ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: CHA ROMEO BALLAN CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO

Written by xbvn on Tháng Năm 9th, 2017. Posted in Huế, Đại Chủng Viện Huế

Vào ngày thứ sáu (28/04/2017), tại nhà hội của Đại Chủng Viện Huế, Cha Romeo Ballan, thuộc Hiệp hội Thừa sai Comboni, đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo với các Chủng sinh. Buổi nói chuyện diễn ra từ lúc 17h10 đến 18h.

Giới thiệu về Cha Romeo:

Cha Romeo Ballan là nhà thừa sai Comboni người Ý. Ngài sinh năm 1935 tại một ngôi làng nhỏ bé thuộc tỉnh Padua (Miền Bắc Ý). Sau khi chịu chức linh mục (năm 1961 ở tuổi 25), ngài thi hành tác vụ như một thừa sai tại Tây Ban Nha (11 năm); rồi ở Cộng Hòa Dân Chủ Công Gô (Congo-Zaire) (10 năm); ở Peru (18 năm); ở Vatican (5 năm) và ở Verona (7 năm).

Ngài thuộc Hiệp hội Thừa Sai Comboni, được thành lập do thánh Danien Comboni tại Verona (Bắc Ý), thành phố quê hương của cặp tình nhân nổi tiếng Romeo và Juliet.

Hiệp hội của ngài phát triển tới nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và dĩ nhiên cũng ở châu Á như: Philippin, Macao, Đài Loan.

Hiệp hội Thừa Sai Comboni cũng đã đến Việt Nam: Các ngài có một cộng đoàn ở Gò Vấp, Sài Gòn, nơi Cha Romeo sinh sống ở tuổi 82.

Sau đây là toàn văn bài nói chuyện của Cha Romeo Ballan:

Xin Chào!

– Tôi rất hạnh phúc được ở Việt Nam. Tôi đã được đón tiếp nồng hậu tại đây.

Các chủng sinh rất thân mến, tôi rất vui được chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm truyền giáo của tôi.

Tôi cám ơn Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh,

Tôi cám ơn Cha Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng Viện Huế và tất cả thành viên của cộng đoàn Chủng Viện vì được mời đến đây chia sẻ với các bạn một ít suy tư liên quan tới công việc truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới. Xin cám ơn về lời mời này.

  1. Nhìn vào bản đồ thế giới

Chúng ta đang có trước mặt bản đồ thế giới. Đây là ngôi nhà rộng lớn của các con cái Chúa. Họ là anh chị em của chúng ta, dù có là Kitô hữu hay không. Người Kitô hữu lưu giữ thế giới trong tim mình: niềm vui, những khổ đau, niềm hy vọng… Những gì đang xảy ra tại Syria, Iraq, Trung Quốc, Châu Phi… đều là một phần cuộc sống chúng ta…

Chúng ta ngắm nhìn thế giới như thế nào?

Chúng ta không ngắm nhìn thế giới với đôi mắt của: – khách du lịch (tìm kiếm những khám phá mới); – thương gia (tìm kiếm ngọc trai và đồ trang sức); – công ty đa quốc gia (tìm kiếm những tài nguyên để khai thác: mỏ, dầu…). + Chúng ta ngắm nhìn thế giới với đôi mắt và con tim của Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy lắng nghe đoạn Tin Mừng theo thánh Mt 9,35-10,7

“Thấy dân chúng, Ngài động lòng thương xót vì họ bơ phờ vất vưởng như đoàn chiên không người chăn. Rồi Ngài nói với các môn đệ: ‘Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt lại ít; hãy xin với chủ mùa gặt sai thợ đi gặt lúa về’. Rồi Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ, trao cho họ quyền hành…. Chúa Giêsu sai những môn đệ này đi sau khi đã hướng dẫn họ: … “Hãy đi… và rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần'”.

Chúng ta có thể đặc biệt in đậm một vài hành động của Chúa Giêsu, như:

“Chúa Giêsu rảo quanh khắp các thành thị và làng mạc” (Mt 9,35): Chúa Giêsu là một người lưu động, một nhà truyền giáo du hành; Ngài không đợi người ta đến với Ngài, nhưng đi ra để gặp họ tại chính nơi họ ở.

“Thấy dân chúng, Ngài động lòng thương xót họ” (Mt 9,36);

Lòng thương xót của Chúa Giêsu rất sâu rộng, thắm đượm, rạo rực: động từ Hilap được sử dụng ở đây là “esplanknisthe” có nghĩa là sự rung động tận tâm can; như ở trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,33), hay dụ ngôn người cha của đứa con đi lạc (Lc 15,20), trong câu chuyện hóa bánh ra nhiều (Mc 8,2), với bà góa thành Naim (Lc 7,13)…. Động từ này chỉ về “lòng dạ của người mẹ” và những đau đớn lúc sinh con; đó là nguồn gốc chung của tất cả nhân loại; đó là lối nẻo vào đời của mỗi chúng ta; vì vậy tất cả chúng ta là thành viên của cùng một gia đình: gia đình Thiên Chúa là Cha.

– Rồi Chúa Giêsu nói: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt lại ít; hãy xin với chủ mùa gặt sai thợ đi gặt lúa về” (Mt 9,37-38). Để đối mặt với mùa lúa sum suê, Chúa Giêsu nêu dẫn hai lối bước: cầu nguyệnra đi.

Chúng ta sẽ làm gì cho những người đang bơ phờ vất vưởng? Chúng ta sẽ đồng hành như thế nào với những đau khổ, với tình cảnh thất vọng và nỗi túng thiếu hiện nay? Để chăm lo cho mùa gặt mênh mông của mình, Chúa Giêsu đã hiến ban mạng sống trên Thập Giá.

  1. Sự Sinh Hạ – Cuộc Khổ Nạn – Cái Chết – Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu

Chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã Giáng Sinh, đã chịu Khổ Nạn, đã Chết và đã Phục sinh. Khi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả nhất của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của toàn thế giới, chúng ta luôn tràn đầy niềm vui Giáng Sinh và Phục Sinh.          

Chúng ta biết Đấng Cứu Độ là ai: Ngài là chính Đức Giêsu. Danh hiệu “Giêsu” có nghĩa là “Đấng Cứu Độ”. Nhờ quà tặng đức tin, chúng ta biết Ngài là Con Thiên Chúa mang thân xác phàm nhân. Chúng ta biết Ngài, chúng ta yêu mến Ngài, chúng ta thờ lạy Ngài, chúng ta chấp nhận Ngài là lãnh tụ và là vua duy nhất của đời ta; là niềm vui duy nhất của lòng ta.

Chúa Giêsu trao tặng ơn cứu độ không chỉ cho một số nhóm nào đó, nhưng cho “mọi người”, cho “tất cả các dân tộc”. Tuy nhiên đa số các người nam cũng như nữ chẳng hề biết Chúa Giêsu; họ không lấy làm vui mừng vì Ngài đã sinh ra và đã phục sinh.

Thực sự, các Kitô hữu chỉ chiếm một phần nhỏ con số của nhân loại: chỉ 33% (một phần ba); trong khi những người ngoài Kitô chiếm phần đa số: 67% (hai phần ba). Ngay ở đây tại Việt Nam, số người công giáo chỉ lên tới 7%. Hầu hết hiện còn đang chờ đợi, hoặc đã không đồng ý đón nhận lời rao giảng Tin Mừng.

Chúng ta có thể làm gì cho những người chưa biết Chúa Giêsu Kitô? Chắc chắn đang có nhiều người không là Kitô hữu trong số những bạn hữu, những người quen biết, những đồng môn của các bạn… Các bạn sẽ làm gì cho họ? Chả lẽ các bạn cứ mãi mê ngủ, thinh lặng, vô trách nhiệm?

Đức tin Kitô giáo là một quà tặng lớn lao, một đặc ân mà chúng ta đã lãnh nhận, nhằm khám phá “Niềm vui của Tin Mừng” (Đức Thánh Cha Phanxicô) và thức tỉnh trách nhiệm của chúng ta đối với việc truyền rao Tin Mừng.

Các chủng sinh thân mến, xin cho tôi hỏi các bạn một câu: Các bạn có hạnh phúc với Chúa Giêsu không? Niềm vui này không chỉ dành cho chính các bạn: niềm vui này là quà tặng cần được đem chia sẻ cho những người khác. (Ở phần cuối, chúng ta sẽ quay lại với điểm này khi tìm cách trả lời cho những câu hỏi trên đây).

  1. Nhiệt huyết truyền giáo cho Châu Phi

Tôi đã trải qua suốt cuộc đời dài của tôi phục vụ như một thừa sai Comboni tại nhiều quốc gia và châu lục khác nhau: Châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và bây giờ là châu Á-Việt Nam. Tôi đã trải qua 10 năm xinh đẹp tại Cộng Hòa Congo, trong công việc giáo xứ và trong một trung tâm đào tạo giáo lý viên.

Tôi cũng đã viếng thăm các quốc gia châu Phi khác: như là Uganda, Kenya, Ruanda, Burundi, Tanzania, Cameroon, Sudan, Egypt… Nên tôi đã có thể có được cái nhìn bao quát về lục địa này và đã có thể theo dõi những nhịp bước của các quốc gia đang phát triển ấy cũng như của sự tăng trưởng Giáo Hội trong 60 năm vừa qua.

Hiện tại có 55 quốc gia châu Phi, với tổng dân số đã đạt tới hơn một tỉ người: 1,102,754,000 (15% dân số toàn thế giới). Dù chiến tranh, bạo lực, di dân và các bệnh nhiệt đới địa phương, dân số châu Phi vẫn đang gia tăng.

Hiện tại, số người Công giáo châu Phi có khoảng 215 triệu (18% trên tổng dân số); các Kitô hữu khác khoảng 310 triệu (28%). Tổng số các Kitô hữu châu Phi lên tới 525 triệu (46%).

Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ 2 với 448 triệu (40%). Các tôn giáo truyền thống và các tôn giáo khác chiếm 130 triệu (14%).

Hiện nay có 525 giáo phận và khoảng 700 giám mục châu Phi. Cùng với con số linh mục cả triều lẫn dòng đang trên đà gia tăng, các tu sĩ nam nữ và các giáo lý viên đang được điều động cho những sinh hoạt truyền giáo và mục vụ.

Châu Phi là một lục địa giầu có lạ thường, nhưng hầu hết người dân lại đang đau khổ vì nghèo đói, vì những căn bệnh nhiệt đới, vì nạn khan hiếm nước, thuốc men và giáo dục… Từ mấy thập niên gần đây, chủ nghĩa bộ tộc, việc săn đuổi dầu lửa và mỏ quặng, những vấn đề biên giới, những áp lực ngoại bang… đã gây ra nhiều xung đột nội bộ và nhiều nội chiến, hàng triệu nạn nhân và dân tị nạn, nạn đói khát và những thảm kịch nhân đạo…

Cá nhân tôi đã từng chứng kiến một số xung đột ở Cộng Hòa Congo, từ khi đất nước này giành được độc lập (năm 1960). Năm 1964, một số nhóm phiến quân và những nhóm cách mạng khác đã gây nên nạn khủng bố và cuộc nội chiến với hàng trăm ngàn nạn nhân. 170 thừa sai ngoại quốc bị giết, trong đó có 4 thừa sai Comboni, bạn đồng nghiệp người Ý với tôi, bị giết ở Rungu-Isiro, nơi tôi đã làm việc trong 10 năm.

Giữa tấn bi kịch vô cùng tàn bạo này, Thiên Chúa đã giương cao một chứng từ mỹ miều về lòng tha thứ và đức khiết tịnh: Chân phước Clementine Anuarite Nengapeta, đồng trinh tử đạo. Ngài là một nữ tu thuộc hội dòng địa phương và là một giáo viên trường tiểu học. Ngài bị giết bằng dao, vì đã mạnh mẽ từ chối những đề nghị tục tĩu của tên trưởng phiến quân, khi nói: “Tôi không phải là vợ anh, tôi không thể làm thế được; tôi đã hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa”. Trước khi qua đời, ngài nói với anh ta: “Tôi tha thứ cho anh“. Ngài qua đời tại Isiro, ngày 1/12/1964, khi mới 24 tuổi (đến nay ngài sẽ là 77). Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong nữ tu Clementine là “Chân phước Đồng trinh Tử đạo”.

  1. Châu Mỹ Latinh: thúc đẩy dân chúng tham gia vào sứ vụ, cả trong nước cũng như ở nước ngoài.

Gần 50% người công giáo thế giới sống ở châu Mỹ Latinh (Mêhicô, Trung và Nam Mỹ). Tuy nhiên, người công giáo châu Mỹ Latinh đã thường đón nhận các nhà thừa sai và các nguồn trợ giúp từ bên ngoài, mà không hề gửi thừa sai ra ngoài.

Một tâm thức mới đã hình thành rõ nét trong Công đồng Vaticanô II: mọi giáo hội địa phương – kỳ cựu hay non trẻ – đều được mời gọi chia sẻ tài năng, vừa nhận lãnh vừa trao tặng (nhân lực, tài lực…). Thách đố lớn lao, đó là làm thế nào để biến đổi lục địa công giáo này thành lục địa thừa sai; làm thế nào để biến đổi một cộng đoàn đã được phúc âm hóa thành cộng đoàn loan báo Tin Mừng.

Tôi đã có bài sai làm việc như một thừa sai tại Peru 18 năm, hoàn toàn gắn kết vào tiến trình dài làm cho Hội Thánh châu Mỹ Latinh dấn bước hơn vào sứ mạng ad gentes (đến với dân ngoài Kitô giáo) và ad extra  (đến với người nước ngoài). Tôi đã cống hiến phần đóng góp và trợ lực khiêm tốn của tôi – trên cấp độ quốc gia và châu lục – cho sự tăng trưởng của một ý thức truyền giáo mới, ngang qua việc truyền đạt, đào tạo, khơi thúc và tổ chức những hướng nẻo truyền giáo.

Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng là vai chính của sứ vụ, và với sự hợp tác rộng lớn của nhiều người, những ơn gọi thừa sai ad gentes dưới dạng mới đã khởi phát: nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ, và giáo dân đã được huấn luyện và sai đi ra ngoài quốc gia của họ, cả trong châu Mỹ lẫn các châu lục khác, đặc biệt là châu Phi và châu Á. Hiện nay, các nhà thừa sai châu Mỹ Latinh dưới danh nghĩa ad gentes, ad extra, ad vitam (vì sự sống) đã đạt được một con số ổn định.

Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố sự khẩn thiết của sứ vụ đến với muôn dân: “Sứ vụ truyền giáo cho muôn dân (missio ad gentes) là một công việc bao la, vĩ đại của lòng thương xót, cả về mặt thiêng liêng lẫn vật chất… Tất cả chúng ta được mời gọi “đi ra” như những môn đệ truyền giáo, … để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đến cho toàn thể gia đình nhân loại” (Sứ điệp ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2016).

  1. Việt Nam: Miền đất hứa mới của tôi

Khi tôi còn ở Rôma, tại CIAM (2001-05), tôi đã làm việc trong tình huynh đệ với Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo (hiện nay là Giám mục Giáo phận Xuân Lộc).

Nhờ ngài, tôi đã học được nhiều điều về Việt Nam: con người, lịch sử, Giáo hội, các thánh Tử đạo Việt Nam… Tôi đã gặp nhiều người Việt Nam: Tôi Tớ Chúa, Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, các Giám mục khác, các sinh viên du học (Linh mục, nam nữ tu sĩ) và những khách hành hương Việt Nam đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tôi đặc biệt học biết lòng sùng kính Đức Mẹ, Thánh Mẫu La Vang: tôi đã đến đền thánh của Mẹ với tư cách hành hương vào tháng 12 năm 2010.

Giờ đây tôi thật hạnh phúc được ở Việt Nam, miền đất truyền giáo cuối cùng của tôi. Các nhà Thừa Sai Comboni đã đến đây được bốn năm rồi, ở tại Saigon.

Cộng đoàn chúng tôi còn rất khiêm tốn: chúng tôi có 3 linh mục (2 cha người Ý, 1 cha Phi luật tân) và vài ứng sinh Việt Nam. – Càng lúc càng có nhiều giám mục và linh mục Việt Nam phát biểu rằng Hội Thánh của chúng ta tại đây cần mở ra nhiều hơn và cần được lôi cuốn mạnh mẽ hơn vào sứ mạng truyền giáo trong chính đất nước mình cũng như nơi hải ngoại. Một số giám mục xin chúng tôi chia sẻ đặc sủng truyền giáo của chúng tôi cho các chủng sinh, linh mục, giới trẻ, các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu… và trình bày tình hình truyền giáo của Hội Thánh tại các lục địa khác.

Hiện tại Việt Nam đang như một vườn ươm cho nhiều ơn gọi tốt. Có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, dĩ nhiên nhằm đáp ứng những nhu cầu mục vụ tại quốc gia này. Nhưng không chỉ như vậy: ơn gọi là quà tặng của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho một quốc gia, nhưng còn cho những vùng truyền giáo khác nữa tại châu Á, châu Phi…

Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều ơn gọi truyền giáo: xin cho các bạn trẻ sẵn sàng hiến thân để loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, tại đây cũng như ở các quốc gia khác. 

Được Chúa gọi làm linh mục, bạn hãy cố gắng làm việc nơi giáo xứ của bạn với tinh thần, trái tim và tâm thức truyền giáo, không chỉ đồng hành với các Kitô hữu vốn thường lui tới với Giáo Hội, nhưng còn đi ra, còn đến gần những người không là Kitô hữu vốn đang cần và đang đợi chờ Tin Mừng của Chúa Giêsu.

  1. Niềm Vui Của Tin Mừng.

Các chủng sinh thân mến, tôi xin hỏi các bạn một câu: Các bạn có hạnh phúc với Chúa Giêsu không? Niềm vui này không chỉ dành riêng cho các bạn. Không ai có quyền giữ hạnh phúc cho riêng mình. Đức tin Kitô giáo không chỉ dành cho riêng bạn, đó là quà tặng cần được chia sẻ với những người khác.

Trong Tông Huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo niềm vui của Tin Mừng: “Niềm vui của Tin Mừng lấp đầy con tim và cuộc đời của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai tiếp nhận quà tặng cứu độ của Người thì sẽ được giải thoát khỏi tội, sẽ hết ưu phiền, không còn trống rỗng và cô đơn trong lòng nữa. Với Đức Kitô, niềm vui không ngừng nảy sinh và đổi mới…”  (EG, số 1).

Niềm vui ấy thúc đẩy chúng ta vào Sứ Vụ! Bởi vì Chúa Giêsu đã phán: Hãy xin chủ mùa gặt sai thêm thợ gặt đến nơi vườn nho bát ngát của Người; hãy cầu nguyện và hãy đi!

Cầu nguyện mỗi ngày cho sứ vụ và cho ơn gọi; cầu nguyện trong Bí Tích Tạ Ơn, cầu nguyện với kinh “Lạy Cha”, cầu nguyện với kinh Mân Côi truyền giáo…

đi ra: Chúa Giêsu đã chọn Mười Hai Tông Đồ và đã sai các ông đi; ngày nay cũng vậy… danh sách các tông đồ vẫn còn mở ngỏ: có tên của chính chúng ta nơi đó: tên tôi, tên bạn…

Đức Thánh Cha Phanxicô xướng lên lời mời gọi nồng nhiệt hướng tới một cuộc khởi hành truyền giáo mới: “Chúng ta hãy đi ra, và rồi chúng ta hãy đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu” (EG, số 49).

Chúng ta hãy xin Chúa thương ban một trái tim rộng mở để biết lắng nghe tiếng Ngài và để thưa lên rằng: Này con đây, lạy Chúa, xin hãy sai con! (Is 6,8).

Và các bạn sẽ thật sự hạnh phúc trong cuộc sống của các bạn!

Vào cuối buổi nói chuyện, Cha Romeo Ballan đã trình bày đôi nét về Đấng sáng lập Hiệp Hội Thừa Sai Comboni, thánh Daniel Comboni (1831-1881), người đã sống trọn cuộc đời cho sứ vụ truyền giáo tại Phi Châu.

Sau đó, Cha Romeo đã dành một khoảng thời gian để trao đổi với các Chủng sinh và trình chiếu những hình ảnh minh họa về các tình cảnh của con người (khoảng 40 hình ảnh) như là gợi ý để các chủng sinh suy tư.

Kết thúc buổi nói chuyện, tất cả mọi người cùng đọc lời kinh cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo và cho ơn gọi.

BTT ĐCV Huế

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31