CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN 18 TN C

Written by xbvn on Tháng Bảy 30th, 2013. Posted in Mai Tá

“Đời tôi cô đơn, nên yêu ai cũng cô đơn,”

“đời tôi cô đơn, nên yêu ai cũng không thành.”

(Đài Phương Trang – Đời Tôi Cô Đơn)

(Tv 25: 16-18)

            Hôm ấy, trên đường dài đầy những phiếm, bần đạo được người bạn là chuyên viên tổ chức các buổi văn nghệ gây quỹ ở Sydney, có kinh nghiệm từ buổi ca vũ nhạc có số thu kỷ lục mang tên “Tình Yêu Trên Tây Nguyên” đón tiếp Lm Trần Sĩ Tín, DCCT VN từ Tây nguyên xuống núi, Sơ Nguyễn Thị Ngọc Mai Giám đốc trường Khiếm Thính Ánh Minh ở Thị Nghè, Đức Giám mục Nguyễn Văn Hạp từ Giáo phận Vinh sang… Nói nhiều như thế, cũng chỉ để dẫn nhập lý do tại sao bạn hiền của bần đạo có tên là Hương Nam, lại ưu ái mời cà-phê sáng hầu nghe kỹ nhạc bản ở trên để xin thêm ý kiến với “ý cò”, tờ mờ rất nhiều ý.

            Ý kiến/ý cò, là những ý/lời được gói ghém trong nhạc bản, có những lời, rằng:

             Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang,

yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi.

Đời tôi cô đơn nên yêu em chẳng bao lâu,

ngày mai đây em lên xe hoa bước theo chồng.”

(Đài Phương Trang – bđd)

             Nói của đáng, thì bạn đạo của bần đạo tuy lúc nào cũng có nụ cười vui trên môi, nhưng bên trong lại chứa một bồ… cô đơn với những đơn chiếc, đơn côi, đơn độc, lại hát thêm:  

             “Đời tôi quen cô đơn nên tôi chẳng trách em,

tôi quen rồi những chuyện dang dở từ khi mới yêu.
Tôi quen, tôi đã quen rồi em,

dang dở khi tình yêu tôi không xây trên bạc vàng.

Tôi quen, tôi đã quen rồi em,

em khóc làm chi nữa bận lòng gì kẻ trắng tay.”

(Đài Phương Trang – bđd)

             Nói gần nói xa, thôi thì ta nói thật để cho xong rồi lại nói: điều mà bạn đạo của bần đạo muốn nói, là thế này: “Anh viết nhiều, nhưng thử hỏi có bao giờ anh viết về tâm trạng của người em, trai hay gái, vẫn cứ lông bông ngoài quán-xá/cà-phê cà pháo ở xứ người, như ai đó không?” Nói đến đó, bạn đạo của bần đạo lại sụt xùi, sụt xịt chẳng nói thêm được điều gì, bèn trở về đề tài bài hát trên, may ra tìm được những lý và lẽ của buổi cà-phê sáng hôm ấy, với tư tưởng rất ư là “nặng ký” như câu:

             “Tôi xin, xin chúc em ngày mai,

hoa gấm ngọc ngà luôn vây quanh em cả cuộc đời.

Riêng tôi duyên kiếp luôn dở dang,

nên suốt đời tôi vẫn yêu cô đơn như tình nhân.

Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn cô đơn,

dù ai đẹp đôi nhưng riêng tôi vẫn lạnh lùng,

trời cho tôi cô đơn bao nhiêu lần nữa đây

tôi không hề trách đời hay giận đời mau đổi thay.”

(Đài Phương Trang – bđd)

 Nói thế chứ, bạn đạo của bần đạo chỉ muốn nói có một điều, rằng: “Anh viết khá nhiều về tình yêu: yêu người, yêu mình thật không thiếu, nhưng thử hỏi: có bao giờ anh hoặc ai đó nhớ đến tình yêu gửi đến những người cô đơn/lẻ bóng trong đời mình không? Bởi, có những người, chắc chắn không là tôi, dù đã có vợ và nhiều con nhưng vẫn bóng lẻ, đơn côi, cô độc cũng da diết lắm?” Câu vừa hỏi, là lời nhắn nhủ của bạn đạo, khiến bần đạo giật mình, bèn đi một đường kiếm tìm xem mình còn thiếu điều gì chưa viết và lách chăng?

Thú thật với bạn đọc của bầy tôi đây, rằng: bần đạo từng lách nhiều, nhưng viết chẳng được bao nhiêu. Nên hôm nay, tìm về giòng chảy này, chỉ muốn đề cập đến các bạn đạo cô đơn như không còn lẻ bóng, bằng tình tiết ý/lời như sau:

Trước hết, là tình và tiết của người viết trẻ tên là Anthony Ndaira, trên báo đạo, từng có ý kiến cũng rất trẻ về giới trẻ “lẻ bóng” tức đơn thương độc mã, những là sao đó, rất như sau:

 “Trước kỳ nghỉ vừa qua, tôi có san sẻ với đám học trò lớp 8 của tôi về sử-hạnh của vị thánh quan thày những người trẻ mồ côi, tưởng chừng mình cũng cô đơn, lẻ bóng nhưng thật sự không phải. Đó là thánh quan thầy của kẻ đơn chiếc mang tên gọi là Đôminicô Saviô.

 Thánh trẻ này, từng được Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị vinh danh là “vị thừa sai của mẫu gương lành thánh, có lời lẽ và hành động khí khái, rất “tốt đạo đẹp đời”. Là bạn hiền, dễ làm thân với mọi người, và là người hoà giải săng sái ở sân trường cho đồng môn/đồng sàn về tình thương của Chúa với mọi người, cả đến lũ học trò quậy phá, rất nghịch ngợm.

 Đôminicô Saviô đã can đảm chấp nhận ý Chúa cho đời mình đến ngày về với Chúa, năm 1856, chỉ một tháng trước sinh nhật thứ 15 của bạn, mà thôi. Về các người trẻ trở thành thánh, ngoài đấng thánh trẻ Đôminicô Saviô ở trên ra, còn có Stanislaus Kostka cũng từng khước-từ món thừa kế “kếch sù” do cha/ông để lại, để ra đi sống đời âm thầm/tầm thường nhưng thanh bạch, dành hết cuộc đời mình để Tin Mừng của Chúa được quảng bá khắp mọi nơi. Dù bị anh ruột mình xách nhiễu lạm dụng đủ điều không thương tiếc, thánh trẻ Stanislaus Kostka vẫn vui lòng chấp nhận thân phận hèn mọn vào thời buổi tiền bạc và của cải vẫn được mọi người coi là trên hết, cần thiết nhất. Thế nên, vị thánh trẻ của Giáo hội bèn khoác áo hành hương ra đi gia nhập hàng ngũ anh em Dòng Tên. Thánh Stanislaus Kostka qua đời vào năm 18 tuổi, đúng vào ngày Mẹ Về Trời năm 1568. Và, do tinh thần sống đại độ, không dính bén của cải thế gian, nên Giáo hội đã tôn vinh ngài thành bậc hiển thánh cũng rất trẻ.

 Ngoài các vị kể trên, còn có Chân phước Chiara Luce Badano, cũng qua đời vào lúc 18 tuổi, vào hồi thập niên 1990, hai năm sau khi chiến đấu không ngừng nghỉ với căn bệnh trầm-kha ung thư xương. Vị thánh trẻ này, thích ra ngoài vui chơi với bạn bè, chơi quần vợt và nghe nhạc pop thật không thiếu.

 Kể về các thánh trẻ đơn côi, mộc mạc, còn thấy các vị tử đạo trẻ như thánh Agnes, Lucy, Maria Goretti, Gioan thành Arc mới 16 đã can đảm dẫn đoàn quân viễn chinh nước Pháp chiến đấu với lòng tin vững chãi, nhẫn nại, kiên cường, quả cảm. Thêm vào đó, còn có vị thánh mới được phong, như: thánh Kateri Tekawitha, một bản sắc người Mỹ chết vào năm lên 19. Tất cả các thánh trẻ này được tôn vinh, là để làm rạng danh giòng sử Đạo cũng như đời của đất nước. Các thánh trẻ cũng chiến đấu không thua kém bậc đàn anh đàn chị mình trước mọi cám dỗ cũng như bạo lực giữa lòng đời một thế giới có quá nhiều đau thương, nghịch thù và xúc phạm phẩm giá con người.

 Giới trẻ hôm nay cũng thế, dù phải giáp mặt với đủ mọi tình huống côn đồ, doạ nạt hoặc xa sút, các thánh trẻ vẫn hiên ngang sống quả cảm cho niềm tin, có vị còn phấn đấu chống lại tình huống lẻ loi, đơn độc không có hỗ trợ từ gia đình hoặc bầu bạn thân thương.

 Đang thao thao bất tuyệt về các người trẻ sống gương mẫu như thế, tôi được một học sinh giơ tay hỏi:

 -Thưa thày, phải Đức Giêsu xưa là người trẻ sống khí khái lắm phải không?

-Đúng thế đó, em.

 Trả lời xong, tôi cứ thế tiếp tục nói về các sự kiện trong đời sống công khai của Chúa, những là: Chúa đi trên nước, Chúa chữa lành cho người mù, người phung đơn độc và cuối cùng ngài chết cách lẻ loi, tủi nhục trên thập tự. Ngài cũng sống giản dị như người thợ mộc ở trong làng với người Cha đời, nơi trần thế, là thánh cả Giuse. (Lc 2: 52)

 Tóm lại, là người trẻ từng hăng say lao động, vui chơi thoải mái với bạn bè chòm xóm, người trẻ tuổi Giêsu cũng đã đem nụ cười lành đến với mọi người, khi Ngài nói cười cùng với mọi người, dù lam lũ. Ngài đã làm gương sáng cho giới trẻ trong làng nghèo bằng những kinh nghiệm để đời đầy chất “người”, tức: cũng đớn đau, sầu khổ, đơn độc, nhưng Ngài luôn sống có quyết tâm cứu vớt những người cần được cứu.

 Thành thử, dù có là người trẻ sống đời đơn độc không ai hiểu mình, các bạn trẻ của tôi cũng đừng bao giờ để ai “nhìn xuống” coi thường mình, chỉ vì mình còn “trẻ người non dạ” rất đơn độc! Nhưng, hãy tạo cho mình lối sống làm kiểu mẫu cho các bạn đồng hành với mình vẫn tin vào Chúa. Sống kiểu mẫu niềm tin, bằng lời nói vui tươi, bằng hành-vi thân-thiện đượm tình thân, yêu thương trong niềm tin trong sáng, như thánh Phaolô từng nói trong thư gửi đồ đệ trẻ là Timôthê đoạn 4 câu 12. Hãy nhớ rằng: ở mọi tuổi, chí ít là tuổi còn trẻ, mình vẫn có thể và vẫn phải làm chứng nhân cho Đức Kitô cũng rất trẻ, giống như ta”. (xem Anthony Ndaira, “Youth? It’s no barrier to setting an example”, The Catholic Weekly 21/7/2013 tr. 11)

             Thật ra thì, Chúa có lẻ loi, đơn độc một đôi lúc. Nhưng, chính đó là lúc Ngài tỏ rõ cho mọi người thấy được rằng: lẻ loi/đơn chiếc cũng là ân huệ Cha ban để ta, qua đó, mà nhận ra được: mình vẫn cần đến ân huệ trợ giúp, cũng rất cần.

            Có đôi lần, bạn bè người thân vẫn hỏi nhau: đơn côi/lẻ bóng, có là hậu quả của lối sống vị kỷ, chỉ biết mình không? Có vị còn đi xa hơn, lại tỏ bày lập trường/nhận định về tình trạng đơn độc là do cảnh huống ”nghèo/buồn” gây nên. Nghèo tiền, nghèo bạn, nghèo người thân thiết giúp đỡ, nên cứ buồn?              

            Nghe hỏi, bản thân bần đạo đây cũng chẳng biết sao mà trả lời/trả vốn cho đúng cách. Chỉ dám tìm đến bậc thày dạy khi trước, những mong được thày chỉ giáo đôi điều. Thì, may thay, lại nhớ rằng: trong suy niệm Lời Chúa hôm ấy, Lm Kevin O’Shea, CSsR có đề cập đến loại “người nghèo do ta chọn”, ý thày muốn nói, là: Hội thánh nghèo của ta khi nói đến chữ “nghèo” hoặc “người nghèo” thường hay chọn loại hình “nghèo” nào đó, cũng không nghèo là mấy.

Áp dụng chữ “nghèo/hèn” vào tình huống lẻ loi/đơn chiếc, rất cô đơn, bần đạo nhớ được tư tưởng ở truyện kể về người giàu nọ tuy rất giào sang phú quý nhưng vẫn thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. May mà ông ta lại đã có tinh thần “nghèo” của Tin Mừng, tức tinh thần nhớ đến người nghèo sống ở đời thường không được ai nhớ đến để chọn, như sau:

 Ba mươi năm trước đây tại thủ đô Washington, D.C., vợ của một nhà doanh nhân đã bỏ rơi chiếc ví của cô ấy tại bệnh viện trong một đêm mùa đông. Nhà doanh nhân này rất lo lắng và quay lại bệnh viện để tìm ngay trong đêm đó, bởi vì trong chiếc ví không chỉ chứa $100,000 mà còn có cả các tài liệu marketing rất quan trọng.

 Khi người doanh nhân vội vã tới bệnh viện, ông ta nhìn thấy một cô gái nhỏ nhắn nằm ngay dưới chân bức tường hành lang, đang run lên vì lạnh, và trong tay cô gái đó có chính xác chiếc ví mà vợ ông đã bị mất.

 Cô gái tên là Hiada, cô tới bệnh viện để đưa người mẹ đang bị ốm tới khám bác sĩ. Người mẹ và cô con gái, hai người đang dựa vào nhau để sống, họ rất nghèo, họ bán mọi thứ đáng giá và gom góp chỉ vừa đủ số tiền để nhập viện và ở bệnh viện trong một đêm. Không có tiền, họ sẽ bị đuổi ra khỏi bệnh viện vào ngày tiếp theo.

 Đêm đó, Hiada đã bị bỏ lại bơ vơ trong hành lang của bệnh viện. Cô ấy cầu nguyện xin Chúa nhân từ cứu giúp và hy vọng sẽ gặp được một quý nhân nào đó sẽ cứu giúp được mẹ cô. Đột nhiên, một người phụ nữ đi từ trên hàng lang xuống và đã đánh rơi chiếc ví mà không hề để ý và vội vã đi qua, có lẽ bởi vì cô ấy đang phải mang một thứ gì đó trên tay. Hiada là người duy nhất ở hành lang lúc đó, cô đã tới và nhặt chiếc ví lên. Khi cô chạy tới sau cánh cửa phía sau người đàn bà kia, thì bà ấy đã ở trên ô tô.

 Hiada quay trở lại phòng bệnh viện. Khi mở chiếc ví ra, cả hai mẹ con đều sock vì số tiền quá lớn. Họ đều ngay lập tức nghĩ rằng số tiền kia sẽ có thể giúp mẹ cô ấy chữa bệnh. Tuy nhiên, người mẹ đã nói với Hiada quay lại hành lang và đợi người đánh rơi kia quay lại để tìm.

 Bất chấp mọi nỗ lực giúp đỡ cứu chữa của nhà doanh nhân, mẹ của Hiada đã ra đi và để người con gái nhỏ ở lại một mình. Sau đó,nhà doanh nhân đã giúp đỡ cô con gái nhỏ bé kia, người đã mất đi cả gia đình. Người mẹ và cô con gái không chỉ giúp người doanh nhân lấy lại $100,000, mà quan trọng hơn là những tài liệu marketing đã giúp nhà doanh nhân về sau thành công hơn bao giờ hết và trở thành một nhà triệu phú chỉ sau đó không lâu

 Sau khi tốt nghiệp đại học, Hiada, (với sự giúp đỡ của nhà doanh nhân), cô đã trợ giúp cai quản việc kinh doanh của nhà triệu phú. Mặc dù nhà triệu phú không bao giờ bổ nhiệm cô vào một vị trí nào thực sự, nhưng trải qua rất nhiều thời gian thử thách và học tập, những kinh nghiệm thông thái của nhà triệu phú đã ảnh hưởng tới cô, giúp cô trở thành một nữ doanh nhân thực sự.

Vào những năm sau này, ông đã tham vấn Hiada rất nhiều ý kiến giải quyết cho rất nhiều vấn đề gặp phải. Khi mà ông sắp xa rời thế giới, ông đã để lại những dòng đầy từ bi:

 “Trước khi tôi biết Hiada và mẹ cô ấy tôi đã thực sự mất hết tiền, nhưng khi tôi đứng trước bà mẹ và cô con gái, người đã tìm thấy một số tiền rất lớn của tôi khi mà họ đang trong cảnh bệnh tật và nghèo đói nhưng vẫn không màng tới số tiền của tôi, tôi nhận ra rằng họ mới là những người giàu nhất. Họ đã giữ được những tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của con người mà một người doanh nhân như tôi còn thiếu. Tiền của tôi có được phần lớn là do những trò tiểu xảo và tranh nhau với người khác. Đó là những người mà họ làm cho tôi hiểu được tài sản quan trọng nhất trong cuộc đời là giá trị đạo đức của họ. Tôi cứu giúp Hiada không chỉ vì trả ơn hay vì sự cảm thông. Mà là vì tôi thấy cô ấy như một hình mẫu chuẩn mực của một con người.

 Khi cô ấy ở bên cạnh tôi, tôi sẽ luôn nhớ rõ rằng tại bất kỳ thời điểm nào cái gì tôi nên làm, cái gì không, tôi nên kiếm tiền thế nào, tôi không nên kiếm thế nào. Đó là lý do cơ bản cho sự thịnh vượng trong kinh doanh của tôi sau này và khi tôi đã trở thành nhà triệu phú. Sau khi tôi chết, hàng triệu đô la của tôi sẽ kế thừa lại hết cho Hiada. Đó không chỉ là để cho mà nó sẽ mang lại thành công hơn và thịnh vượng hơn cho việc kinh doanh sau này. Tôi tin chắc rằng người con trai thông minh của tôi sẽ hiểu được những suy nghĩ của cha mình.”

 Khi người con trai của nhà triệu phú đi du học trở về, anh đã đọc rất kỹ bức thư của cha và ngay lập tức ký các giấy tờ chuyển nhượng mà không một chút đắn đo gì : “Tôi đồng ý để Hiada thừa kế toàn bộ tài sản của cha tôi. Tôi chỉ có một đề nghị rằng Hiada sẽ trở thành vợ của tôi.”

 Sau khi đọc xong và nhìn thấy chữ ký của người con trai nhà triệu phú, Hiada đã nghĩ rất nhanh và đã ký vào: “Tôi xin nhận mọi tài sản thừa kế từ thế hệ trước, bao gồm cả người con trai của ông”. (theo chanhkien)

Dịch từ: http://www.xinsheng.net/xs/articles/gb/2008/1/6/42242.htm http://pureinsight.org/pi/index.php?news=5186)

             Đầu óc bần đạo tuy còn nông cạn, nhưng đôi lúc cũng nhớ lời đấng thánh hiền lành khi xưa từng đặt lời ca/tiếng hát ở thánh vịnh rày như thế. Như thế, tức giống như sau:

 Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như cắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.
Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.”

(Tv 25: 16-18)

 Thánh vịnh được đấng thánh hiền đặt ra, là để các thánh trong Đạo mình ca và hát chúc tụng Chúa. Nhưng, cũng còn là lời nhủ và nhắn gửi toàn thể dân con trong Đạo về sự kiện có những bạn trong đời, dù vẫn cười cười trước mũi, trước mặt mọi người, nhưng trong lòng vẫn ôm trọn một thổn thức, rất cô đơn. Nhớ đến “đấng thánh” trong Đạo tuy rất hiền từ, nhưng biết đâu các ngài lại chẳng cô đơn/cô độc trong lòng. Vậy thì, nên chăng ta nguyện cầu cho những người như thế và cũng cầu cùng các bạn như vậy? Nên lắm chứ.

 Trần Ngọc Mười Hai  

Nay cũng thấy mình lơ là

và quên sót

Quên cả bạn Đạo trong đời,

rày như thế.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31