ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: NHƯ MỘT KỶ NIỆM 2012
lời mở
Như thông lệ, ngày đại lễ của Đại chủng viện Huế cũng là ngày Truyền thống Xuân Bích năm nay lại được ‘tháp tùng’ bởi món quà nhỏ là tập đặc san “Như Một Kỷ Niệm 2012” trên tay bạn đây.
Mừng Lễ Mẹ Dâng Mình trong Năm Đức Tin và trong dư âm của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc âm hóa, đặc san năm nay hướng về ba chủ đề này, với các bài viết đến từ các thành viên Xuân Bích ở hải ngoại và trong nước, các cựu sinh viên và ‘đương kim’ sinh viên Xuân Bích, và các thân hữu gần xa.
Cũng theo thông lệ, “Như Một Kỷ Niệm 2012” là một nhật ký mở, ghi lại những sự kiện vui buồn trong đời sống chủng viện. Năm nay có hai dấu ấn đậm nét cách riêng là chuyến đi xa, về tận cõi vĩnh hằng, của Cha cố Phó giám đốc Phanxicô Xaviê, và lễ mừng hồng ân Kim khánh Linh mục của Cha cựu giám đốc Đaminh. Dù mang sắc màu nào đi nữa, mỗi sự kiện dưới mái trường này cũng đi vào ký ức của từng thành viên và của toàn đại gia đình, trân trọng mời gọi hiệp thông trong cầu nguyện, phó thác, tạ ơn và – dĩ nhiên – trong ĐỨC TIN, trong niềm hy vọng và niềm cảm mến.
Ban biên tập xin chân thành cám ơn tất cả các cộng tác viên đã tích cực gửi bài đóng góp cho đặc san, cũng rất tiếc chỉ vì ‘đất’ có hạn nên nhiều bài vở thú vị đành lỡ chuyến tàu. Xin chân thành tri ân và xin Mẹ Dâng Mình chúc lành cho tất cả.
BBT/NMKN/2012
Thư Cha Giám Tỉnh Xuân Bích Pháp
gửi Đại chủng viện Huế
nhân dịp Giỗ Tổ Xuân Bích 2012
Các bạn thân mến,
Như các bạn đã biết, Năm Đức Tin bắt đầu vào ngày 11 tháng 10 vừa qua trùng với kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II và Thượng Hội Đồng Giám Mục về tân phúc âm hóa. Ba biến cố lớn này liên kết mật thiết với nhau, vì Công đồng Vatican II nhằm canh tân đức tin của Giáo Hội, còn Thượng Hội Đồng Giám Mục thì muốn tìm ra những con đường mới để có thể loan báo Tin Mừng hữu hiệu hơn trong một thế giới đã biến đổi hoàn toàn.
Quả thật, ta chỉ có thể nói về đức tin cho người đương thời nếu ta sống đức tin cách sâu sắc. Lời ta nói không ở trên môi miệng, mà phải phát xuất tự đáy lòng và thân xác ta, chúng được viết bằng thứ chữ không thể phai nhòa, chúng “nhập thể trong ta”, nên một với ta. Nếu không, có thể là ta loan báo đức tin mà không xác tín, không sức mạnh nội tâm; ta không sống đức tin và do đó cuộc sống của ta chẳng phải là chứng tá.
Ở đầu thế kỷ thứ XXI này, tin vào Đức Kitô hằng sống là Con Thiên Chúa, không phải là điều dễ dàng. Nhiều trở ngại trước mắt ngăn cản ta tin. Ta chẳng mất công liệt kê chúng ra. Vả lại, chúng khác biệt tùy vào xã hội mà ta đang sống. Nhưng có một khó khăn mà bất cứ ai cũng biết, đó là đức tin phải sống động, và để được thế, cần phải can đảm. Nếu ta thực hành đức tin, nhất định ta phải khác với những người không chia sẻ đức tin. Là môn đệ của Đức Kitô phục sinh, ta không có cùng nhận định về kiếp sống con người, về các biến cố của thế giới như những người không có niềm tin như ta. Ta không sống như họ. Tình yêu anh em như Chúa Kitô đã dạy và thông chia cho chúng ta nhờ Thánh Thần của Ngài sẽ làm ta trở nên những con người “bất thường” giữa thế gian, như bà Madeleine Delbrêl, một nhà thần bí thế kỷ XX, đã nói. Ta hãy nài xin Chúa ban ơn can đảm để sống trọn vẹn đức tin của ta.
Cũng thật khó khi đức tin ấy đòi ta trở nên gần gũi với mọi người như Đức Kitô đã nêu gương khi làm người, Ngài đòi ta yêu thương mỗi người, phục vụ họ với tất cả sức lực của mình. Đức tin ta được hình thành bởi sự hòa trộn tinh tế giữa gần gũi và khác biệt. Sự khác biệt không làm ta xa rời anh em, ngược lại là đàng khác. Ta phải sống cởi mở, nhân hậu với anh em, tuy có lúc phải đơn sơ nhẹ nhàng tỏ ra mình không đồng tình với họ, mình nghĩ và sống khác họ. Ta chia sẻ niềm vui nỗi buồn và hy vọng với anh em, đồng thời hé mở cho họ thấy một tương lai không ngờ tới và khả năng phi thường được gặp gỡ Đấng là Cha chúng ta. Ngay cả khi khóc than, ta không để mình bị đè bẹp bởi những khổ đau, vì tin rằng Chúa đã ươm trong ta niềm vui không ai tước mất được, đó là niềm vui phục sinh. Ta cũng không để niềm vui sướng của con người, dù cho nó là thật, hạn chế chân trời của ta, bởi tin rằng mình được mời gọi đạt hạnh phúc vượt quá những hạnh phúc tạm bợ kia.
Tôi cầu chúc anh em cảm nghiệm được niềm vui sâu xa nảy sinh từ đức tin, niềm vui trong bình an, thứ bình an mà những khắc khoải và lo âu thường tình không thể khuấy động được, bởi vì niềm vui đó được đặt trên đá tảng là Đức Kitô, và đâm rễ trong niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời ta, bất chấp điều gì xảy ra đi nữa, niềm vui đó được đặt để trong lòng ta nhờ Thánh Thần được ban cho ta.
Tôi cầu chúc anh em năm đức tin tốt đẹp. Chúng ta sẽ sống năm này trong sự hiệp thông với nhau, vì thật là an ủi khi biết rằng trên thế giới, có rất đông các Kitô hữu khác cùng tuyên đọc kinh Tin Kính như chúng ta, cũng như cùng sống Tin Mừng của Chúa. Xin Chúa gìn giữ tất cả anh em trong đức tin. Chúc anh em mừng lễ 21 tháng 11 này dưới dấu chỉ đức tin của Đức Trinh Nữ Maria.
Bernard Pitaud, pss.
Suy tư dịp lễ Mẹ Dâng Mình
Mt. Nguyễn Khắc Hy, pss.
Lễ Mẹ Dâng Mình được chọn làm quan thầy của Hội Xuân Bích. Là thành viên của Hội, tôi mừng ngày lễ này với nhiều thắc mắc lẫn hiếu kỳ, muốn biết tại sao Hội Xuân Bích chọn ngày này làm bổn mạng.
Sau khi biết ngày lễ không có cơ sở trong Kinh Thánh, và lịch sử hình thành cũng lắm gian truân, tôi đọc được lời ĐGH Phaolô VI trong tông huấn Marialis Cultus mời mọi người tham dự lễ này và suy niệm ý nghĩa và gương mẫu đức tin của việc Mẹ Dâng Mình cho Thiên Chúa theo truyền thống đáng quí bắt nguồn từ Đông phương. ĐGH Gioan Phaolô II gọi ngày này Pro Orantibus, với ý cầu nguyện cho những tu sĩ sống đời chiêm niệm, ẩn tu.
Với ý tưởng đó, tôi suy niệm về đời sống Dâng Hiến của linh mục dựa trên lời dạy của Thánh Phaolô:“Tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,1-2).
Trước hết, “hiến dâng thân mình” làm của lẽ sống động, thánh thiện cho Thiên Chúa là tư tưởng tích cực và mới mẻ trong lời dạy của Thánh Phaolô.
Với người Do Thái, quan niệm “hiến dâng” phổ biến trong đại chúng thời bấy giờ là họ có thể dùng của lễ, vật chất, hay bất cứ một hình thức nào khác để “dâng” lên Thiên Chúa thay cho mình. Trong ngày cực thánh Yom Kippur, ngày Đền Tội, sau khi vị thượng tế đại diện cho dân thú tội với Thiên Chúa và xin Ngài tha tội, vị thượng tế thả con chiên gánh tội của mọi người chạy vào hoang địa, một biểu tượng đem tội lỗi của mọi người đi nơi khác (xem Lêvi 16:1-34 để hiểu thêm nghi lễ).
Với người Hi Lạp, họ coi thân xác chỉ là phương tiện tạm thời cho Trí và Linh Hồn hiện diện mà thôi. Thân xác còn bị coi là nhà tù giam giữ linh hồn. Vì thế, thân xác không thật sự đáng được quí trọng.
Khi kêu gọi những Kitô hữu Rôma mới gia nhập Giáo hội dâng hiến chính thân xác mình cho Thiên Chúa, Thánh Phaolô muốn đánh tan hai quan niệm sai lầm trên, và khắng định giá trị thân xác con người, nhất là sau khi Đức Kitô đã sống lại.
Anh em linh mục chúng ta đã được thánh hiến toàn vẹn con người (cả xác và hồn) để phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài. Lời thề hứa giữ mình trong sạch, tinh tuyền không hình thành trong trừu tượng, mà cụ thể trong chính mỗi con người anh em chúng ta. Vì “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí” (Rm 8,6).
Cũng trong tư tưởng “hiến dâng”, ta đọc thấy trong Xuất Hành, Aaron được “tấn phong và thánh hiến” để phục vụ Thiên Chúa. (Xh 28,41).
“Tấn phong” nguyên gốc tiếng Do thái, male hay mala, được cha Nguyễn Thế Thuấn chú thích sát nghĩa là: “đặt đầy tay”, nghĩa là những người được thụ phong sẽ nhận lễ vật đặt trong tay họ; sau đó họ hoặc là dâng của lễ đó cho Thiên Chúa, hoặc ban phát cho dân (đọc thêm Xh 29,19-28 để hiểu nghi thức đặt của lễ “dùng cho lễ tấn phong” trong tay tư tế).
Là những linh mục với bàn tay được xức dầu, chúng ta được vinh phúc cầm lấy của lễ thay mặt mọi người dâng lên Thiên Chúa, và sau đó phân phát Lương Thực đời đời cho họ. Như thế, “anh em không biết thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1 Cr 6,19). Trong câu 2, Thánh Phaolô tiếp: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Hai từ “rập theo” và “cải biến” tuy đối chọi nhưng bổ túc cho nhau để cảnh tỉnh chúng ta. Hơn nữa, “tìm kiếm ý Thiên Chúa” là châm ngôn nên thánh của các giáo phụ.
“Rập theo” đời này là châm ngôn của nhiều thần học gia ngay sau Công đồng Vatican II. Khi hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng được công bố, nhiều người nghĩ rằng đã đến lúc phải đem đạo vào đời, đối thoại với đời, hay Thiên Chúa nhập thể để Giáo hội nhập thế. Những khẩu hiệu quá lý tưởng này đã không thuyết phục được linh mục trẻ Josef Ratzinger, người nhìn thấy yếu điểm “đơn sơ” của những thần học gia nhầm lẫn giữa mầu nhiệm nhập thể (Thiên Chúa làm người) và mầu nhiệm Thập Giá (Đức Kitô chết vì thế gian không chấp nhận giáo huấn Ngài). Và lịch sử đã chứng minh là Ratzinger đúng, vì sau 50 năm, nhiều đối thoại tự phát, thiếu kỷ luật đã diễn ra để Đạo chưa hẳn lôi kéo được đời, nhưng Đời đã và đang tục hoá Đạo.
Là linh mục ngày nay, chúng ta hiểu được tâm tư Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha: “Vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần…..Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,14-16).
Nếu không “rập theo”, chúng ta được kêu gọi để “cải biến”. Động từ (Hi Lạp) “cải biến – metamorphoo” được dùng ở đây nói lên sự thay đổi hoàn toàn, không phải để mặc lấy một cái gì mới vốn không là của mình, mà tỏ lộ cái hoàn toàn mới đó chính là mình. Trong Mt 17,2, khi Chúa Giêsu “biến hình – metamorphoo” trên núi, Ngài không chỉ biến dạng bên ngoài, mà sự tinh tuyền-sáng láng các môn đệ chứng kiến chính LÀ Ngài.
Cải biến để trở nên con người thật lúc nào cũng cần thiết và cấp bách trong đời anh em linh mục chúng ta, vì chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng của loài “ốc mượn hồn”, sống nhờ vỏ của người khác. Nói cách khác, ta cần hiểu thật sự: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Điều cản trở chúng ta “hiến dâng” cho Thiên Chúa không gì khác hơn là khi chúng ta “rập theo” mà không biết “cải biến”.
Lễ Mẹ Dâng Mình vào đền thờ nhắc nhở tất cả các linh mục tầm quan trọng của việc hiến dâng trọn vẹn con người (xác và hồn) cho Thiên Chúa để hằng ngày, các linh mục “astare coram te et tibi ministrare – đứng trước Ngài và phụng sự Ngài” (Đệ Nhị Luật 18,5.7 – được trích lại trong kinh nguyện thánh thể II) cho xứng đáng.
Xin Mẹ-Dâng-Mình cầu cho anh em linh mục chúng con. Amen.
CHA J.J. OLIER VÀ MẦU NHIỆM
ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH VÀO ĐỀN THỜ
Gilles Chaillot, pss.
Cha Olier đã chọn ngày lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ làm lễ bổn mạng của Hội Xuân Bích và các chủng viện Xuân Bích vì ngài đã có những kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa, được ngài thổ lộ cho vị linh hướng trong tập nhật ký của ngài. Chính mầu nhiệm Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ đã đánh dấu sự tăng trưởng của ngài trong đời sống thiếng liêng với tư cách là một Kitô hữu và là một linh mục dấn thân trong công cuộc đào tạo hàng giáo sĩ. Vì thế, những ghi chép trong tập nhật ký này sẽ giúp hiểu rõ hơn nhận thức của ngài về chức linh mục.
Điều đầu tiên được Olier thổ lộ trong nhật ký có lẽ xuất hiện vào tháng 4 năm 1642. Ngài đã hứa sẽ lần chuỗi Mân côi mỗi ngày trong một năm kể từ tháng 4 năm 1640 để xin Đức Maria giúp ngài có Chúa Thánh Thần, và ngài cho biết Đức Maria đã ân cần chăm sóc ngài như thế nào để xin điều đó. Nhớ lại kinh nghiệm này, ngài viết: “Vào ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình , Đức Mẹ đã rất muốn hiện ra với tôi trong tâm trí bằng cách nắm tay tôi như nắm tay một đứa con bé nhỏ dưới cánh tay và cầm tay tôi đưa cao lên trời như thể xin lòng thương xót từ Thiên Chúa”(Ms 1,132). Những lời bộc bạch này có vẻ như minh chứng rằng trong việc sùng kính lúc ban đầu vào mầu nhiệm Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ, Olier đã tự thấy mình ngay tức khắc như được Đức Trinh Nữ ấp ủ trong tình mẫu tử một cách cá nhân, cũng giống như Đức Trinh Nữ khi được thân mẫu dâng cho Thiên Chúa.
Chứng từ thứ hai của Cha Olier trong kinh nghiệm của ngài về ngày lễ 21 tháng 11 xuất hiện vào năm 1646 khi ngài suy niệm về mầu nhiệm này. Ngài nói đã nhận được ánh sáng về ý định của Thiên Chúa trong sự kiện Đức Trinh Nữ vào và ở trong đền thờ. Vào ngày hôm đó, ngài tập chú đến tâm hồn thánh thiện của Đức Maria, ngài thấy tâm hồn Đức Maria rạng ngời ánh sáng thiên linh đến nỗi Mẹ được tự do khỏi tất cả ý riêng và hoàn toàn hòa mình trong ý Chúa. Đức Maria có được điều này nhờ thái độ nội tâm hoàn toàn ngoan ngoãn với Thánh Thần Thiên Chúa, cũng như nhờ sự hướng dẫn cần thiết từ bên ngoài. Olier thích chiêm ngắm sự kiện Đức Maria dâng mình qua bài tường thuật truyền thống: “Thiên Chúa cho phép Maria đi một mình lúc ba tuổi lên đền thờ mà không phải dựa vào cha mẹ. Tuy nhiên, Đức Trinh Nữ vẫn đi theo mẹ vì ta phải luôn sống dưới sự hướng dẫn bên ngoài của các thụ tạo, là những bí tích của Thiên Chúa” (Ms 1,132). Tóm lại, từ trong lòng mình Olier cảm nhận tiếng mời gọi mình từ nay hằng ngày tôn vinh mầu nhiệm Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ, dựa vào những thiên hướng nơi Đức Mẹ mà ngài thấy phù hợp với những cam kết trong chức linh mục của mình. Nói cách khác, chúng ta thấy rõ ở đây chiều kích chức linh mục mà theo Olier sẽ được áp dụng cho việc tôn sùng Đức Mẹ Dâng Mình. Định hướng này sẽ được xác định rõ trong những năm sau đó, như phần kế tiếp của nhật ký cho thấy.
Năm 1650 có những sự kiện quan trọng đánh dấu đời sống của chủng viện. Chủng viện được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Gioan tác giả sách Tin Mừng, là mẫu mực của ơn gọi linh mục, và nhân dịp này Olier cũng muốn rằng chủng viện sẽ tôn sùng đặc biệt Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Vào tháng 8, ngôi nhà nguyện của chủng viện được hoàn thành sau một năm thi công. Ngày 19 tháng 11, hai ngày trước lễ Đức Mẹ Dâng Mình, nhà nguyện được Đức Sứ Thần Tòa Thánh chủ sự nghi thức cung hiến hết sức long trọng. Hai ngày sau, tức là ngày 21 tháng 11, trong Thánh lễ đại triều mừng kính mầu nhiệm Đức Mẹ Dâng Mình do Đức sứ thần Bagni chủ tế, tất cả các giáo sĩ hiện diện trong Thánh lễ này lặp lại lời tuyên hứa mà Olier vừa thiết lập. Những ngày tiếp theo, nhiều ghi chép của Olier nhắc đi nhắc lại sự kiện đó như là một việc thực hành mà Đấng sáng lập Chủng viện Xuân Bích tin rằng đã được Đức Maria khích lệ trong viễn ảnh về ơn gọi đào tạo hàng giáo sĩ của ngài. Ngày 23 tháng 11, cử hành Thánh lễ ở nguyện đường Đức Bà, Olier ghi lại: “Sau một vài giây chìm đắm trong suy niệm, Đức Maria mở ra cho tôi thấy những điều ngài bận tâm, ngài cho tôi hiểu bằng cách nào để đi vào đó và để dâng hiến hy lễ thiên linh theo ý chỉ này…” (Ms 8,251). Cũng trong ngày hôm đó, Olier trở lại kinh nghiệm nội tâm mà ngài có được hai ngày trước:
“Ngay vào đêm mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình, cảm tạ lòng từ bi của Đức Trinh Nữ rất thánh vì đã hiện diện tại ngày đại lễ của chúng ta – như nhiều người đã làm chứng rằng họ đã được đánh động cách lạ thường – tôi đã hỏi Mẹ rằng Mẹ muốn gì nơi tôi và tôi có thể làm gì để Mẹ hài lòng. Vì không có điều gì tôi có thể làm để ngài hài lòng, sau khi cho tôi cảm nhận một sự kết hiệp mật thiết, ngài ưu ái nói với tôi rằng: Hãy chuẩn bị cho ta những tâm hồn thanh khiết! Tôi cảm nghiệm rằng điều làm cho ngài hài lòng nhất chính là thấy những tâm hồn thanh khiết phục vụ Con yêu dấu của ngài. Đào tạo những tâm hồn thanh khiết, đó là mục tiêu của nhà nguyện Đức Bà và cũng là mục tiêu của việc đào tạo linh mục”(Ms 8, 251/252).
Như thế, viễn ảnh về chức linh mục được xác định rõ trong lòng sùng kính của Cha Olier đối với mầu nhiệm Mẹ Dâng Mình cùng với việc lặp lại lời hứa giáo sĩ mà Olier vừa thiết lập. Trong năm tiếp theo, viễn ảnh này tiếp tục được đào sâu trong những suy tư về mặt linh đạo và tông đồ của vị sáng lập Chủng viện Xuân Bích. Điều này được nhận thấy rõ qua những trang nhật ký tiếp theo của ngài vào mùa hè năm 1651. Bắt đầu bằng những suy niệm về Đức Maria trong ngày lễ kỷ niệm cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả, ngày 5-8, Đức Mẹ cho Olier hiểu rằng đó là một nơi để phụng thờ Thiên Chúa, để dâng những hy lễ tôn thờ và những lời ngợi khen Thiên Chúa: quả vậy, đó là hành động và thao thức của ngài khi xưa trên dương thế và nay ở trên trời. Tác giả của nhật ký nhớ lại những lối diễn đạt cụ thể về nhân đức thờ phượng này của Đức Maria, bắt đầu bằng việc ngài dâng mình vào đền thờ và sống ở đó “Để thực hành nhân đức này, ngài đã rời khỏi nhà cha mẹ ngay từ lúc ba tuổi để đến sống trong đền thờ giữa những lễ vật và những con vật bị sát tế. Ngài được đưa dẫn đến đây bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã đưa ngài đi trong sức mạnh vượt trên cả tuổi của ngài. Ngài đến như như một lễ vật được thánh hiến cho Thiên Chúa và được dành để ca tụng Thiên Chúa. Ngài cảm thấy vui mừng khi được tiền định trở thành đền thờ của Chúa Giêsu sau khi đã hiểu sứ điệp của Thiên Thần….(Ms 8,281).
Thái độ ấy của Đức Maria – trong đó nhân đức thờ phượng Thiên Chúa đứng hàng đầu và thúc đẩy việc tìm kiếm ơn cứu rỗi cho các linh hồn – là khuôn mẫu mà mọi Kitô hữu phải theo và là mẫu gương mà các Tông đồ bắt chước. Nhân đức thờ phượng của Đức Maria được gợi lên như thế có lẽ nằm trong những suy tư nối dài của ngày 21 tháng 11 năm 1650 về những đòi hỏi tâm linh trong vai trò là đấng sáng lập Chủng viện và Hội Xuân Bích của Olier. Cũng không phải tình cờ, vào ngày 20 tháng 8, khi suy niệm về ơn gọi của Chủng viện và của Hội Xuân Bích, ngài lặp lại những từ ngữ nói về nhân đức thờ phượng của Đức Maria. Ngài viết: “Mối quan tâm chính của chủng viện là thánh hoá các chủng sinh để đời sống ơn gọi của họ được trở nên sung mãn và sẽ gây nên một ảnh hưởng trong hàng giáo sĩ” (Ms 8, 283 và 284). Hơn thế nữa, một thời gian sau, Olier đi hành hương tới Chartres để dâng một cách biểu tượng những chiếc chìa khoá của chủng viện cho Đức Trinh Nữ để nhìn nhận rằng Mẹ là chủ nhà (Ms 9, 291/292).
Vào mùa thu năm 1651, con đường hoàn thiện nội tâm được tiếp tục nơi Cha Olier trong viễn ảnh của mầu nhiệm Đức Mẹ dâng mình. Cơ hội đến với ngài vào Chúa Nhật 29 thường niên, qua vai trò linh hướng cho quý bà Saujon. Ngày hôm đó, ngài xác tín Thiên Chúa mời gọi ngài hướng dẫn bà Saujon tận hiến cho Thánh Thể, như vậy Olier đã trở lại ý nghĩa của một thực hành mà chính ngài đã làm ngày 31 tháng 3 năm 1644 (x. Ms 6,71); phương pháp tiến hành cũng giống với Đức Trinh Nữ Maria khi dâng mình vào đền thờ: “Cũng ngày hôm đó, trong hiến tế cực thánh của Thánh Lễ, Thiên Chúa muốn tôi hiểu rằng Ngài muốn bà Saujon tận hiến cho Thánh Thể vào ngày lễ Đức Trinh Nữ dâng mình vào đền thờ, ngày mà tâm hồn thánh thiện này trình diện trước mặt Thiên Chúa trong một tinh thần Thánh Thể sống động và tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa”(Ms 8,292). Chính trong sự tận hiến trọn vẹn này của Olier mà Đức Maria đã ấp ủ nội tâm ngài suốt cả buổi sáng hôm đó. Kinh nghiệm ân sủng này […] được đào sâu khi đến gần lễ Đức Mẹ Dâng Mình và Olier gặp thấy nơi đây dấu chỉ ơn gọi Kitô hữu của mình là sống sự thánh thiện của Chức tư tế Đức Kitô trong nhân đức thiên linh của Đức Trinh Nữ Maria.
Thầy Chí Thánh cũng cho ngài hiểu rằng, như một Kitô hữu và hơn thế nữa như một linh mục, Olier được mời gọi sống không chỉ trong và bởi Chúa Kitô nhưng cho chính Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, Olier giải thích: “Tôi luôn cảm nhận rằng cũng như các Kitô hữu khác tôi phải sống trong Chúa Giêsu Kitô cho Thiên Chúa và vì Thiên Chúa – viventes Deo in Christo Jesu” (Ms 8,298).
Olier tin rằng mình phải sống sự thánh thiện của chức linh mục của Đức Kitô qua Đức Maria, nơi Đức Maria và dưới sự bảo trợ của Đức Maria. […] Olier giải thích “Đức Mẹ như thể chất vấn tôi và như thể ngài hỏi liệu con tim của tôi có […] sống trong Mẹ một cách duy nhất và hoàn hảo và sở đắc tất cả những gì mà Mẹ muốn tôi sở đắc chỉ trong Mẹ và dưới sự che chở của Mẹ hay không”. Khi được chất vấn về điều đó, ngài chỉ có thể trả lời một cách âm thầm từ tận đáy sâu tâm hồn: “Ôi Tình Yêu của con! Mẹ biết đó, với con ân huệ này không gì có thể sánh ví, khi con có thể yêu trong Mẹ, trong sự thánh thiện toàn vẹn, … trong tất cả những gì đáng yêu đối với Mẹ và tất cả những điều Mẹ mang lấy nơi Mẹ!” Olier nói thêm: “Đức Trinh Nữ có lẽ đã nhắc lại những gì mà Đức Trinh Nữ đã nói trước đây mà tôi vốn không hiểu rõ: ‘Ta ở đâu, ta muốn những người phục vụ ta cũng ở đó (x.Ga 12,26)’” (Ms 8,300 và 301).
Điều còn lại là phải chăng Olier tự biết mình được mời gọi để sống đời thánh hiến của linh mục trong mối hiệp thông đích thực với Đức Trinh Nữ, Đấng đã hứa vời ngài từ lâu. Olier không quên rằng đối với ngài vấn đề không gì khác hơn là sống trong ân sủng của Bí Tích Thánh Thể mà Bí Tích Phép Rửa dẫn tới, dẫu ngài tìm thấy ít tâm hồn Kitô hữu có khả năng thực hiện lời hứa tận hiến cho Thánh Thể. Ngài nhắc lại điều này vào ngày hôm sau, 21 tháng 11, ngày mà ngài đã cho quý bà Saujon tuyên khấn sự tận hiến ấy. Olier ghi lại rằng trong khi cử hành Thánh lễ, ngài đã phó thác cho những ý định của Đức Trinh Nữ … (x. Ms 8,302). Những ghi chép cuối cùng của Olier về kinh nghiệm thiêng liêng của ngài đối với mầu nhiệm Đức Mẹ Dâng Mình làm sáng tỏ một cách hữu ích viễn ảnh này. Sự sùng kính đặc biệt mà ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình gợi lên cho ngài, trong tư cách là linh mục đứng đầu Chủng viện và Hội Xuân Bích, bén rễ sâu trong ơn gọi do bí tích Phép Rửa và ngài chia sẻ điều này với mọi Kitô hữu xứng danh là Kitô hữu.
Tóm lại, những chứng từ thâu lượm được trong nhật ký của Cha Olier cho thấy mầu nhiệm Đức Mẹ Dâng Mình đã trở thành đối tượng cho lòng sùng kính gần như thường nhật của ngài. Có lý do để tin rằng ngay từ đầu, ngày lễ bổn mạng của Chủng viện và của Hội Xuân Bích có lẽ đã mang dấu ấn riêng. Trước tiên, có lẽ phụng vụ của Xuân Bích cũng như phụng vụ chung của ngày lễ 21 tháng 11 múc nguồn cảm hứng sâu xa từ tư tưởng qui Kitô: phần lớn các bài đọc Kinh Thánh trong Thần Vụ và trong Thánh lễ, được chọn lựa để gợi lên thái độ của Đức Maria khi dâng mình vào đền thờ như một cuộc kiếm tìm sự khôn ngoan, rõ ràng mời gọi nhận ra nơi Đức Maria khuôn mặt của Chúa Kitô.
Nhưng cũng thích hợp việc tự hỏi bằng cách nào những định hướng thiêng liêng gợi lên từ phụng vụ này nối kết chức tư tế thừa tác với chức tư tế phổ quát do Phép Rửa. Để trả lời câu hỏi này, một mặt chỉ cần nhắc lại sự lựa chọn về bài đọc trong thánh lễ được trích từ lời khích lệ của Thánh Phaolô đối với giáo đoàn Rôma – “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa” – mà Olier tự qui chiếu mình vào đó, mặt khác là những ơn xin trong 3 lời nguyện: “Lạy Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con niềm vui khi được sống không ngừng trong sự hiện diện của Chúa để chúng con theo gương mẫu Đức Trinh Nữ trở thành những đền thờ sống động của Thánh Thần Chúa…. Xin cho chúng con hiến dâng chính thân mình thành hy lễ đẹp lòng Chúa… Xin làm cho chúng con có khả năng tiếp tục đáp lại lời mời gọi của Chúa và sứ vụ của Chúa như Đức Trinh Nữ”.
(Phỏng theo Gilles Chaillot, Aux sources des liturgies mariales propres à Saint-Sulpice: L’expérience personnelle de J.J.Olier in Bulletin de Saint Sulpice, Revue annuelle sur la formation des prêtres, Paris, 2003)
Giuse Nguyễn Xuân Phong (Triết II) dịch
Mẹ đến thăm con
Mẹ đến thăm con, một
buổi chiều
Lặng lẽ bên thềm phiến
nắng xiêu
Bước nhẹ… dường như
con chẳng biết
Chỉ thấy hoa rung thật mỹ miều
Và dạt dào phút ấy ân thiêng
Gió thoảng hương thơm mãi một miền
Dưới ánh hoàng hôn, con chợt thấy
Tà áo thiên thanh của Mẹ hiền
Cùng Mẹ, con dâng trọn cuộc đời
Rao giảng Lời Lành đến nơi nơi
Cho mảnh hồn thơ tràn phúc cả
Bởi ánh linh quang thật rạng ngời.
Vân Du
LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2012:
LINH MỤC VÀ CON ĐƯỜNG TÂN PHÚC ÂM HÓA
Phêrô Võ Xuân Tiến, pss.
Năm Đức Tin, Cánh Cửa Đức Tin luôn mở! Đó là thời gian ân sủng mà Đức Bênêđictô XVI muốn cho mọi con cái trong Giáo Hội bước vào « đời sống hiệp thông với Thiên Chúa » (Porta Fidei, số 1), nhằm « tái khám phá hành trình đức tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ được gặp gỡ với Chúa Giêsu » (số 2) và để « thông truyền đức tin » bằng đời sống chứng tá yêu thương.
Lễ Đức Mẹ Dâng Mình năm nay được lồng vào biến cố chung này của Giáo Hội và cũng là cơ hội cho anh em cựu sinh viên Xuân Bích đào sâu và đổi mới đức tin của mình vào Chúa theo gương Đức Mẹ. Đặc biệt, đây là cơ hội để nhìn lại con đường Tân Phúc Âm Hóa trong đời sống đức tin của linh mục mà Tông huấn Pastores dabo vobis đã nhấn mạnh.
Nguồn gốc và ý nghĩa của vấn đề Tân Phúc Âm Hóa
Một thuật ngữ để diễn tả rõ nét nhất mục đích này của Năm Đức Tin, và là một thuật ngữ được dùng rất nhiều trong thời gian qua, đó là «Tân Phúc Âm Hóa», thuật ngữ được dùng lần đầu tiên bởi Đức Gioan-Phaolô II trong chuyến tông du Ba Lan vào năm 1979. Quả thế, trong buổi gặp gỡ với giới công nhân của thành phố Nowa Huta, ngày 9.6.1979, Đức Gioan-Phaolô II đã nói : «Cây thập giá mới bằng gỗ đã được treo lên cách đây không xa, trong suốt những cuộc cử hành kỷ niệm thiên niên kỷ. Cùng với thập giá này, chúng ta đã nhận được một dấu chỉ, dấu mà ở ngưỡng cửa của ngàn năm mới…Tin Mừng một lần nữa được loan báo. Một cuộc Tân Phúc Âm Hóa đang được bắt đầu, như thể đó là một cuộc loan báo thứ hai, cho dầu trên thực tế đó vẫn luôn là một cuộc loan báo.» [1]
Thật ra, trong chuyến tông du Ba Lan năm 1979, Đức Gioan-Phaolô II đã dùng hai thuật ngữ cùng một lúc mà không có sự phân biệt : «Tân Phúc Âm Hóa» (nouvelle évangélisation) và «Tái Phúc Âm Hóa» (ré-évangélisation). Thế nhưng, trong Diễn văn cho hội nghị lần thứ XIX của CELAM, tại Port-au-Prince, ngày 9.3.1983, số 3, Đức Gioan-Phaolô II dường như đã bắt đầu có sự phân biệt rõ giữa chúng : «Việc kỷ niệm 500 năm loan báo Tin Mừng (tại Mỹ châu La-tinh) sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu đi kèm với hành động dấn thân của quý chư huynh giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa (re-evangelización), mà là tân phúc-âm-hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả.»[2]
Tuy nhiên, hai thuật ngữ này vẫn còn tiếp tục được tìm thấy đặt gần nhau trong Thông điệp «Redemptoris missio» (7.12.1990) của ngài mà không có sự phân biệt (số 33). Trong số này, xem ra chúng được phân biệt với thuật ngữ «Phúc Âm Hóa» (évangélisation), được hiểu như là sứ mạng đến với muôn dân (ad gentes), còn chúng lại được áp dụng cho trường hợp «các nước thuộc truyền thống Kitô giáo xưa nhưng đôi khi cũng gồm cả các Giáo Hội còn non trẻ hơn,[3] trong đó cả những người đã chịu Phép Rửa nhưng đã đánh mất ý thức đức tin sống động hay đi đến chỗ không còn nhận mình như là những thành viên của Giáo Hội nữa, bằng cách sống một cuộc sống xa rời với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Trong trường hợp này, cần phải có một «cuộc Tân Phúc Âm Hóa» hay một «cuộc Tái Phúc Âm Hóa». Đức Bênêđictô XVI tiếp nối đường hướng này của Đức Gioan-Phaolô II khi triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục để suy tư về vấn đề Tân Phúc Âm Hóa trong đời sống Giáo Hội hôm nay.[4]
Tân Phúc Âm Hóa, một vấn đề thời sự
Ngày nay, thuật ngữ «Tái Phúc Âm Hóa» xem ra càng ngày càng ít được dùng hơn (phải chăng là do nó có thể gây hiểu lầm rằng việc Phúc Âm hóa trước đây chưa đầy đủ, còn thiếu sót hay thậm chí là sai lầm, nên giờ đây cần được «tái Phúc Âm hóa» ?), đang khi thuật ngữ «Tân Phúc Âm Hóa» trở thành một kiểu nói được dùng rất phổ biến và rộng rãi. Thượng Hội Đồng Giám Mục về «Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo» là một bằng chứng. Trong Sứ điệp chung cuộc gởi dân Chúa, thuật ngữ «Tân Phúc Âm Hóa» như một điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần, đang khi thuật ngữ «Tái Phúc Âm Hóa» không được dùng đến, dù chỉ là một lần.
Giáo Hội đánh dấu bước khởi đầu của Năm Đức Tin bằng một biến cố quan trọng là cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về «Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo», diễn ra từ 7-28.10.2012. Xem ra biến cố này không phải là một sự tình cờ ngẫu nhiên, nhưng là một bước khởi động cho Năm Đức Tin, trong đó Giáo Hội ý thức về sứ mạng phục vụ Thiên Chúa và con người của mình, và đồng thời qua đó Giáo Hội huy động mọi nguồn năng lực và nhân lực nội tại để tìm ra những đường hướng tốt đẹp nhất giúp người Kitô hữu đổi mới và sống niềm tin vào Chúa và con người: con đường Tân Phúc Âm Hóa. Con đường này được mô tả như là «mới trong sự nhiệt thành, trong các phương pháp, trong những lối diễn tả ».[5]
Tuy nhiên, như ĐHY Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân, lưu ý việc Tân Phúc Âm Hóa này, đối với đức Bênêđictô XVI, không chỉ liên quan đến cái chúng ta làm mà thôi, nhưng trước hết nó liên quan đến cái chúng ta là, liên quan đến khía cạnh hữu thể: cách thức mới mẻ là người Kitô hữu, là Giáo Hội, trong đó Chúa Kitô chiếm chỗ trung tâm trong đời sống chúng ta.[6] Điều đó cho thấy rằng việc Tân Phúc Âm Hóa, trước khi là một bước đi ra (ad extra) đến với muôn dân (ad gentes), đã là một bước quay trở về (ad intra) với những người con của Giáo Hội và nhất là quay về với chính bản thân để hoán cải và đổi mới niềm tin vào Chúa cũng như củng cố mối liên hệ hữu thể này. Bước khởi đầu của đức tin, bước khởi đầu trên con đường Tân Phúc Âm Hóa không phải là những chiến dịch này hay chiến dịch kia, nhưng là một hành vi trở về với Chúa để được đổi mới.[7] Chính vì thế, Sứ điệp chung cuộc của THĐ Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa đã nhấn mạnh đến «hai lối diễn đạt của đời sống đức tin…trong việc Tân Phúc Âm Hóa» này (số 12), hai chiều kích của việc Tân Phúc Âm Hóa mà chúng ta có thể tóm tắt trong kiểu nói «người của Chúa» (chiêm niệm, cầu nguyện) và «người của con người» (bác ái, phục vụ người nghèo). Trong Tự sắc Porta Fidei để loan báo Năm Đức Tin, Đức Bênêđictô XVI đã cảnh giác trước sự kiện «thường xảy ra rằng các Kitô hữu chủ yếu quan tâm đến những hậu quả xã hội, văn hóa và chính trị của sự dấn thân của mình, tiếp tục suy nghĩ đức tin như là một điều tiền giả định hiển nhiên của việc sống chung…», đang khi mà trên thực tế, đức tin Kitô giáo ngày nay không còn được đón nhận như thế nữa trong xã hội, do sự «khủng hoảng đức tin» nơi nhiều người (số 2). Khẳng định như thế, đối với Đức Thánh Cha, xem ra điều quan trọng của việc Tân Phúc Âm Hóa hiện nay là khôi phục lại chiều kích đức tin và đổi mới nó nơi dân Chúa, nơi tâm hồn con người và mỗi người trước tiên, trước khi nghĩ đến dấn thân xã hội. Vấn đề sâu xa của nền thần học giải phóng là ở chỗ nó quá bận tâm đến vấn đề xã hội hay chiều kích xã hội của đức tin mà quên đi chính chiều kích đức tin của vấn đề xã hội, thậm chí chỉ tìm giải pháp cho vấn đề xã hội nơi các ý thức hệ bên ngoài và ngược với những giá trị của Tin Mừng. Chính vấn đề «sa mạc hóa tinh thần» này nơi xã hội, tức là sự vắng bóng hay khước từ Thiên Chúa, mà Đức Bênêđictô XVI đã thiết lập Năm Đức Tin, không phải chỉ riêng cho Châu Âu nhưng liên quan đến mọi người, nhằm giúp, trước tiên cho người Kitô hữu, tái khám phá vẻ đẹp của đức tin, đổi mới đức tin, cử hành đức tin và sống đức tin, ý thức rằng đức tin phải là yếu tố quyết định và bao trùm cả cuộc sống.[8] Thật ý nghĩa khi cuộc hội ngộ của các cựu sinh viên Xuân Bích được diễn ra trong bầu khí thiêng liêng đó. Nó như mời gọi mỗi người nhìn lại con đường Tân Phúc Âm Hóa trong ơn gọi của mình.
Con đường Tân Phúc Âm Hóa, con đường nên thánh
Thật vậy, lễ Đức Mẹ Dâng Mình và lễ Giỗ Tổ Xuân Bích năm 2012 nằm trong «bầu khí đức tin» này. Đó là cơ hội cho mọi người sống và làm mới tình huynh đệ và tình thầy trò trong đức tin, và nhất là một lần nữa sống và làm mới lại cái giây phút đức tin «xin vâng» dâng mình cho Chúa của Đức Maria và giây phút đức tin chọn Chúa làm phần gia nghiệp. Nói cách khác, lễ Đức Mẹ Dâng Mình mở ra cho các cựu sinh viên Xuân Bích và mọi người cơ hội thể hiện cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Giáo Hội mong muốn. Nhắc lại những vấn đề xưa và nay của vấn đề Tân Phúc Âm Hóa không phải chỉ để đánh dấu một sự kiện, nhưng còn là một lời mời gọi nên thánh qua con đường Tân Phúc Âm Hóa trong giây phút hiện tại. Nói cách khác, làm thế nào con đường Tân Phúc Âm Hóa mà Giáo Hội hoàn vũ đang kêu gọi có thể được cụ thể hóa trong đời sống ơn gọi của mỗi người chúng ta, trong các cộng đoàn và các giáo xứ mà chúng ta phục vụ? Sứ điệp Tân Phúc Âm Hóa phải chăng không giúp chúng ta ý thức mãnh liệt hơn về một sự năng động thiêng liêng đối với những gì cần phải đổi mới trước những lời nhận định của HĐGM Việt Nam về hoàn cảnh Giáo Hội và xã hội Việt Nam hôm nay? [9]
Quam pulchré graditur! Đẹp thay những bước chân Tân Phúc Âm Hóa, những con người, như Đức Mẹ, trong đức tin, tiến về cửa đền thờ, cửa đức tin, để gặp gỡ «Vua trời cao», để được đổi mới, để được khơi lên ngọn lửa mới, nhiệt huyết mới, dấn thân mới, cam kết mới, để một lần nữa đặt Chúa làm gia nghiệp, để một lần nữa mở ra cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở trung tâm của đời sống đức tin của mỗi người. Và đó cũng chính là xác tín của Tông huấn Pastores dabo vobis khi nhắc đến việc thường huấn linh mục như là thể hiện «nhiệm vụ cấp bách» của việc Tân Phúc Âm Hóa (số 70) được thể hiện cách cụ thể qua bốn chiều kích đào tạo.
Linh mục và con đường Tân Phúc Âm Hóa theo Pastores dabo vobis
Quả thế, Tông Huấn khẳng định : « Việc thường huấn là một đòi hỏi nội tại của ân huệ linh mục…nó tỏ ra luôn cần thiết, trong mọi lúc. Tuy nhiên, ngày nay, nó đặc biệt cấp bách, không chỉ do những biến động nhanh chóng của các điều kiện xã hội và văn hóa của con người và của các dân tộc trong đó thừa tác vụ linh mục được thực thi, nhưng còn vì ‘cuộc Tân Phúc Âm Hóa’ này tạo ra một nhiệm vụ cấp bách của Giáo Hội vào cuối thiên niên kỷ thứ hai này» (số 70).
Tông huấn Pastores dabo vobis sử dụng 9 lần thành ngữ «Tân Phúc Âm Hóa» và qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của con đường này trong các chiều kích đào tạo linh mục: nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ, cũng như đặt vấn đề đào tạo linh mục trong đường hướng Tân Phúc Âm Hóa này.
Trước tiên, Tông Huấn khẳng định rằng con đường Tân Phúc Âm Hóa «cần những nhà tân Phúc Âm hóa» (số 82), và các linh mục phải là «những nhà tân Phúc Âm hóa đầu tiên» (số 2) và là những con người «xác tín đối với công cuộc Tân Phúc Âm Hóa» (số 10), tức là những con người «sống thiên chức linh mục như là một con đường nên thánh» (số 82), trong việc nên giống Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử, nên giống Chúa Kitô trong «đức ái mục tử» (xem các số 15.21-23). Như thế, đối với những ai đang sống ơn gọi linh mục, con đường Tân Phúc Âm Hóa là con đường nên thánh. Nên thánh trong bản chất ơn gọi của mình và nên thánh trong chính công việc mục vụ. Con đường này đặt người linh mục trong một «tiến trình hoán cải liên lỉ» để «trung tín với thừa tác vụ linh mục» và với «chính hữu thể của mình» (số 70).
Dĩ nhiên, «nhiệm vụ ưu tiên» Tân Phúc Âm Hóa liên quan đến mọi tín hữu, nó đòi hỏi «một nhiệt huyết mới, những phương pháp mới và một ngôn ngữ mới để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng» (số 18). Tuy nhiên, công cuộc Tân Phúc Âm Hóa đòi hỏi các linh mục, trong chiều kích thiêng liêng và nhân bản, «phải hoàn toàn đắm mình trong mầu nhiệm của Chúa Kitô và có khả năng thực hiện một nếp sống mục vụ mới, được nổi bật bằng sự hiệp thông sâu xa với Đức Giáo Hoàng, các giám mục và giữa các linh mục, và bằng sự cộng tác phong nhiêu với giáo dân, trong sự tôn trọng và thăng tiến các vai trò khác nhau, những đặc sủng và những thừa tác vụ giữa cộng đoàn Giáo Hội» (số 18). Mặt khác, trong cuộc Tân Phúc Âm Hóa, người linh mục, trong chiều kích mục vụ, cũng phải đắm mình trong «kinh nghiệm về một Giáo Hội được mời gọi ‘Tân Phúc Âm Hóa’ qua sự trung tín với Chúa Thánh Thần…và theo những khát vọng của thế giới lìa xa Chúa Kitô nhưng đang cần đến Ngài, cũng như kinh nghiệm về một Giáo Hội luôn liên đới hơn với con người…trong việc bảo vệ phẩm giá nhân vị và các quyền của con người…» (số 9).
Phương tiện cần thiết để người linh mục đạt tới cuộc Tân Phúc Âm Hóa này là sức mạnh biến đổi và sáng tạo của Lời Chúa, vì «hiểu biết Lời Chúa là điều kiện cần thiết cho cuộc Tân Phúc Âm Hóa» (số 47). Chính trong Lời Chúa và các Bí Tích mà người linh mục được đắm mình cách sâu xa nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô và cũng chính việc gần gũi với Lời Chúa sẽ giúp mở ra con đường hoán cải bản thân, không chỉ qua việc từ bỏ sự dữ và gắn bó điều thiện, nhưng còn giúp cho các tư tưởng của Thiên Chúa lớn lên (x. số 47). Chính như thế mà Tông Huấn nói đến một «mối liên hệ hữu thể» của dân Chúa nói chung (số 13) và của người linh mục nói riêng (số 11, 72) với Chúa Kitô. Việc tiếp xúc với Lời Chúa như thế giúp làm cho đức tin trưởng thành, một «đức tin hành động nhờ đức ái» (Gl 5,6) như là « tiêu chí phán đoán và đánh giá con người và sự vật, những biến cố và những vấn đề » (số 47).
Bên cạnh những phương tiện đạt tới những chiều kích thiêng liêng, nhân bản và mục vụ đó trên con đường Tân Phúc Âm Hóa, Tông huấn còn cho thấy một chiều kích trí thức hoàn toàn gắn liền với chúng và là một đáp ứng quan trọng cho những thách đố mà việc Tân Phúc Âm Hóa đặt ra: «Đào tạo trí thức cho các ứng viên linh mục tìm thấy sự biện minh đặc thù của nó trong chính bản chất của thừa tác vụ linh mục, và thách đố của «cuộc Tân Phúc Âm Hóa» mà Chúa mời gọi Giáo Hội ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba làm cho nó càng cấp bách hơn hôm nay» (số 51). Đây là một chiều kích giúp càng ngày càng gắn bó với Chúa hơn và giúp loan truyền Tin Mừng của Chúa Kitô cách hữu hiệu hơn. Quả thế, «qua việc học hành, nhất là thần học, người linh mục tương lai gắn bó với Lời Chúa, lớn lên trong đời sống thiêng liêng và sẵn sàng thực thi thừa tác vụ mục tử» (số 51).
« Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con » (Tv 15 (16), 5)
Thay cho lời kết, không gì đẹp hơn là nhắc lại lời Thánh vịnh trên đây. Truyền thống Xuân Bích thường lặp lại lời tuyên xưng đức tin này trong ngày lễ quan thầy của mình là lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh (21.11). Thật ý nghĩa khi cha Jean-Jacques Olier, đấng sáng lập Hội Linh Mục Xuân Bích, muốn áp dụng lời Thánh vịnh trên đây trước tiên cho chính Đức Maria và muốn các con cái của mình noi gương Đức Maria, Mẹ của các linh mục, hiến thân phụng sự Chúa và chọn Chúa làm gia nghiệp. Cha Olier là người có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt đến độ ngài đã có một «lời khấn tôi tớ» cho Đức Maria, trong ý nghĩa muốn thuộc trọn về Mẹ và thuộc trọn về Chúa Kitô hơn. Ngài luôn nêu lên sự kết hiệp mật thiết của Chúa Giêsu với Đức Mẹ: «Ôi Chúa Giêsu, sống trong Mẹ Maria», và sự kết hiệp này luôn được cha Olier dùng làm mẫu gương cho các linh mục trong Hội cũng như cho những ai mà Hội có nhiệm vụ phục vụ. Đức Maria quả là mẫu gương đức tin trên con đường Tân Phúc Âm Hóa: «Chẳng phải Mẹ là người đầu tiên đã phó thác cho Chúa Thánh Thần, người đầu tiên đã hiệp thông với các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, người đầu tiên đã chia sẻ cách sâu thẳm đà hướng về Cha của Ngài sao?»[10]
Khởi đầu con đường Tân Phúc Âm Hóa là khởi đầu lại từ xác tín này: «Chúa là phần gia nghiệp của con», «Lời Chúa là ánh sáng soi cho con đi », là sống lại đức tin và niềm vui dâng hiến của Đức Maria và cũng là đức tin và niềm vui mang Chúa đến cho mọi người. Tông huấn Verbum Domini nhấn mạnh: «Thời đại chúng ta phải ngày càng là thời đại của việc tái lắng nghe Lời Thiên Chúa và một cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Tái khám phá đặc tính trung tâm của Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu làm cho chúng ta cũng tìm lại được ý nghĩa sâu xa nhất cảu điều mà Đức Gioan-Phaolô II đã mạnh mẽ nhắc lại : tiếp tục missio ad gentes và ra sức bắt tay vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa…» (số 122). Ra sức bắt tay vào cuộc Tân Phúc Âm Hóa, trong ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình này, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Maria, «nơi hoàn tất tương giao hỗ tương giữa Lời Thiên Chúa và đức tin» (số 27), để cùng với «người Trinh Nữ lắng nghe» (số 27), chúng ta «để cho Lời Chúa biến đổi chúng ta», «để cho Thiên Chúa nhào nắn chúng ta» (số 28) nên những người tân Phúc Âm hóa cho thế giới và con người hôm nay.
Đức tin của một linh mục
Lm. Phêrô Mi Trầm
Khi đọc đầu đề trên đây, có thể có người tò mò muốn xem ông linh mục tin Chúa như thế nào? Chắc là ghê gớm lắm. Niềm tin của một linh mục, đó là niềm tin của tôi, tác giả bài viết ngắn này.
Tôi sinh ra ở làng Cồn Sẻ, miền sông nước bao quanh, như giáo xứ Ngọc Thủy mà tôi đang làm quản xứ.
Giai đoạn 1: Đức tin của tôi là đức tin của cha mẹ, của
xứ đạo toàn tòng
Làng tôi có đạo cả làng nên tôi được rửa tội từ rất sớm, ngay khi tôi được sinh ra. Tôi có đức tin mạnh mẽ hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết là mình có giúp lễ ở nhà thờ, học giáo lý, chắc là ít lắm, ở bậc cấp trước nhà thờ. Tôi đã chạy trốn máy bay khi đang ngồi học giáo lý vì sợ Tây nó bắn…; và tôi đã được xưng tội rước lễ tại Giáo xứ.
Vào miền Nam, tôi ở giáo xứ Tân Bình, Cam Ranh, vẫn giữ đạo, đi lễ mỗi buổi sáng, đọc kinh hơn là cầu nguyện vì tôi đâu biết cầu nguyện là gì. Tôi vào Nghĩa Binh Thánh Thể. Tôi lần chuỗi để làm sổ kho thiêng liêng. Tôi lần chuỗi hai tay cùng lúc. Như thế, nếu lần được một chuỗi thì tôi tính thành hai chuỗi, vì tôi lần hai tay. Tôi không có ý ăn gian vì tôi nghĩ như thế là được nhiều chuỗi dâng kính Đức Mẹ.
Và rồi tôi thi vào Tiểu Chủng viện Sao Biển, Nha Trang.
Một buổi sáng kia, tôi đang chơi bi quanh nhà thờ. Có hai anh lớp Sáu lên xin giấy để đi tu. Tôi lúc đó mới học hết lớp Năm. Cha Nghĩa nhìn ra thấy tôi, ngài kêu vào và hỏi tôi có muốn đi tu không để ngài làm giấy. Tôi hỏi đi tu là gì thì ngài trả lời đi tu là đi học làm cha, học ở Nha Trang, cách làng Tân Bình của tôi 32 cây số. Khi đóng xong con dấu, Cha Nghĩa bảo tôi dấu của con đỏ nhiều, chắc con sẽ thi đậu. Và đúng thế. Tôi đã đậu vào Tiểu Chủng viện cùng với một anh bạn, còn hai anh lớn không đậu, có lẽ vì lớn tuổi.
Vào sống ở Tiểu Chủng viện, tôi sung sướng lắm, không phải vì được ở gần Chúa hơn đâu vì tôi chưa biết gì nhiều, nhưng vì sướng hơn ở nhà. Ở đây, có sân bóng chuyền, vừa mặc áo dài đen vừa chơi mà vẫn vui, tuy mồ hôi làm rướm áo. Ở đây có bàn pingpong. Bàn tốt thì các anh lớn độc quyền. Nhỏ như chúng tôi thì phải biết phận, chọn bàn cũ, sâu như cái thung lũng vì lâu ngày, ván bị hở và oằn. Chúng tôi lấy hai hòn gạch để hai bên, căng lưới rách, lấy vải vụn làm trái pingpong và chơi rất hồn nhiên. Vui ơi là vui… Ở đây, có điện nước, có chiếu phim mỗi tháng, có va ly riêng để quần áo rồi cất dưới giường của mình…
Ở Chủng viện, sáng có nguyện gẫm trước lễ, tối có lần chuỗi ngoài trời, quanh sân chơi. Tôi làm mọi chuyện như các bạn khác, ít lỗi luật… còn đức tin thì không có vấn đề gì, vì tôi chỉ biết học và giữ luật của Chủng viện.
Giai đoạn 2: Đức tin của tôi không có vấn đề là nhờ ảnh
hưởng của người khác
Phải nói thật là tôi chưa có khủng hoảng đức tin, không phải vì tôi đã hiểu Chúa, nhưng có thể vì tôi không có chuyện gì để đặt lại vấn đề đức tin.
Khi học thần học, nếu gặp điều gì mình không hiểu thì tôi chỉ nghĩ thế này: Giỏi như Thánh Augustinô mà đâu hiểu được Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; giỏi như các Đức Giáo hoàng mà các ngài vẫn giữ đạo vững mạnh, có đấng lại tử vì đạo nữa…; Mai Tính có là gì mà phải băn khoăn. Cứ tin và tôi tin thật, không ưu tư gì về đức tin. Tôi thích đọc các gương nhân đức, các gương nghị lực đạo đời và tôi luôn sống tích cực trong khả năng nhỏ bé.
Giai đọan 3: Đức tin đời linh mục
Tôi hỏi một anh bạn Tây lai: Sao bên Tây sướng thế mà chú mày lại đi tu làm linh mục? Hắn chu mỏ trả lời: “Vì tôi yêu mến Đức Kitô.” Xin chào thua anh Tây lai! Và tôi vẫn hay nhắc lại câu này cho giáo dân của tôi. Thánh Phaolô viết: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12) và đó cũng là câu chủ điểm cho Năm Đức Tin: Tôi biết tôi tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa. Với niềm tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống tích cực hơn, sẽ sống tốt hơn.
Để kết hợp với Đức Kitô, chúng ta phải cầu nguyện. Tôi đã lên mạng để tìm hiểu định nghĩa về sự cầu nguyện và người ta nói rất nhiều, rất dài, rất lý thuyết. Định nghĩa cầu nguyện của tôi rất đơn sơ, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm nữa: “Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, là nhớ đến Chúa.”
– Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, coi Chúa như một người bạn để tâm sự, để nói chuyện. Trong một bài thi vấn đáp, cha giáo người Ý dạy ở Xuân Bích Huế hỏi tôi, theo thầy, Đức Kitô là ai? Tôi trả lời rất sách vở, vì mới học mà! Cha giáo không chịu. Tôi sực nhớ có lần ngài nói chúng ta phải coi Chúa như một người bạn thì ta mới gần ngài được và tôi trả lời Đức Kitô là một người bạn và ngài OK liền.
– Cầu nguyện là nhớ đến Chúa: Tôi lái xe ngoài đường, áo bỏ vô quần, đàng hoàng, nhiều người coi tôi như một người đứng tuổi, có thể không nhận ra tôi là linh mục. Tôi có thể lạng lách cho đời nó tươi. Ai biết. Tôi có thể chọc ghẹo người xung quanh. Ai biết. Nhưng tôi phải nhớ, tôi là linh mục của Chúa, tôi phải giữ tác phong linh mục và tôi đã không làm những chuyện vừa nêu trên. Như vậy, việc Chúa nói phải cầu nguyện mọi lúc mọi nơi thì có gì là khó đâu. Nói với Chúa lúc nào chỗ nào mà chẳng được. Nhớ đến Chúa thì nhớ lúc nào mà chẳng được, quá ư là dễ… để sống Lời Chúa và gần Chúa.
Đức tin của người linh mục như tôi thì thật đơn giản: Tin trong niềm tin của cha mẹ, tin trong thế giá của những người nhân đức và thông thái, và rồi sống đạo, cầu nguyện theo phong cách riêng của mình là nói chuyện với Chúa lúc vui buồn, và nhớ đến Chúa mọi lúc mọi nơi… Làm được thế, tôi nghĩ chúng ta sẽ vững đức tin và vui sống.
Lạy Chúa, con viết như thế có vẻ gì cao ngạo lắm không? Nếu Chúa thấy con hơi hơi bay lên cao thì nhắc cho con để con hạ cánh. Con quá biết lời Chúa nói “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống…”. Chỉ có sự khiêm nhường mới giúp con gần Chúa, vững đức tin và trung thành với đời linh mục. Amen.
– Ngày khai mạc Năm Đức Tin cấp Giáo phận 18.10.2012-
PHỎNG VẤN
Từ 28.10 đến 31.10.2012, chủng sinh đoàn ĐCV Huế tĩnh tâm năm dưới sự hướng dẫn của Cha Phêrô Đặng Xuân Thành, đến từ ĐCV Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên tranh thủ phỏng vấn ngài.
– Chào Cha. Tối qua Cha ngủ ngon không ạ?
– Cám ơn thầy, tôi đã hưởng được một giấc ngủ thật sâu tối hôm qua.
– Hình như đây là lần đầu tiên Cha đến ĐCV Huế? Xin Cha cho biết cảm nghĩ ban đầu của Cha về khung cảnh và con người ở đây.
– Đến một cách chính thức và được chia sẻ cuộc sống với anh em thì đúng đây là lần đầu tiên. Có thể nói cách vắn tắt, tôi cảm thấy thật an bình khi đến đây. Cứ ở lại đây thêm một ngày, tôi lại thấy cảm giác ấy tăng lên. Có thể do trong khung cảnh ở đây đã có sự hài hòa. Chẳng hạn là một cơ sở ở trong thành phố, nhưng lại có dáng dấp của những ngôi nhà ở nông thôn: bên cạnh dòng sông, giữa bao nhiêu cây cỏ. Là một công trình kiến trúc dành cho tập thể và vì thế, cần được phân phối cách khoa học: mặt trước và mặt sau, nhà giữa và các nhà hai bên.., nhưng không thiếu những sự phá cách của những nhà tư như những tượng đài thánh nhân và danh nhân, những kiosque lợp lá, những phiến đá biểu tượng, những chậu cảnh, những bồn cỏ rải rác đây đó… Nhưng nhất là do cũng có sự hòa điệu không kém lý thú nơi những con người đang sống ở đây: bên cạnh cha Mẫn, cha Hoan “thất thập cổ lai hy”, còn có nhiều cha trong độ tứ tuần; bên cạnh những anh em nói giọng Huế trầm bổng đôi khi tới mức điệu bộ, còn có những anh em nói giọng Quảng rất cứng tới mức “xóc óc”… Đặc biệt, là bầu khí của các cuộc cử hành phụng vụ: trang nghiêm mà không cứng nhắc, nhẹ nhàng mà không khinh suất.. Cuối cùng, sau khi khám phá các khuôn mặt đa dạng và các sinh hoạt sống động ấy, người ta lại có dịp chùng lòng xuống không phải để thư giãn, mà để tập đi dần vào một thế giới khác, khi đứng trước nghĩa trang nhỏ bé đằng sau phía đầu nhà nguyện, tập trung các bề trên giáo phận, các linh mục thừa sai trong ban đào tạo, các chủng sinh và cả các giáo dân đã một thời sinh sống tại chủng viện, trong những ngôi mộ vô cùng giản dị nhưng rất nghĩa tình ; và giữa hằng chục ngôi mộ ấy nổi bật nhất vẫn là ngôi mộ của cố Cả hay cha Cadière …
– Được biết đã từ lâu Cha có duyên với nghiệp “trồng người”, và hiện nay Cha cũng đang làm công tác đào tạo. Xin Cha giới thiệu đôi nét về ĐCV Hà Nội và cách riêng về những vui buồn của Cha trong sứ vụ mà Cha đảm nhận.
– Nếu tính thời điểm chính xác đại chủng viện được đặt tại nơi nó đang tọa lạc thì ĐCV Hà Nội có tuổi đời trẻ hơn ĐCV Huế rất nhiều (chỉ từ năm 1973 ĐCV Hà Nội mới được tổ chức tại nơi nó đang tọa lạc hiện nay – số nhà 40 phố Nhà Chung, Hà Nội, đang khi đó ĐCV Huế đã có mặt tại địa chỉ này từ năm 1866, dù đã một vài lần phải chuyển đi nơi khác). Thế nên, trong lúc tuổi đời còn non kém, mà lại phải gánh một gánh nặng quá lớn (làm sao cung cấp lượng linh mục càng lớn càng tốt cho không chỉ vài ba mà là tám giáo phận để đáp ứng nhu cầu quá cấp bách của Giáo Hội miền Bắc ?), nên ĐCV Hà Nội hiện nay hẳn phải có nhiều điều “đáng bàn lại và tổ chức lại”, không những cho kịp với tình hình xã hội và Giáo Hội hiện tại, mà còn cho đúng với Quy Chế Đào Tạo Linh Mục Giáo Phận vừa được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức ban hành cách đây không lâu. Nói cách khác, ĐCV Hà Nội hiện nay phải làm một công đôi việc: vừa làm vừa sửa, vừa giải quyết các nhu cầu trước mắt vừa đón đầu các đòi hỏi tương lai. Đứng trước sự việc ấy, những người đang trực tiếp làm công tác đào tạo không thể không lo lắng. Có lúc tôi cũng bị cám dỗ bỏ cuộc như Êlia khi nhìn thấy đường xa tới mức mờ mịt mà số người đồng hành chẳng được nhiều là bao ! Thế nhưng, chỉ cần ngồi yên lặng một chút và nhắm mặt lại nhớ tới những tấn gạo bà con giáo dân quyên góp, những con mắt mỏi mệt vì chờ đợi thánh lễ của những tín hữu miền xa, những hỏi han thắc mắc thật ngô nghê của bao nhiêu bạn trẻ và cả những người lớn, những mái đầu cắm cúi học tập của các chủng sinh, những tiếng nói lạc giọng của các cha trong ban đào tạo sau mấy tiết dạy liên tiếp, những kỳ vọng của các bề trên giáo phận về một lớp người cộng sự mới… Từng ấy cũng đủ để xốc tôi đứng dậy, ngồi vào bàn và làm việc tiếp, dù đã hơn 20 năm đứng lớp cho các tu sĩ và chủng sinh.
– Chúng con rất thích những gợi ý xung quanh đề tài “Cùng với Giáo Hội trở về nguồn mạch đức tin” mà Cha giúp chúng con mấy ngày qua. Đức tin thật quan trọng cho mọi người. Cha nghĩ đức tin quan trọng cách riêng thế nào cho các chủng sinh, so với những người khác trong Giáo Hội ạ ?
– Thật ra, chỉ trong tư cách là một kitô hữu trưởng thành thôi, các chủng sinh đã phải thấy đức tin thật là quan trọng. Vì khi tin vào một con người – mà con người ở đây còn là một Thiên Chúa, cũng như khi tin vào những sự thật– mà những sự thật này lại được chính Thiên Chúa lấy danh dự và tính mạng ra bảo đảm sẽ mang lại hạnh phúc đời đời cho con người, chúng ta đã có được la-bàn rất chính xác để được hướng dẫn và điểm tựa rất vững chãi để dung thân. Cứ thử nghĩ tới tình cảnh của các bạn trẻ hôm nay: không thiếu các phương tiện vật chất và tri thức thực tiễn, nhưng vẫn hoang mang lo lắng, chỉ vì không biết đi về đâu, dựa vào ai, lấy gì làm chuẩn mục cho cuộc sống. Còn nếu là linh mục tương lai, tức là những người được chọn để hướng dẫn dân Chúa, các chủng sinh càng phải thấy đức tin Kitô Giáo quan trọng và cần thiết hơn nữa: làm sao có thể dẫn đường và giúp đỡ người khác, khi chính mình không có đức tin soi sáng và nâng đỡ?
– Cha có tâm sự hay nhắn nhủ gì thêm cho chúng con?
– Trước khi làm “thầy dạy đức tin”, hãy làm người “học đức tin”; trước khi làm người cử hành các bí tích đức tin cho người khác, hãy tham dự các cuộc cử hành ấy với tất cả lòng tin; trước khi thuyết phục người khác tin, hãy làm cho con người và cuộc sống của mình thấm nhuần đức tin.
– Xin chân thành cám ơn Cha. Chúng con cầu chúc Cha được muôn ơn lành Chúa ban để tiếp tục phục vụ đắc lực trong sứ vụ đào tạo linh mục.
Phóng viên /NMKN
NIỀM VUI LOAN BÁO TIN MỪNG
F.X Nguyễn Hoàng Vũ, lớp Tu đức
Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại thành phố Huế. Nhưng lần này với tư cách là một ứng sinh của Giáo phận Kontum đi xa học. Tin tôi được đi Huế khiến tôi hân hoan, mừng rỡ. Ba mẹ mừng muốn khóc. Tôi thấy mình như cao hơn một chút, buồng phổi như căng phồng lên để tận hưởng niềm vui cuộc sống, nhất là được nghe người khác gọi “thầy”. Trước ngày lên đường, ba mẹ mời những người bạn thân trong nhóm đọc kinh tới nhà để cầu nguyện cho một mầm non mới của giáo xứ. Sáng sớm Chúa Nhật, sau khi dự lễ ra, ba mẹ vội gọi một chiếc taxi để tiễn tôi ra bến xe cho kịp mà không nghĩ gì đến chuyện ăn sáng. Tiễn tôi lên xe, ba mẹ vừa mừng vừa lo. Ngày Lễ Các Thánh 01.11, tôi được mặc chiếc áo chùng thâm, chiếc áo nhắc tôi nhớ rằng mình đã bước thêm một bước nữa theo Chúa Kitô. Đã nhiều lần tôi khóc cho tuổi xuân của mình. Tôi không muốn chết. Nhưng thế giới còn biết bao nhiêu người nghèo, đặc biệt cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên, rộng lớn bao la còn biết bao nhiêu người chưa nhận biết Chúa, chưa được nghe Tin Mừng. Tôi không muốn chết. Nhất là tôi không muốn chết một cách vô nghĩa lý.
Tôi sống yên ổn học hành ở chủng viện. Không có gì phải lo toan. Không có những đêm trằn trọc băn khoăn mất ngủ. Tôi lại nhớ đến ba mẹ, anh em ở nhà. Nhớ đến họ, tôi càng thấy thương những người Sê đăng trên vùng đất Tumơrông mà tôi từng được sai đến với họ. Tôi tạ ơn Chúa vì nếu không có hai tháng ấy, tập tành sống chung với họ, có lẽ tôi vẫn chỉ biết mỗi mình mình, tôi không thể nào ra khỏi tính ích kỷ dính chặt vào mình được. Đó là một miền truyền giáo rộng lớn, 12.000 giáo dân, 40 làng nằm rải rác do bị ngăn trở bởi các đồi núi cao nhấp nhô, trập trùng. Số tín hữu đông như vậy, nhưng chỉ có mỗi một ngôi nhà thờ nhỏ nằm ngang lưng đồi. Vào những ngày mưa to, con đường dốc dẫn đến đó trở nên lầy lội trơn trợt, xe không tài nào chạy lên nổi, xe trèo xe trượt. Ngày 29 tháng 7, Đức Cha Micae đến ban Bí Tích Thêm sức cho hơn 400 em. Nhà thờ chật ních. Phía ngoài trời mưa không dứt trên những chiếc dù của cha mẹ các em. Đối với họ đó là chuyện thường, miễn sao họ được tham dự Thánh lễ, được tuyên xưng niềm tin củ a họ vào Đức Giêsu Kitô.
Tuy không giàu có về tiền bạc, nhưng họ không thua người khác về lòng quảng đại. Trong suốt thời gian chúng tôi ở đó, bà chủ nhà thường lấy làm buồn tủi vì không có gì ngon như ở thành thị để cho chúng tôi ăn. Có nhiều lúc bà còn nhường cho chúng tôi ăn cơm trước, hay những khi còn cơm nguội thì bà lại dành lấy cho riêng bà, còn cơm nóng cho chúng tôi. Trong nhà còn có một “già”, “già” đã hơn trăm tuổi, mỗi sáng thường ra ngồi gần bếp lửa để sưởi ấm. Thế mà nhiều lúc, chưa thấy tôi ăn cơm, cả nhà đi vắng, “già” lại lục đục tới nấu cơm và cũng thường nói “Ka phai hôu!”(Ăn cho no nhé). Tôi vẫn băn khoăn trong lòng, mình đã làm được gì cho họ đâu, mình không những tới nhà họ ở nhờ mà còn khiến họ thêm bận rộn lo lắng nhất là mỗi khi tới giờ ăn trưa mà không thấy tôi về. Thế mà sao họ lại đối xử tốt với mình như thế ? Đức tin và tình yêu quy hướng về người khác của họ làm tôi liên tưởng đến các con suối chảy ra từ những khe núi. Nước chảy và chảy mãi, không ngừng, không biết mệt. Dường như không gì có thể làm khô được dòng nước nhỏ rỉ ra từ những rễ cây bám chặt vào những tảng đá lớn, không gì có thể dập tắt được tiếng róc rách êm đềm trong trẻo của những con suối. Vui tươi và đều đặn, từng giọt nước nhỏ rơi xuống hòa mình vào ngọn suối thác để biến đi trong đồng ruộng bao la.
Trong mấy mươi năm vắng bóng linh mục, từ khi các cha cố Tây phải trở về nước, họ vẫn nuôi dưỡng đức tin của họ bằng những lời kinh bình dân đã được học. Có một bà lão phải sống suốt mấy chục năm lủi thủi một mình, tràng chuỗi bà mang theo người trở nên cũ kỹ và đen ngòm. Trong những dịp lễ Noel, nhiều người phải băng rừng vượt núi, tránh những chốt kiểm soát, tìm cách về nhà thờ Chính Toà để dự lễ. Họ đói khát linh mục. Họ mong chờ linh mục đến với họ. Từ khi có sự hiện diện trở lại của linh mục, tâm hồn những con người nghèo khổ này mừng vui hoan hỉ vì được đỡ khát. Từ nay, họ dễ dàng tiếp xúc hơn với Đấng mà họ yêu mến, Đấng họ luôn tôn thờ và khát mong.
Cha sở cho chúng tôi biết ngôi nhà chúng tôi trú ngụ là của một gia đình khá giả, mỗi ngày còn có ba bữa ăn, chứ nhiều nhà khác chỉ có hai bữa thôi. Thực tế cuộc sống khiến họ dường như không có gì phải bận tâm lo lắng quá mức đến nó. Các em nhỏ ngoài giờ học ở trường thì phải ra đồng, lên rẫy làm cỏ mì, chăn trâu, hay lên rừng chặt củi rồi lấy dây cột lại gùi trên lưng mang về. Cuộc sống cực nhọc làm các em vui thích hơn những giờ học ở lớp, vì các em được tự do sống với thiên nhiên, được tự do ca hát. Tuy nhiên, tương lai trước mắt, số phận dân tộc đang phụ thuộc vào các em, các em không thể không đi học. Hầu như mỗi em đều phải mang hai cái tên, một tên tiếng sắc tộc, một tiếng Kinh cho thầy cô dễ gọi. Thế nhưng việc học ở trường ít mang lại kết quả, nhiều em nản chí bỏ học từ sớm, trong số những em còn đi học nhiều em lại không thuộc nổi bảng cửu chương chứ đừng nói đến môn Văn – Tiếng Việt. Những em trai bỏ học, buổi chiều tối thường ngồi lại với nhau để uống rượu. Những chai rượu mười ngàn một lít đủ để quên đi cái đói và sự khốn cùng của cuộc sống. Một hôm tôi theo Yă đi đến chỗ tụ tập của chúng, nghe tiếng xe chúng vội giấu chai rượu đi chỗ khác, để chỉ giả vờ nói chuyện ca hát với nhau. Chưa kể đến chuyện thi giùm làm nhức nhói con tim những nhà giáo dục. Lớp 6 thi cho lớp 7, lớp 7 thi cho lớp 8, lớp 8 thi cho lớp 9. Tưởng chỉ có một vài em thôi chứ, ngờ đâu hầu như em nào cũng đã từng thi giùm cho người khác rồi. Đó là sự thật không thể hình dung nổi với tôi, một chàng sinh viên trước giờ vẫn quanh quẩn trong sự bao bọc chở che của gia đình, nhà trường, giáo xứ. Thử hỏi người ta có thể hi vọng gì từ những bông hoa của Sê đăng?
Đức Phaolô VI đã khẳng định trong Thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc: “Sự phát triển kinh tế tùy thuộc nhiều nhất ở sự tiến bộ về mặt xã hội. Do đó giải quyết nạn mù chữ là mục tiêu thứ nhất của một chương trình phát triển. Thiếu học cũng làm suy nhược không kém thiếu ăn: Một người mù chữ là một trí óc không được nuôi dưỡng đủ. Biết đọc, biết viết, biết được một nghề là có được lòng tự tin và khám phá được rằng mình có thể cùng tiến với người khác. […] biết chữ, đối với con người, là một yếu tố thứ nhất và thiết yếu để đi vào đời …” Thế mà cái quyền được nghe những lời chân lý, những lời bênh vực sự sống của họ lại hết sức hạn chế. Tuy mỗi làng đều có một nhà nguyện riêng để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng chúng thường được dựng sau hàng cây sao cho khuất tầm nhìn. Đồng thời phải dựng sao cho thật mau, thật lẹ để không bị phát hiện. Có làng ngôi nhà nguyện cũ đã bị dột nát, họ muốn dựng một cái mới khang trang hơn, nhưng ngờ đâu bị phát hiện. Chính quyền cho những người sắc tộc không có đạo thuộc những làng ở đầu con đường độc đạo đến tháo dỡ “vào ngày họ không ngờ vào giờ họ không biết”, cho dù ngôi nhà nguyện đã được Đức Cha Micae đến làm phép. Ngày ấy, trong làng chỉ còn mỗi Yaophu và một vài phụ nữ đứng khóc nhìn những viên ngói và những cây cột bị tháo dỡ và hạ xuống một cách bất lực.
Trước những thực tế đau lòng như thế tôi tự vấn mình. Tôi không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại thiếu lòng từ bi. Tôi không thể yêu mến Thiên Chúa được khi những nỗi thống khổ của nhân loại không xâm nhập và tràn chiếm trái tim tôi. Tôi không thể yêu mến Thiên Chúa khi tôi không thường xuyên có những thao thức ấy trong tim tôi. Trái tim tôi sẽ hoàn toàn biến đổi khi nó dâng tràn đau khổ, khi nó cũng bị in hằn những vết đớn đau, khi nó trương phồng như muốn nổ tung vì những thống khổ của một nhân loại đau thương. Tôi không thuộc về tôi nữa. Tôi thuộc về cái nhân loại đau thương này.
Thách thức càng lớn, khó khăn càng khó vượt qua thì lòng nhiệt tình, hăng say rao giảng Tin Mừng phải càng mạnh mẽ. Những hoa trái thiêng liêng mà Cha sở hằng dâng lên Thiên Chúa là sự tín thác, là bám chặt vào Chúa và lao đầu về phía trước, ngay cả đôi khi những người xung quanh dường như đã bỏ rơi ngài. Đời sống truyền giáo ở Tây Nguyên không được đầy đủ như ở thành thị, nhưng Thiên Chúa đã ban cho một niềm an ủi lớn lao. Đó là sự tôn trọng, sự tin tưởng, và niềm vui. Những tiếng “Chào Cha!” phát ra từ miệng các em nhỏ, nhiều khi là được hét lên bởi những em đang lom khom trong ruộng vụt đứng thẳng lên với khuôn mặt hớn hở làm cho ngài thấy hạnh phúc. Cứ tưởng truyền giáo là đem đến cho họ một cái gì, là giúp đỡ họ làm điều này điều kia, là cứu họ, thế mà chính họ mới là người truyền đức tin lại cho mình. Chính họ cứu mình ra khỏi sự ích kỷ, khỏi cái tôi cố hữu của mình để cho mình được làm bạn với họ, và cho phép mình tin rằng họ là bạn của mình.
NHỮNG SỰ KIỆN ĐÁNG NHỚ
(kể từ Giỗ tổ Xuân Bích 2011)
..………
………..
° 17-18/11/2011: Giỗ tổ Xuân Bích
Gia đình Đại chủng viện mừng lễ Giỗ tổ Xuân Bích, hướng về việc mục vụ tại giáo phận Kontum. Các cha cựu sinh viên Xuân Bích tại giáo phận Kontum chia sẻ vui buồn đời mục vụ và đội cồng chiêng của anh chị em dân tộc thuộc giáo xứ Kon Rơbang biểu diễn những tiết mục múa hát đặc sắc. Cuộc lễ diễn ra trong bầu khí ấm áp, đầy tình thân ái và để lại những ấn tượng đẹp khó quên.
° Ngày 01/01/2012 : Chủng viện hành hương La Vang
Nhân dịp Lễ Mẹ Thiên Chúa, gia đình chủng viện đi hành hương Thánh Địa Lavang. Đức Tổng Giám Mục Stêphanô mừng Kim Khánh Linh Mục của ngài tại nguyện đường Linh Địa Lavang. Các thầy đảm nhận hát lễ. Buổi chiều cùng ngày, gia đình chủng viện đến viếng nơi hai thánh Jaccard Phan và Tôma Trần Văn Thiện tuẫn đạo. Sau đó về thăm, giao lưu, đọc kinh chiều và dùng cơm tối tại giáo xứ Trí Bưu. Cha quản xứ Lê Quang Quý đã nồng nhiệt khoản đãi chủng viện một bữa cơm tối thật ngon và vui.
°Ngày 06/01/2012 : Kim Khánh Linh Mục
Thánh lễ mừng Kim Khánh Linh Mục của Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể diễn ra lúc 8h00 tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam. Các thầy Đại chủng viện là con cưng của Đức Tổng cũng hiện diện trong thánh lễ để cùng Ngài tạ ơn Chúa.
°Ngày 13/01/2012 : Tiệc Tất Niên
Tiệc Tất niên tại Đại chủng viện, có sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đức Cha phụ tá Ph.X. Lê Văn Hồng, các cha giáo cùng các thầy giáo, các tu sĩ Dòng Thiên An và Thánh Tâm.
°Ngày 09/02/2012 : Lễ tạ ơn thánh ân linh mục
Hai tân linh mục Gioan Nguyễn Nhơn và Giêrônimô Trần Văn Trạch (khóa V) thuộc giáo phận Kontum về dâng lễ tạ ơn hồng ân linh mục tại Đại chủng viện.
°Ngày 15/02/2012 : Chia sẻ đời sống linh mục
Cha Giuse Phạm Ngọc Tuấn (OMI) từ Canada về thăm quê hương, dùng chân tại Đại chủng viện, chủ tế thánh lễ và chia sẻ kinh nghiệm đời sống linh mục với các chủng sinh.
°Ngày 07/04/2012 : Bề trên tỉnh Xuân Bích Pháp thăm Đại chủng viện
Cha Bernard Pitaud, Giám Tỉnh Xuân Bích Pháp và cha Phaolô Trần Thanh Lộc trong chuyến kinh lý hội Xuân Bích, đến Đại chủng viện gặp gỡ các linh mục Xuân Bích và các chủng sinh. Hai cha ở lại đến ngày 14/04/2012.
°Ngày 24/06/2012 : Một thời để nhớ
Bốn cha đang hưu dưỡng tại Nhà chung địa phận Huế gồm các cha Nguyễn Vân Nam, Lê Văn Ngọc, Lê Văn Cao, Nguyễn Vinh Gioang đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm đời sống linh mục với các thầy.
°Ngày 20/05/2012 : Giao lưu huynh đệ
42 thầy lớp Tu Đức thuộc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của hai cha đồng hành, đến thăm chủng viện Huế, giao lưu văn nghệ, thể thao, tắm sông, cùng đọc kinh chiều và ăn tối với nhau.
°Ngày 18/05/2012 : Ngậm ngùi chia tay
Đại chủng viện Huế chia tay cha giáo Louis Nguyễn Văn Bính đi nghỉ hưu tại nhà chung địa phận Huế.
°Ngày 25/05/2012 : Lại ngậm ngùi chia tay
Đại chủng viện chia tay cha giáo Bartôlômêô Nguyễn Quang Anh trong thánh lễ sáng thứ sáu, 25/05/2012.
°Ngày 29/05/2012 : Thánh Lễ Bế Giảng
Đức Giám Mục phụ tá Ph.X. Lê Văn Hồng chủ tế thánh lễ bế giảng niên khoá 2011-2012. Trong thánh lễ, Đức Cha ban tác vụ cho 27 thầy lớp thần học II: 1 lãnh tác vụ đọc sách, 23 lãnh tác vụ giúp lễ, 3 lãnh hai tác vụ đọc sách và giúp lễ.
Chiều đến, gia đình chủng viện quây quần bên Diễm tụ đài để dùng bữa tiệc chia tay trước khi lên đường đi nghỉ hè.
Niên khoá 2012-2013 – CHỦ ĐỀ : “NĂM ĐỨC TIN”
“Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12)
SỰ KIỆN TRONG HÈ
°Ngày 19/06/2012 : Hồng ân phó tế
Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể phong chức Phó tế cho 13 thầy, trong số đó 6 thầy thuộc khóa VI Đại chủng viện Huế, 5 thầy thuộc Dòng Thánh Tâm Huế, và 2 thầy thuộc Đan viện Thiên An.
°Ngày 27/07/2012 : Nỗi đau và niềm hy vọng phục sinh
Sau một tháng lâm trọng bệnh, điều trị tại Saigon, và được chở về Huế, vào lúc 0h15 ngày 27.7.2012, cha Ph.X. Nguyễn Tiến Cát, phó giám đốc Đại chủng viện Huế qua đời. Thánh Lễ an táng được cử hành lúc 14h00 ngày 30/07/2012 tại nhà nguyện Đại chủng viện Huế với sự tham dự đông đảo của các cha cựu sinh viên và các chủng sinh, dù đang kỳ hè.
SỰ KIỆN TRONG NĂM
°Ngày 03/09/2012 : Hân hoan ngày tựu trường
Niên khóa 2012-2013 có 5 lớp, với tổng số 124 thầy, trong đó:
Tu đức : 30 chủng sinh + 2 Biển Đức + 6 Thánh Tâm
Triết I : 22 chủng sinh + 2 Biển Đức + 5 Thánh Tâm
Triết II : 19 chủng sinh + 3 Biển Đức + 9 Thánh Tâm
Thần I : 25 chủng sinh + 2 Biển Đức + 2 Thánh Tâm
Thần III : 28 chủng sinh + 2 Biển Đức……………………….
TC : 124 chủng sinh + 11 Biển Đức + 22 Thánh Tâm
Ngoài ra còn có 23 chủng sinh đang thực tập mục vụ một năm tại các giáo phận.
Ban Giám đốc thiếu ba cha già thì lại có ba cha trẻ tu nghiệp ở Rôma và Pháp trở về tăng cường, đó là các cha Giuse Hồ Thứ, Giuse Lê Công Đức, Phêrô Phan Tấn Khánh.
°Ngày 04/09/2012 : Hồng ân linh mục
Đức tân Tổng giám mục Ph. X. Lê Văn Hồng truyền chức linh mục cho 12 thầy (khoá VI) tại nhà thờ chánh tòa Phủ Cam. Đó là các cha : Micae Ngô Quang Danh, Antôn Nguyễn Như Hùng Dũng, Đaminh Lê Duy Khánh, GB. Nguyễn Sơn Lâm, Anrê Lê Minh Phú, Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung, Giuse Ngô Văn Định (TT), Vinhsơn Trần Văn Đường (TT), Giuse Phan Tấn Hồ (TT), Vinh sơn Vũ Văn Nguyện (TT), Giuse Trần Đình Toàn (TT), Grêgôriô Trần Văn Tuấn (BĐ).
°Ngày 08/09/2012 : Tân linh mục về tạ ơn
12 tân linh mục thuộc giáo phận Huế, Dòng Thánh Tâm và Đan viện Thiên An đã theo học khoá VI đại chủng viện Huế trở về mái trường để dâng lễ tạ ơn Chúa, tri ân các cha giáo và những ai góp phần dẫn đưa mình tới bàn thánh.
°Ngày 09/09/2012 : Khai giảng năm học mới tại Đại chủng viện
Đức Tổng giám mục Ph.X Lê Văn Hồng dâng thánh lễ khai giảng niên khoá mới tại Đại chủng viện để cầu xin Chúa chúc lành cho năm học mới. Đây cũng là dịp công bố cha Giuse Hồ Thứ làm Phó giám đốc.
°Ngày 12/09/2012 : « Ở đâu có giám mục, ở đó có cộng đoàn» (Thánh Ignatio)
Tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam đã diễn ra Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Tổng Giám Mục của Đức Cha Ph.X. Lê Văn Hồng, người được Toà Thánh đặt kế vị Đức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể. Cũng nhân dịp này, tổng giáo phận tỏ lòng tri ân Đức Nguyên Tổng Giám Mục Stêphanô, người đã dày công vun đắp giáo phận Huế qua 17 năm trường.
Chiều cùng ngày, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục Thái Bình, đến thăm đại chủng viện và nói chuyện với các thầy. Ngài cám ơn các cha Xuân Bích đã và đang cộng tác trong công cuộc đào tạo linh mục tại Đại chủng viện Mỹ Đức. Ngài cũng chia sẻ về bước đường đi theo ơn gọi của mình cho các thầy.
°Ngày 20/09/2012 : Trò chuyện cha-con
Đức Ông Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hàm đã có buổi trò chuyện trong tình cha-con với các thầy về chủ đề « Chúa là gia nghiệp đời tôi», từ những kinh nghiệm sống động và quý giá sau thời gian dài làm việc mục vụ ở Mỹ.
°Ngày 18/10/2012 : Lễ khai mạc Năm Đức Tin
Thánh Lễ diễn ra tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam do Đức Tổng giám mục Fx. Lê Văn Hồng chủ tế, với sự hiện diện của đông đảo quý cha, các thầy Đại chủng viên, quý tu sĩ nam nữ và giáo dân.
°Từ chiều 28-31/10/2012 : Tĩnh tâm năm
Các chủng sinh tĩnh tâm năm kéo dài ba ngày dưới sự hướng dẫn của cha Phêrô Đặng Xuân Thành. Chủ đề cuộc tĩnh tâm « Cùng với Giáo Hội trở về nguồn mạch đức tin ». Các chủng sinh được cơ hội suy tư về hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa qua lịch sử cứu độ, lịch sử đời mình, để sống xứng đáng hơn với tình thương mà Chúa tuôn đổ trên mình trong tiến trình lịch sử đó.
°Ngày 01/11/2012 : Lễ trao tu phục
Kết thúc tuần tĩnh tâm năm, Đức tổng giám mục Ph. X. Lê Văn Hồng đã đến dâng thánh lễ mừng Chư Thánh tại chủng viện. Trong thánh lễ, ngài đã làm phép và trao tu phục cho 30 chủng sinh lớp Tu Đức.
Khi đặc san này đang lên khuôn để kịp ra mắt vào ngày lễ Giỗ Tổ Xuân Bích, thì chủng viện nhận được tin buồn : Thân phụ cha Bernard Phạm Hữu Quang, giáo sư Kinh Thánh, vừa từ trần ngày 8.11.2012. Xin chân thành phân ưu với cha và gia quyến.
PHỎNG VẤN CHA ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP
Lễ Giỗ Tổ Xuân Bích năm nay cũng là dịp Đại chủng viện Huế mừng Kim Khánh Linh Mục của cha Đaminh Trần Thái Hiệp, chúng tôi mạo muội xin cha cho một cuộc phỏng vấn, cha đã vui vẻ nhận lời. Xin gửi đến quí độc giả bài phỏng vấn này.
1. Kính thưa cha, nhân kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục, cha có những tâm tình gì trước hồng ân cao cả Chúa ban cho cha?
– Hành trình 50 năm linh mục của tôi quả là một hồng ân cao cả Chúa ban cho, nên tâm tình đầu tiên của tôi là muốn mượn lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria : “Nếu chị nhận ra ơn Chúa ban” (Ga 4,10). Vâng, hàng ngày tôi vẫn nhắc lại lời “Nếu con nhận ra ơn Chúa ban” để tạ ơn Chúa, rồi cố gắng dùng ơn Chúa để Chúa lại tiếp tục ban ơn cho tôi.
Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người giống hình ảnh Chúa, cho con được làm con Chúa do bí tích Rửa tội và được làm linh mục trong Hội thánh do bí tích truyền chức…
Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người, và từng bước con đi lên, nay con đã bước được 50 bước. Xin tạ ơn Chúa muôn đời.
2. Đời linh mục của cha gắn bó sâu sắc và lâu dài với việc đào tạo linh mục tại chủng viện, đồng thời ngoài ra cũng có nhiều năm cha lại làm mục vụ xứ đạo do hoàn cảnh thời thế. Cha có cảm nghiệm gì về hai nhiệm vụ này khi nhìn lại quãng đời đã qua.
– Trong 50 năm qua, tôi đã gắn bó với 2 tiểu chủng viện và 6 đại chủng viện. Lẽ ra đời linh mục của tôi chỉ luẩn quẩn trong chủng viện, nhưng rồi “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, thay vì đào tạo các linh mục tương lai, tôi lại có dịp đi coi xứ, đi chăn chiên. Cho nên khẩu hiệu của tôi là “Trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22) : ở chủng viện thì hết mình với chủng sinh, ở giáo xứ thì hết mình với con chiên. Cũng vì thế, một đàng tôi thấy được cái bó buộc của các cha giáo; đàng khác, lại thấy được cái vất vả của các cha xứ.
3. Đối với các chủng sinh đang được đào tạo để trở thành linh mục mai ngày, cha muốn nhắn nhủ các thầy những gì.
– Đối với các anh em chủng sinh đang được đào tạo để tiến tới chức linh mục, tôi ao ước các thầy biết tận dụng thời gian ở chủng viện để đầu tư cho đời sống linh mục sau này: hãy luôn luôn nhớ tới 4 chiều kích trong việc huấn luyện: học làm người (nhân bản), học ăn, học nói, học gói, học mở; kiến thức (trí thức), thiêng liêng (tâm linh) va phục vụ (mục vụ).
Tôi vẫn thường sánh ví bốn chiều kích đó với ngôi nhà bốn tầng: tầng trệt là học làm người; tầng một là học vấn: “Bác học chi, thẩm vấn chi, thậm tư chi, minh biện chi và đốc hành chi”; tầng hai là đời sống thiêng liêng, đời sống tâm linh, vì “không có thầy, chúng con không làm được gì” (Ga 5,15); tầng ba là mục vụ nhưng bây giờ là phục vụ. Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời.
4. Sau cùng, đối với các môn sinh mà cha đã góp phần đào tạo trở thành linh mục, cha có nguyện ước gì nhắn gửi họ.
– Đối với anh em đã làm linh mục – có lẽ đã có tới 1.200 hay 1.300 linh mục từ bắc chí nam -, tôi mời gọi anh em hãy sống mật thiết với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, qua đời sống cầu nguyện, theo gương Chúa Giêsu trong Phúc âm thánh Luca: làm gì thì làm, làm không có giờ ăn giờ nghỉ, nhưng không bao giờ Chúa Giêsu quên cầu nguyện, nghĩa là quên liên lạc với Chúa Cha (3,21; 4,42; 5,15; 6,12…). Anh em linh mục cũng hãy có tình huynh đệ với nhau, vui buồn có nhau, nâng đỡ nhau, thăm viếng nhau…
Với giáo dân: Người ta nói cửa nhà của bác sĩ và của các linh mục để ngỏ luôn, nghĩa là bất cứ lúc nào bị “quấy rầy”, thì luôn luôn có câu trả lời “có tôi đây”, khi họ xin xưng tội hay mời cha đi kẻ liệt cần. Ước mong đừng bao giờ to tiếng với giáo dân, nhất là trong hiepThánh lễ, nơi tòa giảng. Ước mong đừng bao giờ tỏ ra hống hách, kẻ cả. Hãy nhớ mình là người phục vụ (Mc 10,43). Xin cầu chúc quí cha một cuộc đời linh mục vui tươi, hạnh phúc và bình an.
Hồng ân Thiên Chúa bao la,
Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.
Chúng con xin hết lòng cám ơn cha đã chia sẻ những tâm tình thiết thực cho cuộc sống sứ vụ và phục vụ của chúng con. Kính chúc cha một Năm Kim Khánh Linh Mục tràn trề hồng ân Chúa. Chúng con xin hiệp ý với cha để cảm tạ Chúa.
Phóng viên / NMKN
LỜI TIỄN BIỆT CHA PHANXICÔ XAVIÊ
CỦA CHỦNG SINH ĐOÀN
Cha Phanxicô Xaviê kính mến!
Thế là chúng con không còn được nhìn thấy cha nữa, vị cha già hiền hậu, đáng kính, ngày ngày vẫn chống gậy, đi đi lại lại giữa chúng con, nhìn chúng con với ánh mắt nhân từ, với nụ cười đôn hậu. Chúng con không còn được nghe những lời dặn dò, bảo ban đầy sự quan tâm của cha mỗi khi trái gió trở trời. Chúng con không còn được nghe những thông tin dự báo thời tiết rất chính xác từ cha để chuẩn bị mọi thứ thật tốt vì sức khỏe, vì tương lai của chúng con. Cha ơi, chúng con cũng không còn được nghe những hơi thở nặng nề, khó nhọc của cha vì tuổi già, bệnh tật.
Những năm tháng cuối đời, do tuổi già, sức yếu, cha không còn lên lớp để dạy chúng con, nhưng cha vẫn ở đây, trong ĐCV thân yêu này, cha vẫn hiện diện giữa chúng con cách gần gũi, thân thương, trìu mến. Cha vẫn làm linh hướng cho chúng con, cho chúng con những lời khuyên khôn ngoan, hữu ích để chúng con mỗi ngày một thăng tiến hơn trên bước đường ơn gọi, đó mãi mãi là một bằng chứng hùng hồn cho nhiệt huyết của một nhà đào tạo, hy sinh tất cả cho đến hơi thở cuối cùng, để ươm trồng nên “những mục tử như lòng Chúa mong ước”.
Cha ơi, tất cả những hình ảnh thân thương ấy, và không phải chỉ có thế, còn biết bao điều gần gũi nữa, chúng con sẽ không bao giờ quên. Tất cả trở thành động lực thúc đẩy mỗi người chúng con cố gắng hơn nữa trong quá trình tu học, cũng như trong suốt cuộc đời chúng con. Đó là cách chúng con nói lên lời tri ân cha cách thiết thực và sâu xa nhất, đó là cách chúng con sẽ làm để không phụ lòng mong mỏi của cha.
Cha ơi, cha lìa bỏ chúng con để trở về bên Chúa, trở về với cội nguồn hạnh phúc đích thực, cha không còn ở với chúng con cách hữu hình nữa, nhưng cha vẫn nằm đây, trong ĐCV này, để chúng con, mỗi chủng sinh, và biết bao thế hệ học trò luôn dõi nhìn và noi gương cha, một con người suốt đời tận tụy để dạy dỗ thế hệ mai sau nên người, nên những người của Chúa.
Cha ra đi và trở về bên Chúa, xin cha cũng hằng nhớ đến chúng con và chuyển cầu cho chúng con, để chúng con mỗi ngày sống tốt hơn, sống trọn vẹn, sống sung mãn ơn gọi của mình.
Chúng con xin cúi chào cha.
GỬI CHA
(Kính nhớ Cha Phanxicô Xavie)
Trăng ngấn lệ
Đá ngậm sầu
Hương giang ngơ ngẩn một màu tiếc thương.
Cha xa, xứ Huế buồn vương
Nắng hè chếch bóng trong vườn xứ xưa.
Lá vàng thoáng chiếc nghiêng đưa
Nhớ cha như thể mới vừa qua đây
Trời chiều xanh thẳm lằn mây
Vội vàng trở giấc mưa gầy giăng giăng.
Cha đi vào Cõi Vĩnh Hằng
Nụ cười quyến nửa vầng trăng cuối chiều
Giờ này chiêm ngắm Tình Yêu
Thương đàn con nhỏ, vẫn nhiều nhớ mong.
Vân Du
DÂN CHÚA CÓ THỂ GÓP PHẦN GÌ
ĐỂ GIẢI PHÓNG TIN MỪNG?
(Trích phần thứ hai của bài viết “Công đồng Vatican II góp phần rất lớn để giải phóng Tin Mừng”)
Sau khi lược tóm những công lao do năm vị Giáo hoàng của Công đồng Vatican II góp phần mở đường cho việc giải phóng Tin Mừng khỏi những cồng kềnh chồng chất từ quá khứ cũng như những cản trở do khuynh hướng tục hóa hiện đại; đến lượt chúng ta mọi thành phần khác của Dân Chúa cũng phải góp sức với các ngài để tiếp tục giải phóng Tin Mừng khỏi những rác rưởi đủ loại còn tồn tại nơi bản thân, nơi địa phương ta sinh sống, để mọi người có thể thấy được bộ mặt mới của Giáo hội. Mỗi vị Giáo hoàng có một bản lĩnh và những hoạt động riêng, ta sẽ dựa theo đó để xem mình có thể góp phần gì.
1. Đức Chân Phước Gioan XXIII
Là một mục tử nhân hậu, đơn sơ, khiêm tốn, ăn ở có tình có nghĩa, có lòng thương xót đặc biệt với người nghèo khó. Ngài quan niệm Giáo hội như Mẹ và Thầy đối với mọi người, ngài hết sức thông cảm với những âu lo của thế giới, nên quan tâm cổ võ hòa bình hòa giải, trong lúc thế giới đang có chiến tranh lạnh và lo sợ xảy ra chiến tranh nguyên tử. Còn Kitô hữu hôm nay đang sống giữa một thế giới tuy không có chiến tranh lớn, nhưng vẫn còn chủ trương mạnh được yếu thua, muốn giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực, khủng bố, đối xử với nhau còn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, độc tài, thủ đoạn nhất là những người nắm quyền bính, đáng lý ra là để phục vụ công ích…nhưng chỉ lo củng cố quyền lực, địa vị, không theo lương tri, không phục thiện, chỉ muốn mọi người vâng phục hoàn toàn…
Vì thế xã hội hôm nay đang cần đến những con người nhân hậu, biết cảm thông, biết ăn ở có tình có nghĩa như Đức Gioan XXIII. Sau 38 năm lãnh trách nhiệm ngoại giao của Vatican ở Bulgari, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp…, ngài về Venise năm 1953, tuổi đã 72, để lo việc mục vụ thực sự. Ngài có thói quen đi bộ ghé thăm dân lao động chài lưới, dân bán hàng trên đường…, ai ai cũng cảm nghiệm được nhân cách khiêm tốn, bao dung, phản ánh một tình thương thắm thiết nồng nàn; sau khi được gặp ngài ai cũng tỏ lòng kính yêu.
Cha George Lodes, một linh mục của Tổng Giáo phận St. Louis bên Mỹ, khi ở Rôma năm 1962, cha được vinh dự yết kiến Đức Gioan XXIII; có khoảng mười linh mục trong sảnh đường; và cha là người sau cùng chào mừng Đức Giáo hoàng. Mỗi linh mục tự giới thiệu công việc mình làm rồi quỳ xuống hôn nhẫn: Con là viện trưởng một đại học, con dạy ở học viện, con là tuyên úy bệnh viện, con là chưởng ấn giáo phận… Cuối cùng đến Cha George Lodes, cha cảm thấy mình thấp kém, so với các vị linh mục kia, cha lí nhí trong miệng : “Thưa Đức Thánh Cha con chỉ là một vị linh mục coi xứ”. Thế nhưng, trước sự rụng rời của cha, Đức Giáo hoàng bái gối trước mặt cha, hôn tay cha, rồi đứng dậy nói : “Đó là công việc cao trọng nhất của linh mục”.
Tại sao có chuyện lạ như vậy: Đức Giáo hoàng đặc biệt kính trọng linh mục coi xứ. Bởi vì Đức Giáo hoàng là chủ chăn nhân hậu, là vị chăn chiên tốt lành, hiểu rõ chiên của mình, hiểu rằng linh mục coi xứ là người ở tuyến đầu của Giáo hội, trực tiếp va chạm hằng ngày với Dân Chúa, với thế gian trong tư cách là linh mục coi xứ, dính dáng vào rất nhiều cuộc đời khác nhau, làm đủ thứ việc; sẵn sàng phí thời giờ với Chúa trong kinh nguyện, mất thời giờ và bị quấy rầy vì những đòi hỏi của giáo dân, chăm sóc chiên béo lẫn chiên gầy, chiên ốm lẫn chiên lạc…Vì thế nhiều giám mục nói rằng hàng giáo sĩ giáo phận trước hết và trên hết phải là các linh mục coi xứ, và cũng là các linh mục nhân hậu, hiền lành, khiêm tốn, có tình có nghĩa với mọi người. Vậy đối với các Kitô hữu có trách nhiệm làm cha mẹ, làm thầy cô, làm thủ trưởng…thì sao? Có cần đến các đức tính kể trên không? Chắc chắn ai cũng thấy là cần. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, có được những đức tính trên quả là một thách đố lớn. Nhưng dù gì đi nữa Tin Mừng của Đức Giêsu đã nói rõ ràng là: cây nào trái ấy, muốn có trái tốt thì phải có cây tốt (x. Lc 6, 24).
2. Đức Phaolô VI
Triều đại Đức Phaolô VI góp hai công lao rất lớn để giải phóng Tin Mừng là: thay thế mô hình Giáo hội kim tự tháp từ cổ xưa bằng hình ảnh Giáo hội là Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ mạng – giống như những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là Đức Giêsu Kitô; công lao thứ hai là cải tổ nội bộ Giáo hội bằng cách quét sạch “virus” phong kiến xa hoa trong giáo triều. Vấn đề sống Giáo hội Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ mạng đã và đang được Giáo hội học hỏi và đem áp dụng cho từng bậc sống trong Dân Chúa; còn vấn đề cải tổ nội bộ giáo triều cũng đã được Đức Phaolô VI thực hiện ngay. Ngài đã phải suy nghĩ và can đảm quyết định:
– Không đội mũ ba tầng của giáo hoàng để đăng quang nhưng gửi bán đấu giá lấy tiền giúp người nghèo;
– Các hồng y và giám mục không mặc áo choàng có đuôi dài 5 thước để dự lễ trọng nữa;
– Các hồng y và tổng giám mục ở Vatican không dùng xe hơi Mercedes mà chỉ dùng xe FIAT 125;
– Các giám mục phải đệ đơn từ chức khi đủ 75 tuổi;
– Bổ nhiệm thêm nhiều hồng y vào Vatican không phải là người Ý để quốc tế hóa hay Công giáo hóa Giáo hội…Những quyết định trên đụng chạm đến địa vị và quyền lợi vốn đã có từ cả chục thế kỷ trước, nó cũng liên quan cả đến vấn đề nhà cửa, đồ dùng, tiện nghi. Nhất là ngày nay với xu hướng tục hóa, tự do hưởng thụ của thời hiện đại, nhiều người thừa tiền sẵn sàng tiêu xài một cách vô tội vạ.
Tôi liên tưởng đến một sự kiện hiển nhiên cách đây khoảng chục năm. Tôi đi công tác ở Đại Chủng viện Huế, được cha quản lý và một số cha giáo đưa đi thăm “Thành phố ma” mà tôi đã có dịp xem trong báo “Tuổi Trẻ Cuối Tuần”. Đó là một “thành phố” nằm dọc theo dải cát ven biển của phá Tam Giang. Hai bên một con đường nhỏ xe hơi chạy thì nhà cửa lụp xụp của dân lao động chài lưới, nhưng bên ngoài dãy nhà phía bãi cát ra tới biển là các thứ lăng mộ, nhà thờ tổ tiên, cao thấp to nhỏ lẫn lộn nối đuôi nhau cả cây số, được xây cất trang trí công phu như một thành phố. Độc giả chỉ cần mở Google, đánh: “Thành phố ma ở Huế”là được thấy hình màu cận cảnh cũng như toàn cảnh của thành phố ma mới chụp năm 2011. Khi xe đến giáo xứ An Bằng, xứ của cha Lê văn Nghiêm, cựu sinh viên Đại Chủng viện Xuân Bích, ngài rất vui mừng đón tiếp chúng tôi và giới thiệu mình tên là Nghiêm nhưng không nghiêm. Ngài cho biết trước đây dân chúng làm nghề chài lưới, dải cát từ đường ra biển được dùng làm nghĩa địa chôn mồ mả từ xưa đến giờ chỉ thấp lè tè. Sau năm 1975, nhiều thuyền đánh cá vượt biên sang Mỹ làm ăn rất thành công. Khoảng gần năm 2000, họ được trở về quê thăm mồ mả và sửa sang lại để làm lễ giỗ. Họ đua nhau mướn thợ xây cất mồ mả đẹp, lớn, cao và trang trí rồng phượng rất tỉ mỉ công phu. Cha xứ chỉ cho tôi mấy cái lăng mộ cao hơn hai chục thước, có hình nóc vòm giống như đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, chi phí cỡ 15 tỷ đồng Việt Nam…Hàng năm họ về làm đám giỗ, mướn ban nhạc nổi tiếng trong nước và đãi tiệc rất linh đình. Giáo dân ở đây chỉ là thiểu số, tôi chỉ thấy bóng ít mộ có thánh giá ở trên nóc. Tuy nhiên cũng có ít đại gia Công giáo trong xứ giúp đỡ cha xứ để có ngôi nhà thờ xây kiên cố, có tháp chuông, ngôi nhà xứ khang trang có tầng lầu, có nhà sinh hoạt giáo lý và nhiều nhà phụ khác đủ tiện nghi. Nhưng ngài gặp khó khăn là các đại gia giành nhau xin sửa cung thánh, đổi bàn thờ, thay tượng ảnh đẹp và nghệ thuật hơn theo ý họ, họ bao hết từ A đến Z…Ngài phải khéo léo vất vả năn nỉ lắm mới từ chối được…
Rồi mới đây, một sự kiện hiển nhiên khác là đầu năm 2012, một giáo xứ ở Sàigòn mới góp công góp của để đại trùng tu nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý…với tháp chuông cao kiểu hiện đại. Được ít năm, có đại gia đến đề nghị cha xứ cho xây lại toàn bộ mới, lớn hơn, gọn hơn…Cha xứ thấy mới sửa xong còn tốt đẹp, nay phá đi xây lại thì không đành, công lao đóng góp của bao nhiêu người, giáo dân, ân nhân…nên ngài khéo léo từ chối. Sau đó cha xứ được đổi đi nơi khác. Cha xứ mới về được hai năm, đại gia lại đến xin xây lại mới theo mô hình Nhà thờ Chánh tòa Sàigòn, nhưng có tầng hầm ở dưới, đại gia bao hết từ A đến Z, chi phí khoảng 30 tỷ. Cha xứ mới rất mừng vì cơ hội đến tay, liền nhận lời và xin cấp trên đến đặt viên đá đầu tiên vào năm 2012, sau vài tháng đã phá bình địa và đang khởi công. Tôi đem câu chuyện kể lại cho mấy cha trong Nhà Hưu nghe, có cha mừng cho cha xứ “tốt số” có quí nhân giúp đỡ làm sáng danh Chúa mà không vất vả đi xin tiền hay tốn công; có cha khác nói rằng nhà thờ nhà xứ mới đại tu mà đã phá đi xây lại thì thật uổng phí công lao của giáo dân và cha xứ cũ; giá dùng tiền đó có thể giúp xây được vài chục nhà nguyện cho các họ nhỏ ở xa xôi vùng Tây nguyên hay vùng đồng ruộng heo hút thì tuyệt vời biết mấy… Xin để độc giả suy nghĩ.
Còn một sự kiện hiển nhiên nữa đang nổi lên từ mấy năm nay, rất đáng quan tâm, mà báo chí và trên mạng có đăng: những đại gia tổ chức đám cưới bạc tỷ, hoặc ăn điểm tâm bát phở bò Kobe của Nhật giá 850.000 đồng. Độc giả chỉ cần mở Google và đánh: “đại gia xài tiền”, hoặc “bát phở giá 850 ngàn đồng”, là có đầy đủ chi tiết và bình luận; Google nói: đám cưới bạc tỉ sỉ nhục người nghèo, nhưng người khác lại nói: tôi có bạc tỉ tôi xài, đâu có sỉ nhục ai…Ở đây tôi muốn nêu sự kiện này lên vì trộm nghĩ rằng cứ đà này mà tiến thì sắp tới có thể có những đại gia có lòng tốt sẵn sàng tổ chức lễ phong chức, lễ vinh quy, khấn dòng, lễ ngọc khánh, kim khánh, ngân khánh… cho bà con thân nhân thật long trọng linh đình và độc đáo chưa từng thấy, hoặc có thể bao cho thân nhân bà con đi du lịch hay thư giãn ở những khách sạn năm sao hoặc siêu sao…Về vấn đề xài tiền, Kitô hữu chúng ta đã có Lời Chúa chỉ dạy trong Tin Mừng, đã có gương mẫu của Đức Phaolô VI đi trước, giúp chúng ta có thái độ thích hợp trong lãnh vực y phục, lễ phục, xe cộ, du lịch, nghỉ hè, tiện nghi hiện đại, xài tiền bạc… hay ít ra cũng suy gẫm câu kết luận của Google là : làm ra tiền đã khó, tiêu thế nào cho có văn hóa và đóng góp hảo tâm gây hiệu ứng xã hội một cách tốt đẹp cho tương lai còn khó hơn nhiều.
3. Đức Gioan Phaolô I
Ngài chỉ làm Giáo hoàng vỏn vẹn 33 ngày nhưng đã để lại một nét đặc biệt là ngài thường mỉm cười, nên dân chúng gọi ngài là “Giáo hoàng mỉm cười”. Ngài mỉm cười cốt là để khuyến khích và nâng cao giá trị của người đối thoại với mình. Thường khi bạn mỉm cười với người nào, chín trên mười lần người ấy sẽ mỉm cười lại và bạn đã làm cho những ngày sống của hai người nên sáng tươi tốt đẹp hơn. Nụ cười là hệ thống chiếu sáng của gương mặt và là hệ thống sưởi ấm của con tim. Như thế nụ cười đáng giá hơn ngàn lời nói, và nụ cười là ngôn ngữ của tình yêu. Nhưng tiếc thay, trong thế giới và xã hội hiện đại, nhiều khi lại thiếu vắng nụ cười. Kitô hữu là những người có sứ vụ loan báo Tin Mừng, là một Tin Vui; chúng ta rất cần học bài học của Đức Gioan Phaolô I. Hàng tuần nghe đài Veritas, tôi thấy có bài hát về khóc và cười. Bài hát như sau:
Con hỏi mẹ:
Mẹ ơi khi sinh ra, sao em bé không cười mà lại khóc ?
Mẹ ơi khi sinh ra, sao em bé cứ khóc mà không cười ?
Mẹ trả lời:
Con ơi, con không biết sao?
Khi sinh ra ai ai cũng phải khóc.
Nhưng muốn cười thì phải học, con ơi.
Muốn cười thì phải học, học cho thấm nhuần ý nghĩa và giá trị của nụ cười. không học cười ta có thể chỉ quen cười theo thói “gì cũng cười” hoặc cười vô duyên vô ý thức, như thế nụ cười không thể trở thành ngôn ngữ và đại sứ của tình yêu được.
Nhà văn nổi tiếng Saint-Exupéry từng là phi công người Pháp tham gia chống phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến. Ông được coi là một nghệ sĩ của tình nhân loại. Chính từ những năm tháng này ông đã viết ra tác phẩm “Nụ Cười”. Trong truyện, Saint-Exupéry là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt, và ông biết nay mai có thể bị xử bắn như nhiều người khác. Ông viết: “Tôi trở nên người quẩn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chắn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi: “xin lỗi, anh có lửa không?”. Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu vì sao lại làm như thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mặt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người. Anh ta hỏi tôi: “Anh có con chứ?”. Tôi đáp: “Có” và lôi từ trong ví ra hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con, và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng thả tôi tự do rồi quay trở về.
Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu thoát chỉ nhờ một nụ cười…
4. Đức Chân Phước Gioan Phaolô II
Triều giáo hoàng của ngài là một trong ba triều giáo hoàng lâu nhất (26 năm), ngài đã thực hiện được rất nhiều công việc đặc biệt, để giải phóng Tin Mừng: từ những hoạt động mục vụ (gặp gỡ dân chúng, phong thánh, cải tổ và bổ nhiệm chức vụ trong giáo triều) đến các cuộc tông du trong Rôma và ngoài thế giới, rồi những tác phẩm và giáo huấn về mọi vấn đề, việc đối thoại đại kết và với các tôn giáo khác… Ngài có sức khỏe thật nhưng từ khi bị thương nặng, tuy được chữa khỏi, phải chịu hậu quả suốt đời. Kitô hữu khó mà bắt chước những công việc ngài đã làm, nhưng ngài đã kín múc năng lượng ở đâu để chu toàn ngần ấy công việc? Chính ngài đã chia sẻ và khuyến khích ta là: dành nhiều thời gian thờ phượng trước Bí tích Thánh Thể và sống tận hiến cho Đức Maria.
Trong Thông điệp “Giáo Hội từ Thánh Thể” ngài đã chia sẻ kinh nghiệm quí báu của ngài là: “để thấu hiểu, cảm nghiệm, cảm mến, và để sống được những gì mà Thiên Chúa làm cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, cần phải dành nhiều thời gian thờ phượng trước Bí tích Cực Thánh; đó là kinh nghiệm hàng ngày của bản thân tôi, nhờ đó tôi kín múc được sức mạnh, nguồn an ủi và nâng đỡ” (số 25).
Và đây là một chứng từ. Khi được Đức Piô XII đề cử ngài làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Krakow, ngài cho Đức Hồng y Wyszinski biết là ngài chấp nhận, rồi trên đường về, ngài vào một tu viện, hỏi nữ tu coi cửa cho biết nhà nguyện, rồi lẳng lặng bước nhanh tới trước bàn thờ, ném mình quỳ gập xuống. Một giờ, hai giờ, rồi ba giờ trôi qua. Các nữ tu lần lượt bước vào nhà nguyện quan sát rồi lặng lẽ bước ra. Đến giờ cơm tối, các nữ tu phát hiện vị linh mục chính là giáo sư Karol Wojtyla, và quyết định mời dùng bữa, nhưng cha từ chối và tiếp tục ở lại nhà nguyện. Sơ bề trên bước vào thấy cha vùi mặt vào hai bàn tay dường như đang chìm sâu vào một cuộc đối thoại trong thinh lặng với Thiên Chúa. Và như thế cha đã cầu nguyện trong suốt 8 tiếng đồng hồ liên tiếp rồi mới rời tu viện.
Về sau, khi ngài đã làm Giáo hoàng, Tổng Giám mục Kabongo, thư ký riêng của ngài, có kể lại rằng: một lần khoảng 3 giờ sáng, Đức Hồng y Quốc vụ khanh gọi điện thoại đến văn phòng báo cho Đức Giáo hoàng biết về một tình hình khẩn trương trên thế giới. Đức Kabongo điện thoại vào phòng ngủ Đức Giáo hoàng, không ai trả lời. Lo lắng, ngài đích thân đến phòng ngủ gõ cửa và đi vào không thấy Đức Giáo hoàng. Ngài liền qua nhà nguyện cũng không thấy. Ngài vào bếp, phòng ăn, thư viện riêng vẫn không thấy. Ngài lên khu vườn trên sân thượng chỗ đi dạo cũng không có nốt. Ngài trở lại và lần này nhìn kỹ hơn, ngài thấy trong nhà nguyện Đức Giáo hoàng đang phủ phục sát đất để cầu nguyện…
Còn đối với Đức Maria, từ tuổi thanh xuân ngài đã biết tác phẩm “Lòng tôn sùng đích thực đối với Đức Maria” của Thánh Louis Maria Grignion de Montfort và ngài đã tận hiến cho Đức Mẹ vì hiểu rằng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa là giúp hướng về Đức Kitô và bám rễ sâu xa trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như mầu nhiệm Nhập thể Cứu độ. Cho nên khi làm Giáo hoàng ngài lấy khẩu hiệu là: “Con hoàn toàn thuộc về Mẹ” (Totus tuus sum ego). Khi bị bắn trọng thương ở quảng trường thánh Phêrô hôm 13.05.1981, cha thư ký kể lại: lúc chở ngài đi cấp cứu ngài luôn nhắc lại: “Maria Mẹ của con, Maria Mẹ của con, cặp mắt nhắm nghiền”. Sau khi biết thoát chết, ngài nói: “một người nổ súng và một người khác lại hướng dẫn đường đạn đi”. Năm sau 1982, ngài đi hành hương Fatima để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu sống. Đến năm 1992 ngài lại phải vào bệnh viện để mổ khối u trong ruột, ngài xin đám đông cầu nguyện cho ngài và nhắc lại: “đối với Mẹ Đồng trinh, con hoàn toàn thuộc về Mẹ, với lòng tin tuyệt đối dưới sự che chở của người”.
Cuộc đời của ngài gắn bó với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, và hoàn toàn thuộc về Mẹ Maria. Ngài làm việc 17 giờ một ngày và dành 7 giờ cho việc dâng lễ, cầu nguyện và suy gẫm. Ngài để lại cho dân Chúa một gương mẫu quí giá tuyệt vời, đó là cầu nguyện trên hai đầu gối hoặc phủ phục trong chiêm ngưỡng và tôn thờ trước Bí tích Thánh Thể, để kín múc lấy sức mạnh, nguồn an ủi và nâng đỡ. Kitô hữu đang lữ hành trên đường gió bụi, mỗi người một hoàn cảnh, một trách nhiệm, lúc vào đời, lúc phấn đấu, khi bệnh tật, khi già yếu…, chúng ta không thể làm được nhiều việc ngài đã làm, nhưng có một việc ai cũng có thể bắt chước ngài là kín múc sức mạnh nơi Bí tích Thánh Thể. Trong giáo phận ta, nhiều nhà thờ đã xây thêm phòng Chầu Thánh Thể để mỗi người có thể đến gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu và lòng Thương Xót của Người, ta hãy đến để được Người bổ sức hầu có thể trở thành “tấm bánh được bẻ ra cho anh chị em mình”.
5. Đức Bênêđictô XVI
Ngài là một giáo sư thần học ở nhiều đại học, được chọn làm chuyên viên thần học chính thức của Công đồng Vatican II. Khi lên làm tổng giám mục và nhận tước hiệu hồng y ngài chọn khẩu hiệu “Cộng Tác vào việc Truyền Bá Chân Lý” (3Ga 8). Năm 1981 được Đức Gioan Phaolô II đề cử làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Xem như thế, mối quan tâm chính yếu của bản thân ngài cũng như dư luận bên ngoài đều nhận thấy ngài là người bảo vệ truyền thống Giáo hội và bảo vệ chân lý đức tin. Trước một thế giới hiện đại có xu hướng tự do và thực dụng, coi nhẹ chân lý và chủ trương tương đối hóa, ngài là người rất cần thiết cho Giáo hội, để giải phóng Tin Mừng khỏi những thêm thắt lệch lạc cũng như những phiêu lưu xa rời giáo lý truyền thống. Ngài đã tiếp tục đổi mới những gì chưa được cập nhật, không còn phù hợp chân lý, và đã nêu gương cho Dân Chúa về vai trò của một ngôn sứ, đó là phải tố giác (bá cáo cho người có trách nhiệm biết những gì là xấu xa tội ác chẳng hạn những thảm họa bất công, lạm dụng tình dục, bạo lực đối với trẻ em hoặc người nghèo, hủy hoại môi trường …), và đồng thời loan báo (báo tin rộng rãi cho mọi người) bằng lời nói hay việc làm những gì là lẽ phải, là lương thiện, là chân lý Tin Mừng.
Trước một thế giới và xã hội đảo điên ngày nay, đầy dẫy những đồ giả (bằng giả, hàng giả…), Kitô hữu noi gương Đức Bênêđictô, thực thi vai trò ngôn sứ của mình, sẵn sàng vừa tố giác vừa loan báo; mỗi Kitô hữu phải là cộng tác viên của chân lý, làm chứng cho sự thật. Ngài có nêu lên câu hỏi:”Giáo hội phải làm gì để vừa cởi mở, vừa để khỏi bị xơ cứng như trong dĩ vãng? Giáo hội phải đồng hành với thế giới hiện đại đến mức nào?; Đâu là điểm Giáo hội cần tỏ ra can trường để là một ngôn sứ đối lập?”. Và chính ngài tiếp tục đặt câu hỏi: “Giáo hội là ai hay Giáo hội là gì?”. Và trả lời ngay là: “Dĩ nhiên tất cả những ai có tiếng nói nhân danh Giáo hội, tức là giáo quyền ở mọi cấp, đều phải có can đảm phản kháng”. Nhưng lúc này không nên bỏ qua câu nói:“Chúng tôi là Giáo hội”, trong ý nghĩa đích thực của nó. Không phải chỉ những ai có chức vụ, chỉ giáo quyền mới là Giáo hội. Câu nói trên chỉ hữu hiệu, đáng tin cho thế giới và trở thành câu nói đưa đến hành động, khi nó không chỉ là lời giảng suông, không chỉ xuất hiện trong những văn kiện của Rôma hay trong Thư Mục vụ, nhưng khi lời nói của người giảng dạy là tiếng nói chung của Giáo hội sống động. Vì thế, những lời này không nên chỉ do lệnh từ trên ban xuống, nhưng Kitô hữu phải cùng nhau học biết chính họ là lực lượng phản kháng trong nhiều trường hợp. Theo tôi đó là điểm rất quan trọng”.[11] Như vậy Kitô hữu cần đề phòng chạy theo xu hướng vô cảm, giả điếc làm ngơ, sống chết mặc bay. Và Đức Bênêdictô suy nghĩ rằng: “Im lặng không phải là bổn phận hàng đầu của người công dân, và riêng tôi, tôi khiếp sợ cảnh một giám mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột. Theo tôi, mũ ni che tai là lối lãnh đạo tồi nhất”.[12] Đó là Đức Giáo hoàng nhắc tới các giám mục, còn đối với các linh mục đã có lạm dụng tình dục thì ký giả Peter Seewald nói với ngài rằng: “Người ta phải sửng sốt tự hỏi tại sao những lạm dụng lại được gây ra bởi chính những người hàng ngày đọc Tin Mừng, dâng Thánh lễ, làm các Bí tích?” Chính ngài cũng muốn hỏi: “Họ nghĩ gì khi mỗi sáng bước lên bàn thờ và dâng Thánh lễ? Họ có đi xưng tội không? Họ đã nói gì trong tòa cáo giải? Đâu là những hệ quả của việc xưng tội đối với họ? Lẽ ra việc xưng tội phải là một dụng cụ lớn, lôi kéo họ ra khỏi vũng lầy và bắt họ phải đổi mới… Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của việc tương trợ và quan tâm đến nhau giữa hàng linh mục; cho thấy tầm quan trọng của trách nhiệm giám mục trong việc chăm sóc và thúc đẩy sự tương trợ đó; cho thấy tầm quan trọng trong việc kêu cầu các giáo dân hãy đồng hành với các linh mục …Các giáo dân nhận ra mặt yếu của linh mục và tự nhân trách nhiệm giúp các linh mục trong những yếu đuối đó”.[13] Chúng tôi là Giáo hội, và “Giáo hội có sứ mạng ngôn sứ phản kháng và phải có can đảm đóng đúng vai trò mình”.[14]
ĐỂ KẾT
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, chúng ta có dịp hiểu biết những sự kiện hiển nhiên đang xảy ra trong Giáo hội, có dịp tìm lại bản sắc tinh túy của Tin Mừng, và đối chiếu với thực trạng Giáo hội ngày nay, để nhận ra những rác rưởi, những lỗi thời, những trì trệ, giúp chúng ta đồng cảm với Giáo hội, và tham gia cộng tác tích cực với Giáo hội để giải phóng Tin Mừng. Các đức giáo hoàng của Công đồng là những ngôn sứ đã can đảm mở đường, tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, xuất phát lại từ chính Ngài bằng cách gắn bó với Ngài trong Bí tích Thánh thể, trong Thánh lễ và các Bí tích, bằng chiêm niệm Lời Chúa trong cầu nguyện hàng ngày để có sức thiêng mà luôn sống nhân hậu, hiền lành, khó nghèo, không sợ chết, không sợ khổ, không an phận, luôn mỉm cười.
Bây giờ không còn là thời mà giáo dân thụ động, “dành” cho các đấng các bậc lo truyền giáo, lo xây dựng Giáo hội. Công đồng Vatican II đã khai tử mô hình Giáo hội kim tự tháp rồi, Dân Chúa cần ý thức vị trí căn tính của mình trong Giáo hội để cùng với hàng giáo phẩm thi hành nhiệm vụ ngôn sứ cho thế giới. Tình yêu Chúa Giêsu Kitô đã mời gọi chúng ta bước vào Năm Thánh 2010 để đổi mới Giáo hội tại Việt Nam, ước mong Kitô hữu Việt Nam luôn duy trì được nhiệt tình như những Kitô hữu tiên khởi của Giáo hội, luôn cậy dựa vào quyền lực của cùng một Thần Khí đã đổ xuống trong Lễ Ngũ Tuần, để lại lên đường lần nữa bước vào Năm Đức Tin, thực hiện việc tái truyền giảng Tin Mừng, hay Tân Phúc Âm hóa, cho một thế giới hiện đại đang chủ trương tục hóa.
Lm. Ant. Nguyễn Mạnh Đồng
hãy cầm đèn
cháy sáng trong tay!
Sau khi tôi viết bài ghi lại chút kí ức về một lễ Giáng Sinh, vài bằng hữu đã bày tỏ ước muốn được biết thêm một số chuyện liên quan tới Hội Thánh Công Giáo tại miền Bắc những năm khó khăn. Chuyện này đã có vài vị đức cao vọng trọng từng làm. Tôi không có tham vọng gì lớn lao, mà chỉ ghi lại ít dòng về đôi điều tôi được biết về vài thế hệ người Công giáo tại giáo phận Phát Diệm.
Chuyện nhà
Cha tôi vẫn thường kể lại rằng hồi sau năm 1954, khi mọi người trong xứ đạo quyết định rời bỏ quê hương, người đã cùng bà nội tôi đi xuống Trì Chính để lên tầu đi Nam. Khi chuẩn bị bước lên tầu, người nói với bà nội tôi: “Mẹ con mình đi thì thầy ở nhà mất linh hồn!” Vậy là hai mẹ con dắt nhau quay trở lại.
Phải nói thêm rằng ông nội tôi vốn là lính pháo binh, tham gia Thế Chiến II tại Pháp. Năm 1945, nghe nước nhà độc lập, cụ mừng quá nên về nước ngay và có cảm tình với kháng chiến. Cũng vì thế mà cha tôi lo lắng cho phần linh hồn của cụ. Trước năm 1954, cha tôi đã hoàn tất chương trình của trường Trung Học Trần Lục. Khi ở lại miền Bắc, mấy năm đầu người được mời dạy học, nhưng rồi chỉ sau vài năm, khi bắt đầu có nhiều tác động nhằm kéo người vào hàng ngũ cộng sản, người đã quyết định bỏ dạy học để về cày ruộng.
Thế nhưng có những người vẫn liên tục theo đuổi mời người cộng tác ‘ngầm’. Ròng rã suốt 12 năm trời họ đã không ngừng cố thuyết phục, thậm chí gây áp lực. Có lần cha tôi đi lễ ở Phát Diệm nhưng ba bốn ngày không về. Lúc người về nhà, mẹ tôi có hỏi người cũng chỉ nói qua loa là có việc đột xuất. Sau này người mới cho biết là người ta đã đưa người đi mấy ngày chỉ để yêu cầu cộng tác với họ. Kiên trì bám riết nhưng không thành công, cuối cùng xem ra họ không còn hứng thú mời chào cha tôi nữa.
Trong vòng 4 năm sau đó, họ không còn qua lại gia đình tôi. Lúc đó cha mẹ tôi đã sinh được 7 anh chị em. Để nuôi sống gia đình, cha tôi gắng tìm mọi cách làm ăn, và chính lúc cha mẹ tôi không ngờ, năm 1974, cha tôi đã bị bắt vì tội nấu rượu và bị kết án một năm tù giam. Tất cả tài sản bị tịch thu và gia đình tôi còn phải nộp thêm một khoản tiền phạt. Lúc đó mẹ tôi vừa sinh em bé được vài tháng. Những tháng năm sau đó, gia đình tôi đã trải qua những ngày quẫn bách khủng khiếp nhất!
Chuyện Hội Thánh
Vào tù, cha tôi bị giam chung với một số chủng sinh trẻ. Những ngày tháng chia cay sẻ đắng đã dệt nên giữa họ những mối tương giao sâu nặng như tình ruột thịt. Sau này ra khỏi tù, các thầy vẫn thường qua lại thăm gia đình tôi. Các thầy từng bị giam cùng cha tôi đều chịu chức linh mục một cách âm thầm vào những năm 80 của thế kỉ trước. Tôi từng được theo cha tôi tham dự Thánh Lễ cử hành tại căn buồng ở tư gia của một trong các vị đó. Đã nhiều chục năm trôi qua, nhưng những kỉ niệm đọng lại trong tôi vẫn còn rất rõ nét.
Thật ra, hầu như tất cả các chủng sinh ở lại miền Bắc sau năm 1954 đều nếm trải cảnh tù đày. Có người bị bắt khi mới mười tám, mười chín tuổi; lúc ra khỏi tù, họ đã ngoài ba mươi. Điều đó cũng có nghĩa là những con người đó đã trải qua trọn vẹn tuổi thanh xuân trong các nhà tù khắc nghiệt.
Trường hợp chịu tù đày lâu nhất tại giáo phận Phát Diệm là cha Giuse Phạm Đức Tấn, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Vào năm 1954, thầy Tấn là một thầy giảng. Thầy đã sống tròn mười tám năm trong các nhà tù. Khi ra khỏi tù, thầy được Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo truyền chức linh mục. Sau này, khi tôi có dịp hỏi lại Đức Cha, ngài cho tôi biết rằng khi quyết định truyền chức cho các thầy, ngài chỉ nghĩ là để nâng đỡ và giúp các thầy tiếp tục sống ơn gọi Chúa ban.
Có thể nói rằng tất cả các linh mục hiện làm việc tại Phát Diệm hiện ở độ tuổi xấp xỉ bảy mươi đều đã trải qua ít nhất khoảng mười năm tù lúc còn là chủng sinh hay tu sinh. Khi đã là linh mục, các vị thường sống âm thầm giản dị, bình thản trước mọi khó khăn và không mấy khi kể lể dài dòng về quá khứ. Đôi khi có ai muốn xin các vị đó ghi lại những chuyện từng trải qua trong những năm đằng đẵng tù đày, các vị thường gạt đi vì cho rằng chẳng có chuyện gì đặc biệt đáng để kể lại!
Vài kí ức riêng tư
Thế hệ chúng tôi không còn phải chịu những khó khăn mà thế hệ cha anh chúng tôi từng gánh chịu. Tôi nói tới thế hệ cha anh, vì những tu sinh hơn tôi chừng năm hay mười tuổi tại quê tôi cũng từng chịu đựng thật nhiều khó khăn. Hồi hơn mười tuổi, tôi bắt đầu đi giúp lễ và trong thời gian này tôi biết có hai anh tu sinh ở mấy xứ lân cận bị bắt đi tù. Sau này, khi đi học đại học, tôi được quen biết với hai anh khác từng bị tù ba năm vì khi học đại học đã thường rủ các bạn bè Công giáo đi lễ mỗi Chúa Nhật!
Ngay tại xứ tôi, những năm 80, vì thiếu linh mục, Đức Cha cho phép một tu sinh trẻ được phép mở cửa Nhà Chầu vào thứ năm hằng tuần để giáo dân trong xứ chầu Thánh Thể. Chuyện chỉ có thế, nhưng dân quân xã đã rình rập ngay ngoài cửa nhà thờ nhằm bắt anh tu sinh này. Nhiều lần, cụ trương đã phải lên đóng cửa Nhà Chầu thay cho anh tu sinh nọ. Lúc đó người ta có thể bị bắt vì tụ tập học kinh bổn tại tư gia. Thế hệ chúng tôi đã thuộc lòng nhiều kinh nhờ thói quen đọc kinh tối sáng nơi các gia đình.
Đến tuổi xưng tội rước lễ lần đầu, các bậc cha mẹ thường cũng tìm cách cho chúng tôi được học đôi chút kinh bổn để được chịu các phép Bí Tích. Lúc đó sách kinh sách bổn hiếm lắm. Dăm bảy đứa chúng tôi tụ tập tại một gia đình và được cô Đào dạy cho công thức xưng tội và vài kinh căn bản. Trước mỗi buổi học, gia chủ thường bày một rổ khoai trên bàn rồi cắt cử người canh gác. Gia chủ cũng dặn lũ nhóc chúng tôi là nếu các bác ở ủy ban xã có đến bất chợt thì cứ nói là mấy đứa chung tiền mua khoai luộc ăn chung với nhau.
Ngày ấn định để xưng tội lần đầu, lũ trẻ chúng tôi lại hẹn nhau để vượt quãng đường 4 km đến Tòa Giám Mục. Tới nơi, mấy người lớn chia chúng tôi thành từng nhóm để rồi từng đứa vào xưng tội với các cha. Xưng tội xong lại í ới hỏi nhau xem cha có cho phép chịu lễ hay không.
Ngày chịu lễ lần đầu của chúng tôi cũng không hề có nghi thức long trọng, thậm chí cũng không có Thánh Lễ. Chúng tôi được thông báo là sẽ có Lễ Thiêng Liêng ở nhà thờ xứ vào sáng Chúa Nhật. Buổi sáng hôm đó, một tu sinh lên bàn thờ đọc một đoạn Phúc Âm, sau đó đọc kinh Lạy Cha rồi nâng Mình Thánh đã được kiệu về từ trước rồi đọc câu “Đây Chiên Thiên Chúa …”, sau đó chúng tôi lần lượt lên rước Mình Thánh.
Lúc học giáo lí để chịu phép Thêm Sức, chúng tôi đã có thể tụ tập tại nhà xứ. Trước đó, nhà xứ đã bị biến thành nhà trẻ mẫu giáo, sân nhà thờ bị biến thành sân tập thể dục của trường tiểu học!
Theo tôi, trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, gia đình và xóm đạo đã thực sự là môi trường truyền bá đức tin một cách hiệu quả, điều mà Hội Thánh tại Âu Mĩ và nhiều cộng đoàn Công giáo người Việt hình như đã và đang đánh mất.
Những điều tôi kể ra trên đây có thể trở thành hình ảnh khái quát của cả Hội Thánh tại miền Bắc. Rất nhiều con người bình dị như cha tôi, như các linh mục tu sĩ mà tôi có hân hạnh quen biết đã trải qua bao thử thách một cách hết sức bền bỉ và bình thản. Những con người bình dị ấy là những người đã luôn tỉnh thức giữa đêm trường tăm tối mịt mù, giữa bão giông vần vũ dập vùi Hội Thánh tại miền Bắc. Họ đã can đảm và kiên trì cầm ngọn đèn đức tin cháy sáng trong tay, đã truyền ngọn lửa ấy âm ỉ cháy sáng từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Năm nay Hội Thánh chuẩn bị sống Năm Đức Tin. Tôi tự hỏi ngọn đèn đức tin ngày nào liệu còn có thể chiếu lên một vài tia sáng nhỏ bé cho đời sống đức tin hiện tại của mỗi chúng ta hay không?
Kim Ân
HOA Ý NGUYỆN
“VERBUM CARO FACTUM EST
ET HABITAVIT IN NOBIS”
(IO I, XIV)
Đời nhân thế ngập chìm bao tội lỗi
Gió mưa sa chất chứa lắm đoạ đày
Đường dâng hiến gồ ghề vương sỏi đá
Dốc cheo leo bờ nắng gọi ân tình
Thân lê bước giữa biển đời mê đắm
Kiếp phù hoa sao lắm nỗi u hoài
Mắt hướng vọng tìm nguồn ơn cứu độ
Lòng lại mang gánh nặng bóng xa mờ
Con tim lạnh giữa mùa gieo thương nhớ
Bến cô liêu trống trải những canh dài
Câu kinh héo dưới trời xuân rực nở
Hồn đong đưa xa bến đậu an bình
Ôi mê đắm! Cõi trần bao mê đắm
Kiếp phù vân! Nhân thế dẫu phù hoa
Đời dâng hiến, quyết một lòng theo Chúa
Đường trần ai, hoa nắng hái dâng Ngài.
Tâm Nhi
đức tin và thay đổi
Tôi lên mạng và thấy hôm 17.10.2012 Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài giáo lý mới về Năm Đức Tin, trong đó ngài nhấn mạnh rằng “Tin nơi Chúa, không phải là một điều chỉ liên hệ tới trí tuệ, tức lãnh vực tri thức mà thôi, nhưng còn bao trùm trọn cả con người: tình cảm, con tim, trí thông minh, ý chí, thể xác, cảm xúc, những tương quan với con người.” Ngài nói: “Với đức tin, tất cả đều được biến đổi trong chúng ta…” Rồi ngay sau đó Đức Thánh Cha mời gọi tự hỏi: “Đức tin có thực sự là sức mạnh biến đổi cuộc sống chúng ta hay không? Hay nó chỉ là một trong những yếu tố trong cuộc sống, chứ không bao trùm cả cuộc sống?”
Đức tin là động lực thay đổi cuộc sống. Đức tin được thấy và được đo lường nơi sự thay đổi.
Tôi chọn nói về “Thay Đổi” – và vì thay đổi là điều cần nhưng không dễ, nên đó là thách đố: Thách đố thay đổi! Nhưng tôi không dám đường đột thách đố bất cứ ai trước khi thách đố chính mình. Những ý tưởng tản mạn này, vì thế, mong được mọi người coi như một tự sự, một chia sẻ. Câu chuyện có thể không đầu không đuôi, xin bạn đọc lượng thứ.
Sau hai tháng làm một ‘nhà đào tạo’, chứ không chỉ là một ‘giáo sư’ ở ĐCV, tôi thấy nơi mình có mối quan tâm đáng kể là làm sao (cùng với quí cha) giúp các chủng sinh của mình thay đổi. Tôi nghĩ, nói cho cùng, mục tiêu của đào tạo là thay đổi. Điều này càng đúng cách riêng trong lãnh vực đời sống thiêng liêng – vì nên thánh, nên hoàn thiện luôn giả thiết sự không ngừng thay đổi!
Sau một lượt gặp ‘đồng hành thiêng liêng’ với vài chục thầy, tôi chủ yếu nghe chuyện của các thầy, mỗi thầy là một câu chuyện, muôn màu muôn vẻ, rất đáng trân trọng và quan tâm. Và tôi có chút băn khoăn, không biết ý chí muốn thay đổi nơi các thầy có mãnh liệt không.
Nhưng điều thực sự đáng nói hơn, đó là nhìn lại chính mình trong cùng thời gian ấy, tôi cũng … chẳng thấy chi thực sự là thay đổi!
Thế mà, thay đổi là ‘luật tiến bộ’, nhất là khi điều đang được nói đến ở đây là đời sống thiêng liêng! Thay đổi là hoán cải; thay đổi là canh tân trên đường thực hành nhân đức; ngay cả đối với những tâm hồn đã đạt mức kết hiệp thường xuyên với Chúa thì vẫn …cần thay đổi, vì đời sống thiêng liêng chỉ có thể có mức ‘sàn’ và không bao giờ có mức ‘trần’.
Dịp Ngày Quốc Tế Thánh Hóa Các Linh Mục vừa qua, Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ, đã gởi đi một lá thư cho các linh mục, kèm với một bản xét mình chi tiết, dài nhiều trang, mà ngay câu đầu tiên ngài dẫn Gioan 17,19: “Con xin thánh hiến mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”, rồi ngài đặt câu hỏi tự vấn như sau: “Tôi có nghiêm chỉnh đặt vấn đề sự thánh thiện trong đời linh mục của tôi không?”
Tôi không biết có cái cám dỗ đặc loại cho những người làm sứ vụ giảng dạy, đào tạo, chữa trị người khác hay không. Với riêng mình thì tôi thấy hình như là có – đó là cái tâm lý, dù chỉ ẩn đâu đó trong tiềm thức, rằng phần mình coi như là đã tạm đủ, tạm xong, rằng việc thay đổi chính mình không cần lắm hay ít ra là không cấp bách lắm, rằng công việc chính yếu của mình là đưa ra những câu trả lời, là đề nghị các phương thế cho … người khác!
Ở đây tôi nghĩ đến thành ngữ thời danh “nhà chữa trị mang thương tích” mà người ta đã dùng cả trong lãnh vực tâm lý (C. Jung) lẫn linh đạo (H. Nouwen). Vâng, tạ ơn Chúa, Chúa đặt con vào sứ vụ chữa trị, nhưng Chúa vẫn nhắc rằng con là một “nhà chữa trị mang thương tích”, một nhà chữa trị cần được chữa trị, cần thay đổi.
Khổ nỗi, thay đổi không đơn giản chút nào.
Như bà Harriet Goldhor Lerner trong quyển sách tâm lý The Dance of Intimacy, khi bàn về thay đổi, đã nhận xét: “Trong xã hội đang thay đổi rất nhanh hiện nay, có thể kể ra chỉ hai điều sẽ không bao giờ thay đổi. Hai điều ấy là: ý muốn thay đổi và nỗi sợ thay đổi. Chính ý muốn thay đổi thúc đẩy người ta kiếm tìm sự trợ giúp. Và rồi chính nỗi sợ thay đổi thúc đẩy người ta chống cưỡng lại sự trợ giúp mà mình kiếm tìm!”
Thay đổi là điều mà người ta muốn. Nhưng thay đổi cũng là điều mà người ta đề kháng! Tôi tin rằng cái nan đề này không xa lạ với kinh nghiệm thực tế của bản thân mình.
Thay đổi càng khó khi người ta đã đạt đến một độ tuổi nào đó, khi mà các quan điểm, lập trường và nhất là cấu trúc tâm lý của người ta đã ‘ổn định’, hay dùng từ khác: đã ‘đông cứng’. Tôi năm nay 54 tuổi, cảm nghiệm được phần nào cái hội chứng ‘ổn định’ hay ‘đông cứng’ này. Lạy Chúa, nguy hiểm thật đây chứ chẳng chơi. ‘Ổn định’ kiểu này thì không… ổn rồi Chúa ơi! Và trong khi về mặt tâm lý, tâm thần, có những phương pháp của các chuyên gia đề ra giúp người ta ‘mềm hóa’, làm ‘tan chảy’ những cái ‘đông cứng’ nơi mình, thì sự khích lệ rõ nhất mà tôi nhận được ở đây đến từ một người thật việc thật: Đức TGM Oscar Romero, Tôi Tớ Chúa, và câu chuyện của ngài. Ngài đã thay đổi, hay ‘hoán cải’, khi đã 59 tuổi và đã là tổng giám mục! Chính cuộc hoán cải này đã bắt đầu mọi sự rất là tốt đẹp nơi con người này, con người mà ngày nay các tác giả linh đạo không ngần ngại nêu ra như một gương mẫu minh họa cho linh đạo linh mục giáo phận.
Những người viết tiểu sử ghi nhận Oscar Romero vốn nhút nhát bẩm sinh, thủ cựu và cầu an. Ngài theo dõi Công đồng Vatican II và từng nhìn những cuộc canh tân của Công đồng này với đôi mắt dè dặt, nghi ngại. Sau Công đồng, ngài cũng tiếp tục dè dặt, nghi ngại trước những chọn lựa mục vụ có tính dấn thân cụ thể của các giám mục Mỹ la-tinh. Nhưng rồi, ở tuổi mấp mé lục tuần và đã ‘lên tới đỉnh danh vọng’ trong Giáo hội địa phương, ngài đã được ơn thay đổi, khi chiêm niệm các biến cố xảy đến trong cuộc sống thực xung quanh mình, nhất là khi đứng trước cái chết bi tráng của một linh mục bạn ngài. Sự thay đổi này nơi Oscar Romero – nhiều người sẽ gọi là ‘hoán cải’, còn chính ngài gọi là một cuộc ‘trở về nhà’ – đã làm nhiều người bất ngờ, một số người khác thì chưng hửng (vì trước đây thấy ngài là đồng minh, nhưng nay thì ngài trở thành đối thủ của họ). Điều đáng nói hơn, sự thay đổi này đã đụng chạm đến toàn thể con người ngài và thực tế là chính sự thay đổi này đã dẫn Oscar Romero tới cái chết – có thể nói đó là cái chết đẹp nhất của một linh mục của dân Chúa, nghĩa là một linh mục của Giáo hội, và một linh mục của Chúa.
Tôi thấy câu chuyện Đức cố TGM Oscar Romero, Tôi Tớ Chúa, là câu chuyện của một con người vốn muốn yên hàn trong hiện trạng (status quo) – hiện trạng của xã hội, Giáo hội, và cả hiện trạng của bản thân – nhưng cuối cùng đã được ơn biến đổi để nhận ra hiện trạng không phải là cái gì tốt nhất, thậm chí nó tệ, để biết vượt qua nó và thay đổi nó.
Nghĩ về sự vượt qua và thay đổi hiện trạng, tôi liên tưởng đến một biển quảng cáo sản phẩm gặp thấy đó đây, người ta ghi dòng chữ tiếng Anh: Better than the best! Tốt hơn cái tốt nhất! Nghe nghịch lý, và hơi đại ngôn! Nhưng nó lại thâm thúy, khi đặt vào bối cảnh đời sống thiêng liêng. Một chiếc xe, một ngôi nhà, hay bất cứ một món đồ vật gì đó… chỉ được chờ mong giữ nguyên hiện trạng là quí lắm rồi. Chỉ mong chúng đừng xuống cấp – hay thực tế hơn: chúng chậm xuống cấp – là quí lắm, tốt lắm rồi. Và việc tốt nhất mà người ta có thể làm cho chúng là bảo trì chúng, cố gắng giữ nguyên, kéo dài hiện trạng của chúng. Một con người thì khác. Hiện trạng của con người không bao giờ tốt nhất. Con người luôn luôn được mời gọi lớn lên hơn, tốt hơn, hoàn thiện hơn. Ngay cả khi thân xác đã qua đỉnh phát triển ‘max’ và bắt đầu suy thoái dần, tàn tạ dần, chết dần, thì con người vẫn luôn đứng trước tiếng gọi mời nên tốt hơn. Tôi ngạc nhiên, và thú vị, khi thấy điều này được xác nhận không chỉ trong linh đạo Kitô giáo mà còn bởi nhiều tác giả tâm lý hiện đại nữa.
Lạy Chúa, Chúa thấy con có thực sự tốt hơn gì không, trong hai tháng, hai năm, thậm chí trong hai mươi năm vừa qua? Tôi làm linh mục đã gần 10 năm. Năm tới là kỷ niệm con số tròn ấy. Con số tròn gợi trước hết tâm tình tạ ơn, vâng, nhưng nó cũng là một ám ảnh nữa. Rất có thể 10 năm khác với 1 năm chỉ ở một con số không tròn vo!
Câu hỏi gợi ý của Đức Hồng Y Mauro Piacenza trên kia – “Tôi có nghiêm chỉnh đặt vấn đề sự thánh thiện trong đời linh mục của tôi không?” – nhắc tôi về một câu chuyện khác, câu chuyện Cha B. Haring kể trong quyển sách Priesthood Imperiled của ngài, câu chuyện mà tôi rất thích và đã kể lại nhiều lần cho nhiều người nghe. Dưới tiêu đề “Hối Nhân Thánh Thiện”, tác giả dẫn lời Cha Karl Rahner nói rằng “Giáo hội thánh thiện trong mức độ Giáo hội là một hối nhân thánh thiện”. Điều này, theo tác giả, cũng áp dụng cho các linh mục. Và tác giả kể câu chuyện thực để minh họa, như sau:
Vào một dịp tĩnh tâm năm, một linh mục đã đến gặp tôi và tâm sự: “Thưa cha, việc xưng tội còn có ý nghĩa gì cho con nữa, khi mà con biết rằng tình trạng của mình hết hy vọng rồi?” … Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi tốt đẹp và cặn kẽ với nhau. Tôi kết luận rằng nếu ước mơ của anh ta không gì hơn là trở thành một kẻ giữ luật một cách xoàng xoàng như bao kẻ xoàng xoàng khác, thì tôi không có mấy hy vọng đặt nơi anh. Đàng khác, tôi nói: “Anh còn một chọn lựa khác nữa. Anh có thể trở thành một vị thánh!” Anh ta rất đỗi ngạc nhiên, và trong ràn rụa nước mắt, anh trả lời tôi: “Thưa cha, với ơn Chúa giúp, con sẽ cố gắng.”
Trong nhiều năm, anh vẫn giữ liên lạc với tôi – và quả thực, nhờ ơn Chúa, anh đã triệt để đổi đời. Thỉnh thoảng, anh viết cho tôi những dòng đại loại như: “Vâng, thưa cha, mọi sự đang diễn tiến tốt đẹp cho con, bao lâu con còn can đảm sống đời sống của một hối nhân thánh thiện.”
Tôi thấy trong câu chuyện trên, tác giả muốn xác nhận rằng chấp nhận chủ nghĩa xoàng xoàng là nan y; trong khi đó, khát khao nên thánh sẽ là phương chữa trị. Và nỗi khát khao đó giả thiết rằng người ta chấp nhận vào cuộc thay đổi (bất luận người ta đang ở cấp độ nào trong đời sống thiêng liêng của mình).
Thay đổi thật khó, nên tôi tin rằng mình cần động lực đủ lớn. Và nếu như người ta nói “kinh nghiệm là ông thầy dạy khôn”, thì tôi nghĩ vấn đề đề kháng thay đổi nơi mình là do mình chưa rút đủ động lực từ kinh nghiệm bản thân – nói cách khác, do chưa chiêm nghiệm cho đủ tình yêu của Thiên Chúa, vốn tràn ngập, trên lịch sử đời mình. Đây chính là nguyên nhân bất trung của dân It-ra-en, như tác giả TV 78 đã đúc kết.
Động lực thay đổi cũng nằm ngay trong sứ vụ đào tạo hiện tại nữa. Tôi tin rằng cách thứ nhất và cũng là cách tốt nhất để giúp những người được ủy thác cho mình thay đổi, đó là chính mình thay đổi. Đây cũng là trực giác nguyên thủy của Cha Olier: để thánh hóa dân Chúa, cần thánh hóa linh mục. Cha De Mello, một bậc thầy linh đạo hiện đại, sẽ nói về điều này bằng một thứ ngôn ngữ ‘thần bí’ hơn, và cũng thách thức hơn: “Thế giới, mọi người, vốn vẫn tốt đẹp; chỉ có bạn mới cần thay đổi thôi”.
Vâng, chỉ có tôi mới cần thay đổi thôi. Và tôi sẽ chẳng bao giờ thay đổi được, nếu không “nhờ Chúa Thánh Thần” (suy ngắm thứ tư, Năm Sự Sáng).
tháng 10.2012
Thiên Phong
DẤU ẤN LÊN ĐƯỜNG
Chiêm ngắm Maria đi lên Đền Thờ dâng mình, chợt nghe trong hồn trào dâng những cảm xúc khó tả. Có gì đó như niềm hân hoan, như sự quyến rũ, sự lay động. Có gì đó như đang xuyên thấu, như hy vọng, như chờ mong. Có thanh âm gì đó nghe như tiếng lòng của cô bé Maria đang rạo rực, háo hức, đang hoan hỉ trong niềm vui thánh thiện, hòa quyện trong những âm thanh vang vọng ngân, nghe như tiếng hát của muôn vàn thiên thần, của vũ trụ, giữa muôn tinh tú im tiếng, nín lặng ngóng đợi. Xen lẫn vào đó có tiếng gì nghe như tiếng hoảng loạn, vội vã, bức bối của quỷ thần. Rồi tiếng rầm rì, rên xiết, thở than từ nhân trần cũng như trong ngục thất âm u, tăm tối, lạnh ngắt, não nùng. Và phía trước mặt của cô bé Maria, đang nắm tay song thân tung tăng tiến lên, là cánh cửa Đền Thờ đã mở rộng và cất cao tự bao giờ như ngóng đợi đón chào. Maria rạng rỡ như đoá hoa lung linh khoe sắc trong ánh bình minh, đang từng bước, từng bước nhịp nhàng tiến vào Thánh Cung.
Sự kiện nhi nữ Maria dâng mình chắc hẳn là biến cố gặp gỡ của sự tự do tròn đầy, lành thánh của thánh ý Thiên Chúa và khát vọng sâu thẳm nơi con người Maria. Khát vọng ấy cũng có sự cộng tác, vun đắp, tài bồi của song thân Maria nữa. Giờ đây, Maria bước lên, bước gần hơn tới Đấng là Nguồn khát khao của cõi lòng mình; để rồi từ đây, cuộc đời Maria sẽ in đậm dấu ấn của “lên đường”, của hành trình tín thác.
Maria đã thật sự “lên đường” trong lộ trình cứu độ của Thiên Chúa, một hành trình không biết trước những gì phía trước, nhưng đó là một hành trình của mến yêu và tín thác, một hành trình của chiêm niệm, “suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Cuộc lên Đền hiến dâng thuở bé như báo trước cho tiếng “Xin Vâng” của ngày Truyền Tin, tiếp tục đẩy Maria cất bước lên đường, “lên đường vội vã”, lên đường để chia sẻ niềm vui, để trao ban nguồn sinh phúc, để chung lời tán tụng, ca khen tình yêu Thiên Chúa với người chị họ Elizabeth trong bản hợp xướng “Magnificat” mà chỉ mình Mẹ hát thay cho nhân loại.
Mẹ Maria luôn lên đường vì Mẹ luôn nghe một tiếng gọi, một tiếng thúc giục nào đó. Tiếng gọi ấy có khi âm thầm da diết, có khi vang vọng dồn dập, đôi lúc từ bên trong, đôi lúc từ bên ngoài, có khi qua con người, có khi từ Thiên Chúa.
Vâng, Tin Mừng hầu như luôn đặt Đức Maria trong tư thế “lên đường”. Mẹ lên đường đến một miền núi thuộc chi tộc Giuđa để thăm bà Elizabeth, Mẹ lên đường trở về. Mẹ lên đường đi Bê-lem sinh Chúa Con, Mẹ ẵm bồng Chúa Hài Nhi lên đường trốn sang Ai Cập, Mẹ đi dâng Chúa Giêsu Hài Nhi vào đền thờ, Mẹ đi hành hương với Thánh Gia lên Giêrusalem, rồi mẹ đi tìm Con bị lạc. Mẹ đi dự tiệc cưới Cana và Mẹ đi lên đồi Canvê với Giêsu con Mẹ. Trong suốt những hành trình ấy của Mẹ, cách nào đó, luôn có sự đồng hành của Ngôi Lời nhập thể, của Chúa Giêsu con Mẹ. Dẫu những con đường ấy không êm đềm, bằng phẳng, mà gồ ghề chông gai, có mồ hôi, có nước mắt và ngay cả máu, nhưng cùng với Đức Giêsu và vì Ngài, Mẹ bước đi trong khiêm hạ, tín thác và yêu thương.
Hành trình của Mẹ không dừng lại ở đồi Canvê. Mẹ đi về với Giáo Hội, Mẹ đã về với Gioan, người môn đệ mà Giêsu, con Mẹ, rất yêu mến, để rồi trong thầm lặng, Mẹ đồng hành với các Tông đồ, đồng hành với Giáo Hội.
Có những cuộc gặp gỡ, những cuộc viếng thăm và những sự hiện diện của con người chỉ mang đến sự đau khổ, chết chóc, tang thương, ưu phiền và thất vọng. Bởi trong những cuộc gặp gỡ đó thiếu vắng TÌNH YÊU, thiếu vắng niềm tin, thiếu vắng sức sống, nhưng lại quá nhiều sự ích kỷ, tham lam, hận thù, trống rỗng… Trong sâu thẳm lòng người, nơi TÌNH YÊU thuần khiết cư ngụ, luôn có một động lực nào đó, một thanh âm nào đó vang vọng, như réo gọi thúc bách, như quyến rũ con người lên đường, đến với TÌNH YÊU, đến với tha nhân trong đơn sơ phục vụ, trong chia sẻ yêu thương, trong khiêm nhường hiệp nhất. Và nơi ấy có sự triển nở, lớn lên, có sự sống chuyển trao sức sống dồi dào, sung mãn.
X.R.S.M.
phạt gấp đôi
Một linh mục đi xức dầu cho bệnh nhân tại bệnh viện. Vì đi gấp, ngài vượt đèn đỏ. Cảnh sát chặn ngài lại và yêu cầu trình giấy tờ. Ngài trả lời tôi là linh mục và tôi đang đi xức dầu cho một bệnh nhân. Ngài còn chỉ vào túi áo ngực: Tôi đang mang theo Mình Thánh! Anh cảnh sát nói: Tôi định phạt linh mục một trăm ngàn vì tội vượt đèn đỏ, nhưng linh mục mang theo Mình Thánh mà còn chạy như thế, mức phạt sẽ gấp đôi: hai trăm ngàn!
tâm tình của một học trò ở xa
Tan buổi học ở King’s University College, tôi dạo bước trở về chủng viện Saint Peter là nơi tôi đang tu học. Chiều nay cuối tuần, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi tạm gác chuyện sách vở, học hành qua một bên. Khác với mọi khi, tôi chầm chậm bước đi… Những chiếc lá vàng cuối cùng theo nhau rơi về cội, rải thảm trên những lối đi. Những cánh rừng lá phong vàng úa, đỏ biếc trông rất lãng mạn, tiêu biểu cho bức tranh mùa thu tuyệt đẹp ở Canada không còn nữa. Những ngọn cây khô khốc, chơ vơ giữa tiết trời lạnh lẽo, đường vắng, người thưa, trời lất phất mưa làm cho lòng tôi miên man trong một cảm xúc khó tả. Không hẳn là buồn nhưng là nhớ và thương.
Tháng mười một lại về, thời gian thấm thoát trôi nhanh. Kỷ niệm thân thương của những năm sống trong gia đình Đại chủng viện Huế cứ ùa về trong tâm trí tôi, nhất là tâm trạng háo hức, rộn ràng như bùng cháy trong lòng tôi khi ngày Giỗ Tổ, ngày hội ngộ truyền thống của đại gia đình chủng viện đang đến gần. Tôi vừa đi vừa ngâm nga và thả hồn vào những khúc ca quen thuộc của những lần hội ngộ. “Nhịp nhàng chân bước, tim vui rộn ràng, trở về trường cũ, gặp lại bạn xưa”…, hay “ngồi lại bên nhau này bạn thân ơi, ngồi lại bên nhau kể chuyện nhau nghe, chuyện buồn chuyện vui, chuyện chúng ta, về ngày xa xưa ở bên ngôi trường”… Lời ca và tâm trạng ôi sao mà da diết thế? Mong ngày hội ngộ biết bao! Nửa vòng trái đất, ôi xa quá! Thay vì được trực tiếp gặp gỡ, hàn huyên, tôi muốn ghi lại những cảm xúc trong lòng và đôi điều cảm nhận ban đầu về môi trường sống mới như một lời tâm sự, sẻ chia cùng với đại gia đình chủng viện trong tâm tình của một người em, người bạn, một học trò và người con đang ở xa, nay muốn theo những cánh chim nhớ cội cùng bay về tổ ấm.
Tâm tình đầu tiên của tôi là tạ ơn Chúa vì muôn vàn hồng ân Chúa đã thương ban. Tạ ơn Chúa vì những tháng ngày đầu tiên nơi đất khách quê người trôi qua khá suôn sẻ và bình an. Nói như vậy không có nghĩa là không có những khó khăn thử thách. Sự khác biệt về văn hóa, suy nghĩ, lối sống, ngôn ngữ, thời tiết, thức ăn… là những thách đố cho tôi. Điển hình như về thời tiết, xứ Huế mình mùa đông khá lạnh nhưng chưa bao giờ lạnh như ở đây, lúc này là 0o C, nhiều nơi tuyết đã rơi và nhiệt độ sẽ còn giảm xuống nhiều, âm mấy chục độ trong suốt mùa đông. Ở trong nhà, trong lớp học, trong xe thì ấm áp vì có hệ thống máy sưởi, nhưng nếu đi bộ ngoài đường thì lạnh buốt thấu xương.
Một khó khăn ban đầu nữa, đó là ngôn ngữ. Mặc dù tôi cũng có một chút vốn liếng nho nhỏ về ngoại ngữ, nhưng khi sống thực tế với người bản xứ, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Tiếng Anh, tiếng Pháp đâu phải là tiếng mẹ đẻ của tôi, nên trong khi giao tiếp, trong bài làm, tôi đâu có thể dễ dàng diễn đạt một cách thoải mái, tự nhiên những gì tôi suy nghĩ trong đầu được. Nhiều lúc nói chuyện mà thấy còn “mỏi tay” lắm! Về thức ăn, đó cũng là một trở ngại. Có những món ăn lạ miệng mà tôi chưa bao giờ biết. Có những món ăn được, có những món ăn thì phải “cố gắng” mà ăn để có sức mà học thôi, vì không hợp khẩu vị của mình. Có lúc tôi thấy thèm cơm, thèm canh, thèm mì tôm, xì dầu, nước mắm… lắm, vì ngày nào cũng theo thực đơn của Tây. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của Cố Mẫn trong một giờ học tu đức ở chủng viện: “Khi không có cái mình thích, hãy thích cái mình đang có.” Câu nói này khích lệ và an ủi tôi rất nhiều.
Quả thật, những năm đèn sách ở Đại Chủng Viện Huế là một quãng thời gian rất quý báu đối với tôi. Tôi đã nhận lãnh rất nhiều: ơn Chúa, tình thương của quý Cha giáo, kiến thức, tình nghĩa thầy trò, bạn bè, kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn với nhiều kỷ niệm vui buồn. Tất cả là hồng ân, là hành trang giúp tôi tiếp tục dấn thân và thích nghi nhanh hơn với đời sống chủng viện nơi xứ lạnh này. Đó cũng là động lực giúp tôi tự nhủ thầm rằng: hãy cứ vui đi mà sống, lâu ngày rồi mình cũng quen!
Và tôi cũng đã thấy quen dần với môi trường sống mới này, xin được chia sẻ một vài cảm nhận về đất nước và đời sống đạo ở nơi đây. Tôi nghĩ rằng cảm nhận cá nhân của một người đi du lịch và một người đến sống tại một nước thì có lẽ không giống nhau, và cảm nhận giữa một người mới đến sống và một người đã ở lâu thì đôi lúc cũng khác nhau nữa. Nên tôi xin được bày tỏ, đây chỉ là một cảm nhận cá nhân ban đầu của tôi về đất nước này. Canada là một nước đất rộng người thưa (diện tích: 9.970.610 km2, dân số hiện nay khoảng 35 triệu người), là một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa. Tỉ lệ người Công giáo hiện tại chiếm khoảng 43% dân số. Nhưng trên thực tế, số người ‘hành đạo’ không còn đông lắm. Ngày Chúa Nhật, tôi có đi mục vụ ở xứ Tây, tôi nhận thấy người đi lễ phần đông là người già, rất ít thấy thanh thiếu niên. Bầu khí phụng vụ và đời sống cộng đoàn giáo xứ của người bản xứ tôi thấy không sống động lắm, nếu so sánh với đời sống đạo bên Việt Nam mình.
Tôi mừng lắm khi có dịp thăm vài cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở Canada, thấy truyền thống đức tin và đời sống đạo của người Việt vẫn còn sống động, mạnh mẽ. Đó là nhờ người Việt mình đang cố gắng giữ truyền thống gia đình, văn hóa, đức tin, những thực hành đạo đức bình dân. Đó là những giá trị cao quý, cần thiết để giữ được căn tính và đời sống đạo thuần Việt khi hội nhập vào đất nước này, một đất nước văn minh, tiến bộ nhưng cũng nhiều thách thức.
Khung cảnh thiên nhiên Canada rất bình yên, thanh thản, nhẹ nhàng, nhưng trong công việc, học tập, người ta như lao vào một vòng quay liên hồi của nhịp sống vội vã. Nhiều lúc giá trị con người được đánh giá theo thu nhập cá nhân, theo những vật chất mà người ta sở hữu, nên một số người cứ nhầm tưởng linh mục chỉ là một cái nghề hơn là một bậc sống, một lý tưởng để phục vụ Chúa và Giáo Hội. Nếu có bảng xếp hạng tính theo thu nhập mỗi năm, có lẽ linh mục ở mức thấp nhất. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sút ơn kêu gọi. Ở xứ sở văn minh, tự do này, dường như con người càng no về đời sống vật chất, thì lại càng đói về đời sống tâm linh. Do vậy, Giáo Hội ở đây rất cần linh mục, con người rất cần linh mục để mang chân lý, tình yêu Chúa và nền văn minh tình thương, để canh tân lại đời sống con người và nền văn minh vật chất đang đẩy đưa con người vào một lối sống không có định hướng.
Suy nghĩ về những điều này, lòng tôi ngập tràn ước mơ muốn dấn thân, tôi mong được làm một dụng cụ nhỏ bé cho Chúa ở môi trường mới này, với tâm tình phó thác, cậy trông. Chúa dẫn đưa con sang đây. Chúa muốn con làm gì cho Chúa? Câu hỏi này vẫn luôn ấp ủ trong lòng tôi…
Cầu chúc quý cha, quý thầy, anh em, bạn bè và đại gia đình chủng viện ngày hội ngộ ngập tràn niềm vui và ơn thánh. Cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.
Phêrô Lê Văn Ngữ
Lá thư không niêm
của một chủng sinh gửi linh mục
Cha Sở kính mến của con,
Năm thì mười họa con mới có dịp viết cho Cha. Ở chủng viện con luôn lu bù đủ thứ chuyện và dường như con chẳng còn thời giờ để viết thư nữa. Nào là những bài vở phải làm, những đề tài phải nghiên cứu, những cuộc họp, những giờ lớp, lao động, lao tác, kinh nguyện, thể thao, đi mục vụ, và nhiều chuyện khác… Cha hiểu điều con muốn nói ở đây. Cha cũng đã một thời là chủng sinh và cũng đã trải qua những cam go của quá trình đào tạo.
Con biết rằng đời sống ở chủng viện không thể sánh với những gì Cha đang trải nghiệm trong tư cách một Cha sở. Thật vậy, con tự hỏi không biết Cha có thời giờ dù chỉ để đọc lá thư này hay không. Dẫu sao, con cũng hy vọng thư này sẽ đến được tay Cha.
Cha đã là một phần nguồn cảm hứng thúc đẩy con vào chủng viện. Con đi tu vì muốn được giống như Cha – muốn phục vụ mọi người trong khi vẫn cố gắng ở sát bên Chúa, và muốn phục vụ Chúa trong khi không ngừng dấn thân cho người khác trong tình yêu.
Còn nhớ hồi chưa vào chủng viện, con đi lễ hằng ngày, những thánh lễ Cha cử hành. Con nôn nóng mong mau đến bài giảng của Cha. Con đã đón nhận mọi lời Cha giảng như chính lời Chúa nói với mình. Và đối với con, không có hình ảnh nào đẹp hơn, thích thú và kích cảm hơn hình ảnh đôi bàn tay Cha nâng bánh và chén lên trong cử chỉ thánh hiến cho Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao mỗi khi xong lễ con luôn chạy đến chỗ Cha và cung kính hôn đôi bàn tay đã đụng chạm đến chính Chúa ấy.
Chính trong các buổi cầu nguyện do Cha dẫn dắt mà con đã xin Chúa thương gọi con – và con tin rằng cũng chính qua Cha mà Chúa đã đáp trả các lời cầu nguyện của con. Giữa hàng trăm bạn trẻ khác trong giáo xứ, con đã chẳng được Cha ‘chú ý’ và đề nghị cộng tác trong vai trò dẫn lễ, rồi đọc sách, và rồi làm một thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ đó sao? Chính nhờ Cha mà con đã cảm nếm được ý vị của việc phục vụ Chúa. Nhờ Cha mà con đã hiểu rõ hơn về bậc sống mà mình được gọi để đáp trả. Cũng chính nhờ Cha mà cuối cùng con đã mạnh dạn bước những bước đầu tiên để đáp lại tiếng gọi của Chúa.
Con đã được nuôi dạy lớn lên với lòng cảm mến các linh mục, luôn luôn nghĩ tốt và không bao giờ nghĩ xấu về các linh mục. Con luôn bảo vệ mỗi khi các cha bị công kích và con luôn cầu nguyện cho các cha. Với riêng Cha, con cũng đã cố gắng ân cần giữ lòng trìu mến và thái độ sẵn sàng bảo vệ ấy, ngay cả dù con nghe người ta nói đủ điều bê bối về Cha, như cờ bạc, đàn bà, tiêu pha phung phí, ngược đãi các nhân viên cộng sự, nhậu nhẹt, lấy tiền giáo xứ bỏ vào túi riêng, và nhiều chuyện khác nữa…
Nhưng khi con vào chủng viện, thì chuyện bắt đầu diễn biến theo hướng khác. Dần dần con bắt đầu tin vào những tiếng đồn ấy, những tiếng đồn không chỉ đến từ những kẻ gièm pha Cha mà cũng đến từ những người trung thành phục vụ Giáo hội nữa. Hơn thế nữa, những tiếng đồn ấy cũng đến từ các anh em linh mục đồng sự với Cha trong giáo phận.
Con mong Cha có thể giúp con, vì con không biết phải làm sao để tiếp tục bảo vệ Cha trước những người ấy nữa. Làm sao con có thể bảo vệ Cha trước những lời tố cáo ấy khi mà con thấy Cha dương dương tự đắc trong chiếc xe hơi cực sang, khi mà con thấy tay Cha đeo mấy cái nhẫn trang sức to bự, và quanh cổ Cha là một dây chuyền vàng rực, khi mà con thấy Cha liên tục đi du lịch khắp nơi cả trong nước và nước ngoài? Làm sao con có thể bảo vệ Cha khi chính Cha hay nói xấu các anh em linh mục của mình thay vì tìm cách nói tốt cho họ?
Làm sao con có thể giải thích cho dân chúng lý do Cha vắng mặt ở giáo xứ và có mặt ở siêu thị, rạp hát, ở các yến tiệc trong những biệt thự và những rì-zọt sang trọng?
Phải chăng đó là điều Cha muốn nói khi có lần Cha bảo con: “Cậu không thể biết thế nào là một linh mục đâu, trừ phi chính cậu trở thành một cha sở” ?
Con không lên án Cha. Con không dám ngay cả qui kết một điều gì về Cha. Con cám ơn Chúa vì mình đã được huấn luyện để cư xử như thế. Việc huấn luyện đã giúp con nhận ra tầm quan trọng của ba lời khuyên Phúc Âm và cũng nhận ra rằng sống các lời khuyên ấy là điều không dễ.
Không dễ sống nghèo… không dễ sống giản dị khi mà chúng ta được ban cho một tấm thân kêu đòi sự dễ chịu và đề kháng lại sự khó chịu. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận cái “rỗng không” khi mà chính hiện hữu của chúng ta kêu gào đòi “có”.
Không dễ sống khiết tịnh khi vòng tay ta khát khao ôm lấy và được ôm lấy. Ta tìm kiếm sự chấp nhận, sự thuộc về, ta tìm kiếm cảm xúc và sự mật thiết; đó là bản tính, là nhu cầu của chúng ta.
Không dễ từ khước tự do. Không ai muốn bị kiểm soát cũng chẳng ai muốn bị xỏ mũi. Tất cả chúng ta đều cần hành xử tự do của mình. Ý chí của ta là của cải duy nhất mà ta có – bỏ nó đồng nghĩa với bỏ chính mình.
Con hiểu những giằng co chiến đấu của Cha, những khao khát và những nhu cầu của Cha. Và con ngưỡng mộ mọi cố gắng của Cha để sống các Lời Khuyên Phúc Âm ấy. Thật là anh hùng nếu Cha sống và làm chứng cho giá trị của các Lời Khuyên ấy. Cha sẽ là bằng chứng sống động cho chúng con rằng sự thánh thiện là điều có thể. Cha là bằng chứng cho sự thực rằng ân sủng chắc chắn được ban cho chúng ta khi ta chiến đấu và đương đầu với những thách đố.
Trong chủng viện, chúng con được dạy cho biết giá trị của cộng đoàn, của tình huynh đệ với các anh em chủng sinh của mình. Chúng con đã chọn sống độc thân. Nhưng độc thân không có nghĩa là sống trong cô đơn; tình huynh đệ vẫn có đó để nâng đỡ chúng con và là nguồn sức mạnh trong những khi yếu đuối. Con hy vọng Cha tìm thấy nơi các anh em linh mục của Cha tình huynh đệ và sự quan tâm mà Cha cần.
Trong huấn luyện, giá trị của học tập trí thức cũng được đề cao. Chúng con luôn được dạy rằng hãy yêu thích việc đọc sách. Đó là cách duy nhất để người ta có thể theo kịp những gì đang diễn ra xung quanh mình. Đó là những chất dinh dưỡng mà Cha cung cấp cho dân Chúa. Con tin rằng Cha vốn biết rõ điều này rồi. Như mọi người có thể thấy rõ qua các bài giảng của Cha, qua các chương trình và các đề án Cha phác họa cho giáo dân trong giáo xứ, qua chính sự tự tin của Cha khi trực tiếp đương đầu các thách đố.
Trong chủng viện chúng con cũng được khuyến khích cầu nguyện rất … nhiều. Và con tin mình hiểu lý do tại sao. Để có thể làm công việc của Chúa thì trước hết con phải biết Chúa muốn gì. Con nhớ lại lần nọ Cha bảo con rằng điều Cha sợ nhất, đó là sợ có ngày nào đó mình đánh rơi việc cầu nguyện. Con ngưỡng mộ Cha biết bao về điều đó. Nó làm con kính phục Cha hơn.
Trong huấn luyện, chúng con cũng được đưa vào một chương trình hoạt động tông đồ. Điều này giúp con rất nhiều trong việc nhận hiểu đời sống của dân Chúa. Nó giúp con ý thức về những gì dân Chúa thực sự cần và muốn. Họ cần Chúa ở với họ. Họ cần cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa giữa họ. Và duy chỉ sự hiện diện đơn sơ của con với họ thôi cũng có thể có một ý nghĩa đặc biệt cho họ. Con bất chợt tự hỏi sự hiện diện ấy càng có ý nghĩa nhiều hơn biết bao nếu con là linh mục như Cha.
Ồ, con lại bận việc và phải ngừng lá thư này ở đây. Con hy vọng sớm nhận được hồi âm từ Cha. Giá chi con có thể gặp Cha và chia sẻ những điều này với Cha một cách trực tiếp nhỉ.
Con nhớ ơn Cha rất nhiều vì đã đưa Chúa vào cuộc đời con.
Thành kính, với cả tâm tình quí mến và cầu nguyện,
Một linh mục tương lai
Thiên Phong trích dịch từ Living the Priesthood của Giám mục Mylo C. Vergara, St. Pauls xb., Manila 2005.
thư giãn
Tự do
Trong một giờ học, cha giáo hỏi: “Tự do là gì?” Có nhiều câu trả lời được đưa ra, sôi động lắm. Cha giáo rất vui và khuyến khích các thầy khác nữa:
– Còn thầy X., câu trả lời của thầy là gì?
Thầy X. vừa gãi đầu gãi tai vừa đáp:
– Dạ, tự do là quyền … từ chối trả lời câu hỏi ạ!”
Giờ chết
Cha giáo hỏi: “Các thầy có biết được ngày nào mình chết không?” Một thầy giơ tay lên trả lời: “Dạ có!”
Cha giáo vô cùng ngạc nhiên:
– Ngày nào? ngày nào?
– Dạ … ngày 30 tháng 2 ạ!
Đi dạo chiều thứ năm
Nghe kể rằng có thầy sau buổi đi dạo, trên đường về chủng viện đi mãi dọc sông Hương mà không thấy cổng chủng viện đâu bèn mới hỏi thăm. Thì ra là gần tới biển Thuận An.
Cũng nghe kể lại, có hai thầy đi xe đạp vào chợ. Một thầy vào chợ còn thầy kia đứng ngoài giữ xe giùm. Khi trở ra không thấy xe đạp đâu, thầy kia mới hỏi: “Ủa, xe tớ đâu rồi?” Thầy nọ mới giật mình, trả lời tỉnh bơ: “Ờ, hình như hồi nãy mình thấy có một thằng kia dắt chiếc xe của cậu thì phải.”
Joseph Nguyễn
Bờ vai Mẹ
Hình ảnh khơi gợi nhiều cảm xúc nhất khi người ta bước chân vào ngôi trường này, có lẽ là bức tượng Đức Mẹ ‘vác’ Chúa Giêsu trên vai đứng giữa sân chủng viện.
Điều mà tôi thường tự hỏi mỗi khi chiêm ngắm Mẹ, nhất là tối thứ Bảy hàng tuần, là tại sao Mẹ không bế hay ẵm Chúa Giêsu trên tay hay là cầm tay dắt đi như thường thấy đây đó, mà lại vác Chúa trên vai? Chắc hẳn người thiết kế hình tượng này có liên tưởng và nối kết với câu châm ngôn “Ad Jesum per Mariam” (nhờ Mẹ đến với Chúa).
‘Bờ vai mẹ’ gợi nhớ những bà mẹ tảo tần, lam lũ. Với bà, tài sản quí giá nhất là đứa con. Kiệu con trên vai, bà như muốn nói rằng con là tất cả của mẹ, là viên ngọc của mẹ, dù con xấu hay đẹp, dù hay dù dở, con cũng là tài sản vô giá của mẹ.
Đời tu bên cạnh bức tượng “Mẹ vác Con trên vai” này đôi khi nhận được những thông điệp quí hóa, đầy khai trí và khích lệ, nhất là xung quanh dịp lễ Mẹ Dâng Mình.
Đời tu với những đòi hỏi gắt gao của kỷ luật, của nội quy, của lương tâm, của tự giác, của ý thức… đôi khi làm ta nản chí và muốn thoái lui. Có những ngày ta cảm thấy đời sống thật nặng nề, ta như muốn buông xuôi. Ta tham dự các buổi học, các cử hành phụng vụ giống như một cái máy. Ta so đo dự tính đủ thứ ngoài đời kia, ta mơ màng những lợi, danh, phú, thú…
Rồi một chiều, trong bế tắc, đau khổ và dày vò nội tâm, ta đến bên Mẹ bộc bạch nỗi lòng – như muốn nói với Mẹ lời giã từ lần cuối: Mẹ ơi, chắc sau kỳ hè này con sẽ không trở lại nơi đây nữa! … Thế rồi trong thinh lặng, ta chợt thấy sâu hơn và nghe rõ hơn một cái gì đó. Mẹ khẽ nhắc ta rằng Chúa chọn kẻ Ngài muốn chứ không phải kẻ xứng đáng. Ta được vững tin hơn. Những mơ màng danh lợi trần ai dần tan biến, chỉ còn lại cảm nhận ấm áp và bình an bao phủ lấy mình:
“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
Trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130,2)
Những âu lo và tính toán, thất vọng và chán chường bỗng tan chảy, nhường chỗ cho hơi ấm của tình thương và niềm an ủi ngập tràn. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 12,28). Rồi một mùa hè êm đềm trôi qua. Ta nghe lại trong mình niềm hăng say và nhiệt huyết buổi ban đầu – nó thúc bách mình cách mạnh mẽ, chan hòa và lan tỏa. Nhiều khi bất chợt ta muốn tìm lại cảm giác ‘con tim đã vui trở lại’ ấy, nhưng không còn thấy như lần đó nữa. Có lẽ Mẹ để dành cho những ai cần hơn chăng!
Rồi những ngày lặng lẽ an vui, ta nhận ra trong đời sống hằng ngày tiếng thì thầm của Chúa “Ách của Tôi êm ái, và gánh của Tôi nhẹ nhàng” (Mt 12,30). Ta cảm nhận bờ vai Mẹ tràn đầy sức sống. Mẹ “vác” từng đứa con của Mẹ dâng cho Chúa, như một người cần mẫn nhặt về những cánh hoa rơi…
Bờ vai ấy của Mẹ cũng là tiếng gọi mời ta bắt chước Mẹ để đưa ra một bờ-vai-cho-người-khác, bờ vai của hy sinh, phục vụ, của cảm thông, nâng đỡ, tha thứ, yêu thương, bờ vai của người mục tử miệt mài tìm kiếm và ‘vác’ những con chiên lạc, què quặt, đau yếu… về đàn.
Mẹ ơi, cả cuộc đời Mẹ kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu để chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Xin Mẹ nâng đỡ con lớn lên, vượt qua những vụng về, yếu kém, và dạy con biết sẵn sàng đáp lại thập giá hằng ngày của mình bằng cách vui tươi và mau mắn ghé một bờ vai, cho tới tận… đồi Can-vê, Mẹ nhé.
G.B. Nguyễn Minh Hoàng,
Thần học III
Tản mạn về tiếng chuông và tiếng còi tàu
Chuyến xe đưa anh em chúng tôi tới chủng viện lúc trời tảng sáng, vừa xuống xe đã nghe mấy tiếng chuông vang lên keng keng… Trời đang mưa. Những hạt mưa nhỏ như đang thi nhau rơi trong ánh sáng hắt ra của ngọn đèn trước mặt tiền Đại chủng viện. Thế là một giai đoạn mới của cuộc đời tôi lại bắt đầu.
Những ngày đầu tiên sống ở đây, ấn tượng nhất trong tôi là tiếng chuông – tiếng chuông báo thức, tiếng chuông báo đọc kinh, tiếng chuông đi ăn cơm, tiếng chuông đi chơi… Sau một vài ngày tôi góp nhặt được khoảng 25 lần chuông lớn nhỏ mỗi ngày. Tiếng chuông ở đây khác với tiếng chuông nhà thờ ở quê, khác không phải vì cái âm thanh to nhỏ, thanh trầm, mà khác ở chỗ: tiếng chuông nhà thờ ở quê thì tôi có thể ngủ nướng thêm một chút, đôi khi phải thêm tiếng mẹ gọi mới có thể rời bỏ chiếc giường. Còn tiếng chuông ở đây, nó như giục giã, như có một thần lực nào đó kéo bật xác thịt nặng nề của tôi dậy; đang bước đi nó có thể giật tôi quay lại, khoảnh sân đang ồn ào nó có thể trả lại sự yên tĩnh, nó cũng làm đôi chân bước nhanh hơn khi vào lớp học… có lẽ vì thế mà người ta ví “tiếng chuông là tiếng Chúa” chăng?
Khi tiếng chuông không còn làm tôi giật mình nữa thì văng vẳng tiếng còi tàu vọng đến. Mặc dù đường tàu không quá gần Đại chủng viện nhưng cũng đủ gần để mỗi khi tàu đi ngang qua thì tiếng còi lại kêu inh ỏi như một người khách không mời.
Đôi khi tiếng còi tàu rất dễ thương. Nó làm sống lại ký ức tuổi thơ ngồi lưng trâu, mỗi khi đoàn tàu đi qua thằng bé giơ bàn tay bé xíu vẫy vẫy chào. Tiếng còi tàu làm tôi nhớ về mảnh làng nghèo nằm cong lưng dọc bờ sông, với tháp nhà thờ vượt tầm ngọn tre, nơi có mái ấm thân thương, có bố mẹ già ngày đêm vẫn mong ngóng một điều gì đó trong những lời kinh nguyện. Nhớ những lời ru trưa mượt mà, những lời ru ngọt như đường ngậm, nhớ tuổi thơ đã qua, nhớ làn gió mát từ chiếc quạt mo của mẹ làm tan đi cái nắng mùa hè. Mẹ vẫn thức đến hơn nửa đêm để canh tiếng còi tàu khỏi làm con giật thốt.
Mẹ ơi! nơi con tu học cũng gần đường tàu, tiếng còi tàu nghe rõ lắm. Và con vẫn hằng gửi nỗi niềm về với bố mẹ trên những chuyến tàu qua. Ôi! bỗng muốn nhớ tất cả vào một tiếng còi tàu. Tiếng còi tàu gợi nhớ những phút giây sum vầy hạnh phúc, nhưng nó cũng đồng nghĩa với những cái vẫy tay chào ly biệt. Tiếng còi tàu len lỏi qua những song cửa sổ nguyện đường lén đưa hồn người ta trở về với những vùng ký ức xa xôi.
Đôi khi tiếng còi tàu phá bĩnh. Nó đi vào tất cả các ngõ ngách của chủng viện, xé tan những giây phút tĩnh lặng, có lúc nó như chia nhỏ những giờ kinh chiều, rồi cuốn tâm hồn trống rỗng bay theo và lấp đầy bằng những âm thanh bon chen lẻng xẻng của cuộc sống. Đến đây tôi nhớ lại lời của một người chia sẻ khi nguyện gẫm: nếu tâm hồn chúng ta trống rỗng không đươc đổ đầy ơn Chúa thì những thứ khác sẽ chen vào. Đúng rồi, tiếng còi tàu đã tràn vào và kéo theo những âm thanh chan chát của cuộc sống hòng lấp đầy tâm hồn người trẻ mới nhập cuộc.
Có những đêm tiếng còi tàu nghe thật não nuột, nó xé màn đêm vượt qua sông Hương, rồi trèo qua tường vào Đại chủng viện mà không xin phép người giữ cổng cũng không xin phép Cha Giám đốc, rồi nó len lỏi vòng vèo đi qua tất cả các dãy nhà. Khi không thấy ai tiếp đón nó bực tức đấm mình vào các vách tường rồi lịm dần đi trong màn đêm tĩnh mịch…
Ô! Tiếng chuông gọi đi hát kinh chiều rồi.
Ô! Lại tiếng còi tàu vọng đến…
Antôn Phan Viết Trí
giải trí
who spoke what?
“I believe in order that I may understand.”
“Faith is to believe what you do not see; the reward of this faith is to see what you believe.”
“To one who has faith, no explanation is necessary. To one without faith, no explanation is possible.”
“The world says, ‘Seeing is believing’ – Faith says, ‘Believing is seeing’”.
“I know whom I have believed.”
“If the Lord fails me at this time, it will be the first time.”
“The beginning of anxiety is the end of faith, and the beginning of true faith is the end of anxiety.”
“Your belief determines your action and your action determines your results, but first you have to believe.”
“Always remember, you are just one “hearing” away from Faith, just one ‘knowing” away from Peace, and just one “action” away from total Victory.”
“Faith is taking the first step even when you don’t see the whole staircase.”
“In the same way that salt without taste is worthless, and a lamp that is hidden is useless, faith without actions is lifeless.”
“Only the believer is obedient and only the obedient believe.”
“Who so loves, believes the impossible.”
“Not prayer without faith, nor faith without prayer, but prayer in faith, is the cost of spiritual gifts and graces.”
“It is faith alone, in Christ alone, which alone moves God, when you are alone.”
Mục lục
– Lời mở ………………………………………………. 1
– Thư Cha giám tỉnh XB Pháp ………………………… 2
– Suy tư dịp Lễ Mẹ Dâng Mình ………………………. 5
– Cha J.J. Olier và Mẹ Dâng Mình ……………………. 10
– Mẹ đến thăm con …………………………………… 18
– Linh mục và Tân Phúc âm hóa ……………………. 19
– Đức tin của một linh mục …………………………. 29
– Phỏng vấn …………………………………………… 33
– Niềm vui loan báo Tin Mừng ………………………. 37
– Những sự kiện đáng nhớ ……………………………. 43
– Phỏng vấn Cha Đaminh Trần Thái Hiệp …………….. 50
– Lời tiễn biệt Cha cố Phanxicô Xaviê ……………….. 53
– Gửi Cha ……………………………………………. 55
– Dân Chúa có thể góp phần gì ………………………. 56
– Hãy cầm đèn cháy sáng trong tay …………………. 68
– Hoa ý nguyện ……………………………………… 73
– Đức tin và thay đổi ……………………………….. 74
– Dấu ấn lên đường …………………………………… 81
– Tâm tình của một học trò ở xa ……………………… 84
– Con tin nơi Ngài ……………………………………. 88
– Lá thư không niêm của một chủng sinh… …………. 89
– Bờ vai Mẹ …………………………………………… 96
– Tản mạn về tiếng chuông và tiếng còi tàu ………….. 98
– Lạy Chúa con tin ……………………………………. 101
– giải trí: Ai nói gì? ………….………………………… 102
Mục lục ……………………………………… 104
[1] Xem mục « nouvelle évangélisation » trên Wikipedia.
[2] Trích dẫn theo Bài giảng ngày 19.10.2012 của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong Thánh lễ bế mạc kỳ tĩnh tâm thường niên lần 7 của Gia Đình Thánh Tâm, cụm 4, thuộc Giáo phận Vinh.
[3] Chúng tôi gạch dưới để lưu ý rằng, trong tư tưởng của đức Gioan-Phaolô II, vấn đề Tân Phúc Âm Hóa không chỉ liên hệ đến các truyền thống Kitô giáo xa xưa hay Tây Phương, nhưng liên quan đến toàn thể Giáo Hội.
[4] Trong bài giảng khai mạc THĐ Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa, Đức Bênêđictô XVI tiếp tục xác định rõ ý nghĩa của việc Tân Phúc Âm Hóa «chủ yếu được định hướng đến những con người mà, dù đã được rửa tội, đã rời xa Giáo Hội, và sống không dựa vào thực hành Kitô giáo […], để tạo điều kiện nơi những người này cho một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Chúa, Đấng duy nhất làm cho cuộc sống có ý nghĩa sâu xa và bình an; để tạo điều kiện cho việc tái khám phá đức tin, nguồn mạch ân sủng mang lại niềm vui và niềm hy vọng trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.»
[5] Sứ điệp chung cuộc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa gởi Dân Chúa, số 2.
[6] Xem « La nouvelle évangélisation, entre l’être et le faire » (25.6.2011). Đây cũng là điều mà ĐHY André Vingt-Trois, chủ tịch HĐGM Pháp, đã nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc Hội nghị khoáng đại của HĐGM Pháp, diễn ra từ 3-8.11.2012, tại Lộ Đức. Ngài nói : việc Tân Phúc Âm Hóa, cũng liên quan đến các Giáo Hội non trẻ, « đòi hỏi một sự hoán cải thiêng liêng đích thực để đổi mới nơi chúng ta sức mạnh của việc chứng tá. Còn hơn cả chiến dịch và những phương tiện, đó là một sự tái tập trung vào Chúa Kitô… : chính Ngài là Tin Mừng của Thiên Chúa. Chính Thánh Thần của Ngài sai chúng ta đi » (số 2). Nói cách khác, đối với ngài, phải khởi đi từ việc Tân Phúc Âm Hóa đến việc Phúc Âm Hóa.
[7] THĐ Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa vừa qua đã nhấn mạnh nhiều và trước tiên đến việc « kiểm điểm lương tâm », lòng « hoán cải » cũng như sự khiêm tốn phục vụ của Giáo Hội và của mỗi người con của Giáo Hội.
[8] Xem Bài giáo lý của đức Bênêđictô XVI trong buổi tiếp kiến chung ngày 17.102012.
[9] « Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các giađình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thờiđại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái.» (Thư chung ngày 11.10.2012 của HĐGM Việt Nam gởi cộng đồng dân Chúa nhân Năm Đức Tin, số 5).
[10] Bernard Pitaud, Prier 15 jours avec Monsieur Olie: sixième jour: O Jésus vivant en Marie, Nouvelle Cité, n° 111, 2007, pp. 49-54.
[11] x. Muối Cho Đời trang 274.
Tags: Năm-đức-tin
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- TRỰC TIẾP THÁNH LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ – BỔN MẠNG ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ NGÀY 22.11.2024
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024
- THIỆP MỜI BỔN MẠNG ĐCV HUẾ VÀ NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: TALKSHOW “CÂU CHUYỆN HUYNH TRƯỞNG”
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- ĐCV HUẾ: HÌNH ẢNH KHAI MẠC GIẢI BÓNG CHUYỀN CUP XUÂN BÍCH 2024
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- ĐCV HUẾ KHAI MẠC TRỌNG THỂ THÁNG MÂN CÔI
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI GIÁO HỘI BỈ: “KHÔNG CÓ CHÚA THÁNH THẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KITÔ GIÁO XẢY ĐẾN CẢ”
- AD EXTRA, LÀM THẾ NÀO BIẾT TIN TỨC VÀ SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG Ở CHÂU Á MỘT CÁCH SÂU XA HƠN