ĐÀO TẠO LINH MỤC TRONG THỜI ĐẠI TÂN PHÚC ÂM HÓA VÀ NHỮNG ÁNH SÁNG TỪ TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM

Written by lcd on Tháng Mười Một 17th, 2014. Posted in Linh mục, Lm Lê Công Đức, Ơn gọi, Thiên Phong, Tông huấn, Truyền giáo, Văn kiện Giáo Hội

Lược tóm bài thuyết trình của Đức Hồng Y Antonio Tagle, TGM Manila tại Hội nghị chuyên đề về “Loan báo Niềm Vui Tin Mừng” do FABC-OC tổ chức tại Pattaya, Thái Lan (10-15.11.2014).

Nếu bài thuyết trình thứ nhất (của TGM Hon Tai Fai, Thư ký Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc) là một trình bày khái quát về lịch sử sứ mạng loan báo Tin Mừng qua dòng thời gian, trong đó nêu bật sự kiện thiết lập Propaganda Fide hồi thế kỷ 17 và vai trò của Thánh Bộ này trong liên hệ cách riêng với công cuộc sứ mạng Phúc âm hóa ở Á Châu, thì bài thuyết trình thứ hai của Hồng y Tagle có tiêu điểm chuyên biệt hơn. Đức Hồng y TGM Manila cũng nói về Tân Phúc âm hóa, nhưng là trong qui chiếu đến bối cảnh đào tạo linh mục.

Nguồn tham khảo chính của thuyết trình viên là Thượng hội đồng Giám mục về Tân Phúc âm hóa (2012), với Tông huấn hậu Thượng hội đồng Evangelii Gaudium do Đức Thánh Cha công bố ngày 24.11.2013.

Bài thuyết trình gồm hai phần. Phần thứ nhất là một trình bày đặc sắc về câu chuyện Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp (cf. Ga 4,1-42). Phần thứ hai, diễn giả trực tiếp rút một số nhận thức của Đức Thánh Cha trong Tông huấn EG để vừa minh họa cho những nội dung trình bày ở phần thứ nhất, vừa làm điểm tới (tức ứng dụng thực hành) cho toàn bộ bài trình bày của mình.

Trước hết, tự định vị trong bối cảnh “đào tạo linh mục”, diễn giả khởi đi từ câu hỏi “Đào tạo một con người có nghĩa là gì?” Không có con người nào lơ lửng khơi khơi giữa đất với trời đến nhận một nền đào tạo. Các chủng sinh gia nhập chủng viện với một tập hợp các ảnh hưởng – thuận và nghịch – nhận được từ nền văn hóa cụ thể của mình (gia đình, xứ đạo, học đường, xã hội…) Việc cung cấp cho họ một nền đào tạo không thể không tính đến những ảnh hưởng ấy – như Đức Biển Đức XVI đã từng gợi ý cần phải đặt vấn đề: “Những ai hay những cái gì là những nhân tố định hình văn hóa của những con người cụ thể này?”

1. Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria: câu chuyện khung để hiểu về Tân Phúc âm hóa

Để trả lời cho hai câu hỏi có tính tiền đề nói trên, diễn giả sử dụng câu chuyện Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samaria với khẳng định rằng đây là cái khung giúp ta hiểu những hàm ý của Tân Phúc âm hóa. Nói cách khác, hãy xem cách thức mà Đức Giêsu đã dùng để đào tạo người phụ nữ trong câu chuyện.

Có năm điểm đáng ghi nhận từ cuộc gặp gỡ bên giếng Giacóp, như sau:

Thứ nhất, Đức Giêsu được mô tả như là một khách đi đường. Ngài không loan báo Tin Mừng từ ‘phòng khách’. Ngài không gọi và chờ người ta đến với Ngài ở ‘tổng hành dinh’ cố định nào đó. Ngài là khách đi đường, và cảm nếm nỗi mệt mỏi, đói khát của những khách đi đường. Nhà thừa sai của công cuộc tân Phúc âm hóa cũng phải đồng cảm với các hoàn cảnh của dân chúng như vậy. Bắt chước Đức Giêsu, ta không thể chờ người ta đến với mình, cũng không thể đến với người ta với tâm thái của một nhà chinh phục đầy hãnh thắng. Như Hiến chế Gaudium et Spes của Vatican II tuyên bố: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người thời nay, nhất là những người nghèo khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô – vì không có gì đích thực là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng họ” (số 1). Để có thể đồng cảm với dân chúng, nhất là với người nghèo, chúng ta – giám mục, linh mục, chủng sinh – phải tránh tự đặt mình (hay cho phép người ta đặt mình) vào vị trí cao xa trên dân chúng. Sự kiện Đức Giêsu đến bên giếng trước khi người phụ nữ đến đó là một sự kiện thú vị. Ngài biết giếng ấy là nơi chị ấy lui tới, và có thể nói Ngài đã ‘đón lõng’ chị ấy. Là giám mục, chúng ta có biết những cái ‘giếng’ mà các linh mục của mình hay lui tới không? Là nhà đào tạo ở chủng viện, chúng ta có biết những cái ‘giếng’ mà các chủng sinh của mình hay lui tới không? Diễn giả hóm hỉnh pha trò: Các bà vợ có biết chồng mình hay lui tới những ‘giếng nước’ nào không? Hãy bắt chước Đức Giêsu, đi tới trước và đón lõng chồng mình ở đó, nói với chồng rằng ‘Cho tôi uống với!’ (cười) Và các linh mục có biết giám mục của mình hay lui tới ‘giếng nước’ nào không? (cười)…

Thứ hai, giếng Giacóp, nơi Đức Giêsu đến và gặp gỡ người phụ nữ ấy, thuộc thành Sika, xứ Samaria. Đây là địa danh cừu địch đối với người Do thái. Nhưng Đức Giêsu không suy nghĩ và ứng xử như thói thường của người Do thái. Ngài đã gặp người phụ nữ, rồi gặp dân chúng địa phương, và đã ở lại đó với họ hai ngày. Không có chút dấu vết nào về sự kỳ thị, phân biệt trong hành động của Đức Giêsu. Ta để ý trong cuộc chuyện với người phụ nữ, Ngài tuyên bố rằng Thiên Chúa sẽ được tôn thờ cách đích thực trong tinh thần và trong sự thật, chứ không ở núi này hay núi kia nữa. Thế giới này dù có lộn xộn đến đâu, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện trong nó để chữa trị nó. Đức Giêsu không bị nhiễm bẩn khi lăn xả vào những nơi phức tạp, ngổn ngang vấn đề. Người thừa sai của công cuộc Tân Phúc âm hóa cũng phải biết ‘xông pha trận mạc’ với cái nhìn lạc quan, bao dung, không đố kỵ – như cái nhìn của Đức Giêsu. Và người ta chỉ có thể nhìn như vậy khi có khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ngay giữa những vấn đề rối rắm của con người và thế giới hôm nay. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Bằng cách nào chúng ta có thể đào tạo để các chủng sinh không mang thái độ hiềm thù đối với những kẻ khác, nhất là những người chống lại mình?

Thứ ba, Đức Giêsu năn nỉ người phụ nữ cho Ngài nước uống. Khi nói “Này chị, xin làm ơn cho tôi nước uống!”, Đức Giêsu đã đặt mình ở thế phụ thuộc vào người khác, cần đến người khác. Đây không phải là một ‘sách lược’ để chiêu dụ người ta, mà đây là thái độ khiêm tốn chân thành nhìn nhận những điểm mạnh, điều hay nơi người ta. Rõ ràng Đức Giêsu đang không có gàu, không có nước, và rõ ràng là Ngài đang khát! Trong sứ mạng loan báo Tin Mừng và trong sứ vụ mục vụ, đôi khi chúng ta thiếu khả năng lắng nghe và học hỏi người ta, chỉ coi mình là người cho chứ không bao giờ là người nhận. Đôi khi chúng ta quá nhanh nhẩu lên tiếng để dạy, để giải thích, mà không chịu lắng nghe cho đủ. Chúng ta là những ‘ông biết hết’ và luôn có câu trả lời rất nhanh cho mọi vấn đề! Và đó là một đầu mối của thất bại. Cách tiếp cận đầy chân thành khiêm tốn của Đức Giêsu ở đây đã đem lại một kết quả thật ngoạn mục: Bằng cách năn nỉ xin người phụ nữ cho mình nước uống, Đức Giêsu đã giúp chị nhận ra Ngài và tha thiết xin Ngài ban cho chị nước hằng sống!  

Thứ tư, Đức Giêsu nói với người phụ nữ sự thật về chị và về tình trạng hôn nhân của chị. Việc nói lên những sự thật không đẹp đẽ lắm thường gây mất lòng. Nhưng ở đây không xảy ra mất lòng, vì Đức Giêsu đã nói sự thật không phải để tố cáo, tấn công người ta, trái lại, Ngài giúp người phụ nữ ý thức sự thật về chị – và Ngài đã nói lên như vậy với tất cả sự tôn trọng và yêu thương. Ai cũng cần nhìn nhận sự thật về mình, vì đó là khởi điểm của mọi sự thay đổi cần thiết; nhưng điều vô cùng quan trọng là khi giúp người ta nhìn nhận sự thật về chính họ, ta phải làm điều ấy với lòng tôn trọng và yêu thương. Người phụ nữ đã nhận được sự tôn trọng và yêu thương ấy của Đức Giêsu, và chị đã nhận ra Ngài là Mêsia, Đấng Cứu Độ.

Thứ năm, vừa khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia, người phụ nữ ngay lập tức trở thành người loan báo Tin Mừng. Chị quên vò nước, quên cả công việc mình đang làm, chị tất tả chạy về làng để báo tin vui này cho mọi người. Lời loan báo của chị đã đẩy người ta đến gặp trực tiếp Đức Giêsu, để rồi chính họ xác nhận: “Giờ đây chúng tôi tin không phải vì những lời chị nói, mà vì chúng tôi đã đích thân gặp Ngài”. Dân làng đón tiếp Đức Giêsu, và Ngài đã lưu lại với họ hai ngày. Thật không thể có một kết quả nào mỹ mãn hơn! Công cuộc Tân Phúc âm hóa của chúng ta hôm nay cũng không nhắm gì khác ngoài thúc đẩy người ta đến gặp trực tiếp Đức Giêsu và trực tiếp kinh nghiệm về Ngài. Với động lực đúng đắn, với tinh thần và thái độ phù hợp, ta cũng sẽ dễ dàng biến người nghe Tin Mừng lập tức trở thành người loan báo Tin Mừng – như điều đã xảy ra trong câu chuyện giữa Đức Giêsu và người phụ nữ ấy. Đó chính là tiến trình loan báo Tin Mừng kiểu mẫu cho chúng ta hôm nay.

2. Trong ánh sáng của Tông huấn Evangelii Gaudium

Đức Hồng y thuyết trình viên dành phần thứ hai của bài trình bày để rút ra những minh họa từ Tông huấn EG của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài nêu bốn điểm:

Thứ nhất, kiểu thức Phúc âm hóa cổ điển nhất và luôn hợp thời là tiếp xúc cá nhân. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ Samaria là một cuộc tiếp xúc cá nhân như vậy. Cuộc gặp gỡ ấy cho thấy nó có thể xảy ra trong bất cứ biến cố đời thường nào. Tiếp xúc cá nhân là bối cảnh cho thấy rõ tầm quan trọng của yếu tố con người. Tin Mừng phải được gặp thấy qua con người của người loan báo. Đây là một tiến trình “từ trái tim tới trái tim”. Điều này giả thiết tính chân thực (authenticity) nơi người loan báo. Tính chân thực nơi Đức Giêsu đã thúc đẩy tính chân thực nơi người phụ nữ; và đến lượt chị, tính chân thực nơi chị đã chinh phục sự lắng nghe của dân làng.

Thứ hai, bài giảng lễ là một hình thức rao giảng loại biệt. Một cách để định nghĩa bài giảng lễ, đó là: nhận xét về đời sống của dân chúng trong ánh sáng của Lời Chúa. Trong ý nghĩa này, rõ ràng có hai điều kiện quan trọng để bài giảng lễ nên hữu hiệu: một là, người giảng thuyết phải nội tâm hóa Lời của Chúa (tức vấn đề tiên quyết ở đây không phải là những kỹ thuật, kỹ năng, mà là niềm xác tín của người giảng thuyết, nghĩa là Lời Chúa được sống thực sự bởi anh ta); hai là, phải loan báo Lời Chúa trong bối cảnh của dân chúng (điều này giả thiết sự dấn thân gặp gỡ, chia sẻ, đồng cảm của người giảng thuyết đối với dân chúng, như cung cách của Đức Giêsu trong câu chuyện gặp gỡ người phụ nữ Samaria). Ở đây diễn giả ghi nhận rằng nhiều nhà giảng thuyết lục tìm trong tiểu thuyết, trong phim ảnh những câu chuyện để minh họa cho bài giảng của mình; điều này không dở, nhưng coi chừng mất thời gian quá nhiều để đọc truyện, xem phim… còn đâu thời gian cho mục vụ! Cách hay hơn chắc hẳn là: cứ đến với dân chúng và rút ra những câu chuyện từ những cuộc gặp gỡ cá nhân với họ, những câu chuyện này sống động và nóng hổi hơn nhiều.

Thứ ba, một Giáo hội đích thực loan báo Tin Mừng là một Giáo hội mở rộng vòng tay ôm lấy tất cả, không trừ ai. Nhưng ở đây có một mối ưu tiên: ưu tiên chọn lựa người nghèo. Mối ưu tiên này của Hội Thánh, như Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận, thực sự là một phạm trù thần học trước khi là một phạm trù văn hóa, xã hội, chính trị hay triết học. Công cuộc Tân Phúc âm hóa ngày nay nói chung, và công cuộc đào tạo linh mục trong nhãn giới ấy nói riêng, phải luôn luôn được định vị trong sự chọn lựa ưu tiên này. Và khỏi phải nói, chọn lựa người nghèo vẫn mãi là một thách thức đối với người làm mục vụ. Về điểm này, trong phần ‘open forum’, có linh mục hỏi: “Việc ưu tiên chọn lựa người nghèo rất có thể dẫn đến những trường hợp bị chính người nghèo lợi dụng?” Đức Hồng y thuyết trình viên đã trả lời: “Chuyện đó không tránh được. Tuy nhiên, theo nhận xét riêng của tôi, khi anh ‘đi’ với nhà giàu, đại gia, họ hào phóng với anh nhưng cũng thường xuyên lợi dụng anh đó chứ, thường xuyên hơn so với người nghèo, phải không?”   

Thứ tư, những cám dỗ đối với người làm mục vụ mà Đức Thánh Cha nêu trong Tông huấn EG nhất thiết cần phải được vượt qua, nếu muốn có được công cuộc Tân Phúc âm hóa đích thực. Những cám dỗ đó là: thái độ ích kỷ và lười biếng thiêng liêng, thái độ bi quan yếm thế, và tính thế tục thiêng liêng. Tất cả những cám dỗ này ‘đánh’ vào các mục tử (linh mục, giám mục) cách riêng, vì thế công cuộc đào tạo ở chủng viện cần được định hướng sao cho giúp các ứng viên thắng vượt các cám dỗ này.

Tóm lại, điều mà Giáo hội cần một cách khẩn thiết hôm nay để có thể đi vào một công cuộc Tân Phúc âm hóa hữu hiệu, đó là một tiến trình hoán cải mục vụ. Tiến trình này phải được thấy trong đời sống chủng viện hôm nay, và phải là yếu tố định hướng cho công cuộc đào tạo linh mục.

Thiên Phong ghi

(Pattaya, 12.11.2014)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30