CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN LỄ CHÚA LÊN TRỜI
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,”
“khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa.”
(Trịnh-Lâm-Ngân – Xuân Này Con Không Về)
(Lc 24: 32)
Xuân về rồi, mà sao bạn và tôi cứ hát những gì mà buồn đến thế? Buồn rũ rượi, cả vào khi tôi và bạn không kịp lắng nghe câu hỏi của ai đó vừa đưa ra, nên nghệ-sĩ nhà ta lại cứ hát tiếp những chi-tiết, rất như sau:
“Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào.”
(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)
Hôm nay đây, mãi ở tận xứ sở này, chốn miền cùng tận mạn Nam bán cầu, lầu xầu nhiều suy nghĩ. Có những nghĩ suy về nhiều thứ trong đó có cả những thứ và những điều khiến tôi và bạn, ta cứ miên-man thả hồn theo giòng chảy của bạn hiền ở đâu đó, tuy chưa quen nhưng đã biết. Biết rằng: trên đời này còn có những người đã suy và đã nghĩ về những chuyện như sau:
“Họ mới bảo nhau:
“Dọc đường, khi Người nói chuyện
và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta,
lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
(Lc 24: 32)
Bừng cháy thế nào được, khi bạn bè gặp lúc xuân về, lại cứ nhắn với mẹ hiền rằng:
“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường.”
(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)
Trong đời thường, bạn và tôi hẳn cũng sẽ gặp những bạn hiền, sẽ không hát những câu buồn phiền “như cơm bữa” giống thế nữa. Mà, lại cứ tìm đến những lời người nhận-định khác vững tin như sau:
“Suy và niệm, có lẽ sẽ giúp ta đạt tình-trạng kết-hiệp với Chúa, cho tốt hơn. Tựa hồ như đọc các sánh vở lành mạnh có ghi lại những câu nói khiến mình niệm suy, cũng rất lợi. Lợi lộc, ít nhất ở chỗ: nó khiến tâm can ta bừng cháy lên với những tư-tưởng hạnh-đạo, rất phấn chấn.
Tại Tu viện không tường rào ở John Main, tôi đọc được cuốn sách nói về chuyện để mất đi tính vị-kỷ và thấy mình đang ở trong lòng bàn tay kết-hiệp với Chúa, để trở nên một với Chúa và nên một với tất cả mọi người anh em. Rồi cứ như thế, cũng sẽ mất đi cái cảm-giác chia cách những người anh em. Tuy nhiên, có người lại suy-nghĩ ngược-ngạo là: gần gũi với anh em nhiều quá, rồi dần dà sẽ xa rời Chúa, vì không còn thì giờ để nguyện-cầu, gần gũi Chúa hơn.
Làm sao Chúa có thể thương yêu tôi cách đặc biệt được trong khi Chúa có hàng tỷ người để Ngài thương xót? Là thành viên của gia đình đông con, hẳn ai cũng biết thật khó lòng thương yêu cách đặc biệt, chỉ một người. Và trong mọi trường-hợp, bao giờ cũng thế, thương yêu riêng biệt cá nhân nào thôi, cũng đã không phải rồi. Có người lại còn nói: Chúa chỉ có thể đếm tới số 1 chứ làm sao đếm được con số 7, 8 tỷ người? Và, câu trả lời, phải thế này: khi ta có cảm giác là Chúa yêu mình, là ta kết-hiệp mật thiết với Chúa và với mọi người. Có như thế, ta mới hiểu thế nào là tình Chúa yêu thương chúng ta qua và trong tất cả mọi người, bởi ta chỉ là một tế-bào bé nhỏ trong thân mình lớn lao của Chúa. Ngài thương yêu tất cả chúng ta, còn vì ta thuộc vào mọi cơ-phận trong thân mình Ngài hệt như ta yêu quí mọi phần trong thân xác của ta chứ không chỉ từng bộ phận một, mà thôi” (xem Susie Hii, Burning Desire, The Majellan số tháng Tư-Sáu 2014, tr. 24-26).
Lời xác-chứng của tác-giả ở trên có khi càng làm ta thêm xác-tín về tình thương-yêu ta cần có với người anh em, chị em của ta; dù đôi khi mình chẳng bao giờ thấy được người ấy. Xem như thế, thì bí-kíp và ý-nghĩa của tình thương yêu người cận thân và cận lân, đều như thế.
Đó là, lý-chứng của tình thương yêu người đồng-loại ở nhà Đạo. Ở đời thường, cũng có những lý-chứng giống hệt thế, nhưng được diễn-tả một cách thơ mộng, như lời ca ở nhạc bản ta thường vẫn nghe vào độ xuân về:
“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”
(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)
“Mẹ chờ em trông”, và “bạn bè thương mong”, lại là tâm-tư người nghệ sĩ vẫn thường hát. Tâm-tư ấy, tình thương này, còn dàn trải cả nhiều nơi, nhiều chốn, rất chân phương, thời thượng mà người viết còn diễn ta-tả thêm là:
“Vấn-đề là làm sao ta kết-hiệp được với Thiên-Chúa? Hay nhất, vẫn là qua suy-tư và chiêm-ngắm, tức con đường dễ đi và cũng rất quen trong nhiều loại đường dẫn ta đi về nhiều hướng để đến với Chúa, như con người ở địa-cầu này từng khá-phá. Đường và lối thân quen nhất, được tác-giả John Main giới thiệu và đề-nghị vẫn là để ra chừng 20 hoặc 30 phút mỗi ngày hai lần như thế và sử-dụng các câu kinh, lời ngắm như để ta không bị lo ra chia-trí với những thực-tế của đời thường, rất cuốn hút.
Kết-hiệp với Chúa có thể thực-hiện ngang qua việc kiểm-soát hơi thở trong lúc ta tâm-niệm và nguyện cầu. Hít thở, là cung-cách mà cơ-thể của ta thường bị ý-chí của ta kiểm-soát chặt chẽ, dù ta có muốn thế hay không. Ta quan sát hơi thở qua từng cái hít vào và thở ra như thể ngắm nhìn giòng chảy ở sông ngòi vẫn thường thế.
Kết-hiệp với Chúa như thế rồi, ta còn khuyến-khích người khác tham gia cùng với ta làm cuộc hành hương vào tận tâm can của mỗi người và mọi người. Đó là khoảng cách xa xôi nhất ta có thể làm được. Xa xôi, còn hơn cả khoảng cách từ đầu chạy về tim, là khoảng cách dài nhất trong cuộc đời mà ít người nghĩ tới. Bởi, khi nghĩ chỉ là động tác suy-tư có ở trong đầu chứ chưa đến điểm tới ở tâm can tuy rất gần về không gian nhưng lại xa về thời gian, nên cứ xa mù tắp. Xa hơn nữa, còn là đi từ cái “tôi” của mỗi người mà mọi người đều đeo bám để sống sót và sống còn, để rồi mới trải dàn ra bên ngoài không giới-hạn, tức sự tự-do của Thần Khí. Cái khoảng cách rất ghê gớm từ nỗi hãi sợ và sở hữu để đi tới bình-an, yêu thương và vui vẻ. Chính đó, là ý-nghĩa thâm-căn của vấn-đề “bừng cháy trong tâm can”, với mọi người, trong kết-hiệp” (xem Susie Hii, Burning Desire, The Majellan Family, số tháng Tư-Sáu 2014, tr. 24-26).
Xem thế thì, suy-tư nguyện cầu kết hiệp với Chúa, và với người khác, là sự việc rất cần-thiết cho mọi người, ở đời vào lúc này. Chí ít, là thời buổi có quá nhiều thứ hấp-dẫn hơn những việc buồn-chán như thế, sau cách mạng truyền-hình và vi-tính, rất hiện-đại.
Suy-tư nguyện cầu có kết-hiệp, cũng tựa như nhu-cầu đọc sách và/hoặc nghiên-cứu những thứ khô khan/nhàm chán, như thần học.
Còn nhớ về câu chuyện-trò ngắn-ngủi được trao-đổi giữa Đức Phanxicô và chủng-sinh nọ thuộc Dòng Tên ở Rôma, khi Đức Giáo Hoàng hỏi ông thày dòng trẻ này đang tập-trung vào việc gì hơn cả, thì thày trẻ trả lời: là mình đang học thần-học căn bản, Đức Phanixô liền cười đùa và bảo rằng: “Tôi nghĩ trên đời này không có thứ gì còn nhàm và chán hơn cái môn khô khan này!” (x.Matthew Boudway, phỏng vấn Đức Hồng Y Walter Kasper hôm 7/5/2014 ở Rôma).
Đức Giáo Hoàng nói bông đùa cho vui thì nói thế, chứ vị đại diện cho ngài đã trả lời câu hỏi của cùng một phóng viên về nền thần-học thực-hành/thực-tiễn, lại vẫn bảo:
“Tôi không thấy có sự mâu-thuẫn nào giữa nền thần học tín-lý –là thứ tôi đã từng học biết- và thần học mục-vụ hết. Thần-học mà lại không có tầm-kích mục-vụ sẽ trở thành thần-học trừu-tượng. Thời của tôi, đó là điều quan-trọng rất cần-thiết mỗi khi tôi đi thăm các giáo-xứ, nhà thương hoặc các nơi như thế. Và khi tôi phụ-trách việc bang giao-giữa Công giáo và Thế Giới Thứ Ba, tôi có đi thăm rất nhiều khu ổ chuột ở Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh và châu Á và đối với tôi, các kinh-nghiệm ấy đều rất cần, là bởi Lời của Chúa không phải chỉ là tín-lý/tín-điều. Nhưng, còn là lời ngỏ với chúng dân. Công-việc thừa-sai/mục-vụ mà không có căn bản tín-lý vững-chắc thì không thể nào xảy ra. Bởi, thần-học ấy sẽ chuyên-quyền/độc-đoán, và chỉ là cung-cách hành-xử của người có bản-chất tốt lành, thôi. Thế nên, nền thần-học tín-lý và thần học mục-vụ lại tương-tác với nhau. Cả hai đều cần đến nhau và giúp nhau” (xem Matthew Boudway, bđd).
Nói khác đi, suy-tư nguyện cầu, bao giờ cũng cần có cơ-sở để kết-hiệp/hiệp-thông trong thương-yêu. Kết hiệp mà không yêu-thương chỉ là kết-hiệp giả hiệu. Cũng thế, suy-tư mà không có căn-bản, cũng chẳng là việc nguyện-cầu, kết-hiệp với ai hết. Chí ít, là với Chúa, với ta với cả bạn bè thân-quen trong Nước Trời là Hội-thánh.
Để minh-hoạ việc này, không gì bằng ta cứ trở lại với Lời Vàng, làm bằng chứng, như trình-thuật ở Tin Mừng thánh Luca, từng nói đến:
“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy,
quay trở lại Giê-ru-sa-lem,
gặp Nhóm Mười Một
và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.
Những người này bảo hai ông:
“Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”
Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường
và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.”
(Lc 24: 32-34)
Kết hiệp, là như thế. Suy-tư là như vậy. Như thế, tức là cốt lõi của Đạo Chúa nằm nơi sự thể người người đều suy-tư nguyện-cầu, có kết hiệp. Suy-tư nguyện cầu cùng với nhau, tức: có Chúa ở cùng. Và cũng là sinh-hoạt hành-xử để thực-hiện điều Chúa truyền-dạy cho mỗi dân con đồ-đệ khi Ngài về cùng Cha, để rồi lại sẽ gửi Thần Khí Chúa đến với dân con mọi người mà kết-hiệp hài-hoà rất suy-tư và nguyện cầu.
Kết-hiệp với nhau, trong nguyện cầu, là kết và hiệp trong vui tươi hoà hoãn suốt mọi thời, như truyện kể để minh-hoạ, minh-chứng và xác-thực điều cần-thiết rất như sau:
“Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen. Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ:
-Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?”
Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu.
Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai:
-Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!
Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp:
-Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú?
Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da
trắng ấy sẽ trả lời thế nào.
Người mẹ nói:
–Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của
chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?
-Vâng! Đúng ạ!
-Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?
Đứa bé nghĩ ngợi một lúc:
-Đúng thế mẹ ạ! Toàn là màu đen hết.
-Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không?
-Vâng!
Con trai đột nhiên ngộ ra và nói:
-Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy.
Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ:
-Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nỗi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều!
Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói:
-Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ cũng cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là
người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của
bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành-tựu khác. (trích truyện kể ê hề ở trên mạng)
Da trắng hay da đen. Có cầu-nguyện hay không nguyện cầu, cho nhau. Vẫn là chuyện thường ngày xảy ra ở huyện dân đen, ngoài phố chợ. Huống chi là ở nhà Đạo chốn phố-phường sầm-uất rất bận rộn.
Cầu-nguyện ê-a tà tà đầy kinh kệ, hoặc nguyện-cầu chốn im ắng đầy kết hiệp, lại là hành-xử riêng-tư của mỗi người, và mọi người. Cũng như thế, lân-la kết-hiệp với thi-ca/âm nhạc cũng là con đường tắt để ta kết-hiệp với Chúa và với người phàm, vẫn là động-thái tư riêng như tôi như bạn, vẫn cứ bảo. Quyết thế rồi, xin bạn và tôi, ta cứ thế mà cùng người nghệ sĩ, lên tiếng hát nốt ý/lời của câu kết, rằng:
“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”
(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)
Hát thế rồi, ta cứ thế hiên ngang đi vào nguyện-cầu, cùng Chúa, với anh em.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn nhắn mình
và nhắn người
rất như thế.
Tags: Tản-mạn-suy-tư
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT PHỤC SINH B
- CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN III MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 1 MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN IV MÙA VỌNG
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN A
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN A