ĐCV HUẾ: TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU VÀ ĐÀNG THÁNH GIÁ CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI
“Chúng ta là ai trong vụ án của Chúa Giêsu? Dường như tất cả các nhân vật xuất hiện trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đều có hình ảnh của mỗi người chúng ta…Chúng ta hãy dừng lại trước ngôi mồ Chúa, để khám phá ra con người của mình. Xin cho Máu của Chúa Kitô, cuộc Thương Khó và Thập Giá của Người cảm hóa và giúp chúng ta trở lại đúng con đường mà Chúa Giêsu đã chờ đợi chúng ta.”
ĐÀNG THÁNH GIÁ
THỨ SÁU TUẦN THÁNH NĂM 2024
CHỦ ĐỀ: CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI
PHẦN I. KHAI MẠC
- Lời nguyện mở đầu
Kính thưa cộng đoàn, trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 239 Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Qua việc rao giảng Đức Giê-su Kitô, Đấng là hiện thân của hòa bình (Ep 2,14), công cuộc Tân Phúc Âm hóa thôi thúc tất cả những ai đã được rửa tội trở thành những người kiến tạo hòa bình và là những chứng nhân đáng tin cậy về một cuộc sống được hòa giải”.
Giờ đây, chúng ta sẽ cùng đi lại con đường khổ giá của Chúa Giê-su năm xưa. Kết hiệp với toàn thể Hội Thánh trong chiều cực thánh này, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm và suy niệm từng nỗi thương khó Chúa đã chịu để ban ơn cứu độ cho con người. Tuy nhiên, trong những giờ phút linh thiêng này,“điều nổi bật hơn cả không phải là các đau khổ nhục nhằn của cuộc Thương Khó, nhưng là vinh quang của thánh giá, vì mỗi lần Giáo Hội tưởng niệm Chúa đã chịu chết thì đồng thời cũng tuyên xưng Người đã phục sinh.”[1]
Chúng ta cùng dâng lên Chúa bao nhiêu tâm tình ăn năn thống hối, đồng thời hiệp lòng cầu nguyện cho toàn thể Giáo Hội, cho thế giới, cho từng gia đình, cộng đoàn và cá nhân mỗi người được ơn biến đổi sâu xa nhờ tham dự cách tích cực vào huyền nhiệm rất cao cả này khi xác tín rằng: con đường thập giá không phải là con đường của bạo lực nhưng là con đường của hòa bình; không phải là nẻo đường của giận dữ, căm phẫn nhưng là con đường của tình yêu, tha thứ; không phải là nỗi ô nhục, thất bại ê chề nhưng là niềm hãnh diện của những người môn đệ bước theo Thầy Chí Thánh. Xin cho hòa bình sớm lặp lại trên thế giới, trong lòng Giáo Hội, và trong trái tim mỗi con người.
“Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thánh giá Chúa, hát mừng Ngài sống lại hiển vinh; ấy chính vì bởi cây thập giá, niềm hân hoan tràn ngập địa cầu (điệp ca).
***********
PHẦN II. SUY NIỆM 14 CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ
- Chặng thứ nhất: Chúa Giê-su chịu xử án
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo Thánh Gio-an
“Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính Ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Ông Phi-la-tô nói với Người: “Sự thật là gì?” (Ga 18, 37-38)
Suy niệm: Chặng đàng thánh giá chiều nay khởi đi với câu hỏi đặc biệt mà tác giả Tin Mừng đã hữu ý đặt vào miệng của Phi-la-tô: “Sự thật là gì?”. Phi-la-tô là người đại diện cho chính quyền Rô-ma, ông có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh Chúa Giê-su, Ba-ra-ba hay bất kì ai vào thập giá, bởi ông nắm trong tay quyền phân xử, phán quyết của ông là công lý.
Quyền hành thường đi liền với nghĩa vụ. Nghĩa vụ của những người có quyền là tôn trọng và bảo vệ sự thật. Nhưng nếu kẻ nắm quyền đã không dấn thân hết mình để bảo vệ sự thật thì mọi chuyện sẽ thế nào? Lịch sử đã cho thấy, nhiều cuộc chiến tranh diễn ra chỉ bởi vì các bên liên quan đã không tôn trọng sự thật. Họ tìm cách bóp méo, xuyên tạc hay phủ nhận sự thật và hậu quả là một cuộc chiến tranh gian dối, phi nghĩa nhấn chìm tất cả các nạn nhân của nó vào đại dương chết chóc.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong thông điệp Fratelli Tutti nói: “Sự thật là một bạn đồng hành không thể tách rời của công lý và lòng thương xót. Cùng với nhau, cả ba đều thiết yếu để xây dựng hòa bình” (226)
Cuộc tử đạo của thánh giám mục Óscar Romero ở El Salvador năm 1980 là một minh chứng sống động. Trong vai trò của vị chủ chăn, Ngài trở thành tiếng nói của đoàn chiên. Ngài buộc phải chọn lựa, hoặc che dấu sự thật để bảo toàn mạng sống, hoặc nói sự thật và phải chết. Những giọt máu của vị anh hùng tử đạo là câu trả lời hùng hồn nhất. Ngài đã chọn sống thật và dám chết để bảo vệ Sự Thật.
Chúa Giê-su, Đấng đã gọi mình là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” cũng muốn đưa những người bạn hữu của Ngài vào một tình huống đầy thách đố như thế. Đứng trước những chọn lựa trong cuộc sống, Ngài muốn chúng ta tự chất vấn chính mình: “Sự thật là gì?”.
- Chặng thứ hai: Chúa Giê-su vác Thánh giá
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo thánh Gioan
“Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha” (Ga 19, 16-17)
Suy niệm: Trong bộ phim “Cuộc thương khó của Chúa Giê-su” có một chi tiết rất đặc sắc mà Tin Mừng không ghi lại, nhưng hầu chắc chúng ta có thể tin là Chúa Giê-su đã làm thế đó là hình ảnh Chúa Giê-su ôm chầm lấy cây thập giá và hôn nó như hôn một người rất yêu dấu vậy. Không ai ở đó có thể hiểu được hành động Chúa Giê-su vừa làm, họ gọi Chúa là “tên điên” và cười nhạo Chúa “tại sao mày lại hôn thập giá chứ?”
Dù chấp nhận hay không, cuộc sống của con người cũng đầy những nỗi khốn khó. Mỗi người có một thập giá riêng để vác đi trong đời, đó là một trong những chân lý đơn giản nhưng khó chấp nhận nhất. Chẳng ai muốn đối diện với vấn đề, nhưng rồi tránh né các vấn đề lại là vấn đề lớn nhất cần phải giải quyết. M.Scott Peck, tác giả cuốn “Con đường chẳng mấy ai đi”, nói rằng: “Xu hướng tránh né các vấn đề và tránh né nỗi khổ sở do các vấn đề chính là căn chứng của mọi thứ bệnh tâm thần nơi người ta. Vì đa số chúng ta ít nhiều đều có xu hướng này nên đa số chúng ta đều ít nhiều bị suy nhược tâm thần, không có được một tâm thần hoàn toàn lành mạnh…rối loạn tâm thần tự nó trở thành vấn đề khó khăn nhất.”[2]
Trong cuộc khổ giá, tuy xác thân đã bị bầm dập vì bao cực hình, lại phải chịu bao tổn thương do bị phản bội, bỏ rơi, nhục mạ nhưng thật sự Chúa Giê-su là người bình an nhất, tinh thần Ngài rất vững mạnh. Ngài không để cho đau khổ nhấn chìm mình, nhưng Ngài ôm lấy nó và vác nó lên vai. Ngài đang ở trạng thái đỉnh cao của tình yêu trên con đường thập giá.
- Chặng thứ ba: Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ nhất
Lời Chúa: Trích sách tiên tri Isaia
“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53,5)
Suy niệm: Người nào chỉ bước đi với nỗi thù hằn, giận dữ thì chỉ chất chứa nơi mình những cảm xúc tiêu cực. Ngược lại, Chúa Giê-su bước đi với tình yêu. Một con tim đang yêu thì có dư đầy những cung bậc cảm xúc. Trên con đường thập giá, Chúa Giê-su hiểu chúng ta hơn chính bản thân mỗi người.
Nhưng cũng chính vì một con tim còn đang đập những nhịp đập mạnh mẽ của tình yêu như thế nên Chúa Giê-su có đủ sức để vực dậy sau khi vấp ngã. Vì đã ngã nên Ngài hiểu sự mong manh, yếu đuối của phận người. Nhưng Ngài đã đứng lên để minh chứng cho con người thấy sức mạnh của tình yêu và niềm hi vọng. Thật là một niềm an ủi và khích lệ biết bao khi biết rằng vào một chiều thuở ấy, Con Thiên Chúa đã ngã xuống để đứng lên cùng với nhân loại tội tình!
- Chặng thứ bốn: Đức Mẹ gặp Chúa Giê-su
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo Thánh Gio-an
“Đứng gần thập giá Chúa Giê-su có thân mẫu Người, chị của thân mẫu bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Ma-đa-lê-na. Khi thấy thân mẫu và các môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng. Thưa Bà đây là con bà. Rồi Người nói với môn đệ rằng. Đây là Mẹ của anh. Kể từ giờ đó người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga 19,25-27)
Suy niệm: Trong thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói : “Điều quan trọng là không chọc khuấy giận dữ, điều vốn không tốt cho linh hồn chúng ta và linh hồn của những người khác, và cũng đừng bị ám ảnh với việc trả thù và hủy diệt người khác. Không ai đạt được sự bình an nội tâm hay trở về với một đời sống bình thường bằng cách đó”. (242)
Không có một mẫu gương nào chính xác và ý nghĩa hơn hình ảnh của Mẹ Ma-ri-a dưới chân thập giá. Cha Ronald Rolheiser trong cuốn “Cuộc Thương Khó và Thập Gía” đã viết: “Mẹ đã không ngăn cản việc đóng đinh Chúa, nhưng Mẹ đã ngăn chặn sự phát sinh thù hận, đau khổ, ghen ghét, vô tâm, giận dữ, những nguyên nhân liên quan đến việc đóng đinh Chúa Giê-su. Mẹ đã giúp ngăn chặn oán thù mà không chống cự lại. Mẹ đã biến đổi sự căm phẫn thay vì tác động nó…ở mức độ sâu xa, Mẹ đã làm tất cả những gì một người đứng dưới sức nặng của thập giá phải làm.”[3]
- Chặng thứ năm: Ông Si-mon vác đỡ Thánh giá Chúa Giê-su
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo thánh Máccô
Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Ðức Giêsu. (Mc 15, 21)
Suy niệm: Vác thập giá cho một tử tội chắc chắn là một trãi nghiệm rất khó chịu, nhục nhã và xấu hổ. Không riêng gì Si-mon, có lẽ tất cả chúng ta đều sẽ cảm thấy như thế khi chúng ta không biết rằng người mà mình đang giúp đỡ với rất nhiều sự khó chịu, bực tức hơn là tình yêu thương chính là Đấng Cứu Thế.
Nhưng trớ trêu thay, đó lại là việc quan trọng nhất mà Si-mon đã làm trong cuộc đời. Qua muôn ngàn thế hệ, cái tên Si-mon Ky-rê-nê sẽ được ghi nhớ mãi vì một lý do không thể xem thường: Ông đã vác thập giá đỡ Chúa Giê-su.
Đôi lúc những điều trái ý xảy đến lại là điều quan trọng nhất mà ta đã làm. Chúng ta không biết việc nào sẽ là việc quan trọng, nhưng như chị thánh Tê-rê-sa đã chỉ vẽ, ta hãy làm tất cả mọi việc, dù là những việc nhỏ bé nhất, với một tình yêu lớn, thì trước mặt Chúa đó đã là một việc vĩ đại rồi.
- Chặng thứ sáu: Bà Vê-rô-ni-ca lau mặt Chúa Giê-su
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo thánh Mátthêu
“Bấy giờ Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)
Suy niệm: Người nạn nhân tội nghiệp trong câu chuyện “người Sa-ma-ri nhân hậu” đã hóa nên một con người cụ thể đang quằn quại trong cơn đau trên đường thập giá. Bi đát thay, Vê-rô-ni-ca, một người phụ nữ tầm thường, người không đủ sức để cứu mình đã tìm thấy một nẻo đường và rồi chị vượt qua tất cả nỗi sợ hãi để tiến đến mà chăm sóc Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su đã đồng hóa mình với những người nhỏ bé, nghèo hèn và đau khổ nhất trong dòng lịch sử. Ngài trở nên rất gần gũi để chúng ta có thể đến gần Ngài mọi lúc mọi nơi. Ngài đã hạ mình xuống để chúng ta có thể giúp Ngài, để chúng ta tỏ lòng thương xót với Ngài, Ngài đã trở nên “người anh em bé nhỏ nhất” ở giữa chúng ta. Chúa Giê-su chỉ còn một việc là thách đố chúng ta về tình yêu dành cho Ngài. “Người thách đố chúng ta gạt những khác biệt qua một bên khi đứng trước đau khổ, để đến gần người khác mà không chần chừ nghĩ ngợi gì”(81).
Giữa đám đông quân lính dữ dằn, Vê-rô-ni-ca đã tìm thấy một “lối đi nhỏ, một con đường rất thẳng, rất ngắn và hoàn toàn mới mẻ”[4] để đến với Chúa Giê-su, đó là “con đường ngọt ngào của tình yêu” mà Chúa Giê-su mở ra cho những người bé nhỏ, cho người nghèo, cho mọi người.[5]
- Chặng thứ bảy: Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo thánh Luca
“Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,23-24)
Suy niệm: Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói:“ Con đường hòa bình không có nghĩa là làm cho xã hội thành đồng nhất một cách đơn điệu, nhưng làm cho người ta sát cánh làm việc với nhau, theo đuổi những mục tiêu phục vụ mọi người.”(228)
Chúa Giê-su không yêu cầu chúng ta vác một cây thập giá giống như Ngài và đi lên Núi sọ như Ngài đã đi. Đó là thập giá của Chúa, là con đường riêng mà Ngài phải đi để thi hành thánh ý Chúa Cha. Ngài mời gọi chúng ta chia sẻ sứ mạng với Ngài bằng cách vác lấy chính thập giá của chúng ta mỗi ngày và theo Ngài.
Hình ảnh Chúa Giê-su ngã xuống đất có thể khiến nhiều người cảm thấy xót xa, cay đắng. Một Thiên Chúa Làm Người giờ đây đang trở nên người hơn bao giờ hết, một con người bị đánh gục bởi gánh nặng và sự giới hạn của phận người. Một Thiên Chúa rất người như thế có gần gũi với kinh nghiệm của cuộc đời chúng ta?
Đức Bê-nê-đic-tô XVI, trong cuốn “Thiên Chúa và Trần thế”, đã nói: “Ai sẵn sàng chấp nhận đau khổ, người đó trưởng thành hơn, hiểu người khác hơn, là người hơn. Ai trốn tránh đau khổ, kẻ đó không hiểu tha nhân, sẽ trở nên vị kỷ, tàn bạo.”[6]
Trong những giây phút cuối cùng, Chúa Giê-su vẫn khao khát yêu thương và thấu hiểu nỗi đau của con người. Khi nỗi đau đã tới đỉnh điểm thì đau thêm một chút cũng chẳng còn ý nghĩa, nhưng trên con đường thập giá, Chúa Giê-su không trơ lì cảm xúc, không phải Ngài không còn biết đau. Trái tim Ngài luôn đau vì tình yêu.
- Chặng thứ tám: Chúa Giê-su an ủi những người phụ nữ nhân đức thành Giê-ru-sa-lem đi theo Người
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo Thánh Luca
“Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23, 27-28)
Suy niệm: Trong khi đang ở trong tình cảnh thảm thiết vô cùng, Chúa Giê-su vẫn “chạnh lòng thương” đối với những người phụ nữ đang khóc thương mình. Từ vị thế của người được thương hại, Chúa tỏ lòng thương xót với họ.
Lời chúc dữ của những người Do Thái trước tòa Phi-la-tô, “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25) dường như đã ứng nghiệm từ lúc ấy. Như một lời tiên báo, Chúa Giê-su nhắc nhở họ hãy khóc than cho chính thân phận mình, vì quả thật “họ đã không biết việc mình làm”.
Chặng đường thập giá không chỉ nhắc nhở chúng ta về một sự kiện lịch sử là “người Do Thái đã đóng đinh Chúa Cứu Thế” nhưng trong ánh nhìn đức tin, thập giá tuyên bố chính mỗi người chúng ta cũng đã liên đới trong vụ đổ máu oan khiên của Chúa, nếu không muốn nói chính vì tội lỗi của chúng ta mà Chúa Cứu Thế đã phải chết. Chúng ta phải luôn biết khóc than cho chính mình. Đừng quên lãng điều đó!
- Chặng thứ chín: Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ ba
Lời Chúa: Trích sách ngôn sứ Isaia
“ Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy, người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.” (Is 52,14-15)
Suy niệm: Trong ánh nhìn đức tin, chúng ta hiểu rằng Chúa đã ngã xuống không chỉ vì gánh nặng của khổ giá trên vai nhưng còn vì sự đau khổ trong tâm hồn.
Thập giá chất chứa nơi nó tội lỗi của toàn thể nhân loại. Giả tưởng tội lỗi của mỗi người nặng chỉ 1g, thì tội lỗi của toàn nhân loại hàng tỉ người nặng đến mức nào?
Nhớ lại thuở ban đầu, khi Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành hình con người vinh quang, ban cho có sinh khí rồi đặt vào vườn địa đàng hạnh phúc. Giờ đây, con người lấy tội lỗi mình làm thành cây khổ giá khủng khiếp mà đè lên đôi vai của Chúa , rồi đẩy Chúa vào con đường thập giá ô nhục. Một sự báo đền thật mỉa mai! Chúa nâng con người lên từ bụi đất, con người xô Chúa ngã xuống bùn đen.
- Chặng thứ mười: Quân lính lột áo Chúa Giê-su
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo Thánh Gioan
“Lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được”. (Ga 19, 23-24)
Suy niệm: Tin vui chúng ta công bố ngày thứ sáu tuần thánh là sự hiệp nhất mà, trước khi là một mục tiêu phải đạt tới, đã là một món quà để đón nhận. Chiếc áo dài dệt liền “từ trên xuống dưới”, theo thánh Cypriano, có nghĩa là “sự hiệp nhất mà Chúa Kitô mang lại đến từ trên cao, từ Cha trên trời, và vì vậy, không thể bị phân chia bởi những người nhận nó, nhưng phải được đón nhận cách nguyên vẹn”[7]
Cũng như sự hiệp nhất, hòa bình không chỉ là kết quả của những nỗ lực lâu dài từ phía con người nhưng còn là món quà đến từ Chúa Giê-su trên thập giá, Đấng mà các sách ngôn sứ đã long trọng tuyên xưng là “Hoàng Tử Hòa Bình”.
Trong thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên diễn ra vào tối ngày 17/10/2018, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã chia sẻ: “Hòa bình được xây dựng bởi những lựa chọn hằng ngày, bởi sự cam kết thiết thực trong việc phục vụ công lý và tình liên đới, bởi việc thúc đẩy nhân quyền và phẩm giá con người, và đặc biệt là sự chăm sóc cho những người yếu thế nhất. Nhưng trước hết, con người phải tin rằng hòa bình là một món quà đến từ Thiên Chúa.”[8]
Trong khi những người hữu trách đang làm những gì có thể để chấm dứt chiến tranh, chúng ta có thể cộng tác vào tiến trình này bằng lời cầu nguyện của mình mỗi ngày.
- Chặng thứ mười một: Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
“Khi đến nơi gọi là “Ðồi Sọ”, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái”. (Lc 23, 33)
Suy niệm: Sau chặng đường dài với bao nhiêu đau khổ, đã đến lúc Chúa Giê-su chấp nhận bị đóng đinh vào thập giá như cực hình sau cùng, tàn bạo, đau đớn và nhục nhã nhất.
Hình ảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá để biến cây khổ giá thành cây Thánh Giá trổ sinh hoa trái cứu độ quả là một hình ảnh tuyệt đẹp, có một không hai trong lịch sử nhân loại. Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ, chết chóc, của sự căm phẫn, thù hằn thì Chúa Giê-su đã không để điều đó tiếp tục lan tràn. Không còn ai phải là nạn nhân của thập giá là sự dữ và tội lỗi đưa đến cái chết. Tất cả con người đều sẽ phải bị đóng đinh vào thập giá đời mình mà chết, nhưng chính nhờ cái chết của Chúa Giê-su mà sau cái chết ấy con người sẽ được phục sinh để sống một đời sống mới.
Này đây Chúa Giê-su không chỉ vác thập giá trên vai, nhưng thân xác và khổ giá đã nên một, đến nỗi không thể tách lìa vì đã hiệp nhất trong tình yêu. Thật đây là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi, cả hai đã thành một xương một thịt”. Hình ảnh vô cùng huyền nhiệm về mầu nhiệm tình yêu. Giờ đây chúng ta không thể chọn lựa một Đức Kitô mà không có thập giá, hay chỉ thấy thập giá mà không nhìn ra Đức Kitô. Bước theo Chúa Giê-su là phải vác lấy thập giá, và vác lấy thập giá thì luôn có sự đồng hành của Chúa Giê-su.
- Chặng thứ mười hai: Chúa Giê-su chết trên Thánh giá
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo thánh Gioan
“Sau đó, Chúa Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Ta khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19,28-30)
Suy niệm: Chuyện kể rằng: Trong một trại tập trung giết người của Phát-xít Đức có một tù nhân trốn trại, và để trả thù, quân Phát-xít bắt một cậu bé, treo giữa công chúng để ai cũng xem thấy cảnh tượng rùng rợn này. Khi đứa trẻ bị treo lủng lẳng trên dây thừng, một người đàn ông cay đắng chửi thề: “Thiên Chúa bây giờ ở đâu?” Một người khác trả lời: “Thiên Chúa ở đó, trên sợi dây thừng”.
Từ trên thập giá, Chúa Giê-su đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa rằng: “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Chúa Giê-su không tỏ ra căm phẫn hay muốn trả thù những kẻ đang muốn giết Ngài. Chúa Giê-su chấp nhận cái chết đau đớn để nhờ cái chết của Ngài mà sự thù nghịch là ma quỷ sẽ bị tiêu diệt và nhờ đó Ngài có thể ban cho thế gian sự bình an đích thực như Ngài đã nói “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27) Sự bình an của Chúa Giê-su là kết quả của chiến thắng, nhưng là chiến thắng chính mình chứ không phải chiến thắng người khác, một cuộc chiến thắng thiêng liêng chứ không phải quân sự. Một con đường đưa tới hòa bình theo kiểu Giê-su.
Sự thù ghét sinh ra tranh cãi, lòng yêu thương khỏa lấp mọi tội tình.
- Chặng thứ mười ba: Tháo xác Chúa Giê-su xuống khỏi thập giá
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo thánh Mattheo
“Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxép, và cũng là môn đệ Đức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông”. (Mt 27,57- 58)
Suy niệm: Chúa đã chết. Trên thập giá giờ đây chỉ còn lại thân xác của một tên tử tội không hơn không kém. Nhìn vào đó, người ta nhìn thấy cái chết đau đớn, cô đơn, nhục nhã của kẻ thất bại vì tình yêu.
Những người môn đệ thầm lặng giờ đây công khai làm cho Chúa việc nghĩa cuối cùng. Tháo xác Chúa xuống khỏi thập giá đồng nghĩa với việc giờ đây họ không còn gì để ngước nhìn, không còn lý tưởng, chẳng còn niềm hi vọng.
Đây là thời điểm rất đặc biệt, Chúa để cho chúng ta can thiệp trực tiếp vào cuộc khổ nạn của Chúa. Chúa cho phép ta tách Chúa ra khỏi thập giá. Chúa cho phép ta tháo xác Chúa ra, mang Chúa xuống từ trên cao.
Thân xác Chúa giờ đây nằm trọn trong vòng tay của Mẹ Ma-ri-a từ mẫu, một thân xác bầm dập nhưng rất hiền lành, mãn nguyện vì “mọi sự đã hoàn thành”. Tháo xác Chúa xuống khỏi thập giá vì đã sắp đến ngày đại lễ, chẳng ai muốn nhìn thấy một xác chết như thế. Nhưng rồi chính thân xác ấy sẽ sớm phục sinh, mang lại một sự biến đổi vô cùng kì diệu vượt quá sức tưởng tượng của con người. Bởi vì “Đó là công trình kì diệu của Chúa, công trình kì diệu trước mắt chúng ta”.
- Chặng thứ mười bốn: Mai táng Chúa Giê-su trong mồ đá mới
Lời Chúa: Trích Tin Mừng theo thánh Gioan
“Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái. Nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giêsu ở đó”. (Ga 19,40-42)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã chết như một tội nhân nhưng đã được mai táng như một ông hoàng. Thân xác Chúa được tẩm thuốc thơm tho và đặt trong một ngôi mộ đá mới. Hạt giống đã được gieo vào lòng đất để chờ ngày trổ sinh bông hạt.
Từ khu vườn Ê-đen thuở nào, vì tội bất phục tùng, sự chết đã thâm nhập vào nhân thế, thì từ thửa vườn nơi an táng Chúa hôm nay, vì đã chôn cất xác thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã chết để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha mà sự sống mới được trao ban cho nhân loại.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Chúng ta phải là những nghệ nhân của hòa bình, vì xây dựng hòa bình là một nghệ thuật đòi phải có sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo. Gieo rắc sự bình an khắp xung quanh mình: đó là thánh thiện.”[9]
Hãy nhìn vào ngôi mộ đá lạnh lùng với đôi mắt của một nghệ nhân đức tin để nhìn thấy vẻ đẹp huy hoàng của công trình cứu độ Chúa đã thực hiện. Ngôi mộ ấy không chấm dứt sự nghiệp của Chúa Giê-su nhưng chất chứa đầy tình yêu, sự tha thứ, niềm hi vọng, nguồn sống mới bất diệt vốn là những trang bị hữu hiệu cho cuộc chiến đấu thực sự vì sự hòa bình vĩnh cửu trong nước trời mai sau.
PHẦN III. KẾT THÚC
Lời nguyện kết thúc:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã đi trọn con đường khổ giá để ban ơn cứu độ cho chúng con. Chúng con ý thức rằng, 14 chặng đàng thánh giá không chỉ là một biến cố của quá khứ, nhưng là một thực tại sống động trong đời sống của mỗi người. Chúa đã nói “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”(Lc 9,23). Cho nên, có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường thập giá.
Xin vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới đang quằn mình trong những đam mê, tội lỗi, đang bước đi trên những nẻo đường lầm lạc, những nẻo đường đưa đến sự chết khi chối từ Tin Mừng Tình Yêu của Chúa.
Chặng đàng thánh giá tối nay sẽ khép lại, nhưng trên thế giới, tiếng súng vẫn còn đang nổ, chiến tranh vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều nạn nhân vô tội vẫn đang bị cướp đi mạng sống hằng ngày. Hòa Bình vẫn là ước mơ của toàn thể nhân loại. Chúng con phó thác mọi sự cho sự quan phòng yêu thương của Chúa là Đấng mà chúng con xác tín rằng: không có Chúa, chúng con chẳng thể làm gì được và chỉ có Người mới mang lại sự hòa bình đích thật cho nhân loại.Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen
———————————————
[1] Nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, Nghi thức Tuần Thánh, Ý nghĩa thứ sáu tuần thánh tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, Nxb Tôn Giáo, 2022.
[2] M.Scott Peck, Con đường chẳng mấy ai đi-ấn bản kỉ niệm 25 năm, Lê Công Đức dịch từ nguyên tác The road less travelled, nxb Simon & Schuster, New York 2002.
[3] Ronald Rolheiser, THE PASSION AND THE CROSS, Nxb Đồng Nai, 2021, tr.102-103.
[4] Trích trong Tông huấn C’est la confiance, số 15.
[5] Ronald Rolheiser, Sđd., tr.102.
[6] Joseph Razinger, Thiên Chúa và Trần Thế, Nxb Tôn giáo, 2023, tr. 326.
[7] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Nxb Đồng Nai, Lm.Micae Trần Đình Quảng chuyển ngữ, 2020, tr.366.
[8] Trích Vatican News.
[9] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Hãy vui mừng Hoan hỉ, số 89.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- TRỰC TIẾP THÁNH LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ – BỔN MẠNG ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ NGÀY 22.11.2024
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024
- THIỆP MỜI BỔN MẠNG ĐCV HUẾ VÀ NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
- ĐCV HUẾ: TALKSHOW “CÂU CHUYỆN HUYNH TRƯỞNG”
- ĐCV HUẾ: HÌNH ẢNH KHAI MẠC GIẢI BÓNG CHUYỀN CUP XUÂN BÍCH 2024
- ĐCV HUẾ KHAI MẠC TRỌNG THỂ THÁNG MÂN CÔI
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: LỄ GIỖ 3 NĂM NGÀY CHA J.B. ETCHARREN QUA ĐỜI
- THÁNH LỄ TẠ ƠN HỒNG ÂN NGÂN KHÁNH LINH MỤC CỦA CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH
- KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024-2025, ĐCV HUẾ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: THÁNH LỄ KHAI GIẢNG NĂM TU HỌC 2024-2025
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: NGOẠI KHOÁ TÌM HIỂU LEGIO MARIAE
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: NGÀY TỰU TRƯỜNG 03.09.2024
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ TU SỬA VÀ XÂY MỚI CÁC CÔNG TRÌNH SINH HOẠT NĂM 2024
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO NĂM HỌC MỚI 2024-2025
- TĨNH TÂM XUÂN BÍCH VIỆT NAM 2024
- HÌNH ẢNH ĐCV HUẾ VÀ HỘI XUÂN BÍCH MỪNG 60 NĂM LINH MỤC QUÝ CHA PHÊRÔ NGUYỄN LÂN MẪN, G.B. NGUYỄN VĂN ĐÁN VÀ BARTÔLÔMÊÔ NGUYỄN QUANG ANH