ĐẶC TÍNH LINH THÁNH CỦA LINH MỤC NHƯ LÀ NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG VÀ GIÁO HUẤN LUÂN LÝ CỦA NGÀI
« Thánh thiện hơn ngươi ! » Thái độ được diễn đạt như thế, chẳng có Kitô hữu nào – và chắc chắn chẳng có linh mục nào – thích người ta quy cho cho mình. « Thánh thiện hơn ngươi ! », danh ngôn thể hiện một sự tự công chính hóa, một tính tự phụ cao ngạo, không tương thích với sự khiêm hạ Kitô giáo.
Chúa Giêsu đã dành những lời khiển trách gay gắt nhất của mình không chỉ đối với những người đã tự cho mình một vẻ đứng đắn nhưng còn đối với những ai đã cẩn thận chăm lo nhất đến việc tuân giữ luật pháp và đồng thời tìm thấy nơi sự trung tín này những gì để tự mãn với chính mình. Chắc chắn chính Chúa đã chịu những công kích của những người nhiệt thành tôn giáo, đã trách móc Ngài chữa bệnh vào ngày Sabbat. Thế nhưng, như Walter Grundmann nhận xét, Chúa Giêsu nghiệm thấy sự giả vờ đạo đức như thế bởi vì « nó không phụng sự Thiên Chúa từ lúc mà nó chứng tỏ sự khinh thường đối với một hữu thể nhân linh » (1). « Thánh thiện hơn ngươi ! » Sự khiển trách mà Tin Mừng biểu lộ cần phải ghi khắc sự khiêm tốn (modestie) cho mọi Kitô hữu.
Tuy nhiên, theo một viễn ảnh khác, có điều gì đó đích thực nơi danh ngôn này khi nó được áp dụng cho linh mục công giáo. Theo cách rất khách quan, linh mục công giáo có một đặc tính thánh thiện mà phân biệt ngài với người Kitô hữu giáo dân. Thế nhưng, để phòng ngừa trước một phản ứng bào chữa phẫn nộ, cần phải giải thích ngay những gì chúng tôi muốn hiểu khi tuyên bố linh mục « thánh thiện » hơn một Kitô hữu (giáo dân) khác.
Quan niệm « thánh thiện »
Rõ ràng vấn đề nổi lên vì nội hàm luân lý gắn với thuật ngữ « thánh thiện ». Khi chúng ta gọi một người là « thánh thiện », chúng ta luôn có trong tâm trí một sự hoàn thiện luân lý xứng đáng nhận được sự quý mến cao nhất của chúng ta.
Thế nhưng phạm trù « thánh thiện » thực ra thuộc tôn giáo hơn là luân lý (2). Cho dù ý tưởng luân lý tính thường nối kết với ý tưởng của chúng ta về sự thánh thiện, nhưng theo một ý nghĩa đầu tiên (3), nó dường như không có liên can đến hạnh kiểm luân lý.
Chắc chắn, theo nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ, sự thánh thiện chỉ được gán cho Thiên Chúa. Qadosh, Hagios, Sanctus : ba ngôn ngữ thánh của tôn giáo của chúng ta tuyên bố rằng Thiên Chúa là Đấng ba lần thánh. Chúng ta công bố chính điều đó ở mỗi cử hành Thánh thể : « Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh ! » Người là vô song, Người hoàn toàn vượt lên trên những gì chúng ta có thể biết hay thậm chí chỉ tưởng tượng. Danh xưng đích thực của Người thánh thiện đến nỗi người Do thái đạo đức thậm chí không dám đọc (4). Trước sự hiện diện của Người chính các thiên thần phải che mặt, không ngừng ca tụng sự thánh thiện của Người.
Sự hoàn toàn « khác » (totale « altérité ») này được gặp thấy trong suốt Cựu Ước. Siêu việt mọi kinh nghiệm bình thường của con người, nó gây nên sự ngạc nhiên, bối rối, sững sờ. Là điều lạ thường, nó vừa gây kinh sợ và cuốn hút. Tất cả những gì tiếp xúc với Thiên Chúa trong sự thánh thiện của Người đều lãnh nhận một dấu ấn, được dành riêng ra, tách khỏi những gì bao quanh nó. Sau cuộc thần hiển vĩ đại được ban cho Môisê ở đỉnh núi Sinaï, chỗ này đã trở thành Núi Thánh, thực sự khác biệt với thế giới phàm tục của các thụ tạo đến nỗi hễ ai đặt chân đến nơi đó – người hay súc vật – đến lượt nó được dành riêng ra khỏi lãnh vực phàm tục – (hay) bị ném đá đến chết.
Các tư tế của Cựu Ước chăm sóc hết sức cẩn thận những đồ vật mà sự thánh thiện của Thiên Chúa đã chạm đến. Họ tuân giữ tỉ mỉ nghi thức thanh tẩy và chuẩn bị để tránh cho mình những hệ quả nguy hiểm của sự thánh thiện này. Trên mọi viền trong của áo khoác của vị Thượng Tế xen kẽ những quả chuông vàng nhỏ và những quả lựu xanh, tía, hồng điều, « theo cách mà người ta sẽ nghe tiếng lục lạc, khi ông đến nơi thánh, trước nhan Ðức Chúa, và khi ông bước ra: như vậy, ông sẽ khỏi phải chết » (Xh 28, 35). Phía trước khăn đội đầu của vị Thượng Tế được gắn một thẻ vàng lấp lánh nhờ một dải băng tím mang những từ « được thánh hiến cho Chúa ». Những sự thận trọng này được thực hiện là bởi vì, như tác giả Thư Do thái nói, « thật khủng khiếp khi rơi vào tay Thiên Chúa hằng sống » (Dt 10, 31). Về phần Đền thờ, đồ án của nó gồm những sân và phòng khác nhau, dẫn cho đến Đấng Thánh của các Thánh, nơi âm u và thinh lặng, với cường độ linh thánh tăng dần (5).
Các ngôn sứ cũng thế, họ ý thức về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Khi ngôn sứ Isaia thị kiến trong Đền thờ, ông đã kêu lên không phải vì niềm vui nhưng là khiếp sợ : « Khốn cho tôi, vì tôi là một con người với môi miệng không sạch ! ». Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn thánh thiện không nói ngược lại với lời thú nhận này, nhưng Người thanh tẩy ngôn sứ bằng việc chạm than hồng trên môi của ông (Is 6). Trong một loạt trình thuật những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, thuật ngữ « thánh thiện » chỉ rõ thực tại này của Thiên Chúa, sự oai nghiêm không phải tạo thành và tuyệt đối bất khả tiếp cận, qua đó mọi thứ còn lại đối lập với Thực Tại này như là những gì hoàn toàn thiếu đi sự thánh thiện (6). Thế nhưng sự thánh thiện này không chỉ là tính khác biệt (altérité) ; nó là tổng thể (totalité) của mọi sự hoàn thiện khả niệm. Sự thánh thiện của Thiên Chúa là công lý của Người, như ngôn sứ Isaia nói : « Ðức Chúa các đạo binh sẽ được suy tôn, qua sự phán quyết của Người, và Thiên Chúa chí thánh sẽ biểu lộ sự thánh thiện của Người qua công lý của Người » (Is 5, 16).
Sự thánh thiện được áp dụng cho con người
Không chỉ những nơi chốn hay đồ vật trở nên thánh theo nghĩa phái sinh, một khi Thiên Chúa đã tự thông ban qua chúng ; đó cũng là trường hợp của con người. Trên Núi Thánh, Thiên Chúa đã chọn, đã dành riêng ra và đã làm cho cả một dân tộc nên thánh như là dấu chỉ của sự thánh thiện của Người trước toàn thế gian. Dân Israël đón nhận trạng thái này bằng việc đổ và rảy máu các hy lễ, qua đó giao ước của Thiên Chúa với họ được xác nhận và đóng dấu (Xh 20) (7). Thiên Chúa đã kêu gọi họ không phải vì một cấp độ luân lý tính nào đó của họ, nhưng bởi vì họ có thể phục vụ kế hoạch của Người. « Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh » (Xh 19,6). Sự thánh thiện của họ đã phát sinh từ sự thánh thiện của Thiên Chúa. « Các ngươi sẽ nên thánh, vì Ta, Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Ðấng Thánh » (Lv 19, 2).
Sự thánh thiện này đã phải được biểu lộ bằng một sự thuần khiết nghi lễ và luân lý. Không chỉ những hy lễ được dân Thiên Chúa dâng lên phải thánh thiện và không khiếm khuyết, nhưng các tư tế dâng chúng cũng phải không bị vết nhơ luân lý, nghi lễ và thậm chí thể lý (Lv 21, 16-24). Tuy nhiên, ý nghĩa đặc thù phụng tự, tôn giáo của sự thánh thiện không thể được tách rời khỏi ý nghĩa luân lý. Vì lẽ, như Thiên Chúa đã tuyên bố ở núi Sinaï, dân Israël là « một vương quốc tư tế, một dân thánh ». Thiên Chúa đã giao cho họ Thập giới như là kết quả cũng như là điều kiện của tương quan mới của họ với Người. Lời tuyên bố mà Thiên Chúa nói với dân tuyển chọn của Người và được sách Lêvi nhắc lại : « Các ngươi sẽ nên thánh, vì Ta, Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Ðấng Thánh », không chỉ chỉ rõ hành động được Thiên Chúa thực hiện nơi dân của Người, nhưng nó còn dẫn vào Bộ luật Thánh Thiện, được kết hợp bởi những luật luân lý và nghi lễ phải được tuân giữ bởi dân tuyển chọn của Thiên Chúa (Lv 17-26).
Tuy nhiên, mặc dầu ý nghĩa luân lý của sự thánh thiện đạt đến tuyệt đỉnh của nó nơi các ngôn sứ và trong Tân Ước, thì ý nghĩa phụng tự-tôn giáo không bao giờ biến mất. Người duy nhất mà khái niệm « thánh thiện » có thể được áp dụng trong tất cả ý nghĩa tròn đầy của nó, dĩ nhiên đó là Chúa Giêsu Nazareth. Ngài là Đấng Thánh Độc Nhất của Thiên Chúa, ho Hagios tou Theou. Ngài là Đấng hoàn hảo duy nhất, là Ađam mới, là tạo thành mới, là hy lễ tinh tuyền không hoen ố. Như R. Schnackenburg nhận xét, « « Hoàn hảo » (tamin), theo nghĩa đen đối với tư tưởng hybá, có nghĩa là « nguyên tuyền », « không vết nhơ », « lành lặn » (chúng ta thường có nghĩa này khi nó hệ tại những con vật hiến tế) ; thể từ (tom) cũng có nghĩa « tính đơn sơ », « tính thuần khiết ». Ý nghĩa nhắm đến không phải là một sự hoàn hảo theo cấp độ, nhưng là sự toàn vẹn của tất cả nhân vị thuộc về Thiên Chúa » (8).
Bởi thế, Chúa Giêsu không chỉ thuần khiết về mặt luân lý, nghĩa là không có tội, nhưng còn về mặt nghi lễ, theo nghĩa là Ngài là hy lễ hoàn hảo, toàn toàn được hiến dâng cho Thiên Chúa. Ngài là Đấng Thánh Độc Nhất của Thiên Chúa. Trong Tân Ước, việc sử dụng từ « hagios », « thánh thiện », để chỉ Chúa Giêsu, không bao giờ mất đi nội hàm tôn giáo và nghi lễ của nó.
Chúa Giêsu được thánh hiến, dành riêng ra để phụng sự Thiên Chúa ngay nơi dòng giống của chúng ta. Như thư gởi cho tín hữu Do thái nói, « mọi Thượng Tế đều được chọn lấy trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người trước nhan Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội » (Dt 5,1). Thế nhưng, chúng ta nhận thấy rằng một sự năng động khó tin, thật sự bất khả niệm, trừ phi là từ Mạc khải đã chiếm chỗ trong Chúa Kitô. Nhờ vào việc ngôi hiệp, Chúa Giêsu Kitô Thượng Tế không chỉ được thánh hiến và dành riêng ra khỏi phàm tục ; Ngài còn thấm nhập vào đó cho đến chỗ sâu thẳm nhất. Ngài không chỉ là Tư Tế, Ngài còn là vật hy tế. Ngài không chỉ là vị Thiên Chúa toàn thánh, Ngài còn hoàn toàn nên một với những tội nhân mà hy lễ được hiến dâng vì họ. Trong Ngài, Thiên Chúa và là người trọn vẹn, thế giới được linh thánh hóa trong chính tính phàm tục của nó. Đấng Độc Nhất được chọn lấy từ giữa người phàm do đó được liên kết với họ cách thâm sâu nhất, vì Ngài đã cắm lều giữa người phàm (Ga 1, 14). Ngài đến từ Thiên Chúa – Ngài thực sự là Thiên Chúa -, và chỉ như thế mà Ngài hiện hữu cho chúng ta. Vị Thượng Tế này không có lẽ sống nào hơn là thực hiện dứt khoát, một lần cho tất cả, sự hòa giải của loài người sa ngã với Đấng Tạo Thành nó nhờ lễ vật hoàn hảo là Chính Ngài trên bàn thờ Thập Giá.
Mỗi một hơi thở của Ngài, mỗi một giáo huấn phát xuất ra từ miệng Ngài, mỗi một việc chữa lành qua việc tiếp xúc của Ngài, mỗi lời tha thứ, mỗi sự chấp nhận bị vu khống là bấy nhiêu diễn tả về sứ mạng tư tế của Ngài. Bàn thờ Thập Giá biểu trưng cho sự tóm kết, sự tuyệt đỉnh và sự hoàn tất tất cả cuộc sống tư tế của Ngài. Đấng Độc Nhất Toàn Thánh cư ngụ nơi ánh sáng bất khả đạt tới, Đấng Toàn Tha, mà không ai có thể thấy mà không phải chết, sau hết được biểu lộ trong sự viên mãn của Ngài một khi chết trên thập giá, thay vì những hành quyết, bên ngoài thành Giêrusalem. Như một thần học gia nhận xét, Joseph Ratzinger, « đối với Đấng đã từ bỏ mọi quyền lực trần thế…, với Đấng đã gác sang một bên mọi thanh kiếm và đã không đẩy người khác chết thay cho mình, như kiểu các vua chúa trần gian làm, nhưng chính Ngài đã đi đến cái chết cho người khác, với Đấng đã đặt ý nghĩa cuộc sống không phải trong sức mạnh tự khẳng định chính nó nhưng trong cuộc sống triệt để cho người khác và thậm chí đã là hiện hữu cho người khác này, như thập giá minh chứng điều đó, chỉ duy với Đấng đó mà Thiên Chúa đã nói : « Con là Con của Cha, hôm nay, Cha đã sinh ra Con » » (9).
Ở đây, chúng ta thấy sai lầm của các luân lý gia của phong trào Ánh Sáng, thích chú tâm đến giáo huấn của Chúa Giêsu hơn là Chúa Giêsu. Đó là một vấn đề đặc thù trong một xã hội đa nguyên như xã hội của chúng ta, nơi chúng ta tìm kiếm một thứ nền tảng chung của luân lý nhằm cuộc sống chung của chúng ta. Chúng ta thấy, vấn đề được ghi khắc trong truyền thống quốc gia của chúng ta, bằng chứng Thomas Jefferson, người đã phổ biến một bản dịch Tân Ước mà ông đã loại bỏ những phép lạ của Chúa Giêsu để chỉ giữ lại giáo huấn của Ngài. Thế nhưng, giáo huấn này của Chúa Giêsu không thể tách rời với hành vi cứu độ được hoàn tất trên đồi Canvê của Ngài. Tất cả cuộc sống của Ngài, cái chết của Ngài, sự phục sinh của Ngài hình thành nên giáo huấn của Ngài. Ngài đã không để lại cho chúng ta một bộ luật ứng xử đơn giản, thậm chí cũng không phải chỉ là một mẫu gương yêu thương và hy sinh cao cả. Ngài đã để lại cho chúng ta một dân mới sinh ra từ máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Ngài. Ngài đã làm cho chúng ta thành « một giống nòi được tuyển chọn, một hàng tư tế vương giả, một dân tộc thánh, dân riêng của Thiên Chúa » (1P 2, 9a) (10). Tại sao ? Để dân này có thể « loan truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền » (1P 2, 9b).
Giáo Hội thánh thiện
Theo một nghĩa nào đó, những người được tuyển chọn (eklektoi tou Theou (những người được chọn của Thiên Chúa), Giáo Hội (ekklesia tou Theou (Giáo hội của Thiên Chúa)), có thể được cho là « thánh thiện hơn ngươi ! ». Thế nhưng – cần phải rõ ràng từ bây giờ – điều quyết đoán này phải được thực hiện theo nghĩa tôn giáo, chứ không theo nghĩa luân lý. Trên thực tế, lối diễn tả này rõ ràng chỉ rõ thế nào là những người được tuyển chọn xét như là « dân tộc thánh thiện » mới. Từ nay, họ là « những người thánh » bởi vì họ được hiệp nhất với Đấng Thánh Độc Nhất của Thiên Chúa nhờ phép rửa. Thánh Phaolô gọi những người nhận thư của ngài là « thánh », nhưng khi đọc các thư này, người ta nắm bắt được ngay lập tức và cách rất rõ ràng rằng ngài không ca tụng những phẩm chất luân lý cao cả nơi họ. Thật ra, ngài khiển trách những mối thù hận của họ, những chia rẽ của họ, những lầm lạc tính dục của họ. Và bất chấp những bất toàn này, họ vẫn là những người thánh, những người được tuyển chọn của Thiên Chúa, và chính dựa trên sự kiện này mà thánh Phaolô khích lệ họ thực hành các nhân đức mẫu mực, dĩ nhiên là siêu nhiên. Chính vì những gì họ là, các thánh, mà ngài khuyến khích họ sống một đời sống thánh thiện. « Tôi thúc giục anh em sống xứng đáng với ơn kêu gọi mà anh em đã lãnh nhận » (Ep 4, 1). Ơn gọi của người Kitô hữu kêu gọi họ nên một với Chúa Kitô, Đấng mà họ được hiệp nhất nhờ phép rửa. Làm bẩn chính mình, đó là làm bẩn Đấng Thánh Độc Nhất của Thiên Chúa, Đấng mà người Kitô hữu nên một với Ngài. « Anh em không biết rằng thân xác của anh em là chi thể của Chúa Kitô sao ? Phải chăng tôi lại lấy phần thân thể của Ðức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! » (1Cor 6, 15).
Có một sự năng động trong đời sống Kitô giáo theo đó người Kitô hữu được thúc đẩy, được biến đổi nên thánh chứ không phải là ít hành động, thánh hóa bản thân phù hợp với tình trạng của mình. Cũng người đó có thể là thánh (hagios) và công chính (dikaios), nhưng thuật ngữ đầu tiên chỉ rõ thân phận mà Thiên Chúa đã phú cho và thuật ngữ thứ hai chỉ hoạt động bản thân : G. Kittel nhận xét : « Dù có chịu ảnh hưởng văn minh Hylạp hay không, ý niệm « thánh thiện » luôn luôn có liên quan đến tính luân lý tĩnh của sự vô tội hơn là với hoạt động đạo đức. Nhưng tính luân lý tĩnh này được liên kết chặt chẽ với một sự định phẩm phụng tự. Vì lý do này, không bao giờ được dịch hagiotès hay hagios bằng « moralité » (đạo đức) hay « moral » (luân lý), vì điều đó có nghĩa là làm mất đi thành tố tôn giáo » (11).
Đặc tính thụ động của sự thánh thiện và đặc tính chủ động của sự công chính được thể hiện cách kinh ngạc bởi hai dạng, chủ động và thụ động, của cùng một động từ trong bản văn sách Khải Huyền : « người công chính cứ tiếp tục hành động (agir) theo sự ngay thẳng và người thánh thiện hãy tiếp tục là (être) thánh thiện » (Kh 22, 11 : ho dikaios dikaiosunèn poièsatô (actif) eti kai ho hagios hagasthètô (passif) eti). Phạm trù « thánh thiện » được đánh dấu bởi một tính thụ động mà người ta có thể nêu lên trong việc dùng thuật ngữ như « sự tuyển chọn » và trong những đoạn như « không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con » (Ga 15, 16). Chính bằng những thuật ngữ này mà H.U. von Balthasar nói về ơn gọi của mình : « Ngày hôm nay vẫn thế, ở khoảng cách 30 năm, tôi hẳn sẽ có thể tìm lại được con đường hẻo lánh của dãy núi Forêt Noire, nằm không xa Bâle, và nhận ra cái cây, dưới đó, tôi đã được bất ngờ chạm đến…Và như thế chẳng phải là thần học cũng chẳng phải là chức linh mục len lỏi vào tâm trí của tôi như một tia chớp. Đơn giản là thế này : ngươi không chọn lựa gì, ngươi đã được kêu gọi. Ngươi sẽ không chiếm lấy nhiệm vụ, ngươi sẽ được đặt vào nhiệm vụ » (12).
Các tu sĩ sẽ nói là đã bị nắm lấy, được chọn, dành riêng bởi Thiên Chúa thánh thiện, đang khi phẩm chất luân lý giả thiết hoạt động, thực hiện những việc tốt lành mà chúng ta có sáng kiến. Thế nhưng hai thực tại không thể tách rời nhau, dù rằng ưu tiên phẩm chất thuộc phía tuyển chọn. Vì thế câu « không phải các con đã chon Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con », được hoàn tất bằng những lời này : « để các con đi và sinh hoa kết quả ».
Đặc tính siêu nhiên của thực tại đang bàn đến không ngăn cản nó xác thực cái nhìn về cảm thức chung được lấy lại bởi một tiên đề thời kinh viện « agere sequitur esse ». Hành động đi theo hữu thể, mọi chủ thể hoạt động phù hợp với bản tính của mình. Những ai đã lãnh nhận hồng ân đức tin và được ban cho dấu ấn không thể phai nhòa của bí tích rửa tội thì đơn giản không còn thuộc về thế gian và xác thịt. Họ có một ơn gọi đặc thù, được thánh hiến, dành riêng ra để cứu chuộc thế gian nơi họ tiếp tục sống này. Chắc chắn bản tính của họ không bị hủy hoại. Họ đã không trở thành các thiên thần. Đó luôn luôn là những người nam và người nữ. Nhưng từ bầy giờ họ có đủ tư cách để thực hiện những gì mà họ đã hoàn toàn bất khả trước khi họ được tuyển chọn. Bản tính của họ đã chịu một sự thay đổi và cảm thấy được biến đổi ; bây giờ họ phải sống cuộc sống của chính Chúa Giêsu Kitô, như là đang hình thành Thân Thể của Ngài trong thế giới này. Khi thánh Phaolô thúc giục các Kitô hữu Rôma sống phù hợp với những gì họ là, ngài khuyến khích họ hiến dâng chính mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12, 1).
Linh mục như là nhân vị linh thánh
Tất cả những gì nói trước đây không chỉ trình bày một toàn bộ những suy tư mào đầu liên quan đến đặc tính linh thánh của linh mục như là nền tảng của lối sống và giáo huấn luân lý của ngài. Đúng hơn điều đó được lồng vào trong chính sự xem xét mà cần phải làm cho chúng ta lưu tâm. Điều đó không chỉ cho thấy rằng ý tưởng về một nhân vị linh thánh, được thánh hiến, không xa lạ với nhiệm cục Kitô giáo, nhưng nó còn thiết yếu đối với nhiệm cục này. Nó cho thấy nữa rằng ý niệm « linh thánh » vượt ra khỏi phạm vi của Giáo Hội và, dĩ nhiên, đi trước Giáo Hội. Bởi thế, sẽ không có ai ngạc nhiên khi đọc thấy trong Hiến chế tín lý của Vatican II về Giáo Hội rằng chức tư tế chung của mọi tín hữu và chức tư tế chức thánh phẩm trật khác nhau không chỉ về cấp độ, nhưng còn bởi yếu tính nữa (essentia et non gradu tantum) (13).
Trong số các thành phần của dân thánh của Thiên Chúa, được thánh hiến và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, có những người đã lãnh nhận một sự thánh hiến khác, sự thánh hiến này, cách khách quan, trao phó cho họ một sự đồng hình động dạng sâu xa hơn với chính Chúa Kitô. Chẳng có chút xứng đáng nào về phía họ, những người này đã được chọn và được dành riêng để phụng sự Thiên Chúa. Tương quan với bậc giáo dân, họ đã trở nên « thánh thiện hơn ngươi ». Rõ ràng điều đó không được hiểu theo nghĩa chủ quan và luân lý. Chúng ta biết rõ lắm rồi, và quá đau buồn – và không ai đau buồn hơn là chính linh mục – đến nỗi các linh mục không nhất thiết « đạo đức hơn ngươi » chút nào. Dù sao họ đã được dành riêng ra, được thánh hiến, truyền chức để phục vụ Thiên Chúa và các Kitô hữu, bằng hữu của họ. Để thực hiện những gì họ được kêu gọi để làm, họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa những năng quyền đặc biệt. Như công đồng nói : « Chức linh mục thừa tác được trao ban cho một năng quyền linh thánh (sacra potestas) để đào tạo và hướng dẫn dân tư tế, để thực thi nhân danh Chúa Kitô hy tế thánh thể và dâng nó cho Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng (14) ».
Chứng tá của Thánh Kinh, của truyền thống và của công đồng đại kết vừa qua của Giáo Hội nói rõ rằng các thừa tác vụ thánh được dành riêng ra và được thánh hiến đến độ bản tính của họ được biến đổi. Thánh Phaolô tự giới thiệu như là « tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi làm tông đồ và được dành riêng ra » (Rm 1, 1). Thánh Tôma nói trong bộ Tổng Luận Thần Học : Sacerdotes consecrantur, « các linh mục được xức dầu thánh hiến » (15). Presbyteri…consecrantur…ut veri sacerdotes Novi Testamenti, « các linh mục…được xức dầu thánh hiến…những linh mục đích thực của Tân Ước » (16). Ở đây xuất hiện một mối liên hệ không chỉ với Chúa Kitô nhưng còn với cả những hy tế của Cựu Ước tiên trưng cho hy tế của Chúa Kitô. Thánh Jérôme viết thư cho Évangelus : « Những gì mà Aaron và con cái của ông đã là trong Cựu Ước, thì các Giám mục và linh mục cũng thế trong Giáo Hội (17) ».
Những gì mà linh mục thực hiện trong Tân ước dĩ nhiên vượt xa những gì các tư tế làm trong Cựu Ước. Trước tôn nhan Chúa Cha, ngài tán tụng hy tế hoàn hảo của chính Chúa Kitô và mang lại cho dân Chúa những ân huệ của hy tế này. Ở giữa các tín hữu, ngài được coi như là nhân danh Chúa Kitô, trong tư cách người đại diện chính Con Người của Chúa Kitô. Vì một năng quyền như thế vượt xa các tiềm năng của con người, nên linh mục phải lãnh nhận năng quyền này từ trên, như khi các tông đồ được thánh hiến và được ủy thác dâng Thánh Thể cho đến ngày Ngài trở lại. Sự xức dầu thánh hiến được trao ban cho linh mục do việc truyền chức này là trường tồn như việc xức dầu thánh hiến của bí tích Rửa tội; chúng ta chỉ rõ việc xức dầu thánh hiến này bằng thuật ngữ chuyên môn « dấu ấn không thể phai nhòa ».
Cũng như các nhân đức đối thần tin, cậy, mến giúp cho có khả năng hành động siêu nhiên mà chúng ta sẽ không thể nếu không có những ân huệ nhưng không này của Thiên Chúa, thì cũng thế ân sủng của (bí tích) truyền chức thánh làm cho linh mục có tư cách hoàn tất những hành vi mà một người thường hay một người đã được rửa tội sẽ không thể thực hiện. Nhờ vào hồng ân lãnh nhận, linh mục có khả năng biến đổi bánh và rượu thành lương thực bất tử và tha thứ tội lỗi cho hối nhân. Như thánh Tôma nói, « những công trình của Thiên Chúa đều hoàn hảo, bởi thế bất kỳ ai lãnh nhận một năng quyền từ trên cũng sẽ lãnh nhận tất cả những gì làm cho người ấy có khả năng thực thi năng quyền này » (18). Vả lại, thánh Tôma nói : ân sủng của (bí tích) truyền chức thánh trao ban một sức mạnh dụng cụ, virtus instrumentalis, chứ không phải là tự bản thân (personnelle), vốn làm cho linh mục có tư cách phục vụ cho việc thực hiện các kế hoạch cao cả mà ngài được kêu gọi (19). Chính đó là năng lực mà thánh Phaolô đã nói trong lời khuyến khích cho Timôtê, người con thiêng liêng của ngài : « Con hãy làm sống lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đặt để nơi con qua việc đặt tay » (2Tm 1, 6).
Dấu ấn không thể phai nhòa này và năng quyền bí tích hữu hiệu ex opere operato không tạo nên một đặc ân và không bao gồm điều gì ma thuật cả ; nó hệ tại những ân huệ cao quý khôn sánh đối với các tín hữu ; những người này có thể có bảo đảm của ân sủng của Thiên Chúa bất chấp sự bất xứng hay sự thiếu chú tâm của thừa tác viên chức thánh. Trong một bài luận có tựa đề « Thế nào là một linh mục ? », Joseph Pieper chỉ ra rằng tình trạng của người được xức dầu thánh hiến là một « ưu phẩm hiện thực (attribut actuel), khách quan ; cho dù nó bó buộc người hưởng nó sống một cuộc sống xứng đáng của một « tôi tớ của sự linh thánh », thế nhưng ưu phẩm này vẫn giữ sức mạnh của nó độc lập với phẩm giá bản thân của chủ thể. Tóm lại, sự tôn trọng mà các tín hữu dành cho linh mục « chức thánh » (« thánh hiến ») không nói đến con người vì hạnh kiểm luân lý không thể chê trách hay vì những tư chất trí tuệ và tinh thần, nhưng đúng hơn đến sự định phẩm (qualification) mà bí tích truyền chức thánh đã trao cho ngài » (20).
Bằng vào ân sủng của Thiên Chúa và của dấu ấn bất khả phai nhòa được in dấu nơi mình, từ nay, linh mục hành động, nói như thánh Phaolô, nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) (2Cor 2, 10). Đời sống và thừa tác vụ của Chúa Kitô đã trở nên cuộc sống và thừa tác vụ của ngài. Khi ngài giao phó đời sống của ngài cho Chúa Kitô, thì lời hứa của Chúa được thực hiện nơi ngài : « Không còn là các con nói nữa, nhưng Thánh Thần của Cha các con sẽ nói qua các con » (Mt 16, 20). Linh mục không đứng giữa Thiên Chúa và con người, nhưng đúng hơn sự trung gian của ngài đặt các tín hữu trong mối liên lạc tức thời với Chúa Kitô. Các năng quyền bí tích mà ngài có không phải là những năng quyền của ngài nhưng là những năng quyền của Chúa Kitô. Vì thế thánh Tôma coi chúng thuộc dụng cụ hơn là tự bản thân. Khi linh mục cử hành các bí tích, thì Chúa Kitô hoạt động trong ngài và nhờ ngài. Theo nghĩa này, Công đồng tuyên bố trong Hiến Chế về Phụng Vụ thánh rằng Chúa Kitô « hiện diện trong hy tế thánh lễ…trong con người của linh mục » (21). Linh mục không phải là linh mục cho chính mình nhưng cho các tín hữu, và với danh nghĩa này, ngài cho thấy bản chất cao cả, thể hiện qua sự tự hiến, của chính Chúa Ba Ngôi. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói : « Thiên chức linh mục không phải là của chúng ta ; chúng ta không lãnh nhận nó để biến nó thành những gì làm vừa lòng chúng ta…bổn phận của chúng ta là trung thành với Đấng đã kêu gọi chúng ta. Thiên chức linh mục là một ân huệ đã được ban cho chúng ta. Nhưng trong chúng ta và qua chúng ta đó là một ân huệ được thực hiện cho Giáo Hội » (22).
Đặc tính linh thánh như là nền tảng của đời sống luân lý của linh mục
Sự thánh thiện của thiên chức linh mục là một ân huệ của Thiên Chúa, nhưng không, bất xứng, thực sự bất khả sánh. Nó biểu thị phẩm tính thụ động của một thực tại mà con người lãnh nhận từ Thiên Chúa bất chấp sự bất xứng của mình. Con người cảm thấy thực sự được biến đổi từ đó. Nó nhận được một dấu ấn không thể phai nhòa và ân sủng sống đời sống được ban cho mình. Linh mục khuôn theo, được đồng hình đồng dạng (configuratur) với Chúa Kitô linh mục (23). Không còn là ngài sống nữa, nhưng Chúa Kitô sống trong ngài.
Như thế ngài cần phải trở nên trọn vẹn những gì ngài là. Nguyên tắc agere sequitur esse (hành động đi theo hữu thể) cần thiết đối với ngài. Yếu tố chủ động công chính, ngài phải thực hiện nó bằng việc cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa, bằng cách sống những gì ngài đã trở nên. Như mỗi người đều biết, sự đòi hỏi này được biểu lộ công khai và về mặt nghi lễ trong việc cử hành Thánh thể, (sự cử hành này) có tính trổi vượt nhất trong số các chức năng mà linh mục được truyền chức nhắm đến (24). Nơi cộng đoàn Kitô hữu, linh mục là người duy nhất có thể làm tròn chức năng này nhờ vào ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa (25). Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận xét về điều đó : « Cách đặc biệt và bí tích, vị chủ tế giống với vị Thượng Tế đời đời, là tác giả và là tác nhân (actor) chính yếu của hy tế của ngài, mà thực sự không ai có thể lấy chỗ của ngài (26). Mà hy tế của Chúa Kitô đã là sự phó thác hoàn toàn cuộc sống của Ngài cho Cha Ngài, trong Thánh Thần, vì bạn hữu của Ngài, cũng như là sự trao ban hoàn toàn cuộc sống của Ngài cho bạn hữu của Ngài vì Cha Ngài. Công đồng nói với chúng ta rằng nguồn mạch của mọi đức ái mục vụ là hy tế thánh thể bởi vì ở đó, linh mục được nên đồng hình đồng dạng với Chúa của mình cách tuyệt vời nhất. Theo những thuật ngữ của Công đồng, hiến tế này là « trung tâm và là cội nguồn của tất cả cuộc sống của linh mục, đến độ tâm trí của linh mục nỗ lực nội tâm hóa những gì được thực hiện trên bàn thờ hy tế » (27).
Qua việc truyền chức thánh của mình, linh mục đã bước vào trong mầu nhiệm vượt qua cách trọn vẹn hơn. Vì như Chúa Giêsu hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và cho chúng ta, linh mục hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô và hoàn toàn cho chúng ta. Ngài sống hoàn toàn trong sự trao hiến cho Thiên Chúa và cho chúng ta, những tín hữu. Toàn thể cuộc sống của ngài là một lễ vật. Như Chúa Kitô, ngài không thể tách rời con người của ngài khỏi hoạt động của mình. Lấy ví dụ : khi một người đàn ông lấy vợ, ông trở thành chồng cách không thể thay đổi, mãi mãi. Như thế, khi một người nam được xức dầu thánh hiến, người ấy trở nên linh mục cách không thể thay đổi được và mãi mãi. Có thể một người chồng ly thân với vợ mình, nhưng ông sẽ không bao giờ ngưng là chồng của bà. Có thể một linh mục từ bỏ chức vụ giáo sĩ, nhưng ngài sẽ không bao giờ ngưng là linh mục. Gia đình Kitô hữu chứng thực trước thế giới và thực sự sống mối giây liên kết tình yêu vốn nối kết cách tuyệt đối bất khả phân ly Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài ; cũng thế, theo cách thâm sâu nhất có thể nhận thấy, linh mục chứng thực tình yêu của Chúa Kitô hy sinh vì thế gian, điều đó bởi vì một sự biến đổi thực sự hữu thể của ngài. Xin Thiên Chúa thương xót người đã làm biến dạng khuôn mặt của Chúa Kitô trước mắt thế gian khi phản bội căn tính của mình, hoặc là hôn phu kitô hữu hoặc là linh mục !
Linh mục được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và được tràn đầy ân sủng tràn trề của Ngài. Ân sủng này làm cho ngài hơn những gì ngài có thể hy vọng trở thành trong thân phận làm người của ngài. Ngài đã hoàn toàn tự hiến. Ngài đã từ bỏ gia đình, nhà cửa, của cải, quyền lực trần thế hoàn toàn không bởi chối từ nhưng bởi vì ngài cảm thấy được đổ tràn đầy. Không còn chỗ nữa cho những thứ đó. Làm như thế, ngài bắt chước Chúa Kitô. Joseph Ratzinger nhận xét điều này trong một bối cảnh khác : « Sự phong phú tràn trề là nguyên lý đích thực và là hình thức của lịch sử cứu độ ; lịch sử này cuối cùng không gì hơn là sự kiện, thực sự gây kinh ngạc, của một vị Thiên Chúa, mà trong sự phung phí khó hiểu của Người, không chỉ tiêu phí cho một vũ trụ nhưng còn tự tiêu hao chính Mình để đưa đến ơn cứu độ hạt bụi là chính con người. Sự phong phú tràn trề vì thế là định nghĩa đích thực của lịch sử cứu độ » (28).
Đời sống của linh mục là một cuộc sống dư tràn sự quảng đại. Chính sự quảng đại, chứ không phải là sự hẹp hòi, là động lực của đời sống độc thân. Ở đây nữa, chúng ta có thể tìm thấy một sự loại suy trong hôn nhân. Bằng việc gắn bó với hôn thê của mình, vị hôn phu không định loại trừ những phụ nữ khác khỏi sự hứng thú của mình. Sự kiện là, về điểm này, người chồng được đổ đầy bởi người vợ yêu mến ông đến nỗi không còn chỗ nữa cho những người nữ khác. Tương tự như thế, linh mục không phải đã không muốn có hôn thê và gia đình. Nhưng toàn thể hữu thể của ngài đã được đổ đầy bởi Chúa Kitô, đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, đến nỗi không còn chỗ cho những sự khác. Và khi phó mình cho Chúa Kitô, ngài khám phá ra rằng, cũng như Chúa của mình, ngài đã hiến mình cho tất cả những ai ngài gặp.
Thiên chức linh mục có thể cuốn hút một linh mục đến nỗi toàn thể cuộc sống của ngài là một của lễ phục vụ tha nhân như đã từng là cuộc sống của Chúa của ngài. Vì thế, ngài phải cho đi tất cả. Tại Đức, theo như lời người ta kể, có một cây đàn piano có kiểu mẫu rất đặc biệt. Nó thấp hơn cây đàn piano thông thường rất nhiều ; gần những phím đàn, có cái khung gỗ mang những dấu răng khá sâu. Chính Beethoven đã nhờ chế tạo dụng cụ này cho chính ông. Thiên tài âm nhạc này đã dành trọn vẹn cuộc sống của mình cho nghệ thuật. Thế rồi, vì số phận tàn nhẫn nhất, ông đã mất đi thính giác và có nguy cơ bị tước đi mọi tiếp xúc với âm nhạc, đam mê của cuộc sống của ông. Vì thế, ông đã dùng một cây đàn piano được chế tạo theo cách mà ông có thể chơi trong khi ngồi. Như thế, khi chơi đàn, ông đã ấn hàm răng vào trong gỗ, trong một nỗ lực vô vọng để giữ sự tiếp xúc với thế giới các âm thanh, vốn đã là tất cả cuộc sống của ông. Có lẽ đó là một cái để so sánh đối với linh mục, mà không phải là ít đam mê hơn để sống chức linh mục của Chúa Kitô. Như hy tế Thánh thể, cuộc sống của ngài sẽ hoàn toàn được hiến dâng nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô (per Christum et in Christo). Thánh Irênê đã nói về sự hiến thân hoàn toàn này cấu thành dấu ấn của nhiệm cục mới mà ngài so sánh với nhiệm cục cũ : « Vai trò của các lễ vật hy tế không bị xóa bỏ. Những lễ vật như thế đã có rồi và ngày nay còn có nữa. Đã có những hy tế nơi dân (Do thái), đang có những hy tế trong Giáo Hội. (Những người Do thái) chỉ dành một phần mười của cải của họ, nhưng chúng ta, chúng ta để cho Thiên Chúa sử dụng tất cả những gì của chúng ta…như bà góa nghèo này, Giáo Hội đặt để toàn bộ đời sống của mình nơi kho tàng Thiên Chúa » (29). Chức linh mục của Chúa Kitô là một sự phục vụ hy sinh hoàn toàn.
Lời sau cùng về đặc tính linh thánh của linh mục như là nền tảng của giáo huấn luân lý mà ngài tiêu hao bằng chứng tá đời sống của ngài. Thời nay, người ta thường nghe những phản đối chống lại sự kiện rằng thế giới nói chung và các tín hữu nói riêng chờ đợi nơi linh mục một cấp độ luân lý tính cao hơn nơi những người khác và điều đó đè nặng lên ngài những đòi hỏi vô lý. Chung quy, người ta nói với chúng ta, đó là một con người như những người khác, chủ thể với những yếu đuối và những cám dỗ như nhau. Dĩ nhiên, những điều đó đều đúng cả. Và mọi Kitô hữu, linh mục và giáo dân, đều được mời gọi đến cùng một mức độ thánh thiện bản thân. Tuy nhiên, cũng đúng rằng những người đã đảm nhận một thừa tác vụ công cộng như thiên chức linh mục, đã được đồng hình đồng dạng, cách công khai và bí tích, với cuộc sống linh mục của Chúa Kitô, thì nơi những người đó người ta mong rằng họ biểu lộ đời sống này cách mạnh mẽ hơn trước mặt mọi người.
Giới giáo dân được hình thành bởi những Kitô hữu sống âm thầm trong thế gian và biến đổi nó từ bên trong. Các linh mục là những người ở giữa chúng ta, biểu lộ Chúa Kitô theo cách thức lôi kéo sự chú ý. Đó là một trong những lý do mà, theo gương Chúa Kitô, các linh mục không lập gia đình, không có gia đình và nhà cửa của họ, không làm theo ý muốn của mình, nhưng đúng hơn ý muốn của thẩm quyền mà trao cho họ sứ mạng này rồi sứ mạng kia. Họ mang một dấu bề ngoài tình trạng của họ, để được bạn bè hay các đối thủ, các ân nhân hay là những thụ ân nhìn nhận họ như là những linh mục của Thiên Chúa. Điều đó thuộc về cái giá mà họ trả để biến cuộc sống của họ thành của lễ vì ơn cứu độ của thế giới. Bởi thế, nếu họ không làm tròn việc dấn thân thánh thiêng của họ, nếu họ phản bội đặc tính linh thánh, nghĩa là việc hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa, thì cái giá được đòi hỏi như thế thường rất đau lòng không chỉ đối với đương sự nhưng còn đối với các tín hữu nữa.
Như sự khiếm khuyết của một linh mục làm yếu đi Thân Thể toàn thể của Chúa Kitô, thì nhân đức của ngài củng cố nó. Nhưng thật quan trọng để hiểu làm thế nào ân sủng của Thiên Chúa tác động đến độ không bao giờ linh mục mê ngủ trong một sự an toàn sai lầm bằng cách nghĩ rằng dấu ấn của Bí tích Truyền Chức Thánh trao phó, cách hầu như ma thuật, một khả năng trổi vượt để sống đời sống luân lý. Con đường duy nhất mà linh mục trở nên đạo đức hệ tại làm điều thiện mà mỗi người phải thực hiện và phải tránh điều dữ. Chẳng có gì khác hiệu quả. Có thể xảy ra rằng một Kitô hữu nhân tăng sự hiệp thông đến giới hạn có thể, rằng một linh mục cử hành Thánh Thể mọi ngày trong sự nghiệp linh mục của mình. Ngài chỉ trở nên đức hạnh nếu ngài chọn và thực thi những gì là tốt lành về mặt luân lý. Bí tích Truyền Chức Thánh làm cho linh mục có khả năng sống và làm những gì mà về mặt tự nhiên ngài sẽ không thể, tức là hành động cách bí tích nhân danh Chúa Kitô, hoàn tất những hành vi cứu rỗi của Thiên Chúa trong thế gian. Qua bí tích Truyền Chức Thánh, Thiên Chúa cũng bảo đảm những ân sủng cần thiết cho linh mục để sống phù hợp với địa vị của mình. Nhưng linh mục phải cộng tác với ân sủng được trao ban. Cách duy nhất để trở nên đạo đức (moral), đó là hành động cách luân lý (moralement).
Trên bình diện tự nhiên, chẳng hạn, nếu một người mải mê sự dâm ô, thì đó không phải là sự phú ban ân sủng siêu nhiên sẽ làm cho người ấy dễ dàng hơn thực hành đức trong sạch. Ân sủng làm cho có khả năng thực hiện những hành vi siêu nhiên ; do đó nếu tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa gia tăng, thì nó làm cho chúng ta sẵn sàng tốt hơn để thực thi những gì cần phải làm vui lòng Người ; nhưng điều đó không làm cho dễ dàng hơn việc thực thi các hành vi đúng đắn về mặt luân lý nơi một chủ thể đã quen với thói xấu (30). Những hành vi của đức trong sạch sẽ chỉ trở nên dễ dàng hơn nhờ hiệu quả của việc lập đi lập lại chúng. Nơi linh mục, các nhân đức luân lý tự nhiên phải được xây dựng, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, bởi việc thực hành những hành vi nhân đức. Vì thế, đối với linh mục, thật quan trọng việc chăm chú đến lời của thánh Phaolô : « Sau hết, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành » (Phil 4, 8-9).
Thế nhưng, bất chấp lời kêu gọi nên thánh, bất chấp đặc tính linh thánh của mình, linh mục sẽ không tránh được mọi khiếm khuyết. Chỉ có một người hoàn hảo, đó là Chúa Giêsu Kitô. « Mọi người đã phạm tội và bị tước đi vinh quang của Thiên Chúa (Rm 3, 23). « Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối chính mình và chân lý không ở nơi chúng ta » (1 Ga 1, 8). Thánh Kinh đầy những ví dụ về những con người mà Thiên Chúa đã kêu gọi và đã lỗi lầm. Sự mỏng giòn làm người nơi các linh mục không nên làm ngạc nhiên ai. Nước Trời thuộc về những người như thế. Chúa Kitô đã đến vì những con người như thế. Như cha Henri de Lubac nhận xét trong cuốn Suy niệm về Giáo Hội : Giáo Hội là thánh thiện không phải vì nó bao gồm những con người không khiếm khuyết, nhưng vì Chúa trao ban cho Giáo Hội sự thánh thiện như là ân huệ hoàn toàn bất xứng (đối với con người) (31). Chắc chắn, trong sự yếu đuối của mình, linh mục lãnh nhận một sức mạnh hơn nữa của thừa tác vụ mà ngài thực thi đối với dân Thiên Chúa. Những gì mà người ta thường xem như là một sự tai tiếng – những tội lỗi của Giáo Hội và của các thừa tác viên của Giáo Hội – có thể là một nguồn an ủi. Đức Hồng Y J. Ratzinger có thể viết : « Tôi thừa nhận rằng, đối với tôi, sự thánh thiện tội lỗi này có điều gì đó an ủi vô cùng, vì chẳng phải là không cần phải tuyệt vọng trước một sự thánh thiện không vết nhơ và chỉ có thể tác động trên chúng ta bằng cách phán xét và thiêu đốt ? » (32).
Bí tích hòa giải được lập nên cho cả linh mục lẫn giáo dân. Khi linh mục quỳ gối với tư cách mà hối nhân, thì thừa tác vụ của ngài được thực thi và được thể hiện cách chắc chắn và hy tế như khi ngài đứng ở bàn thờ của Thiên Chúa. Trong tập những suy niệm của Josemaria Escriva de Balaguer, linh mục người Tây ban nha, sáng lập viên của tổ chức Opus Dei, người ta tìm thấy những yếu tố sám hối, hy sinh, bí tích và thánh thể vốn làm nên đời sống linh mục được lồng vào trong khung cảnh này : « Trong bí tích Giải tội, chính Chúa Giêsu tha thứ cho chúng ta. Ở đó, những công trạng của Chúa Giêsu được áp dụng cho chúng ta. Chính vì tình yêu đối với chúng ta mà Ngài ở trên thập giá, giang tay ra, chịu đóng vào gỗ giá bởi vì tình yêu mà Ngài mang lấy chúng ta hơn là bởi vì những cái đinh » (33). Linh mục, cũng như mọi Kitô hữu khác, cần ơn tha thứ của Chúa Kitô và phải cần đến thừa tác vụ bí tích hòa giải được thực thi bởi các đồng nghiệp của ngài, cách đều đặn và khá thường xuyên. Hơn ai khác, ngài phải tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, như sư tử gầm thét, tìm thấy chút mồi hấp dẫn như là một linh mục của Thiên Chúa (x. 1 P 5, 8).
Đặc tính linh thánh như là nền tảng của giáo huấn luân lý
Chúng ta đã ghi nhận, con người của linh mục không thể được tách rời khỏi hoạt động giáo huấn và rao giảng của ngài. Dĩ nhiên, linh mục giảng dạy cách trổi vượt nhờ vào mẫu gương của đời sống của ngài. Điều đó vừa được bàn đến. Thế nhưng, ngài cũng có trách nhiệm giảng dạy cách rõ ràng.
Cần nhớ rằng đối tượng của giáo huấn của ngài không thuộc về ngài. Ngài chỉ bàn về những gì ngài đã lãnh nhận. Trên thực tế, do bởi chính bản chất của ơn gọi của mình, linh mục buộc phải giảng dạy Chúa Giêsu Kitô và Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Thế mà toàn bộ đức tin, những xác định của các công đồng, khoa học thánh của các Tiến sĩ của Giáo Hội, những tuyên bố của Huấn Quyền suốt dòng thời gian, tất cả đều tập trung vào Con Người lịch sử độc nhất, Chúa Giêsu Nazareth, mà linh mục được trở nên giống hình ảnh Ngài. Nếu ngài được hiến dâng để sống Chúa Giêsu Kitô, thì ngài có thể làm điều gì khác hơn là giảng dạy Chúa Giêsu Kitô – và đúng Chúa Giêsu Kitô mà Thân Thể của Ngài là Giáo Hội Công Giáo, được tràn đày Thánh Thần, Đấng dẫn Giáo Hội đến chân lý toàn diện, nhận biết và thấu hiểu ?
Trách nhiệm giảng dạy, hoàn toàn như trách nhiệm cử hành ban phát các bí tích, không có cứu cánh nào hơn là xây dựng Thân Thể của Chúa Kitô để phục vụ Thiên Chúa và thế giới. Linh mục là người phục vụ Lời Thiên Chúa, (Lời này) phải được công bố trong sự trung tín hoàn toàn đối với những người có bổn phận giải thích nó cách đích thực (34). Công đồng khẳng định : « Nhiệm vụ của linh mục không phải loan báo sự khôn ngoan của mình nhưng là Lời của Thiên Chúa » (35). Trách vụ này không kém hơn trách vụ dâng hy tế Thánh thể của linh mục. Cả hai trách vụ này gắn kết sâu sắc với nhau. Liên quan đến sự kết hiệp này, Origène viết : « Anh em biết, anh em quen tham dự vào các mầu nhiệm thần linh, bằng sự cẩn trọng sốt sắng nào, khi anh em lãnh nhận Thân Thể của Chúa, anh em chăm chú không để cho một mẩu Mình Thánh nhỏ nhất rơi xuống đất…anh em sẽ cảm thấy mình có tội cách chính đáng, nếu điều đó xảy đến do lỗi cẩu thả của anh em. Như thế…làm sao đó sẽ là một lỗi ít nghiêm trọng hơn được khi anh em chểnh mảng đối với Lời của Thiên Chúa như là chểnh mảng đối với Thân Thể của Thân Thể Ngài ? » (36).
Ở đây, việc đề cập này phải được xem xét từ sự khủng hoảng về một đặc tính đặc thù mà ngày nay tác động đến thừa tác vụ linh mục trong lãnh vực rao giảng : đó là vấn đề tính nhút nhát vô cớ ngăn cản một số khá linh mục giảng dạy giáo lý nghiêm khắc của Chúa Kitô, mà họ là những người đại diện. Đó chắc chắn là một khuynh hướng cảm thông chiều ý làm cho họ quay lưng không còn trình bày rõ ràng những đòi hỏi nghiêm khắc của Tin Mừng. Nhưng đó là một sự trắc ẩn bị hiểu sai lệch, vì rốt cuộc, nó chẳng phục vụ cho dân Chúa cũng chẳng cho thế giới nói chung. Đức Phaolô VI đã nói điều đó, và Đức Gioan Phaolô II đã lặp lại : « Đừng giảm thiểu giáo huấn cứu độ của Chúa Kitô tí nào, điều đó tạo nên hình thức đức ái trổi vượt đối với các linh hồn » (37).
Ly dị và tái hôn liên tiếp, đó không phải là một chọn lựa đối với các Kitô hữu. Hôn nhân không phải là một chọn lựa đối với một linh mục. Việc ngừa thai về mặt khách quan và tự nội là phi luân lý và việc phá thai là điều sỉ nhục, nó nhạo báng các giá trị nhân bản đến độ nó thậm chí không cần được bàn đến giữa chúng ta, thậm chí còn ít được xem xét và ủy thác. Những hành vi đồng tính luyến ái là một sự phóng túng, một sự xúc phạm Thiên Chúa, một sự thiệt hại mà chủ thể phải chịu. Trong những năm vừa qua, bàn về những điều xấu đa dạng này, phải chăng giáo huấn đã trở nên lập lờ bởi vì các linh mục sợ vấp phải sự nhạy cảm của công chúng ? Hay là những linh mục này chính họ sợ không hợp lòng dân hoặc có thể là sự tẩy chay mà một giáo huấn như thể có nguy cơ khơi lên ? Hay là phải chăng họ không còn tin nữa rằng Thiên Chúa đã nói với chúng ta cách rõ ràng trong Thánh Kinh và qua Huấn Quyền của Giáo Hội ? Cho dù là lý do nào đi nữa, đó hẳn là điềm dữ đối với thiên chức linh mục của họ và đối với dân chúng mà họ được kêu gọi phục vụ.
Trong cuốn Somme contre les gentilles, Thánh Tôma tuyên bố rằng chúng ta chỉ xúc phạm Thiên Chúa khi hành động ngược lại với sự thiện hảo của chúng ta. Nếu Giáo Hội giúp chúng ta đề phòng chống lại những lối hành xử như vừa được nêu lên, đó là bởi vì mỗi lối hành xử đó trái với sự thiện hảo của chúng ta. Tất cả những hành động này biểu lộ một sự chọn lựa hỗn loạn của cái gọi là sự thiện hảo, đến độ chúng ta tự tước đi khỏi bản thân khả năng đạt đến sự tự thể hiện và hạnh phúc thực sự dành để cho chúng ta. Qua những chọn lựa xấu, chúng ta biến mình thành những người xấu, nghĩa là những người bất hạnh, khốn khổ, tha hóa, cô lập, vâng, những kẻ bị đọa đày. Chúa đã khóc cho Giêrusalem : « Nếu ngươi biết những gì mang lại cho ngươi sự bình an ! » (Lc 19, 42). Nhưng hiện tại chúng ta biết. Đó là một cuộc sống phù hợp với tinh thần của Chúa Kitô, như được Giáo Hội trình bày cho chúng ta, mà duy nhất Giáo Hội mới đảm bảo cho chúng ta sự bình an đích thực.
Chúng ta cũng có thể nắm bắt được rằng trách vụ của linh mục không bị giới hạn vào việc phục vụ các tín hữu (domestici fidei), vào việc xây dựng Thân Thể Chúa Kitô ; linh mục cũng phải phục vụ xã hội bằng cách ra sức làm cho nó hoán cải nhờ lời giảng dạy và những hướng dẫn luân lý.
Ngày nay, nhiệm vụ này là rất lớn và đầy những hiểm nguy. Những cuộc khủng hoảng tâm linh, luân lý và văn hóa mà những xã hội Kitô giáoTây Phương xưa đang trải qua đè nặng lên đôi vai của vị Giáo hoàng hiện tại. Nhưng thực ra, những cuộc khủng hoảng hiện tại liên quan đến các thánh, nghĩa là những người được kêu gọi nên thánh. Sự hỗn loạn luân lý là kết quả của sự hỗn loạn thiêng liêng, mà chúng ảnh hưởng lẫn nhau, như thánh Phaolô nói ở chương đầu tiên của thư gởi tín hữu Rôma.
Rèn nắn một xã hội Kitô giáo mới, điều đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó bao gồm những hy sinh, sự mất uy tín đối với công chúng, có thể là sự tử vì đạo dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng cũng từ vấn đề như thế mà chức linh mục của Chúa Kitô được hình thành. Đối với nhiệm vụ thuộc phận sự của mình, linh mục phải sống trọn vẹn thiên chức linh mục của ngài, mà không làm suy giảm gì. Một nền văn hóa mới không thể được xây dựng mà không có những nỗ lực lớn lao nhất, theo vần thơ nổi tiếng của Virgile, Tantae molis erat Romanam condere gentem ! « Lao công vất vả cần thiết thay để thành lập dân Rôma ! » Câu nói này được áp dụng tốt hơn cho linh mục của Chúa Giêsu Kitô đang làm việc cùng với toàn thể Thân Thể Mầu Nhiệm để thăng tiến một nền văn minh Kitô giáo mới ở ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba của nhiệm cục mới.
Linh mục chỉ có thể thực hiện được điều đó bằng cách sống như ngài là – một linh mục -, không lập lờ, không hổ thẹn giả dối, với sự tận tụy hoàn toàn. Với tư cách là nhân vị linh thánh, linh mục nhận thấy đối lập sâu sắc với những thỏa ước được thừa nhận, thường làm tê liệt theo quan điểm luân lý, đang ngự trị nơi môi trường ngài sống. Lối sống của ngài tự nó gây khó chịu và làm bối rối những người lân cận. Những người không tin – và dĩ nhiên cũng như người tin – cho là thực sự không thể tưởng tượng được rằng linh mục từ bỏ mãi mãi quyền kết hôn và lập gia đình. Càng khó tin hơn nữa ở xã hội Hoa kỳ ngày nay, việc từ bỏ mọi thực hành tính dục. Linh mục không tích lũy của cải vật chất. Ngài không tìm kiếm quyền lực chính trị. Ngài ăn mặc cách lạ thường và đặc biệt. Cuộc sống của ngài đặt ngài ở ngoài lề những thỏa ước được thừa nhận và nét đặc thù của ngài thoát khỏi chúng. Khá lý thú ! Bất chấp sự lạ thường này – hay có lẽ vì nó -, chính khoa nhân chủng học xã hội nhìn nhận chức năng hội nhập xã hội được thực hiện bởi các cá nhân linh thánh như thế, là ở mức ngang ngưỡng (liminal), và người ta hầu như có thể nói là « linh vực » (« numineux »).
Linh mục là sự tăng cường sự linh thánh giữa lòng của Giáo Hội, như Giáo Hội, Thân Thể của Chúa Kitô, làm cho sự linh thánh hiện diện giữa lòng phàm tục để thánh hóa nó. Đức Piô XII mô tả sự năng động này trong thông điệp Mystici Corporis : « Cũng như phép rửa in vào các Kitô hữu một dấu ấn phân biệt họ với những người khác, không được dìm vào bồn nước thanh tẩy và không phải là những chi thể của Chúa Kitô, cũng thế bí tích Truyền Chức Thánh phân biệt linh mục với tất cả Kitô hữu mà không được phú cho ân sủng này ».
Qua tính linh thánh, mà tuyệt đối không được tách rời khỏi nhân tính của mình này, linh mục phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa, là nguồn mạch của mọi luân lý tính. Làm thế, ngài không ngừng mời gọi thế giới – cho dù nó có chia sẻ đức tin Kitô giáo hay không – nhìn nhận rằng có một trật tự luân lý khách quan và một ngày nào đó, những hành xử luân lý mà chúng ta chọn lựa sẽ chịu phán xét.
Hiện nay, một số người muốn loại bỏ sự phân biệt giữa linh thánh và phàm tục. Các cung thánh đã phải bị thay thế bằng những phòng hội nghị thánh thể, các linh mục dâng hy lễ được thay thế bằng những công chức hay chủ tọa có tư cách thích hợp. Chính toàn bộ cuộc sống cần phải được coi là linh thánh. Tất cả mọi người cũng sẽ là thánh thiêng. Không có ngày nào linh thánh hơn ngày nào. Tuy nhiên, không có mùa thường niên, thì không còn nữa mùa ngoại thường Giáng sinh hay Phục sinh. Không có ăn chay (fast), thì cũng chẳng còn lễ lạc (feast). Đáng lẽ, do bởi những nỗ lực được tỏ rõ như thế để xóa bỏ sự phân biệt giữa linh thánh và phàm tục, mọi sự sẽ trở nên linh thánh, nhưng trên thực tế, tất cả đều bị giải thiêng trong một chủ nghĩa tục hóa lan tràn và chết chóc. Tuyên bố rằng không có ai, nơi nào, đồ vật gì khác biệt với những người, nơi chốn và đồ vật khác liên quan đến mối tương quan của chúng đối với Thiên Chúa, điều đó dẫn đến việc làm biến mất mọi thứ thực tại linh thánh, đồ vật, nơi chốn hay con người. Cuộc sống của một con người vô tội, cho đến những giây phút cuối đời nó vẫn còn có một hào quang linh thánh làm cho nó bất khả xâm phạm, cuộc sống này mất đi đặc tính linh thánh của nó trong xã hội tục hóa.
Đặc tính linh thánh của linh mục nhắc nhớ hết thảy chúng ta về Nguồn Suối của cuộc sống của chúng ta. Một sự hiện diện và một quyền năng như thế là hoàn toàn thiết yếu đối với công trình biến đổi thế giới. Điều lạ là, chính thế giới phàm tục và thế tục không thể tìm thấy sự biện giải của nó nếu không có sự linh thánh. Không có sự linh thánh, thế giới phàm tục, thế tục này sẽ rơi vào chủ nghĩa tục hóa, « phàm tục tính » thuần túy. Không có cái siêu nhiên, tự nhiên sẽ bị hủy hoại, và cảm thấy bị « biến tính». Có một sự năng động, tuyệt đối không thể tránh khỏi, được ghi khắc trong chính trật tự của các sự vật. Đối với con người, hành động ngược lại với luân lý, không tìm kiếm sự thiện hảo của mình là ngược với bản tính của mình. Nhưng rõ ràng đó là những gì xảy đến khi người ta quên mất đi sự linh thánh. Không có cái siêu nhiên, con người sẽ thoái hóa vì sự phi luân lý làm cho nó phi nhân. Không có Thiên Chúa, con người thậm chí không thể còn là chính nó.
Vì thế, linh mục nào sống mạnh mẽ và không lập lờ thiên chức linh mục của mình sẽ giúp các giáo dân, nam và nữ, được thánh hiến nhờ phép rửa, luôn luôn sống phù hợp cách hoàn hảo hơn với ơn gọi giáo dân của họ. Sự linh thánh càng xuất hiện rõ ràng như nó là, thì cái thế tục sẽ càng rõ ràng và đúng đắn như thế. Cái thế tục có phạm vi riêng của nó, nơi giáo dân bàn giải công việc của mình mà không có sự chồng chéo của giáo sĩ, vì họ có bổn phận tìm kiếm sự thánh thiện bản thân với tư cách là giáo dân chứ không theo cách của một giáo sĩ. Tóm lại, cái phàm tục không phải là một vương quốc mà Thiên Chúa sẽ là người xa lạ. Mọi thứ đều thuộc về Thiên Chúa. Chẳng có nơi đâu người ta thoát khỏi Người. Cái phàm tục không phải là xấu xa, cũng chẳng phải bị tước đi khỏi Thiên Chúa, nhưng như từ ngữ cho thấy, nó là khoảng không gian mở rộng trước đền thờ – pro-fano – nơi những công việc bình thường của đời thường được bàn giải. Như thế, được định ranh giới rõ ràng đối với thời gian, cái phàm tục tự nó có khả năng trở nên những gì nó phải là cách tròn đầy hơn, trao cho bối cảnh của đời sống luân lý của các kitô hữu một tâm hồn linh mục mà, theo cách ấy, biến đổi thế giới từ bên trong.
Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, dù được hiểu trong giới giáo dân, có thể đề tặng một khuôn mẫu cho đời sống luân lý của linh mục. Vì đời sống của linh mục được xây dựng nền móng trên mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là trên đời sống phục vụ hy sinh mà Chúa đã sống và ghi dấu ấn của Ngài nơi linh mục qua đặc tính linh thánh. Không ai đã tuân theo mầu nhiệm vượt qua tốt hơn Đức Mẹ, người đã hoàn toàn nối kết cuộc sống của Mẹ với cuộc sống của Con của Mẹ nơi hy tế của Ngài. Mẹ đã thực thi điều đó từ giây phút đầu tiên lúc Mẹ đã tuyên bố : « Xin vâng ». Sự hy sinh của Mẹ được thực hiện trong suốt cuộc sống với Con của Mẹ. Có thể thấy điều đó khi Mẹ dâng Ngài ở đền thờ. Của lễ mà Mẹ dâng thực sự vào dịp này không hệ tại ở một đôi chim cu non, nhưng nơi sự chấp nhận những đau khổ của Mẹ, mà đồng hành với sứ vụ của Chúa Giêsu và ông Simêon đã báo trước. Cha Jean Galot đề nghị lối giải thích qua kiểu nói thích hợp này : « Có một của lễ đầu tiên của hy tế cứu độ, của lễ của người mẹ đi trước và đã ngụ ý của lễ tư tế tương lai của Chúa Giêsu. Sự thánh hiến vượt tràn mọi thói vụ hình thức lễ nghi và bao hàm sự dấn thân của đời sống bản thân. » (39).
Sự thánh hiến này, đối với Đức Maria, hệ tại việc chuyên tâm vào cuộc sống hy sinh phục vụ theo mẫu gương của Con của Mẹ. Theo từ ngữ của thánh Augustin : « Vì có một hy tế, nên có một chức tư tế » (40).
——–
(1) Walter GRUNDMANN, Das Evangelium nach Markus, Berlin, Evangelische Verlagsanstalt, 1968, 73.
(2) x. « Hagios », trong Theological Dictionary of the New Testament, éd. G. Kittel, Grand Rapids, Michigan, Wm. B. Eerdmans, 1968, I ; « Holiness », trong Sacramentum Mundi, éd. Karl Rahner, New York, Herder and Herder, 1969, III ; « Holiness of the Church », trong The New Catholic Encyclopedia, New York, Mc Graw-Hill, 1967, VII ; « Holy Consecrate, Sanctify, Saints, Devout », trong The New International Dictionary of New Testament Theology, éd. Colin Brown, Grand Rapids, Michigan, Zondervan, 1967 ; « Heilig », trong Theologisches Begriffslexikon zum Neuen Testament, éd. Lothar Coenen, Erich Beyreuther, Hans Bietenhard, Wuppertal, Theologischer Verlag Rolf Broxkhaus, 1969, II (bản gốc tiếng Đức trong The New International…được trích dẫn trên đây) ; « Sainteté », trong Dictionnaire de Théologie Catholique, éd. A. Vacant, E. Mangenot, E. Amann, Paris, Letouzey et Ané, 1939, IV ; « Heiligkeit », trong Handbuch theologischer Grundbegriffe, éd. Heinrich Fries, München, Kösel-Verlag, 1962, I ; « Heiligkeit der Kirche », « Heiligkeit (des Menschen) », « Heiligkeit Gottes », trong Lexikon für Theologie, éd. Josef Höfer, Karl Rahner, Freibourg, Herder, 1960, V.
(3) « Ý nghĩa đầu tiên » không phải theo niên đại nhưng xét như là nền tảng hơn. Rudolf OTTO, Le Sacré (Bibliothèque scientifique), dịch từ tiếng Đức bởi A. Jundt, Paris, Payot, 1949, cho ấn tượng rằng đã có lúc ý tưởng « thánh thiện » không bao gồm đặc điểm luân lý tính nào cả và sau đó, nó bị « xâm chiếm » bởi một nội dung luân lý. Tuy nhiên, Otto không bảo lưu quan điểm này cách chặt chẽ. Những cách dùng nguyên thủy nhất của thuật ngữ « thánh thiện » dường như được đánh dấu bằng một đặc điểm luân lý tính.
(4) Khi bốn chữ YHWH xuất hiện hiện trong Kinh Thánh, người ta thường thay thế nó bằng từ Adonaï. Trong Bản King James, Bản Revised Standard và New American Bible, mỗi khi từ lord viết thành chữ hoa, thì đọc giả có thể giả thiết rằng tiếng Hybá ở chỗ này chứa từ YHWH. Khi đọc bản Bảy Mươi, thì chữ Kyrios thay Tên của Thiên Chúa. Trong Tân Ước, khi thuật ngữ Kyrios được áp dụng cho Chúa Giêsu Nazareth, thì nó gợi ý như Bản Bảy Mươi, một sự gần gũi với Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacóp. X. Reginald H. FULLER, The Foudations of New Testament Christologie, New York, Charles Scribner’s Sons, 1965 67-72.
(5) Y. CONGAR, Sacerdoce et laïcat devant leurs tâches d’évangélisation et de civilisation (deuxième édition revue et augmentée), Paris, Cerf, 1965, 99.
(6) Herberg HAAG-Paul van IMSCHOOT, « Heilig », trong Bibel-lexikon, 687 ; x. Manfred HAUKE, Women in the Priesterhood ?, San Francisco, Ignatius Press, 1988, 221.
(7) x. Y. CONGAR, p. 109.
(8) Rudolf SCHNACKENBURG, Le message moral du Nouveau Tesament, dịch từ tiếng Đức bởi Francis Schanen, Le Puy-Lyon, Xavier, Mappens, 1963, 100.
(9) Joseph Ratzinger, Foi chrétienne hier et aujourd’hui, dịch từ tiếng Đức bởi E. Ginder và P. Schouver, Paris, Mame, 1969, 146. Bản dịch được chỉnh sửa (chú thích của nhà xuất bản).
(10) « Một giống nòi được tuyển chọn, x. Is 43, 20tt ; « một hàng tư tế vương giả », x. Xh 19, 6 ; « một dân tộc thánh », x. như trên.
(11) Theological Theology of the New Testament (được trích dẫn trên đây chú thích 2), I, 109.
(12) Peter HENRICI, « Hans urs von Balthasar : A Sketch of his Life », trong Communion, Fall, 1989, 311.
(13) Lumen Gentium, 10.
(14) Như trên.
(15) Somme Théologique III, 67, 2.
(16) Lumen Gentium, 28 ; những tuyên bố tương tự trong Presbyterorum ordinis, 5 và 12.
(17) Thánh Jérôme, Thư 146.
(18) Somme Théologique, Suppl. 35, 1.
(19) Somme Théologique, III, 65, 5 ad 1 ; x. Somme contra Gentilles, IV, c.74.
(20) Josef PIEPER, Problem of Modern Faith, Chicago, Franciscan Herald Press, 1985, 68.
(21) Sacrosanctum Concilium, 7.
(22) Jean-Paul II ; « Address to the Scottish Priests and Men and Women religious in Edinburgh’s Catholic Cathedral », 1 juin 1982, trong Origins, XII/4, 10 juin 1982.
(23) Presbyterorum ordinis, 12.
(24) Như trên, 2.
(25) « Le ministre de l’Eucharistie », Thư của Bộ giáo lý đức tin (6/08/1983), trong Documentation catholique (DC) 80 (1983), tr.885-887.
(26) Jean-Paul II, « Dominicae Cenae », 8, trong DC 77 (1980), tr.305. Bản dịch được sửa (chú thích của Nhà xuất bản).
(27) Presbyterorum ordinis, 14.
(28) J. RATZINGER, Foi chrétienne… (được trích ở số 9 trên đây), tr.180-181. Bản dịch có sửa đổi (chú thích của Nhà xuất bản).
(29) Saint IRENEE, Adv. Haer., IV.
(30) x. E. Tower, « Sanctifying Grace », trong The Teaching of the Catholic Church, éd. George D. Smith, New York, The Macmillan Company, 1960, tr. 572-575 ; x. T.E. Flynn, « The Supernatural Virtues », như trên, tr. 629 tt.
(31) Henri de LUBAC, Méditation sur l’Eglise (Théologie, 27), Paris, DDB, 1985, đặc biệt các trang 94-101.
(32) J. RATZINGER, Foi chrétienne…, tr. 247.
(33) Josemaria ESCRIVA, The Forge, New York, Scepter, 1988, tr.87.
(34) Dei Verbum, 10 ; x. Pie XII, Humani generis, 12/08/1950.
(35) Presbyterorum ordinis, 4.
(36) ORIGÈNE, In Exod., bài giảng 13, 3.
(37) PAUL VI, Humanae Vitae, 28 ; JEAN-PAUL II, Familiaris Consortio, 34.
(38) x. Victor W. TURNER, The Ritual Process, Chicago, Aldine Publishing Company, 1969.
(39) Jean GALOT, Prêtre au nom du Christ, Chambray-les-Tours, C.L.D, 1985, tr. 34-35.
(40) Confessions, X, 43, 69.
————-
HAAS, John, « Le caractère sacral du prêtre comme fondement de sa vie et de son enseignement moraux », in Cardinal J. Ratzinger, G. Chantraine, J. Haas, A. Vanhoye, Mission et formation du prêtre, éd. Culture et Vérité, 1990, p 51-80.
Louis Renard, s.j, dịch từ nguyên bản tiếng Anh bài tham luận của J. Haas.
Lm. Phêrô Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản Pháp ngữ.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B : CHÚA GIÊSU ĐẾN GẦN CHÚNG TA NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 10. « CHÚA THÁNH THẦN, HỒNG ÂN CỦA THIÊN CHÚA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ BÍ TÍCH HÔN NHÂN
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 9. « TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN ». CHÚA THÁNH THẦN TRONG NIỀM TIN CỦA GIÁO HỘI
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 8. “AI NẤY ĐỀU ĐƯỢC TRÀN ĐẦY ƠN THÁNH THẦN”. CHÚA THÁNH THẦN TRONG SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI GIÁO HỘI BỈ: “KHÔNG CÓ CHÚA THÁNH THẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KITÔ GIÁO XẢY ĐẾN CẢ”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 7. CHÚA GIÊSU ĐƯỢC THÁNH THẦN DẪN VÀO HOANG ĐỊA. CHÚA THÁNH THẦN, ĐỒNG MINH CỦA CHÚNG TA TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐNG LẠI THẦN DỮ
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- CUỘC GẶP GỠ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN
- ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI TRỞ THÀNH VÀ LAN TỎA HƯƠNG THƠM CỦA TIN MỪNG
- 62 LINH MỤC LỚN TUỔI BỊ LỪA GẠT: MỘT VỤ “LỪA ĐẢO TỪ THIỆN” PHI THƯỜNG TRƯỚC TÒA ÁN