ĐCV HUẾ: MỤC VỤ THỨ BẢY TUẦN THÁNH VÀ ĐẠI LỄ PHỤC SINH TẠI GIÁO XỨ KHE SANH

Written by xbvn on Tháng Tư 8th, 2024. Posted in Đại Chủng Viện Huế

“Đẹp thay bước chân người đi loan báo Tin Mừng, người đã lên đường tiến vào giữa lòng thế giới, trời xanh bao la, gió reo í a lồng lộng, ngại chi gian khó, …” Những ca từ ý vị của bài hát “Loan Báo Tin Mừng” (Nhạc: Thế Thông, Lời: Gm Nguyễn Năng) như dìu bước chân Đoàn mục vụ Khe Sanh lên đường đến với bà con giáo dân nghèo ở “vùng ngoại biên” của TGP Huế, vào sáng sớm ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, 30/3/2024.

Đoàn ra đi với 7 thầy chủng sinh đến từ 4 giáo phận cùng sự đồng hành của cha Giuse-Giám đốc Đại Chủng viện. Với ý hướng ra đi không chỉ để loan báo Tin Mừng Chúa sống lại, nhưng còn để tìm được niềm vui đích thực ngang qua cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh nơi những con người nghèo khó tại vùng đất đầy nắng và gió. Chẳng phải là mang Chúa đến, nhưng là để tìm gặp Chúa, vì Chúa đã luôn ở với bà con rồi.

“Địa cầu đầy Thánh Thần Chúa, dù đường dài đi tới đâu đã có Thánh Thần ở đấy trước người…” Thánh lễ Vọng Phục Sinh diễn ra trước khoảng sân của ngôi nhà nguyện nhỏ bé, mộc mạc nơi lưng chừng đồi, phía trước là núi cao, phía sau là vực thẳm. Trong ánh hoàng hôn của đại ngàn, nến phục sinh được dương cao, rước về từ ngọn đồi trước mặt. Đoàn người giáo dân lam lũ, vất vả tiến bước trong niềm vui sướng hân hoan. Sự háo hức tỏ lộ trên khuôn mặt những em nhỏ trong sáng, hồn nhiên, nơi những cụ ông cụ bà, lọm khọm bước đi mà khuôn mặt rạng ngời niềm hạnh phúc, vì một lẽ: “Hôm nay, Chúa đã sống lại – hôm nay, Chúa đến thăm dân Người”.

Giữa núi rừng, những bông hoa Trẩu nở rộ, điểm xuyến những ánh trắng tinh khôi trên nền xanh bát ngát. Màu trắng, màu của phẩm phục đại lễ, màu của ánh sáng, màu của Đấng Phục Sinh làm cho thánh lễ thêm phần trang trọng. Thiên nhiên cùng với con người cất cao lời chúc tụng Đấng Chiến Thắng Tử Thần – vì trong cõi trời đất này, con người nào cũng đã từng sinh ra nhưng chỉ có duy nhất mình Ngài đã sống lại. Alleluia! ( Trích từ bài giảng của Cha Giuse trong thánh lễ). Chính cha chủ tế đã hái một nhành hoa Trẩu để minh họa trong bài giảng của ngài. Thật đặc sắc!

Sáng hôm sau, Đại lễ Phục sinh diễn ra trong vườn mít, cạnh ngôi nhà sàn của bà con Của Hướng Lộc. Từng lớp người, già trẻ lớn bé, gái trai xúm xít đến tham dự thánh lễ. Chẳng có ghế, chẳng có bàn, mọi thứ giản dị, đơn sơ như không khí của buổi sáng phục sinh: Không rực rỡ pháo hoa, không linh đình náo động, mà từ bên trong phát xuất một nguồn sống mới tràn ngập khắp địa cầu.

Xúc động làm sao, cụ bà kia ở làng xa, nghe biết các cha, thầy đến dâng lễ, bà dậy sớm, chọn những hạt nếp nương đẹp nhất, chắc nhất để nấu cho được một giò xôi thật dẻo, thật thơm để mời khách quý. Lễ vật bà mang đến cho Chúa là một đức tin đơn sơ, chân thành mà vững chãi như núi như rừng. Niềm vui phục sinh của bà là được xưng tội, được nghe lời Chúa nói, được rước Chúa vào lòng, được tham dự thánh lễ, được sẻ chia chút đặc sản vườn nhà để bổ sức cho những “người thợ trong vườn nho của Chúa”.

Chuyến hành trình “lên cao” khép lại với chuyến tham quan cửa khẩu Lao Bảo. Các thầy chọn cho mình vài món quà lưu niệm theo “kiểu chủng sinh” như “xà bông, nước giặt, kem đánh răng, đôi dép…” những vật phẩm giản dị biết bao nhưng sẽ là hành trang cho chặng đường dài tu học và biết đâu sẽ hữu ích cho những chuyến đi sau?

Trong ánh hoàng hôn của Kinh Thành Huế, đoàn trở về Đại Chủng viện với nhiều niềm vui và hy vọng.

Phía trong nhà nguyện đã vang lên bài thánh thi Kinh Chiều II của ngày đại lễ.

Phêrô Nguyễn Thành Công (Lớp Tu Đức)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31