“CON NGƯỜI” TRONG TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM

Written by xbvn on Tháng Tư 7th, 2014. Posted in Nhân bản, Đại Chủng Viện Huế

  Tuần trước, Cha Giuse Lê Công Đức đã giúp các chủng sinh tìm hiểu về đặc tính sứ mạng mục vụ của Tông huấn Evangelii Gaudium (EG/Niềm Vui Tin Mừng, 24/11/2013) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tuần này, Cha Phêrô Phan Tấn Khánh tiếp tục chương trình học hỏi Tông huấn EG bằng ba mươi phút nói chuyện về đề tài Khía cạnh ‘con người’ trong EG. Vị thuyết trình tập chú vào ba khía cạnh ‘con người’ của EG dưới nhãn giới triết học: tương quan, bị tổn thương, hữu thể tôn giáo.

Thứ nhất, EG trình bày con người trong tương quan giữa cá nhân và tập thể, cũng như con người có hồn và xác (x. số 87-92). Đức Phanxicô khuyên các Kitô hữu ‘ra khỏi chính mình để hòa vào với người khác’ và ‘đừng bao giờ tự đóng kín mình’. Lượng định ý tưởng này dưới nhãn quan triết học, vị thuyết trình viện dẫn Triết gia người Áo M. Buber (1878-1965). Trong quyển Tôi và Bạn, M. Buber cho rằng không có con người tự thân nếu không có tương quan với người khác. Từ khởi đầu đã có tương quan và tương quan là sự hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ giữa người với người, chứ không phải là quan hệ sử dụng như giữa người với vật. Thật vậy, Đức Phanxicô đã hé lộ trong EG rằng nhờ tương quan mà cá nhân trở thành một cá nhân, nhờ cộng đoàn mà ta là một người nào đó. Ngoài ra, ngài cũng cảnh giác các Kitô hữu về quan niệm con người phi thân xác như Platon và Descartes từng chủ trương. Trong số 88, Đức Phanxicô lên án ước muốn ‘có một Đức Kitô thuần túy thiêng liêng, không xác thể và không thập giá’. Quả thật, Đức Kitô đã chia sẻ đến cùng thân phận làm người – nghĩa là có hồn và xác như mọi người chúng ta.

Thứ hai, trong tư cách là một ‘mục tử của Giáo hội không biên giới’, Đức Phanxicô dành sự quan tâm đến những thành phần dễ bị tổn thương nhất (x. số 209-216). Vị Cha chung thấu cảm hoàn toàn nỗi bất hạnh, khốn cùng của những người vô gia cư, nghiện ngập, tỵ nạn, người già và đặc biệt là những thai nhi. Ngài ước mong con người mở rộng trái tim để lắng nghe tiếng kêu của Thiên Chúa: ‘Em ngươi đâu?’ (St 4,9). Trong những đau khổ của anh chị em mình, chúng ta đều mang lấy một phần trách nhiệm. Vì thế, không ai được phép động lõa với những tội ác qua thái độ ung dung, im lặng. Để làm sáng tỏ chủ điểm này, Cha Phêrô tham chiếu Triết gia Levinas (1906-1995) – vốn cho rằng nền triết học trước ông đã lãng quên con người. Khá tương hợp với tầm nhìn của Đức Phanxicô, khuôn mặt con người trong tư tưởng của Levinas mang những đặc điểm sau: dễ bị tổn thương; đang nhìn và tra vấn chúng ta; phản ánh khuôn mặt Thiên Chúa. Con người trong tư tưởng triết học của Levinas thật mỏng manh và yếu đuối biết bao! Khởi đi từ vụ án Cain – Aben, vị triết gia người Pháp này cho rằng trách nhiệm của Cain đối với Aben cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với tha nhân.

Thứ ba, EG trình bày con người như một hữu thể tôn giáo. Từ trong sâu thẳm, Thiên Chúa đã gieo vào lòng con người khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa và ban cho họ tự do để đến với Ngài. Đức Phanxicô bày tỏ mối quan tâm mục vụ của Giáo hội đối với ba hạng người: 1) những tín hữu đang duy trì một đức tin sâu xa và chân thành, 2) những người đã rửa tội nhưng không sống những đòi hỏi của phép Rửa, 3) những người không nhận biết Đức Giêsu Kitô hay luôn chối bỏ Người (x. số 14).  Giáo Hội luôn có bổn phận Loan Báo Tin Mừng cho hết thảy mọi người để làm thỏa mãn sự khao khát Thiên Chúa – vốn là bản chất nội tại của con người. Chỉ nhờ sự gặp gỡ với tình yêu Thiên Chúa, con người được giải phóng ra khỏi sự chật hẹp và khép kín của mình để có thể tự do đến gần với Thiên Chúa hơn (x. số 8). Tự do và khát vọng của con người cũng là đề tài mà Triết gia Emmanuel Kant (1724-1804) khai triển qua ba quyển Phê Bình I, II, III bằng cách lần lượt trả lời ba câu hỏi: Tôi biết gì? Tôi làm gì? Tôi có thể hy vọng gì? Để trả lời cho câu hỏi con người là gì, Kant cho rằng con người là một hữu thể có tự do và khát vọng. Từ đó, trong lĩnh vực đức tin, chúng ta có thể kết luận rằng con người là một hữu thể tôn giáo có tự do và khát vọng Thiên Chúa.

             Cuối buổi thuyết trình, Cha Phêrô ghi nhận rằng không nên tìm kiếm khuôn mẫu con người lý tưởng trong văn hóa hay trong các triết thuyết trước, nhưng tiên vàn khuôn mẫu ấy đã có sẵn trong Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô – Đấng vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật.

 

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31