CN 3 QN C: CỘNG ĐỒNG + SLIDESHOW
Sách của Nehemiah diễn tả cuộc lưu đầy của dân Do-thái từ Babylon trở về xây lại tường thành Giêrusalem. Khi Vua nước Babylon chiếm hữu thành Giêrusalem và đánh đổ nước Giuđa, đã bắt dân Do-thái cư ngụ ở Palestine đi làm tôi đòi nô lệ tại Babylon. Sau khi các vua nước Medes và Persians đánh thắng dân thành Babylon vào năm 538 BC, vua Cyrus đã cho phép dân Do-thái trở về quê hương. Đúng ra, có ba nhóm trở về vào ba thời kỳ khác nhau. Nhóm thứ nhất dưới sự hướng dẫn của Zerubbabel vào năm 536 BC. Nhóm thứ hai được dẫn dắt bởi Ezra vào năm 458 BC và nhóm sau cùng được Nehemiah dẫn về quê hương vào năm 445 BC. Sách của Nehemiah được viết vào trong khoảng thời gian (465-423 BC).
Sách Nêhemia diễn tả việc ông thư ký Ezra đã qui tụ dân chúng đến lắng nghe sách lề luật của Chúa: Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật (Neh 8, 3). Chúng ta biết Sách Luật đã được ghi chép trên các tấm da thuộc hoặc viết trên cuộn giấy Papyrus. Khắc ghi những lề luật và huấn lệnh được truyền tụng qua nhiều đời. Các luật lệ bắt nguồn từ Mười Điều Răn mà Chúa đã truyền cho ông Môisen trên núi Sinai. Dân chúng chăm chú lắng nghe sách Luật từ sớm tới trưa và họ đã vui mừng hân hoan: Bấy giờ ông Ezra chúc tụng Thiên Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “A-men! A-men!” Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Thiên Chúa (Neh 8, 6). Dân Do-thái là dân được tuyển chọn. Họ được Thiên Chúa dẫn dắt qua sự hướng dẫn của các tiên tri và các vị tư tế cùng các bô lão. Họ sống liên kết thành cộng đồng tin thờ Thiên Chúa duy nhất.
Từ xa xưa, dưới thời vua Salômon, dân Do-thái đã xây dựng đền thánh để tôn thờ Thiên Chúa. Họ đã có tổ chức xã hội về mọi mặt. Hàng tư tế đã có những nghi thức thánh hiến và dâng lễ toàn thiêu đền tội. Đền thờ là nơi mọi người dân tụ lại làm nên một cộng đồng dân Chúa. Đền thờ là trung tâm của cuộc sống đạo và là trái tim của mọi sinh hoạt. Dân chúng xum họp tại đền thờ để lắng nghe lời Chúa, giải thích Kinh Thánh và dâng tiến lễ vật đền tạ. Niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất được hun đúc và phát triển qua đời sống cộng đồng. Trải qua lịch sử ngàn năm, đạo Do-thái vẫn luôn trung thành với các nghi lễ, giờ cầu nguyện, giữ ngày Sabát, tuân giữ các giới răn và huấn lệnh. Ngoài trung tâm đền thờ chính, nhiều nhóm tại địa phương đã xây dựng nhiều Hội Đường để cùng tụ họp nghe giảng và học hỏi Kinh thánh.
Khi ra giảng đạo, Chúa đã đi cùng khắp mọi miền. Có khi Chúa giảng ngoài bãi biển, nơi chân đồi, ngoài cánh đồng, trong tư gia, ngoài đường phố và hôm nay Chúa đã vào Hội Đường: Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh (Lc 4, 15). Nhiều người đi theo Chúa và chăm chú lắng nghe. Chúa giảng với uy quyền và lời Chúa có sức biến đổi tận tâm can. Khi vào Hội Đường, Chúa Giêsu đã đứng lên đọc sách tiên tri Isaia với đoạn này: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4, 18-19). Đây là đoạn sách quan trọng nhất nói về Đấng Thiên Sai đã được chính Chúa Giêsu xác nhận:“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”(Lc 4, 21). Trong ba năm giảng dạy, Chúa đã hoàn thành mọi lời tiên tri đã loan báo về Ngài.
Chúa Giêsu đã lập Giáo Hội, khởi đầu với một nhóm nhỏ các tông đồ, môn đệ và các thân hữu. Giáo Hội phát triển như hạt giống được gieo vào lòng đất, nẩy mầm, lớn lên và sinh nhiều bông hạt. Giáo Hội bao gồm những người cùng lãnh nhận một phép rửa, một đức tin, đức cậy, đức mến và một niềm hy vọng vào ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã thi hành sứ mệnh của Chúa Cha đã trao và hoàn tất qua việc hiến thân mình chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Các tông đồ là những vị đầu tiên ra đi làm nhân chứng cho Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Các nhân chứng sống động được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần đã không ngừng rao giảng và thiết lập các giáo đoàn phụng vụ khắp nơi. Số tín hữu ngày thêm đông đảo và đa dạng. Giáo Hội mở cửa đón nhận mọi thành thành qua bí tích Rửa Tội và lòng tin ao ước.
Giáo Hội khởi đi từ niềm tin yêu trong lòng người. Niềm tin qui tụ mọi dân, mọi nước, mọi chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa truyền thống. Thánh Phaolô tông đồ đã dùng những hình ảnh rất cụ thể để diễn tả sự liên kết giữa các thành phần trong Giáo Hội: Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy (1Cor 12, 12). Giáo Hội là một xã hội của loài người. Cần có các tổ chức phẩm trật, vai trò nghĩa vụ, mục vụ, phục vụ và cộng đồng tin yêu. Giáo Hội cần có sự hỗ tương trong tất cả các sinh hoạt đời sống. Giáo Hội mỗi ngày thêm đông số các thành viên nên phải kết hợp và gắn bó đoàn kết trong một nguồn sức sống. Kết hợp giống như các nhành nho được liên kết với cây nho là Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô tả hình ảnh bộ phận của thân thể: Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một (1Cor 12, 20).
Chúng ta quan sát một cộng đoàn phụng vụ trong khi cử hành thánh lễ. Mỗi thành viên có trách nhiệm riêng theo chức vụ của mình. Trong tập thể bao gồm: Cộng đoàn dân Chúa, các thừa tác viên thánh thể, đọc sách, các em giúp lễ, các vị tiếp tân, ban trật tự, xin tiền, dâng của lễ, ca đoàn và linh mục chủ tế. Mỗi người có một nhiệm vụ cần được chu toàn ăn khớp với nhau. Chúng ta biết rằng những bộ phận xem ra yếu đuối và có vẻ thụ động nhưng đây lại là bộ phận cần thiết nhất, đó là mọi tín hữu tham dự phụng vụ: Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất (1Cor 12, 22). Không có cộng đoàn dân Chúa, chúng ta sẽ không có các cuộc cử hành phụng vụ cách long trọng. Mỗi thành viên đều rất quan trọng tùy theo vai trò của mình, trong đó có các cụ ông cụ bà, các trẻ em và mọi thành phần dân Chúa.
Bí tích Thánh Thể liên kết chúng ta nên một. Trong niềm tin yêu, chúng ta hỗ trợ và nâng đỡ nhau sống hoàn thiện. Chưa hẳn các linh mục chủ tế là những người đạo đức tốt lành hơn các thành viên khác. Chủ tế nên chu toàn các nghi thức và cử hành thánh lễ cách nghiêm trang và sốt sáng. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng, không ai hơn ai. Điều quan trọng là trái tim yêu thương và sự gắn bó với thân thể mầu nhiệm của Chúa: Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận (1Cor 12, 27). Các bộ phận trong cơ thể tuần hoàn phát sinh sự sống khỏe mạnh và cường tráng. Các thành viên trong cộng đồng dân Chúa phải gắn kết yêu thương, đùm bọc và nâng đỡ nhau để chu toàn sứ vụ trong sự hài hòa và thuần thiện.
Chúa Giêsu không đến để kêu gọi nhưng người công chính và thánh thiện, nhưng là những kẻ tội lỗi. Những thành phần yếu bệnh cả hồn lẫn xác cần được sự nâng đỡ chở che và chữa lành. Họ là những bộ phận cần được quan tâm nhất vì: Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung (1Cor 12, 26). Chúng ta không thể lên thiên đàng một mình, cần có những anh chị em xung quanh cùng đồng hành dìu dắt và đỡ nâng. Mỗi người đều có bổn phận làm cho thân thể mầu nhiệm được triển nở và phát sinh kết qủa đời này và đời sau.
Lạy Chúa, đừng để chúng con bị lạc xa đường lối Chúa. Xin cho chúng con biết lắng nghe các huấn lệnh, điều răn, chỉ thị và giáo huấn của Chúa và Giáo Hội, để chúng con tuân cứ luật pháp của Chúa đêm ngày. Ước mong tên của mỗi chúng con sẽ được ghi vào sổ hằng sống đời đời, vì: Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa (Kh 20, 15).
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
—–
(Neh 8, 1-4a.5-6.8-10; 1Cor 12, 12-30; Lc 1, 1-4. 4, 14-21)
——-
Tải file powerpoint dưới đây, kích chuột phải, chon save target as hoặc save link as) :
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- QUAN TÂM
- BẢN NHẠC “CHÚA ĐÃ RA ĐỜI”
- SLIDESHOW: LÀ MUỐI LÀ MEN, BÀI HÁT CHỦ ĐỀ NĂM PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
- BÀI HÁT “THEO CHÂN MẸ”
- BẢN NHẠC “NGỢI KHEN THIÊN CHÚA”
- DANH NGÔN ĐẸP VÀ XẤU
- DANH NGÔN NGHE VÀ NÓI
- SLIDESHOW DANH NGÔN VỀ TIỀN BẠC
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 34 TN C
- CHÚA NHẬT 33 TN C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: THÁNH VỊNH ĐÁP CA 125
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : THEO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 33 TN C
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C: TIN CÓ SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 32 TN C
- SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 31 TN C: CẤM VÀO NHÀ KẺ CÓ TỘI
- CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C: “TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA!”
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 31 TN C
- CHÚA NHẬT 30 TN C: HẠ MÌNH