ĐÀNG THÁNH GIÁ (CẢI BIÊN, 4 CHẶNG THAY VÌ 14 CHẶNG!)
Suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và cầu nguyện với Chúa Giêsu khổ nạn
I. DẪN VÀO SUY NIỆM
Bị bắt tại vườn Cây Dầu tối hôm qua, khi đang khuyên nhủ các bạn hữu mình tỉnh thức và cầu nguyện, Đức Giêsu bị áp giải về dinh thượng tế và trải qua đêm ở đó. Đêm cuối cùng – cũng là đêm không ngủ; đêm của tra tấn, lăng nhục và đấu tố. Sáng hôm nay, Đức Giêsu chính thức ra tòa – tòa đạo rồi tòa đời. Vòng vo qua lại giữa giới lãnh đạo Do thái và nhà cầm quyền Rôma, cuối cùng vụ xử án cũng được kết thúc: tử hình. Bản án được thi hành ngay lập tức, vì giới lãnh đạo Do thái chỉ chờ có thế, và cũng vì đại lễ Vượt Qua đã cập kề. Đức Giêsu bị điệu đi, thập giá trên vai, rời sân dinh tổng trấn, trực chỉ pháp trường Gôn-gô-tha – ở đó, Ngài bị đóng đanh và bị treo lên, cho đến khoảng giữa buổi chiều thì Ngài tắt thở.
Đức Giêsu đã chết. Cái chết này không phải là trung tâm của niềm tin kitô giáo; trái lại, cái chết này trong nhất thời đã gây hoang mang – buồn chán – và tuyệt vọng cho nhiều môn đệ đã từng đi theo Ngài. Còn đối với những ai vốn kỳ vọng nơi Đức Giêsu một “mêsia” trần tục và nhìn lên cây thập giá trưa nay với le lói hy vọng rằng Giêsu sẽ được Thiên Chúa giải cứu… thì cái chết của Đức Giêsu đã gây vấp phạm cho họ.
Chiều nay, Thứ Sáu Thánh, Giáo hội mời gọi các tín hữu dừng lại trước Thập giá của Đức Giêsu, nhìn ngắm con đường Ngài đã đi qua và cảm nhận nỗi chết của Ngài – như Đức Maria, như môn đệ Gioan, như nàng Maria Macđala… trong buổi chiều cách đây gần 2000 năm ấy.
Nơi Đức Giêsu, sự chết đi hằng ngày của chúng ta tìm được ý nghĩa đích thực của nó. Nó cũng trở thành một hành vi tự nguyện: chết vì tình yêu để chiến thắng thế gian và tội lỗi. Nên một với Đức Giêsu trong những sự chết đi hằng ngày, là chúng ta đã sống một sự sống mới.
Không những soi sáng cho sự sống và cái chết, việc chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa cũng soi sáng cho mọi ưu tư trong đời sống chúng ta. Nó giúp ta không những biết chấp nhận chịu đau khổ cho anh chị em mình mà còn sẵn sàng chịu những nỗi đau khổ do anh chị em mình gây ra nữa: đau khổ do bị ngược đãi, bị lợi dụng, bị phản bội, bị khinh rẻ, bị hiểu lầm, bị thờ ơ…
Quả thực, con đường thập giá của Đức Giêsu đâu phải chỉ là quãng đường từ sân dinh Tổng Trấn Philatô đi lên Núi Sọ. Con đường thập giá đã được Ngài rao giảng trước đó từ lâu – và đã được Ngài bước đi trong trọn cả kiếp người.
II. CÔ ĐƠN VÀ YẾU ĐUỐI
Yêu người hết tình mà người vẫn lạnh lùng trơ trơ như gỗ đá. Chia sẻ đến cùng thân phận người để cảm thông người mà chỉ được đáp lại bằng cố chấp và ngộ nhận. Mở rộng vòng tay đón người vào lòng mà người nhất mực xô đẩy, quay lưng… Tất cả những nỗi niềm ấy dồn tụ về đây, đè nặng tâm tư Đức Giêsu, khủng khiếp như chưa bao giờ. Vườn Cây Dầu về đêm – phủ trùm bóng tối; trong lòng Đức Giêsu – trùng trùng một màn tối của cô đơn. Người thốt lên, như van xin, như năn nỉ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được…” (Mc 14,34).
Có phải bị bạc bẽo và cô đơn là “số phận” của Người, kể từ khi Người trở thành một người trong cõi người ta? Chưa chào đời, đã bị người ta từ chối: Giuse và Maria không tìm được chỗ trong nhà trọ (cf. Lc 2,7). Mới sinh ra, phải chạy trốn ra nước ngoài để tránh âm mưu ám hại của nhà vua. Ngay bước đầu của hành trình rao giảng Tin Mừng Cứu độ, Người bị những người đồng hương Nazarét cực lực tẩy chay (cf. Lc 4,28-29). Họ hàng thân thuộc cũng không hiểu, coi Người là kẻ bị tâm thần (cf. Mc 3,21). Dân chúng được cho ăn bánh – thì chỉ tìm Người để kiếm bánh “khỏi mất tiền mua” (cf. Ga 6,15.26). Giới trí thức và giới lãnh đạo tôn giáo thì thường xuyên đối đầu, gài bẫy Người, xem Người như một cái gai cần phải nhổ. Nhà cầm quyền Rôma, có vẻ ít có thành kiến và ác cảm hơn song cũng chỉ xem Người như một “con vật tế thần”, cho những mục tiêu chính trị…
Giờ đây, đến lượt chính những người thân tín nhất – những người mà Người dành đặc biệt tâm lực đào tạo và đặt hoài bão nơi họ… Đến lượt cả họ nữa – cũng phũ phàng phản bội Người. Giuđa lầm lụi rời nhóm ra đi, giờ đây đích thân dẫn quân lính tới để bán Thầy. Phêrô mới tuyên bố sẵn sàng liều mạng vì Thầy hôm qua, tối nay run lập cập chối không biết Thầy một lần – hai lần – rồi ba lần. Các môn đệ kia cũng bỏ trốn hết.
Chỉ còn một mình Người đứng đó – trong Vườn Cây Dầu, rồi trong sân dinh Thượng Tế – đối mặt với sự dữ của con người, khi sự dữ ấy đang trào lên cực điểm . Còn nỗi cô đơn nào đau hơn nỗi cô đơn này không? Còn đêm tối nào tối tăm hơn đêm tối này không?
Có phải bị bạc bẽo và cô đơn là “số phận” của Thiên Chúa, kể từ khi Thiên Chúa tạo nên con người và quan hệ với con người? Cả lịch sử Cựu Ứơc là một lịch sử trung thành yêu thương và nhẫn nại đợi chờ về phía Thiên Chúa – và đó là một lịch sử của thái độ bất trung, bội bạc về phía Ít-ra-en!
Trong bóng đêm yên ắng nặng nề của Ghétsêmani tối hôm nay, cuộc tương tranh giữa lòng trung thành của Thiên Chúa và sự bất trung của con người sắp đến hồi ngã ngũ. Cuộc tương tranh ấy diễn ra trong chính cõi lòng Đức Giêsu – là con người và là Con Một Thiên Chúa. Một bên là nỗi kinh hoàng của tâm trạng cô đơn cùng cực đang đè nặng – và một bên là Ý MUỐN của Cha! Nếu đầu hàng trước nỗi cô đơn này, Giêsu vẫn còn kịp giờ để khước từ chén đắng. Người đã quì xuống, cầu nguyện cùng Cha: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Lc 22,42):
Cha ơi, con sợ chén này – chén đớn đau thân xác của đòn roi và của đóng đinh, nhất là con sợ chén đau khổ tinh thần của nỗi cô đơn phũ phàng chất ngất đang đè bẹp con đây. Cha ơi, cứ ý con thì con sẽ không bước tới nữa, con sẽ rút lui. Nhưng, con xin chọn ý Cha – như cả đời con đã trung thành với ý Cha (cf. Ga 4,31-33) – vì ý muốn của Cha đã chính là lý do hiện hữu của con (cf. Dt 10,9). Vâng, xin theo ý Cha, đừng theo ý con…
Thiên Chúa đã làm người – nơi Đức Giêsu – một cách sòng phẳng biết bao! Người cũng bất lực, yếu đuối như một con người khi lâm vào cơn khủng hoảng. Song Người vẫn trung thành tuân phục – chứ không phản bội ý Cha. Thì ra, cám dỗ và yếu đuối là một chuyện; còn thỏa hiệp với tội lỗi là một chuyện khác. Con người luôn luôn còn đủ nguồn sức mạnh để vượt qua đêm tối mù mịt nhất của tâm hồn – nếu trung thành đứng về phía THIÊN Ý. Như Đức Giêsu, sau lần này xác nhận lòng trung thành với Cha, Người có thể đứng lên, không còn nao núng nữa, đi thẳng về phía trước cho trọn con đường sứ mạng của Người. Cô đơn thật kinh khủng, song có một cái gì đó còn quan trọng hơn nỗi cô đơn. Hay nói đúng hơn, Người biết rằng ngay cả trong tình cảnh bạc bẽo eo sèo nhất như chén đắng mà Người đang phải uống cạn, Người vẫn không hoàn toàn cô đơn.
III. SỈ NHỤC
Hình như có một khía cạnh chưa được nhấn mạnh đúng mức trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu – đó là Đức Giêsu bị sỉ nhục. Người ta thường chú ý nhiều hơn đến những đớn đau mà thân thể Người phải hứng chịu như đòn vọt, như những lần té ngã trên đường lên Canvê dưới sức nặng của cây thập giá, như những mũi đinh đóng xuyên thấu vào tay chân Người… Những đớn đau ấy thật ghê gớm. Song sự sỉ nhục mà Người phải lãnh nhận còn khủng khiếp hơn: Trước khi treo Người lên trần trụi giữa chỗ người qua kẻ lại, ngay tại dinh Philatô, người ta đã chà nát tâm hồn Đức Giêsu bằng mọi sáng kiến mà họ có thể nghĩ ra để sỉ nhục Người: “Họ lấy gai kết một triều thiên mà đem đặt lên đầu Người, và đặt một cây sậy vào tay phải Người, rồi khoác cho Người một ác choàng cẩm điều, rồi họ tiến lại, quì trước mặt Người và nhạo cười: “Kính chào Vua Do thái; họ khạc nhổ vào mặt Người cùng lấy gậy đập vào đầu Người” (Mt 27,29-30).
Một Giêsu hoàn toàn bất lực, hoàn toàn phó mặc cho sự điên cuồng và dã man của đội thi hành án. Một trái banh trong chân người ta – để họ muốn đá kiểu nào thì đá – và nó luôn tìm chỗ nào thấp nhất để lăn vào! Thế nhưng, đó cũng là một Giêsu từng nói một lời và biến nước thành rượu, nói một lời và 5 chiếc bánh dư nuôi 5000 người; đó là một Giêsu từng đi trên biển, từng truyền cho giông tố yên lặng; đó là một Giêsu từng chữa lành mọi bệnh tật, từng cho người chết sống lại!
Làm sao ráp nối được hai hình ảnh như tương phản ấy, nếu không nhận ra rằng Đức Giêsu – vốn làm nhiều phép lạ – song chưa bao giờ Người làm phép lạ để nhằm biểu dương uy quyền. Chưa bao giờ Người làm phép lạ chỉ vì bị người ta sỉ nhục. Và vì thế, sẽ là ngớ ngẩn nếu trông chờ Người làm một cái gì đó để biểu dương uy quyền ở đây – dù điều mà Người đang gánh chịu là điều thuộc loại khó chịu nhất đối với bất kỳ một con người nào.
Làm sao để ráp nối một Giêsu “đầy quyền năng trong lời nói và việc làm” với một Giêsu nhẫn nhục cam chịu – nếu không nhìn thấy Người là vị tôn sư HIỀN LÀNH và KHIÊM NHƯỜNG. Con đường Người đi là con đường tự hủy, như Thánh Phaolô đúc kết: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2,6-8).
Kiêu ngạo, chứ không phải khiêm nhường, từ lúc nào – đã đi vào trong máu thịt người ta. Bao nhiêu sự gãy đổ đã xảy ra giữa người với Chúa và giữa người với người – chỉ vì người ta kiêu căng và cố chấp. Bao nhiêu cuộc chiến tranh, bao nhiêu mối bất hòa cơ hồ bế tắc không có lối ra – chỉ vì bên nào cũng khư khư tin rằng mình đúng và mình tốt – như ông bà nguyên tổ ngày xưa quyết giành lấy quyền ấn định tốt xấu: muốn làm “ông Trời”!
Nếu kiêu căng đã làm rối loạn và đổ bể mọi sự thì chỉ có lòng khiêm nhường sâu thẳm mới có thể ngăn ngừa và cứu vãn tình thế. Phải chăng đó là lý do tại sao Đức Giêsu – Ađam mới – đã chọn con đường tự hủy để hóa giải di lụy kiêu căng đang làm điêu đứng mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người.
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì vậy ý chí bảo toàn danh dự khi phẩm giá hay thể diện của mình bị xúc phạm là điều có lý. Tự ái, tự nó, không phải là một bản năng xấu. Thế nhưng, Đức Giêsu chọn con đường khác: người ta khạc nhổ vào mặt Người, người ta lấy gậy đập vào đầu Người, Người vẫn làm thinh nhận chịu chứ không hề phản ứng. Người nuốt trọn sự sỉ nhục mà người ta đang đổ lên Người. Dễ tưởng đây là thái độ của kẻ bất lực hay nhu nhược! Song, trong cuộc chiến đấu để chống lại và tiêu diệt chính nguồn căn sự dữ – chứ không phải nhằm tiêu diệt những con người đang bị sự dữ lung lạc – thì đây là thái độ mạnh nhất. Cũng như, chỉ có những kẻ thực sự mạnh mới có thể khiêm nhường thay vì kiêu căng – hiền lành thay vì sân si – thứ tha thay vì cố chấp.
Con đường sỉ nhục của Đức Giêsu mãi mãi vẫn còn là một con đường đầy thách đố đối với ai còn muốn làm môn đệ Người.
IV. LIÊN ĐỚI VÀ CHIA SẺ
Trên đường lên Canvê, Đức Giêsu không vác thập giá một mình – dù luật hành quyết của Rôma qui định chính kẻ bị kết án phải vác lấy khổ giá đến nơi hành quyết. Có lẽ vì thấy Đức Giêsu đuối sức, binh lính bắt ông Simon – đang trên đường từ ngoài đồng về – vác đỡ thập giá cho Người.
Chuyện như thật tình cờ! Có phải đây là “ách giữa đàng, mang vào cổ”, một xui xẻo của “thứ sáu, ngày 13” cho ông Simon? Hay đây chính là một vinh dự của ông mà bao người khác mơ cũng không được: chung lưng vác với Chúa chính cây thập giá mà Chúa bị đóng đinh để cứu độ trần gian! Các tác giả Sách Tin Mừng không cho biết ông Simon đã phản ứng thế nào trước điều bất ngờ xảy đến cho ông hôm ấy, ngoại trừ một điều rằng ông đã kê vai vào vác thập giá với Đức Giêsu.
Một điều khá rõ: về phần Đức Giêsu, sau một đêm thức trắng và bị hành hạ cả tâm thần lẫn thể xác, sức lực Người có hạn – và giờ đây Người CẦN có người phụ giúp vác cây thập giá đến nơi phải đến. Liệu nếu Đức Giêsu gắng gượng, dốc hết sức bình sinh, bặm môi và nín thở… hẳn Người rất có thể lê được cây gỗ ấy lên đồi mà không cần làm phiền đến ai khác chứ? Nếu quả thế, thì trong thực tế việc Người cần ông Simon vác đỡ lại càng được thấy rõ là nằm trong ý muốn tích cực của Người – và vì thế, sẽ càng chất chứa rõ hơn sứ điệp mà Người muốn gửi gắm qua sự kiện “một cây thập giá hai người vác chung”.
Đó là sứ điệp về giá trị của liên đới và chia sẻ. Trong công cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã muốn có sự liên đới cộng tác của con người. Con người được trao quyền quản lý vũ trụ này để bằng khả năng và sức lao động của mình đưa vũ trụ đến đích điểm của nó. Đối với cuộc cứu độ – của vũ trụ và của từng người – Thiên Chúa cũng muốn có sự liên đới ấy. Đây là một hồng ân, một vinh dự lớn: tôi được mời cộng tác không phải trong một dự án nào đó chẳng hạn với ông tổng thư ký liên hiệp quốc hay với đức thánh cha, mà là làm việc với Thiên Chúa trong đại cuộc xoay chuyển vận mệnh con người và vũ trụ – trong đó có vận mệnh của bản thân tôi. Đây cũng là một trách nhiệm hết sức hệ trọng: Thiên Chúa muốn cứu tôi và Đức Giêsu đã đi trọn con đường thập giá để cứu tôi, song Người cũng phải đành chịu thua nếu tôi không liên đới cộng tác. Điều mà Đức Giêsu nhắc nhở các phụ nữ Giêrusalem chạnh lòng trước đau thương của Người. Người cũng muốn nhắc nhở tất cả mọi người qua các thế hệ: “Đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương lấy mình và con cháu mình. Vì nếu cây tươi mà người ta xử được thế này, thì cây khô, sự thể sẽ ra làm sao?” (Lc 23, 27-28.31).
Về phần ông Simon người Ky-rê-nê, rất có thể ông ngoan ngoãn kê vai vào vác đỡ thập giá với Đức Giêsu mà không hề ý thức được – trong nhất thời – rằng đó là một hồng ân, một vinh dự lớn lao. Rất có thể – thậm chí – ông nghĩ đó là một sự phiền toái, một liên lụy sỉ nhục với kẻ tử tội đang bị sỉ nhục kia; song vì bản tính hiền lành dễ chấp nhận – hoặc vì không muốn gặp rắc rối thêm với binh linh – hoặc vì động lòng trắc ẩn với kẻ xấu số đang bị hành hạ, ông vui lòng ghé vai vào cây thập tự. Dù sao, đó cũng là một hồng ân cho ông: ông được trực tiếp liên đới và chia sẻ cuộc khổ nạn vinh quang của Con Thiên Chúa!
Biết bao lần, trong cuộc sống, tôi đã bắt hụt hồng ân mà ông Simon đã không bắt hụt. Tôi bắt hụt, vì tôi không nhận ra chính Chúa đang hiện thân nơi người anh em, chị em cùng khốn tôi gặp trên đường tôi đi – hoặc ngay cả đến gõ cửa nhà tôi. Tôi bắt hụt, vì tôi vô cảm, vì sợ bị phiền phức, vì tôi chỉ quan tâm đến thời giờ của tôi – công việc của tôi – dự phóng của tôi – ý muốn của tôi.
Sống trong một xã hội đề cao thực dụng, nặng tinh thần hưởng thụ và trào lưu cá nhân chủ nghĩa, người môn đệ Đức Kitô càng bị thách đố nhiều hơn trong việc đáp trả tiếng gọi mời của Người để sống lối sống liên đới và chia sẻ.
V. TRUNG THÀNH VÀ TRÁCH NHIỆM hay TÌNH YÊU LỚN HƠN SỰ CHẾT
Đường lên Canvê nhọc nhằn, cuối cùng Người cũng đến. Đóng đinh và treo lên. Sự gian ác của con người leo đến tột đỉnh trong khoảnh khắc này. Con người đang giết Con Thiên Chúa! Không có sự can thiệp ngoạn mục giờ phút chót để cho tấn kịch may ra “có hậu” như trường hợp Abraham vung gươm trên cổ Isaac ngày xưa. Không có chuyện “giật gân” nào xảy ra, mặc cho ai đó buông lời khiêu khích: “Nếu mày là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá đi nào!”
Làm sao Người xuống khỏi thập giá được – khi cả đời Người đã giảng rao về thập giá? Người không xuống khỏi thập giá, cũng như Người đã không hóa đá thành bánh – không sụp lạy ma quỉ – không gieo mình xuống từ nóc đền thờ khi Người bị cám dỗ năm xưa. Đức Giêsu chỉ nhìn xuống từ thập giá – để trao phó môn đệ Gioan cho Mẹ Maria và ký thác Mẹ Maria cho môn đệ Gioan: “Người yêu mến các kẻ thuộc về Người còn trong thế gian, và Người yêu mến họ đến cùng” (Ga 13,1)…
Cuối cùng, điều phải đến đã đến, Đức Giêsu gục đầu, tắt thở – sau khi kêu lớn tiếng phó thác linh hồn trong tay Cha. Hồi tháng 9 năm 1997, ngay trong đêm được tin Mẹ Têrêsa Cancutta qua đời, Tổng Thống Jacques Chirac của nước Pháp đã gửi điện văn chia buồn, viết: “Tối hôm nay, thế giới nghèo đi hơn trong tình yêu thương, nghèo đi hơn trong lòng trắc ẩn, nghèo đi hơn trong bao dung…” Người ta cần phải viết thế nào, nói thế nào đây về cái chết chiều ấy trên đồi Canvê của Giêsu Nazarét! Có phải thế giới nghèo đi hơn trong tình yêu thương, trong lòng trắc ẩn, trong sự bao dung…? Hay phải nhìn thấy ngược lại: tình yêu thương và lòng trắc ẩn mà Thiên Chúa trao cho con người đã lên đến mức đầy ứ với cái chết của Đức Giêsu.
Thiên Chúa đã muốn đảm nhận lấy thân phận con người – và nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã lặn xuống đáy sâu nhất của thân phận ấy. Còn giá nào cao hơn cái chết? Còn điều kinh khủng nào kinh khủng hơn sự chết? Chẳng có ai muốn chết chỉ để mà chết. Nhưng Đức Giêsu đã chết, chỉ vì Người bị giết. Cũng không phải Người đang trả giá cho Thiên Chúa để bồi thường về sự xúc phạm của nhân loại từ Ađam cho đến người cuối cùng. Cái mà Người đang trả giá đây chính là tình yêu từ đời đời của Thiên Chúa đối với con người, tình yêu mà Người là hiện thân cụ thể – từ cuộc nhập thể, Giáng sinh và trong suốt cuộc sống ba mươi mấy năm làm người.
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ trao hiến sự sống vì người mình yêu”. Tôi yêu anh và tôi đến với anh, chia sẻ đến cùng cảnh ngộ của anh – thế thôi. Tôi yêu anh và tôi tự đồng hóa với anh để trách nhiệm về sự sai lầm, hư hỏng của anh – thế thôi. Tôi yêu anh và tôi tôn trọng sự tự do của anh, dù sự tự do ấy có bị lạm dụng. Tôi yêu anh và tôi muốn được anh yêu – thế nhưng làm sao anh có thể yêu tôi được nếu anh không còn sự tự do đầy đủ? Bởi thế mà – nếu anh quyết liệt muốn giết tôi, anh có đủ điều kiện để giết tôi, thì tôi chết – thế thôi!
Nơi cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đi đến cùng trong lôgic tình yêu và trách nhiệm đến cùng về tình yêu ấy. Cái chết của Đức Giêsu cũng là lời tỏ tình tha thiết nhất mà Thiên Chúa muốn nói với con người. Không ai nói lên lời tỏ tình một cách nghiêm túc mà lại không bồn chồn chờ đợi tiếng đáp trả của người mình thương. Anh từ chối tôi – anh giết tôi – cũng được, tôi sẽ dùng chính cái chết của mình để nói rằng tôi yêu anh. Tình yêu của tôi lớn hơn mạng sống tôi và lớn hơn sự vô tâm bướng bỉnh của anh nữa.
Có điều, chết là cơ hội cuối cùng nên cái chết cũng là lời tỏ tình cuối cùng mà một con người có thể nói lên – để rồi chỉ còn chờ đợi và… chờ đợi.
Đức Giêsu đã chết. Mọi sự tưởng niệm của tôi hôm nay sẽ có nghĩa gì, nếu không mở lòng mình ra để Tình Yêu của Người đi vào trong tôi và biến đổi tôi? Đừng than khóc Chúa chết! Hãy trả lời tiếng gọi mà Người đã mở ra và đang quay quắt đợi chờ!
Lm. Lê Công Đức
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO