ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: ĐỨC CHA AN-PHONG NGUYỄN HỮU LONG HUẤN ĐỨC MÙA CHAY CHO CÁC CHỦNG SINH

Written by xbvn on Tháng Ba 30th, 2023. Posted in Đại Chủng Viện Huế

Bước vào tuần cuối của mùa Chay thánh (thứ Ba 28.03.2023), bầu khí Đại Chủng Viện Huế càng thêm sốt sắng hơn, khi chào đón sự hiện diện, gặp gỡ và huấn đức của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh, Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin mừng của HĐGMVN, đặc trách Hội Thừa Sai VN và là Nguyên Giám đốc của Đại Chủng Viện Huế.

Mở đầu buổi huấn đức, Đức Cha Anphong chia sẻ sự xúc động cũng như niềm vui từ tận đáy lòng ngài, khi được trở lại mái nhà Đại Chủng Viện Huế thân thương. Tựa như người lính từ “chiến tuyến” nay trở về với “hậu phương”, ngài cảm nhận được niềm vui, sự bình an khi trở về với tình thương của Chúa nơi tình thầy trò và tình anh em.

Trước tiên, Đức Cha Anphong chia sẻ về Tâm tình thừa sai, là hình ảnh đặc trưng của những người môn đệ Chúa Kitô. Quả thực, loan báo Tin mừng trở thành sứ mạng của tất cả Kitô hữu và không ai được miễn chuẩn cho sứ mạng cao cả này. Ngày nào Giáo hội lãng quên sứ mạng này, ngày đó bản chất của Giáo hội bị phai nhạt và tan biến. Tuy thế, Loan báo Tin mừng ngày nay mang cảm giác của một khẩu hiệu hơn là một đời sống chứng nhân. Từ đây, ngài mời gọi mỗi chủng sinh phải biến đổi đời sống của mình. Đời chủng sinh chỉ thực sự trở nên ý nghĩa, khi được xuất phát và quy hướng về sứ mạng cao cả này. Ai sẽ đem Chúa đến cho mọi người, nếu không phải là mỗi chúng ta, những người đã được đón nhận ơn Chúa cách nhưng không. Ai sẽ xứng đáng được đón nhận Tin mừng, nếu không phải là những người chưa nhận biết Chúa, những người đang giữ đạo nhưng lại không sống đạo, và cả những người đã từng sống đạo nhưng nay lại quay lưng với đạo. Qua đó, Đức Cha chia sẻ về nỗi khắc khoải của Chúa Giêsu trên thập giá: “Ta khát” (Ga 19,28), để mời gọi mỗi chủng sinh – những người môn đệ của Chúa đáp lại cách mau mắn sự khao khát linh hồn của Thầy mình.

Tiếp đến, Đức Cha Anphong chia sẻ cách thân tình về những thách đố trong ơn gọi thánh hiến, cụ thể nơi ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục.

Độc thân Khiết tịnh vì Nước Trời, vì yêu mến Chúa và tha nhân (x. Mt 19,10-12) không phải là điều đơn giản và dễ dàng. Qua đó, mỗi chủng sinh được mời gọi thận trọng và ý thức hơn trong sự phân định. Cụ thể, qua hai dụ ngôn “xây tháp” và “cuộc giao chiến” trong Tin mừng (Lc 18,28-32), người chủng sinh phải biết tiên liệu về khả năng chiến thắng xác thịt của mình. Và, để chiến thắng trong “cuộc chiến” này, chỉ nhờ vào ý chí và lý trí là chưa đủ, nhưng cần phải khiêm tốn, trung thực và tín thác hoàn toàn nơi Chúa.

Nhắc lại lời Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận: “Thế gian không thấy con vâng phục, thế gian không biết con trinh khiết, nhưng thế gian dễ nhận ra con là chứng nhân thanh bần” (Đường Hy Vọng, số 418), Đức Cha mời gọi mỗi chủng sinh không chỉ khó nghèo về tinh thần, mà còn biết khó nghèo về vật chất, nơi một lối sống cụ thể. Vì quả thực, lối sống giản dị của người Linh mục đem lại ơn cứu độ cho tha nhân.

Về thách đố của đức Vâng phục, Đức Cha đã nghẹn ngào chia sẻ sự xúc động mỗi khi cử hành nghi thức tuyên hứa cho các tiến chức Linh mục, Phó tế. Các tiến chức quỳ trước mặt Giám mục, chắp tay đặt trong lòng bàn tay của ngài, và khi giám mục hỏi: “Con có hứa kính trọng và vâng phục Cha và các Đấng kế vị Cha không?”, các tiến chức thưa: “Thưa, con hứa”. Từ ý nghĩa thánh thiêng này, ngài mời gọi mỗi chủng sinh phải biết xóa mình, sống sự vâng phục ngay từ hôm nay, đáp lại thánh ý trong sự thánh thiện, mau mắn, quảng đại và vui tươi.

Cuối cùng, với tất cả tấm lòng của người anh đi trước, Đức Cha Anphong ước mong mỗi chủng sinh nỗ lực hơn nữa với sự giúp đỡ của ơn Chúa, qua quý Cha trong ban đào tạo, trở thành những mục tử đích thực như lòng Chúa và Giáo hội mong ước.

Đaminh Trần Phát Triển

Lớp Thần học I

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31