CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN 22 TN C

Written by xbvn on Tháng Tám 28th, 2013. Posted in Mai Tá

“Ngàn sao, bốn bề sao im vắng.”
Sông nước như say sưa khúc mơ màng.
Lưu luyến cho long khách giang hồ,

Qua bong mây trôi êm đềm ngày mơ.”

(Hoàng Giác – Bóng Ngày Qua)

(Rm 1: 10-12)

            Có một lần, bạn đạo trong đời cứ hỏi bầy tôi đây là bần đạo: sao bạn “phiếm” nhiều chuyện Đạo rất “lạo xạo”, mà có biết về cụ đạo họ và tên Vũ Sinh Hiên không? Nghe đâu cụ này từng có chuyến Mỹ du năm ấy rất nổi bật, vân vân và vân vân…”

            Vốn dĩ không ngại phiếm chuyện đạo cả chuyện đời của bạn đạo rất thân thương là người anh trên mình một lớp, sao dám chối từ! Vâng. Bạn hiền họ Vũ tên Hiên của bần đạo cũng từng bị cái mà bạn và tôi nay cứ hát lời muộn màng, im vắng quá chăng?

Bạn hiền tên “Hiên” của bần đạo, tuy không hát những lời “lăng nhăng” đến là thế, mà chỉ dám viết về cái gọi là “lấy vải thưa che mắt thánh” như sau:

 “Cách đây 9 năm, nhân dịp một đoàn hợp xướng ở TP. Hồ Chí Minh được mời sang Thái Lan trình diễn do một nhạc trưởng người Nhật Bản tổ chức, gồm nhiều ban hợp xướng tại các nước Đông Nam Á. Tôi đề nghị ca trưởng cho phép tôi được có mặt trong thành-phần các ca viên xuất ngoại, 14 người với tôi là 15, bởi tôi vốn từng là thành viên của ban hợp xướng này từ trước năm 1975.

 Chúng tôi nhờ một văn phòng dịch vụ lo thủ tục xin cấp phát hộ chiếu cho 15 người. Đến ngày hẹn, 06/11/2002, chúng tôi lên phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Công An TP. Hồ Chí Minh để nhận hộ chiếu thì chỉ có 14 người được cấp, riêng tôi được nhân viên của phòng trả lời: “Ông cứ về rồi lãnh đạo sẽ trả lời sau.” Trong suốt 9 năm trời, không một cấp lãnh đạo nào trả lời trả vốn cho tôi. Những hứa hẹn hoặc những lệch lạc bằng miệng kiểu này để rồi… “Non arriver où” (không đi đến đâu) thì mọi người dân sống ở nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đều đã quen. Không ai trả lời nhưng có một mẩu tin nhắn gởi vào điện thoại di động của tôi: “Đừng lấy vải thưa che mắt thánh”. “Thánh” nào đây nhỉ? “Thánh” nào mà theo dõi tôi trên từng cây số vậy. “Thánh” nào mà săn sóc con dân trong nước kỹ càng đến thế, nhưng biên giới và hải đảo dần dần rơi vào tay kẻ lạ thì “Thánh” lại không biết…” (xem Vũ Sinh Hiên, Sau Một Chuyến Đi, viết tại Phú Nhuận tháng 10/2011)

             Hôm nay, lại có người cũng như tôi tức “bầy tôi đây là bần đạo” chứ không phải bạn, tức: các bạn đạo của tôi, vẫn âm thầm những hỏi và hát. Hỏi và hát, là hỏi: các “thánh” nhà mình có hay hát những câu như ở nhạc bản trên, rằng:

“Lòng ngậm ngùi buồn vắng cố hương
Tiếng đàn gió hòa tiếng mến thương
Thuyền đời còn nhiều lúc lênh đênh
Tình đời gần còn lúc có xa
Nhớ đâu hình bóng ngày qua.”

(Hoàng Giác – bđd)

             Có thể là, bạn hiền của tôi, nhà họ Vũ tên Hiên hoặc các bạn khác cũng hiền như Hương Nam, Vũ Nhuận và nhiều nữa, cũng từng hỏi và hát những điều như thế. Và như thế, tức: nhiều người, có lẽ cũng giống bầy tôi đây chứ nhưng không như “bạn đạo” đang đọc giòng suy-tư này, vẫn trải qua những ngày nhớ đến các “hình bóng ngày qua” trong đời bềnh bồng, tin tưởng vào chuyện đời thường.

            “Bóng Ngày Qua”, lại vẫn nghe như: “Ngàn sao bốn bể sao im vắng”, thấy cũng ngán. Ngán ngẫm nhiều, khi nghệ sĩ cứ hát thêm những câu rất mến thương như sau;

 “Một bóng đang lạnh lùng đi

Chìm đắm trong đêm

Đi không bờ bến

Đôi mắt đăm đăm nhìn cõi hư vô

Tìm lại ngày xa … vắng … xa

Mờ xa khuất đồi xanh êm ấm

Xa thế nhân say mơ giấc điên cuồng

Không biết chăng một bóng trong sương

Ngơ ngác đang đi tìm một ngày qua.”

(Hoàng Giác – bđd)

 Cũng một ngày, lòng những “ngậm ngùi vắng bóng cố hương”, “trong sương”, bần đạo bầy tôi vội đưa mắt liếc vào tuần báo The Catholic Weekly hôm 23/6/2013, bèn thấy đôi giòng chảy của đấng bậc thuộc giới chóp bu ở Tổng Giáo Phận Sydney, cũng có lời bàn về những “bóng hình qua” của cả một Giáo hội rất thánh, như sau:

 “Con số những người đi đạo, đặc biệt là người Đạo Chúa và người đạo Hồi, đang trên đà gia tăng, trên thế giới. Có thể, những người theo chủ nghĩa thế-tục sẽ không thấy vui khi thấy thống kê ra như thế, nhưng hãy cứ tin rằng: vấn đề người đi Đạo ở Úc, lại đã khác và vẫn tạo nhiều kinh ngạc.

 Kinh ngạc đầu, cho thấy con số người đi Đạo ở Úc đã gia tăng kể từ hai thống kê vào năm 2006 và 2011. Vào năm 2011, có đến 5,550,000 người Công giáo đi Đạo tại Úc, như thế là đã gia tăng đến 310,000 so với năm 2006 là năm cũng có gia tăng khoảng 125,000 người so với năm 2001, trước đó.

 Lý do của sự gia tăng này là nhờ vào sinh suất và số người di cư từ nước khác đến Úc, dù cho khi đó, từ năm 2006 đến 2011, có đến 100,000 người bảo là mình không còn là Công giáo nữa.

 Tổng dân số Úc châu tiếp tục gia tăng bất kể số người Công giáo ở đây đã tụt giảm từ 1.3% xuống 25.3% vào năm 2011. Nhưng người đạo Hồi ở Úc lại gia tăng đến mức đáng kinh ngạc, tức lên 70% trong vòng 10 năm từ 476,000 vào năm 2011. Nói chung, tỷ lệ phần trăm số người này tuy còn thấp ở mức 2.2% dân số, nhưng số dân theo đạo Hồi ở Úc thuộc nhóm sắc tộc có mức độ gia tăng nhanh nhất ở thế giới phương Tây. Họ đến từ các nước khác nhau như: Thổ Nhĩ Kỳ cho chí đảo quốc Fiji.

 Nói tóm lại, không một ai từng đến nhà thờ Công giáo đặc biệt là các xứ đạo ở Sydney, lại kinh ngạc thấy rằng gần như một phần tư các người Công giáo như thế sinh tại nước ngoài và một phần sáu những người thuộc quá trình không nói tiếng Anh, đang ở Úc.

 Chẳng có gì khiến ta ngạc nhiên khi thấy con số người trẻ Công giáo vẫn thường xuyên thờ phượng Chúa đã suy giảm cũng khá nhiều; thế nhưng, họ vẫn tỏ ra chính thống hơn vào năm 1996 ngoại trừ việc tin vào Chúa sống lại và một phần ba những người này còn tin việc Chúa xuống thế làm người.” (xem Hồng Y Goerges Pell Tổng Giám mục Sydney, Numbers up, percentage down, The Catholic Weekly 23/6/2013, tr. 8)      

  Đấng bậc vị vọng nói như thế, có giống người viết nhạc lại hát, như sau chăng?

 “Lời nhủ thầm đàn đứt dây tơ
Áí làm chi cuộc sống trong mơ
Cuộc đời còn nhiều lúc khắt khe
Lòng người còn nhiều lúc sắt se
Quên đi hình bóng ngày qua.”

(Hoàng Giác – bđd)

            “Quên đi hình bóng ngày qua”, có thể là tâm trạng của ai đó trong Giáo hội, chứ tuyệt nhiên không thể và không là lập trường và động thái của nhà Đạo có các bạn hiền của mình. Bởi, bạn đạo mình vẫn cứ “tin” rằng “niềm tin” đi Đạo của bạn và của tôi, là bần đạo bầy tôi đây cũng từng tìm hiểu ý/lời của bậc thày giảng dạy đã có lời rất thẳng thắn rất nhắn nhủ, khi bần đạo tìm tới để hỏi han, lan man một tình tiết, rất như sau:

 “Ta thấy đó. Tin là thứ gì đó rất tự-do. Thứ tự do thoát khỏi những gì là chính ta. Chính đó là đáp ứng. Ứng đáp, từ chính ta. Chính vì ta đã đáp-ứng lại ai đó, người mà ta chưa từng gặp gỡ, vào lúc trước. Đó, chính là động-tác dính dự; tức: chính ta chọn được ràng buộc chính mình vào một người nào, để rồi ta cho nó đi vào với đối kháng; và, ta biết là mình đã tin vào người đó rồi. Ta không chỉ tin-tưởng vào những gì ta nghe biết mà thôi, nhưng còn tin vào người đó. Ta đặt mình trong tay người đó, tức: người đó biết rõ mọi sự, hơn cả ta. Và, ta tin vào Chúa, tức: do bởi ta đã gặp Ngài. Ngài là Đấng ta được gặp. Nơi Ngài, ta có khả-năng để tin theo. Ta tin vào Đức Giêsu và vào Hội thánh của Ngài. Ta cũng tin vào dân con được Chúa tin-tưởng. Và thông thường, ta làm việc đó mà không biết rõ chi tiết hoặc chưa từng làm sáng tỏ câu chuyện mình muốn nói, thật ra là có ý nghĩa. Ta không cần đến những chuyện như thế. Ta đã có mặt ở đó. Và, ta tin. Thế là đủ.

Niềm tin, thật ra là quyết định của ta. Là, chọn lựa do ta tự-do tạo ra và nhất quyết can dự.

Khi sự việc đến với ta, ta lại không tìm được Chúa. Mà, chính Chúa đã tìm ta. Sau đó, ta mới lại khám phá ra: đó chính là Ngài. Và, Ngài tiếp tục là Đức Chúa. Tiếp tục là Đấng ban cho ta quà niềm-tin. Ta không thể xác chứng điều đó cho bất cứ ai. Nhưng, đến lượt mình, ta lại có thể kể cho ai khác biết được chuyện đó và làm chứng cho mọi người, rằng: như thế là Chúa, bởi tự thân, ta chẳng biết cách làm như thế. Và từ đó, ta biết ơn Chúa và tri ân những người từng làm nhân chứng cho ta. Bởi, cùng đồng hành với họ, ta trở thành kẻ tin, cũng rất vững.

Ngày nay, người ta nói nhiều về nhu cầu đòi Giáo hội phải canh-cải việc ‘rao truyền Đạo Chúa’. Điều này có nghĩa: Giáo hội cần yêu cầu những người trong Đạo phải quyết tâm tin. Phải thật sự có niềm tin đích-thực. Tin, như thể mình chưa bao giờ tin được như thế. Có thể là: trước đây, những người như thế cũng từng đồng hành mang theo sự tin tưởng, rất tương tự. Nhưng, xem ra như thể: mình đã chẳng tin vào những chuyện ra như thế? Giáo hội, cũng có nhiều người từng lĩnh-nhận bí-tích thanh-tẩy, cũng đi lễ và rước Chúa vào lòng cũng như từng nghe giảng giải các sự việc này khác, nhưng chưa từng ngồi lại mà nhìn vào chính mình, để tìm xem những gì đã và đang thực sự xảy đến bên trong con người mình. Chúa vẫn hiện diện với mình ở trong đó. Và, Ngài trao ban cho mỗi người và mọi người quà tặng niềm-tin. Mọi kẻ tin đều xác chứng được điều đó, cho chính họ. Nhưng chừng như họ chưa từng có lập trường tư riêng tạo cho mình, để rồi khi niềm-tin sờ chạm chính con người mình, thì mình mới đáp ứng theo cung cách riêng tư và thực sự. Tất cả mọi người, ai cũng cần gặp lại người-chứng là những người sờ chạm vào người mình, để rồi dẫn đưa mọi người đi vào mà đáp ứng với niềm-tin trung-thực hơn là chính mình từng ban phát cho người khác. Và, điều này ta gọi là “cải-tân rao truyền Lời Chúa”.

Chúa lúc nào cũng sẵn sàng có mặt với ta một khi ta chuẩn bị cho chu đáo. Chúa thực sự hiện diện ở trong đó, nơi ta; nên, mọi biến đổi đều ở nơi ta, và trong ta.

Đến với niềm tin là quy-trình luôn thăng-tiến trong mọi quan hệ. Quan-hệ giữa Chúa và ta, cũng như giữa ta và người khác. Đó là: sự thể đã và đang hiện hữu, rất đích thực. (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, “Tin, Động-tác phát tự con tim”, giáo án giảng dạy tại Đại Học Công Giáo Strathfield Sydney 25/5/2013)

            Vâng. Đúng như đấng bậc thày dạy của bần đạo nói ở trên: Ngày nay, người ta nói nhiều về nhu cầu đòi Giáo hội phải canh cải việc ‘rao truyền Đạo Chúa’. Canh cải, không chỉ từ bên trên bằng cách đặt ra “Năm Thánh Đức Tin”, mà thôi. Canh cải, không chỉ cứ bảo mãi, rằng: “Đừng lấy vải thưa(mà) che mắt thánh.” Bởi, nếu quan niệm các thánh chính là mọi dân con đi Đạo và sống Đạo mà thánh Phaolô từng gọi thế, thì mắt thánh đây nhiều như “mắt khóm” ở quê làng trồng trọt. Canh cải việc truyền Đạo, còn là cải canh cả tâm tư/tâm-tưởng, lẫn linh đạo. Như nhận định của ai đó, trên báo chí, rất như sau:

“Năm 2007, các nhà khảo sát nghiên cứu xuất từ Đại Học Công giáo và Đại học Monash ở Úc có đưa ra một báo cáo về linh-đạo của thế hệ Y, so với niềm tin đi Đạo của những vị thuộc thế trước đó.

Điều thú vị gặp được ở bản báo cáo này, là: họ nhận thấy rằng niềm tin tưởng của thế hệ trẻ thay đổi chỉ chút ít so với các thế hệ trước đó, tức: vẫn nhấn mạnh lên tầm ảnh hưởng có từ niềm tin của bậc cha mẹ lưu truyền cho con cái.

Một khám phá khác nữa, là: thế hệ Y so với các thế hệ trước đó, đánh giá cao lên quan hệ gần gũi với bè bạn và lên cuộc sống vui tươi, hấp dẫn. Trong khi giới trẻ ao ước một thế giới an hoà, chính đáng và lành mạnh, thì chuyện tôn giáo và linh đạo thông thường vẫn không được coi là quan trọng.

Nói chung thì, bản kháo sát thách thức các trường Công giáo hãy thử dấy lên và dẫn truyền nơi người trẻ một đánh giá cao hơn nữa truyền thống linh đạo nơi Hội thánh.” (xem Molly Hancock, Spirituallity Among Young People, Australian Catholics Winter 2013 tr. 13)

            Không cần biết các bạn “trẻ người non dạ” nói ở đây có thuộc về thế hệ Y hoặc Z hay không. Chỉ cần biết, bạn trẻ cũng như bạn già chúng ta, vẫn cứ kiếm tìm niềm tin “xuyên suốt” những tháng ngày rày nung náu. Nung và náu, vẫn quyết tâm sống một cuộc sống có tình thương yêu đích thực trong thế giới phàm trần vẫn đang thiếu tình thương yêu chuyền cho nhau.

            Sống quyết tâm có tin và yêu trong thế giới phàm trần, còn là sống như người anh người chị đi trước, cũng từng sống thân thương, mẫu mực như truyện kể ở bên dưới:

 “Cha Giuse Bùi Văn Nho, cha sở họ Jeanne d’Arc Ngã Sáu Chợ Lớn thuật truyện như sau:

Một đêm thanh vắng, mọi người đang an giấc, thành phố ngủ yên, bỗng chuông điện thoại reo vang. Tôi cầm ông nghe.

-Đây, bệnh viện Hồng Bàng, xin mời cha đến, có sư bà muốn xưng tội. Tôi ngạc nhiên đáp:

-Sư bà thì làm sao xưng tội được! Nếu bà muốn theo đạo, thì phải dạy giáo lý cần thiết cho bà rồi rửa tội ngay cho bà đi.

-Thưa cha, bà sư này là người Công giáo, xin mời cha đến ngay, bà đang trong tình trạng nguy hiểm vì thổ huyết quá nhiều.

Bà phước coi bệnh viện xác nhận với tôi như thế, trong điện thoại. Tôi chạy ngay đến bệnh viện, thấy sư bà nằm liệt giường, không nói được, nên tôi hỏi vắn tắt để biết bà có là người Công giáo không thôi.

-Tên thánh bổn mạng của bà là gì?

-Maria Anna.

Câu trả lời của sư bà đủ để tôi ban các phép sau hết vì không thể hỏi thêm được nữa. Tôi giúp bà thống hối tội lỗi, rồi ban phép giải tội và các phép cho bà. Ra khỏi trại, tôi dặn bà phước: Tình trạng bà quá nặng, tôi phải ban các phép sau hết cho bà. Nếu mai mốt sư bà tỉnh lại, dì phải cho tôi hay để tôi bổ khuyết cho bà. Qua bốn hôm, bà phước cho tôi hay, sư bà tỉnh lại, tồi liền đến và trước khi xưng tội, tôi bảo sư bà cho biết lý lịch. Thì bà kể:

“Thưa cha, quê con ở Cái Nhum, Chợ Lạch, thuộc giáo xứ cha P. Thắng. Con bấy giờ là trưởng hội hát trong xứ và là đoàn viên của đoàn Con Đức Mẹ. Khi lên 20 tuổi, có một thanh niên ở Sàigòn quen biết con, xin cưới. Hai gia đình đồng ý và đã làm lễ hỏi. Đến ngày hẹn cưới, vị hôn phu con xin hoãn lại ba tháng để thi lấy bằng thành chung. Anh về Sàigòn và dặn con an tâm chờ đợi. Ba tháng, bốn tháng rồi một năm rưỡi qua đi mà bặt vô âm tín. Con buồn rầu xấu hổ, nhất quyết lên Sàigòn tìm kiếm, mặc dầu cha mẹ và cha sở can ngăn không cho. Ăn cắp ít tiền của cha mẹ, con trốn lên Sàigòn bơ vơ như gà lạc mẹ, tìm được nhà một chị bạn đồng hương để trọ, ngày nào cũng đi dò la tin tức mà không gặp tông tích người xưa. Một hôm, con đi dự thánh lễ tại nhà thờ Huyện Sĩ, tình cờ trông thấy vị hôn-phu của con mà anh ta không trông thấy con. Lễ xong, con đi theo dõi về tận nhà anh ta, mới biết anh ta có vợ và một con. Con bủn rủn tay chân, tâm hồn hồi hộp xao xuyến như muốn té xỉu. Rồi con buồn bã đi lang thang không biết xử trí thế nào? Về nhà thì xấu hổ với chị em bạn, lại sợ cha sở và cha mẹ quở mắng.

 Sống lây lất ở Sàigòn được bốn tháng, tiền hết, thất nghiệp, thất tình, con vào Chợ Lớn tìm việc, bị mưa lớn, con liền trú mưa tại một ngôi chùa. Mưa kéo dài mãi tới tối, con đành ở lại chùa ngủ đêm. Sáng hôm sau, không biết vì sao mà cứ nấn ná ở lại không muốn ra đi. Nhà sư trụ trì chùa, thương hại cho con ăn cơm bốn năm ngày liền. Một hôm nhà sư đề nghị với con muốn tu chùa, sẽ giới thiệu ra Huế, vì thấy con sắc sảo, thông minh, lại tiếng hát hay (vì trong mấy ngày buồn, con thường hát nho nhỏ cho khuây). Bỗng nhiên con đồng ý và nhà sư đã biên giấy giới thiệu và cho con cả tiền lộ phí nữa.

 Ra Huế tu được 20 năm, đã được giấy chứng chỉ của Đức Bảo Đại, nhận là bậc chân tu, con được lệnh vô Sàigòn lập chùa cho sư nữ vì trong Nam chưa có. Nhưng vì vào đây được ít lâu, con bị bệnh lao phải nằm nhà thương sáu tháng rồi. Mỗi lần con thấy cha vào thăm bệnh, đi qua giường con, con muốn nói mà không mở miệng nói ra lời, chỉ cúi đầu chào. Hôm qua con bị thổ huyết, mới đánh bạo nói thật với bà phước, nhờ bà rước cha đến…”

   Bà sư sống thêm hai tuần nữa rồi qua đời khi đã hoàn toàn trở về với Chúa. Bà vừa tắt thở, có sự rắc rối xảy ra: một nhà sư đến trách tôi đã cướp mất sư bà của họ. Thiếu chi người khác sao cha không dụ dỗ theo đạo mà cha lại dụ dỗ người của chúng tôi? Tôi giải thích mấy, ông cũng không bằng lòng, nhất là khi nói sư bà trước là người Công giáo, ông càng thắc mắc hơn, không tin. Sau cùng, tôi để bên chùa tự do làm lễ an táng theo nghi lễ Phật giáo. Sư ông vui vẻ đồng ý. Nhưng hai giờ sau, nhà sư lại đổi ý trái ngược lại và nói như sau: “Chúng tôi xin nhường sự an táng bà này cho bên Công giáo.” Tôi ngạc nhiên vì sự thay đổi mau chóng đó, thì được nhà sư giải thích: “Trong khi chúng tôi thay đổi xiêm áo cho bà, đã nhận ra trong bóp của bà một lá thư nói rõ quê quán, tên thật và tên cha mẹ, và xin tin cho cha mẹ hay là đã chịu các Bí tích cuối cùng trước khi chết. Bà còn thêm: Tôi muốn được chôn cất theo nghi lễ Công giáo. Vì thế, chúng tôi xin nhường lại cho bên Công giáo và chỉ tiễn chân bà tới huyệt.” Đám tang có rất đông sư đi đưa và chỉ có tôi là linh mục. Sau khi tôi nghe nhà sư nói, tôi chạy đến bệnh viện nhờ bà phước lo liệu mọi việc theo nghi lễ Công giáo, thì bà phước trao cho tôi cái bóp của bà, tôi liền xem xét thì thấy ở một ngăn có một mẫu ảnh thay áo Đức Bà Núi Carmêlô. Tôi tin chắc, nhờ ảnh này, bà sư đã được ơn trở lại.” (x. Lm Bùi Văn Nho: Những trang sử đẫm mồ hôi của họ Chợ Lớn Việt Nam, tr. 94-100)

 “Được ơn trở lại”, theo lời kể và lập trường của cha sở họ Ngã Sáu Chợ Lớn, là ơn “vẫn cứ tin” vào và tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Dân con mọi người có ở nơi đây, chốn nào hoặc đạo khác, vẫn cứ thế được ơn. Dù có trải qua 20 năm lưu lạc kiếm tìm gặp gỡ Chúa nơi người ngoài luồng, ngoài Đạo. Thế đó, là lập trường tư tưởng của ai đó đó, rất giống bà sư. Thế đó, còn là ý tưởng nhỏ để bạn và tôi ta cứ trở về với lời của Đấng Thánh Hiền Lành từng xác quyết:

 “Thật vậy, tôi rất ước ao được gặp anh em,

để chia sẻ với anh em phần nào ân huệ của Thánh Thần,

nhờ đó anh em vững mạnh,

nghĩa là để chúng ta cùng khích lệ nhau,

bởi vì cả anh em lẫn tôi,

chúng ta đều chung một niềm tin.”

(Rm 1: 10-12)

 Thế nghĩa là, dù ta có ở đâu đi nữa, chân trời hay góc biển, trong luồng hay ngoài luồng ơn thánh sủng tràn đầy Đạo của Chúa, thì Chúa vẫn tìm đến ta để tuôn đổ mọi hồng ân, mà gìn giữ ta cứ thế mà sống khích lệ nhau. Gìn giữ và sẻ san cho nhau “phần nào ân huệ của Thánh Thần.” Thế đó mới là điều cần thiết ở trong đời. Một đời đi Đạo và sống Đạo.

Quyết thế rồi, nay cứ mạnh dạn ca lên câu cuối nhạc bản ở trên mà rằng:

 “Mờ xa khuất đồi xanh êm ấm

Xa thế nhân say mơ giấc điên cuồng

Không biết chăng một bóng trong sương

Ngơ ngác đang đi tìm một ngày qua.”

(Hoàng Giác – bđd)

 Như thế nghĩa là: dù bóng người anh người chị có đi xa khuất mờ, thì đàn em chúng ta, cũng đừng vì thế mà “ngơ ngác đang đi tìm một ngày qua.” Bởi, tất cả là ân huệ. Ân huệ trên ban vẫn giữ gìn ta trong Tình Yêu của Đức Chúa, vẫn cứ gần.

 Trần Ngọc Mười Hai

Và những quyết tâm

Vẫn cứ ân cần với bầu gần xa

Trong ngoài luồng.

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30