« CUỘC ĐỜI XÂY DỰNG CỦA ĐẤNG ĐÁNG KÍNH HỒNG Y VĂN THUẬN, DƯỚI DẤU CHỈ CỦA SỰ TẬN TỤY CHO THA NHÂN »
Trên nhật báo Osservatore Romano, tiếng Ý, ngày 17/4/2021, bà Flaminia Giovannelli – thứ trưởng của Bộ phục vụ sự phát triển con người toàn diện – đã vinh danh Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong một bài viết có tựa đề : « Cuộc đời xây dựng của Đấng đáng kính Hồng y Văn Thuận, dưới dấu chỉ của sự tận tụy cho tha nhân của mình. Ngài đã đề cập thời gian hiện tại bằng cách lấp đầy nó bằng tình yêu ».
Tám năm sau khi ngài qua đời, ngày 22/10/2010, giai đoạn cấp giáo phận về việc phong chân phước cho Đức Hồng y đã được mở ra ở Latêranô. Và, vào năm 2017, Đức Phanxicô đã cho phép công bố một sắc lệnh về đặc tính « anh hùng » của các nhân đức nhân bản và Kitô giáo của ngài.
Dưới đây là bài viết của Flaminia Giovannelli :
Cuộc đời xây dựng của Đấng đáng kính Hồng y Văn Thuận, dưới dấu chỉ của sự tận tụy cho tha nhân của mình. Ngài đã đề cập thời gian hiện tại bằng cách lấp đầy nó bằng tình yêu .
Lòng trung thành của ngài với ngai tòa Phêrô là một nét tiêu biểu trong nhân cách của đấng đáng kính Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Điều này được chứng tỏ cách đặc biệt nơi một trong nhiều tình tiết chiếu sáng cuộc đời của ngài vốn được ghi dấu bởi những nỗi đau khổ lớn lao mà ngài đã đương đầu với niềm hy vọng, sức mạnh và óc hài hước : tình tiết liên quan nhật báo Osservatore Romano. Quả thế, ngài đã kể rằng một lần nọ, trong một lần bị giam giữ nghiêm ngặt trong tù – ngài đã trải qua 13 năm trong tù, trong đó 9 năm bị biệt giam – một « bà cảnh sát » đã mang đến cho ngài con cá nhỏ, được gói trong hai trang báo Osservatore Romano, cho ngài ăn trưa. Đức Hồng y đã coi sự kiện này như là sự quan phòng, đến độ ngài lau chùi sạch và bo bo giữ hai trang báo này để có thể đọc lại nhiều lần.
Chúng ta có thể hình dung ngài hạnh phúc thế nào khi thấy đăng trên nhật báo này một bài viết mới về câu chuyện ở trần gian của ngài, nhân dịp sinh nhật lần thứ 93 của ngài và vào năm kỷ niệm 19 năm ngày sinh trên trời của ngài. Cần phải nhìn nhận rằng sự gắn bó của ngài với ngai tòa Phêrô đã và đang còn là hỗ tương vì quả đúng là Đức Giáo hoàng danh dự đã bày tỏ lòng kính trọng đối với ngài trong thông điệp Spe salvi, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nêu ngài làm gương trong Tông huấn Gaudete et exsultate về sự thánh thiện, đang khi thánh Gioan-Phaolô II đã mời ngài giảng linh thao vào năm khởi đầu ngàn năm mới.
Mùa Phục Sinh mà chúng ta đang sống chắc chắn là thời gian thích hợp nhất để tưởng nhớ đến vị chứng nhân đức tin vĩ đại này. Quả thế, có thể nói, nếu đời sống của ngài đã là một mùa Chay, thì ngài đã sống điều đó theo lời khuyến khích của Chúa, không phải với vẻ rầu rĩ, thiểu não (Mt 6, 16), hay với « một cái đầu tang chế », nhưng trái lại với khuôn mặt vui tươi, luôn hướng về niềm hy vọng, tức là xác tín về sự phục sinh.
Có nhiều nét nhân cách của ĐHY người Việt Nam và các biến cố của cuộc đời của ngài thì quá nhiều và quan trọng đối với không gian của một bài viết ; vì thế, tốt hơn là nên tập trung vào những gì mà ngài đã đại diện, tức là một hình ảnh về nhân quyền hoàn toàn độc đáo. Hoàn toàn độc đáo bởi vì cuộc đấu tranh của ngài để tôn trọng các quyền này, ngài đã thực hiện bằng những phương tiện khác thường đối với loại trận chiến này, ngài đã thực hiện nó với một sự đơn sơ mỉa mai và nhất là bằng tình yêu. Và, không thể phủ nhận được rằng các quyền của ngài đã bị chà đạp bất kỳ thế nào.
Khi ngài được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, trước khi trở thành chủ tịch một vài năm sau, các nhân chứng về giai đoạn cuối cùng này của đời ngài đã có thể cảm nghiệm được sự đơn sơ, sự nhẹ nhàng và tình cảm của ngài, hay đúng hơn là tình yêu của ngài. Sau khi tin tức về việc bổ nhiệm của ngài ở Rôma, người ta mong chờ ngày ngài đến bởi vì câu chuyện của ngài là rất nổi tiếng và cũng bởi vì ĐHY Etchegaray, lúc đó là chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã tham dự vào các cuộc thảo luận chung kết về việc thương lượng với chính phủ Việt Nam, mà sẽ dẫn đến việc phóng thích ngài.
Người ta có thể dễ dàng tưởng tượng hiệu quả ngạc nhiên khi ngài giới thiệu mình cách đơn giản, bằng giọng ung dung, như là « Giám mục Phanxicô Xaviê », một thói quen mà ngài đã giữ ngay cả khi ngài là Hồng y. Trong một thời gian dài, sau khi ngài đến Rôma vào năm 1994, ngài đã tiếp tục ở trong một cộng đoàn nữ tu Việt Nam. Từ đó, ngài đến văn phòng của mình, ở Điện Thánh Calistô, trên một chiếc Vespa 50 do thư ký của ngài lái, đó là cha Phaolô, hay đúng hơn Đức Ông Phaolô Hiền, người mà ngài đã âm thầm chỉ thị : không thể không ngạc nhiên và không cười khi thấy ngài cởi mũ bảo hiểm và bước xuống phương tiện giao thông khá độc đáo này đối với một Tổng Giám mục !
Sư ngạc nhiên và ngưỡng mộ càng gia tăng theo năm tháng, khi các câu chuyện về việc ngài bị giam cầm càng phong phú thêm những chi tiết đau lòng, hài hước hay xây dựng.
Đau lòng : nếu Đức Hồng y đã sống sót sau những điều kiện giam giữ, đó là do sức mạnh tâm hồn của ngài được Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi ngài nuôi dưỡng. Chẳng hạn, ngài kể đã phải trải qua nhiều thời gian, hơn một trăm ngày, nằm trên đất, trong một trong các phòng giam của mình, để có thể thở trước một lỗ duy nhất trên tường, được đào để thoát nước. Câu chuyện về cây thánh giá nơi ngực của ngài đặc biệt biểu lộ những xúc phạm mà người ta đã gây ra cho ngài và phản ứng của ngài, vừa can đảm vừa giàu trí tưởng tượng ; ngài đã mang nó mọi ngày cho đến giây phút cuối đời.
Quả thế, ngài kể rằng khi ngài bị giam tù, người ta cấm kêu ngài là Giám mục và bỏ đi tất cả biểu hiệu phẩm giá của ngài, bao gồm cả thánh giá trên ngực ; nhưng dành một tầm quan trọng to lớn cho các biểu tượng, nên ngài đã không cam chịu : với sự cộng tác của hai cai ngục, trước hết ngài đã kiếm được một khúc gỗ để khắc thánh giá, được che giấu trong một thời gian trong một cục xà phòng, rồi làm sợi dây bằng dây điện sau khi đã thuyết phục viên cai ngục của mình rằng ngài sẽ không dùng nó để tự tử, bởi vì « linh mục Công giáo không được tự tử ».
Hài hước : Đấng đáng kính Hồng y đã có một óc quan sát hết sức sắc sảo và không hiếm khi ngài tham gia vào những trò bắt chước vui nhộn. Phẩm chất biết nắm bắt khía cạnh khôi hài của cuộc sống đã rất ữu ích đối với ngài trong thời gian bị giam tù. Một trong những cai tù mà ngài đã cải hóa đã được mời đến lễ khai mạc án phong chân phước của ngài, theo sáng kiến của Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ông này một lần nữa gợi lại một tình tiết được Đức Hồng y kể lại nhiều lần, ngài đã dạy cho ông hát kinh Veni Creator. Việc nghe viên cựu cảnh sát cộng sản này hát bài thánh ca khi ngài rửa mặt buổi sáng, sau khi tập thể dục, thường làm cho tù nhân Văn Thuận có tâm trạng vui vẻ !
Xây dựng : trên thực tế, có thể nói, câu chuyện về kinh Veni Creator cũng cho thấy mối bận tâm « sư phạm » của Đức Hồng y, người vốn không bao giờ chùn bước, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của thời gian bị cầm tù. Chính trong vòng những năm này mà ngài đã viết 1100 – như chuyện nghìn lẻ một đêm – thông điệp tinh thần gởi cho các tín hữu, ở mặt sau của những cuốn lịch cũ được một đứa trẻ âm thầm mang đến cho ngài, hay khi các viên cảnh sát trưởng xin ngài dạy ngoại ngữ (ngài biết nhiều ngoại ngữ) cho các cai tù hay khi, để cho người nói chuyện hiểu biết đúng về bản chất của Giáo hội, ngài đã viết một cuốn từ điển nhỏ về ngôn ngữ tôn giáo chừng 1500 từ bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Latinh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung quốc, với giải thích bằng tiếng Việt. Quả là tinh thần nhanh nhẹn phi thường, được duy trì sống động ngay trong thời gian áp bức khủng khiếp này !
Từ mối bận tâm « sư phạm » này, Đức Hồng y đã mang lại một bằng chứng khác cho Hội đồng Công lý và Hòa bình, bằng cách mang lại một nhiệt huyết cho việc soạn thảo cuốn Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, một sáng kiến mà không may ngài đã không thể nhìn thấy thành quả của nó.
Nhưng chiều kích đáng khâm phục của cuộc sống của ngài chắc chắn là khả năng tha thứ và yêu mến kẻ thù của ngài. Trước bức tường thù nghịch không thể lay chuyển của những viên cai tù của mình, trong một đêm tuyệt vọng, một tư tưởng đã đến trong tâm trí ngài : « Phanxicô, con vẫn còn giàu có lắm, con có tình yêu của Chúa Kitô trong tâm hồn con, hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con ». Ngài kể, ngày hôm sau, ngài bắt đầu yêu thương họ và đi đến chỗ – điều mà có lẽ khó khăn nhất – chinh phục họ rằng ngài sẽ yêu thương họ ngay cả khi họ đã quyết định giết ngài.
Nếu ngài thành công yêu mến kẻ thù của mình, thì tình yêu của ngài dành cho bạn hữu của mình càng thật lớn lao biết bao ! Trong những năm cuối đời của ngài, những người cộng tác của ngài trong Hội đồng Công lý và Hòa bình đã là những người đầu tiên đón nhận sự quan tâm của ngài. Quả thế, trên bàn làm việc của mình, Đức Hồng y đã có một bó hoa vải, đúng con số các cộng tác viên của ngài, để luôn có họ hiện diện trong tâm trí và lời cầu nguyện của ngài.
Ở giữa những bông hoa này, có cắm một tấm bưu thiếp đến từ Mêxicô – đất nước mà ngài rất gắn bó – trên đó hiển thị những con quỷ nhỏ với những cái chĩa của chúng. Những cái chĩa này làm cho ngài nghĩ đến khi ngài cảm thấy bị những cái chĩa này đâm, thì một cảm giác nhột nhột đôi khi đã làm cho ngài đau đớn. Vì thế, khi ngài đến văn phòng của mình, ngài đã cầu nguyện để những con quỷ nhỏ để cho ngài yên tĩnh và cũng để cho các cộng tác viên của ngài yên tĩnh : phải chăng đó không phải là bằng chứng về sự dịu dàng vui nhộn của một tâm hồn cao cả và đơn sơ, mà cần phải coi như là người hướng dẫn để « sống giây phút hiện tại bằng cách lấp đầy nó bằng tình yêu » (Tông huấn Gaudete et exsultate, số 17) ?
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
« Aime-les comme Jésus t’a aimé »: l’appel entendu par le card. Van Thuân
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- BÀI HÁT: CÚI LẠY CHÚA TÔI
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI