CHUYẾN THĂM CỦA ĐỨC CHA GALLAGHER TẠI VIỆT NAM: TIẾN TRÌNH BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VỚI RÔMA ĐANG Ở ĐÂU?
Đức cha Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh đặc trách Quan hệ với các Quốc gia, dự kiến sẽ đến Việt Nam từ Thứ Ba ngày 9 tháng Tư đến Chúa Nhật ngày 14 tháng Tư. Chuyến thăm đánh dấu một bước tiến mới hướng tới việc thiết lập lại mối quan hệ song phương giữa đất nước cộng sản và Vatican, chính thức bị cắt đứt từ năm 1975.
Một tín hiệu mới đáng khích lệ hướng tới việc tái lập đối thoại. Từ thứ Ba ngày 9 tháng Tư đến Chúa Nhật ngày 14 tháng Tư, Đức TGM Paul Richard Gallagher, “Bộ trưởng ngoại giao” của Tòa Thánh, dự kiến sẽ đến Việt Nam, nơi ngài sẽ có những chuyến thăm với các nhà lãnh đạo Công giáo và chính quyền. Chuyến đi này, từng được gợi lên vào ngày 18 tháng Giêng trong cuộc gặp tại Rôma giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và phái đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam xác nhận vào thứ Tư ngày 3 tháng Tư.
Chương trình lưu trú 5 ngày lần này được thông báo dày đặc. Nó bao gồm các cuộc trò chuyện với Thủ tướng Phạm Minh Chính, với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cũng như với đại diện Bộ Nội vụ và Ủy ban Tôn giáo Chính phủ. Ngoài cuộc gặp gỡ với các giám mục địa phương, Đức cha Gallagher cũng dự kiến sẽ đến thăm Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội – nơi đã hợp tác y tế từ năm 2005 với bệnh viện nhi Bambino Gesù ở Rôma, và cử hành thánh lễ tại các thành phố Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
“Quá trình này đang tăng tốc”
Dưới con mắt của các nhà quan sát, chuyến thăm này đánh dấu một bước tiến xa hơn hướng tới việc thiết lập lại quan hệ chính thức giữa Rôma và Việt Nam, mặc dù mối quan hệ này đã bị cắt đứt sau vụ trục xuất Sứ thần Tòa Thánh vào năm 1975 bởi chính quyền cộng sản. Trong khi Việt Nam tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực khi đối diện với gã khổng lồ Trung Quốc, quốc gia mà Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ phức tạp, “người ta cảm thấy rằng quá trình này đang tăng tốc sau chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kazakhstan vào năm 2022 và tới Mông Cổ vào cuối tháng Tám và đầu tháng Tháng 9 năm 2023,” nhà thần học và nhân chủng học Michel Chambon, chuyên gia về Công giáo ở lục địa Châu Á, giải thích.
Trong những năm gần đây, các sáng kiến nhằm kết nối lại đã được đưa ra một cách rụt rè. Một nhóm làm việc chung đã họp từ năm 2009 để giải quyết vấn đề này. “Cả hai bên đều bày tỏ đánh giá cao những tiến bộ đáng chú ý trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo tại Việt Nam cho đến nay”, Rôma nhấn mạnh trong một thông cáo công bố vào tháng 3 năm 2023, bên lề cuộc họp lần thứ 10 của cơ chế này.
Một bước tiến đáng chú ý khác, một thỏa thuận đã đạt được vào tháng Bảy cùng năm sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Võ Văn Thưởng và Đức Phanxicô, nhằm hợp pháp hóa sự hiện diện của một “đại diện giáo hoàng thường trú” tại Việt Nam. Cho đến lúc đó, Vatican đã dựa vào tài ngoại giao của một đại diện “không thường trú” tại chỗ, Đức cha Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, người sau đó đã thực hiện “các chuyến thăm mục vụ thường xuyên” tới Việt Nam thay mặt cho Tòa thánh.
Chuyến đi sắp tới của Giáo hoàng?
Liệu chuyến thăm của Đức cha Gallagher, trước chuyến thăm được dự kiến vào năm 2024 của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có giúp mở đường cho chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Phanxicô không? Khi được hỏi về chủ đề này vào tháng Giêng, Đức cha Gallagher tỏ ra lạc quan: “Tôi nghĩ chuyến đi này sẽ diễn ra. Đức Phanxicô muốn đến đó và cộng đồng Công giáo cũng rất mong muốn điều đó.”
Trên chuyến bay đưa ngài trở về từ Mông Cổ vào tháng 9 năm 2023, chính Đức Thánh Cha đã lên tiếng ủng hộ chuyến đi như vậy. “Nếu tôi không đến đó, Đức Gioan XXIV chắc chắn sẽ đi,” ngài nói với giọng vui đùa, trước khi tiếp tục nghiêm túc hơn: “Chắc chắn rằng một chuyến đi như vậy sẽ được thực hiện, bởi vì đây là vùng đất xứng đáng để tiến về phía trước.” (…) (Việt Nam) là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất đẹp mà Giáo hội đã có được trong thời gian gần đây. (…) Hai bên đều có thiện chí hiểu nhau và tìm kiếm những con đường để tiến về phía trước, còn những vấn đề nhưng ở Việt Nam, tôi thấy sớm muộn gì các vấn đề cũng được khắc phục.”
6% người Công giáo
Ngày nay, quốc gia Đông Nam Á này, nơi đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng trong Hiến pháp của mình, ngay cả khi nó vẫn còn mong manh, có khoảng sáu triệu người Công giáo, chiếm gần 6% dân số. Hơn nữa, 45% người thực hành tôn giáo nói rằng họ là người Công giáo.
Michel Chambon nhấn mạnh: “Giáo hội vẫn sống động, năng động ở đó – đặc biệt là trên lĩnh vực xã hội – giàu ơn gọi, trong một xã hội cũng đang trở nên giàu có rất nhanh chóng và phát triển thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực”. Trong những thập niên gần đây, chính sách ngoại giao kín đáo của Giáo hội tại Việt Nam đã giúp dần dần dỡ bỏ các hạn chế, đặc biệt là về số lượng chủng sinh và linh mục được thụ phong.
Điều gì vẫn là những trở ngại đối với cuộc đối thoại, trong khi chính quyền vẫn giữ quyền hạn chế số lượng và quy mô của các giáo xứ địa phương, đồng thời tổ chức các cuộc tham vấn trước khi bổ nhiệm các Giám mục hoặc Tổng Giám mục (1)? Michel Chambon chỉ ra : “Một số chủ đề vẫn còn gây tranh cãi, chẳng hạn như yêu cầu của các giám mục về việc bồi thường tài chính cho những vùng đất cũ đã bị chính phủ chiếm dụng, hoặc có thể mở các trường tiểu học và trung học trong nước – trong khi Giáo hội cho đến nay chỉ điều hành các trường mẫu giáo”. “Trong hồ sơ này, Rôma và Hội đồng Giám mục có thể đưa ra những ưu tiên khác nhau”.
———————————————-
(1) Tuy nhiên, trái với Trung Quốc, Vatican không cần sự chấp thuận của Hà Nội để bổ nhiệm.
———————————————–
Tý Linh
(theo Malo Tresca, nhật báo La Croix)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO