ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC CHA ALOISIÔ, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KONTUM

Written by xbvn on Tháng Tư 29th, 2021. Posted in Kontum, Linh mục, Nhân bản, Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Chiều ngày 27/4/2021, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Giáo Phận Kon Tum, đã đến Đại Chủng Viện Huế, bắt đầu chuyến viếng thăm và làm việc thường niên của ngài, trong cương vị là Chủ Chăn của một trong bốn giáo phận có chủng sinh đang tu học tại đây. Lúc 17g10, sau khi đã gặp gỡ quý Cha trong Ban Giám Đốc để thảo luận về một số vấn đề liên quan đến việc đào tạo chủng sinh, Đức Cha đã bắt đầu giờ huấn đức dành cho quý Thầy, với chủ đề “Đời sống nhân bản”, một trong bốn chiều kích đào tạo theo Ratio Đào Tạo Linh Mục – 2016 của Bộ Giáo Sĩ.

Trước hết, dựa theo số 94 của Ratio này, Đức Cha nhấn mạnh các khía cạnh chính yếu liên quan đến chiều kích nhân bản, vốn là nền tảng của toàn bộ công cuộc đào tao linh mục: vấn đề thể lý (sức khoẻ, chuyện ăn uống, hoạt động thể lý, sự nghỉ ngơi và nhiều điều khác); vấn đề tâm lý (một nhân cách ổn định, với những nét đặc thù như quân bình tình cảm, làm chủ bản thân và đảm nhận cách đúng đắn đời sống tính dục); vấn đề luân lý (lương tâm có trách nhiệm, có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn, có được phán đoán ngay thẳng và nhận thức khách quan về con người và về các biến cố xảy ra). Đồng thời, trong khuôn khổ đời sống nhân bản, cảm thức về cái đẹp cũng là một yếu tố quan trọng đáng được quan tâm.

Kế đến, Đức Cha nói rằng trưởng thành nhân bản là điều cần thiết cho hết thảy mọi người, trong đó có các Kitô hữu. Ai ai cũng được mời gọi trở nên một con người trưởng thành về mọi mặt. Để được như thế, mỗi người cần phải trải qua một tiến trình đào tạo thường kỳ về đời sống nhân bản. Người nào vượt qua được những thói hư nết xấu và đạt tới những nhân đức quý báu thì được tôn trọng và yêu mến. Vì thế, chủng sinh và linh mục nhất thiết cần phải có sự trưởng thành nhân bản.

Để tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của sự trưởng thành nhân bản đối với chủng sinh và linh mục, Đức Cha nại đến hai văn kiện sau đây của Giáo Hội. Thứ nhất, theo Sắc lệnh Đào tạo Linh mục (Optatam Totius) của Công Đồng Vaticanô II, chủng sinh cần phải tập luyện cho mình có tính cách hiền hoà và quân bình, có tinh thần quả cảm, thủ đắc những đức tính mà người đời quý chuộng và không thể thiếu nơi các thừa tác viên của Chúa Kitô như thành thật, công bình, trung tín, lịch thiệp và bác ái trong ngôn từ (số 11). Thứ hai, theo Tông huấn Pastores Dabo Vobis, linh mục cần phải là nhịp cầu cho người khác gặp gỡ Đức Kitô, chứ không phải là chướng ngại vật ngăn cản họ (số 43).

Để khai triển thêm, Đức Cha đã mượn lời của Đức Hồng Y Timothy M. Dolan trong cuốn sách Linh mục cho ngàn năm thứ ba. Đối với các ứng viên linh mục, các nhân đức siêu nhiên là tuyệt đối cần thiết, nhưng các nhân đức tự nhiên cũng không thể thiếu, bởi vì theo như lời Thánh Tôma Aquinô, “Ân sủng đòi phải có bản tính tự nhiên trước” (Ratio, số 93). Nhân cách và tính tình làm nên chất liệu của chức linh mục. Nhân cách và tính tình của linh mục có thể lôi kéo người khác đến với Chúa và Giáo Hội, nhưng cũng có thể đẩy họ ra xa Chúa và Giáo Hội.

Quả vậy, dân chúng (giáo dân cũng như những người không phải là Công Giáo) thường quan tâm đến nhân cách và tính tình hơn là những việc đạo đức thiêng liêng của linh mục như đọc kinh, lần chuỗi, viếng Chúa. Họ luôn thích tìm đến với những linh mục biết quan tâm và hỏi thăm họ, vui tươi và sẵn lòng phục vụ họ, hoà nhã và hiền lành, biết thương xót và cảm thông đối với họ; và hẳn nhiên là họ chẳng bao giờ muốn tiếp xúc với những linh mục có nhân cách lôi thôi như nỏng nảy, gắt gỏng và hay la mắng, sống xa hoa, dễ dãi trong tình cảm, lười biếng…

Giáo dân thường có nếp nghĩ linh mục, tu sĩ, chủng sinh là những đại diện ưu tú của Giáo Hội, và họ hay đánh giá Giáo Hội qua linh mục, tu sĩ và chủng sinh. Do đó, các linh mục, tu sĩ và chủng sinh cần phải tránh không chỉ những hành động sai trái mà còn cả những hành động có vẻ sai, dễ gây hiểu làm cho giáo dân và gây cớ cho họ vấp phạm. Đành rằng thật ngốc nghếch khi lìa bỏ Chúa và Giáo Hội vì cách hành xử của một linh mục nào đó, nhưng thực tế cho thấy có một số giáo dân đã làm như thế. Vì vậy, cần cầu xin Chúa cho mình đừng làm gì, nói gì khiến người khác xa Chúa, xa Giáo Hội.

Vì lẽ đó, chủng sinh, những linh mục tương lai, cần phải được đào luyện và tự đào luyện để trở nên một con người trưởng thành nhân bản. Đức Cha dùng hình ảnh cây cối, cứ sự thường, nghiêng bên nào thì đổ bên đó, để minh hoạ cho câu ngạn ngữ: Chủng sinh thế nào thì linh mục sẽ như vậy. Nếu một người khi là chủng sinh mà biết chuyên chăm cầu nguyện và luyện tập nhân đức thì khi trở thành linh mục, người đó cũng sẽ làm như vậy; nhưng nếu khi là chủng sinh mà không sống nhân đức thì khi làm linh mục, người đó cũng sẽ lười biếng, bởi vì chức thánh, dù có thể biến đổi căn tính thánh thiêng của một tiến chức, cũng sẽ không làm thay đổi thói quen của người ấy.

Cuối cùng, Đức Cha khép lại giờ huấn đức với việc đề cập đến ba đức tính nhân bản mà dân chúng trông đợi nhất nơi người linh mục (dựa theo Đức Hồng Y Timothy M. Dolan, trong cuốn sách Linh mục cho ngàn năm thứ ba): sự tử tế, với các nghĩa cử như biết tận tình chăm lo cho giáo dân để cho họ nhận thấy được tình yêu của Thiên Chúa đối với họ, vui tươi và sẵn sàng phục vụ, để ý đến những nhu cầu và bận tâm của họ, sẵn lòng giải đáp những thắc mắc của họ; sự đáng tin cậy, với những hành vi tốt lành như giữ đúng hẹn, giữ lời hứa, chăm lo cho đoàn thể mà mình có trách nhiệm, tuân thủ thời khoá biểu đặt ra; thái độ lạc quan và đầy hy vọng, được thể hiện ngang qua việc các linh mục luôn tỏ ra phấn khởi và tin tưởng, ngay cả khi ở giữa những khổ đau, thất bại và khó khăn.

Sáng ngày 28/4/2021, Đức Cha đã chủ tế Thánh Lễ kính Thánh Giuse tại Nguyện đường Đại Chủng Viện. Trong phần chia sẻ Lời Chúa cho cộng đoàn phụng vụ, Đức Cha hướng lòng trí mọi người về Chúa Giêsu Kitô, là Bánh Hằng Sống và là Ánh Sáng thế gian. Ngài nói rằng bên cạnh những kiểu mù loà như mù mắt thể lý, mù vi tính, còn có một loại mù khác nữa là mù thiêng liêng. Ngài mời gọi cộng đoàn, cách riêng là các chủng sinh, cần biết không ngừng cầu xin Chúa ban cho có đôi mắt thiêng liêng sáng suốt như Ngài đã chữa lành đôi mắt cho người mù từ thuở mới sinh trong Ga 9,1-41, và luôn biết đến ở với Chúa Kitô là Ánh Sáng để được dạy dỗ, thánh hoá và sai đi loan báo Tin Mừng. Sau lời nguyện kết lễ, Cha Phó Giám Đốc đại diện Gia đình Đại Chủng Viện dâng lời cám ơn chân thành đến Đức Cha.

Sau khi dùng điểm tâm sáng xong, Đức Cha lên đường trở về Giáo Phận Kon Tum. Như thế, ngài đã kết thúc chuyến thăm dù ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để ngài thực hiện được các mục đích chính yếu là chào thăm và làm việc với Ban Giám Đốc, gặp gỡ và huấn đức cho quý Thầy, cách riêng là các chủng sinh Giáo Phận Kon Tum.

BTT ĐCV HUẾ

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31