CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN LỄ THÁNH GIA THẤT
“Ôi người yêu! Tôi mong người yêu,”
Ngồi bên tôi dưới căn nhà mát tươi,
Cùng đùa chơi, với lũ mèo vẫy đuôi,
Hoặc với chó con nhảy nhót vui.”
(Phạm Duy – Căn Nhà Xinh)
(Mt 22: 39/Lc 10: 17)
Ố là là, con gà con vịt! Sao chỉ mỗi “lũ mèo vẫy đuôi”, với “chú chó con, nhảy nhót vui”, là sao thế? Sao không có nàng vịt bầu hoặc mấy chú gà con chạy lon ton, rồi hát lời yêu đương như thế này:
“Ngày đêm tôi mong ước người ơi!
Gần bên tôi suốt một kiếp người.
Ràng buộc mãi mãi vào duyên đôi,
Ôi gần bên tôi, gần bên tôi.”
(Phạm Duy – bđd)
Gần như thế, có là yêu chăng? Có là, nét vẻ diễm kiều của tình thương yêu chứ?
Qua tháng ngày tản mạn đầy những “phiếm” và “phiếm”, có người bạn “gần bên tôi”, lại cứ hỏi: Viết nhiều chuyện phiếm như bạn, chắc bạn viết toàn chuyện lăng nhăng, lằng nhằng nói ít nhưng nghe nhiều chứ? Vâng! Quả có thế. Phiếm “loạn” đường dài, bần đạo bầy tôi đây thấy: cả người viết lẫn người đọc, vẫn nghe nhiều hơn nói.
Vốn nghe nhiều, nên: nhiều chuyện vẫn cứ nghe quen. Quen đến độ, người nghe lại bảo với người kể: “Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!”. Lại có những chuyện nghe rất nhiều lần nhưng vẫn chưa quen tai cho lắm, dù mọi người từng nghe đi nghe lại, nghe hoài nghe mãi đến độ thoạt nghe đã biết câu cuối nói những gì, bàn gì rồi. Như câu nói rất “nghe quen” ở Tin Mừng, Chúa vẫn bảo:
“Hãy yêu thương người lân cận
như yêu mình vậy.”
(Mt 22: 39)
Vâng. Hôm nay, bần đạo lại mạn phép mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm đôi truyện kể để phiếm nhanh, phiếm mạnh, phiếm vững chãi rất lai rai, dài dài nhưng không chán. Truyện, như sau:
“Truyện rằng:
Bao giờ đi chợ, thì chị Bông cũng đều đến khu trái cây trước để hi vọng chọn được những thứ tươi ngon kẻo người khác chọn mất khi nhân viên trong chợ chưa kịp bày hàng khác ra. Đi chợ “bon chen” là thế. Cả khi chị Bông chuẩn bị đậu xe vào bãi “park” lúc nãy cũng là chuyện được/thua, chị đang nhắm cái chỗ dễ vào nhất, nhưng chậm chạp chưa kịp lái vào thì ai đó đã xẹt một cái chiếm chỗ ấy, chẳng lẽ chị xuống xe nói “ông ơi, chỗ này tôi đã chọn rồi” và cãi nhau với ông ta.
Chị Bông đang lựa những trái chuối màu vàng tươi da mịn màng cho đúng ý thì gặp một ông người Việt Nam lớn tuổi cũng vừa đến và đứng xớ rớ trước quầy chuối, chị Bông nghĩ chắc bác gái đang bận mua rau, mua cá nên chia việc cho ông chồng mua chuối chăng?
Chị đến gần ông và ân cần hỏi:
– Bác ơi để tôi lựa chuối giúp. Bác cấn mua mấy pounds?
– Chị lấy cho tôi 3 quả.
– Sao mua ít thế? Bác gái dặn mua mấy pounds?
Nghe nhắc đến “bác gái” ông già khoảng hơn 70 tuổi được dịp khai ra làm như đã quen chị từ đời nào rồi:
– Tôi và bà ấy ở riêng, ăn riêng. Bà về ở với vợ chồng đứa con gái chỉ thỉnh thoảng tạt về nhà, còn tôi ở nhà một mình, ăn 3 quả chuối đủ rồi chị ạ. Chị Bông tò mò khai thác:
– Chắc bác gái về ở phụ giúp cho con cháu chứ nỡ lòng nào để bác trai lui cui một mình?
– Bà ấy đi thật đấy vì tôi với bà khắc khẩu, hễ tôi nói điều gì là bà ấy cãi, ngược lại bà nói câu gì tôi cũng cảm thấy ngứa tai lắm, nhịn không nổi. Thế là hai vợ chồng cãi nhau cả ngày đêm.
– Sao lại cãi nhau cả ban đêm hở bác?
. Ông già tâm sự:
– Hai vợ chồng ở nhà diện “housing”, thuê căn chung cư 1 phòng ngủ, cái giường ngủ của con gái mua cho rộng mênh mông, bà ngủ hay đạp lung tung tôi đã nhịn, đêm lục đục ngồi dậy đi tiểu mấy lần tôi cũng nhịn, nhưng bà ấy lại không chịu nhịn tôi, cứ phàn nàn là tôi ngủ ngáy ầm ĩ như người ta cưa gỗ. Tôi lại nhịn lần nữa, phải kê cái giường nhỏ ngoài phòng khách để ngủ thế mà vẫn không yên, bà vẫn kêu rêu tiếng ngáy của tôi… vang vọng vào bên trong làm bà mất ngủ kinh niên. Thành ra đêm nào đi ngủ cũng cãi nhau và cả hai cùng mất ngủ.
– Nhưng ngày xưa bác ngủ có ngáy to thế không? Ăn ở với nhau bao nhiêu năm bác gái không quen thuộc với tiếng ngáy của chồng sao?
– Ngày xưa cái hồi mới cưới nhau đấy, bà ấy thường nũng nịu rằng tiếng ngáy của anh ru em vào giấc ngủ thần tiên. Nhưng bây giờ bà bảo: tuổi già khó ngủ và không thể chịu được tiếng ngáy của tôi. Tôi liền bảo vậy bà đi đâu thì đi cho bà ngủ ngon và cho tôi khuất mắt, bà liền cuốn gói đến nhà con gái.
Chị Bông an ủi:
– Tuổi già ai cũng đổi tính đổi nết bác ạ, đừng nên trách bác gái.…
Ông đưa tay lên vuốt mấy sợi tóc may mắn còn loe ngoe trên cái đầu hói mênh mông:
– Mỗi lần tôi đi ra tiệm cắt mái tóc này phải cãi nhau xong một trận mới đi được vì bà mắng tôi đầu có 3 cọng tóc cắt làm gì cho phí tiền, để bà ấy cắt cho. Mà bà cắt thì tôi không vừa ý tí nào, bắt tôi nghiêng đầu bên này, ngoẹo đầu bên kia rồi cúi lên cúi xuống mỏi cả cổ.
Chị Bông giật mình nghĩ tới vợ chồng chị. Hai vợ chồng cũng khắc khẩu, đụng tới chuyện gì cũng bất đồng, cũng tranh cãi. Không biết mai kia vợ chồng chị già như bác này đây có đổi tính đổi nết và tình trạng khắc khẩu có trầm trọng thêm không?
– Thế bác tự đi chợ tự nấu cơm hả bác?
– Bà ấy hay con gái mang đồ ăn sang cho tôi, thỉnh thoảng tôi cần thứ gì thì đi mua thêm như ngày hôm nay cần 3 quả chuối, nhà tôi cách chợ này chỉ một block đường, tôi đi bộ cho khỏe.
– Đằng nào cũng công đi bộ, vào chợ và đợi tính tiền sao bác không mua hẳn mấy pao chuối
– Ấy, bà ấy ở nhà cũng nói y như chị nói và mắng tôi lẩm cẩm. Thôi, chào chị tôi về trước nhé.
Ông xách cái bịch có 3 quả chuối đi ra phía quầy tính tiền và chắc phải xếp hàng rồng rắn khá lâu vì hôm nay cuối tuần chợ đông người. Chị Bông đi chợ về đến nhà, xách các túi hàng vào trong bếp nơi gần cái tủ lạnh. Anh Bông đang nằm gác chân trên ghế sofa xem ti vi. Chị đi ra đi vào mấy lượt mà anh chẳng nói gì, chị phải lên tiếng:
– Anh có ra xách giùm mấy món hàng chợ không nào?
– Không! Giọng anh Bông rõ ràng và dứt khoát.
Chị Bông khó chịu:
– Vợ đi chợ về bận túi bụi còn chồng ngồi khểnh ra đấy xem ti vi và uống bia, vợ nhờ một tí thì không được.
Anh Bông đang uống bia chắc có chút men nên gắt:
– Anh cắt cỏ xong mới vừa tắm rửa và ngồi xem ti vi đây, cái lối nói “nhờ vả” như “sai khiến” của em, thì dù anh muốn giúp cũng không thèm giúp.
– Vậy anh muốn em nói thế nào? Năn nỉ hả? Thì đây, anh ơi làm ơn làm phước ra xách giùm em mấy túi hàng, em cám ơn anh suốt đời.
– OK, dù giọng nói của em đành hanh và mỉa mai.
Anh Bông ra xe xách nốt những túi hàng vào nhà và phụ vợ lôi hàng ra để chị Bông xếp vào tủ lạnh cho nhanh. Anh cầm gói đồ biển thập cẩm đông lạnh lên ngắm nghía rồi thảng thốt:
– Sao em mua hàng China? Trong khi chính miệng em thường nói tẩy chay hàng của họ vì nhiều hàng rổm và độc hại…
Chị Bông cầm gói hàng lên xem lại và bào chữa:
– Tại hôm nay đi chợ em… quên mang theo mắt kính, mà hàng Trung Quốc nào cũng chuyên môn in xuất xứ nhỏ xíu hay mập mờ không rõ nguồn gốc. Nhìn sơ sơ mẫu mã em cứ tưởng hàng của Korea.
– Em thì lúc nào cũng tưởng đến hoang tưởng, cũng có lý do chính đáng cho những sai sót của mình. Hôm nọ cũng mua lộn hàng China rồi…
– À, hôm ấy em… lộn kiểu khác, em xớn xác đọc thấy hàng chữ CA, USA em… tưởng sản xuất tại California USA hóa ra là distributed là phân phối bởi công ty ở California, USA. Mà họ láu cá lắm, “Product of China” thì in nhỏ xíu, công ty distribute tại CA, USA thì in to tổ bố hỏi ai không lầm
– Họ tự ti mặc cảm với chính món hàng mình sản xuất, nên không dám in to in đậm, đúng là thứ làm ăn gian dối. Em phải ra chợ trả lại ngay gói hải sản thập cẩm này. Anh thà nhịn chứ không ăn hàng rổm, là vô tình ủng hộ cách làm ăn gian dối của họ.
– Vâng, em sẽ trả lại. Anh yên chí đi
Chị lấy lòng chồng, vì biết anh Bông rất bất mãn bọn Trung Quốc chuyên chiếm đất chiếm biển của Việt Nam mình…
Anh Bông bỏ dở công việc phụ giúp vợ đứng phắt dậy đi ra ghế uống bia và xem ti vi tiếp. Chị Bông càng bực mình nói với theo:
– Không hiểu sao tôi với anh luôn khắc khẩu, nói chuyện chưa được 5 phút là xảy ra bất đồng rồi. Anh nhạy cảm vụ Trung Quốc vừa phải thôi chứ.
– Tôi yêu cầu bà chấm dứt để tôi ngồi yên xem ti vi.
– Tôi yêu cầu ông bỏ cái thái độ “chảnh chọe” và bất lịch sự ấy đi nhé, đang nói chuyện với vợ mà đứng phắt dậy bỏ đi không nói một câu.
Xếp đồ vào tủ lạnh xong chị Bông chưa hết bực mình, tuyên bố:
– Tôi chẳng cần ra chợ trả lại cái bịch hải sản này, mai tôi cứ nấu, cứ ăn chắc gì đã chết đâu mà sợ. Ai cũng một lần chết trong đời! Anh Bông gầm gừ:
– Thế thì bà ăn một mình bà đi.
– OK, tôi không… hèn nhát đâu, khỏi cần thách đố.
Chị Bông vào phòng nằm vì không muốn nhìn mặt đối phương.
Ngày xưa lúc đang yêu nhau và mới cưới nhau hai vợ chồng chị luôn hòa hợp từng lời ăn tiếng nói. Càng ngày thì càng thay đổi, chẳng ai chịu nghe ai. Mỗi lần cần đi xe cùng chồng cũng là dịp cãi nhau chỉ vì mỗi người một ý không ai nhường ai, anh Bông thích quay cửa kính xe xuống tận cùng cho gío lùa vào xe lồng lộng thì chị Bông muốn đóng cửa xe lại hay mở chút xíu bằng một đốt ngón tay thôi vì chị sợ gió thổi bay tóc. Anh Bông gắt:
– Tóc bay thì kệ tóc bay. Tôi muốn gió lùa vào xe cho không khí thiên nhiên thoải mái.
Chị Bông cũng gắt:
– Không khí thế nào cũng không quan trọng bằng mái tóc tôi, tôi phải lo bảo vệ nó, tôi không muốn chốc nữa bước xuống xe tóc tôi rối tung lên như một bà điên.
Cuối cùng người chịu thua là chị Bông, hoặc chị xuống xe không đi chung, hoặc chị đành ngồi trong xe nhưng mặt sưng xỉa, tay thì luôn giữ cho mái tóc khỏi bay và thỉnh thoảng lại rên lên:
– Làm ơn chạy xe chậm lại, cửa xe đã quay xuống tối đa lại chạy nhanh thì không chỉ bay tóc mà… bay cả người luôn đó.
Chị Bông chợt nhớ đến hình ảnh vừa xem trên ti vi tối qua trong chương trình Live Well Network chuyên về đời sống và bếp núc mà chị ưa thích, có cặp vợ chồng gìa người “Hispanic” tuổi đời độ 70, bà trổ tài nấu một món gì đó có ông đứng bên phụ giúp rất tương đắc, nấu xong bà quay ra tô lại chút môi son và hai vợ chồng ôm nhau tình tứ vài điệu nhảy ngay tại bếp, ngay bên cạnh món ăn vừa nấu rồi uống một chút rượu, rồi thưởng thức món ăn.
Trên màn hình chiếu lại những hình ảnh thời trẻ của họ cả hai đều đẹp đôi, nhưng hiện tại bà mập tròn phục phịch chẳng tương xứng với ông vẫn dáng gầy thanh tao, thế mà họ vẫn bày tỏ tình yêu và hai tâm hồn đồng điệu lãng mạn. Vợ chồng gìa người ta như thế đấy. Họ 70 tuổi đời rồi mà còn tình, vợ chồng chị mới 60 lẽ nào chịu thua? Chị Bông thấy lòng nguôi giận chồng, chị sẽ bắt chước họ. Chị Bông đi ra ngoài thấy chồng vẫn nằm coi ti vi liền ghé mắt nhìn vào ti vi và làm quen cho êm nhà ấm cửa:
– Anh đang xem tin tức hả?
Chồng chị cũng nguôi ngoai:
– Ừ, anh đang xem tin tức thế giới…
– A, tin tức về Syria đây mà, ngày nào cũng đạn nổ bom rơi tội nghiệp quá..
– Bởi thế anh cầu mong Mỹ nó bỏ bom tấn công tiêu diệt chế đô của Assad cho rồi, nhất là bọn này đã xử dụng vũ khí hoá học làm chết người hàng loạt.
– Ôi, anh ơi, em không muốn thế….
Anh Bông lại gay gắt:
– Tôi biết ngay mà, hễ tôi nói trắng thì bà phải nói đen, bà luôn làm tôi cụt hứng. Tại sao bà không muốn Mỹ dội bom Syria, nói nghe coi?
– Vì em sợ cảnh chết chóc thêm ở Syria, tội nghiệp! và em cũng sợ… tốn tiền nước Mỹ, nước Mỹ đang nợ nần như chúa Chổm. Tội nghiệp.
Chị Bông xót xa tiếp:
– Nước Mỹ đi đánh giặc kiểu nhà giàu, ngoài máy bay, chiến xa xe tăng, các loại xe cộ, vũ khí đạn dược tối tân họ còn mang tất cả tiện nghi theo người lính Mỹ ra chiến trường. Sau hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan nước Mỹ đã tốn phí mấy trăm tỷ USD, bao lính Mỹ đã chết và bị thương. Tội nghiệp.
– Trời, chuyện chính trị mà bà làm như chuyện từ thiện, đàn bà chỉ nói chuyện shopping thôi, đừng nói chuyện chính trị với tôi nhé!
Chị Bông chẳng vừa:
– Mỗi người đều có ý kiến của mình, anh không có quyền muốn kẻ khác cùng quan điểm với anh. Tôi là đàn bà cũng biết nghe tin tức chính trị trên ti vi hay đọc trên báo chí, trên net vậy, thua kém gì đàn ông các anh?
– Nhưng tôi với bà không hợp khẩu. Bà nói chuyện phone hàng giờ với bạn bè vui vẻ nhưng bà nói chuyện với tôi chỉ câu trước câu sau là gây bất mãn rồi.
– Thế sao ngày xưa lúc sắp cưới tôi anh khoe là má anh đi coi thày bà mấy nơi, nơi nào cũng nói tuổi tôi và anh rất hợp và anh đòi cưới gấp gấp, càng sớm càng tốt.
– Tôi cũng ngạc nhiên và muốn tìm lại mấy tay thày bà ấy để hỏi cho ra lẽ đây. Mẹ bà cũng dẫn bà đi coi bói và nói tôi với bà không khắc khẩu khắc tinh gì đó mà.…
– Đúng thế, và tôi cũng muốn tìm ông thày bói ấy từ lâu rồi. Thì ra hai chúng ta cùng… hợp nhau ở điểm này.
Chị Bông chợt nhớ ai đó đã nói không nên bàn luận chuyện chính trị và tôn giáo với người khác dễ gây tranh cãi, chỉ nên nói về thời tiết nắng mưa là vô tư nhất. Chị vẫn muốn làm lành nên cố dịu giọng và chuyển đề tài:
– Anh ơi, thời tiết mùa hè nguy hiểm quá, vụ cháy rừng ở California đốt hết bao nhiêu mẫu đất rừng cây, cư dân ở gần phải di tản vì khói bụi của đám cháy có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy em lên án những kẻ sơ ý vứt mẩu thuốc lá vừa hút hay cắm trại còn sót mẩu củi than chưa dập tắt để bùng lên thành đám cháy rừng kinh khủng này.
Chị tưởng sẽ nhận được sự hưởng ứng của chồng, nhưng anh Bông lại gạt phăng:
– Tôi không phải bộ xã hội để bà trút cảnh thương xót. Sao bà nhiều chuyện qúa vậy, hết chuyện chiến tranh đến chuyện cháy rừng, còn mấy nơi mưa lụt sao bà không liệt kê ra luôn đi…
– Ừ, anh nhắc em mới nhớ, mưa lụt cũng tội ghê, nhưng trời làm thì mình chẳng dám trách ai, còn cháy rừng chúng ta có thể tránh được thì nên cẩn thận anh nhé…
– Bà dạy khôn tôi đấy hả? bà làm như mấy vụ cháy rừng kia có… liên quan đến tôi hả?.
Chị Bông không nhịn nữa:
– Này nhé, tôi chỉ tự nhủ lòng mình nên nói chung chung thế và mong ai cũng như mình để đừng gây thiệt hại cho người khác thôi. Anh thật là vô cảm.
Anh Bông chưa kịp cãi lại thì tiếng điện thoại bỗng reo lên, anh bốc phone lên:
– A, anh Chí đó hả… vâng, vâng chúng tôi đang ở nhà anh chị cứ đến…
Buông phone xuống anh Bông dịu giọng với vợ:
– Anh Chí vừa gọi, khoảng 15 phút nữa vợ chồng anh Chí sẽ đến đây cho cá chiều qua họ đi câu về.
Chị Bông cũng dịu giọng:
– Để em ra vườn hái mấy qủa bầu tươi, ít rau thơm và vài quả ớt hiểm biếu lại họ. Lần nào đi câu anh chị Chí đều chia cho nhà mình.
– Phải đấy, em hái cho hậu hĩ vào.
Chị Bông lẩm bẩm:
– Vậy mà năm nào em trồng vườn anh cũng nói em bày đặt, vừa mất công chăm sóc vừa tốn tiền nước tưới và tiền phân bón, thà mua ngoài chợ rẻ hơn.
Chị Bông nói xong giật mình vì vô tình chị khơi lại chuyện bất đồng, chẳng khác nào chị vừa quăng một mẩu thuốc lá cháy dở vào giữa rừng trong mùa hè khô nắng, nhưng may quá anh Bông không để ý, nên chị sẵn đà nói luôn:
– Trồng vườn vừa có thú vui, vừa có rau trái tươi tốt ăn ngon gấp mấy lần hàng chợ và nhất là thỉnh thoảng làm quà cho bạn bè. Lần sau anh đừng có cửa quyền mà cấm cản…
Anh Bông gằn giọng:
– Vì có bạn sắp đến nên tôi nhường bà hai câu rồi, bà mà nói câu thứ ba là tôi tung hê lên đấy. Bà mau ra vườn hái đi kẻo anh chị ấy đến bây giờ, họ lái xe nhanh lắm không lù đù như bà đâu.
Chị Bông biết điều, cắp rổ đi ra vườn sau nhà, mặc dù bị chồng chê lái xe lù đù chị thấy tự ái chỉ muốn đứng lại cãi vài câu cho hả. Vợ chồng anh Chí là bạn thân thiết với vợ chồng chị Bông, khi chị Bông vừa vào nhà thì vợ chồng anh Chí cũng đến, anh xách theo cái thùng đá to vào nhà và vui vẻ rao hàng:
– Cá tươi đây, cá tươi đây..
Chị Chí phụ họa với chồng:
– Cá tươi đã làm sạch sẽ rồi, chị Bông chỉ việc cất tủ lạnh để ăn dần.
Chị Bông cảm động cất mớ cá vào tủ lạnh, những con cá chẳng biết ở Mỹ gọi là cá gì mà giống như cá He của Việt Nam, cá này tuy nhiều xương nhưng chiên lên thì thơm ngon vô cùng, hai vợ chồng chị Bông đều thích và ghiền luôn nên lần nào đi câu về anh Chí cũng để dành một mớ đem tặng bạn. Đến lượt anh Bông vui vẻ nói:
– Rau tươi, bầu tươi, ớt tươi đây, xin tặng lại anh chị.
– Cá tươi chiên vàng và bầu tươi luộc chấm nước mắm tỏi ớt cũng đủ mâm cơm thịnh soạn rồi. Cám ơn anh chị. Chị Bông tưởng tượng cảnh hai vợ chồng anh chị Chí đi câu chắc cũng lãng mạn lắm, họ ngồi cạnh nhau bên hồ vừa đợi cá cắn câu, vừa ngắm cảnh hồ nước mênh mông gợn sóng lăn tăn theo gió… Chị Bông khen:
– Anh chị hay đi câu chung với nhau thật là thú vị, tâm đắc và lãng mạn lắm nhỉ?
Chị Chí thở dài:
– Lãng mạn gì! tôi đi cùng để phụ ông ấy thôi, mệt muốn chết, ỗng sai tôi làm đủ thứ rồi còn lấy bia cho ỗng uống trong lúc chờ cá cắn câu, hôm nào tôi lỡ quên mang áo lạnh thì ông cằn nhằn tôi suốt buổi. Riêng chuyện câu cá cũng cằn nhằn điếc cả tai…
Anh Chí thở than:
– Vậy chứ con cá lớn chưa đủ cỡ bà cũng bắt tôi bỏ vô thùng, thay vì phải thả lại xuống hồ, theo luật, làm thế không cằn nhằn sao được?
– Tôi nghĩ đằng nào cũng là cá cắn câu, đã tốn mồi thì phải giữ cá chứ. Đi câu là cái thú của ông nhưng là cái thực tế của tôi.
Chị Bông phải xen vào hỏi chuyện khác nếu không thì chuyện cãi nhau của họ còn kéo dài.
Khách về rồi chị Bông bèn nói với chồng:
– Thì ra vợ chồng nhà nào cũng có lúc khắc khẩu đâu chứ đâu chỉ mỗi nhà mình. Thôi thì cứ coi như cái chuyện khắc khẩu là chuyện vui nhà vui cửa, chứ cứ êm thắm quá thì cuộc sống tẻ nhạt lắm anh ơi…
Chị Bông bỗng nghĩ đến hai vợ chồng già người “Hispanic” nấu ăn trên ti vi, sau cái màn lãng mạn trữ tình yêu thương ấy để quay phim, ở ngoài đời chắc họ cũng từng cãi nhau, giận nhau. Đó mới là cuộc sống đời thường rất bình thường. Đó mới là gia vị của cuộc sống như gia vị họ nêm nếm vào món ăn, thôi.
Thấy anh Bông không phản đối gì câu triết lý an phận của mình chị Bông bèn tiếp:
– Em hiểu ra rồi, cuộc sống vợ chồng càng lâu càng cũ thì càng quá quen thuộc nhàm chán nên chẳng cần lịch sự giữ ý, chẳng cần nhường nhịn, lấy lòng nhau làm gì, bởi thế nên mới dễ đụng chạm, mâu thuẫn. Miễn sao vẫn sống với nhau suốt đời là được rồi, đòi hỏi chi những điều lý tưởng như thơ, đẹp như mơ, phải không anh? Bây giờ anh Bông mới mỉm cười:
– Ừ… nãy giờ em nói 2 câu đều thực tế và nghe được, anh không thấy khắc khẩu tí nào. (xem. Nguyễn Thị Thanh Dương, Vợ Chồng Khắc Khẩu, Người Việt Boston Sept. 2013)
Hôm nay đây, bần đạo lại đã trích dẫn truyện dài ở trên để diễn tả cái-gọi-là sống yêu thương người “cận thân và cận lân” rất nhiều năm. Truyện đây, nêu rõ tính-khí của nhân-vật chính trong truyện, để rồi hỏi: ta có nên thực-thi “yêu thương người cận lân và cận thân, không? bất kể mọi khúc-mắc/dị-biệt cứ xảy ra hằng ngày, chứ?
Hỏi, tức: đã trả lời theo cách nào đó, ở trong đầu. Tuy nhiên, câu trả lời rõ ràng và phong phú nhất cũng nên thêm, là tâm-tình thực-tế của đấng bậc đời thường, rất bên Tây.
Nhưng, trước khi đi vào với trích-dẫn cụ thể, cũng nên về với nhạc bản trên, để có hứng mà hát thêm:
“Phải gần bên tôi, sống bên nhau suốt đời,
Ta nằm đây, đôi ta nằm đây.
Cùng nhau, đắp chung mảnh chiếu hoa
Và ta nghe tiếng trẻ hát vui.
Giữa sân hoa hồng, thắm tươi.”
(Phạm Duy – bđd)
Ý-kiến của nhà Đạo về cái-gọi-là “thương yêu người cận thân và cận lân”, tưởng cũng nên bàn thêm ý-kiến của đấng bậc vị-vọng khác thuộc giới truyền-thông báo đài ở Mỹ đã thẳng-thắn nói:
“Yêu ông A, là người lúc nào cũng tử tế với hết mọi người, từ sợi chỉ đến cây kim, thứ gì ông cũng đều cho mượn tuốt luốt; chợt đến khi người mượn đem trả lại khổ chủ, ông cứ bảo: “hãy giữ lấy mà xài đến khi nào chán ngấy hãy trả lại cũng không sao..”Yêu người cận lân và cận thân đến thế, thật cũng dễ.
“Nhưng đằng này, yêu bà hàng xóm tên B. nọ. một bà nạ dòng lúc nào cũng nói hành nói tỏi hết mọi người từ trên xuống dưới, hoặc như cô bé nọ tối ngày chỉ biết “chích choác”, rồi còn tụm năm tụm ba phá làng phá xóm với đám con trai tuổi “teen” rượu chè bê bết, thật ra cũng chẳng là điều dễ lắm đâu. Nhưng, nếu bảo rằng: khi yêu, ta chỉ cần mỉm cười hoặc ngậm tăm hai hàm rắng trắng phau một chút, và coi đám người trẻ ấy là bọn nít nôi, còn được. Đằng này, cứ bắt bọn nhỏ phải yêu cái anh chàng họ Nguyễn Vớ Va Vớ Vẩn ở gần nhà, suốt ngày chạy xe cồng kềnh đậu trước cửa nhà hàng xóm đến choán cả lối đi, rồi thì đêm hôm khuya khoắt lại cứ luôn mồm luôn miệng hết ca với hát, rồi còn rượu chè đàn đúm, có hôm còn xả nhớt xe xuống cả kênh lạch chảy vào nhà hàng xóm đến bực, làm sao yêu được(?).
Lại còn bảo, yêu người bá vơ như mấy tay đồ đệ của tên đồ tể Osama Bin Laden kia, thì yêu thế nào được cơ chứ! Nhất thứ, bọn họ đã ra tay giết chết 3 người bạn thân của tôi hồi 11/9/2001, lúc cao ốc “tháp đôi” ở New York bị máy bay của bọn họ đầm xầm vào đó, giết chết cả ngàn người, thì hỏi rằng làm sao tôi yêu người đồng loại được cơ chứ? Làm thế, có đáng gọi là “người lân cận” của tôi không? Rồi bọn đó còn nướng sống con nít trên máy bay này khác, thử hỏi: bọn chúng có xứng đáng làm người cận lân hoặc cận thân của tôi, ở xứ sở văn minh này được không chứ? Và, bọn người dấy lên phong trào giết chết cả ngàn người đạo Hồi thì sao? Sao tôi có thể yêu thương bọn sát nhân đê hèn/tồi bại đó được chứ?
Thật khó lòng, vì nếu tôi không cố yêu thương mọi người như Tin Mừng dạy, hẳn tôi sẽ là người dối trá, gian giảo mỗi khi mở miệng tuyên xưng mình là người Công giáo, chứ? Giả như tôi không thể sống thực hiện điều mình tuyên tín mỗi Chúa nhật, lại vẫn tỏ ra miễn cưỡng, tức bực hoặc nổi nóng trước hành-động nghịch-ngạo của người được gọi là “cận lân” của tôi, thì điều trớ trêu trong mảnh đời lành thánh vẫn quả quyết “Tôi có là tôi có”, chỉ là mớ chữ chứng tỏ đặc trưng/đặc thù của người Công giáo thì điều đó chỉ là chuyện man trá, ngược ngạo mà thôi.
Rồi khi người Công giáo chúng ta cứ bảo: mọi sự sống đều lành thánh, hạnh đạo vì Đức Kitô hiện diện trong tâm can mỗi người, như câu nói của thánh Phaolô vẫn bảo: Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi… Rồi còn nói: Đức Kitô vẫn không chết, nhưng Ngài có mặt nơi tâm can mọi người được sinh ra từ cung lòng mẹ mình để rồi cùng sống trong thế giới này, thì đó chính là phép lạ.
Và, giả như Lời Đức Kitô vẫn sống động nơi tâm can của mỗi người thì Ngài cũng sẽ có mặt trong căn phòng chứa đựng tình thương là con tim nhỏ bé của những tay sừng sỏ như Bin Laden, Hitler, Mao Trạch Đông… và tên tuổi của những người như thế vẫn ngập tràn trên báo đài hoặc điện thoại di động cũng như trong giòng sử đầy ấn tượng nơi những lời gian dối vào mọi thời!
Gọi họ là đám tội phạm hoặc sát nhân ư? Linh hồn họ cũng bị nung cháy nóng dòn ở ngục thất nào đó bằng năng lượng vĩnh hằng của bản ngã xấu xa, tội lỗi đến ghê rợn, chứ? Có thể lắm. Nhưng, giả như ta không thể tin rằng Thiên-Chúa là Đấng dựng ra họ, đã thổi hơi lành sự sống vào tâm can họ ngay từ hồi nhỏ, rồi cho họ có cơ hội hát hò, sẻ san Quà tặng Ngài ban, thì tóm lại: nếu bảo rằng: ta vẫn không tin họ là người cận lân hoặc cận thân với ta, thì ta cũng là người nói láo đến phải xấu hổ, mà thôi.
Thêm nữa, điều mà Giáo hội Công giáo đòi hỏi nơi ta, chính là: tình thương yêu. Chấm hết. Tôi muốn nói tình thương yêu này không là chuyện dễ thực-hiện đâu. Nhưng, đó là cuộc cách mạng tình thương, một thứ yêu thương kỳ tài, không những không lý lẽ mà còn khó lòng tưởng tượng. Yêu thương chỉ có ý nghĩa khi ta yêu cả những người mình từng oán hận, ghét bỏ, có khi còn muốn cho họ chết quách đi cho rồi, nữa. Yêu thương kiểu người Công giáo là biết những người như thế, không chỉ là người cận lân hay cận thân của mình thôi, mà còn là anh em/chị em với mình nữa. Và ngược lại, đôi khi mình cũng chẳng hơn gì họ, chẳng khác họ là bao, nếu ta nhìn theo góc cạnh nào đó, từ tâm can của ta, thôi.
Thành thử, tôi có lý để nói rằng: rất khó cho tôi để tin rằng: vẫn có một mảnh sự thật về tính chân phương/đứng đắn nơi các đồ tể từng giết bạn của tôi là Tommy Crotty, Farrell Lynch và Sean Lynch. Vẫn có cái gì gần như chuyện không thể thế được, nhưng nó vẫn xảy đến vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 ấy ở New York. Riêng tôi, tôi vẫn cố tin vào tình thương yêu người cận thân/cận lân mà tôi gọi là “đồng loại”, bởi Đức Chúa của tôi không nói xạo bao giờ. Và tôi tin chắc những gì Ngài nói là việc duy nhất có thể cứu rỗi toàn nhân loại chúng ta và cả đến con cháu đáng yêu của tôi và của các bạn, là con người cũng như tôi. Tôi mong như vậy. (xem Brian Doyle, How to love your neighbour who is a roaring idiot or even worse, Australian Catholics, Giáng Sinh 2013, tr.10-11)
“Yêu người gần cận hay cận lân” đây, không chỉ yêu mỗi vợ hoặc chồng mình, mà cả chính mình là người gần và cận hơn ai hết. Đó là vế sau của câu nói gói ghém từ lời nhắn nhủ của Chúa và các bậc thánh hiền, thuở đầu đời. Các đấng ấy, đều có kinh nghiệm từng trải về tình yêu thương, như thế. Bởi thế nên, các ngài mới truyền tụng lại cho dân gian mọi người, ở mọi nơi. Mọi người ở mọi thời, da trắng, da vàng lẫn da đen, da nào/người nào cũng biết yêu cả những người cận lân hoặc cận thân. Thân và cận, khởi đầu từ chính mình.
Chính đó là Nước Trời. Chính đó, là con người, rất bằng xương bằng thịt, rất yêu thương. Đó, còn là đặc trưng/đặc thù của người con Chúa rất thấp hèn. Chính vì thế, cả người nghệ sĩ lẫn bọn tôi và bọn mình, vẫn có thể hát những lời ca chân tình đầy ấm áp, những lời để ta nhớ mãi mà, hoàn tất truyện kể, rất phiếm như sau:
“Ngày đêm tôi mong ước người ơi!
Gần bên tôi sẽ mãi mãi suốt đời,
Ràng buộc sớm tối vào duyên đôi
Phải gần bên tôi, về tới xa vời.
Người ơi người, người ơi người.
Gần nhau suốt đời, gần bên nhau mãi thôi.”
(Phạm Duy – bđd)
Cứ hát hoài và hát mãi những lời như thế, để rồi bạn và tôi, ta sẽ thấy nhẹ mình, mỗi khi sống thật tình cuộc sống của con người, ở đây. Bây giờ.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn yêu như thế
Rất tử tế
Với mọi người, ở đời.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 10. « CHÚA THÁNH THẦN, HỒNG ÂN CỦA THIÊN CHÚA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ BÍ TÍCH HÔN NHÂN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: VỢ CHỒNG PHẢI MỞ RA CHO HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- MƯỜI LÝ DO ĐỂ ĐĂNG KÝ CHO CON CÁI BẠN HỌC GIÁO LÝ
- CÁC GIÁ TRỊ CỦA HƯỚNG ĐẠO, TRƯỜNG HỌC VÀ SỰ GẮN KẾT CỦA HÔN NHÂN
- HỌP MẶT PHONG TRÀO ÉQUIPES NOTRE-DAME: “MỐI TƯƠNG GIAO VỚI TƯ CÁCH MỘT CẶP VỢ CHỒNG LÀ MỘT PHƯƠNG PHÁP CẦN ĐƯỢC HỌC HỎI”
- FIDUCIA SUPPLICANS: ĐHY FERNÁNDEZ GẶP THƯỢNG PHỤ TAWADROS
- TẠI RÔMA, MỘT HỘI NGHỊ QUỐC TẾ YÊU CẦU BÃI BỎ VIỆC MANG THAI HỘ
- HÔN NHÂN, MỘT ƠN GỌI ?
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THIẾU NHI THẾ GIỚI LẦN I : « NÀY ĐÂY TA ĐỔI MỚI MỌI SỰ »
- ĐỨC PHANXICÔ: Ý THỨC HỆ VỀ GIỐNG LÀ MỐI NGUY HIỂM XÓA BỎ SỰ KHÁC BIỆT
- NHÀ NGHIÊN CỨU NÀY CÓ MỘT Ý TƯỞNG VỀ ĐIỀU KHIẾN CÁC ĐÔI BẠN HẠNH PHÚC
- XÍCH LẠI GẦN VỚI TÌNH YÊU NHƯNG KHÔNG VÀ VÔ ĐIỀU KIỆN CỦA THIÊN CHÚA
- KINH TRUYỀN TIN LỄ THÁNH GIA 2024: THÁNH GIA Ở VỚI CHÚNG TA TRONG NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA
- CHÚC LÀNH CHO CÁC CẶP ĐỒNG TÍNH, MỘT SỰ CHỐNG ĐỐI MỚI LẠ
- THƯ GỬI NGƯỜI BẠN KHÓ CHỊU BỞI TUYÊN NGÔN “FIDUCIA SUPPLICANS”
- FIDUCIA SUPPLICANS: CÁC GIÁM MỤC CHÂU PHI ĐƯA RA NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG
- ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC CHICAGO : “FIDUCIA SUPPLICANS, MỘT BƯỚC TIẾN VỀ PHIA TRƯỚC”
- CHÚC LÀNH CHO CÁC CẶP ĐỒNG TÍNH: ĐỨC ÔNG PHILIPPE BORDEYNE TRẢ LỜI NHỮNG CHỈ TRÍCH VỀ VĂN BẢN
- CHÚC LÀNH CHO CÁC ĐÔI BẠN CÙNG GIỚI TÍNH : GIÁO HỘI NÓI GÌ ?
- TUYÊN NGÔN “FIDUCIA SUPPLICANS” MỞ ĐƯỜNG CHO VIỆC CHÚC LÀNH CHO CÁC ĐÔI BẠN BẤT QUY TẮC