CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN

Written by xbvn on Tháng Bảy 16th, 2013. Posted in Mai Tá

“Tóc mây ngang bờ vai
Em dáng gầy nho nhỏ
Nụ cười sao ngất ngây
Thương em từ dạo ấy.”

(Đức Huy – Tình Yêu Lần Cuối)

(Mt 28: 19)

            “Thương em từ dạo ấy!” Thế đó là giòng chảy thơ/nhạc, thật rất hay. Nhưng sao, người viết lại gọi đó là “Tình Yêu Lần Cuối”, mà không là tình yêu suốt đời? Thôi thì, lần cuối hay lần đầu, âu cũng là tình thương và yêu, rất mỹ miều. Tình thương yêu của bạn/của tôi, lại cũng có những đường biểu diễn đẹp như sau:

 “Bước chân em tung tăng,
Ðôi mắt hoài mơ mộng.
Một trời thơ với trăng,
Cho Cuội thương chị Hằng.”

Tung tăng những bước chân, rồi cứ thế hát tiếp những lời âu yếm, đến là hay:

 “Hôm đầu anh gặp em,

nghe rộn ràng niềm vui đến mau.
Anh về ôm đàn,

viết khúc nhạc tình nào anh biết đâu.
Xin yêu em như yêu lần cuối,
Ðón đưa em vào trong cuộc đời.
Tình yêu lần cuối, là một lần trăm năm.”

(Đức Huy – bđd)

 Vâng. Đó chính là vấn đề. Vấn đề, của người viết nhạc chứ không phải của bần đạo bầy tôi đây, chỉ viết lách. Bần đạo đây, thật ra, lách nhiều hơn viết những giòng chảy, rày như thế. Chắc chắn một điều, là bần đạo đây sẽ chẳng bao giờ viết và lách, những là: “tình yêu lần cuối, là “một lần (những) trăm năm”.

Hôm nay, bạn và tôi hay ai đó, lại cũng có những cuộc tình, sẽ chẳng gọi là: “lần cuối “trăm năm”, đâu. Bởi, trăm năm hay trăm tuổi, là tuổi dài của tình yêu nhiều lóng lánh như giòng nhạc còn kể rõ:

 “Ánh sao đêm lung linh,
Ðôi mắt bồ câu huyền,
Nhìn em trong thoáng giây,
Nghe thương về từ đây
.  

(Đức Huy – bđd)

             Vâng. “Nghe thương về từ đây”, còn là tâm tình và quyết tâm học được từ bậc thày đại sư như lời kể trong truyện, ở dưới:

 Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư. Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.

 1. Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

2. Thứ hai, “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.

3. Thứ ba, “học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

4. Thứ tư, “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

5. Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!

6. Thứ sáu, “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

7. Thứ bảy, “học sinh tồn”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.” (trích truyện kể do bạn bè vẫn gửi về.”

 Vâng. Truyện kể trên, vẫn là lời khuyên của vị sư phụ bậc thày chuyên chiêm niệm về những điều cần học, vẫn rất quý. Thế nhưng, giả như bạn và tôi, ta lại cứ hỏi xem bầu bạn ở đời, có giống như bậc thày/đại sư vẫn chiêm và niệm xem ta cần học gì ở đời người? Chắc chắn câu đáp trả ở đây sẽ là: học biết về tình yêu. Yêu người, yêu đời và mọi thứ, cả những thứ/những sự là mọi vật ở trong đời. Những thứ và sự, như tâm tình/tự sự, bằng giòng thư sau đây:

 “Bạn hiền Đá Tảng “Uluru” miền Bắc Úc thân yêu,

 Những điều mình viết ra đây, đều nghiêm trang, nghiêm túc, nhưng không nghiêm nghị. Bởi, với tư cách là chốn miền được nhiều người biết bến viếng thăm như bạn, mình thấy vẫn nên có đôi ba tâm tình nhắn nhủ nhau rằng: mình rất phục bạn và mến bạn lắm đấy.

 Quả thật, làm thân “sòng bài” như mình, coi vậy mà chẳng sướng gì đâu. Nhiều lúc cứ thấy dân tình ở đời, lại vẫn nghĩ: đời mình chỉ toàn những ngày sướng vui những nói cười; vì nhiều người tìm đến, cũng buồn cười. Buồn mà vẫn cứ cười được, là bởi những người như họ cứ xum xê chạy đến chỗ mình, rồi vung tiền cho lắm cũng chỉ để mua sắm nụ cười thâu đêm không thấy chán. Tuy nhiên, nơi đời mình vẫn có hố sâu thăm thẳm sầu-buồn khó lấp đầy. Ngày lại ngày, mình chỉ phát triển mỗi thói tật thật không đẹp, cứ là nuốt trôi nuốt chửng hết người này rồi lại vùi dập nhiều người khác, đưa học vào chốn đổ nát, không ngừng nghỉ. Quả thật, đến với mình hầu hết là những người mê say, nghiện ngập cứ tưởng rằng rồi ra sẽ có được giờ phút sướng vui, mà sự thật lại chẳng biết; hễ đến đây nộp mạng, thì mình đây vẫn cứ bòn mót, bóc lột, khai thác túi tiền của mọi người rồi lại sơi tái cả hồn linh họ, xong vứt bỏ hết mọi khúc xương mục nát, không thương tiếc. Việc mình làm, suốt ngày/đêm chỉ mỗi thế. Chẳng cần học hỏi thêm điều gì khác lạ hơn. Thành ra, mình nay lại đã lâm vào tình trạng bế tắc sầu buồn, rất khó sửa.

 Lâu nay, do khéo che đậy tình cảm bằng việc tặng cho người đến sòng bài của mình, vài bữa ăn rẻ rúng, miễn phí; có khi còn tặng không/biếu không những là: thịt thà, khoai rán cho trẻ nít, để chúng ăn hoài không biết chán. Làm thế cũng đã nhiều, nên lúc này mình đã nản chí nam nhi lắm rồi, bạn ạ. Mẫu mã quảng cáo của chủ sòng cứ lải nhải bảo rằng: nhiệm vụ của mình chỉ là kích thích dân chúng xích lại gần nhau, ở bên nhau; dù chỉ ít phút cho quên sầu. Nhưng sự thật, đâu phải thế. Mình vẫn hay chơi trò úp mở thần sầu, khiến vợ chồng cùng gia cang nhà họ chém giết nhau, chôn nhau trong mảng tối có mỗi lằn sáng leo lắt nơi bàn đánh bạc, khiến họ mờ mắt, chẳng thủ thân, thủ thế. Mình khoái chí, nên đã tặng cho người mê bài bạc cái thứ âm nhạc rẻ tiền lặp đi lặp lại chỉ một điệu, từ máy kéo. Thú thật với bạn: thay vì tạo hạnh phúc cho người chơi, bọn mình cứ “câm như hến” để họ tha hồ rơi vào chốn mộ phần hiu hắt, tối tăm rồi tự đóng nắp hòm chôn đời họ.

 Cuối cùng, mình nhận ra được chân lý này: quả thật, dù là Đá tảng vô tri ở miền Bắc nước Úc có Thổ dân tôn thờ như thần thánh, bạn vẫn là tất cả; còn mình chẳng là gì hết. Bạn tuy vò võ chốn sa mạc nóng bỏng, không ai thích. Còn mình, tuy sừng sững bên cầu-cảng Sydney trị giá cả bạc triệu cũng chỉ để đứng làm vì để còn nói với mọi người rằng: dân bản địa giống giòng Thổ dân đã có mặt ở đây cả triệu năm sinh sống, mãi đến khi đám “Da trắng” từ châu Âu tràn đồng trờ tới, đã biết ngả bài ngả bạc ra mà kiếm chác cho qua ngày đoạn tháng. Thổ dân bản địa cũng biết rõ mối hiểm nguy khi họ đọc được tương lai mai ngày từ đất đá, chứ không qua cây bài lá bạc, như mình đây. Ở nơi này, cũng có hành lang trưng bày đồ lưu niệm, để khách du mua sắm đôi thứ làm quà, gồm đồ thủ công do Thổ dân tạo tác khiến khách du cứ tưởng làm thế đã đủ trả nợ quỉ thần bằng tiền mình thắng bạc.

 Mãi về sau, mình nghe thiên hạ lại kháo láo với nhau rằng: chàng trai giòng họ Packer lại những muốn dựng thêm một tòa nhà đồ sộ hơn nữa, toạ lạc ngay sát đại sảnh của mình để moi móc thêm tiền lời tại địa điểm mang tên Barangaroo, tức: tên một nữ phụ vốn là vợ hiền của Thổ dân Bennelong khi người châu Âu đặt chân tới. Phải công nhận: danh tánh giòng tộc Barangaroo đầy sử thiêng, diệu kỳ, là chốn thánh để người Thổ dân gặp nhau thờ bái. Mình lại cũng nghe nói: nơi đó còn được gọi là “Dặm Sơn Khê Chốn Miền Đói Kém” kéo dài từ những ngày Đại Suy Thoái. Cũng ở nơi đó, năm 2008, người Công giáo khắp nơi đã mời bậc Trưởng Thượng của họ từ Rôma đến, tổ chức lễ-hội đình đám cho giới trẻ. Nay, thì người trẻ khác mang họ Packer, tên James lại những muốn xây thêm một sòng bài cao ngất 40 tầng lầu, lớn hơn đây; để rồi, như lời anh ta nói: ‘sẽ hốt bạc triệu nhiều hơn sòng của mình nữa!’ Thế mới chết! Mọi người đến đây vui chơi đều nói thế, nhưng sự thật không phải thế đâu bạn hiền Đá Tảng Uluru thần thánh của mình ơi!

 Mình rất thán phục dáng-vẻ của bạn cứ sừng sững đứng trụ trên nền đất đỏ, chẳng cần giả dạng như mình đây cứ che đậy mặt mũi, còn trơ trẽn. Cả triệu năm bạn đứng đó, làm chứng-nhân cho những người chợt đến rồi đi, quyết tạo dáng cho bạn thành đất đá rất thánh. Mình đây, có cảm tưởng chỉ tạo mỗi lợi điểm là lôi cuốn người đến du hí, thôi. Còn bạn, bạn chẳng cần làm như thế mà mọi người vẫn cứ đến, với bạn. Trong người mình đây, gồm toàn hang động, ngõ ngách khiến người chơi bài/đánh bạc chỉ tìm cảm giác kín đáo/giấu tên, trong khi bạn lại kiên vững, mực thước, hấp dẫn. Chẳng thế mà, người Thổ dân mới dùng từ-vựng “linh thánh” đặt tên cho bạn. Thổ dân các bộ tộc đều có chiều sâu, ngõ hầu đáp lời bạn kêu mời chẳng bắt buộc ai phục lụy, thế mà bạn vẫn cứ tạo niềm vui nơi người thưởng lãm qua nét đẹp của đất đá. Trong khi đó, mình đây lại phải xoa bóp cái “tôi” nhỏ bé này để lôi cuốn dân ghiền đến kéo máy. Bạn vĩ đại hơn bất cứ ai, nên dân bản địa xem ra đã hiểu bạn. Bạn còn giúp họ tạo sắc thái lịch sử, hiểu được chiều sâu thực tại. Còn mình, chỉ biết trở thành “đồ chơi” mua vui cho thiên hạ, mà thôi.

 Dù gì đi nữa, mình vẫn muốn ganh tị với bạn. Mình còn lưu giữ ở hành lang nơi đây tấm ảnh chụp toàn bộ hình-hài đồ-sộ của bạn để mọi người chiêm ngưỡng đặc trưng/đặc thù bạn vẫn có. Đặc trưng, là: tính giản đơn, thật thà và cung cách hoành tráng của thực tại mà bạn sẻ-san với Thổ-dân để trở thành một phần của thế giới. Mình đây không thể nào trích-dẫn nhiều hơn nữa, những điều kỳ-quặc mà xem ra đang đến với mình và người chơi bài. Điều đó có nghĩa: những nguời đến với bạn không là kẻ chơi bài/nghiện ngập, mà là người bình thường cảm kích tính đặc trưng/đặc thù của bạn, thôi

 Chúc bạn nhiều may mắn hơn mình.

Sòng bài Sydney”

(xem. Michael McGirr, A Letter to Uluru, Australian Catholics Winter 2013, tr. 9)                    

 Thư bạn viết, có là “thư tình sẻ san một nhận định”, không? Nhận định bạn từng bảo, có là nhận và định về thói hư/tật xấu của những người dư thì giờ và tiền bạc ở chốn vui chơi tìm sảng khoái không chứ? San sẻ tâm tình và nhận định ở đây, không chỉ là chia sẻ và san sớt những gì mình từng vui hưởng để bạn bè/người thân biết mà cảm kích.

Lại có những sẻ san về kinh nghiệm đời rất giống một cảm nghiệm về những gì được Thày Chí Ái nhủ khuyên. Cảm nghiệm đây, là: cảm kích và kinh nghiệm về cuộc sống biết đáp lại lời mời gọi của Chúa trước ngày Ngài ra đi về với Cha. Cảm và nghiệm, về sự cần thiết rao truyền/quảng bá “Lời Hằng Sống” vốn vinh-thăng hết mọi người. Cảm và nghiệm một thực tế, như người trẻ nọ ở Úc, từng sẻ san giòng chảy tư tưởng đầy cảm kích, rất như sau:

 “Tuần qua, một bạn hiền của tôi chạy đến báo tin rằng: anh quyết thành kẻ vô thần, tức: sẽ không còn tin vào Chúa Mẹ gì nữa hết. Tôi lặng người trong thoáng chốc, rồi trả lời: “Này bạn, đối với tôi, khi tỏ bày tình cảm của mình với bất cứ ai, ta đâu có dựa trên sự việc họ có sống đời đạo hạnh và tin Chúa hay không, đâu!” Nghe thế rồi, chừng như có tiếng thở phào nhẹ nhõm, từ bạn ấy.

 Cũng từ sự kiện này, tôi nay tiếp tục suy-tư về sự thể gọi là Rao Báo Lời Chúa và Sẻ San Niềm Tin cũng như tương quan giữa hành xử bác ái với việc rao truyền Đạo Chúa. Nên, khi các cơ-quan từ-thiện hoặc quỹ bác ái thực hiện công việc hành-thiện này khác, họ đã mang nhiều lợi ích đến cho đời không khác việc Bẻ Bánh ở thánh lễ hoặc sẻ san Tin Mừng. Theo tôi, khi ta giới thiệu người nào đó để họ đi vào quan hệ mật-thiết với Chúa, thì khi đó ta đang làm việc bác-ái ở mức độ cao nhất, như Tông thư “Caritas in Veritate” (Bác Ái nơi Sự Thật) do Đức Bênêđíctô từng đề cập.”

 Làm từ thiện, không chỉ làm mỗi việc giúp đỡ mọi người mà thôi, nhưng còn là cung cách tỏ bày sự cảm kích biết ơn những gì Chúa ban cho ta. Tuy nhiên, khi rao báo Tin Mừng của Chúa, ta không chỉ hướng mọi cố gắng của mình về với tiến trình của xã hội, mà còn là kéo mọi người về với Lời Chúa, là cội nguồn của mọi sự thật, rất tốt lành. Tựa như thế, chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Brazil năm nay 2013, cũng đã thuật lại bài-sai Chúa gửi gắm hết mọi người: “Các con hãy ra đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân” (Mt 28: 19) cũng là lời mời gọi của Chúa trong năm đức tin này. Lời mời gọi Hội thánh ra đi rao báo Tin Mừng, để cho muôn dân được biết Tin Mừng của Chúa, vẫn là điều thiết yếu, cho mọi thời.

 Tôi hiểu rằng: rao báo Tin Mừng còn có mục đích đem mọi người đi vào hiệp thông với Đức Kitô để tất cả được cứu rỗi. Mục đích này, không chỉ để lấp đầy bàn quỳ nhà thờ, cho bằng nói cho mọi người biết sự thật có lợi cho họ. Và, nói điều có lợi cho mọi người, tức: đã làm công việc bác ái, rồi vậy. Lại nữa, làm thân đồ đệ chuyên rao báo Lời Chúa, tôi đây và mọi người đều hiểu việc đó không là nói hay về tôi, mà: chính Đức Kitô, Đấng dẫn dắt mọi người vào với sẻ san sự sống có Chúa Ba Ngôi ở cùng và ở với, suốt mọi thời. Bởi, tôi và họ, đều là công cụ Chúa dùng cho kế hoạch của Ngài. Đó không chỉ là quyền lợi dành cho chúng ta, mà là bổn phận của mỗi người và mọi người, nữa.

 Đằng khác, cần phân biệt rằng: rao báo Tin Mừng của Chúa, không là việc thuyết phục người khác về với mình, và việc ấy không chỉ là công cuộc giao-dịch giữa người này người khác, mà là quan-hệ giữa người biện-giải với cả người nghe, nữa. Bởi, làm thế tức là: ta đang sẻ san sự thật vì ta thương yêu họ, đồng thời quan tâm đến phần rỗi tâm linh của họ nữa. Như thánh Phaolô từng khẳng định: Không có lòng mến, thì tôi cũng chỉ là thanh la phèng phèng, thôi. (1Cor 13: 1-2). Chính do bởi điều này, mà ta thấy có rào cản/trở ngại khiến nhiều người không có được lòng tin, như ta.

 Lại nữa, có được chiến lược rao báo Tin Mừng cho đúng cách, bằng nguyện cầu và hành xử, là cách “đắc nhân tâm” hay nhất để đưa người nghe đi vào tình bằng hữu, rất huynh đệ. Tình bằng hữu giữa mọi người được dựng xây qua việc lắng nghe một cách chủ động. Lắng nghe, không chỉ là nghe ngóng người khác nói, mà là hiểu rõ điều người ấy nói có nghĩa gì. Nếu ta biết lắng nghe, thì người nói sẽ không “phớt lờ” ta hoặc bỏ đó mà đi, nhưng còn tỏ cho họ thấy: tôi là người nghe và là người nhận đón Tin Mừng vẫn đối xử với người nói hoặc người rao báo với tất cả sự tôn kính vốn có đồng thời tạo cho người nghe như tôi, có cơ hội để học hỏi nhiều điều nơi người họ, nữa. Và, khi rao báo Tin Mừng như thế, người nói buộc phải phản ánh những gì họ đang nói và/hoặc hỏi người nghe câu hỏi cần thiết để biết cả hai đều đã hiểu. Lắng nghe một cách chủ động, sẽ giúp mở ra con đường rộng dẫn đến tình bằng hữu chân thực, để tình cảm tốt đẹp ấy sẽ hiện hữu và tồn tại. Tồn tại mãi, còn có tương-quan tập trung vào Đức Chúa, để từ đó mở ngỏ cho sự thật có được chỗ đứng nơi mọi người. Và, tình bằng hữu thân thương qua hành-xử rất bác ái  sẽ khiến Tin Mừng của Chúa hiện hữu và trải rộng nhiều chốn, chứ không chỉ trình diễn cách thô thiển, cốt để thuyết phục người khác, thôi.”(xem Anthony Ndaira, Evangelisation: our role is but to plant the seed!, The Catholic Weekly, ngày 02/6/2013 tr.11)

 Nói như người trẻ ở trên, là nói rằng: tình bằng-hữu rất yêu đương và rao báo Tin Mừng của Chúa vẫn tạo mẫu số chung như thế. Như thế, vì: yêu người còn là yêu những gì con người vẫn ao ước. Ao ước, như nghệ sĩ lại vẫn hát lời thơ cùng ý nhạc, nay vẫn bảo:

    “Biết bao nhiêu là mơ,

Mơ ước chuyện chúng mình,

Mình ngày mai kết thơ,

Ðể anh thôi đợi chờ.”                    

(Đức Huy – bđd)

 “Ngày mai kết thơ”, là kết và dệt một ao ước thực hiện điều Chúa dạy dân con Ngài, rằng:

             “Đức Giê-su nói với một người khác:

Anh hãy theo tôi!

Người ấy thưa:

‘Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.’

Đức Giê-su bảo:

‘Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.

Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

(Lc 9: 59-60)

           Nơi nhà Đạo, thực hiện điều Chúa dạy, dân con đồ đệ của Ngài cũng sẽ thực hiện với quyết tâm nhiều cảm kích có “tự do con cái Chúa”, như lời đấng thánh-hiền từng nhắc nhở, như:

 “Quả thế, thưa chị anh em,

anh chị em đã được gọi để hưởng tự do.

Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt,

nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.”

(Gal 5: 13)

              Xem thế thì, sống đời người có ước và có mơ, kết thành thơ, là sống thực hiện lời Chúa dạy trong tự do theo cung cách “lấy đức mến mà phục vụ nhau.” Phục vụ nhau, còn là thực hiện việc rao báo Lời Chúa rất cởi mở trong vui sống, có lời hát làm nền để ta tiến. Tiến bước mạnh, rồi lại hát lời thơ ý nhị hầu tháp tùng hành trình rao báo Tin Mừng như sau:

             “Hôm đầu anh gặp em nghe rộn ràng niềm vui đến mau

Anh về ôm đàn viết khúc nhạc tình nào anh biết đâu

Xin yêu em như yêu lần cuối

Ðón đưa em vào trong cuộc đời

Tình yêu lần cuối là một lần trăm năm.”

(Đức Huy – bđd)

 Hát rồi, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ hướng về phiá trước mà tiến bước nhé. Hãy coi nhẹ mọi khó khăn, trắc trở mình vẫn gặp trong đời.

 Trần Ngọc Mười Hai

Từng nghe nhiều hiệu lệnh như thế

Nhưng chưa thực hiện được nhiều,

ở trong đời.

           

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31