ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: NGOẠI KHÓA “KHẢI NGHĨA TRIẾT HỌC, ỨNG DỤNG CHO KHẢI NGHĨA KINH THÁNH”

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 23rd, 2023. Posted in Đại Chủng Viện Huế

Mưa trên xứ Huế, một ngày đặc biệt, ngoại thường, và đáng nhớ!

Dưới sự hướng dẫn của cha giáo Phao-lô Đậu Văn Hồng, gia đình Đại Chủng Viện Huế có cơ hội tham dự ngoại khóa với đề tài: “Khải nghĩa triết học, ứng dụng cho khải nghĩa Kinh Thánh”, lúc 8:00 thứ Năm 21.12.2023. Trước khi đi vào khóa giảng, cha Phó giám đốc chào mừng và giới thiệu các thành phần tham dự, bao gồm quý cha giáo, quý thầy và đặc biệt là sự có mặt của quý Sơ thuộc Ban điều hành Học viện liên Dòng Huế.

Bài giảng thuyết gồm hai phần chính: khải nghĩa triết học và khải nghĩa Kinh Thánh. Đầu tiên, cha Phao-lô triển khai một số khái niệm triết học liên quan, và quá trình hình thành bộ môn Triết học Khải Nghĩa. Đây là bộ môn cần thiết, hỗ trợ cho việc đọc hiểu bản văn. Khởi đi từ lối tiếp cận bản văn theo nẻo đường của triết học Khải nghĩa, cha Phao-lô dẫn dắt thính giả đến với việc đọc hiểu bản văn Kinh Thánh. Phần thứ hai được trình bày dựa theo cái nhìn của Paul Ricoeur qua bốn thời nhịp. Thứ nhất, cần đọc và phân tích bản văn, chú trọng đến các loại hình văn chương theo kiểu liên thông tự nội, nghĩa là đọc trong bối cảnh toàn thể của bản văn. Giai đoạn này  nhắm đến việc hiểu bản văn cách khách quan nhất. Thứ hai là bước nêu cao việc giải thích tình huống và yếu tố khoan giãn khoảng cách, nhằm tách mình ra khỏi bản văn với cái nhìn chủ quan. Ở bước này, Paul Ricoeur nhấn mạnh đến  lời trong tương quan với bản văn chứ không chỉ là lời suông. Bước thứ ba là bước quan trọng nhất, điều cần thiết của người đọc là tạo điều kiện tối đa cho “sự vật”, “thế giới” và “hữu thể mới” được bản văn dàn trải với những phận vụ như sau: Đón nhận thể giới mới của bản văn; hưởng nhờ năng lực mặc khải của bản văn; để cho bản văn chạm thấu con người toàn diện; và mở ra đón nhận một cách thức hiện hữu mới thuộc cấp độ cao vượt kinh nghiệm thường nhật. Bước cuối cùng là việc áp dụng bản văn Lời Chúa cho riêng mình qua việc tự đào sâu đức tin, nhìn nhận và phê bình bản thân, cũng như việc đáp trả Lời Chúa mời gọi chính mình. Nói tóm lại, để đọc hiểu và sống Lời Chúa, mỗi người cần biết cách tiếp cận, hiểu Lời Chúa có phương pháp và điều quan trọng là cần buông mình cho sự hướng dẫn của Lời, để lời ấy vang vọng, đụng chạm đến tâm hồn. Sau cùng là thái độ đón nhận và đáp trả Lời qua chính hành động của mỗi người.

Sau hai tiết giảng thuyết, tiết thứ ba là khoảng thời gian trao đổi, hỏi đáp đầy sôi nổi, và không kém phần kịch tính pha lẫn nét “thi vị” đến từ quý cha giáo, quý sơ cùng quý thầy. Với thời gian ngắn ngủi để trình bày lượng kiến thức tương đối đa dạng và chuyên sâu, buổi ngoại khóa còn đọng lại nhiều điều chưa trọn vẹn. Tuy nhiên, qua lối trình bày dày dạn kinh nghiệm, nhiệt tâm và cuốn hút của cha giáo Phao-lô, các thính giả phần nào được khai mở nhiều điều về cách thức đọc bản văn Kinh Thánh theo phương pháp của triết học khải nghĩa.

Kết thúc buổi ngoại khóa, trời vẫn mưa, những bước chân đi có phần nhẹ nhàng và chậm rãi, dường như để lặng nghe những âm thanh còn đang vang vọng, hòa với tiếng mưa rơi tí tách. Tiếng chuông vang lên, đại gia đình Chủng viện cùng nhau cất lên lời kinh Truyền Tin trước giờ cơm trưa như thường lệ.

Simon Nguyễn Ngọc Sáng (Thần học II)

 

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31