CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN LỄ HIỂN LINH
“Đôi khi thấy trên lá khô một giòng suối,”
Đôi khi nhớ trong mắt em một bóng tối nhỏ nhoi.”
(Trịnh Công Sơn – Rồi Như Đá Ngây Ngô)
(1Cor 14:25)
“Bóng tối nhỏ nhoi” trong mắt em ư? Đôi khi ta cũng nên hiểu đó là cái bóng của im lặng, trầm lắng, bí mật, hệt như câu chuyện cười ngăn ngắn ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Trước khi đi ngủ, cụ bà dặn cụ ông, rằng:
-Ông nhớ xem chừng cửa nẻo, kẻo trộm nó vào thì khổ đấy!
-Bà chỉ khéo lo “con bò trắng răng”, thôi. Ngay tôi đây cũng còn không biết chỗ bà cất tiền, nữa là người dưng!?!”
Người nhà và người dưng, cả hai cũng đều chẳng biết được chuyện bí mật quốc gia đại sự hoặc bí kíp đại gia nhà và nước, tuốt tuồn tuột. Bí và mật, giống hệt truyện kể ở xứ miền rất Nga-La-xô như một bản tin “dị kỳ” được tiết lộ ở bên dưới:
“Mới đây trên nhật báo ở Nga có tên là “Russia Today” đã đăng tải câu chuyện có một không hai mang tựa đề thật bí mật, rất hấp dẫn người đọc như sau:
Người đàn ông nọ ở Trung Quốc đã đâm đơn kiện người vợ của ông chỉ vì y-thị dám giữ bí mật về quá khứ bệnh-tật để rồi đẻ cho ông những đứa con xấu xí, dị hợm. Rốt cuộc, ông ta đã thắng kiện với số tiền bồi thường lên đến $120,000 đô, rất ngộ nghĩnh. Hy vọng rồi ra, sẽ còn nhiều vụ kiện khác tương tự như thế, trong mai ngày.
Câu chuyện kiện tụng làm người đọc tin bỗng thấy rằng cung-cách mà các mệnh phụ phu-nhân thường thì ai cũng muốn “chỉnh trang” cơ thể của họ. Nghĩa là: người nào người nấy đều không thấy ngần ngại bỏ ra một số tiền quá lớn cho ngành thẩm-mỹ để thay đổi mầu tóc, nâng cao bộ ngực hoặc bơm chất “botox” vào bên dưới lằn da, cùng nhiều thứ khác.
Ngoài ra, còn có sự thể bảo rằng: đàn ông con trai chúng ta cũng đừng nên biến các bà thành đối-tượng sự vật mà làm gì khi các bà các cô rõ ràng là ai cũng muốn cơ thể của mình thành đối vật đổi mới rất lớn lao về mặt dục tình. Chính vì thế, tôi thấy mình cũng hơi lo ngại rằng phụ nữ họ làm thế sẽ không còn gì là danh giá, hết. Bởi lẽ, phần lớn nhất nơi danh-giá người phụ nữ là tính chân phương/lương thiện. Vậy nên, phụ nữ nào đem thân xác mình ra mà đổi thay, chỉnh sửa là tiếm quyền của tạo hoá thì còn gì là tính chân phương/thật thà cả với chính mình nữa. Là cha là mẹ, ai cũng muốn cho đàn con của mình được khoẻ mạnh, lành lặn lại hấp dẫn và được chăm sóc cẩn thận nữa.
Thế nên, chọn một người mẹ chân phương thật thà cho đàn con của mình là việc lớn mà đám đàn ông con trai có thể làm được ngõ hầu nắm chắc rằng con cái họ có được một khởi đầu tốt trong cuộc đời của chúng. Bởi vậy nên, hễ phụ nữ nào hẹn hò gặp gỡ đám đàn ông con trai mà lại bảo là mình không muốn bày trẻ có tiêu chuẩn cao về nhiều thứ, nhất là ngoại diện, thì cũng nên dè chừng các nữ phụ đó.
Dĩ nhiên, tôi biết lý do tại sao người đàn ông là chồng trong câu truyện này đã đâm đơn kiện người vợ của ông. Bởi lẽ, bà là người từng lừa dối ông. Bà còn gạt ông ở chỗ bảo rằng: cơ thể của bà thật an lành mạnh khoẻ; và, bà còn nói dối về nét đẹp và cả sức hấp dẫn của bà nữa. Nay thì tôi chẳng còn thấy người phụ nữ Á-châu nữa, và tôi thừa biết thế nào là một Chung-Vô-Diệm, hiện nguyên hình rồi.
Người đàn bà ở đây đã phạm phải tội nói dối và tôi thật cảm thông cho người chồng xấu số kia, bởi lẽ vợ của ông chỉ cốt bảo-vệ quyền-lợi riêng-tư của mụ ấy bằng cách đi sửa sắc đẹp và giấu diếm lai-lịch xấu như ma của mình và từng bị bệnh “Mông Cổ” nữa… (xem Scoop Team, Man Successfully Sues Wife for Ugly Children, Arabia msn 6/11/2013)
Dĩ nhiên, thiên hạ lên cơn “sốt” vì nghe chuyện lạ ở thế gian. Nhưng chuyện chồng kiện vợ hoặc con cái khiếu nại bố mẹ… ở đâu đó, ai cũng từng nghe. Nhưng, chuyện lạ ở đây hôm nay, là: những chuyện như thế được giữ bí mật cho đến khi đôi bên ra toà, và toà ra quyết định bắt người vợ dối chồng kia bồi thường $120 ngàn đô, còn lạ hơn.
Nói cho cùng, có bồi thường tiền bạc hay không, đền bao nhiêu, cũng chẳng là chuyện quan trọng. Quan trọng chăng là những điều mà nghệ sĩ hôm xưa còn cứ hát:
“Ngày nào vừa đến, đã xa muôn trùng.
Ngày nào vừa đi, lạnh lung bước chân.
Đôi khi thấy trong gió bay, lời em nói.
Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi.
Đôi khi nắng lên phố xưa làm tôi nhớ.
Đôi khi có mưa giữa khuya hồn tôi bỗng vu vơ.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Thế mới biết, lời em nói khi xưa, giờ đây đã “nằm trong gió” hoặc “trên lá cây”, để rồi giờ này, “em đã xa tôi”, mang nhiều tội. Tội lớn nhất là: “khi nắng lên phố xưa, làm tôi nhớ”, và tội lớn hơn cả, lại là: “đôi khi có mưa giữa khuya hồn tôi bỗng vu vơ”. Vì nắng lên phố xưa nên ông chồng mới thấy được sự thật lâu nay được giữ bí mật. Và, vì mưa giữa khuya nên ông lại thấy hồn mình vu vơ, nên đi kiện.
Hôm nay cũng vậy, ở nhà đạo mình, có nhiều vị thấy “vu vơ” vì “hồn mình không thấy nắng”, nên thay vì đâm đơn kia ở toà, như ông chồng nọ, nhưng lại đi tìm đấng bậc vị vọng để hỏi han đôi điều về “bí mật” nghe được từ người này mà không dám loan truyền cho người khác biết, rất như sau:
“Thưa Cha. Con có người bạn, mới đây vừa cho con biết đôi điều về bí mật đại sự. Từ hôm đó đến giờ, con cứ suy nghĩ mãi: nếu con không “bật mí” cho người khác biết, e rằng bí mật này rất có thể sẽ làm hại chính người kể và người khác nữa. Câu hỏi của con là: con có buộc phải nói chuyện bí mật ấy ra cho người khác nghe không? Xin Cha trả lời cho biết kẻo con và người kể sẽ bối rối.” (Lại thêm một lời hỏi han, chẳng đề tên người hỏi)
Thật ra thì, cứ hỏi cha/hỏi cố Đạo về các bí mật này khác, có điều chắc là cha và cố cũng sẽ ghi thư trả lời. Cứ sự thường, chẳng cha và cố nào lại truyền bá câu trả lời cho người khác biết. Nhưng, ở đây, chuyện bí mật cứ giữ mãi sẽ có thể gây hại cho nhiều người, nên cha cố nay trình làng để bà con ta cảm thông luật lệ Hội thánh, tức Giáo hội rất thánh của ta thôi!
Bần đạo đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta cứ nghe câu giải đáp đã, rồi hạ hồi phân giải chuyện khác. Vậy nên, dưới đây là lời đáp giải của đấng bậc vị vọng ở Sydney, rất John Flader, lm:
“Trước nhất, tôi xin đưa ra đây giáo huấn thông thường liên quan đến những gì được gọi là bí mật, rồi sau đó sẽ trả lời câu hỏi anh/chị cho ra nhẽ. Bằng vào cụm từ “Bí mật” ta hiểu đó là nhận thức về những gì không được tiết-lộ cho người khác biết.
Chúng ta đều biết rất nhiều điều, mà đa số những điều như thế, ta không thấy có ràng buộc nào phải giấu kín chuyện ấy hết; thế nhưng, có những sự, những chuyện vì nhiều lý do, ta có cảm giác rằng: không được phép bộc lộ điều đó ra ngoài. Đó là điều mà thường tình ta gọi là “bí mật”. Bí mật, có thể được phân ra ba loại thường thấy nhất:
Thứ nhất, có những sự việc mà ta có thể gọi là bí mật thông thường. Ấy là những sự việc mà ta biết được trong cuộc sống đời thường những lại không được tiết lộ cho người khác biết bởi lẽ nếu biết được những chuyện như thế, có thể sẽ gây tai hại cho người nào đó. Tỉ dụ như, ta thấy người nào đó rõ ràng đã say xỉn hoặc cũng có thể là ta biết rõ người nào đã có gia đình rồi mà lại lem nhem tằng tịu với ai khác ở phố chợ, hay sở làm chẳng hạn.
Rồi đến, là những bí mật mà ta biết rõ sau khi đã có thoả thuận ngầm hoặc công khai là sẽ giữ nó như điều bí mật. Đó là những thứ đôi khi được gọi là bí mật có tin tưởng lẫn nhau. Ở đây là những bí mật nghề-nghiệp giữa các chuyên gia và khách hàng qua đó hai bên đều phải giữ kín. Chẳng hạn như: bác sĩ, kế toán viên, luật sư, cố vấn, tâm-lý-gia và nhiều người khác nữa biết những gì mình nghe được qua công việc buộc phải giữ kín. Đó là chuyện riêng tư giữa họ và khách hàng mà thôi.
Lại có ví dụ cụ thể khác về những bí mật được tin tưởng là thứ bí mật nghề-nghiệp của chuyên gia. Các linh mục là những người bị ràng buộc rất ngặt và nghiêm trọng là không bao giờ được phép bộc-lộ tội của ai đó đã mắc phải mà vị linh mục đã được nghe trong toà cáo giải thì không được tiết-lộ cho bất cứ người nào khác. Đây là vấn đề rất nghiêm túc đến độ vị ấy sẽ bị hình phạt nếu phạm luật là sẽ tự động bị rút phép thông công mà chỉ có mình Đức Giáo Hoàng mới là người xá giải mà thôi. Xem Luật Hội thánh điều khoản 1388 câu #1)
Ngoại trừ các phạm-trù thông thường này về bí mật được tin tưởng, có những trường hợp riêng tư/cá thể trong đó đã có thoả thuận là không được phép bộc lộ những gì được giữ cẩn mật. Đó là: trước khi nghe chuyện bí mật, người nghe thề hứa sẽ không bao giờ tiết-lộ những gì mình đã nghe/biết.
Loại thứ ba, là loại bí mật mà đôi khi được gọi là bí mật đã tuyên hứa. Ở đây, người trong cuộc thề hứa là sẽ giữ bí mật sau khi nghe/biết chuyện ấy.
Trên nguyên-tắc, vẫn có những ràng buộc bắt ta giữ bí mật rất nhiều thứ. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có dạy rằng: “Bí mật nghề nghiệp –chẳng hạn như, bí mật của những vị làm chính-trị, quân lính, thày thuốc, và luật sư- hoặc các thông tin mật được ban ra theo hình thức có khằng xi và đề chữ “tuyệt mật” là thứ phải được giữ kín và lưu trữ trong các vụ việc ngoại lệ mà qua đó việc giữ bí mật có thể tạo ra tai hại cho người được ủy thác làm việc đó, cho người nào nhận nó hoặc cho đệ-tam-nhân và cả vào khi có thể tránh được tai hại rất nặng chỉ bằng vào việc tiết-lệ sự thật.” (xem Giáo Lý HTCG đoạn #2491)
Trường hợp anh/chị hỏi ở đây không nói rõ chi tiết về những gì mà người bạn của anh/chị cho biết trong bí mật, thì ta cũng dễ để tưởng tượng ra các vụ việc trong đó anh/chị có thể tiết-lộ cho người khác biết những gì mình đã được nghe/biết. Ví dụ như: nếu người bạn của anh/chị nói rằng cô ta hoặc anh ta lâu nay dung ma-túy, chích-choác, thì anh/chị có thể tìm cách khuyên can thuyết phục người ấy, nhưng nếu anh/chị lại thấy mình khó lòng thành công trong việc ấy thì anh/chị có thể nói cho cha mẹ hoặc người thân cận của người bạn ấy biết để họ có thể giúp đỡ người người đó. Tương tự như thế, nếu bản thân người đó nói anh hoặc chị ta cảm thấy bị trầm cảm và có ý định tự vẫn thì anh/chị đây có lý để nói cho bà con thân cận với người đó biết. Hoặc, nếu người đó đang có kế-hoạch làm hại một ai theo cách rất ư là nghiêm trọng, thì anh/chị phải thông tri cho người có thể bị hại biết.
Cũng có nhiều hoàn cảnh trong đó, ngay cả luật pháp cũng đòi hỏi mọi người phải tiết-lộ những gì mình nghe/biết một cách bí mật. Chẳng hạn: có nhiều nơi, nếu người nào đó đến cho hay ai đó vừa vi-phạm tội hình sự, thì người biết chuyện buộc phải trình cho cảnh sát biết, bằng không chính người nghe/biết cũng bị tội là không báo cáo/tường trình về tội ác có thể vi phạm. Dĩ nhiên, ấn khằng toà giải tội là thứ bí mật vượt trên mọi qui-tắc nào khác, thế nên vị linh-mục sẽ không bao giờ được tiết-lộ, vì bất cứ lý do gì đi nữa, những gì linh mục ấy nghe/biết trong toà giải tội, hết.
Về bí mật tự-nhiên, thì điều này nữa cũng phải được giữ kín trừ phi có lý do thật nghiêm trọng mới được tiết-lộ ra ngoài. Thành thử, nếu như ai đó biết được rằng có người nào đó đang tư tình vụng trộm với người khác không phải là vợ/chồng mình, thì cũng có lý do chính đáng để thông-tri cho vợ hoặc chồng đương sự biết để họ có thể có biện-pháp cứu-vãn hôn-nhân của họ.
Ta cũng nên nhớ rằng khi người nào khác kể cho ta nghe sự việc nào đó dù chẳng yêu cầu ta giữ bí mật, thì thông thường phải hiểu theo luật tự-nhiên rằng thông-tin đó là loại hình cần giữ kín.
Tóm lại một điều, là: ta phải thận-trọng mà giữ kín các thông-tin bí-mật và chỉ tiết-lộ nó khi có lý do nghiêm trọng được phép làm thế mà thôi.” (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 24/11/2013 tr. 10)
Xem thế thì, ngày nay với phương tiện truyền thông/vi-tính rất vi-mô hay vĩ mô, cũng có nhiều điều mà nhiều người ít có thói quen giữ kín nó. Dù, khi tiết-lộ người đó vẫn cứ bảo: “Cái này tôi chỉ nói cho anh/chị biết thôi đó nhe…”
Xem thế thì, ngày nay, có rất nhiều sự kiện mà tiếng chuyên môn gọi là “thông-tin rò rỉ” một cách “vô tội vạ”. Rò và rỉ, vì cả người nói lẫn người nghe cứ thích nói và nghe những chuyện bí mật. Nói cách khác, chuyện gì càng bí-mật lại càng hấp dẫn và dễ bị “bật mí” cả làng cả xóm đều biết đến.
Xem thế thỉ, ở đời thường, người đời lại cứ hay trích dẫn Lời của Chúa để minh chứng rằng “Sự thật sẽ được đưa lên mái nhà”. Mà mái nhà hôm nay, thỉnh thoảng cũng thấy có dĩa truyềnhình vi tính hoặc “cáp” thông tin được phổ biến loạn xạ trên toàn thế giới.
Xem thế thì, đời thường nhà Đạo vẫn có thứ Sự Thật được phô bày trên mái nhà từ ngàn xưa, vậy mà nhiều người chẳng buồn tìm hiểu hoặc tìm đến, mà nghe biết. Thế mới biết, có những sự thật cần giữ kín và những sự thật cần “phổ biến trên mái nhà” như: sự thật về Đức-Chúa-Làm-người để tỏ-bày tình thương-yêu Ngài trải rộng cho hết mọi người; thế nhưng, chừng như người đời ở đời và người đi Đạo ở đời, vẫn làm ngơ, không màng nhớ.
Có một Sự Thật được đấng vị vọng nọ thuộc cộng đoàn Kitô-hữu tôn giáo bạn, một lần nữa, lại đã bật mí cho mọi người, Đạo cũng như đời biết như sau:
“Ngài đi từ cung lòng của Người Cha trên Thiên Quốc để đến với cung lòng của một phụ nữ chốn gian trần. Ngài đặt lên thế giới phàm trần một điều mà, có lẽ, chúng ta đã đặt nặng lên cương vị của Thiên Chúa. Ngài trở thành Người Con của con người để ta có thể trở thành người con của Thiên Chúa.
Ngài đến từ Trời Cao chốn linh thiêng huyền-diệu có giòng sông mênh mông chẳng bao giờ khô cạn ơn lành/hạnh đạo; từ nơi có cơn gió lành không thổi nhưng có mãi; Ngài từ chốn miền tuyết trắng không khi nào làm băng hoại làn khí trong lành, chốn miền Ngài xuất xứ có nhiều hoa trái chẳng lạt phai. Và, cũng không cần gọi điện-thoại yêu cầu thày thuốc/bác sĩ đến, vì nơi Ngài ở chẳng ai bị yếu mệt, cũng chẳng cần một ai phải lo hậu sự vì chẳng ai chết và chẳng ai bị chôn xuống lòng đất hoặc hoả táng, hết.
Ngài sinh ra mà không là tạo-thành theo luật tự-nhiên, của loài người. Ngài sinh sống trong cảnh nghèo nàn; Ngài lui vào bóng tối và băng qua lằn ranh biên giới đất nước chỉ một lần vào thời thơ ấu. Ngài chẳng màng giàu sang, quyền-lực hoặc ảnh hưởng. Ngài không bao giờ hấp thụ nền đào tạo hoặc giáo dục nào hết. Thân-nhân của Ngài chẳng ai trổi-trang nổi-bật ở xóm làng thân quen và cũng chẳng tạo ảnh-hưởng lên bất cứ người nào, ở đâu hết.
Thời ấu thơ, Ngài khiến sao trời lấp-lánh dẫn đường cho dân ngoại đến cung nghinh, thờ kính. Thuở thiếu thời, Ngài khiến các nhà thông-thái phải kinh-ngạc. Kịp vào tuổi trưởng thành, Ngài lại định-đoạt mọi diễn-biến nơi thiên-nhiên trần-thế. Ngài là bộ hành thực hiện công cuộc giảng rao Nước Trời ở trần thế, Ngài từng đứng đi trên sóng và khiến sóng dồn/biển động im-lặng và câm nín, rất yên nghỉ. Ngài chữa lành cho đám đông dân chúng mà chẳng cần đến thuốc thang, mẹo vặt; và Ngài phục vụ mọi người chẳng tính toán hơn-thua, cũng chẳng đòi huê hồng tiền bạc, bao giờ hết.
Ngài chưa từng viết sách, nhưng tất cả mọi thư viện ở khắp nơi đều có sách quý viết về Ngài. Ngài chưa bao giờ đặt nhạc, nhưng toàn cõi thiên hạ đều hát ca những điều Ngài bảo ban khuyên nhủ hơn mọi nhạc-bản do người trần gian gom gộp lại. Ngài chưa từng sáng-lập trường lớp nào, nhưng mọi lớp/mọi trường lại vẫn trở nên học viên học hỏi rất nhiều điều, từ Ngài. Ngài chẳng bao giờ hành nghề y-khoa hay dược-thảo nhưng Ngài lại chữa-trị/chỉnh-sửa mọi tâm can âu sầu/ vỡ đổ mà các thày thuốc gần xa trên cõi trần này đều bỏ cuộc.
Ngài chưa từng lập quân-đoàn hay binh-đội và cũng chưa từng sử-dụng súng ống đạn dược bao giờ, nhưng không một lãnh-tụ nào trên thế-giới lại có nhiều tình-nguyện-viên đông đến thế và mọi đạo-quân cùng dân phản-loạn đều hoà hoãn về với Ngài, chẳng tốn viên đạn nào.
Ngài là Ai? Là, Đấng Bậc nào mà vinh quang hiển hách đến là thế?
Vâng. Ngài chính là Đức Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài và là Sự Thật của mọi sự thật ở trần-gian.” (x. Gospel Publications, P.O. Box 432, Hastings New Zealand.)
Vâng. Sự Thật của chúng ta, chính là những sự rất thật lẽ đáng phải được mọi người đề cao đưa lên “mái nhà” của nhận thức, nhưng lại bị con người giữ kín như thứ Bí mật đầy hiện tượng. Vâng. Sự Thật nay đã từ cung-lòng của Người Cha để đi vào cung lòng của con Thiên-Chúa là Đấng luôn trân trọng con người.
Và, nay thì cả Cha và Con đều đã cùng với con người ở mọi nơi và vẫn chúc tụng ngợi khen Cha-và-Con bằng tình Thương-Yêu đầm ấm, chẳng cần luật-lệ hay thông-lệ, mà vẫn thẩm thấu vào nhau và ở trong nhau một cách hài-hoà, bình-an.
An bình, hài-hoà là bởi Vua Hoà Bình cũng từng tỏ lộ cho con người nhiều bí ẩn, để mà sống:
“Những điều bí ẩn trong lòng người đó sẽ bị lộ,
và như thế, người đó sẽ sấp mình xuống mà thờ lạy Thiên Chúa,
tuyên bố rằng: “Hẳn thật, Thiên Chúa ở giữa anh em.”
(1Cor 14: 25)
Xem như thế, thì: Sự Thật ấy, Bí Mật này, nay tỏ hiện cho con người và ở lại với con người, vào mọi thời. Để nhận chân Sự thật rất thực này, cũng nên đi vào vùng trời truyện kể hầu minh-hoạ trong thư-giãn, mà không cần tìm hiểu xem truyện minh-hoạ có đúng sự thật, rất bí mật không.
“Truyện rằng:
Hai người “lẩn thẩn” rất tâm thần đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch lên dốc cầu cũng khá cao. Cứ nhìn bề cao của mặt cầu cũng đã ngại, nhưng người ngồi sau suy nghĩ mãi về bí-kíp lẫn bí-mật để đạp xe lên cầu, cho nhanh, bèn đưa ý-kiến ý cò cốt phân công với người ngồi trước rằng:
-Muốn lên cầu cho lẹ và cho nhẹ, tao đề nghị thế này: mày cứ ngồi đằng trước mà cầm lái cho chắc, còn tao ngồi sau quyết đạp cho mạnh để có khí thế, nhé!
-Được. Mày nói nghe cũng được. Xưa nay tao vẫn chịu mày, đấy Ngố ạ.
Sau hơn tiếng đồng hồ hì-hục mãi hai tay đua lẩn thẩn cũng lên được giữa cầu. Người ngồi phía sau bèn “bật mí” một sự thật đáng nể qua hơi thở khá đứt quãng:
-Ngồi đằng sau nãy giờ đạp mệt chết mẹ mới lên được tới đây.
-Ngồi đằng trước như tao có sướng tí nào đâu, bóp thắng hoài cũng mệt thấy ông tằng ông tổ đấy chứ bộ….”
Thế đó, là ý-nghĩa của những “bí mật” về sự thật cũng rất thực, ở đời người.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn luôn trân trọng những sự rất thật
và cũng giữ bí mật.
Như bao giờ.
Tags: Tản-mạn-suy-tư
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT PHỤC SINH B
- CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN III MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN II MÙA CHAY
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 1 MÙA CHAY B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN IV MÙA VỌNG
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B
- CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN A
- SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN A