CÔNG VIỆC CỦA ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ LÀ GÌ ?

Written by xbvn on Tháng Mười 5th, 2021. Posted in Thế Giới, Tý Linh, Đức tin & lý trí

Đức Phanxicô đã chỉ định các thành viên mới của Ủy ban thần học quốc tế hôm 29/9/2021. Nhân dịp này, nhật báo La Croix đã hỏi cha Serge-Thomas Bonino, tổng thư ký sắp mãn nhiệm, về sứ mạng của Ủy ban này trong việc phục vụ Tòa Thánh.

Hôm 22/9/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm các thành viên mới cho Ủy ban thần học quốc tế (CTI). Một tân tổng thư ký cũng đã được bổ nhiệm, cha Piero Coda, người Ý, giáo sư thần học tín lý. Dưới sự điều phối của ngài, nhóm làm việc mới sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ các suy tư của Tòa Thánh trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của mình.

Cha Bobino, dòng Đaminh và là tổng thư ký trong hai nhiệm kỳ, cho biết : « CTI ra đời vào năm 1969, sau công đồng Vatican II và Thượng hội đồng Giám mục đầu tiên. Vào lúc diễn ra hai sự kiện này, có yêu cầu mở ra về mặt thần học để hỗ trợ công việc của Bộ Giáo lý đức tin ». Vì thế, khi thiết lập CTI, Đức Phaolô VI đã muốn cho phép Bộ này – mà vị Tổng trưởng chủ trì CTI – được hưởng « những viễn cảnh thần học khác ».

« Một cái nhìn thần học về những vấn đề cơ yếu »

Nói cách khác, CTI cho phép mở rộng cuộc tranh luận thần học ở Vatican vượt ra ngoài ranh giới các đại học Tòa Thánh ở Rôma, vốn là những người đối thoại thông thường của các Bộ. « Ủy ban cho phép đóng góp toàn bộ các viễn cảnh và quan điểm thần học về thế giới », cha Bonino tóm kết.

Chẳng hạn, trong số các thành viên mới, 14 thành viên thuộc Châu Âu, 5 thuộc Nam Mỹ, 3 thuộc Á Chấu, 3 thuộc Phi Châu, 2 thuộc Bắc Mỹ và một người Úc. Cũng thế, các bậc sống khác nhau được thể hiện : nam và nữ, sống đời  thánh hiến và giáo dân – ngay cả khi các linh mục vẫn luôn đại diện rộng rãi.

Cha Bonino nói tiếp : « Trực tiếp phục vụ cho Tòa Thánh, CTI có nhiệm vụ mang lại một cái nhìn thần học về các vấn đề cơ yếu liên quan đến đời sống của Giáo hội ». Chẳng hạn, những năm vừa qua, các vấn đề khác nhau đã được đề cập như tính hiệp hành, Lâm-bô, nhiệm cục bí tích hay cảm thức đức tin.

Những đề tài này có thể được nghiên cứu theo yêu cầu của Đức Giáo hoàng – điều đó đã không phải là trường hợp trong những năm vừa qua, hoặc theo chỉ thị của Bộ Giáo lý đức tin, hoặc theo sáng kiến của CTI, khi Ủy ban cho rằng những chủ đề quan trọng cần được « làm sáng tỏ về mặt thần học ». Theo cha Bonino, CTI không bàn trực tiếp các vấn đề thuộc Thánh Kinh, vì muốn để vấn đề này cho Ủy ban Thánh Kinh quốc tế, và hiếm bàn về những vấn đề thuần túy luân lý, mà đúng hơn thuộc về các cơ chế khác như Viện hàn lâm Tòa Thánh về sự sống.

Lắng nghe các trào lưu thần học khác nhau

Có mục đích giúp Tòa Thánh bàn về những điểm đôi khi tế nhị, các văn kiện của CTI được biên soạn lâu năm để đi đến sự đồng thuận trong số các thành viên. « Cần phải mất 5 năm để đồng thuận ! », cha Bonino cười nói.

Cha nói tiếp : « Đó là những văn kiện thỏa hiệp với mục tiêu đạt được sự nhất trí. Khi các điểm là thực sự khó khăn, CTI cố gắng tìm ra những  công thức thỏa đáng đối với các trường phái thần học khác nhau ». Nói chung, khoảng 30 thành viên đi đến thỏa thuận và khi họ không đồng thuận, thì chỉ thiếu một hay hai phiếu trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng.

Đâu sẽ là những chủ đề làm việc tiếp đến của Ủy ban ? Không thể nói được vì những chủ đề này không được xác định trước cuộc hội nghị khoáng đại sắp tới, vốn sẽ không diễn ra vào tháng 11/2022. Tuy nhiên, cha Bonino gợi ý hai khả năng : tội nguyên tổ và các bí tích, cách riêng bí tích Rửa tội.

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30