ĐÀNG THÁNH GIÁ 2013 TẠI COLOSSEUM

Written by lcd on Tháng Ba 27th, 2013. Posted in Giáo Hội Hiệp Thông, Lm Lê Công Đức, Tâm linh, Thế Giới

DO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHỦ SỰ

Suy niệm của các bạn trẻ Liban

theo gợi ý của Đức Hồng Y Béchara Boutros Raï

Bản dịch Việt ngữ: Lm. Lê Công Đức

==========================

DẪN NHẬP

Một người kia chạy đến, quỳ xuống trước mặt Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17).

Trước câu hỏi cháy bỏng này, một câu hỏi trào lên từ đáy sâu con người chúng ta, Đức Giêsu đã trả lời bằng chính việc Người bước đi trên con đường Thập giá.

Lạy Chúa, chúng con chiêm ngắm Chúa dọc theo con đường này, con đường mà Chúa là người đầu tiên đã bước đi, và qua đó “Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa bắc cầu nối sự chết, để con người có thể vượt qua từ cõi chết đến cõi trường sinh” (Thánh Ephraim Syria, Bài giảng).

Tiếng gọi mời bước theo Chúa được trao cho mọi người, nhất là những người trẻ và những ai đang đứng trước thử thách của chia rẽ, chiến tranh hay những bất công, và những ai đang chiến đấu để trở nên những dấu hiệu của hy vọng và những người xây dựng hòa bình giữa anh chị em mình.

Lạy Chúa, với lòng mến yêu, chúng con đặt mình trước mặt Chúa, chúng con dâng cho Chúa những thống khổ của chúng con, chúng con hướng đôi mắt và trái tim chúng con về Thánh Giá Chúa; và được khích lệ bởi lời Chúa hứa, chúng con khấn nguyện: “Ngợi khen Đấng Cứu Chuộc chúng con, Chúa đã chết để cho chúng con được sống. Xin thực hiện nơi chúng con mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa, nhờ cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa” (Phụng vụ Maronite).

Chặng thứ nhất: Chúa Giêsu bị kết án tử hình

Tin Mừng theo Thánh Máccô 15,12-13. 15

Ông Philatô lại hỏi: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Dothái?” Họ la lên: “Ðóng đinh nó vào thập giá!” Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, truyền đánh đòn Ðức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

Đức Giêsu lẽ ra đã phải giành lại công lý từ Philatô, con người nắm quyền lực! Philatô quả thực có khả năng nhận hiểu rằng Đức Giêsu vô tội và ông có quyền phóng thích Người. Nhưng vị tổng trấn Rôma muốn phục vụ cho các quyền lợi riêng của mình hơn, và ông đã nhượng bộ trước những áp lực chính trị và xã hội. Ông kết án một con người vô tội để làm hài lòng đám đông, ông đành quay lưng lại với sự thật. Ông đẩy Đức Giêsu vào thảm kịch Thập giá, dù biết rằng Người vô tội… và rồi ông đi rửa tay.

Trong thế giới hôm nay, có nhiều “Philatô” nắm giữ trong tay những đòn bẩy quyền lực, và sử dụng chúng để phục vụ cho những kẻ mạnh nhất. Có nhiều người nhu nhược và hèn nhát trước bóng ma của quyền lực, lạm dụng quyền bính của mình để phục vụ cho sự bất công, chà đạp lên phẩm giá và quyền sống của con người.

Lạy Chúa Giêsu,

xin đừng để chúng con

rơi vào số những người hành xử bất công.

Xin đừng cho phép những kẻ mạnh

khoái trá khi làm ác,

bất công và bạo ngược.

Xin đừng để sự bất công kết án người vô tội,

đẩy họ đến chỗ tuyệt vọng và cái chết.

Xin khơi lên trong họ niềm hy vọng

và xin soi sáng lương tâm

của những người nắm giữ quyền bính trong thế giới này,

để họ biết cai trị trong công lý. Amen.

Chặng thứ hai: Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Tin Mừng theo Thánh Máccô 15,20

Chế giễu chán, chúng lột áo điều Người ra để đóng đinh vào thập giá.

Đức Kitô đứng trước những người lính vốn nghĩ rằng họ có toàn quyền trên Người, trong khi chính nhờ Người mà “mọi vật được tạo thành… và không có Người thì chẳng có chi đã được tạo thành” (Ga 1,3).

Thời nào cũng có những người nghĩ rằng mình có thể thay Thiên Chúa để ấn định cho mình điều nào tốt và điều nào xấu (x. St 3,5) mà không cần qui chiếu đến Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ. Con người nghĩ rằng mình toàn năng, có thể loại trừ Thiên Chúa khỏi cuộc sống của mình và của những người xung quanh mình, nhân danh lý trí, quyền lực và tiền bạc.

Ngày nay cũng vậy, thế giới chịu khuất phục trước những thực tế muốn tìm cách xua đuổi Thiên Chúa khỏi đời sống con người, như trào lưu thế tục mù quáng làm chết ngạt những giá trị của đức tin và luân lý, viện lẽ rằng để bảo vệ con người; hay những chủ nghĩa quá khích đầy tính bạo lực khoác danh nghĩa bảo vệ các giá trị tôn giáo (x. Ecclesia in Medio Oriente, 29).

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã chấp nhận bị sỉ nhục và đứng về phía những người yếu đuối,

chúng con phó thác cho Chúa

tất cả những ai chịu sỉ nhục và đau khổ,

nhất là những anh chị em ở Trung Đông đang bị bách hại.

Xin cho họ tìm thấy nơi Chúa sức mạnh

để có thể vác thập giá hy vọng của họ với Chúa.

Chúng con trao vào tay Chúa

tất cả những ai lầm lạc,

để nhờ Chúa

họ có thể tìm thấy sự thật và tình yêu. Amen.

Chặng thứ ba: Chúa Giêsu ngã lần thứ nhất

Lời Chúa trong Sách Isaia 53,5

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

Đấng nắm giữ muôn ngọn đèn trời trong bàn tay thần linh của mình; Đấng mà mọi quyền lực trên trời phải run sợ trước mặt Người… thì đây, hãy nhìn Đấng ấy ngã gục xuống đất dưới sức nặng của Thập giá, không có gì chở che mình.

Chịu mang thương tích vì tội lỗi chúng ta, Đấng mang hòa bình đến cho thế giới này đang ngã xuống dưới sức nặng của tội lỗi chúng ta.

“Hỡi những người tin Chúa, hãy nhìn Đấng Cứu Độ chúng ta bước tới trên con đường lên Canvê. Bị đè nặng bởi những nỗi đớn đau cay đắng, Người không còn sức lực nữa. Chúng ta hãy đến nhìn cảnh tượng lạ lùng này, một cảnh tượng mà chúng ta không thể hiểu và không thể tả. Các nền móng của trái đất bị rúng chuyển và một nỗi sợ kinh hoàng tràn ngập những ai hiện diện ở đó khi Đấng Tạo Hóa và Thiên Chúa của họ bị nghiền nát dưới sức nặng của Thập giá, và Người buông mình cho người ta đẩy đến cái chết, vì yêu thương loài người” (Phụng vụ Canđê).

Lạy Chúa Giêsu,

xin đỡ chúng con dậy khi chúng con gục ngã,

và xin dẫn đưa tâm hồn lầm lạc của chúng con

trở về với Sự Thật của Ngài.

Xin đừng để lý trí con người, vốn được Chúa tạo nên để phụng sự Chúa,

tự cho phép mình thỏa mãn với những sự thật bất toàn của khoa học và công nghệ

mà không thao thức đặt những câu hỏi nền tảng

về ý nghĩa của cuộc sống con người (x. Porta Fidei, 12).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con

mở lòng ra cho tác động của Chúa Thánh Thần,

để Ngài hướng dẫn chúng con đến Sự Thật trọn vẹn. Amen.

Chặng thứ tư: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ

Tin Mừng theo Thánh Luca 2,34-35. 51b

Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

Trong thương tích và trong đau khổ, mang Thập giá của nhân loại trên vai, Đức Giêsu gặp Mẹ Người, và trên gương mặt của Mẹ, Người nhìn thấy toàn thể nhân loại.

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là môn đệ đầu tiên của Thầy Chí Thánh. Qua việc chấp nhận thông điệp của Thiên Sứ, Mẹ gặp gỡ Lời Nhập thể lần đầu tiên và trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. Mẹ gặp gỡ Chúa mà không hiểu vì sao Đấng Sáng Tạo trời đất lại muốn chọn một thiếu nữ, một thụ tạo mong manh, để nhập thể vào thế giới này. Mẹ gặp Chúa trong cuộc tìm kiếm không ngừng tôn nhan Chúa, trong âm thầm suy niệm Lời Chúa nơi sâu thẳm tâm hồn mình. Mẹ tưởng rằng Mẹ đang tìm kiếm Chúa, nhưng thực ra, chính Chúa đang tìm kiếm Mẹ.

Giờ đây Chúa gặp Mẹ khi đang vác Thập giá.

Đức Giêsu khổ sở khi nhìn thấy Mẹ Người khổ sở, cũng vậy, Đức Maria khổ sở khi nhìn thấy Con mình khổ sở. Nhưng chính từ nỗi khổ được chia sẻ này mà một nhân loại mới được sinh ra. “Kính chào Mẹ, Đức Nữ Trinh vinh quang và thánh thiện, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Kitô! Chúng con kêu cầu Mẹ. Xin cho lời nguyện cầu của chúng con vọng tới Con yêu dấu của Mẹ, và Ngài sẽ thứ tha tội lụy của chúng con” (Theotikon trong Horologion, Al-Aghbia, 37).

Lạy Chúa Giêsu,

trong các gia đình chúng con,

chúng con cũng kinh nghiệm những đau khổ

do con cái gây ra cho cha mẹ,

và do cha mẹ gây ra cho con cái.

Lạy Chúa, trong những hoàn cảnh khó khăn ấy,

xin cho các gia đình chúng con thực sự là nơi Chúa hiện diện,

để nỗi khổ của chúng con có thể biến thành niềm vui.

Xin nâng đỡ các gia đình chúng con

và làm cho gia đình chúng con

trở thành những mái ấm của yêu thương và an bình,

như hình ảnh của Gia đình Thánh ở Nadarét. Amen.

Chặng thứ năm: Ông Simôn người Kyrênê vác đỡ Thánh Giá Chúa Giêsu

Tin Mừng theo Thánh Luca 23,26

Khi điệu Ðức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Ðức Giêsu.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và ông Simôn người Kyrênê diễn ra trong thinh lặng, trao cho chúng ta một bài học trong cuộc sống mình: Thiên Chúa không muốn sự đau khổ và Ngài không chấp nhận sự dữ. Nhưng đau khổ, nếu được chấp nhận trong đức tin, sẽ được chuyển hóa thành một con đường cứu độ. Vì thế chúng ta chấp nhận đau khổ như Đức Giêsu đã chấp nhận, và chúng ta kê vai vác đỡ như ông Simôn người Kyrênê đã làm.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã cho phép con người dự phần vác Thánh Giá với Chúa.

Chúa đã mời gọi chúng con thông phần những đau khổ của Chúa.

Là một con người như chúng con,

ông Simôn người Kyrênê dạy chúng con đón nhận Thập giá

mà chúng con gặp trên muôn nẻo đường đời.

Lạy Chúa, theo gương Chúa,

chúng con cũng vác những Thập giá của đau khổ và bệnh tật hôm nay,

nhưng chúng con đón nhận Thập giá vì có Chúa ở với chúng con.

Đau khổ và bệnh tật có thể đóng đinh chúng con một chỗ,

nhưng nó không thể ngăn cản chúng con ước mơ;

nó có thể làm cho mắt chúng con mù lòa,

nhưng không thể làm mờ lương tâm chúng con;

nó có thể làm cho tai chúng con bị điếc,

nhưng không thể ngăn cản chúng con lắng nghe;

nó có thể làm cho lưỡi chúng con bị cứng không nói được,

nhưng không thể bóp nghẹt nỗi khát khao sự thật nơi chúng con;

nó có thể làm cho tinh thần của chúng con bị đè nặng,

nhưng không thể tước đi tự do của chúng con.

Lạy Chúa,

chúng con muốn trở thành những môn đệ của Chúa

để vác Thánh Giá của Chúa mỗi ngày;

chúng con sẽ vác Thánh Giá trong niềm vui và hy vọng

bởi vì có Chúa cùng vác với chúng con,

và bởi vì Chúa đã chiến thắng trên sự chết, vì chúng con.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa,

vì biết bao người đau yếu bệnh tật

đang biết cách làm chứng cho tình yêu Chúa,

chúng con tạ ơn Chúa vì những “Simôn người Kyrênê”

mà Chúa gửi đến trên hành trình của chúng con. Amen.

Chặng thứ sáu: Bà Vêrônica lau mặt Chúa Giêsu

Lời Chúa trong Sách Thánh Vịnh 27,8-9

Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt. Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Ðấng phù trợ con. Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên Chúa, Ðấng cứu độ con.

Bà Vêrônica tìm tới Chúa giữa đám đông. Bà tìm, và cuối cùng bà đã gặp Chúa. Trong khi nỗi khổ của Chúa lên cao ngút, bà muốn xoa dịu bằng cách lấy khăn lau mặt Chúa. Một cử chỉ rất bé nhỏ, nhưng nó diễn tả tất cả tấm lòng của bà đối với Chúa và cho thấy rằng bà tin vào Chúa; cử chỉ bé nhỏ này vẫn còn in đậm trong ký ức của truyền thống Kitô giáo.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con tìm kiếm tôn nhan Chúa.

Bà Vêrônica nhắc chúng con rằng

Chúa hiện diện nơi từng con người đang đau khổ

và đang bước đi trên con đường của họ đến Gôngôtha.

Lạy Chúa,

xin cho chúng con biết tìm gặp Chúa nơi người nghèo,

nơi những anh chị em hèn mọn nhất,

để lau nước mắt cho những người đang khóc,

để săn sóc những những cùng khổ

và nâng đỡ những ai yếu nhược.

Lạy Chúa,

xin dạy chúng con hiểu rằng

một con người mang thương tích và bị lãng quên

không hề đánh mất phẩm giá của họ,

và họ vẫn là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa lòng thế giới.

Xin giúp chúng con biết lau sạch khỏi khuôn mặt họ

những dấu vết của sự nghèo khổ và bất công,

để hình ảnh Chúa nơi họ được tỏ lộ và ngời sáng.

Chúng con cầu nguyện cho những ai đang tìm kiếm Tôn nhan Chúa

và những ai gặp được Tôn nhan Chúa nơi những kẻ không nhà,

những người nghèo và những trẻ em phải hứng chịu bạo lực và bóc lột. Amen.

Chặng thứ bảy: Chúa Giêsu ngã lần thứ hai

Lời Chúa trong Sách Thánh Vịnh 22, 8.12

Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai. Xa con Ngài đứng sao đành,
nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho
.

Đức Giêsu một mình dưới sức nặng – cả thể chất lẫn tinh thần – của Thập giá. Trong lần té ngã này, sức nặng của sự dữ trở nên quá lớn và dường như không còn có giới hạn nào cho sự bất công và bạo lực.

Nhưng Người gượng dậy một lần nữa, Người mạnh mẽ trong niềm tín thác vô hạn đặt nơi Chúa Cha. Trước mắt những người bỏ mặc Người cho số phận của Người, sức mạnh của Thánh Thần đã đỡ Người dậy; sức mạnh ấy kết hợp Người với thánh ý Chúa Cha cách trọn vẹn, đó là sức mạnh của tình yêu cho phép người ta làm được mọi sự.

Lạy Chúa Giêsu,

trong lần ngã thứ hai của Chúa,

chúng con nhận ra rất nhiều hoàn cảnh của chúng con

dường như hoàn toàn bế tắc, không lối thoát.

Chẳng hạn, những thành kiến và hận thù

làm chai lì quả tim chúng con

và dẫn đến những xung đột tôn giáo.

Xin Chúa soi sáng tâm trí chúng con

để chúng con nhận ra, bất chấp “những khác biệt tôn giáo và nhân văn”,

rằng “một tia sáng của sự thật

chiếu soi hết mọi người, nam cũng như nữ”,

và mọi người được gọi sánh bước nhau – trong niềm tôn trọng tự do tôn giáo –

để tiến về sự thật nơi chỉ một mình Thiên Chúa.

Như vậy, các tôn giáo khác nhau

có thể “cộng tác với nhau trong việc phục vụ công ích

và đóng góp vào sự phát triển của mỗi con người

cũng như sự xây dựng xã hội” (Ecclesia in Medio Oriente, 27-28).

Lạy Chúa Thánh Thần,

xin hãy đến an ủi và trợ lực cho các Kitô hữu,

nhất là các anh chị em ở Trung Đông,

để trong kết hợp với Đức Kitô,

họ có thể là những chứng nhân cho tình yêu phổ cập của Chúa

tại một vùng đất bị xâu xé bởi bất công và những xung đột. Amen.

Chặng thứ tám: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ Giêrusalem đang khóc thương Chúa

Tin Mừng theo Thánh Luca 23,27-28

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em”.

Trên đường lên Canvê, Chúa đã gặp các phụ nữ Giêrusalem. Những phụ nữ này đang khóc thương cho những đau khổ của Chúa như thể đó là những đau khổ trong vô vọng. Tất cả những gì họ có thể nhìn thấy nơi Thập giá là hai thanh gỗ tréo ngang, dấu hiệu của sự nguyền rủa (x. Đnl 21,23), trong khi Chúa chọn Thập giá như một phương tiện cho ơn thục hồi và cứu độ.

Trong cuộc Thương Khó và trong cái chết Thập giá, Đức Giêsu trao sự sống mình như giá chuộc cho nhiều người. Nghĩa là Người trao ban sự xoa dịu cho những ai bị áp bức và Người an ủi những ai chịu thống khổ. Người lau sạch nước mắt cho các phụ nữ Giêrusalem và mở mắt cho họ nhận ra sự thật của mầu nhiệm Vượt Qua.

Thế giới của chúng ta cũng tràn ngập những bà mẹ đau khổ, những phụ nữ mà phẩm giá của họ bị thương tổn, bị lạm dụng bởi kỳ thị và bất công (x. Ecclesia in Medio Oriente, 60). Nguyện xin Đức Kitô đau khổ trở nên bình an cho họ và trở nên phương dược chữa trị các thương tổn của họ.

Lạy Chúa Giêsu,

nhờ cuộc nhập thể của Chúa nơi Mẹ Maria,

người mẹ “có phúc giữa các người phụ nữ” (Lc 1,42),

Chúa đã biểu dương phẩm giá của mọi phụ nữ.

Với mầu nhiệm Nhập thể,

Chúa đã hợp nhất nhân loại (x. Gl 3,26-28).

Lạy Chúa, xin cho tâm hồn chúng con biết khát khao gặp gỡ Chúa.

Xin cho đường đời đầy khổ lụy của chúng con

vẫn luôn luôn là một con đường của hy vọng,

với Chúa và hướng về Chúa,

vì Chúa là nơi nương tựa của cuộc đời

và là ơn cứu độ của chúng con. Amen.

Chặng thứ chín: Chúa Giêsu ngã lần thứ ba dưới sức nặng của Thập giá

Lời Chúa trong Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrinthô 5,14-15

Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Ðức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình.

Lần thứ ba, Chúa Giêsu ngã xuống dưới sức nặng của Thập giá, sức nặng của tội lỗi chúng ta; và lần thứ ba, Người gắng chỗi dậy, vận dụng hết sức lực còn lại nơi mình, để có thể tiếp tục hành trình lên Gôngôtha, Người không để mình bị nghiền nát và đầu hàng trước cám dỗ.

Kể từ khoảnh khắc Nhập Thể, Đức Giêsu mang lấy Thập giá của đau khổ và tội lỗi nhân loại. Người đã đảm nhận bản tính con người một cách trọn vẹn và vĩnh viễn, cho con người thấy rằng họ có thể chiến thắng, và thấy rằng con đường trở thành con cái Thiên Chúa đã mở ra cho hết mọi con người.

Lạy Chúa Giêsu,

được sinh ra từ cạnh sườn Chúa,

Giáo hội bị đè nặng dưới Thập giá của những chia rẽ

làm cho các Kitô hữu xa rời nhau

và xa rời sự hiệp nhất mà chính Chúa mong muốn;

các Kitô hữu quay lưng lại với khát vọng của Chúa “xin cho họ nên một” (Ga 17,21)

như “Cha và Con là một”.

Với tất cả trọng lượng của nó, Thập giá này đè nặng

trên đời sống và trên lời chứng chung của các Kitô hữu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết khôn ngoan và khiêm nhường

để chỗi dậy một lần nữa và tiến về phía trước trên con đường hiệp nhất,

trong sự thật và yêu thương,

mà không bị khuất phục trước cám dỗ chỉ khư khư bám vào các tiêu chuẩn ích lợi cá nhân và phe nhóm mình, để giải quyết những chia rẽ giữa chúng con (x. Ecclesia in Medio Oriente, 11).

Xin cho chúng con biết từ bỏ não trạng chia rẽ,

“để Thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1Cr 1,17). Amen.

Chặng thứ mười: Chúa Giêsu bị lột áo

Lời Chúa trong Sách Thánh Vịnh 22,19

Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng vốn có “tà áo bao phủ Đền thờ” (x. Is 6,1), song khi đến thời viên mãn, Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại của chúng con; Chúa đã rảo bước giữa loài người chúng con, và những ai ước ao đụng chạm đến vạt áo Chúa đều được chữa lành. Nhưng lạy Chúa, Chúa đã bị tước cả tấm áo đó! Người ta đã đoạt của Chúa tấm áo ngoài, và Chúa đã trao cả áo trong cho chúng con (x. Mt 5,40). Chúa đã để cho tấm màn che da thịt Chúa bị xé ra, để chúng con có thể một lần nữa được đón nhận vào trong sự hiện diện của Chúa Cha (x. Dt 10,19-20).

Chúng con nghĩ rằng chúng con có thể tự mình hòan thành chính mình, không phụ thuộc vào Chúa (x. St 3,4-7). Thế là chúng con nhận ra mình trần truồng, nhưng trong tình yêu vô hạn của Chúa, Chúa đã mặc lại cho chúng con phẩm giá của con cái Thiên Chúa và của ơn thánh hóa Chúa ban.

Lạy Chúa, xin nhìn đến các con cái của các Giáo hội Đông phương – bị lột trần bởi khó khăn đủ loại, đôi khi đến mức bị bách hại, và bị suy yếu dần do những làn sóng di cư. Xin Chúa ban cho họ ơn can đảm để ở lại quê hương và loan báo Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Con Người,

Chúa đã bị lột áo

để mạc khải cho chúng con thấy tạo vật mới

được nâng lên từ cõi chết,

xin xé toạc nơi chúng con

bức màn ngăn cách giữa chúng con với Thiên Chúa

và đưa chúng con vào trong sự hiện diện thần linh của Chúa.

Xin cho chúng con biết thắng vượt sự sợ hãi

trước những biến cố của cuộc sống

trong đó chúng con bị lột trần trụi,

và cho chúng con biết mặc lấy con người mới do Phép Rửa của mình,

để chúng con có thể loan báo Tin Mừng,

và rao giảng rằng Chúa là Thiên Chúa đích thực và duy nhất,

là Đấng hướng dẫn lịch sử này. Amen.

Chặng thứ mười một: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thánh Giá

Tin Mừng theo Thánh Gioan 19,16a.19

Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nadarét, Vua dân Dothái”.

Này đây, Đấng Mêsia đã bao đời mong đợi, nay treo trên cây gỗ thập giá giữa hai người trộm cướp. Hai bàn tay thi ân giáng phúc cho con người nay bị xuyên thủng. Hai bàn chân rong ruổi rao giảng Tin Mừng nay bị treo chới với giữa trời và đất. Đôi mắt đầy yêu thương, từng trao ánh nhìn tha thứ tội lỗi chúng ta và chữa trị các bệnh nhân, nay chỉ hướng vọng trời cao.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa chịu đóng đinh vì tội lỗi chúng con.

Chúa cầu nguyện với Chúa Cha và chuyển cầu cho nhân loại.

Mỗi nhát búa như âm vang một nhịp đập từ trái tim hy tế của Chúa.

Đẹp thay trên đỉnh đồi Canvê,

những bàn chân của Đấng rao giảng Tin Mừng cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa đã đong đầy vũ trụ.

Đôi bàn tay xuyên thủng của Chúa

là chỗ nương tựa của chúng con trong cơn khốn đốn.

Đôi bàn tay ấy ôm lấy chúng con

bất cứ khi nào vực thẳm tội lỗi đe dọa chúng con,

và trong các vết thương của Chúa

chúng con tìm thấy sự chữa lành và ơn tha thứ.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cầu xin Chúa cho tất cả các bạn trẻ bị đè bẹp bởi tuyệt vọng,

cho những người trẻ là nạn nhân

của ma túy, của bè phái và của những đồi trụy.

Xin giải thoát họ khỏi những ách nô lệ ấy.

Xin cho họ biết ngước nhìn lên và đón nhận Tình Yêu.

Xin cho họ tìm thấy hạnh phúc trong Chúa;

lạy Đấng Cứu Độ chúng con, xin hãy cứu vớt họ. Amen.

Chặng thứ mười hai: Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá

Tin Mừng theo Thánh Luca 23,46

Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Nói xong, Người tắt thở.

Từ trên Thập giá vang vọng một tiếng kêu: tiếng kêu phó thác trong khoảnh khắc trút hơi thở, tiếng kêu của niềm tin tưởng giữa đau khổ, tiếng kêu gắn liền với cuộc sinh hạ một sự sống mới. Này đây, treo trên cây sự sống, Chúa phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha, khai mở nguồn suối sự sống bất tận và làm nên cuộc sáng tạo mới. Ngày hôm nay, chúng con cũng đối mặt với những thách đố của thế giới này: chúng con cảm nhận những nỗi sợ hãi tràn ngập chúng con và làm lung lay niềm tin tưởng của chúng con. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh để nhận biết sâu xa trong lòng rằng không có cái chết nào sẽ khuất phục chúng con, cho đến khi chúng con yên nghỉ trong đôi bàn tay đã tác tạo và đồng hành với chúng con.

Ước gì mỗi người chúng con có thể thốt lên:

“Ngày hôm qua tôi chịu đóng đinh với Đức Kitô,

hôm nay tôi được thông phần vinh quang với Người.

Ngày hôm qua tôi chết với Người,

hôm nay tôi sống với Người.

Ngày hôm qua tôi được mai táng với Người.

Hôm nay tôi sống lại với Người”. (Gregory Nazianzen)

Trong những đêm trường tăm tối, chúng con chiêm ngắm Chúa. Xin dạy chúng con biết hướng về Đấng Tối Cao, là Chúa Cha trên trời.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện

cho tất cả những ai ủng hộ phá thai

biết ý thức rằng

tình yêu chỉ có thể là một nguồn sự sống.

Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những người ủng hộ “cái chết êm dịu”

và những người thúc đẩy các kỹ thuật và các tiến trình đe dọa sự sống con người.

Xin Chúa mở lòng họ

để họ nhận biết Chúa trong sự thật

và để họ làm việc

xây dựng nền văn minh sự sống và tình thương. Amen.

Chặng thứ mười ba: Chúa Giêsu được hạ xuống khỏi Thánh Giá và trao cho Đức Mẹ

Tin Mừng theo Thánh Gioan 19,26-27a

Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Ðây là mẹ của anh“.

Lạy Chúa Giêsu, những người yêu mến Chúa ở lại bên Chúa và giữ vững đức tin. Trong giờ hấp hối và trong cái chết của Chúa, khi thế giới này tin rằng sự dữ toàn thắng và rằng tiếng nói của sự thật, tình yêu, công lý và hòa bình bị dập tắt, thì đức tin vẫn không rúng chuyển.

Lạy Mẹ Maria, chúng con phó dâng cho Mẹ mảnh đất (Trung Đông) này của chúng con. “Thật buồn biết bao khi nhìn thấy con cái của mảnh đất được chúc phúc này phải khốn khổ, họ xâu xé nhau không thương tiếc cho đến chết!” (Ecclesia in Medio Oriente, 8). Như thể chẳng có gì thắng vượt được sự dữ, khủng bố, sát hại và hận thù. “Lạy Đức Trinh Nữ, chúng con phủ phục cầu xin trước Thập giá mà đôi bàn tay Con Mẹ giang ra trên đó vì ơn cứu độ của chúng con: xin ban hòa bình cho chúng con” (Phụng vụ Byzantine).

Chúng ta hãy cầu nguyện

cho các nạn nhân

của chiến tranh và bạo lực hôm nay đang tàn phá nhiều quốc gia ở Trung Đông,

cũng như những nơi khác trên thế giới.

Chúng ta hãy cầu xin

cho những người bị buộc phải di cư

có thể sớm trở về quê hương xứ sở của mình.

Lạy Chúa, xin cho máu các nạn nhân vô tội

trở thành hạt giống của một Trung Đông mới,

đầy tình huynh đệ hơn, đầy hòa bình và công lý hơn,

xin cho mảnh đất Trung Đông lấy lại vẻ rạng ngời của ơn gọi mình:

là chiếc nôi của văn minh và của các giá trị nhân bản và tâm linh.

Xin Ánh Sao của Đông phương cho chúng con nhìn thấy ánh Bình Minh tỏ rạng ở chân trời! Amen.

Chặng thứ mười bốn: Chúa Giêsu được mai táng trong mồ

Tin Mừng theo Thánh Gioan 19,39-40

Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Ðức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Dothái.

Ông Nicôđêmô nhận xác Đức Giêsu, ông liệm xác và đặt xác trong một ngôi mộ ở giữa vườn, điều này gợi nhớ khu vườn của buổi Sáng Tạo. Chúa Giêsu để cho mình được mai táng, cũng như Người đã để cho mình bị đóng đinh, cùng một thái độ phó thác, hoàn toàn “trao nộp” vào tay con người và “hoàn toàn nên một” với họ, “ngay cả trong việc ngủ yên trong mộ” (Thánh Gregory Narek).

Để chấp nhận các khó khăn, các biến cố đớn đau, sự chết, người ta phải có niềm hy vọng vững vàng và đức tin sống động.

Tảng đá lấp cửa mồ sẽ bị lật nhào và một sự sống mới sẽ vụt lên. Vì “được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4).

Chúng ta đã nhận được sự tự do của con cái Thiên Chúa, để chúng ta sẽ không quay lại với tình trạng nô lệ; sự sống đã được trao ban dồi dào cho chúng ta, để chúng ta không còn thỏa mãn với một đời sống thiếu vẻ đẹp và thiếu ý nghĩa.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho chúng con

trở thành con cái của ánh sáng, không sợ hãi bóng tối.

Hôm nay chúng con cầu xin Chúa

cho những ai đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời

và cho những ai đã đánh mất niềm hy vọng,

để họ có thể nhận được ơn đức tin,

và họ sẽ tin rằng Chúa đã chiến thắng trên tội lỗi và sự chết. Amen.

© Copyright 2013 – Libreria Editrice Vaticana

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31