CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN I MÙA VỌNG A

Written by xbvn on Tháng Mười Một 27th, 2013. Posted in Mai Tá

“Anh đã hay trước sẽ có,

sẽ có một sáng đẹp trời,”

Sẽ có một sáng, một sáng không như bao ngày,

Ta không còn nồng ân ái, Môi nhạt môi ôi hững hờ.

Dẫu xa nhau, dẫu xa nhau…”

(Charles Aznavour: “Et Pourtant” – Nhật Ngân: Nếu Có Một Ngày)

 (Mt 23: 9)

            Nếu có một ngày, ư? Đúng là như thế! Cái ngày, vào buổi sáng đẹp trời nọ, cả anh và em ta không còn cần đến “nồng ân ái, môi nhạt môi, ôi hững hờ”! Nhưng ở đây, không phải vì tình lạnh nhạt, mà ra thế. Nhưng vì, anh đã “cao bay xa chạy” khỏi người em yêu vào buổi chiều tối, chỉ để nghĩ đến những chuyện như sau:

             “Anh sẽ không tiếc, không tiếc năm tháng hoa gấm ngày nào,

Anh sẽ đi mãi, không biết khi nào quay về.

            Bước đi rồi là xa mãi, xa mù khơi xa muôn trùng.

            Xa tiếng nói, xa tay mềm. Hỡi em yêu!”

            (Charles Aznavour: “Et Pourtant” bđd)

             Nhưng ở đây, anh rày xa mãi đi mà không tiếc. Tiếc làm gì, khi anh đã có “tiếng gọi” âm thầm chốn xa xăm để trao thân gửi trọn hết tâm hồn cho nhiều người, ở huyện nhà hay nơi xa, để trở thành đấng bậc mà con dân nhà Đạo vẫn gọi anh: “Lạy Cha! cứ như thế.

            Như thế, là từ nay anh chỉ còn hát mỗi lần này, lời người nghệ sĩ khi xưa vẫn bảo:

             “Anh vẫn biết, vẫn biết đời anh chỉ yêu mỗi mình em,

            Anh vẫn biết, vẫn biết ngoài em chẳng yêu một ai.

            Anh vẫn biết, cho dẫu chua xót khi dứt đi những ân ái ngày nào

            Anh sẽ câm nín, ngăn khóc mắt hoen lệ trào,

Cho tâm hồn tựa con nước xuôi bình yên trôi êm đềm,

Dẫu xa nhau, dẫu xa nhau…”

(Charles Aznavour: “Et Pourtant” – bđd)

 Thật ra thì, khi xa nhau anh hát thì hát thế. Chứ, một khi đã đi xa rồi, chí ít là xa em, xa bạn bè người thân để dấn bước vào chốn âm thầm nguyện cầu cho chúng nhân, thì đời anh sung sướng nhiều hơn nữa. Sướng rất nhiều, vì nay mọi người sẽ không gọi anh bằng “Anh” như em vẫn gọi, mà sẽ gọi bằng “Cha” hay “Bố”, cũng rất thường.

Thế đấy, là tâm tình của ai đó, khi hiến trọn cuộc đời mình cho cuộc sống ở chốn tu trì thầm lặng, có nguyện cầu, nghĩ suy về cuộc sống âm thầm và yêu mến hết mọi người để được mọi người gọi bằng “Cha”, thứ cha và bố rất “linh hướng”/linh hồn”, nhưng không linh tinh/lình xình, nhiều trăn trở.

Tuy thế, trước khi đi vào chốn có nhiều trăn trở, thở than về danh xưng “sao cứ gọi là Cha/là bố, tưởng cũng nên la cà khu truyện kể cho thư giãn tình cha/cố, cũng khá vui:

 “Truyện là truyện vẫn được kể đi kể lại ở nhà Đạo, về “đại kết” như sau:

Quan-hệ “đại kết” giữa các giáo-phái nhiều lúc cũng không trơn tru, xuyên suốt dù là chuyện sống còn ở nhà Đạo. Chuyện “đại kết” gai góc, cứng như đá vừa được kể ở cột “6” trang 3 của tuần báo The Catholic Weekly trên mục-gọi-là “Parish Pump” rằng: hai nữ-phụ nhà đạo vừa kháo-láo với nhau về chuyện gia-đình gãy/đổ mà cả hai đều từng trải. Nữ-phụ đầu, lên tiếng hỏi người kia:

-Sao tôi thấy chị rất đẹp lại siêng năng chuyện đi đạo thế mà sao vẫn cứ “gẫy đổ” về đường chồng con là thế nào?” 

-Có phải chị có ý bảo rằng: bọn tôi bị “gẫy” là vì đi nhà thờ nhiều quá chứ gì?

-Ủa? Có cái vụ “chia tay/gẫy đổ” vợ chồng cãi nhau về chuyện đi nhà thờ nữa sao? Em lại nghĩ: chỉ mỗi chuyện tuổi tác, xấu/đẹp mới thành chuyện, thôi?

-Ấy chết. Chị sai rồi. Em đây cứ nghĩ vợ chồng chị đẹp trên mức tuyệt vời là thế mà sao vẫn chia tay, ly dị, sao lạ thế hả?! Chị có đi gặp cha/cố hoặc thày sáu gì chưa thế?

-Gặp để làm gì? Mấy ông “cha nội” ấy tối ngày chỉ biết đọc kinh, hết giảng rồi lại giảng biết gì chuyện chăn gối vợ chồng mà hỏi, chứ?

-Ấy chết! Chị đừng nói thế kẻo tội cho mấy ỗng. Em thấy nhiều ông linh mục bồ bịch cả đống, thế mà vẫn bắt bọn mình gọi bằng “Cha” thế có chết không, chứ!

-Em thấy: sở dĩ mấy ỗng bắt mình gọi bằng “cha”, còn chịu được. Đằng này, chồng cũ của em lại cứ nghĩ rằng “ỗng” là Đức Chúa Trời, rồi đòi đủ thứ chuyện, nhưng em dại gì mà tin những chuyện “lẩm cẩm” ấy. Ỗng không là ông “Trời”, gì hết. Em nói không nghe, thì: “Allê!”, giấy chia tay đây, cứ ký vào là xong. Vậy mà ỗng ký cái “rẹt” đó chị. Bởi vậy!

-Em thì khác. Chồng cũ của em cứ bắt em gọi mấy ông linh mục bằng “Cha”, mà em thì không chịu gọi như thế, nên “ỗng” đưa em ra toà đòi ly thân xong rồi ly dị. Chị có nghĩ rằng ỗng có ý gì khác không, thế?  (x. Parich Pump, The Catholic Weekly, `0/11/13, tr.3)

             Thật ra thì, mục “bên lề” cột 6 ở trên báo, cũng chỉ là chuyện vui trong tuần để bà con mình được thư giãn đôi chút chứ cứ suy ngẫm mấy chuyện đạo nhiều quá, sợ “mụ” người. Thôi thì, mình có gọi cha, bố hay cha/cố, cũng chỉ là lối xưng hô nó quen miệng, cũng khó bỏ. Rất khó, như chính đấng bậc nhà Đạo mình ở Sydney chuyên phụ trách mục “gỡ rối tơ lòng” nhà Đạo, lại đã có đôi lời giải đáp khi con dân trong Đạo ghi thư hỏi rằng:

 “Thưa Cha. Con còn nhớ Thánh Kinh có đoạn viết rằng: Chúa từng khuyên mọi người đừng nên gọi ai ở dưới đất này bằng “Cha”, bằng“Thày” hết. Thế thì, theo đúng đòi hỏi của Kinh Thánh, ta có được phép gọi các người cha ở dưới đất này bằng “Cha” được không? Và thêm nữa, làm thế nào trả lời cho những người không theo Công giáo nhưng cũng từng biết đến Kinh Thánh lại vẫn thấy người Công giáo gọi các linh mục là “Cha” nghĩa là làm sao?” (trích câu hỏi một độc giả gửi về tuần báo Đạo hôm nào).

 Hỏi và đáp,không chỉ một lần, là xong. Hỏi chuyện “cha/cố” với xưng hô nhiều lúc thấy cũng khó cho một số vị. Khó cho ai đâu không biết, chứ với đấng bậc vị vọng thuộc Tuần Báo Công giáo ở Sydney, vẫn có quan niệm chắc nịch, như sau:

 “Thật ra, đúng là Kinh Thánh có trích dẫn lời Chúa bảo rằng: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.” (Mt 23: 9). Thế nhưng, nên hiểu lời dạy của Chúa như thế nào, đó mới là vấn-đề.

 Rõ ràng là, Đức Giêsu không cấm ta gọi các ông cha ngoài đời là “Cha”. Cũng thế, Ngài không cấm ta gọi các bà mẹ ở dưới đất là “Mẹ” đâu. Chẳng có gì tự nhiên và hợp lý cho bằng xưng hô với các vị sinh ra mình bằng các tước hiệu như thế.

 Chính Đức Giêsu cũng đã dùng tước hiệu như thế khi Chúa nói về các bậc cha mẹ ở dưới đất, như câu Ngài nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10: 37)

 Quả thật, chỉ vì lý do duy nhất ta có thể hiểu được việc làm cha ở dưới thế trần này ta mới nắm bắt được ý nghĩa của tình cha thiêng liêng cao cả như khi ta xưng hô với Chúa bằng lời cầu trong kinh “Lạy Cha”.

 Như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có viết: “Ngôn ngữ của niềm tin, vì thế, dẫn ta về với kinh-nghiệm làm cha làm mẹ những vị -theo cách nào đó- là đấng bậc đầu tiên đại-diện cho Chúa đối với con người… Thiên Chúa cũng thăng-hoa tình phụ-tử và mẫu-tử bởi Ngài là nguồn gốc cũng như chuẩn-mực cho ta, nên không một ai sống chức-năng của người cha nơi Thiên-Chúa-là-Cha.” X. Sách GLHTCG đoạn #239). Thành thử, rõ ràng là Đức Giêsu vẫn muốn chúng ta qui về với các vị làm cha làm mẹ ở dưới thế.

 Cũng thế, ta cũng sử-dụng danh xưng “Cha” theo nghĩa linh-thiêng và tự-vựng này cũng được thấy ở Kinh Thánh. Tỉ dụ như: trong sách Cựu Ước, Giuse có nói rằng: Giavê Thiên-Chúa đã tác-tạo: “Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa. Người đã đặt tôi làm cha của Pha-ra-ô, làm chúa tất cả triều đình, và làm tể tướng trên khắp cõi Ai-cập.” (STK 45: 8). Trong khi đó, ông Gióp cũng bảo: “Tôi là cha của người nghèo túng, tôi xử kiện cho người xa lạ.” (Gb 29: 16) Còn, Êlisha lại kêu lên: “Cha ơi! Cha ơi! Hỡi chiến xa và chiến mã của Israel!” Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh.” (2Vua 2: 12) Ở đây, chuyện xưng hô gọi là cha, những vị chăm lo cho người khác về phần linh-hồn.

 Việc sử-dụng danh xưng này cũng gặp thấy ở sách Tân Ước. Thánh Phaolô thường qui về các tín-hữu tiên-khởi như con cái của thánh-nhân và coi mình như người cha chung của các tín-hữu này. Tỉ như: khi thánh-nhân ghi thư gửi giáo-đoàn Côrinthô, thánh-nhân đã từng viết: “Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi.15 Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.” (1Cr 4: 14-15). Ở một thư khác, thánh-nhân lại cũng viết: “Anh em biết: anh Ti-mô-thê đã chứng tỏ mình là người có giá trị, bởi vì anh ấy đã cùng với tôi phục vụ Tin Mừng, như con với cha.” (Phi 2: 22)

 Thánh Phaolô là người từng chịu khổ để gieo vãi hạt giống đức tin cho cộng-đoàn tín-hữu tiên-khởi, và thánh-nhân lại đã yêu thương họ rất mực, cứ tự coi mình thực-sự là “cha” của những người như thế. Và mọi người khi ấy, lại cũng coi thánh-nhân như người cha tinh-thần, của họ.

 Từ các chương/đoạn Kinh thánh như thế, thật dễ hiểu là làm sao người Công giáo ta và một số Kito-hữu thuộc giáo-phái khác cũng gọi các vị mục-tử của họ bằng “cha”. Nói cho cùng, thì các linh-mục cũng đổ tràn lợi ích thiêng-liêng sâu-sắc cho dân con trong Đạo mình. Nên, các vị ấy cũng thấy mình như cha của họ, đó là theo nghĩa nào đó cũng rất thực.

 Vậy, hỏi rằng: Chúa hiểu thế nào khi Ngài phán dạy, là: đừng nên gọi bất cứ ai ở dưới đất này là “cha”? Dĩ nhiên, Chúa chỉ muốn cho thấy rằng: khi ta dùng danh xưng “cha” để qui về những người khác biệt ở dưới thế và cũng rất nên làm thế mới xứng-hợp, vì không ai là cha như Chúa, cả. Chúa là Đấng mà mọi tình phụ-tử ở dưới đất này sử-dụng danh xưng (x. Eph 3: 15) Chúa là Cha theo nghĩa đích-thực nhất. Ngài là nguồn cội tiên-khởi của mọi sự và là Đấng quyền-uy siêu-thăng và “Ngài cùng một lúc là sự lành thánh chăm lo cho mọi người con của Ngài”. (x. GKHTCG đoạn #239). Các người Cha ở dưới đất có được đặc-trưng chất-lượng này theo cung-cách hạn-chế mà thôi.

 Ta cũng đừng nên quên rằng: cùng vào lúc Chúa nói đừng gọi ai ở dưới đất là cha, thì Ngài cũng nói thêm:

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một  Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô.” (Mt 23: 8-10)  

 Như thế, là Ngài muốn chỉ về đám kinh-sư/Biệt Phái, là những người vẫn thích được gọi là thày tư-tế, bậc thày dạy hoặc “ngài” và muốn người khác coi trọng quyền-bính của họ.

 Nói tóm lại, Đức Giêsu không cấm ta gọi bất cứ ai ở dưới đất này là “Cha”, hoặc “thày”, hoặc “ngài”. Chúa chỉ muốn nhắc đám kinh-sư/Biệt-Phái và tất cả chúng ta luôn nhớ rằng: khi làm điều này, ta phải luôn nhớ rằng: chỉ một mình Chúa mới thực sự là “Cha”, là “Thày” và là “Ngài” thôi. (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 24/8/2008 tr. 10)

             Đức thày giòng họ Flader nói huyên thuyên rất nhiều, cũng chỉ để kết-luận rằng: “Chúa không cấm!”  Quả thật, Chúa có cấm đoán điều gì bao giờ. Sở dĩ, bà con ta cứ hỏi tới hỏi lui là để biện-luận cho vui chuyện ngôn-ngữ đời thường. Mà, ngôn-ngữ vẫn có giới-hạn của nó, dù ở trong Kinh sách hoặc thánh-truyền. Hơn nữa, tự-vựng “Đừng” đâu có nghĩa là “cấm đoán”. Vả lại, ta có gọi vị nào đó là “cha” hay “bố” theo nghĩa kính trọng chức “thánh” của các vị ấy. Nhưng, ngay như ngôn-ngữ nhà Đạo hiện thời đã kỳ thị trên dưới, hoặc huý kỵ rồi. Cứ hết gọi “cha” rồi lại “Đức cha”, và “Đức Thánh Cha” và còn “Đức Ông”, “Đức Bà” nữa.

             Cũng may là nhà Đạo hôm nay đã có “Đức Thánh (là) Cha” Phanxicô đã kịp thời ngăn cấm dân con mình dùng tước hiệu của các linh-mục có chức có quyền trong hệ thống hành-chánh Vaticăng là “Đức Ông”, cũng có lý do chính đáng. Dứt khoát không thể gọi ‘Ông cha” hoặc thày cả dù có làm đến chức gì đi nữa là “Đức Ông” được. Bởi lẽ, “Đức Bà” thì ta chỉ có mỗi mình Đức Maria mà thôi. Còn, “Đức Ông” sao mà nhiều thế!

              Bần đạo đây, xưa nay vẫn gọi cha sinh mẹ đẻ mình là “thày/me”, nên dù có tôn kính các cụ cho lắm cũng không thể xưng hô bằng “Đức Thày” hoặc “Đức Me” được. Bở nếu không, thì bạn bè của bần đạo sẽ bắt chước gọi cha đẻ của họ là “Đức Bố” (bố đây không phải bố thắng đâu), hoặc “Đức Bá Bá” được, dù “Chúa không cấm”. Hy vọng rồi ra, Đức Thánh (là) Cha Phanxicô của ta sẽ còn ngăn “cấm” bà con gọi các giám (sát linh) mục là “Đức Cha” hoặc “Đức Tím Y” nữa cũng nên, ta cứ chờ xem.

              Nói cho cùng, thì đối với “cha” đạo hoặc “đức bố” trong đạo thì như thế, còn nghệ sĩ ngoài đời sẽ chẳng đặt nặng vấn đề xưng hô chức tước cho thật to cho bằng chỉ ngâm nga câu ca/ý nhạc mà hát rằng:

               “Anh sẽ lê gót, đi mãi đi mãi xa tít mịt mờ,

              Anh sẽ quên hết, quên trái time m lạnh lung

              Với hai bàn tay anh sẽ, xây tình yêu, xây ân tình

              Cho năm tháng trái tim nồng tràn ân ái, hỡi em yêu!”

  (Charles Aznavour: “Et Pourtant” – bđd)

 Vâng. Nói và hát những lời người nghệ sĩ vừa ca vừa hát rồi , hôm nay tưởng cũng không nên quá đặt nặng vào chuyện: có nên gọi đấng bậc nhà đạo mình bằng “cha” hay không, mà là: phải thông cảm thế nào với các đấng bậc lâu nay tuy vẫn “làm cha thiên hạ” rất nhiều người cách thiêng liêng, nhưng vẫn ăn hiền ở lành, và nhất là vẫn giữ mồm giữ miệng, làm thinh chẳng nói năng chi cho thêm phiền. Thế mà các vị này vẫn bị người đời hay nhà Đạo chê trách, tựa như cảm nghiệm của bậc đàn anh và là thày dạy khi xưa từng bộc bạch với bà con trong họ, ở chỗ riêng tư rằng:

 “Mến thăm T.

Cậu vừa đọc thư con. Mấy trang của Bác T. Cậu đã đọc rồi. Tú Gàn trước 75 (Nguyễn Cần trên báo Thẳng Tiến) cũng như sau 75 vẫn không ưa gì cậu và hay đâm thọc cậu. Bác T. phê bình ông ta thì cậu càng dễ (!) đồng tình thôi. Có điều, một lần nữa, cậu lại thấy Bác ấy cũng như Tú Gàn vẫn nói từ một quan-điểm, lối nhìn xa vời nào đó.

 Điều đáng tiếc nhất là cậu thấy rốt cuộc bác T. và Tú Gàn lại đồng thuận ở chỗ cho rằng có bất thuận (nếu không phải là mâu thuẫn) giữa các giám mục nói chung và cha Lý. Vậy là góp hơi cho người ta đấy.

 Cậu chỉ tạm nêu lên vài câu hỏi để con suy nghĩ thêm: Không có tự do ngôn-luận có phải cũng là không có tự do …im lặng? Và khi đó cũng cần phải can đảm và liều lĩnh mới dám im lặng? Đã lỡ có vị trí tinh thần nào đó, bác C.T. và cậu biết thế nào là phải trả giá cho sự im lặng, không hoan hô đả đảo theo chỉ thị. Nhất là trong mươi năm đầu sau 1975. Nói gì đến vị trí và trách-nhiệm của các giám mục. Tại sao trong chuyện này, không thấy sự im lặng của họ đã là vang rồi? Người mình còn nói: làm thinh là tình đã thuận cơ mà. Cậu không ham bênh gì các ngài, nhất là Đức Tổng T. sau thư con viết về kinh-nghiệm của con. Nhưng, sự im lặng của Đức Tổng cho đến nay không đủ ý-nghĩa sao?

 Phần cậu, con xem “Hẹn Thắp Lên” thì rõ, hầu như không bao giờ cậu mong hay đòi hỏi các giám mục phải biểu đồng tình với mình. Sự tự do con cái Chúa được tôn trọng và các ngài làm thinh đã là quý rồi.

 Giờ đây, trong chuyện này, con nghĩ xem, biết đâu các ngài không sợ người ta bằng ngại con cái trong nhà phê phán như cậu đã viết về Đức cha M. hay Đc Tuần cho nên cứ giữ được sự im lặng? Chính im lặng như thế là chưa sa chước cám dỗ mà “nhượng bộ”.

 Cậu chỉ tâm sự với con để mở một hướng cho con suy nghĩ thêm thôi. Thư cậu gửi, nếu con thấy đáng thì cậu nhờ con gửi cho cha HỒ Đỉnh, chú T. Và bác TPV để đọc riêng. Con chúc lành và cầu nguyện cho cậu mợ.” (trích thư Gs NNL gửi cho người cháu hôm 29/3/2001)

             Trích dẫn hoặc dịch thuật các lập trường về danh xưng hoặc tư thế im lặng của các đấng bậc trong Đạo bị chê trách nhiều thứ, có khi cũng là bổn phận để bạn và tôi, ta có thêm không chỉ một thứ thông tin đơn thuần, cần thiết mà còn là suy tư thêm về cung cách xử thế của mọi người ở đời.

            Xử thế ở đời, là cách thức thật không dễ, vì thường bị hiểu sai trệch ý của người xử theo tư thế tư riêng, âm thầm, trầm lắng. Chẳng thế mà, có những sự việc trong đời nghe qua tưởng dễ hiểu, dễ nhận xét cách đúng đắn, nhưng sự thật lại khác hẳn. Khác, như lời kể của một đấng bậc khác trên báo Đạo Sydney, cũng cột 6, vào ngày khác rất như sau:

 “Sau một bài chia sẻ khá dài và lại dễ đưa lòng người vào tư thế “gật gù” dù có đồng ý với nội dung hay không. Dù thế, sau lễ, giáo dân ra về cứ lẳng lặng chẳng nói năng hoặc đàm đạo thêm điều gì với vị giảng thuyết hết. Riêng người giáo dân cuối cùng, cứ chần chờ định nói điều mình suy-nghĩ về bài chia sẻ, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Mãi đến khi cha giảng đi thẳng đến vị này bắt tay rất chặt, mặt rất mừng rồi chào và hỏi lý do gì mà sao anh ta đăm chiêu thế. Vị này bèn nói:

-Bài chia sẻ của ngài hôm nay làm tôi suy nghĩ rất nhiều về sự an bình lặng lẽ và tình yêu đậm đà của Chúa.

-Thật thế sao? Xưa nay chưa có ai nói với Cha như thế cả. Là sao vậy?

-Chẳng ai nói gì là vì ngài cứ xưng “cha” với cả người lớn tuổi thì ma nào dám nói.

-Hôm nay, ông không gọi tôi là cha tức dám nói lên điều gì về bài tôi giảng đó hả?

-Vâng. Nghe bài chia sẻ hôm nay của ngài, tôi nghĩ nhiều về sự an bình của Chúa vì chẳng có ai phản đối ý kiến của ngài hết; thứ hai nữa, bài này kéo dài đến thiên thu như cốt để chứng mình rằng: Tình Yêu của Chúa, cũng kéo dài  vô tận, mãi như thế…

-Cảm ơn. Cảm ơn. À thì ra, ai không gọi các linh mục là “cha” tức: họ có lý của họ đấy chứ! (x. Parish Pump, The Catholic Weekly, 03/11/2013 tr. 3)                

 Những điều trích dẫn và kể lại ở trên, chỉ cốt để minh hoạ một điều là: sống Đạo giữa đời và với đấng bậc ở nhà Đạo còn có nghĩa: trong tư thế và xu thế đối xử với đấng bậc ở nhà Đạo, người dân đi Đạo không có ý kiến gì để trao đổi với các đấng bậc không phải vì họ không có kiến-thức hoặc ý-kiến đề ra, mà ngại ngần nói ra thôi.

Nói mà làm gì khi mọi ý/lời giữa người nói và người nghe, đều như được diễn tả ở câu cuối nhạc-bản ở trên vẫn thấy hát, rằng:

 “Với hai bàn tay, anh sẽ xây tình yêu xây ân tình

Cho năm tháng trái tim nồng tràn ân ái, hỡi em yêu.

 Anh vẫn biết, vẫn biết đời anh chỉ yêu mình em

Anh vẫn biết: ngoài em chẳng yêu một ai…

Anh vẫn biết…”

(Charles Aznavour – bđd)

 Vâng. Đúng thế. Có gọi linh mục, giám mục là “Đức” gì đi nữa, thì xin bạn và xin tôi hãy cùng hát với nghệ sĩ ở trên rằng: “Anh vẫn biết, vẫn biết đời anh chỉ yêu mình em…, chẳng yêu một ai”, dù ai có gọi anh, gọi “Em” là gì cũng mặc. “Anh vẫn biết, vẫn biết ngoài em chẳng yêu một ai… vẫn biết hoài biết mãi, biết dài dài. Suốt một đời.

 Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc vẫn muốn ca và hát

những ý/lời như thế

mãi khôn nguôi.

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31