CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN 33 TN C

Written by xbvn on Tháng Mười Một 15th, 2013. Posted in Mai Tá

 

“Nếu quen biết nhau một ngày”

Để mà thương nhớ suốt trong cuộc đời.”
(Y Vân – Đêm Huyền Diệu)

 (Lc 14: 25-26)

            Huyền diệu đây, còn là diệu là huyền trên cả mức tuyệt vời, mới ra thế. Tuyệt vời, lại vẫn không chỉ là lời người anh nhắn người em, có mỗi đêm. Mà, có thể là: lời ai đó từng nhủ và từng nhắn đàn em/con cháu, ở đời. Một đời, có giòng chảy với ý/lời như sau:

 Nếu anh thiếu em trên đời,

Hẳn là thương nhớ biết bao nhiêu rồi,

Nếu vắng em một ngày,

Thì là một ngày chẳng vui

(Y Vân – bđd)

 Vâng. Lời như thế, người đời đôi khi cứ nghĩ và cứ tưởng là lời đôi tình nhân hoặc nhân tình nói với nhau, như thế. Bởi, nếu bạn và tôi, ta nhân rộng hơn nữa, thì chửa biết chừng có người lại sẽ hiểu lời đây là lời từ người nhà Đạo từng bảo nhau, như câu ca trên lại hát thêm:

 “Kể từ một đêm cùng nhau,

Hòa lòng nhịp trong tình yêu,

Của thời niên thiếu,

Nhìn bầu trời thêu đầy sao,

Dù rằng mình chia cùng nhau,

Bóng đêm huyền diệu.”

(Y Vân – bđd)

 Bần đạo đây, nhiều buổi ngồi buồn chẳng biết viết gì cho báo điện vào ngày lên khuôn, nên ngán ngẫm. Ngán và ngẫm, là bởi: nhiều lúc cứ viết hoài/viết mãi chẳng thấy đời mình/đời người nào đã vui! Có chăng, chỉ là những “chuyện (vẫn) phiếm” vụn, chỉ tán dài/tán rộng, cho hết giấy! Nghĩ đi thì nghĩ lại, âu đó cũng là phiếm những chuyện nhạt nhẽo ở đời. Bởi, không phiếm lúc này, thì cũng chẳng có cơ hội nào để phiếm thêm. Nghĩ thế nên, bần đạo lại lấy giấy bút ra mời bạn và mời tôi, ta cùng phiếm. Phiếm dài phiếm lai rai sao cho phải đạo làm người muốn phiếm Đạo.

Phiếm thế nào cũng đặng, nhưng trước đó cũng nên hát cho hết bản ca vừa ghi ra:

 “Nếu quen biết nhau một ngày,

Để mà thương nhớ suốt trong cuộc đời,

Giữa phút giây ban đầu,

Và chỗ tuyệt diệu tình yêu

Nếu anh thiếu em bên đời,

Hẳn là năm tháng ý xuân không tàn,

Nếu thấy em lo buồn,

Thì lòng này còn buồn hơn

(Y Vân – bđd)

 Vâng. Thật hết ý, khi người viết nhạc hôm trước có hát: “Nếu thấy em lo buồn.. (vì bất cứ điều gì, chứ không chỉ vì nghe mãi mỗi chuyện phiếm) thì lòng này còn buồn hơn”, cũng rất nhiều. Vì buồn chán cũng khá nhiều, nên hôm nay, bần đạo lại xin dông dài kể lể về chuyện “lo và buồn” cũng hơi “phiền” như sau:

 – Anh về ngay đi, em hết chịu nổi rồi, mẹ anh phiền thật.

– Ừ! Mẹ anh phiền thật, nhưng bây giờ anh đang có cuộc họp quan trọng, tối về anh sẽ giải quyết nha em.

 Tiếng ở đầu giây bên kia dập máy nghe có vẻ tức tối, anh buông thõng người ra sau ghế, ở bên này, cô vợ nhìn ra phía cửa như cố nuốt trôi cái gì đó vào trong mình.

– Anh nhìn đi! Đấy thấy không? Toàn những chuyện … hôm nay em sắp, ngày mai em xếp, cứ một người dọn, còn người khác lại cứ bày ra la liệt như vậy, ai mà chịu nổi. Em sắp điên rồi đây. Cô vợ vò đầu nghe như vô cùng tức giận, anh lại gần cô, lấy tay xoa xoa 2 bờ vai gầy nhưng cô hất tay anh ra.

– Em vào đây! Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay cô kéo vào phòng, khép cửa lại, anh lấy xuống 1 chiếc hộp đặt trên nóc tủ, lấy tay phủi nhẹ, anh nhìn cô mỉm cười rồi bảo:

– Mẹ phiền thật, ngày mai chúng mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé, còn bây giờ để anh cho em biết mẹ mình phiền đến mức độ nào.

 Anh mở hộp, bên trong là 1 xấp hình, anh lấy 1 tấm đã cũ mèm, nhưng chẳng dính tí bụi nào, cô vợ tò mò nhìn vào tấm ảnh. Anh chồng lại nói tiếp:

– Em thấy không, đây là tấm hình Dì anh chụp lúc anh vừa sinh ra, Dì kể lại là mẹ yếu, nên bữa ấy mẹ sinh lâu lắm. Mà, sinh lâu như thế, chắc là đau lắm nhỉ? Mẹ phiền thật, cứ la hét ầm ĩ cả lên, ai mà chẳng có kinh nghiệm sinh đẻ, chứ. Dì còn nói, mẹ yếu lắm, nếu mẹ cố sinh ra anh, thì sẽ nguy hiểm cho mẹ, bác sĩ đã nói vậy rồi mà mẹ vẫn cố hĩ: ” Không, con tôi phải có mặt với đời, tôi phải sinh nó cho bằng được…” Mẹ anh quả thật rất phiền.

 Cô vợ nhìn tấm hình, bàn tay cô tự nhiên nhẹ hẳn, bỗng cô nhìn anh chồng, thấy như trong mắt anh chứa 1 điều gì đó rất lạ. Anh cẩn thận để tấm hình qua 1 bên, lấy tấm khác cho vợ xem.

– Em nhìn nè, đây là bức ảnh lần đầu tiên chụp anh đang bú mẹ, anh chưa thấy ai phiền như mẹ cả. Bà nội, bà ngoại nói rồi, mẹ yếu lắm, chắc không đủ sữa cho anh bú đâu, cứ cho anh uống sữa bình đi rồi dưỡng sức, nhưng mẹ cứ một hai khư khư giữ anh vào lòng.” -Không, con của con nhẹ cân quá, phải bú sữa mẹ mới tốt”. Ai nói gì mẹ cũng cãi là: nếu không được bú sữa của mẹ, thì anh cũng phải uống sữa bình thôi, nhưng mà sữa bình phải ngon hơn sữa mẹ mới được, mẹ anh quả thật là phiền.

 Bàn tay cô vợ bỗng run run, cô thấy ánh mắt của người mẹ trong bức ảnh bỗng ánh lên một vẻ gì đó như là hạnh phúc, 2 bàn tay mẹ cứ giữ chặt đứa bé. Cô nhìn chồng một hồi mà không nói gì cả.

– Còn nữa đây! Anh lại lôi thêm 1 tấm khác rồi mời cô nhìn vào đó.

– Em thấy mẹ anh phiền quá chứ nhỉ? Con nít con lứa mới hơn 1 năm, đứa nào mà chẳng chập chững, mẹ cứ làm như chỉ có con của mẹ mới làm được điều đó thôi. Ba anh kể là: mẹ gặp ai cũng hí hửng khoe: “Thằng cu Tin nhà tôi nó đi được rồi, nó đi vững lắm đó!” Làm như, mẹ không thấy phiền hà gì hay sao khi kể như thế đấy nhỉ?

 Bờ môi cô vợ mấp máy như muốn nói điều gì đó nhưng cổ họng lại cứ ứ nghẹn. Bức ảnh chụp đứa trẻ đang chập chững bước về phía mẹ mình, cô cứ nhìn mãi. Anh chồng lại nói tiếp: “Ba còn kể, là: từ ngày anh bắt đầu bi bô tập nói đã gọi được cả tiếng “mẹ” nữa. Thế là nguyên ngày sau đó, mẹ cứ là kể một tràng toàn điệp khúc: “Cu Tin gọi mẹ đi! Gọi mẹ đi, cu Tin!” Mẹ phiền quá đi thôi mẹ à! Anh mỉm cười xoa tay nhẹ vào bức ảnh, mắt anh đang long lanh có giọt vắn giọt dài, thì phải.

– Còn đây nữa, nè em! Anh lại lôi ra nguyên 1 xấp hình, rồi nói: Em thấy mẹ không? Mẹ anh phiền ghê? Chụp gì mà lắm ảnh thế không biết! Lần đầu anh vào trường mẫu giáo học ở đó, có phiếu “bé ngoan”, rồi năm lên tiểu học, trung học, lại nhận bằng khen… Em cầm lấy mà coi đi! đủ thứ trò trên đời này! coi hình của anh đến tết cũng chưa hết! Anh phì cười:  mẹ anh phiền chứ nhỉ?”

 Cô vợ nhìn anh chồng, nhưng anh không mỉm cười được nữa; nhưng cầm 1 tấm hình khác lên rồi để mắt vào đó ngắm rất lâu, cô thấy đó là tấm hình đẹp. Chồng cô rất đẹp trai trong bộ áo tốt nghiệp bằng cử nhân, lúc đó anh trông thật điển trai quá, cao ráo, nhưng có điều là…

– Em thấy không? Tóc mẹ anh cứ rối bù lên… Còn áo quần này nữa,toàn bộ đã cũ mèm…- Cô vợ nghe như giọng anh trở nên khác lạ, không đều đặn như lúc ban đầu mà đứt quãng. Cô nắm tay anh thật chặt, sau đó anh lại nói:

– Năm 15 tuổi, ba anh bỏ mẹ con anh lại, và lúc đó, mọi thứ trong nhà như thể không còn điểm tựa nào nữa. Anh đi học, mẹ bắt anh phải học cho thật nhiều…Em không biết đâu, anh xin nghỉ nhưng mẹ không cho, như vậy mới phiền hà chứ. Mẹ cứ sáng sáng đi phụ quán cơm thật sớm cho người ta, trưa đến chỉ ăn có 1 chén cơm thừa trong quán để hễ có dư tiền lại cho anh học thêm ngoại ngữ, rồi chiều đến mẹ còn chạy đi giặt đồ cho các bà mẹ khác, để họ có thể đi mua sắm, uống cà phê, hoặc giải trí sao đó…”

Giọng anh có lúc lạc hẳn:

– Còn nữa em ạ. Tối tối mẹ lại tiếp tục đi làm lao công đường phố, sáng sớm mới về chỉ chợp mắt được 1 tí thôi, đời mẹ là như vậy đó…Em thấy mẹ khỏe ghê chưa? “Tách!” có giọt nước rơi trên tấm hình, mắt cô vợ nhòe đi, trông cô thật khác. Khi thấy một bà mẹ trẻ có gương mặt xinh đẹp khi con mình bi bô tập nói, và cũng gương mặt phúc hậu ấy, bây giờ làn da đã nhăn nhúm, khuôn mặt gầy xọm khi đứng cạnh cậu con trai vào ngày sắp sửa ra trường.

– Anh à! Bàn tay cô vợ nắm chặt đôi tay run run của anh chồng.

– Em có thấy tay mẹ yếu đi không? Anh chưa bao giờ kể cho em nghe chuyện đó chứ nhỉ. Đúng 5 tuổi, anh đùa nghịch chạy nhảy lung tung, lúc chơi trò đuổi bắt cùng cô bé hàng xóm anh trượt chân ngã từ trên cầu thang ngã xuống. Lúc đó, anh chẳng thấy đau chút nào, chỉ nghe một tiếng kêu rất quen. Em biết không, lúc đó anh đang nằm trên thân thể rất quen… là mẹ anh đó. Cô vợ sững người, nước mắt cô trào ra, tràn xuống ướt đẫm tay anh.

– Em à, mẹ anh phiền như vậy đó! Phiền từ khi anh sắp chào đời rồi còn phiền cả khi anh chờ đón đứa con đầu tiên của mình nữa. Chưa hết đâu, mẹ còn phiền cả đời đấy em ạ! Bây giờ anh lớn rồi mà mẹ vẫn cứ lẽo đẽo theo anh dặn dò đủ thứ em không thấy sao? Nào là, cơm phải ăn 3 chén, đi xe phải chậm chạp thôi, đừng thức khuya quá. Mẹ anh quả là phiền thật! Ngày mai, nhất định vợ chồng mình sẽ đưa mẹ vào viện dưỡng lão em nhé.

”Anh!” Cô vợ ôm chặt lấy anh chồng. Cô òa khóc nức nở: “ Em xin lỗi!” Anh ôm lấy cô vỗ về, như ngày xưa anh vẫn thường làm như vậy.

“Choang!” Anh và cô chạy nhanh vội xuống bếp xem có gì đổ vỡ không…

– Mẹ xin lỗi! Mẹ nghe con thèm chè hạt sen nên mẹ lấy đồ đi nấu đó, nhưng…Giọng mẹ run run không dám nhìn về phía trước, chỉ cúi người nhặt những mảnh vụn vỡ vừa rơi xuống.

– Mẹ! Cô con dâu chạy đến nắm lấy bàn tay xương xương của mẹ, rồi nói:

– Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé! Hãy để con phiền thay cho mẹ. Cô ôm chặt mẹ chồng, nước mắt chảy ướt đẫm vai áo mẹ chồng. Mẹ nhìn anh, anh nhìn người con trai của mẹ, rồi anh con trại lại nhìn cô vợ mình nằm gọn lỏn trong lòng người mẹ như chính mẹ ruột của mình. Và người mẹ nói: Mẹ đã không sinh lầm ra con trai và con cũng đã không chọn lầm nàng dâu cho mẹ, phải không mẹ?” (truyện sưu tầm trên mạng)

             Như thế đấy, chuyện phiền toái, ở đời. Phiền toái/ngán ngẫm như phiếm Đạo ở trong đời. Tức: những chuyện “phiền toái” đại loại như chuyện kể về những khó khăn trong cuộc sống có thương yêu. Ngoài những chuyện rất “phiếm” cho qua ngày/đoạn tháng, có vị như bần đạo, lại vẫn sưu tầm chuyện Đạo/đời có ý/lời rất đẹp, nhưng người khác, lại coi đó là chuyện “phiếm” cũng rất phiền ở trên, vì cứ nghe đi nghe lại, mãi một chuyện. Những chuyện về yêu và thương mà người nhà Đạo thường nghe biết, rất như sau:

             “Khi ấy, Đức Giêsu bảo:

             Ai đến với Tôi

mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em

            Và cả mạng sống mình nữa,

thì không thể làm môn đệ Tôi được.”

            (Lc 14: 25)

             Nghe trình thuật thánh-sử viết, người nghe cũng thấy phiền, vì không hiểu. Phiền, vì chẳng lẽ thánh-sử cứ ghi lại những nghịch lý/nghịch thường ở Lời Chúa, sao? Nhưng, đọc kỹ mới thấy rằng: Sự thật Chúa nói, chẳng phiền hà/rắc rối như ta tưởng mà các thánh chỉ muốn diễn tả rằng: ai quyết làm đồ đệ Chúa, phải chấp-nhận mọi “phiền toái”, có ở đời. Phiền toái đây, chứng tỏ quyết tâm thương yêu của mình đối với Chúa; với những người mình yêu thương gắn bó, suốt một đời.

Không chấp-nhận phiền toái mình gặp ở đời hay ở người mình kỳ vọng thương-yêu, thì không thể gọi đó là thương người và thương mình được. Tin Mừng các thánh ghi lại, người đọc nhớ về truyện kể người Samaritanô/ngoài luồng, từng chấp-nhận phiền toái vào mình qua việc dừng chân đứng lại giúp người bị nạn dọc đường; dú biết mình gặp rắc rối với người Do thái cổ hủ, cứ nghĩ xấu về người khác: khác Đạo, dân tộc, vai vế và tình trạng kinh tế, ý thức hệ, vv…

  Không thể bảo: mình thương-yêu nhau, mà không gặp phiền hà rắc rối, khó chịu. Không thể nói: mình vẫn tương quan/hiệp thông với Chúa cách tốt đẹp mà lại không chịu chấp nhận mọi phiền-hà, khó chịu hoặc tròng tréo, từ người khác. Nói khác đi, hiệp thông với Chúa, tức: phải có tương-quan thuận-hoà với mọi người. Thuận-hoà, được xác-minh bằng mọi phiền toái của người khác đem lại cho mình.

Thế đó, là ý tưởng chủ-lực mà thánh Luca đề-cập đến sự thể phiền hà, khó chịu khi ta quyết tâm làm đồ đệ Thày Chí Ái, muốn người theo chân Ngài thực thi chuyện “chẳng đặng đừng” của tình thương. Hơn thế nữa, thánh Luca còn thêm một biểu-tỏ khác mình từng minh định:

 “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có,

thì không thể làm môn đệ Tôi được.”

(Lc 14: 33)

 À thì ra, “phiền toái” lớn hơn cả, tức khiến đồ đệ Chúa thấy khó nhất lại là quyết tâm “từ bỏ những gì mình có.” Có từ bỏ, mới có cơ hội trở thành hư không/trống rỗng để quan tâm đến người khác; tức: những người không có gì bảo quản hoặc giữ rịt. Từ bỏ hay dứt bỏ, cả đến danh thơm tiếng tốt hoặc tên tuổi, giòng giống, họ hàng rạng danh thiên hạ!  Dứt bỏ hay từ bỏ, mọi kế thừa hoặc gia tài tinh thần như tài năng, khôn ngoan sáng suốt, tính quý phái, lịch lãm mà đời gán cho mình nữa. Đây mới là đòi hỏi “phiền” nhất trên đời.

Nói tóm lại, chấp nhận “phiền toái” ở cuộc đời bằng các dứt bỏ hết mọi thứ, để ta được tự do/rảnh rỗi mà đeo đuổi Sự Thật. Sự Thật về những ràng buộc của tình thương yêu/đùm bọc những ai không phải là ruột thịt, giống giòng hào kiệt hay chính mình.

Đeo đuổi Sự thật, là để ta thăng hoa chính mình. Thăng hoa/thăng tiến mình và mọi người vào chốn yêu thương, nền tảng của niềm tin nơi những ai tự mệnh danh là đồ đệ, tín-hữu theo chân Đức Kitô Đấng Hiền Lành, thánh thiện. Tức, trở thành một Kitô khác hay Kitô-hữu không khác Đức Kitô là mấy, mỗi khi ta yêu thương giùm giúp hết mọi người, ở đời.

Phiền thế rồi, nay mời bạn và mời tôi ta đi vào truyện kể nhẹ có hơi “phiếm” cho vấn đề mình đặt, sẽ thấy vui vẻ và cũng dễ; tức: chỉ là truyện kể lể thuộc loại “phiếm nhạt” như sau:

 “Hai người bạn tù ngồi bên nhau mãi mà chẳng biết lấy chuyện gì để nói.

Bỗng, người tù cũ hỏi anh mới vào tù rằng:

-Này bạn. Nếu người yêu bạn quay sang bạn âu yếm hỏi: hôm nay anh thấy em thế nào, có đẹp không, thì bạn bảo sao?

-Chả bảo gì hết.

-Thế nghĩa là thế nào? Làm thế, không sợ bị vợ cằn nhằn chẳng quan tâm gì đến vợ, sao?

-Tôi có cái tật là không thể nói sai hay nói dối được ai, kể cả vợ.

-Thế nếu vợ hỏi: anh thấy em hôm nay đẹp không thì anh nói thật như thế nào?

-Tôi ấy à. Tôi sẽ bảo: Hôm nay anh thấy em có đôi mắt mơ huyền và sâu sắc.

-Như thế nghĩa là thế nào?

-Mắt mơ huyền là mờ và chũng hơi sâu sắc là: xâu sắc xấu ấy mà…

 Ấy chết. Vô phúc cho ai có người bạn đời thông minh, sắc sảo lại không mơ huyền, ắt hẳn sẽ hiểu ngay ý tốt của bạn đời “đáng chết bằm” là chồng mình, thôi. Nhà Đạo cũng thế. Thành viên nào ở Hội thánh mà không khen ngợi đấng bậc nhà Đạo ở trên cao, có ngày cũng đi vào cửa tử, thôi. Tức là, nếu không chết bên trong chút nào, thì cũng sẽ chết bên ngoài rất nhiều lần, mà thôi.

Quyết thế rồi, nay ta đi vào vườn âm nhạc mà ca hát ý/lời của bài ca ta hát ở trên, như sau:

 “Nếu quen biết nhau một ngày,

Để mà thương nhớ suốt trong cuộc đời,

Giữa phút giây ban đầu,

Và chỗ tuyệt diệu tình yêu

(Y Vân – bđd)

 Thương và nhớ, suốt đời như thế, phải chăng cũng là ý-nghĩa của một quyết tâm nơi nhà Đạo sống ở đời và với đời; như tôi, như bạn, bấy lâu nay? Hỏi, tức: đã trả lời. Trả lời xong, ta minh hoạ bằng câu truyện kể nhè nhẹ đi vào lòng người trẻ, rất như sau:

 “Truyện xưa kể lại rằng, một buổi tối một vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm trái quy định vượt tường trốn ra ngoài chơi, nhưng vị thiền sư không nói với ai, mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó.

Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Khi đặt chân xuống, chú tiểu mới kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai thầy mình, vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, đứng im chờ nhận được những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói :“Đêm khuya sương lạnh, con mau vào thay áo đi”. Sự khoan dung của vị thiền sư già đã khiến chú tiểu suốt đời không quên được bài học đó.”

 Và người kể hôm nay bàn rộng thêm thế này:

Người xưa dạy: Rộng lớn nhất thế giới là đại dương, rộng lớn hơn cả đại dương là bầu trời, rộng lớn hơn cả bầu trời chính là lòng người. Lòng người, nếu được dùng đúng chỗ và đúng lúc thì còn có tác dụng mạnh mẽ hơn mọi thứ kể cả sự trừng phạt, bởi nó tác động rất mạnh đến nhận thức mỗi con người.”

Kể thế rồi, nay xin để tùy bạn, tùy tôi, mỗi ngưòi tha hồ mà định liệu. Định liệu rồi, sẽ đi vào cuộc sống có quyết tâm, cho riêng mình.

 Trần Ngọc Mười Hai

Cũng có lần

đã quyết tâm với chính mình

để rồi nhớ mãi  

những chuyện cần nhớ

rất khôn nguôi.

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31