có thể, là con dân nhà Đạo hiện cũng đang mơ màng khi nghe tin tức có liên quan đến là hồi hộp, như sau:

 “Ngày 2 tháng Giêng năm 2014 vừa qua, tờ báo mang tên “Journal” đã mô-tả khá nhiều điều như thể bảo: Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một trong các đấng bậc nhà Đạo cũng nên thử xét xem năm 2014 này, ra sao: “Trải qua nhiều tháng ngày sống đời bình thường, dân con đạo mình hy vọng là đấng bậc quyền-lực tít trên cao sẽ có lập trường nhẹ nhàng/uyển chuyển khác hẳn khi giáo hội bàn về các sự việc như: đồng tính luyến ái, ly dị/ly thân, môi-trường sinh thái, và chuyện ràng buộc sống với người nghèo, Giáo Chủ nhà mình không biết rồi ra có cải-tổ được guồng máy cồng-kềnh là Vaticăng nữa không đây, chí ít là chỉnh-đốn vai-trò của nữ-giới trong Giáo hội.

 Theo tôi, sau khi duyệt-xét các kỳ vọng không mang tính quyết định, xem ra có tất cả bốn ngộ nhận/sai sót nơi khẳng định trên và thêm một lỗi lầm nữa khi nói về “vai trò” của Giáo hội. Bởi, thật cũng khó cho những ai cứ nhìn vào giáo hội qua lăng-kính chính-trị để hiểu được những chuyện đại loại như thế. Thật ra, vai trò của Đức Giáo Hoàng lại không giống như tư-thế của các vị thủ tướng hoặc nguyên-thủ quốc-gia ở ngoài đời. Nói thế tức bảo rằng: thật ra, thay đổi hành chánh/lãnh đạo với giáo hội không có nghĩa là sẽ có đổi- thay lập-trường/quan-điểm của toàn-khối Công-giáo.

 Theo tầm-nhìn của Giáo-hội, thì Tín Lý/tín điều không là “quan điểm” của bất cứ ai, nhưng lại là những hiểu biết đã ổn-định về sự thật của nhiều sự việc” (xem George Weigel, what popes can and can’t do, The Catholic Weekly 19/1/2014, tr. 8).

             Rõ ràng là như thế. Như thế, tức: bà con trong Đạo mình chớ nên hy-vọng vào sự đổi thay về chính kiến của con dân trong Đạo về nhiều thứ. Có những thứ/những chuyện mà người nhà Đạo sống ở trong đời, thấy cũng hơi khang khác. Hơi khác như câu hát tiếp:

 “Chưa quen nhau lúc đầu, 
Em nghe theo tiếng sầu,
ôi khúc ca nuôi mối tình muôn sắc màu.
Em phôi pha tháng ngày,
Vì lúc trăng về đây,
Vắng đàn đêm ấy,
Đã ru trái tim này .

            (Phạm Duy – bđd)

             Thế đấy. Vốn dĩ “chưa quen nhau phút đầu”, mà sao em cứ “nghe theo tiếng sầu” để rồi sẽ  “phôi pha (bao) tháng ngày”, và nay đã “ru trái tim này”. Trái tim này, em có ru hay có “cho” nhiều cho lắm cũng sẽ thấy đời mình lại cứ mang tên họ của chàng trai khi xưa mang tên họ là“Vũ Như Cẩn”, tức “vẫn như cũ, rất như xưa. Như xưa hay như cũ, cũng là những thứ khá cũ, à rất ư là “ủ rũ” đến phát buồn! Thế nhưng, có nhiều thứ/nhiều sự vẫn không buồn như khẳng định về câu chuyện mà bần đạo vừa bắt gặp ở mạng thông tin có tên là MercatoNet có câu chuyện liên-quan đến đề-tài yêu đương và đương yêu rất cũ/mới, như sau:

 “Trong sống đời thường nhật có thương và có yêu, bao giờ cũng thấy có kẻ trước/người sau cứ lục tục đi là đi. Kẻ đi bước trước, là đàn anh/đàn chị kinh nghiệm bao giờ cũng hơn, và giới trẻ cứ lẽo-đẽo theo sau, vẫn muốn hỏi kinh-nghiệm về yêu và thương nhưng cứ ngại, chí ít là chuyện hôn-nhân gia-đình. Thế nhưng, đọc tiếp những giòng bên dưới, hẳn bạn và tôi, ta sẽ thay-đổi ý-kiến, cũng rất lẹ. Mau và lẹ, là bởi mới đây có tác-giả tên là Gerald Rogers mới vừa hoàn-tất thủ-tục ly-dị xong, đã để lại cho thế-hệ trẻ những 20 điểm then-chốt nhằm duy-trì tình-yêu cũng rất ư là son trẻ của họ.

 Dưới đây là những điểm mà tôi thấy rất có lợi, xin ghi lại để tuỳ bạn bè nào thích thì cứ việc giữ lấy cho mình…”

             Xin cắt ngang giòng chảy của bạn Tây/Tàu vừa đưa ra bằng một giòng nhạc tuyệt cú rất ăn khớp mà nghệ sĩ nhà mình lại vẫn hát:

 “Hồn em tìm nương náu, 

Tình em chờ thương đau, 

Lòng em chưa tàn, 

Xin đừng phụ nhau. 

Xin đừng phụ nhau.” 

(Phạm Duy – bđd)

            Vâng. “Xin đừng phụ nhau”, là đôi điều chính-yếu về tình-yêu hôn-nhân rút từ ý-kiến của tác giả Gerald Rogers là:

           “Chớ bao giờ ngưng tán tỉnh vợ mình và cũng đừng ngại hẹn hò. Cũng đừng lười biếng khi thương yêu.

-Hãy bảo vệ con tim của mình. Bởi, có một chỗ đặc-biệt trong tâm-can bạn mà không ai được phép chễm-chệ ngồi vào đó, ngoại trừ vợ của mình.

-Phải luôn luôn thấy nơi vợ mình những điểm son tuyệt-vời. Hãy tập-trung vào những gì khiến mình âu yếm, yêu thích vợ mình nhất. Bởi, điều đó sẽ còn trải rộng ra nhiều hơn nữa. Nếu bạn chú ý vào những gì khiến mình ưu-tư, phiền-muộn, thì những điều bạn nhận ra lại sẽ là lý-do khiến bạn cay-đắng/muộn-phiền, rất không vui. Còn, nếu bạn chỉ chú tâm vào những gì mình ưa thích, thì chính bạn sẽ chỉ ưa-thích mỗi tình-yêu thôi.

-Đừng khùng điên/dại khờ mà tự hành-hạ mình một cách quá ư là nghiêm-khắc. Hãy cười thật nhiều và làm mọi cách để người mình yêu cũng cười thành tiếng, giống như mình. Bông đùa/cười vui, sẽ khiến mọi việc trở nên nhẹ nhõm, dễ chịu hơn.

-Hãy sống thực. Tức, luôn tặng ban cho người mình từng yêu-dấu không chỉ mỗi thời-gian mình sống mà thôi, nhưng tất cả bận-tâm, ưu-ái và tâm-hồn mình nữa. Hãy đối xử với người mình từng âu-yếm như một khách hàng quí-giá hơn ai hết. Bởi, vợ là người lúc nào cũng phải hạng nhất hết.

-Hãy sống như một người dễ bị tổn thương và không cần chứng-tỏ rằng cả hai người lúc nào cũng như thế. Hãy sẵn sàng chia sẻ mọi cảm xúc, cả nỗi sợ rất khó trị và chấp-nhận rằng mình sai trái cũng rất nhiều.

-Phải sống trong sáng, thật tình mới được. Nếu bạn muốn người phối-ngẫu hoàn toàn tin-tưởng bạn thì bạn cũng phải có quyết tâm sẻ-san hết mọi chuyện với người ấy mới đúng. Phải can đảm chứng-tỏ mình yêu thật sự và trọn vẹn. Như vậy, mới có thể mở rộng tâm can mình; và đổi lại, người phối ngẫu mới tin-tưởng và thương yêu mình được.

-Đừng bao giờ ngưng lại, khi hai người đã cùng nhau quyết định hướng về phía trước để đạt thành tựu. Hãy tìm ra mục-tiêu nào mà cả hai đều muốn nhắm tới. Có thể, đó là mộng ước cùng có ý hướng phát-triển, cùng ngành-nghề giống như nhau…

-Đừng chậm-trễ thứ tha cho nhau và hướng tầm nhìn của cả hai người vào tương-lai mai ngày, hơn là cứ cân đong đo đếm những chuyện thuộc về quá khứ, rất qua mau.

-Hãy luôn chọn thương-yêu nhau. Nếu đây là nguyên-tắc dẫn-dắt đôi lứa, thì chẳng có gì phải lo sợ rằng hạnh-phúc hôn-nhân sẽ bị đe doạ.

-Cuối cùng thì, sống đời hôn-nhân vợ chồng không có nghĩa là: rồi ra ta sẽ đạt hạnh phúc, mà đó là chuyện hợp-tác đôi bên đều có lợi. Là, quyết-tâm cùng tiến-tới và là ý chí quyết đầu-tư vào việc kiến-tạo điều gì đó, khả dĩ kéo dài mãi thiên-thu. Có như thế hạnh-phúc lứa đôi chắc chắn phải có và sẽ có.

 Để kết luận, này hỡi bạn hiền độc-giả của tôi, hãy tỏ-bày ý phản-hồi của riêng mình trước lời khuyên rất bài-bản như thế” (xem Tamara Rajakariar, Marriage advice from a divorcee, MercatorNet 11/4/2014).

             Thế đấy, là kinh nghiệm của một người vừa hoàn-tất thủ tục ly dị xong, nay đã kịp để lại đôi lời khuyên khá kỹ càng. Khuyên thế rồi, người-khuyên bảo lại sẽ kêu-mời người đọc hoặc người nghe cứ tỏ bày ý kiến riêng tư về lời khuyên ấy. Bần đạo đây, chẳng có ý-kiến phản-hồi gì cho nên nỗi, bèn mời bạn và mời tôi, ta cứ thế mà trích dẫn các câu nói phản hồi của bạn đọc khá rành rẽ.

Trước hết là ý kiến của một người khách qua đường có tên là Al Brennan, nghe cũng lạ:

 “Dĩ nhiên là chính sách nào, lời khuyên ra sao, cũng đều là lời khôn-ngoan và có thật, dù chuyện khuyên răn vẫn là chuyện bình thường ở huyện, nghe rất quen. Dĩ nhiên, vấn-đề còn lại vẫn là: sau khi đã nghe theo lời khuyên ấy, người thường ở đời đem áp-dụng vào cuộc sống của mình, mới thấy kết quả chả có gì hữu-ích, hết. Nhất thứ là khi, một bên hoặc vợ hoặc chồng lại nhất quyết đâm đơn ly dị cho bằng được. Hai nữa, là: trọng-tâm của vấn đề, dù mình có làm gì thêm hoặc có đối-xử tử-tế thế nào đi nữa, thì việc ấy cũng không lay chuyển hoặc bãi bỏ được tham-vọng hoặc mộng-ước của đôi bên khi đã nhất-quyết thi-hành thủ-tục “chia tay”. Riêng tôi chẳng nghi ngờ gì việc cả hai người đã đưa nhau vào buổi cử-hành lễ cưới có thề-nguyền đủ cả rồi sau đó,chẳng ai chịu ai thì có ràng buộc nào đi nữa cũng chẳng thể bắt buộc họ thực-hiện lời-thề như thế. Thật ra, cũng có rất nhiều lý do mang tính “rất bề ngoài” đã tìm cách giựt giây khiến đôi bên phối ngẫu lại cứ thấy thời-gian sẽ về phe với mình, ngõ hầu mình có thể thực hiện ý-đồ của mình, thật đúng lúc. Tôi nghĩ: đôi lúc chuyện thề-nguyền sống đời ở kiếp với nhau cũng giống như canh bạc theo tầm nhìn riêng-biệt của mỗi bên. Nói thế, chắc có người sẽ tìm cách đưa tôi  ra toà mà kiện tụng, vì sự thật không thế! Thôi thì, ai nghĩ gì mặc ai, tôi vẫn tôn trọng sự  lựa chọn của mỗi người”. (Trích ý-kiến phản-hồi của “Al Brennan, từ Úc).

             Vâng ông bạn nói chí tình, chí lý và cũng chí khôn. Bởi, ông bạn hơi “ba phải” nên cuối cùng cũng chỉ huề vốn, đường ai nấy đi, hồn ai nấy giữ, có thế thôi. Có điều cần phải nói ngay ở đây, là: hai ý-kiến ở trên, một của người mới vừa trở về cuộc sống độc-thân và một của người mới vừa phản-hồi, cũng đều là nam-nhi chí trai cả. Thế còn, ý-kiến của giới phụ-nữ thì sao? Đến đây, lại xin giới-thiệu cùng bạn đang đọc hoặc đang nghe những giòng chảy này, ý kiến của nữ-lưu nọ có tên là Susan Reibel Moore, cũng từ Úc viết như sau:

 “Cứ sự thường, tôi rất thích ý-tưởng của những vị dám có lời khuyên như trên, nên cứ tự nhủ mãi rằng: tại sao tác giả khuyên hay như thế mà vẫn cứ quyết-định ly dị như thường? Nghiên-cứu nhiều trường-hợp, bản thân tôi cũng thấy rằng: giống như trường-hợp của phân nửa của các cặp phối-ngẫu quyết chia tay, hay ly dị vì họ không tin vào chuyện ly dị chút nào hết, mà là: họ bị đâm bị chém bởi cuộc sống oái-oăm thôi. Tôi biết khá nhiều cặp lại rơi vào trường hợp này nhất. Với tư-cách là cá-thể, mọi người đều phụ-thuộc vào nhau, đấy chứ! Thật ra thì, nhiều người thường nói: tính vị-kỷ và thương-yêu hài-hoà vẫn phụ-thuộc nhau. Tôi, thì tôi không nghĩ như thế. Bẵng nhiều năm, tôi nhận ra rằng: phần đông người có lòng ích-kỷ thường muốn đi đến ly-dị nhiều hơn, đặc biệt là khi những người có tính ích-kỷ như thế lại hay khước-từ không chịu lắng-nghe hoặc làm theo lời khuyên-can của người khác khôn ngoan hơn họ.

 Dĩ nhiên, điều dễ thấy trong đời của rất nhiều người, đặc-biệt là giới trẻ, là cứ cưới nhau theo cách không mấy khôn ngoan cho lắm. Và, dĩ nhiên trong các trường-hợp ly-dị ta thường thấy, có sự xung đột về giá trị. Vì, họ đã không khôn-ngoan cho lắm khi quyết-định đến hôn-nhân, trường hợp như thế, càng khó giải quyết hơn nữa. Tuy nhiên, bằng vào lý-do chính-đáng, thì những người có lòng đạo thuộc tôn-giáo khác nhau vẫn thuyết phục là đừng nên đi đến quyết định ly dị mới hay, mới tốt. Và, những người như thế lại hay nghiêng về phương-cách cố giúp cho hai vợ chồng được ở với nhau cho dài lâu ngõ hầu chứng tỏ rằng: hôn-nhân cho phải phép vẫn là điều hay điều tốt với mọi người”. (xem thêm MercatorNet 11/4/2014).

             Quả y như rằng: đã là người có đạo rồi, thì bao giờ họ cũng làm mọi cách để những ai có quan-hệ bạn bè và họ hàng với mình, sống cho tốt/cho đẹp cả trong cuộc sống hôn-nhân, đôi lứa.

            Với con dân nhà Đạo thì như thế. Như thế, tức: trong mọi tình huống có lẽ đạo và sự đời, thì lúc nào người đi Đạo cũng cố gắng suy-tư và suy-tính cho phải Đạo, đẹp đời. Còn người đời lại giống như người nghệ sĩ, cứ hát rằng:

 “Hồn em tìm nương náu, 

Tình em chờ thương đau, 

Lòng em chưa tàn, 

Xin đừng phụ nhau. 

Xin đừng phụ nhau.” 

(Phạm Duy – bđd)

             Người đời hát về đời người, chí ít là cuộc đời có dính dấp đến phụ nữ, như thế cũng không tệ. Tệ hơn cả, là: những người không biết hát hoặc không hát được như thế, mới đáng sợ. Sợ hơn cả, là những người cứ nghĩ và suy về phụ nữ đáng sợ nhất phải kể là người từng chế ra các câu danh ngôn/tục ngữ rất thời đại, như sau:

    “Không phải người đàn bà nào cũng đẹp, và không phải người đẹp nào cũng là đàn bà. 

Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết mình rất xấu.

-Chỉ có hai giai đoạn duy nhất trong đời mà người đàn ông không hiểu gì cả về phụ nữ: trước khi cưới và sau khi cưới.

            -Người nào khuyên ta đúng khi  ta sai là thầy ta,
người nào chửi  ta  sai  khi ta đúng….đích thị là vợ ta.

-Thà hun em một lần rồi ăn tát
Còn hơn cả đời nhìn thằng khác hun em

-Ga-lăng (gallant) là cử chỉ đẹp của người đàn ông trước những phụ nữ không phải là vợ mình.

            -Hôn nhân luôn tặng bạn một đặc ân:
chỉ có ai có nó mới có thể ly dị được. 

            -Chết cho người phụ nữ mình yêu vẫn dễ hơn là phải sống chung với họ.

-Bia độc hơn rượu, bằng chứng trên thế giới chỉ có “mộ bia ” mà không có “mộ rượu”. (“Ranh ngôn” rút từ mạng vi-tính có những tư-tưởng đầy những…vi-trùng cũng đáng sợ).

             Nói cho cùng kỳ lý về cuộc sống có dính líu đến phụ nữ, là phải nói đến ý-tưởng của bậc thánh hiền Đạo Chúa, vẫn khuyên rằng:

“Các ông không đọc thấy điều này sao:

“Thuở ban đầu,

Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”,

và Người đã phán:

“Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,

và cả hai sẽ thành một xương một thịt.”

Như vậy, họ không còn là hai,

nhưng chỉ là một xương một thịt.”

(Mt 19: 4-7)

 Cuối cùng thì, hỡi bạn và tôi, ta cứ hiên ngang, vững vàng mà sống trọn vẹn cuộc đời mình, cả khi có ở vào hoàn-cảnh nào đi nữa, dù đã lập gia-đình hoặc chưa định, dù đã và đang sống với người khác phái, hay vẫn còn độc thân, hãy cứ thẳng thắn sống đúng quan-niệm và theo đúng chỉ-dẫn của bậc lành-thánh mà yêu thương và tha thứ hết mọi người nam cũng như người nữ. Chí ít, là người phối-ngẫu của mình, ở trong Đạo hay ngoài đời, rất khôn nguôi.

Trần Ngọc Mười Hai  

Vẫn cứ mong và cứ ước

Được sống mãi như thế,

Đến hết đời

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31