CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN 28 TN C
“Rung một cánh nhạc buồn,”
Phím có hay người khóc,
Rơi một ngấn lệ sầu
Có ai hay người khóc cho duyên tình bẽ bàng?”
(Từ Công Phụng – Trên Tháng Ngày đã qua)
(Lc 15: 11-24/Rm 3: 3-8)
“Có ai hay người khóc cho duyên tình bẽ bàng?” phải chăng đây cũng là lời hỏi của người nọ gửi đến đấng bậc ở Sydney, như sau:
“Thưa cha.
Con là người thường xuyên đi xưng tội. Nhưng, con biết có nhiều người giống như chồng và con trai con ít khi nào chịu làm công việc đó. Xin cha cho biết: con phải làm gì để khích lệ những người như thế, kể cả chồng và con của con? Thêm nữa, con cũng không biết tại sao lúc này ít người chịu đi xưng tội lắm, vậy xin cha cho biết lý do dẫn đến sự kiện này.” (ký tên: một bổn đạo trong xứ/họ bình thường ở miền quê!)
Miền quê hay tỉnh thành, cha hay cố đã nào bận tâm về lý do dân con nhà Đạo, nay thắc mắc. Tỉnh thành hay quê miền đồng nội, người người xưa rày đều là con dân của Chúa, vẫn rơi vào tình trạng này, cũng không ít. Vấn đề là: sự kiện ít thấy người đến xin cha giải toả nỗi bối rối vi phạm lời hứa trung kiên sống đời lành thánh khi chịu thanh tẩy, có từ ngày nào đó rất xa xưa. Và hỏi về lý do, thì: đây là ý kiến của một “cố Đạo” người Tây ở Sydney chuyên trách giải đáp cho người đọc báo biết về giáo luật và giáo sử, rất như sau:
“Trả lời câu đầu của chị, tôi nghĩ: nếu ta nhìn về quá khứ ít năm trở về đây, cũng thấy là: hồi thập niên ‘60 và ‘70 vẫn còn thấy khá nhiều người đến toà cáo giải để xưng tội, cũng đều đặn. Khi ấy, còn thấy nhiều linh mục ở trời Tây, bên này vẫn lo chuyện xứ đạo và còn khá nhiều người nối đuôi chờ ở trước toà giải tội để xưng thú các lỗi lầm, nhất là vào Thứ Bẩy hoặc các ngày khác trong tuần.
Và, ít nhiều gì thì cũng trùng hợp với sự kiện là: Hội-thánh khi ấy đã đưa vào sinh hoạt đạo đức điều mà mọi người gọi là: “Giải tội tập thể” giữa thập niên 70. Và, số người đi xưng tội lại đã giảm bớt, rất đáng kể. Bằng nghi-thức xoá giải này, nhiều người đã hiểu lầm ý của Hội thánh khi đưa ra đường lối khác như thế. Và có lẽ, một số người, từ đó, bớt xưng tội thường xuyên như trước, tức: từ nay không còn cảnh người người cứ hay liệt kê một loạt các lỗi tội mình mắc phải như “danh sách mua sắm” hoặc “danh sách đem đồ đi giặt” để nhớ kỹ. Đúng hơn, ta phải xếp hàng để hoán cải thật sự sau khi đã sa ngã và đi hoang. Và từ đó, con số người đi xưng tội, cũng ít thường xuyên hơn bao giờ hết. Dĩ nhiên, chuyện này chẳng có lý lẽ chút nào hết. Ngoài ra, còn các yếu tố khác nữa, cũng không chừng. Thế nhưng, điều chắc chắn, là: số người đều đặn đi xưng tội nay suy giảm một cách đáng kể, từ giữa thập niên ’70 đến nay.
Làm sao để giúp mọi người quay về với bí tích hoà giải?
Ngoài chuyện đọc kinh cầu nguyện và hy sinh hãm mình một đôi chút cho những người như thế, ta cũng nên nhắc nhở họ: Bí tích Xá giải đem lại ít nhất 10 điều lợi. Điều này, tôi từng viết trong tập sách nhỏ mang tên “Tại sao ta phải đi xưng tội?” Sách này tôi in ở Trung tâm Giáo dục Tráng niên Sydney năm 2008. Tựu trung, có thể tóm gọn như sau.
Vâng, cố Đạo ở Sydney hôm lại muốn tóm tắt một cách gọn gàng “chuyện buồn muôn thuở” như thế ấy ít là một lần, như thời trước, thì: có tóm cho gọn gàng đi mấy, cũng tựa hồ người nghệ sĩ từng tóm và tắt cũng rất gọn, bằng câu nhạc, hát ở đây:
“Rung một cánh nhạc buồn
Rơi một ngấn lệ sầu
có ai hay người khóc trong tinh cầu lẻ loi
Ngoài kia mưa là những giòng lệ rơi
Theo cuộc tình khi cơn bão đi qua đời mình
Người ơi, người ơi tìm đâu thấy nửa đời xuân thắm
Với tình yêu chúng ta như giọt sương sớm mai
như giọt sương sớm mai long lanh trên cánh hoa vàng…”
Từ Công Phụng – bđd)
Tóm gọn chuyện buồn như nghệ sĩ mình từng tóm nó cũng rất gọn, có lẽ nhiều người khác cũng đã làm thế. Tuy nhiên, làm như thế cũng không giống “vị cố Đạo” ở Sydney, từng tóm cho gọn 10 điều rất gọn tóm kiểu “giáo lý/sách phần” bỏ túi, như sau:
“Trước nhất và rõ nhất, là: ta được nhận lãnh từ Chúa ơn tha thứ các lỗi phạm tày đình. Khi bị tội lỗi đốt cháy tâm can, thì nội mỗi chuyện được nghe những lời như thế, sẽ thấy mình được trút đi gánh nặng ngàn cân rồi. Lời lẽ đầy tính tha thứ, là lời của vị linh mục “ngồi toà” vẫn hay nói: Cha giải cho con khỏi các tội con đã mắc phải.” để biết rằng Chúa từng nói: “việc gì dưới đất, anh em tháo cởi, thì trên trời cũng làm như vậy.” (Mt 18: 18)
Điểm thứ hai, khi làm thế, ta cũng nhận được ơn lành Chúa ban, tức: cũng được sẻ san cuộc sống của chính Chúa, để rồi ta sống thánh thiện khiến Ngài rất vui lòng. Bởi lẽ: khi ta bị lấm lem con người mình vì tội lỗi tạo ra, thì: dù tội nhẹ, một khi bước ra khỏi toà cáo giải, ta sẽ thấy hồn mình đã sạch và tràn đầy sự sống của Thiên Chúa, Chính vì lý do này, mà nếu ta năng đi xưng tội, việc ấy sẽ giúp ích ta rất nhiều để lớn lên trong sự lành thánh.
Điểm thứ ba: ta còn lĩnh nhận ơn bí tích lành thánh, khiến ta tránh được cơn sa ngã mắc phải những tội hoặc lỗi, ta vừa xưng. Khi ấy, ta sẽ hiểu rằng: mình vẫn có thể sa ngã như thế một lần nữa; và nhờ đó, ta lại có thêm sức lực bổ dưỡng sau lần xưng tội ấy, để rồi sẽ không còn mắc phạm như thế nữa.
Thứ tư, là: mỗi khi xưng tội xong, ta trở thành con người mới hầu lại phấn đấu trong cuộc chiến thiêng liêng, linh đạo. Đặc biệt hơn, khi mắc phạm tội trọng hoặc tội nhẹ đi nữa, ta sẽ hiểu được rằng: mình đã được gột sạch và sẽ được tràn đầy ơn Chúa ban hầu giúp ta quyết định hăng say phấn đấu để không còn ngã phạm một lần nữa. Ai không lĩnh nhận bí tích xá giải này, sẽ không thấy được rằng linh hồn mình nay sạch sẽ và có được khoảnh khắc rất quyết định khả dĩ bắt đầu lại cuộc sống thanh sạch để lại tiếp tục phấn đấu về mặt thiêng liêng, mãi về sau.
Thứ năm: khi xưng tôi, ta được vị linh mục xá giải ban cho lời khuyên/tư vấn rất khích lệ, đó là hình thức của một linh hướng/dẫn dụ, khả dĩ giúp ta lớn mạnh hơn trong công cuộc phấn đấu chống lại sự tội.
Thứ sáu: ta sẽ lớn mạnh hơn trong nhận thức biết rằng: xét mình cho kỹ trước khi xưng thú là việc rất cần thiết, để linh mục xá giải biết mà có lời khuyên ta cho thoả đáng. Xét mình kỹ, ta biết rõ chính mình hơn; và thấy được yếu điểm của mình và nhờ đó giúp mình có tiến bộ về mặt này.
Thứ bẩy, ta càng lớn mạnh hơn trong nhân đức và sống chân phương/bình dị hơn bằng việc xưng thú các tội mình mắc phải cho vị linh mục nghe. Đôi lúc, cũng có khi ta thấy bối rối phải xưng thú một số tội hoặc lỗi rất như thế; nhưng, một khi đã xưng các tội ấy ra với người khác rồi, thì việc ấy sẽ giúp ta tăng trưởng về mặt nhân đức, thánh thiện.
Thứ tám, việc đền tội mà linh mục xá giải yêu cầu ta thực hiện, sẽ khiến ta tạm thời chịu hình phạt còn đang nợ do lỗi tội của ta mà ra, có như thế mới làm ngắn đi thời gian ở chốn luyện hình, nếu bị phán xét như vậy. Và chắc chắn một điều, là: việc này sẽ còn giúp ta sống thánh thiện và nhân đức hơn.
Thứ chín, là: việc xưng tội với linh mục ở toà cáo giải, sẽ đem ta về với việc cứu chữa hồn ta cho lành sạch. Đến toà cáo giải để xưng thú các lỗi hoặc tội như: giận hờn, ghét ghen, quyết trả thù, hoặc buồn bực, trầm thống, thì thường là: ta sẽ trỗi dậy mà ra khỏi tình trạng buồn sầu ấy, để rồi sẽ sẵn sàng khởi đầu lại cuộc sống lành sạch, nhân đức.
Thứ mười, các hoa quả này khác ta đạt được sau khi ra khỏi toà cáo giải, đều đem đến cho ta niềm vui sướng, bình an trong tâm hồn. Đó là sự vui mừng, mà người con thứ đi hoang trở về, ở truyện dụ ngôn, đã đạt được sau khi anh mở lời xưng thú với Cha mình. Và khi đó, người cha ở chốn gian trần kia mà còn ôm hôn anh, tha thứ cho anh và còn trao áo mới đẹp nhất cho anh nữa, huống hồ là Cha ta ở trên trời. (Lc 15: 11-24)
Với những lợi ích tóm gọn như thế, thật đáng tiếc cho anh/chị nào, trong Đạo mình, lại để luột mất đi những điều lợi rõ ràng như thế. Thế nên, ta hãy sử dụng bí tích giải tội một cách đều đặn hơn, và làm mọi cách hết sức mình, để người khác cũng được như thế.” (xem Lm John Flader, Question time, the Catholic weekly ngày 22/9/2013 tr. 10)
Kể những lời “vàng” đầy nhủ khuyên của đấng bậc phụ trách giúp hối-nhân đầy bối rối thế rồi, nay tưởng cũng nên về lại với lời ca và ý nhạc của nghệ sĩ có câu hát cuối, như sau:
“Gom môt chút nắng vàng
Hát lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua
Em nhìn thấy chút gì
Có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta
thôi còn ngấn lệ này với một chút nhạc buồn
Hát lên cho đời sống vơi đi niềm đớn đau.”
(Từ Công Phụng – bđd)
Thật ra, nghĩ chuyện “gom một chút nắng vàng”, “hát lên soi hạnh phúc, trên tháng ngày đã qua”, tức: những lỗi phạm làm “rạn vỡ tâm hồn chúng ta” lại chẳng là “ngấn lệ với chút nhạc buồn” gì gì nữa, hết. Bởi, với dân con nhà Đạo tốt xấu cũng mặc, trước khi Hội thánh đặt ra các nghi thức xá giải khá cầu kỳ, thì Chúa đã thứ tha mọi lỗi lầm của con người rồi. Con người có vi phạm luật lệ đạo/đời này khác, thì cũng đều không là phạm chạm đến thân mình của Đức Chúa. Ngay đến lỗi tội tày trời mà luật đời không dung thứ, nhưng Chúa vẫn dung tha từ lâu rồi nếu hối-nhân thật tâm biếtlỗi và quyết thay đổi tận thâm căn.
Nói cho cùng, con người mọi thời có trí nhớ khá kém cỏi, nên chừng như đã quên những điều căn bản như thế. Căn bản hơn, chính là câu của các thánh-sử viết trong Tin Mừng, rằng: “Lòng tin của con đã cứu con, hãy ra đi trong an bình và đừng lỗi phạm nữa.”
Là dân con đi Đạo, hẳn bạn và tôi, mỗi khi có vấn đề để thắc mắc sẽ tìm đến “cha Đạo” để yên tâm, cho phải phép. Còn, người đời sẽ hỏi ai đây? Hỏi ai thì hỏi, dưới đây: là câu hỏi/đáp cũng rất khó để có một lời khuyên nào hay hơn:
“Tháng năm vội vã, đời người ngắn quá, chớp mắt đã già. Chúng ta nào dám nói đã thấu hết lẽ đời, nhưng ta cảm thấy, chỉ có hiểu đời, mới sống được ung dung, thanh thản. Tôi muốn viết đôi dòng “cảm nhận nhỏ nhoi” gửi tới những bạn già, để được mọi người chia sẻ những “cảm nhận lớn lao” hơn, để ta cùng cố gắng.
1. Cách sống: Qua một ngày, mất một ngày. Vui một ngày, lãi một ngày.
2. Hạnh phúc và niềm vui: Hạnh phúc không tự gọi cửa tìm đến ta, niềm vui cũng không tự rơi từ trên trời xuống, mà đều phải tự tay mình tạo dựng nên. Niềm vui là mục đích cuối cùng của đời mình, niềm vui ở ngay trong những việc vụn vặt của cuộc sống, ta phải tự mình tìm lấy. Hạnh phúc và niềm vui là một thứ cảm xúc và cảm nhận, quan trọng là ở tâm trạng mình.
3. Tiền bạc: Tiền không phải là vạn năng, tăng lực, nhưng không tiền thì vạn sự bất lực. Không nên quá coi trọng đồng tiền, lại càng không nên tính toán tiền bạc, nếu hiểu ra, sẽ thấy tiền chỉ là thứ đồ vật ở ngoài thân, khi ta chào đời ta đâu mang tới, khi ta chết đi lại chẳng mang theo. Nếu có người cần ta giúp đỡ, khảng khái mở hầu bao chính là một niềm vui lớn. Nếu tiền bạc mua được sức khỏe và niềm vui, cớ gì chần chừ nữa? Nếu bỏ tiền ra để được an nhàn tự tại, chẳng phải xứng đáng sao! Người hiểu biết là người biết cách kiếm tiền biết cách tiêu pha, làm chủ đồng tiền chứ đừng làm nô lệ cho nó.
4. Học cách hưởng thụ: “Phần đời còn lại ngắn ngủi, càng phải làm cho nó giàu có”. Người già phải biết đổi nếp nghĩ cũ, tạm biệt cách sống như tu hành, để làm loài chim vui. Cần ăn thì ăn, muốn mặc phải mặc, thèm chơi hãy chơi, không ngừng nâng cao chất lượng sống, đón nhận những thành quả của thời đại công nghệ, mới là mục đích sống của tuổi già.
5. Sức khỏe quan trọng nhất: Tiền bạc là của con mình, địa vị chỉ tạm thời giữ, vinh quang thuộc về quá khứ, sức khỏe mới là của ta.
6. Khác biệt: Tình yêu bố mẹ dành cho con là vô hạn, con yêu bố mẹ có hạn; Con cái bệnh tật bố mẹ lo âu, bố mẹ bệnh tật con cái hỏi han vài lời là thấy thỏa mãn; Con cái tiêu tiền bố mẹ thì dễ, bố mẹ tiêu tiền con cái thì khó; Nhà bố mẹ chính là nhà của con, nhà con lại chẳng phải nhà bố mẹ. Khác biệt là khác biệt. Người hiểu ra sẽ thấy lo liệu cho con chính là trách nhiệm và niềm vui, chẳng đòi con báo đáp, còn người cứ muốn được con báo đáp, là tự chuốc ưu phiền.
7. Bệnh tật trông cậy ai: Cậy con, bệnh nặng ốm lâu con mệt mỏi vắng bóng. Cậy bạn đời, người già tự lo thân chưa xuể, lấy đâu sức lực mà chăm nhau. Cậy tiền, có lẽ phải vậy.
8. Trân trọng những gì đã có: Ta thường coi nhẹ những gì trong tay, ta thường tiếc nuối những gì không có. Nhưng cuộc sống hạnh phúc đủ đầy lại bởi ta có biết cách cảm nhận cuộc sống chăng. Người hiểu đời sẽ trân trọng và nâng niu những gì đã có, cho nó thêm ý nghĩa trong đời mình, để sống tràn đầy và say mê vui sướng.
9. Cách nắm giữ niềm vui: Phải giữ tấm lòng rộng mở bao dung, để cảm ơn đời và tận hưởng sự sống. So với người trên nào bằng, ngoảnh xuống kẻ dưới thấy đủ, thấy đủ là thấy vui nhẹ nhõm; Nuôi dưỡng nhiều niềm say mê, vui thú ấy nào cạn, ta tự tìm lấy được niềm vui; Tốt với người đời, thường làm việc thiện, vui khi giúp người. Đó là những cách nắm giữ niềm vui, cũng mạnh khỏe trong tâm.
10. Dung dị mới là cốt lõi: Chức cao bổng lộc nhiều, địa vị hiển hách được mấy ai, số đông chúng ta chỉ là thường dân. Nhưng thiểu số ấy chưa chắc đã hạnh phúc, còn đám đông thường dân như chúng ta lại chưa chắc đã bất hạnh, nên ta cần gì nhìn lên đám thiểu số giàu sang đó mà tự ti, thèm muốn. Con người vốn không phân chia đẳng cấp giàu nghèo sang hèn, chỉ phân chia có tận tâm tận lực với sự nghiệp hay không mà thôi, là đã được coi có công với đời, lòng dạ thanh thản, không hổ thẹn với ai, nữa là con người ta đã lui về rồi thì đều giống nhau cả, chốn sau cùng của chúng ta đều là về với thiên nhiên. Kỳ thực, chức cao nào bằng thọ lâu, thọ lâu nào bằng sống vui lâu, sống vui mới chính là hạnh phúc.
11. Hãy sống đích thực cho chính mình: Con người quá nửa đời là hy sinh vì sự nghiệp, gia đình, con cái, thời gian giờ còn lại đâu nhiều, hãy sống đích thực cho chính mình, sống sao thấy vui thì sống, làm những gì mình muốn làm và mong làm, đừng ngại ngần người khác đàm tiếu, bởi ta đâu phải sống hộ người khác, mà ta đang sống cuộc đời của chính bản thân ta.
12. Không cầu toàn: Con người sống trên đời này làm sao có thể vạn sự như ý, tất sẽ có những ngày này khác, cũng vậy thôi.”
(trích “Lời khuyên của Dương Trạch Tế, do Trang Hạ dịch)
Kết luận tìm gặp cho vấn đề “đường dài” thứ tha và xá giải, tưởng cũng nên tìm về Lời Chúa bảo ban, khi xưa còn sang chói, rằng:
“Bấy giờ người con nói rằng:
‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,
chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’
Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng:
‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu,
xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,
rôi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!
Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại,
đã mất mà nay lại tìm thấy.’
Và họ bắt đầu ăn mừng. “
(Lc 14: 30-31)
Cuối cùng thì, dụ ngôn Tin Mừng còn cho thấy, người “Cha” đâu nào để ý đến yêu cầu của người con thứ “xin được thứ tha”, nhưng Cha vẫn cứ bảo người nhà “mở tiệc mừng” vì con của Cha đã chết, nay sống lại; tức: biết mình có lỗi và thật tâm quay về với Cha mà thưa: từ nay, con sẽ không còn bê tha, tội lỗi nữa.
Đó, mới là Tin Mừng. Đó, còn gọi là: Tin Vui An Bình cho mọi hối nhân ở đời, rất con người.
Trần Ngọc Mười Hai
đã nghĩ nhiều về tha thứ và ăn mừng.
Như được dạy, bấy lâu nay.
Tags: Tản-mạn-suy-tư
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT PHỤC SINH B
- CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN III MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 1 MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN IV MÙA VỌNG
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN A
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN A