CÒN KHÔNG CẢM XÚC NGẠC NHIÊN ?

Written by xbvn on Tháng Một 15th, 2014. Posted in Thương Huyền

Ngạc nhiên hay còn gọi là kinh ngạc, sững sốt, ngỡ ngàng … đó là những động từ diễn tả trạng thái của một người trước một biến cố nào đó có tính bất ngờ, vỡ òa và gây ra ấn tượng nơi người ấy.

Nếu thử hỏi : “Bạn có biết ngạc nhiên không ?”, hẳn sẽ có nhiều người sẵn sàng gật đầu. Nhưng thực tế, có lẽ phải công bằng để nhận xét rằng : khá nhiều người đã mất đi khả năng ngạc nhiên. Vì sao vậy ? Dường như khi đối mặt với cuộc sống cùng những trăn trở lo âu, cùng với bao tính toán thiệt hơn, năng lực ngạc nhiên của một người bị mai một và thui chột dần. Hình như nắm bắt được yếu tố tâm lý này mà một mẫu quảng cáo trên tivi với cụm từ “Ngạc nhiên chưa ?” đã mang lại cho người xem nhiều thích thú.

Dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, Chủng viện cho các thầy nghỉ bốn ngày để về mừng lễ bên gia đình, với giáo xứ. Vì nhà xa, tôi trở về lại giáo xứ La Nang – nơi tôi vừa trài qua một năm thực tập mục vụ. Niềm vui đơn giản của tôi là gặp lại Cha Quản Xứ trẻ trung, giản dị, tiếp đến là niềm vui bồi hồi gặp lại ông bà cô bác và nhất là nét vui tươi trẻ trung sôi nổi của các bạn trẻ và các em thiếu nhi. Tất cả những chuẩn bị cho canh thức Giáng Sinh, thánh lễ trọng thể đã được lên chương trình từ lâu và mọi sự cứ theo diễn tiến của nó nếu như không có gì bất ngờ xảy ra.

Nhưng vẫn có một điều bất ngờ đã xảy ra. Một bất ngờ thật dễ thương, có tính toán và mang đến nhiều cảm xúc thú vị cho bà con giáo dân trong giáo xứ. Số là trước thánh lễ vọng Giáng Sinh, Đức Cha Giuse – Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng – gọi điện cho Cha Phê-rô Quản Xứ La Nang để hỏi giờ lễ chính ngày và ngài cho biết sẽ đến dâng thánh lễ với cộng đoàn Dân Chúa ở đây. Quả là một bất ngờ và vinh hạnh cho một giáo xứ nhà quê bé nhỏ nghèo hèn này.

Sáng hôm sau, trước giờ lễ chừng 15 phút, Đức Cha Giuse đã đến giáo xứ trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của tất cả cộng đoàn đang hiện diện. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, với một lối nói đơn giản và chân tình, ngài bắt đầu : “Ông bà anh chị em nhìn vào hang đá thì thấy được gì?”. Vài người rụt rè sau một thoáng bỡ ngỡ : “Thưa, thấy Chúa, thấy Đức Mẹ, thấy Thánh Cả Giuse …”. Xem chừng như chưa thỏa đáng, Đức Cha mồi cho mọi người : “Vậy ông bà anh chị em có thấy ngạc nhiên không ? Ngạc nhiên quá sức đi chứ ?”. Thế là từ ý tưởng này, Đức Cha Giuse phân tích, khích lệ một khả năng, hay đúng hơn, một năng lực ngạc nhiên trước mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Con Chúa, trước tình thương lạ lùng của Thiên Chúa. Đức Cha còn nhấn mạnh trong bài giảng : “…Lúc đã biết ngạc nhiên khi đứng trước hang đá Bê-lem, chính chúng ta cũng phải gây được sự ngạc nhiên nơi những người chung xóm láng giềng về lối sống thân ái yêu thương của mình…”.Nghe đến đây, tôi thầm nghĩ : “Đức Cha quả là ý nhị khi cố ý đến giáo xứ một cách bất ngờ, gây sự ngạc nhiên nơi mọi người và từ đó ngài giảng về …sự ngạc nhiên”.

Khi suy nghĩ về khả năng ngạc nhiên nơi mình, tôi cũng khám phá ra, dường như từ lâu rồi, tôi đã không còn nhạy cảm về năng lực ngạc nhiên của mình nữa. Mọi thứ có vẻ như là tất yếu bất định khiến tôi thấy chẳng có chi phải ngạc nhiên nữa: không khí tôi thở, bữa cơm tôi ăn, wi-fi tôi dùng, giờ giấc ngủ nghỉ học hành … tất cả như một lập trình sẵn có, ai sao ta vậy, cứ thế mà khỏe thôi. Chẳng có gì bất ngờ và cũng không mong bất kỳ một sự bất ngờ nào, đỡ mất công suy nghĩ, phản tỉnh, hơi sức đâu mà ngạc nhiên. Lắm lúc có chăng một cảm giác xuýt xoa sơ sài khi thấy hiện tượng này, sự kiện kia … rồi thôi. Thái độ an toàn nhất, yên bình nhất chính là : Let me alone – Hãy để tôi yên.

Được gợi hứng từ bài giảng sáng lễ Giáng Sinh, tôi cũng tập lấy lại cho mình cảm giác ngạc nhiên. Đây là một năng lực vừa dễ lại vừa khó. Dễ – vì khả năng cảm xúc này vẫn là một khả năng thiên phú, có sẵn trong mỗi con người. Quan sát cách một đứa trẻ tròn mắt khám phá thế giới, hoặc sự quấy rầy dai dẳng của một em bé tuổi mẫu giáo khi luôn miệng hỏi mẹ “tại sao?”, ta có thể hiểu được khả năng này đã có từ thuở lọt lòng. Song, khó – cũng vì đây là một khả năng tích cực nếu không muốn nói là một khả năng linh thánh. Tìm cho ra và nuôi dưỡng một cái gì tích cực vẫn là một khó khăn giữa trùng vây ngàn muôn thứ tiêu cực khác nhau. Một người khó mà có cảm xúc ngạc nhiên khi người ấy quá lý trí, quá kiêu căng, tự mãn và đầy tham vọng. Bởi lẽ, lắm lúc điều gây ra sự ngạc nhiên lôi cuốn lại là những điều thật bé nhỏ tầm thường. Và bậc thầy của bài học ngạc nhiên có lẽ không ai khác hơn là những em bé, trẻ thơ, người luôn đón nhận mọi sự xảy đến một cách đầy háo hức và nhiều kinh ngạc.

Chiều hôm 06.01.2014, tôi vào bệnh viện trung ương để xét nghiệm máu. Xem ra cũng như mọi người, tôi cũng có dáng giống như mọi bệnh nhân khác thôi, không có gì đáng nói. Nhưng rồi cũng có nhiều sự gây ngạc nhiên đã xảy ra. Khi được gọi tên đến bàn lấy máu xét nghiệm, tôi đến và ngồi xuống ghế. Người tiếp tôi có lẽ là một bác sĩ. Chị nhìn vào phiếu xét nghiệm mà tôi đã ghi, rồi chị nhìn tôi và buột miệng: “Tên của anh hay quá !”. Tôi cười như thể hiện sự …đồng ý (!?) và đáp lại : “Tên của bác sĩ cũng thế, vừa hợp với người, lại cũng hợp với nghề !”. Nghe tôi nói thế, chị bất giác nhìn xuống bảng tên đang đeo – Nguyễn Thị Mười Thương. Chị hơi đỏ mặt ngạc nhiên. Thật ra trước khi ngồi xuống ghế, tôi đã kịp liếc nhanh bảng tên của chị. Đoán chị có vẻ vui nên tôi mở lời : “Bác sĩ làm ở đây lâu chưa ?”. “Em mới làm vài tháng”, chị đáp. Cái hố ngăn cách giữa những người xa lạ cả về vùng miền như dần được san bằng. Tiếp tục nhìn vào phiếu xét nghiệm, chị hỏi tiếp : “Anh đã 36 tuổi mà vẫn là sinh viên à ?”. Số là trong phiếu ấy, tôi ghi “sinh viên” trong phần nghề nghiệp của mình. Thoáng chút ngần ngừ, tôi đáp : “Dạ, vẫn là sinh viên, học hành không phân biệt tuổi tác mà bác sĩ”. Như ngạc nhiên về câu trả lời của tôi, chị tiếp tục hỏi : “Anh học trường nào ?”. Nhìn vào tờ giấy, chị buột miệng trả lời trước khi tôi đưa ra đáp án : “Trường dòng Kim Long à ?”. Tôi khẽ gật đầu. Có vẻ chưa xong vấn đề, chị lại tiếp : “Anh học năm mấy ?”. Tôi đáp : “Năm thứ 5 !”.  Chị bất ngờ thốt lên : “Ối, anh học chi dễ sợ rứa ?”. Tôi cũng có chút bất ngờ bởi tính cảm thán của ba từ “dễ sợ rứa” quá ngọt ngào của chị. Cười mỉm, tôi pha trò : “Học cả đời đó chớ, 5 năm mà kể “dzô” à !”.  Chị bác sĩ trẻ như chưa muốn buông tha : “Thế thì phải học mấy năm mới xong ?”. Tôi kiên nhẫn : “Dạ, thật ra thì cũng tám năm mới xong nhưng đây cũng là việc của cả đời mà bác sĩ !”. Chị tròn mắt nhìn tôi kinh ngạc và hình như quên cả việc phải … lấy máu của tôi để xét nghiệm. Một bác sĩ ngồi kế bên chị (hôm sau tôi mới biết bác sĩ này tên là Tâm), nãy giờ anh lắng nghe cuộc nói chuyện, anh cầm lấy phiếu xét nghiệm, nhìn tôi giọng nhỏ nhẹ đầy thân thiện hỏi : “Cho em hỏi, đây là thầy hay là Cha ?”. Quay sang phía anh, tôi trả lời : “Dạ, là thầy”. Nghe thế, bác sĩ Tâm lịch sự và thân thiện : “Dạ, em chào thầy !”. Bây giờ đến lượt chị bác sĩ nhìn bác sĩ Tâm như thắc mắc, tôi tiếp lời : “Sao bác sĩ hỏi thế ?”. Anh từ tốn trả lời : “Dạ, vừa rồi em có biết thầy Vũ Đức chăm sóc ba của thầy ấy ở đây. Chúng em rất cảm kích trước lòng hiếu thảo của thầy ấy. Tiếc là bệnh tình của ba thầy ấy quá nặng …”. Anh bác sĩ trẻ buông lửng câu nói, mắt nhìn xa xăm …

Lúc ấy, chính tôi mới là người ngạc nhiên nhiều nhất. Tôi ngạc nhiên vì có lẽ ở bệnh viện này, việc người thân chăm sóc cho người nhà có lẽ là chuyện thường tình. Chuyện một người con chăm sóc cho ba mẹ là lẽ đương nhiên. Nhưng dường như phải có cái gì đó rất đặc biệt khác thường khiến cho những bác sĩ ở đây ngạc nhiên đến mức ấn tượng. Và bằng cách nào đó mà tôi không biết, các bác sĩ ít nhiều có thiện cảm với “trường dòng Kim Long” và có thái độ trân trọng yêu mến các Cha, các thầy.

Ngạc nhiên là một loại cảm xúc dẫn đến những tình cảm tốt đẹp. Gây cho người khác ngạc nhiên bằng chính đời sống chứng tá của người Ki-tô hữu, đó cũng là một cách truyền giáo – một lối truyền giáo âm thầm có chiều sâu mà không cần đến cờ xí trống kèn.

Đó cũng là những hiệu quả mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã gây ra cho thế giới hôm nay. Chính nơi ngài mà mọi người – từ giới Công Giáo cho đến mọi thành phần nhân loại – đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với tất cả tấm lòng mến phục và trân trọng. Theo tôi, điều thật sự gây kinh ngạc nhiều nhất từ cương vị Giáo Hoàng của ngài, đó là ai ai cũng nhận ra được ngài là một người ở giữa họ, thuộc về họ. Hơn ai hết, những người nghèo khổ, bất hạnh, cô đơn, bé nhỏ, vô gia cư, thấp cổ bé miệng, những tầng lớp dễ bị làm dụng tổn thương và cả những em thiếu nhi … tất cả những đối tượng này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của vị Cha chung trong sự sững sờ ngạc nhiên và vỡ òa hy vọng.

Còn không cảm giác ngạc nhiên ? Hỏi là hỏi vậy, tôi vẫn tràn trề hy vọng rằng mình chưa thật sự mất đi năng lực ấy. Và cho mỗi sớm mai thức dậy, tôi biết nhận ra và ngạc nhiên trước những vẻ đẹp của tự nhiên, của những người chung quanh và nhất là biết bao ơn lành và kỳ công Chúa đang dành sẵn cho tôi. Cho đến khi đêm về, tôi cũng biết sững sờ cất lời tạ ơn vì đã sống qua một ngày trong muôn vàn hồng ân và tình thương của Chúa và mọi người. Và nhất là để biết làm cho cuộc sống của chính tôi, của nhiều người nữa cũng trở thành một ngạc nhiên thú vị cho người khác. Sự ngạc nhiên ấy không cho phép dừng lại ở chính mình nhưng là cửa ngõ đưa dẫn người ta đến niềm vui khám phá ra sự hiện diện huyền nhiệm mà không kém phần gần gũi của một vì Thiên Chúa yêu thương con người và làm cho người ta khi cảm nếm thực tại huyền nhiệm ấy thì chỉ còn biết ngỡ ngàng thán phục cũng như phủ phục trước hồng ân bao la ấy. Mong thay !

THƯƠNG HUYỀN.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30