CHÚA NHẬT V MÙA CHAY C: HÃY BỎ HÒN ĐÁ XUỐNG

Written by xbvn on Tháng Ba 15th, 2013. Posted in Cao Huy Hoàng, Năm C

Càng gần đến tuần kỷ niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, lời mời gọi sám hối càng trở nên khẩn thiết hơn, tích cực hơn. Lời Chúa Chúa Nhật 5 Mùa Chay đặt tôi trong tình trạng tự trải lòng mình ra trước Tình Yêu của Thiên Chúa và nhờ Tình Yêu thiêng liêng ấy chiếu vào cõi thâm sâu thầm kín để thấy mình còn lắm điều tồi tệ.

SỰ IM LẶNG CỦA TỘI NHÂN

Các Kinh Sư và Pharisêu đem đến cho Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đặt cô ấy đứng giữa và yêu cầu cho ý kiến. Họ muốn gài bẫy Chúa Giêsu phạm luật Môsê. Vì theo luật Môsê thì người đàn bà tội lỗi này phải bị ném đá cho đến chết ( Lv 20, 10; Đnl 22, 22 – 24 ).

Tôi đang hình dung ra một tòa án cộng đồng, diễn ra ngay trong Đền Thờ, công tố viên không ai khác là các Kinh Sư và Pharisêu, vị thẩm phán và còn là luật sư bào chữa, khách mời hôm nay là Chúa Giêsu, còn người tham dự phiên tòa là dân chúng đang nắm trong tay những hòn đá, khoái chí, hăm he chờ ném vào người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo lời kể của phóng viên tại tòa, Thánh Gioan, thì trong suốt phiên tòa, “người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình” ấy, chị chỉ nói mỗi một câu “họ đã về cả rồi”. Chị hoàn toàn im lặng trong khi chờ bị ném đá, một sự im lặng đáng chú ý.

Dẫu biết rằng “im lặng là đồng lõa”, “im lặng là chấp nhận”, nhưng tôi muốn nghĩ đến trong cái im lặng ấy, có thể, còn có bao điều chị muốn nói, nhưng không thể nói được, vì “văn bản luật” đã rõ ràng và tội trạng đã đành rành. Đã nói đến luật pháp trần gian, thì phải hiểu luật pháp luôn là một “cây thước” cứng ngắc. Tôi muốn đặt mình vào tình thế của “người nữ công khai phạm tội ngoại tình” để thêm được một người hiểu cho chị, vì trong sân ai cũng không hiểu, chỉ mỗi một người hiểu chị, là Chúa Giêsu. Trong cái im lặng ấy, có thể chị đang xấu hổ và có thể có nhiều tâm sự thầm kín, nhưng không là lý do để có thể bào chữa, rằng thì là:

“Nhà em nghèo, chồng em bệnh, ba đứa con phải được lo cho học hành”.

“Em cần tiền để sửa lại nhà cửa. Nhà em rách nát, nắng mưa gió cát rác rưởi đều có lối vào”.

“Em không cưỡng lại được số phận, vì trời ban cho em cái hồng nhan “khuynh nước, khuynh thành” làm cho bao “đấng mày râu” chao đảo, như “sắc bất ba đào dị nịch nhân”.

“Em đã lỡ tự trau chuốt cho mình quá mức cần thiết, tưởng để cho đẹp mặt với người ta, có ai ngờ… trở thành món mồi ngon cho những người có lòng tham khoái lạc”.

“Em không thể sống trong cảnh cô đơn khi hãy còn quá trẻ. Em cần có anh ấy !”

“Anh ấy cần có em, đến với anh ấy vì em muốn giải thoát anh ấy khỏi những bi lụy…”

“Em đang cần một đứa con để giải tỏa những u ám trong gia đình em”…

… Và hàng chục lý do khác nữa để tự biện hộ.

Vâng, có thể chị không có cơ hội để giải bày những tâm sự với bao nhiêu là lý do chủ quan, khách quan…, có thể chị hiểu là dù có nói gì đi nữa, thì trước mắt người đời, chị cũng không thoát tội chết, không khỏi bị ném đá. Có thể chị hiểu: ý hướng tốt khi thực hiện một điều xấu không đủ biện minh hay chạy tội thành trắng án – cũng như, mục đích tốt không biện minh cho phương tiện xấu – ấy là luật. Biết như thế, nhưng Chúa Giêsu, Đấng hiểu thấu mọi nỗi lòng, hiểu thấu mọi sự im lặng, mọi nỗi đau thầm kín nhất trong lòng, Ngài hiểu chị và thương xót chị.

NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH

Chúa Giêsu không chỉ muốn nói cho đám đông tố cáo rằng “hãy thông cảm cho tội nhân” mà còn điều quan trọng là cảnh cáo họ “hãy nhìn lại chính mình”. Chúa nói: “Ai trong các người vô tội hãy ném đá chị này trước đi”.

– Hãy nhìn lại chính mình, đúng thế, nếu người đời chưa phát hiện ra tôi đang sống trong tình trạng tội lỗi, để tôi trở thành tội nhân công khai, đáng phải bị ném đá, thì lòng tôi ơi, hãy nhớ rằng, nhà ngươi đã bị Thiên Chúa “bắt quả tang” từ trong ý nghĩ, trong tư tưởng đến hành động… không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng Ngài vẫn im lặng, đợi chờ. Tôi có thể tránh được ánh mắt của người đời, nhưng không thể tránh được ánh mắt của Thiên Chúa.

– Hãy nhìn lại chính mình, để thấy, có đôi khi, người ta chưa phạm tội, thì mình đã phạm tội rồi. Thấy một người có khả năng làm việc trong Giáo Xứ, họ đóng góp được nhiều việc, còn tôi, tôi chẳng có tài gì, tôi lại nói: “Ông ấy, bà ấy, con mẹ ấy nó kiêu ngạo lắm”. Thế nghĩa là gì ? Có phải họ chưa kịp kiêu ngạo thì tôi đã kiêu ngạo rồi chăng ? Nghe chuyện thường xuyên ai đó vẫn gặp nhau, tôi thêu dệt thành chuyện tình ly kỳ hấp dẫn nhất để mọi người có thể tin rằng họ đã phạm tội điều răn thứ 9. Thế có phải chính tôi đã phạm tội trước họ chăng ?

– Hãy nhìn lại chính mình, để thấy, mình đang tội lỗi nhiều hơn người khác, nhất là khi mình đang có được những vỏ bọc bên ngoài có vẻ như là đạo đức lắm: trí thức Công Giáo chẳng hạn, thành viên Hội Đồng Mục Vụ, Ban Trị Sự, Ban Giáo Lý, hay trong các ban ngành đoàn thể khác chẳng hạn. Những vỏ bọc ấy không là bằng chứng vô tội của tôi, và càng không phải là cái thẩm quyền xét đoán hay kết tội anh em.

– Hãy nhìn lại chính mình, để thấy, những công việc, kể cả việc đạo đức của tôi hằng ngày nơi cộng đoàn Dân Chúa, nếu không vì Lòng Mến chân thành, và vì vinh danh Chúa, thì cũng hãy coi chừng, chưa chắc đó là bảo chứng cho lòng trong sạch của mình. Càng không phải đó là giấy xác nhận tôi có quyền thẩm định tư cách của người này, xếp hạng đạo đức cho người kia, và loại trừ người nọ vì lý do họ phạm tội. Chính từ những xét đoán, kết án, phân biệt, loại trừ đã dẫn đến sự mất hiệp nhất trong cộng đoàn Dân Chúa, làm giảm sút sự phát triển của một Giáo Xứ, một cộng đoàn, thậm chí khiến cho tất cả phải giậm chân tại chỗ, tụt dốc hay rệu rã.

HÃY BỎ HÒN ĐÁ XUỐNG

Khi đã nhìn lại chính mình, người ta đã bỏ hòn đá xuống, rồi lẳng lặng ra về. Chúa Giêsu hỏi người đàn bà ngoại tình: “Này chị, họ đâu cả rồi, không ai lên án chị sao ?” – “Thưa Ông, không có ai cả” – “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” ( Ga 8, 10 – 11 ).

Phàm ai sống trên đời cũng “thích” xét đoán và kết án, và không hề thích chính mình “bị xét đoán và bị kết án”. Nhưng ở một chỗ khác, Chúa Giêsu nói: “Đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán” ( Mt 7, 1 ). Và cụ thể nhất, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thể hiện tinh thần ấy. Mặc dù điều luật về tội ngoại tình của Chúa Giêsu còn ngặt hơn nhiều “Các ngươi đã nghe bảo: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng” ( Mt 5, 27 – 28 ). Nhưng trước một tội nhân công khai, ở đây là người đàn bà đã được nNgài hiểu thấu nỗi lòng, Ngài cũng không lên án, ngược lại, Ngài tha thứ và vạch ra một hướng đi tích cực hơn cho chị: “Hãy về và đừng phạm tội nữa”. Đúng như tinh thần Ngài đã nêu nơi Lc 17, 3 – 4: “Nếu anh em ngươi trót phạm tội, thì hãy răn bảo nó; nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó. Cho dẫu nó xúc phạm đến ngươi bảy lần một ngày, và bảy lần nó trở lại với ngươi và nói “tôi xin chừa cải” thì ngươi cũng phải tha thứ cho nó”.

Tôi xin trích đoạn bài thơ “Càng yêu em hơn” trong tập “Nhật Ký Yêu” của tác giả T.G, một người bạn của tôi:

Nàng gục đầu khóc trong vai tôi
Khóc sụt sùi, nghẹn từng tiếng, rồi òa lên nức nở
“Anh ơi !“Hãy tha thứ cho em
cuộc lao đao trong chiến trận tình đời
Em đã dối gian anh và em là người chiến bại
Ôi một thời đoan trang và hồng nhan con gái
Đã bay xa theo gió lộng phù hoa
Em tưởng mình sẽ hạnh phúc bao la
Có ngờ đâu lối về xa vạn dặm…
Cảm ơn anh không vì say vì đắm
Nhưng vì yêu, đã tha thứ cho em
Đón em về, dù rã nát trái tim
Tình yêu anh, cho em con đường mới….”

Tác giả T.G. đã bỏ hòn đá xuống, và viết vào nhật ký những dòng thơ đầy nước mắt với tựa đề “Càng Yêu Em Hơn”. Tôi nghĩ anh bạn tôi cũng thấm tinh thần Tha Thứ của Chúa Giêsu hôm nay đối với chính người bạn đời của mình.

Trong khi viết những dòng suy niệm này, tôi nhận được Email của anh tôi, Laogiacali, chuyển cho tôi mấy dòng của ngài Jim Lawhon:

“I remember there are 4 things that we cannot recover: The stone… after… the throw ! The word… after… it’s said ! The occasion… after… the loss ! The time… after… it’s gone”

“Tôi nhớ, có 4 điều mà chúng ta không thể thu hồi lại được: Hòn đá đã ném đi. Lời đã nói ra. Cơ hội đã vuột mất. Và thời gian đã qua đi”.

Cảm ơn anh Laogiacali, cảm ơn ngài Jim Lawhon, em mượn ý tưởng này để kết.

Xin hãy bỏ hòn đá xuống. Xin khoan hãy nói lời buộc tội… Hòn đá đã ném đi không thu hồi lại được. Lời đã buông…

 

Lạy Chúa Giêsu giàu lòng xót thương, xin thương tha cho con là người tội lỗi nhất – những tội trong tư tưởng, trong lòng trí, và những tội chưa công khai mà Ngài đã “bắt quả tang”. Xin ban cho con lòng thương xót cảm thông và tha thứ, để mở cho anh em con một lối về với bình an và thiện hảo. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, 24.3.2007

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31