CỤ BÀ XỨ HUẾ CHO SINH VIÊN TRỌ MIỄN PHÍ SUỐT 23 NĂM

Written by xbvn on Tháng Mười 2nd, 2013. Posted in Huế, Nhân bản, Tý Linh, Việt Nam

Báo Vnexpress.net hôm 1.10.2013 đưa tin “Cụ bà xứ Huế cho sinh viên trọ miễn phí suốt 23 năm“. Đây là cụ Anna Huỳnh Thị Diệp, thuộc giáo xứ Kim Long, giáo phận Huế. Giáo xứ thường gọi cụ bằng cái tên thân mật “O Diệp”. Dù tuổi cao, hằng ngày O vẫn đi tham dự thánh lễ và tham gia vào hội Dòng Ba Cát Minh. Gia đình cụ có 10 anh chị em, trong đó có hai người anh làm linh mục là cha Giuse Ngô Văn Trọng (1916-2009, qua đời tại Hoa Kỳ) và cha Phaolô Ngô Văn Triệu, thuộc giáo phận Huế, qua đời năm 1991.

O Diệp trước bàn thờ di ảnh của mẹ và hai anh linh mục (cha Trọng, hàng trên, bên trái; cha Triệu, hàng trên, bên phải)

Trong vòng 23 năm cho sinh viên trọ miễn phí, đã có hơn 100 sinh viên, bất kể lương giáo, đến trọ tại nhà O, trong đó có ba sinh viên nay đã làm linh mục (Cha Hứa Thanh Tuyên, cha Phan Quang và cha Trần Ngọc Tuyến thuộc giáo phận Đà Nẵng).

Mừng bổn mạng Dòng Ba Cát Minh, Kim Long, ngày 1.10.2013

Được biết, năm 2011, cha Micae Nguyễn Hữu Đức, nguyên quản xứ Kim Long, đã xây cho nhà O Diệp một nhà vệ sinh và hai nhà tắm để có chỗ thuận tiện cho sinh viên ở trọ.

Gia cảnh của O Diệp thuộc diện gia đình nghèo, sống nhờ trợ cấp, nhưng như O nói, O dùng những gì được trợ cấp cho “đại gia đình” này.

Những bình luận trên Vnexpress là rất tích cực, cho thấy xã hội Việt Nam đang cần những người như O (bà Tiên, Phật sống, mẹ VN anh hùng…) để góp phần vào việc xây dựng đất nước.

Tý Linh

————-

Dưới đây là bài viết trên Vnexpress:

Cụ bà xứ Huế cho sinh viên trọ miễn phí suốt 23 năm

Đôi mắt gần như không còn nhìn thấy gì nhưng bà Diệp vẫn tận tình chăm lo cho các cô cậu học trò nghèo. Nhiều người giờ đã là thạc sĩ, tiến sĩ… đều dành thời gian về thăm ‘mẹ Diệp’ nay 81 tuổi.

Căn nhà nhỏ của bà Huỳnh Thị Diệp (ở đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP Huế) luôn rộn rã tiếng cười nói của những cô cậu sinh viên. Cụ bà 81 tuổi được gọi là “người mẹ” của sinh viên nghèo bởi suốt 23 năm qua, bà luôn cho các học trò xa nhà ở nhờ không lấy tiền. Gia đình các em đều nghèo, ở các tỉnh xa như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai…

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em, từ nhỏ, bà Diệp đã phải làm lụng để phụ giúp bố mẹ. Năm 28 tuổi, mắt trái của bà bị mù vĩnh viễn sau một tai nạn. Từ đó, bà Diệp ở vậy để phụng dưỡng cha mẹ, khi hai người mất, bà sống thui thủi một mình.

“Gặp nhiều đứa sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng quyết tâm theo học, thương quá nên từ năm 1990 tui kêu mấy đứa về nhà ở mà không lấy tiền trọ. Tôi chỉ muốn giúp các con có thêm điều kiện học hành, mong sau này kiếm được cái nghề để sống”, bà Diệp kể.

Đối với cô sinh viên Hồ Thị Hương, bà Diệp như người mẹ thứ hai. Ảnh: Phúc Nguyễn.

Căn nhà nhỏ của bà luôn có 8-10 sinh viên ở trọ. Vào những ngày thi đại học, cao đẳng thì căn nhà của bà lại đón thêm 15-20 người vào ở. Không đủ giường, bà phải trải chiếu cho các sĩ tử nằm giữa nền nhà. Tiếng lành đồn xa nên năm nào nhà bà cũng đón thêm tân sinh viên. Hồ Thị Hương, quê ở Nghệ An, vào Huế học Đại học Sư phạm, đã ở nhà bà Diệp gần 2 năm nay. “Bọn em ở xa nhiều lúc nhớ nhà, ốm đau thì ‘mẹ Diệp’ luôn ở bên chăm sóc, động viên. Nhờ mẹ Diệp mà bọn em có thêm cơ hội để đến giảng đường”, Hương tâm sự.

Cùng hoàn cảnh với Hương còn có Nguyễn Hoàng, sinh viên năm thứ tư Đại học Kinh tế Huế. Hoàng cũng tìm đến với “mẹ Diệp” từ những năm đầu đại học. “Gia đình mình không lấy gì làm khá giả, mình lại là con cả trong gia đình có đông anh chị em nên khi được mẹ cho ở lại, mình cảm thấy như tìm được ngôi nhà thứ hai”, Hoàng nhớ lại.

Hương và Hoàng chỉ là hai trong số những sinh viên đã nhận được sự giúp đỡ từ bà Diệp. Sinh viên ở xa nhà, thiếu tình yêu thương của cha mẹ, lại eo hẹp kinh tế nên bà Diệp luôn động viên, tạo điều kiện cho các sinh viên phấn đấu học tập. Hàng tháng, với số tiền 270.000 đồng Nhà nước hỗ trợ người già neo đơn, bà Diệp mang đi mua gạo dự trữ để phòng cuối tháng sinh viên kẹt tiền còn có cái để ăn.

Suốt bao năm qua, bà Diệp không thể nhớ chính xác số lượng sinh viên tới ở nhờ. Bà chỉ nhớ rằng nhiều “đứa con” của mình đã có việc làm, có người đã là thạc sĩ, tiến sĩ, là giảng viên của các trường đại học… Thỉnh thoảng, các cựu sinh viên lại về thăm, tặng bà chút quà, những người ở gần thường đến chăm sóc bà mỗi khi bà đau ốm.

Trong căn nhà nhỏ này không khi nào vắng tiếng cười nói của sinh viên. Ảnh: Phúc Nguyễn

Kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua, ngôi nhà nhỏ của bà Diệp tiếp tục là nơi trú chân cho sĩ tử nghèo. Trong nhà bà luôn có sẵn chăn, màn, gối, chiếu… và nước uống cho các bạn trẻ.

Đôi mắt không còn nhìn rõ, đôi chân đi không vững nhưng bà Diệp vẫn hào hứng khi mùa thi tới. Bà cầu trời cho sống thêm được ít năm nữa để giúp được nhiều sinh viên nghèo hơn. “Mỗi khi nghe tiếng sinh viên ở xa đến gõ cửa nhà xin được ở trọ là tui lại cảm thấy vui”, bà Diệp tâm sự.

“Mỗi lần có bạn nào bị ốm đau hay lạ nhà không ngủ được vì nhớ bố mẹ là ‘mẹ Diệp’ lại thức trắng đêm chăm sóc, an ủi, động viên. Nếu không có mẹ, chắc chúng em sẽ không được như bây giờ”, Nguyễn Văn Cường, sinh viên sống tại nhà bà Diệp, chia sẻ.

Phúc Nguyễn

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31