CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TUẦN 5 TN A

Written by xbvn on Tháng Hai 7th, 2014. Posted in Mai Tá

“Đêm qua ra đứng bờ ao,”
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai.”

(Văn Phụng – Đêm Buồn)

(Lc 2: 21)

            Nếu bạn và tôi, ta thử tưởng tượng một tình huống trong đó có đấng bậc anh-hùng nọ xuất thân là người Do-thái nay trở về thăm quê nhà vời vợi, bèn “ra đứng bờ ao trông cá, cá lặn trông sao, sao mờ”; thế rồi lại còn cất tiếng hát những câu lạ kỳ, như sau:

“Buồn trông chênh chếch sao Mai
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ.
Đêm đêm tưởng giải Ngân Hà.
Ngôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn.
Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.”

(Văn Phụng – bđd)

Đã “buồn trông chênh-chếch sao Mai”, lại thấy nhớ thứ gì đó, ông bèn ới gọi: “Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ”, nhớ như thế không chỉ mỗi “Ngôi sao Tinh Đẩu” mà thôi, nhưng là nhớ rất nhiều thứ/nhiều chuyện hơn nữa. Nhớ cả chuyện “Tào Khê nước chảy, vẫn còn trơ trơ”, và những chuyện luật lệ căn bản để trở thành người Do-thái chánh hiệu, như nhận định của đấng bậc vị vọng là thày dạy, hôm nào khi giảng giải:

“Ngay từ đầu, thánh Phaolô đã được hai thánh tông đồ hàng đầu là Phêrô và Giacôbê đồng ý về nhiều chuyện; chí ít là chuyện không nên buộc các tân tòng vừa vào Đạo phải qua thủ tục ‘cắt bì’…

Có thể, thánh Giacôbê lúc đầu cũng chọn lập trường thứ hai, tức: người ngoài Đạo muốn trở lại, buộc phải qua thủ tục ‘cắt bì’ vì khi trước họ cũng đâu buộc phải chịu “cắt bì” khi sống chung với người Do-thái cho đến lúc cuối, trước khi vào Đạo…”

“Cả bên trong nội bộ Hội thánh ở Galát cũng như ngang qua các vị trước đây từng gia nhập đoàn/nhóm của thánh Giacôbê, khi đó đã thấy mọi người đều cổ võ lập-trường chủ-trương rằng: tân-tòng nào vừa hồi-hướng trở về, đều phải thông qua tục lệ “cắt bì”, như mọi người. Thế nên, chuyện dễ thấy nhất, là: sự việc ở đây đã đính kết với thói tục địa phương. Nhiều người hẳn sẽ hỏi: nếu ta cổ võ những chuyện như thế, thì tại sao ta lại có thể hội nhập với nền văn hoá sở tại được? Nhiều vị lâu nay từng gây khó khăn hoặc trực tiếp khuấy động ở nhiều vụ –tức các bạn đạo thuộc nhóm Giacôbê- đã đến Galát sau thời gian thánh Phaolô lưu lại nơi đây, lần chót. Họ được coi như tín hữu Đạo Chúa gốc Do-thái-giáo. Các vị chủ trương áp dụng luật Torah khá triệt để, và cả đến tục “cắt bì” cũng như luật ăn đồ cúng kiếng đối với người ngoại giáo vừa trở lại, nữa…”

Vấn đề đặt ra chẳng là chuyện thứ yếu, ít quan trọng. Nhiều vị –nếu không muốn nói là hầu hết- là thành viên của nhóm bạn đạo ở Galát trước đây kính sợ Chúa, tức những người ngoài Đạo nay trở thành dân con Thiên Chúa của Israel, nhưng lại không muốn thành người có gốc Do-thái-giáo vì họ chẳng ưa thích gì tục “cắt bì”, cũng vì thế. Họ là người được thanh tẩy là cốt để dấn thân vào với cộng đoàn dân con của Chúa nhưng lại không muốn chịu phép “cắt bì”, mỗi thế thôi. Hỏi rằng: như thế phải chăng họ vẫn là người ngoài Đạo? Họ có là con cháu Abraham cùng đấng thánh tổ phụ không? Họ có thực sự chung cùng một Giao ước lành thánh với Chúa chứ?” (Xem Lm Kevin O’Shea, Phaolô, Vị thánh của mọi thời, nxb Tôn giáo 2013, tr. 182-188).

Tiếp tục tưởng tượng người hùng Do-thái-giáo nói trên, giống bất kỳ tân-tòng nào vừa mới nhập Đạo Chúa, thời tiên-khởi cũng sẽ tự hỏi xem thói-tục “cắt bì” là gì, mà ghê gớm thế?

Giáo dân tân-tòng hôm nay, có thể sẽ không buộc phải như thế nữa. Nhưng, khi tiếp cận Kinh Sách của Đạo Chúa, hẳn cũng có những lần giáo dân của ta cứ tự hỏi mình/hỏi người những câu, giống dân con nhà Đạo ở Sydney, hỏi “ông” cha ở Tuần Báo The Catholic Weekly những câu tương-tự, như sau:

“Thưa cha,

Con nhớ: khi xưa phụng vụ Đạo mình cũng để ra một ngày đặc biệt như ngày Đầu Năm Dương Lịch để cử hành thánh lễ kính nhớ việc Chúa chịu phép “cắt bì”. Nay, ngày ấy được thay thế bằng lễ “Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”, rất long trọng. Vậy hôm nay, con kính hỏi cha xem lý do tại sao Đạo Công giáo ta từng tổ chức thánh-lễ long trọng là thế, nay lại bỏ, như thể tức là Hội thánh của ta không còn muốn nhắc nhở gì chuyện ấy hết, sao?” (Câu hỏi của một người ở Sydney, biết rất ít về thần học và lịch sử Đạo).

Là thần dân đi Đạo mà lại nói “biết rất ít về thần học và lịch sử Đạo” nhưng nhớ nhiều về phụng vụ vào dạo trước, thì chỉ có thể là dân “ta ru” tức tu ra mà thôi. Nhưng, không sao. Tu ra hay tu vào, cũng vẫn là tu miễn đừng “tu hú” hoặc “tu huyền tù” ở thế giới tục trần, dần dần rời xa Đạo là được. Vậy thì, ta cứ thử nhín chút thì giờ mà xem đấng bậc vị vọng có trọng trách giải đáp thắc mắc của tuần báo trên giải quyết ra sao. Và, giải quyết là giảng giải và nhất quyết rằng:

“Đúng như anh/chị nói, khi xưa vào ngày Đầu Năm Dương Lịch, Hội thánh có thói quen cử hành Lễ Chúa Chịu Phép Cắt Bì. Đây là ngày giờ rất thích hợp cho sự kiện xảy ra cách đích thực. Bởi lẽ sự kiện ấy xảy ra đúng một tuần lễ sau khi Chúa sinh ra đời đúng theo luật của tất cả bé trai Do-thái đều phải làm thế và khi ấy bé sẽ được đặt tên như mọi người. Thánh-sử Luca mô tả việc ấy rất rõ như sau:

“Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.” (Lc 2: 21)

Việc Chúa chịu phép cắt bì có nguồn gốc và ý nghĩa tuợng-trưng cũng rất hay. Tục lệ này bắt nguồn từ thời tổ phụ Abraham, tức chung quan niên-đại 1900 trước Công nguyên. Sách Sáng Thế Ký có ghi lại sự kiện khi ấy Abraham đã 99 tuổi, được Chúa lập Giao-ước hứa với ông là sẽ cho ông sinh con đàn cháu đống và ban cho đất Canaan làm sở hữu đến mãn đời. Cùng lúc ấy, Ngài đổi tên ông từ Abram thành Abraham (x. Stký 17: 1-8). Ngài còn dạy ông rằng:

“Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì.11 Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu: đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi.12 Sinh được tám ngày, mọi con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì, từ thế hệ này qua thế hệ khác, kể cả nô lệ sinh trong nhà, hay nô lệ các ngươi dùng bạc mà mua của bất cứ người ngoại bang nào không thuộc dòng dõi các ngươi.13 Buộc phải cắt bì nô lệ sinh trong nhà cũng như nô lệ mua bằng bạc. Giao ước của Ta ghi dấu trong xác thịt các ngươi, sẽ thành giao ước vĩnh cửu.” (x. Stký 17: 10-13)

Kể từ đó, coi như dấu hiệu của Giáo ước giữa Chúa và loài người, tất cả các bé trai đều phải đem “cắt bì” vào ngày thứ 8 sau khi sanh; và việc này trở thành khuôn khổ để đi vào Giáo ước giống như việc người Kitô-hữu hôm nay lĩnh-nhận ơn thanh tẩy, vậy. Đến thánh Phaolô cũng lấy làm kiêu-hãnh về tục-lệ này của dân Do-thái khi thánh-nhân bảo: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu”.(Phil 3: 5) Xem như thế, thì “cắt bì” làm cho người Do-thái khác với dân ngoại, tức những người chẳng bao giờ chịu tuân theo tục-lệ này hết.  

 Vì thế nên, việc Chúa chịu phép “cắt bì” chứng tỏ Ngài là người thật, được sinh ra từ người nữ thuộc giống giòng Do-thái là xứ sở Ngài hạ sinh để cứu vớt họ. Chúa tuyển chọn dân riêng của Ngài như sách Cựu ước đã chứng mình là để chuẩn bị con đường cho Con Một Ngài Nhập thể làm người là Đấng Mêsia đã được xức dầu ngõ hầu giải-thoát mọi người khỏi mọi tội lỗi họ mắc phạm và kiến tạo Giao ước mới với họ một cách dứt khoát.

Việc Chúa chịu phép cắt bì còn có giá trị tượng-trưng rất lớn. Đó là việc Ngài chấp-nhận đổ máu Ngài lần đầu tiên song song với việc tên lính hầu La Mã đã đâm thủng “nương long” Ngài khi Ngài kêu “khát nước” trên thập tự/khổ giá (x. Ga 19: 34). Việc này còn cho thấy trước giòng thanh-tẩy nhờ đó mọi Kitô-hữu cũng được chung phần đi vào với Giao ước của Chúa. Về việc này, thánh Phaolô còn viết thêm, như sau:

 “Trong Người, anh em đã được chịu phép cắt bì, không phải phép cắt bì do tay người phàm, nhưng là phép cắt bì của Đức Ki-tô, có sức lột bỏ con người tội lỗi của anh em.12 Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.(Col 2: 11-12)

 Khi Chúa chịu phép cắt bì, Ngài được đặt tên bằng danh-tánh mà thần-sứ đã báo cho cả thánh Giuse (Mt 1: 2) lẫn Đức Mẹ nữa (Lc 1: 31). Danh-tánh Chúa Giêsu có nghĩa: Ngài là Đấng Cứu Thế, cho nên thần-sứ mới báo cho thánh cả Giuse rằng: Trẻ này sẽ được gọi là Giêsu, bởi “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. (Mt 1: 21)

 Lễ Chúa Chịu Phép Cắt Bì khi xưa được cử-hành vào ngày thứ 8 sau Giáng sinh, tức đúng nhất vào ngày 1 tháng Giêng Dương lịch, kể từ các thế kỷ đầu đời. Lễ Giáng Sinh lần đầu được mừng vào ngày 25 tháng Chạp sớm nhất vào thế kỷ thứ 4. Bởi lẽ, ngày 1 tháng Giêng là ngày đầu năm mới của Tây Lịch, nên Lễ mừng dành cho Kitô-hữu khi ấy đụng phải lễ hội của người ngoại giáo cũng mừng cùng một ngày, như người đời vẫn giữ tập-tục này cho đến hôm nay. Theo nghi-thức của người Gals thì Lễ Cắt bì khởi sự được cử hành từ thế kỷ thứ 6 và theo lịch của người sắc tộc Byzantin là vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9. Từ thế kỷ thứ 7 ở Rôma, mọi người ở đây cũng có thói lệ mừng ngày Bát Nhật Giáng Sinh cũng vào dịp ấy.

 Dù lễ này được gọi là Lễ Chúa Chịu Phép Cắt Bì, nhưng nội dung phụng vụ thánh lễ lại bao gồm nhiều điều nói đến Đức Mẹ. Cho đến năm 1960, lịch Công giáo La Mã vẫn có thói quen cử hành lễ Chúa Chịu Phép Cắt Bì vào ngày 1 tháng Giêng dương lịch và Bát Nhật Giáng Sinh trong cùng một ngày như thế. Sau lần duyệt xét lịch Đạo từ năm 1960, ngày 1 tháng Giêng được gọi một cách đơn giản là Lễ Bát Nhật Giáng Sinh, thôi. Nhưng cuối cùng thì, theo Lịch Công giáo La Mã ấn hành từ năm 1969, lễ này trở thành Lễ trọng gọi là Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng vẫn được qui chiếu làm Lễ Bát Nhật Giáng Sinh. Điều này phù hợp với sự việc ta cử hành mừng kính vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ rơi vào đúng Bát Nhật Giáng Sinh, khi ta cử hành Sinh Nhật của Con Thiên Chúa làm người. Và thêm nữa, lễ mừng Tên thánh của Chúa Giêsu được cử hành vào ngày 3 tháng Giêng mỗi năm, như sự thường.” (xem Lm John Flader, The Circumcision of Christ, Question Time, The Catholic Weekly 29/12/2013)

 Xem thế thì, “Cắt Bì” hay cắt “da qui đầu” theo cổ lệ của người đi đạo Do-thái-giáo, là như thế. Như thế, tức như thể: mỗi khi gia-nhập nhóm hội/đoàn thể nào đó ở xã-hội, người người đều thấy người gia-nhập buộc phải tuân theo một số qui-định hoặc qui-luật nào đó, cho thuận lợi. Thuận lợi càng nhiều, thì xã-hội ấy/đạo-giáo ấy càng có cơ phát-triển và nổi tiếng.

Tuy nhiên, càng nhiều luật-lệ hoặc càng bó buộc nhiều vào qui-định này khác, thì đạo ấy/xã-hội nọ lại sẽ có cơ bị nhiều người có lập-trường hoặc quyết-tâm đối chọi, rồi từ từ cũng sẽ từ-bỏ hoặc lơ là cả luật-lệ hoặc tục-lệ, giống như thế.

Tương tự như thế, vừa qua, toà thánh La Mã lại đã đề cao cảnh-giác một số tục-lệ được nhiều người ở trời Tây “đổ xô” hoặc rủ rê nhau tìm đến với lý lẽ để duy trì lòng tin/yêu hoặc “lòng đạo” xưa nay vẫn có. Lời cảnh-báo, có ghi rõ như sau:

 “Bộ trưởng Thánh Bộ Tín Lý đã cảnh-báo người Công-giáo Hoa-Kỳ về việc các vị này hay tham dự các lễ lạy mừng kính điều mà nhiều người cho rằng Đức Mẹ cũng đã hiện ra ở Medjugorje, xứ Bosnia-Herzegovina.

 Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano, sứ thần Toà thánh, có viết cho ngài Ronny Jenkins, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ và nhắc nhở ông về chuyện Đức Mẹ hiện ra ở đây lâu nay vẫn chưa được Toà Thánh La Mã xác-chứng coi đó là việc đúng thực.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Vigano có viết trong thư luân-lưu của ngài những điều như sau: “Hàng giáo sĩ cũng như giáo-dân của ta không được phép tham-dự bất cứ buổi họp mặt, hội-thảo, mừng kính công-khai nào có dụng đích khiến mọi người tin rằng việc Đức Mẹ hiện ra ở nơi đó, là sự việc được Hội thánh công nhận”. Thư nhắc nhở của Đức Tổng Giám Mục Vigano cũng được gửi đến Đức Tổng Giám Mục Gerhard Muller, Chủ Tịch Thánh bộ Tín Lý trong thư ghi rõ: “đến nay chưa có khả năng để cam kết rằng có sự việc Đức Mẹ hiện ra ở đây hoặc Mẹ có mặc-khải điều gì rất siêu nhiên”.

Cùng lúc Toà thánh La Mã nói rằng: các giáo-phận không được phép tổ chức bất cứ cuộc hành-hương nào đến Medjugorje, nhưng vẫn thêm rằng: người Công giáo vẫn có tự do đến thăm thị trấn này và/hoặc đến đó mà nguyện cầu và có điều nữa là: Giáo phận Mostar-Duvno và thủ phủ do các tu sĩ Dòng Phanxicô trông nom vẫn có bổn phận trông nom chăm sóc về mục vụ cho giáo dân ở đây.” (xem Bản tin có tựa đề: Don’t attend Medjudorje meetings, Vatican warns,  The Catholic Weekly 17/11/2013 tr. 4)         

 Hôm nay, bần đạo cũng có dịp “ra đứng bờ ao” nào đó, nhưng không là ao nhà, mà là ao người mãi tận xứ Ba-Tư cứ suy-tư rất ư là vô tư-lự rất nhiều giờ về câu nói của cụ hướng-dẫn-viên du lịch người Iran đã nói trong lúc diễn-giải lịch-sử của đất nước từng được gọi là “ngàn đêm lẻ xứ Ba-Tư” rằng: phụng-vụ trong Đạo Công-giáo ta cũng đã vay mượn một số tập tục của đạo thờ thần lửa khi xưa gọi la Zoroastrian…”

Tiếc một điều, là vị ấy không đan-cử trường hợp nào làm chứng-cứ hỗ trợ lời khẳng định của mình. Nay, khi ra đứng bờ ao của xứ lạ quê người, bần đạo lại cũng nhớ có lần bậc thày dạy Kinh thánh từng nói Khi xưa các bậc thánh-sử của Đạo mình khi viết Kinh-thánh cũng có đưa một vài tập tục dân gian ở đời vào bài viết của mình. Và sau này, Hội thánh dùng đó đưa vào Cựu Ước và một số vào Tân-ước. Lại rất tiếc, hôm ấy cha giáo Kinh thánh Nguyễn Thế Thuấn không nói rõ đọan ấy là đọan nào.

Nay suy nghĩ nhiều bên bờ ao, hôm nào, bần đạo đây lại quay về bài ca trên mà hát thêm:

 “Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá, cá lặn trông sao, sao mờ

Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai

Buồn trông chênh chếch sao Mai

Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ.”

(Văn Phụng – bđd)

 “Trông cá, cá lặn; trông sao, sao mờ” chắc chắn không phải là và cũng không giống như câu nói của ai đó vẫn cứ bảo mình “trông gà hóa quốc”. Hôm nay đây, bần đạo cũng đã trông và thấy, một bài thơ rất “mờ mờ” của ai đó, có giòng chữ như sau:

 “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui.

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi.

Lợi danh như bong mây chìm nổi.

Chỉ có tình thương để lại đời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương.

Tình người muôn thuở vẫn còn còn vương.

Chắt chiu một chút tình thương ấy.

Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường…”

(x. thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tìm gặp trên điện thư và trang mạng, ở đâu đó)

 Bần đạo nhớ: bài thơ trên cứ ghi thêm các câu có những vận như: “hãy cứ chơi”, “hãy cứ cười”, “hãy cứ chào”, “hãy cứ say” và “hãy cứ đi” … để rồi người luận thơ kết luận bằng một ý nghĩ vẫn cứ bảo: “Khi vui, luôn có nhau trong tình tri kỷ. Lúc buồn, cũng có nhau trong tình thương ái tương thân, nói với nhau những lời yêu thương dịu ngọt, cho nhau những nụ cười, những niềm vui, những ngọt bùi, để khi theo quy luật tự-nhiên, luật vô thường, mọi vật đều có thể mất đi, thì “chỉ có Tình Thương để lại đời”… (người luận thơ ký tên: GS TS Trần Văn Khê)

Trong giòng chảy suy tư giống như thế, bần đạo lại bắt gặp câu truyện của ai đó có nhan đề “Họa và Phúc” do bạn bè gửi đến, như sau:

 “Có một vị quốc vương, khi ra ngoài đi săn không may bị đứt một ngón tay, mới hỏi vị đại-thần thân-cận nên làm thế nào? Đại-thần nói với giọng lạc-quan nhẹ nhõm: Đây là việc tốt! Quốc vương nghe vậy giận lắm, trách ông hí-hửng khi thấy người khác gặp nạn, vì thế ra lệnh nhốt ông vào đại lao.

Một năm sau, quốc vương lại ra ngoài đi săn, bị thổ-dân bắt sống, trói vào đàn tế, chuẩn bị tế thần. Thấy phù-thủy đột nhiên phát hiện quốc vương khuyết mất một ngón tay, cho rằng đây là vật tế-thần không hoàn chỉnh, bèn thả quốc-vương ra, thay vào đó lấy viên đại-thần tùy-tùng làm vật hiến-tế.

Trong niềm vui thoát nạn, quốc vương nghĩ tới viên đại thần vui vẻ từng nói rằng: mất ngón tay là việc tốt, liền ra lệnh thả ông, và xin lỗi vì đã vô cớ bắt ông chịu nạn một năm trong ngục tối. Vị đại thần này vẫn lạc quan nói: “Cái họa một năm ngồi tù cũng là việc tốt, nếu như tôi không ngồi tù, thì thử nghĩ vị đại thần theo người đi săn mà bị lên đàn hiến tế kia sẽ là ai?

Bởi vậy, việc tốt chưa chắc đã tốt hòan tòan, việc xấu cũng chưa chắc xấu hoàn toàn. Mọi việc trên đời đều có thể trở thành tốt xấu. Người bi quan mãi mãi nghĩ đến mình chỉ còn một triệu đồng mà buồn lo; người lạc quan vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mình vẫn còn mười ngàn đồng…”

Họa là gốc của Phúc. Phúc là gốc của Họa. Họa-Phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái kết quả của nó. Hai điều Họa-Phúc cứ xoay vần với nhau, khó biết được, nên khi được Phúc thì không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái Họa sẽ đến, khi gặp điều Họa thì cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn hại tinh-thần. Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên cần giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm, trong cuộc sống…” (trích bài viết của một người không ký tên, trên mạng về “Họa & Phúc”)

Bần đạo đây, nay trích dẫn đôi điều ở trên là để phiếm khi gặp vấn đề này khác, như: “cắt bì”, “tri kỷ”, “họa-phúc” xuất hiện ở bài thơ, bài báo lẫn câu nhạc đây đó giúp mình có được những suy nghĩ cho riêng mình. Rồi từ đó, hiên ngang sống đời còn lại để cùng với bạn đạo khác thực hiện một vài động-tác gọi là “tái rao giảng Phúc Âm” theo cương vị của mọi người như đề nghị của Đức đương kim Giáo Hòang mới đây từng đề xuất.

Nghĩ thế rồi, bần đạo bắt chước người nghệ sĩ trên, dù có hát như sau, nhưng không buồn:

“Đêm qua ra đứng bờ ao,

Trông cá,cá lặn; trông sao, sao buồn.

Buồn trông con nhện giăng tơ,

Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai.”

(Văn Phụng – bđd)

Những mong rằng: mối nhện ấy không là mối tơ vương của nhện buồn, nhưng lại là mối nhện rất thân thương của tình thương yêu trầm lắng, vẫn cứ giăng.

Trần Ngọc Mười Hai

Dám học hỏi nhiều điều

Từ chú nhện giăng tơ

Lẫn mạng lưới tình thương

Vẫn đang chờ.

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31