CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN II MÙA CHAY C

Written by xbvn on Tháng Hai 22nd, 2013. Posted in Mai Tá

“Yêu nhau cho nhau nụ cười

Thương nhau cho nhau cuộc đời

Mà đời đâu biết đợi

Để tình nhân kết đôi..”

(Vũ Thành An – Bài Không Tên số 3)

(1Cr 13: 1-4)

            Mỗi khi nghe lại bài hát này, hẳn nhiều bạn đạo cũng như bày tôi đây vẫn cứ thắc mắc, bảo rằng: làm sao “cho nhau nụ cười”, nếu không yêu. Và, làm sao cho nhau cuộc đời nếu không thương. Thương và yêu làm sao được nếu không chấp nhận rằng: cuộc đời người là chuỗi ngày đầy tha thứ. Tha cho nhau, về những đụng chạm, và vấp phạm. Tha cho thật nhiều, vì sẽ có nhiều lúc mình cũng muốn được tha thứ, lẫn thứ tha khi mọi sự đã quá đà.

            Trong chiều hướng để lòng mình lắng đọng với tư tưởng như thế, bầy tôi bần đạo lại bắt gặp đôi điều từ lời ca của nghệ sĩ từng hát tiếp, rất như sau:

 “Yêu nhau cho nhau một lần

Thương nhau thương cho một lần

Một lần thôi vĩnh biệt

Một lần thôi mất nhau.

(Vũ Thành An – bđd)

             Chẳng cần hỏi: anh có còn nghĩ thế nữa không? Chẳng cần biết, chị vẫn ca và cứ hát những lời như vậy, đấy chứ? Hát, để quên sầu phải không? Bởi, hát ca hoặc viết lách, đặt nhạc, có thể là và vẫn là: đưa ra lời ngọc ngà ai cũng thích. Thích, đến độ cứ thế âm thầm hát theo sau cho bớt sầu.

Đó, còn là tình tự và tâm tư hơi buồn buồn cũng rất thương mà bần đạo nay còn thấy. Tình tự ấy, nay vẫn thấy ở vài nơi, trong đời, tựa hồ truyện kể nhẹ ở ngay dưới:

             “Truyện rằng:

            Chiều hôm ấy, đứa chạy đến hỏi mẹ:

-Mẹ ơi, sao chiều chiều bà nhà mình hay ra ngồi ngoài cửa thế hả mẹ? Bà lãng mạn quá phải không?

Thằng bé cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ về chân trời nào cũng chả rõ. Mẹ nó chẳng nói gì, chỉ ngồi im, lâu lâu lại ngẩng đầu lên nhìn bà. Mắt mẹ nó thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì sao lại như thế…

Sau đó, thằng bé mới biết ông nội nó khi xưa ra đi tác chiến quên ngày về. Nhưng, bà lại cứ bảo: ông “chưa” về, nên bà hay ra ngồi ngoài ngõ đợi ông. Thằng bé có lúc cũng dỗi bà, lại bảo rằng: bà không chơi với nó mà sao cứ ngồi đợi ông? Có lần giận quá, nó hét lên:

-Ông không về đâu. Ông chết rồi.

Hét lên rồi, nó bèn khóc lóc rất thảm thiết. Bà cứ ngồi vuốt mà nó nựng nịu, rồi cõng nó vào bên trong. Mãi sau này, khi bà mất, mẹ nó kể:

-Bà muốn đợi ông về, rồi dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa, ông quên tuốt.

Thằng bé lặng im thẫn thờ. Mắt thả về chốn miên man, thấy nhớ bà mình vô hạn. Và chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, thằng bé lại cũng ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua, để chỉ lối cho bà, hồn khỏi lạc…” (truyện kể trích trên mạng, cũng khá buồn)

             Chuyện nhè nhẹ ở đời, vẫn là thế và có thể như thế. Là thế và như thế, là lời ca còn rất nhẹ, mà người nghệ sĩ viết lên vào những lúc cũng buồn tênh, như sau:

 “Để rồi oán trách nhau

Tay buông lơi tình mềm

Chân không theo tình bền

Chẳng giữ được nhau

Cho môi khô nụ cười

Quên tiếng hát yêu người

Cho đôi mắt tủi hờn rơi

Để lệ cuốn mất câu thề.”

(Vũ Thành An – bđd)

    Chuyện nhè nhẹ ở đời, thì như thế. Chuyện không nhẹ ở nhà Đạo lại cũng thế, nhưng hơi khác một chút. Khác, ở điểm: nhà Đạo mình không nói và cũng chẳng viết bằng thi ca hay âm nhạc, nhưng lại cứ thẳng thừng, về tình yêu, như sau:

 “Đọc thư thánh Phaolô viết về lòng mến là trên hết, hôm nay vẫn còn thấy nhiều vị, cứ bất chấp mọi hiểm nguy, dám hứng chịu muôn vàn khốn khó thường thấy có ở dân gian, chốn đất trời thực tế, rất dễ nể. Cả vào lúc bị coi là ngu si cuồng nhiệt hoặc có tội với đất trời, các vị vẫn làm vì lòng thương yêu trìu mến, hết dân gian. “Yêu”, là cụm từ được mọi người sử dụng rộng rãi, nơi đất trời ngàn năm mây bay này. Ngay đến chuyện vật chất – nhân gian như: cửa nhà cơ ngơi, vui chơi lễ hội, đua đòi se sua hoặc thi đua sắm sửa, người người vẫn cứ bảo rằng mình yêu, mình thích. “Yêu”, là ngôn từ nay được sử dụng bừa bãi, không còn mang ý nghĩa sâu sắc của lòng thương yêu trìu mến, nơi tín hữu nhà Đạo.

Thánh Phaolô dẫn giải tỉ mỉ trong bài đọc hôm nay, để mọi người hiểu rằng: yêu thương trìu mến, trước nhất không là cảm xúc xuất thần rần rần như tiếng phèng la, kêu ra rả. Mà, thánh nhân thừa hiểu: lòng yêu thương trìu mến nơi tín hữu Đức Kitô là chuyện rất thực. Yêu thương đích thực phải là, và luôn là, trạng thái của tín hữu Đạo Chúa, dám bảo rằng mình rất yêu thương mọi người. Đồng thời, cũng chứng tỏ rằng mình yêu thương thực sự bằng hành động, chứ không  bằng môi miếng, bề ngoài.

Thánh Gio-an tông đồ cũng ghi rõ trong Tân Ước một quả quyết rất xác thực: “Nếu anh em bảo mình yêu thương trìu mến Thiên Chúa, mà lại ghét bỏ người hàng xóm, cận lân, thì chắc chắn anh em chưa thật lòng”. Quả thật, chúng ta có thể tỏ ra chính thực về lòng thương mến Chúa và người anh em đồng loại, bất cứ khi nào chúng ta muốn. Nhưng, nếu không chứng minh được điều mình nói bằng cuộc sống riêng tư, thì có khác nào tiếng chũm choẹ chập choeng, thanh la phèng phèng. 

Không thể nói chuyện lòng vòng quanh co, khi bàn về lòng yêu thương trìu mến nơi Đạo Chúa. Lòng thương yêu nơi tín hữu đi Đạo là: ở nơi nào cũng thế, tình yêu đích thực luôn bao gồm sự hy sinh, rất triệt để. Nhưng vấn đề, là: Làm sao có thể vừa yêu thương lại vừa hy sinh triệt để như thế được? Và, tại sao phải yêu như thế? Dễ hiểu thôi, yêu như thế là vì mọi người khác đã từng yêu ta. Mọi người yêu như tình yêu phải có của người tín hữu Đức Kitô. Tức, những người đã đối xử tử tế, nhân đạo và kiên nhẫn với ta. Yêu theo kiểu dị kỳ mới lạ, tức tự nguyện chứ không phải bất đắc dĩ, vì được dạy. Tình yêu được dạy bảo là phải yêu cả những người đã ngã quỵ trong đau thương sầu thảm. Yêu, như tình yêu của người tín hữu Đức Kitô là yêu thương rất mực. Yêu đến cùng. Yêu không chỉ một chiều, nhưng còn chỉ bảo, dẫn dắt nhau đi vào tình yêu của cộng đoàn, rất phổ cập. Đó mới là yêu thương đích thực. Yêu như Đức Kitô yêu Giáo hội. Yêu loài người.

Tình yêu đích thực là tình yêu cao cả, đầy thử thách được thể hiện khi người khác chứng tỏ đã yêu thương ta mạnh đủ để nói cho ta nghe những chuyện thật về con người của ta. Và đổi lại, ta cũng tỏ bày những chuyện thật về mình cho người khác biết. Đấy mới là yêu thương đích thực. Có yêu như thế, ta mới dám lao mình vào chốn không quen, rất tăm tối cận kề sự chết. Bởi, một khi đã đồng hành với những người anh em cùng tin vào Đức Kitô, ta duy trì được niềm hy vọng sâu xa, cả vào những giây phút khó khăn trong cuộc đời. Cả những lúc rất khó tỏ bày tình yêu thương của mình. Lòng yêu thương đích thực là yêu mến, có hy sinh. Ta vẫn thường gọi đó là thái độ yêu thương trìu mến của mọi kẻ tin Chúa, nơi nhà Đạo.

Đức Giê-su chẳng khi nào khẳng định rằng: yêu thương như thế là chuyện rất dễ làm. Nhưng luôn là việc cần làm. Còn cần hơn, nếu ta muốn đi cho hết đọan đường của hành trình sống rất tràn đầy. Đầy yêu thương. Đầy hạnh phúc. Và khi đã hạnh phúc trong yêu thương, ta sẽ thấy mình không còn đơn độc, lẻ bóng; nhưng có cả binh đoàn gồm những người anh em rất thân thương, đi bước trước.” (x. Lm Richard Leonard sj, Suy niệm Chúa nhật thứ Tư Mùa Thuờng Niên năm C, Bản Tin Giáo Xứ Fairfield Úc 03/02/2013)

 Như vậy thì, lòng mến nói tín hữu đi Đạo phải gồm tóm cả thứ tha. Và, đấng bậc vị vọng ở nhà Đạo cũng nói về tình yêu, nhưng hơn khác. Khác hẳn nghệ sĩ ở đời vẫn cứ nói và cứ hát như sau:

             “Đêm sâu mái tóc em dài

Buông xuôi, xuôi theo dòng đời

Mà đời dài như tiếng kinh cầu

Còn sầu mang đến cho nhau.”

(Vũ Thành An – bđd)

             Người viết nhạc, khi xưa thường vẫn viết như thế. Như thế, tức là: có những giòng chảy sùng sục những nói rằng: “Đời dài như tiếng kinh cầu”, hoặc “Còn sầu mang đến cho nhau”,những là: “buông xuôi.” Tuy là thế, cũng có thể là những tháng ngày hôm nay, tác giả có viết về “đêm sâu” hay “đời dài”, thì với tư cách là “thày sáu vĩnh viễn” ở bên Mỹ, chắc chắn “thày sáu” nhà ta sẽ có lúc cũng trích dẫn lời vàng của thánh hiền, như sau:

                         “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người

và của các thiên thần đi nữa,

mà không có đức mến,

thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,

chũm choẹ chập choeng.

Giả như tôi được ơn nói tiên tri,

và được biết hết mọi điều bí nhiệm,

mọi lẽ cao siêu,

hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non,

mà không có đức mến,

thì tôi cũng chẳng là gì.

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,

hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,

mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.”

(1 Cr 13: 1-3)  

             Về tình yêu, mà đấng thánh hiền gọi là “đức mến” hoặc “tình thương mến rất “agapè”, diễn tả như thế, cũng rất tuyệt. Và, về “lòng mến agapè” của thánh Phaolô, lại có đấng bậc viết thêm đôi giòng diễn giải rất như sau:

 “Nhưng, ngang qua những người ở đây, thánh Phaolô lại khám phá ra một loại hình yêu thương rất khác biệt, mà ông chưa biết. Tức, loại hình mà thời đó, mọi người vẫn gọi là lòng mến/thân thương rất agapè. Hơn nữa, đó là loại hình mục vụ đích thực được thể-hiện với họ và cho họ.   

Thánh-nhân lại đã viết lên một thể loại ca vịnh dành cho những người có lòng mến/thân thương ở ngay giòng đầu trong thư gửi dân thành Côrinthô đoạn 13; và ông cũng gửi cho các thừa-tác-viên kể trên một thư khác, tức thư thứ hai Côrinthô đặc biệt là đoạn 5. Xem thế thì, cuộc sống đã trở thành tiến trình hoà giải không ngừng nghỉ, giữa những người chưa đạt ước nguyện, như vừa nói. Với Phaolô, là vị thánh từng khám phá ra rằng mình còn phải đi thêm một đoạn đường dài hơn nữa, mới “thành đạt” như dự kiến.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, Paul: Writing to Achaia: 1 and 2 Corinthians, 2009 p. 65)

              Cuối cùng thì, nói gì thì nói, làm cho mọi người trong đời được vui và tươi, tức là: đã thực hiện được lời vàng nhắn nhủ của nhiều vị thánh hiền. Tựa hồ, lời đề nghị của bạn hiền mới vừa quen tuy chưa biết, như bên dưới:

             Việc cần làm cho đời sống thêm vui:

            -2 việc nên làm khi gặp phải điều không vui:

1. Hãy bình thường hóa nó một chút.

2. Hãy nhìn khía cạnh tích cực chứa ẩn, ở trong đó.

            -3 thứ cần phải quên:

1. Quên đi tuổi tác.

2. Quên đi quá khứ không vui.

3. Quên đi điều làm mình bực mình và sự oán giận.

            -4 thứ cần có:

1. Cần có được người hiểu và yêu mình chân thành.

2. Cần có người tri kỷ.

3. Cần có tư tưởng hướng thiện, lạc quan và thăng tiến.

4. Cần có được mái ấm gia đình.

            -5 thứ cần phải biết:

 

1. Biết ca hát, dù hát không hay. Vì khi gặp điều buồn, nếu bạn cố gắng hát

    nho nhỏ được một bài nào đó, bạn sẽ thấy nỗi buồn của bạn vơi đi rất nhiều.

2. Biết nhảy múa, dù múa không giỏi.

3. Biết nhìn ra được cái đẹp và cái tích cực trong cuộc sống.

4. Biết mỉm cười với cuộc đời, để cuộc đời mỉm cười lại với bạn.

5. Biết tha thiết và ân cần, rộng lượng và hào hiệp.

-6 thứ không được làm:

1. Không để quá đói rồi mới ăn.

2. Không để quá khát rồi mới uống.

3. Không để nhíp mắt lại rồi mới đi ngủ.

4. Không để quá mệt lả rồi mới chịu nghỉ.

5. Không để bệnh quá nặng rồi mới chạy chữa.

6. Không chờ đến lúc quá muộn, để rồi ngồi ân hận. (Sương Lam)

             Bần đạo phải thú thật với bạn đọc và bạn đạo ở ngay đây rằng: lâu nay viết nhiều và viết hăng quá, đến độ quên cả những điều mình từng viết, về “lòng mến rất agapè” của nhà Đạo. Thế nên, nay bèn mượn lời các đấng bậc ở đây đó để nhắn nhủ như trên cũng là chuyện “chẳng đặng đừng”.

            Thú thật thế rồi, nay bần đạo lại mượn ý/lời của truyện kể kiểu “Tiếu lâm chay hay mặn” để minh hoạ cho lời mình trích dẫn; để rồi, hẹn sẽ viết nhiều về lòng mến/tình yêu, nhiều hơn nữa. Truyện kể, là truyện nhè nhẹ như sau:

                         “Truyện bảo rằng:

                        Khi con chim còn sống, nó ăn kiến.

Khi chim chết, kiến ăn nó.

Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,

Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.

Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay,

Nhưng đừng quên rằng,

Thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.

Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm,

Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.

Hãy là người tốt và làm những điều tốt.

Thử nghĩ mà xem,

Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý,

Nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:

 1.Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.

2-Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.

3-Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.

4-Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.

5-Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

                    

          Thật ra thì, người kể nói nhiều về cung cách tạo dựng của Thượng Đế, rồi “đấng bậc” hiền lành lại lái sang Tình yêu, tình cảm giữa con người với con người. Tình gì thì tình, yêu gì thì yêu vẫn là Tình rất yêu; là lòng mến của mỗi người và mọi người trong đời. Vấn đề là diễn tả lòng mến hay Tình yêu ấy theo phong cách hoặc tư thế nào còn tuỳ mỗi người và mọi người.

            Tựu trung thì, hỡi bạn và tôi, ta hãy cứ duy trì Tình yêu/lòng mến cho đậm đặc, sâu sắc và bền bỉ đến muôn đời. Với mọi. Thế đó là lời tâm tình của bầy tôi, rất bần đạo, hôm nay.

             Trần Ngọc Mười Hai

            Vẫn muốn tâm tình

với bạn đạo và bạn đọc

bằng tình thân của tất cả các bạn,

trong ngoài nhà Đạo, là như thế. 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31