ĐÂU LÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỴ NẠN NĂM 2018 ?

Written by xbvn on Tháng Ba 29th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Tý Linh

Với Sứ điệp cho Ngày thế giới Di dân và Tỵ nạn, 14/1/2018, phải chăng Đức Phanxicô đang mở ra những hướng nghiên cứu mới cho việc đón tiếp người di cư ?

Với Sứ điệp này, Đức Phanxicô tiếp nối đường hướng của các vị tiền nhiệm, là Đức Bênêđíctô XVI, Đức Gioan Phaolô II và Đức Phaolô VI. Về quyền  tỵ nạn, về quyền tự do di cư và những hạn chế của nó bởi Nhà nước, về quyền đoàn tụ gia đình, về sự ưu tiên rõ rệt cho việc hội nhập hơn là đồng hóa, Đức Phanxicô không nói điều gì khác với các vị tiền nhiệm của mình, nhưng ngài nói những điều đó mạnh mẽ hơn, bằng những công thức gây ấn tượng mạnh hơn, và ngài cho ta thấy những vấn đề này chạm đến ngài cách cá nhân là thế nào. Làm như thế, ngài khuyến khích toàn thể Giáo hội chú tâm và hành động cách quảng đại đối với người di cư và tỵ nạn, vì, đối với Giáo hội, việc di cư là một « dấu chỉ của thời đại ».

Thế nhưng, Sứ điệp năm 2018 cho thấy một đặc điểm mới mẻ, đó là dành thời gian thể hiện cách cụ thể những xác tín quan trọng của giáo huấn xã hội của Giáo hội về di cư và người di cư. Sứ điệp được cấu trúc bằng 4 động từ : đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến, hội nhập. Qua bốn động từ này, Sứ điệp liệt kê một loạt các đề xuất hành động cụ thể, nhằm đồng hành với kinh nghiệm di cư và cải thiện các điều kiện của nó.

Xét đến hoàn cảnh hiện tại, đón tiếp trước hết có nghĩa là mang lại cho người di cư và tỵ nạn nhiều khả năng nhập cảnh an toàn và hợp pháp hơn vào các nước nơi đến. Theo nghĩa này, một sự dấn thân cụ thể là đáng mong ước để việc cấp thị thực nhân đạo và đoàn tụ gia đình được mở rộng và đơn giản hóa. Sứ điệp trình bày nền tảng của việc đón tiếp : « Nguyên tắc ‘con người là trung tâm’, được khẳng định cách mạnh mẽ bởi vị tiền nhiệm kính mến của tôi là Đức Bênêđíctô XVI, bó buộc chúng ta luôn đặt an ninh của nhân vị trước an ninh quốc gia ». Đặt « an ninh » của nhân vị trước « an ninh quốc gia », đó thực chất là đặt phẩm giá của nhân vị lên trước, như một giá trị không bao giờ được quên. Và, tôn trọng an ninh của nhân vị, tôn trọng phẩm giá của họ, đó là tìm cách thăng tiến một sự đón tiếp và những điều kiện rõ ràng lưu tâm đến giá trị nền tảng này mà Giáo hội hết sức tha thiết.

Lời kêu gọi bảo vệ thực tế là lời mời gọi quan tâm đến hoàn cảnh dễ bị tổn thương của những người buộc phải di cư, và cách riêng, mời gọi cấp một quy chế tỵ nạn cho người cần được bảo vệ, theo nghĩa chuyên môn của Công ước Genève.  Đó là bảo vệ các quyền và phẩm giá của mỗi nhân vị, được coi là như vậy chứ không chỉ theo các hạng mục và Nhà nước gán cho họ ; đảm bảo một sự tự do đi lại ở nước đón tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận việc làm và các nguồn lực ; và cuối cùng là bảo vệ các trẻ vị thành niên bằng các thủ tục thích hợp.

Với động từ « thăng tiến », Sứ điệp đề cập toàn bộ các điều kiện tương tác giữa người di cư và tỵ nạn và các cộng đồng đón tiếp, để cả hai đều có thể khai triển tiềm năng của mình, thực hiện tốt nhất ơn gọi làm người của họ như được Thiên Chúa muốn. Đó là một cách thức khá mới mẻ đề cập điều mà chúng ta hiện nay gọi là « hội nhập ».

Nhưng, bên cạnh tiến trình hội nhập, lời kêu gọi « thăng tiến » còn liên quan nhiều hơn đến vấn đề điều kiện sống của người di cư và tỵ nạn nơi các nước đón tiếp, về khả năng của họ trở nên tự lực.

Qua từ « hội nhập », Sứ điệp của Đức Phanxicô hiểu mặt kia của việc hội nhập, tiến trình lâu dài này qua đó chính xã hội đón tiếp sẽ được « hội nhập » cách hữu hiệu, và được thống nhất. Do đó, vấn đề là làm việc về trao đổi văn hóa, xây dựng một quyền công dân vững chắc và chia sẻ, trong đó giả thiết hành trình hợp pháp hóa cần thiết.

Sứ điệp năm 2018 của Đức Phanxicô nỗ lực đưa ra một cách cụ thể các biện pháp và những sáng kiến để những xác tín của Giáo hội mang lại hoa trái thực sự. Vì thế, Sứ điệp này đối thoại với các Nhà nước vốn phải thực hiện các biện pháp được đề nghị, đặc biệt nhằm hướng tới thỏa thuận về « Global Compacts » (Hiệp ước toàn cầu) của Liên Hiệp Quốc, cho người di cư và tỵ nạn, được dự kiến vào cuối năm 2018. Việc đối thoại cũng được dự kiến với xã hội dân sự (chẳng hạn đối với các hành lang nhân đạo), và cũng như với các cơ quan trung gian (các tổ chức và cơ quan  liên quan đến người di cư và tỵ nạn). Các biện pháp được đề xuất biểu lộ một sự khác biệt, iít nhất là một gợi ý thay đổi các chính sách di cư, đặc biệt của Châu Âu.

Đức Phanxicô rất ý thức về những dè dặt, thậm chí là những chống đối, mà những đề nghị này khơi dậy. Chính Đức Gioan Phaolô II đã tự hỏi, vào năm 1996 : « Vấn đề là phải biết làm thế nào liên kết với công cuộc liên đới này các cộng đồng Kitô hữu thường bị chinh phục bởi một dư luận đôi khi thù nghịch với người nhập cư ». Và ngài đã đưa ra câu trả lời : « Khi sự hiểu biết vấn đề bị điều kiện hóa bởi những thành kiến và những thái độ bài ngoại, Giáo hội không được quên làm cho tiếng nói về tình huynh đệ được lắng nghe, bằng việc đi kèm theo nó bằng những cử chỉ chứng thực sự trỗi vượt của lòng bác ái » (Sứ điệp cho Ngày thế giới Di dân và Tỵ nạn năm 1996).

Một sứ điệp cho Ngày thế giới di dân và tỵ nạn không phải là một thông điệp… Đúng hơn, đó là một sự khích lệ, như cung giọng và văn phong của Sứ điệp năm 2018 cho thấy. Đức Phanxicô trước tiên nói với tất cả những ai không dửng dưng với câu chuyện và cuộc sống của người di cư, hiện đang nhiều như thế trong thế giới của chúng ta. Và ngài nói với họ để khích lệ họ, và giúp đỡ họ đào sâu những gì họ đã và đang làm để gần gũi với người di cư, tìm thấy niềm vui trong phẩm chất của sự đón tiếp và lòng hiếu khách của chúng ta.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Le Centre de Recherche et d’Action Sociales (Ceras))

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31